OPTADS360
NONE
YOMEDIA

Phân tích cái hay trong văn bản Một thứ quà của lúa non - Cốm của Thạch Lam

23/04/2022 938.7 KB 503 lượt xem 0 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2022/20220423/859966001281_20220423_112341.pdf?r=6166
ADMICRO/
Banner-Video

Mỗi tác phẩm đều có một cái hay riêng thể hiện phong cách nghệ thuật của từng tác giả. Trong bài Một thứ quà của lúa non - Cốm, Thạch Lam thông qua những cảm nhận thi vị của ông đã làm nên giá trị và nét riêng biệt cho tác phẩm. HOC247 mời các em tham khảo tài liệu văn mẫu Phân tích cái hay trong văn bản Một thứ quà của lúa non - Cốm của Thạch Lam​ dưới đây. Tài liệu nhằm giúp các em có thêm kiến thức về tác phẩm đồng thời biết thêm về một món ăn của người Việt - cốm. Chúc các em học tập vui vẻ!

 

 
 

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Thạch Lam - nhà văn nổi tiếng với những tập tùy bút và truyện ngắn thấm đẫm phong vị của hương đồng gió nội

- Giới thiệu tác phẩm "Một thứ quà của lúa non - Cốm" và cái hay cái đẹp của văn bản.

2.2. Thân bài

- Cái hay về nội dung tác phẩm: Thạch Lam xem Cốm như là một món ăn mang đậm nét văn hóa của người Hà thành nói riêng và người Việt nói chung.

+ Sinh ra từ sự nuôi dưỡng của trời đất nhưng nhờ bàn tay chế biến của con người, Cốm mới trở thành thức quà đặc biệt thơm ngon.

+ Cốm lay động tâm hồn người thưởng thức không chỉ bởi màu sắc bắt mắt mà còn bởi hương thơm dìu dịu, mùi vị đặc trưng không thể trộn lẫn.

+ Phải thưởng thức Cốm bằng tất cả sự say mê, từ từ, từng chút một mới có thể cảm nhận được hết cái ngon của nó.

- Cái hay về nghệ thuật của tác phẩm:

+ Ngôn từ nhẹ nhàng tinh tế, câu văn như có chất thơ

+ Sử dụng các thủ pháp nghệ thuật hài hòa, nhuần nhuyễn.

+ Bố cục, kết cấu rõ ràng, hợp lý.

2.3. Kết bài

- Nhấn mạnh cái hay cái đẹp của tác phẩm.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: phân tích cái hay trong văn bản Một thứ quà của lúa non - Cốm

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

Nếu Nam Cao nổi bật với chất văn hiện thực, phê phán thì Thạch Lam lại đi vào lòng người với những áng văn nhẹ nhàng, thấm đẫm chất thơ. Một trong những tác phẩm tiêu biểu, góp phần làm nên tên tuổi của ông trên văn đàn nghệ thuật đó là "Một thứ quà của lúa non - Cốm". Cái hay của tác phẩm được Thạch Lam khéo léo biểu hiện qua những cảm nhận thi vị của ông về Cốm cùng nghệ thuật sử dụng ngôn từ khéo léo uyển chuyển.

Nhắc đến Hà Nội, hẳn người ta sẽ nghĩ ngay đến những hàng bằng lăng tím tô điểm cả một vùng trời, đến mùa thu với làn gió se se lành lạnh, đến Hồ Tây lộng gió mỗi trời chiều. Thế nhưng Thạch Lam lại khác, ông yêu Hà Nội không chỉ với quang cảnh thân quen, trìu mến mà yêu cả những thức quà thân thuộc nơi đây. Một trong số đó chính là Cốm. Với ông, Cốm là món ăn mang đậm nét văn hóa của người Hà Thành nói riêng và người Việt nói chung.

Mở đầu tác phẩm, Thạch Lam đã đưa người đọc bước vào một không gian quen thuộc của làng quê Việt Nam với làn gió thu, với hồ sen và lúa non. Tất cả những sự vật ấy được nhắc đến như để làm nền cho sự xuất hiện của một thức quà thanh thanh, dìu dìu, ấy chính là cốm. Bằng sự quan sát tinh tế và trí tưởng tượng phong phú, Thạch Lam đã so sánh cốm tựa như "giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị mùi hoa cỏ". Hạt cốm được nâng niu, ôm ấp trong lòng những bông lúa non, được nuôi dưỡng bởi sinh khí của trời đất, bởi vậy mà nó trở nên trắng thơm, tròn trịa và phảng phất phong vị của hương đồng gió nội. Trong cái nhìn của tác giả, cốm được xem là "cái chất quý trong sạch của trời", là thức quà đặc biệt mà trời đất ban tặng cho con người.

Sinh ra từ sự nuôi dưỡng của trời đất nhưng nhờ bàn tay chế biến của con người, Cốm mới trở thành thức quà đặc biệt thơm ngon. Những cô gái Làng Vòng với sự khéo léo, tỉ mỉ, tinh tế và một bí mật chế biến nào đó đã làm cho cốm trở nên ngon hơn mà không làm mất đi hương vị đặc trưng vốn có của nó. Cốm Làng Vòng đi đâu cũng nức tiếng khắp cả 36 phố phường ấy là nhờ "một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn" được truyền từ đời này qua đời khác. Thạch Lam không đi sâu miêu tả từng chi tiết mà khéo léo làm nổi bật vẻ đẹp của cốm qua sự tài hoa của người làm cốm. Phải trân quý từng hạt cốm như từng hạt sữa trắng thơm thanh khiết thì những nghệ nhân làng Vòng mới có thể làm ra thức quà hấp dẫn, ngọt thơm như vậy.

Với nhà văn, cốm vừa là một thức quà của trời đất, lại vừa mang trong mình giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Nó là "thức quà đặc biệt riêng của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam". Với sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa, Thạch Lam đã cho người đọc biết thêm về giá trị của cốm trong ngày siêu tết. Không có một thức quà nào trong sạch, mát lành hơn cốm cho ngày trọng đại nhất của một năm và của cả một đời người. Từ đó, ông cũng bày tỏ một chút buồn thương khi những phong tục tập quán quen thuộc của người Việt đang bị mất dần. Và đến hiện tại, mấy ai còn biến đến cốm - như là một thức quà của lúa non, của trời đất?

Đi từ cách thức chế biến, Thạch Lam đưa người đọc đến cách thưởng thức cốm sao cho đúng, cho ngon. Bởi lẽ "Cốm không phải là thức quà của người vội, ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ ". Bởi có như vậy, ta mới có thể cảm nhận được hết : cái tươi mát của lá non, cái chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc; thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ.

Quả thật, phải là một người yêu quê hương tha thiết, yêu cái hương cốm nồng nàn mà dìu dịu thì tác giả Thạch Lam mới có được những cảm nhận tinh tế đến như vậy. Cái hay của tác phẩm không chỉ nằm ở nội dung mà còn ẩn dụ bên trong hình thức nghệ thuật độc đáo. Tùy bút "Một thứ quà của lúa non" hiện lên với dào dạt chất thơ. Nhà văn Thạch Lam đã sử dụng một lối viết uyển chuyển, ngôn ngữ tự nhiên sinh động như đang thủ thỉ, tâm tình. Trong từng câu văn, hình ảnh đẹp đẽ của thiên nhiên đất trời hiện lên đẹp đẽ và thi vị. Chính hình thức nghệ thuật cũng chính là điểm đặc biệt khiến cho tác phẩm ở lại lâu với lòng người như vậy.

Với cái hay cả về nội dung lẫn nghệ thuật, tùy bút "Một thứ quà của lúa non - Cốm" đã cho thấy một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu con người và yêu những gì bình dị của nhà văn Thạch Lam.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Nhắc đến Tự lực văn đoàn không thể không nhắc tới Thạch Lam, một cây bút xuất sắc về thể loại truyện ngắn, ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam nhiều tác phẩm vô cùng ý nghĩa và độc đáo, một trong số đó là “Một thứ quà của lúa non – cốm” tác phẩm thể hiện nét đẹp của dân tộc ta, thể hiện giá trị văn hóa qua một thứ quà quê hương bình dị, mộc mạc.

Cái hay của tác phẩm thể hiện ngay ở cái cách mà ông xây dựng nên nó, ông sử dụng sở trường của mình đó là việc diễn tả những rung động thoáng qua, những cảm xúc mơ hồ, mỏng manh như một làn sương mờ huyền ảo. Ông ghi chép lại những sự kiện tiêu biểu mà không quên đi việc bộc lộ cảm xúc, đẩy cảm xúc vào trong từng câu từ, qua đó ông dùng chính nhận thức, cảm nhận của bản thân để đánh giá, nhận xét vấn đề mà ông cảm nhận, bên cạnh đó cái hay của ông đó chính là ông thể hiện cấu trúc một cách phóng khoáng, không bị ràng buộc mà vẫn thể hiện một tư tưởng chủ đề nhất định.

Xét về cái hay trong tác phẩm, có thể thấy rằng “Một thứ quà của lúa non – cốm” cho thấy được sự kết hợp một cách hài hóa của trời đất với bàn tay khéo léo của con người, cốm được tác giả thể hiện một cách rất tự nhiên từ những cảm nhận đầu tiên, hương thơm ngào ngạt của lá sen trong gió mùa hạ gợi nhắc đến hương vị của cốm, đối với tác giả mà nói thì mùi hương đó đã trở thành biểu tượng của cốm, chỉ cần theo làn gió nhẹ nhàng thoáng qua cũng đủ làm cho nỗi nhớ ùa về một cách bất chợt.

Sử dụng các tính từ miêu tả hương vị, cùng với cảm giác xuất hiện nhiều từ trong tác giả được sử dụng một cách chọn lọc những vẫn làm nổi bật lên nội dung cụ thể chính là cách mà tác giả thu hút người đọc. Không chỉ có thế “Cốm” còn là một thức dâng của trời đất, là một sản phẩm văn hóa độc đáo, việc sản xuất “Cốm” như một bí mật trân trọng, gìn giữ được truyền từ đời này sang đời khác đã tạo nên nét đặc biệt trong vẻ đẹp văn hóa của người Việt.

Bên cạnh đó “Cốm” và “Hồng” cũng là sự kết hợp hài hòa gắn bó từ hương vị cho đến màu sắc, một sự kết hợp hoàn hảo không có gì có thể hợp hơn, đồng thời qua đó tác giả thể rất rõ nét quan điểm của mình về nét đẹp văn hóa dân tộc, phê phán thói bắt chước một cách mù quáng từ nước ngoài mà quên đi giá trị mộc mạc của dân tộc, một cái nhìn đúng đắn, tiến bộ mà tác giả dành cho những con người có cái nhìn lệch lạc về vẻ đẹp của đất nước trong thời kì Âu hóa.

Cuối cùng vẻ đẹp của “Cốm” thể hiện trong cách thưởng thức, đối với tác giả việc thưởng thức không được vội vàng, phải “Ăn từng ít một, thong thả, ngẫm nghĩ”, thưởng thức cốm cũng như việc thưởng thức nét đẹp của một dân tộc lưu truyền từ đời này sang đời khác, thưởng thức để cảm nhận sự tinh túy của trời đất, thưởng thức để thấy được sự khéo léo từ chính những đôi bàn tay mộc mạc của con người Việt Nam và thưởng thức để yêu hơn những nét đẹp giản dị mà thiên nhiên ban tặng cho chính chúng ta.

Một tác phẩm vô cùng ý nghĩa đọng lại trong lòng mỗi người là nét đẹp của quê hương nói riêng và bản sắc văn hóa dân tộc nói chung. Một nét đẹp cần được gìn giữ, phát triển, lưu truyền cả ở hiện tại và trong tương lai.

----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------

VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA
NONE
OFF