OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA

Hình ảnh thiên nhiên Cảnh khuya và Rằm tháng Giêng

21/03/2022 943.59 KB 391 lượt xem 0 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2022/20220321/67631289765_20220321_134231.pdf?r=6954
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Bác Hồ có nhiều bài thơ tứ tuyệt đặc sắc, trong đó có bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng đã khắc họa lên bức tranh đêm trăng tuyệt đẹp ở chiến khu, đặc tả nét đẹp thiên nhiên tuyệt vời qua ngòi bút thơ đặc sắc. Tài liệu văn mẫu Hình ảnh thiên nhiên Cảnh khuya và Rằm tháng Giêng dưới đây sẽ giúp các em học sinh lớp 7 có thêm tài liệu ôn tập trên đồng thời giúp các em nắm rõ kiến thức về phần nội dung hai bài thơ này. Mời các em cùng tham khảo!

 

 
 

Hình ảnh thiên nhiên trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng

I. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý

II. DÀN BÀI CHI TIẾT

1. Mở bài

- Hồ Chí Minh là một nhà thơ yêu thiên nhiên.

- Hai bài thơ mà người sáng tác ở chiến khu Việt Bắc: Cảnh khuya và Rằm tháng giêng đã thể hiện hình ảnh thiên nhiên thơ mộng.

2. Thân bài

a. Hình ảnh thiên nhiên trong bài Cảnh khuya:

- Âm thanh: tiếng suối trong trẻo.

- Hình ảnh: trăng, cây cổ thụ, hoa...

- Vẻ đẹp: Cảnh như vẽ, hữu tình (điệp từ "lồng")

- Con người: Thao thức vì việc nước.

=> Vừa hài hòa với thiên nhiên, vừa nổi bật cao đẹp.

b. Hình ảnh thiên nhiên trong bài Rằm tháng Giêng:

- Hình ảnh: Trăng, sông, nước...

- Sắc thái: Sắc xuân tràn ngập.

- Con người: Bàn bạc việc quân...

=> Vừa là nhà quân sự tài ba, vừa là nhà thơ nhạy cảm, có trái tim rung động trước cảnh đẹp.

c. Nét chung và riêng:

- Nét chung: Cả hai bài thơ đều là bức tranh về trăng tuyệt đẹp. Nhà thơ yêu trăng và yêu quê hương đất nước.

- Nét khác biệt: Bài Cảnh khuya thể hiện niềm thao thức, trăn trở; bài Rằm tháng giêng là là tâm thế ung dung, vui tươi, tin tưởng...

3. Kết bài

- Hai bài thơ ngắn gọn, giàu ý nghĩa, bộc lộ tâm hồn cao đẹp của nhà thơ.

- Tuổi trẻ hôm nay đọc hai bài thơ của Người càng thêm yêu thơ Bác, yêu vẻ đẹp quê hương ta.

III. BÀI VĂN MẪU

Đề bài: Hình ảnh thiên nhiên trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng

Gợi ý làm bài

1. Bài văn mẫu số 1

Bác Hồ là nhà cách mạng lớn, một con người có nhân cách vĩ đại, và Người còn là một nhà thơ tài hoa, có lòng yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp. Ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm kháng chiến chống Pháp, Người có nhiều bài thơ tứ tuyệt đặc sắc, trong đó có bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng đã khắc họa lên bức tranh đêm trăng tuyệt đẹp ở chiến khu, đặc tả nét đẹp thiên nhiên tuyệt vời qua ngòi bút thơ đặc sắc.

Cả hai bài thơ trên đều được sáng tác trong một thời kỳ gian khổ của đất nước, thế nhưng ý thơ thật đẹp. Đặc biệt là bài thơ Cảnh khuya, viết trong một đêm trăn trở vì việc nước:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Cảnh thiên nhiên được cảm nhận bằng nhiều giác quan, mà đầu tiên là những âm thanh trong trẻo của tiếng suối khuya. Âm thanh tiếng suối vang lên trong đêm thật êm đềm như một "tiếng hát xa". Thủ pháp so sánh giản dị mà thật đắt. Nhà thơ đã ví von một âm thanh của thiên nhiên với một âm thanh vút cao của tiếng hát hay trong đêm khuya. Thật là độc đáo và giàu cảm xúc. Rồi từ âm thanh đó, bức tranh thiên nhiên mở ra với hình ảnh "Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa". Nào trăng vằng vặc soi xuống cổ thụ, rồi bóng cổ thụ lại âu yếm bao trùm lên những bông hoa nhỏ. Điệp từ "lồng" khiến cho ta cảm nhận được sự hữu tình, quấn quýt của phong cảnh thiên nhiên. Đây chính là nét đặc sắc trong bài thơ, thiên nhiên không vô tri vô giác mà tràn đầy cảm xúc. Thơ Bác vốn mang vẻ đẹp cổ điển, nhưng cũng có nét đẹp hiện đại như thế. Vì bức tranh thiên nhiên đẹp quá, nên nhà thơ phải thốt lên "Cảnh khuya như vẽ". Thiên nhiên đã khắc tạc nên từng nét đẹp tinh tế, còn thi sĩ thì đem nét đẹp ấy vào trong thơ, thể hiện một tâm hồn thanh cao, ung dung. Thế nhưng, thi sĩ không hẳn đang đắm mình vào cảnh đẹp mà quên đi giấc ngủ. Sự lý giải bất ngờ mang lại cho người đọc sự kính phục: "Không ngủ vì lo nỗi nước nhà". Như vậy, ta có thể thấy, hình tượng con người vừa hài hòa trong thiên nhiên, lại vừa nổi bật lên thật cao cả...

Cũng từ mạch cảm xúc viết về thiên nhiên của Bác trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Hồ Chí Minh còn có bài thơ Rằm tháng giêng rất đặc sắc:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân, nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Bức tranh đêm xuân thật là nên thơ với các chi tiết tả phong cảnh: trăng lấp lánh ánh vàng, sông dạt dào sóng nước và con thuyền trôi nhẹ nhàng trên dòng chảy êm đềm. Tất cả những chi tiết tưởng chừng quen thuộc ấy lại trở nên mới mẻ bởi điệp từ "xuân". Dòng sông chan chứa màu xuân, nước lấp lánh ánh xuân, và xuân nối đến bao la tận bầu trời khoáng đạt. Chỉ một chữ thôi mà cả bài thơ hữu tình, đẹp mùa xuân rung động lòng người. Đêm rằm của tháng giêng vừa trong sáng, vừa đẹp sâu lắng qua ngòi bút của Bác Hồ. Và con người xuất hiện cũng rất hài hòa trong cảnh vật, giữa mùa xuân đẹp, nhà thơ cũng là nhà cách mạng cùng những người đồng chí "bàn bạc việc quân". Dù bận bịu việc nước, thi sĩ vẫn không quên thưởng thức thiên nhiên tuyệt đẹp. Trên đường về, trời khuya, có thêm một người bạn đồng hành cùng Bác, đó là "trăng ngân đầy thuyền". Con thuyền chở đầy ánh trăng trôi nhẹ trên sông, như ru lòng người vào niềm say mê cảnh đẹp đêm rằm... Nhà thơ quả thật vừa là nhà quân sự, vừa là nghệ sĩ yêu thiên nhiên thiết tha.

Hai bài thơ trong nguyên tác đều thuộc thể thơ tứ tuyệt. Điều này tạo nên tính hàm súc, cổ điển cho chúng. Về nội dung đề tài, ta thấy cả hai bài đều viết về trăng rất đẹp, rất hay, cho thấy tác giả là người yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước.

Đặt trong mối quan hệ so sánh, bài thơ Cảnh khuya có những điểm khác nhau với bài Rằm tháng giêng. Ở bài Cảnh khuya, ta thấy đó là bức tranh đẹp trong rừng khuya, lời thơ bộc lộ sự lo âu, trăn trở của tác giả về việc nước. Còn tác phẩm Rằm tháng giêng thì khắc họa một cảnh trăng trên sông trong mùa xuân nhiều cảm xúc. Tâm thế của nhà thơ thể hiện được niềm tin tưởng, thanh thản vô cùng.

Đọc các tác phẩm thơ của Bác, nhất là hai bài trên đây, ta có thể cảm nhận sự cô đọng hàm súc, giàu cảm xúc, sự tinh tế trong miêu tả. Đồng thời, thơ Bác cũng bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của Người, đó là niềm yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước sâu sắc. Thế hệ trẻ hôm nay, khi đọc thơ Bác thì thêm yêu mến, khâm phục các thế hệ cha anh đi trước, yêu quê hương ta và những đêm trăng dịu hiền...

2. Bài văn mẫu số 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người không chỉ có tình yêu đất nước, yêu đồng bào, mà còn yêu cảnh đẹp thiên nhiên đến cháy bỏng. Bác có rất nhiều bài thơ về cảnh thiên nhiên, trong đó phải kể đến bài thơ “Cảnh khuya" và bài “Rằm tháng giêng”.

Hai bài thơ đều được viết khi Bác đang trong tâm trạng lo lắng chồng chất cho sự nghiệp đấu tranh của dân. Tuy lo lắng nhưng Bác thể hiện sự lạc quan yêu đời, mọi cảnh vật xung quanh đối với Bác vẫn đẹp đến thơ mộng. Trong bài thơ “Cảnh khuya” thiên nhiên hiện lên sống động, bình dị mà lung linh, huyền ảo biết bao. Bằng nghệ thuật so sánh sắc sảo và tài tình, tác giả đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên đầy ấn tượng hiện lên trong ngay khổ thơ đầu của bài thơ:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa”

Giữa một không gian vắng lặng, con người và cảnh vật đã hòa quyện vào làm một. Bác đã có thể nghe được cả tiếng nước chảy của dòng suối. Tiếng suối chảy róc rách, văng vẳng mơ hồ khiến Người tưởng như có tiếng hát êm ái, ngọt ngào, trong trẻo, ngân xa của ai đó vọng lại. Cách so sánh ấy không chỉ làm cho tiếng suối lạnh lẽo, vô hồn bỗng trở nên sống động, trẻ trung mà còn làm cho cảnh rừng yên ắng, tĩnh mịch trở nên có hồn người, xao động. Đêm rừng chiến khu bỗng trở nên gần gũi, thân thương với con người, bỗng mang hơi ấm của sự sống con người. Có lẽ trong đêm khuya thanh vắng, Bác đang mê mải với công việc cách mạng thì tiếng suối ngân lên khiến Người rời bàn viết. Khẽ ngước lên, vẻ đẹp của đêm lại quyến rũ Người. Nét đặc sắc và rất riêng biệt của đêm chiến khu tiếp tục tạo ấn tượng cho thị giác:

“Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

Cảnh vật dưới mặt đất thật nên thơ, trên bầu trời ánh trăng rọi xuống mặt đất khiến cảnh vật dưới mặt đất càng thêm huyền ảo. Câu thơ vẽ nên một hình ảnh hữu tình, ấm cúng: ánh sáng của trăng bao trùm lên cây cổ thụ, bóng cây đổ xuống lại bao trùm lên hoa. Nếu câu đầu là trong thơ có nhạc thì câu thứ hai này là trong thơ có họa . Hình ảnh thơ có vẻ đẹp của bức tranh nhiều tầng lớp, đường nét, hình khối đa dạng. Các sự vật đan lồng vào nhau tạo nên một bức tranh chỉ có hai gam màu sáng tối, trắng đen như nhiều lớp lang, tầng bậc cao thấp lung linh, chập chờn, huyền ảo, sống động mà ấm áp, hòa hợp quấn quýt với hàng chục, hàng trăm sắc hình đa dạng. “Trăng, cây cổ thụ và hoa” - ba vật thể cách nhau ngàn trùng, cao thấp, lớn bé cũng rất khác nhau nhưng lại đan cài, nâng đỡ, soi sáng và tôn lên vẻ đẹp của nhau tạo nên một bức tranh nên thơ, sống động, có hồn. Điệp từ “lồng” được nhắc đi, nhắc lại hai lần thật đắt, thật hay bởi nó đã tạo nên âm hưởng ngọt ngào cho câu thơ.

Nhà thơ như giãi bày tâm sự của mình với cảnh thiên nhiên, cảnh thiên nhiên cũng như hiểu được tâm sự của một thi sĩ không ngủ được. Trong bức tranh đêm hiền hòa, dịu êm như thế xuất hiện hình ảnh con người “chưa ngủ”. “Chưa ngủ” vì “lo nỗi nước nhà” và cũng vì thế bất chợt bắt gặp và chia sẻ với vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên. Nếu như trong “Cảnh khuya”, thiên nhiên hiện lên là cảnh rừng Việt Bắc chập chờn hai gam màu cơ bản trắng - đen thì trong “Rằm tháng giêng” thiên nhiên hiện lên lại là vẻ đẹp lồng lộng, bát ngát trăng vàng giữa dòng sông xuân mênh mang:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.

Bài thơ được Xuân Thủy dịch là:

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.

Với bút pháp tả cảnh tài tình của nhà thơ, người đọc được chiêm ngưỡng cảnh trăng rằm vô cùng đẹp. Vầng trăng mùa xuân vừa đúng độ tròn, xinh tươi, soi sáng khắp bầu trời cao rộng, trong trẻo, thoáng đãng. Bầu trời và vầng trăng tưởng như không có giới hạn, dòng sông mùa xuân, màu nước mùa xuân nối liền với bầu trời xuân: “Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên”. Điệp từ “xuân” được nhắc đi nhắc lại ba lần mang âm điệu bay bổng, gợi cảm giác trong trẻo, rộng lớn, thảnh thơi, thanh bình, thú vị làm sao. “Thủy, nguyệt, thiên” vốn là những chất liệu của thi ca cổ nhưng Bác đã có sự sáng tạo đặc biệt tài hoa để làm nổi bật cái thần của bức tranh “nguyên tiêu”: tươi sáng, rực rỡ, tràn đầy sức sống của vạn vật, con người.

Trong các bài thơ tả cảnh của Bác, hình ảnh con người luôn xuất hiện hòa quyện cùng thiên nhiên, “Nguyên tiêu” không thể thiếu vắng hình ảnh con người, và đó là người chiến sĩ cách mạng. Chỉ có khác một điều, trong “Nguyên tiêu”, hình ảnh người chiến sĩ không hiện lên đơn độc mà được thể hiện qua hình ảnh con thuyền cách mạng ấm cúng tình đồng chí, đồng đội:

“Yên ba thâm xứ đàm quân sự,

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”

Dù tả cảnh nhưng lại thể hiện tâm trạng của con người. Thái độ lạc quan yêu đời của nhà cách mạng ấy thật đáng khâm phục, nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng rất đỗi thiêng liêng, bí mật mà đẹp như trong huyền thoại, nơi bàn chuyện hệ trọng sống còn của đất nước, vậy mà Người vẫn đắm say tận hưởng một vầng trăng đẹp, một vầng trăng viên mãn. Ở đó, cái thực và cái ảo đan xen, hài hòa: “Yên ba thâm xứ” là ảo, “đàm quân sự” là thực, “nguyệt chính viên” là thực; nhưng “nguyệt mãn thuyền” là ảo. Song cái ảo đó chính là chất lãng mạn, chất trữ tình trong thơ Bác. Sau hội nghị quan trọng, quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh của Đảng, của đất nước; con thuyền, con người hòa quyện với thiên nhiên, thấm đẫm, tràn trề lai láng ánh trăng.

Hai bài thơ trên của Bác đều được viết về trăng ở chiến khu Việt Bắc, nhưng ở mỗi bài vẻ đẹp của trăng lại được người thi sĩ cảm nhận bằng một vẻ riêng. Trăng trong “Cảnh khuya” là ánh trăng đã được nhân hóa. Trăng lồng bóng vào cây cổ thụ để giãi “hoa” (hoa trăng) trên mặt đất. Cảnh vật như hiện ra lồng lộng dưới ánh trăng. Thêm nữa, tiếng suối trong đêm trong trẻo như tiếng ai đang ngân nga hát càng làm cho trăng khuya thêm mơ mộng. Trong khi đó, trăng trong Rằm tháng giêng là trăng xuân, trăng mang không khí và hương vị của mùa xuân. Cảnh ở đây là cảnh trăng ở trên sông, có con thuyền nhỏ trong sương khói. Nhưng điểm đặc biệt nhất phải nói đến đó là sự chan hòa của ánh trăng như tràn đầy cả con thuyền nhỏ.

Tinh thần lạc quan yêu đời của Bác thể hiện trong hai bài thơ thật đáng khâm phục. Bao nhiêu khó khăn gian khổ còn ở phía trước, bao điều suy nghĩ trăn trở chưa tìm ra cách giải quyết, vậy mà vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta vẫn giữ một tinh thần tự tại, ung dung. Điều này thể hiện sự quyết tâm không ngại khó khăn gian khổ, quyết chiến quyết thắng kẻ thù của dân tộc ta.

-----------------------Mod Ngữ văn biên tập và tổng hợp------------------

ADMICRO
NONE
OFF