Bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh mang đến cho người đọc những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ gắn liền với tình bà cháu. Tình cảm ấy luôn gắn liền với tình yêu quê hương đất nước. Bài họcTiếng gà trưa - Xuân Quỳnh thuộc sách Cánh Diều dưới đây sẽ giúp các em có thêm nhiều kiến thức bổ ích về văn bản, đồng thời hiểu hơn về tình cảm của tác giả đối với người bà thân yêu của mình. Chúc các em có nhiều kiến thức thật bổ ích!
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Tác giả Xuân Quỳnh
Xuân Quỳnh (1942 - 1988)
- Xuân Quỳnh (1942 - 1988) tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh.
- Quê quán: La Khê, thành phố Hà Đông - Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).
- Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành.
- Tác phẩm chính: Hoa dọc chiến hào (1968); Gió Lào cát trắng (1974); Tự hát (1984); Hoa cỏ may (1989),...
- Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh.
- Thơ bà là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường.
- Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ.
1.1.2. Tác phẩm Tiếng gà trưa
a. Hoàn cảnh ra đời
Bài thơ được ra đời trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ.
b. Thể loại:
- Ngũ ngôn.
- Có nguồn gốc từ thơ ca dân gian (từ hát dặm nghệ Tĩnh và về dân gian).
- Một bài có nhiều khổ.
- Một bài khổ có 4 câu và nhiều hơn 4 câu.
- Một câu: Có 5 tiếng (có thể có ít và nhiều hơn).
- Vần linh hoạt.
- Nhịp 3/2 ; 2/3 ; 1/2/2.
c. Bố cục
- Phần 1 (7 câu đầu): Tiếng gà cất lên trên đường hành quân (Hiện tại)
- Phần 2 (26 câu tiếp): Tiếng gà gọi về tuổi thơ(Quá khứ)
- Phần 3 (khổ cuối): Tiếng gà giục giã tinh thần chiến đấu (Hiện tại - tương lai)
d. Tóm tắt tác phẩm Tiếng gà trưa
Bài thơ gợi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm gia đình đã làm sâu sắc thêm tình quê hương đất nước.
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Âm vang tiếng gà trong nỗi niềm người lính trẻ trên đường hành quân (Khổ đầu)
- Thời điểm:
+ Buổi trưa
+ Bên xóm nhỏ
- Hoàn cảnh: Trên đường hành quân
→Âm thanh bình dị, thân thuộc, gần gũi của cuộc sống.
- Điệp từ "nghe":
+ Xao động nắng trưa
+ Chân đỡ mỏi
+ Tuổi thơ gọi về
→Lặp lại 3 lần, dường như "tiếng gà tục tác" làm xao động, làm dịu bớt nắng trưa gay gắt, xua tan những mệt mỏi. Đánh thức những kỷ niệm xa xưa, gọi về tuổi thơ của tác giả.
1.2.2. Những kỷ niệm của tuổi thơ (26 câu tiếp theo)
- Điệp ngữ "Tiếng gà trưa" gọi về những kỉ niệm của tuổi thơ
- Hình ảnh gợi nhớ tuổi thơ:
+ Gà mái mơ
+ Mái vàng
+ Ổ trứng hồng
→ Hình ảnh gần gũi, thân quen của làng quê.
- Một kỉ niệm về tuổi thơ dại: Tò mò xem trộm gà đẻ bị bà mắng.
- Hình ảnh người bà:
Người bà khum tay soi từng quả trứng
+ Tay khum soi trứng
+ Dành từng quả chắt chiu
+ Lo đàn gà toi
+ Mong trời đừng sương muối
→ Các động từ, tính từ gợi tả.
⇒ Bà là người tần tảo, đầy lòng yêu thương, chắt chiu dành dụm chăm lo cho cháu.
=> Tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam giàu lòng nhân hậu, giàu đức hy sinh.
- Niềm vui và mong ước nhỏ bé của tuổi thơ:
+ Được bộ quần áo mới từ tiền bán gà.
+ Những hình ảnh kỉ niệm đó được biểu lộ:
+ Tâm hồn trong sáng
+ Tình cảm trân trọng, yêu quí bà của đứa cháu nhỏ.
→ Tình cảm bà cháu thật sâu nặng, thắm thiết.
⇒ Tuổi thơ êm đềm, ngọt ngào
1.2.3. Tình cảm của nhà thơ (Khổ cuối)
- Điệp từ "vì":
+ Cảm xúc và niềm tin trở nên tha thiết
+ Tiếng gà trưa bình dị mà thiêng liêng
+ Lay gọi, giục giã tinh thần chiến đấu cao đẹp trong tâm hồn người chiến sĩ
+ Cháu chiến đấu hôm nay vì: Lòng yêu Tổ quốc, xóm làng thân thuộc, bà, tiếng gà
→ Tình cảm gia đình đã hòa quyện với tình yêu đất nước trong trái tim người lính.
1.2.4. Mạch cảm xúc của bài
Tiếng gà trưa gắn liền với:
+ Trên đường hành quân khơi gợi kỉ niệm
+ Kỉ niệm tuổi thơ
+ Tình cảm gia đình với tình yêu đất nước
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
Bài thơ Tiếng gà trưa đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm gia đình đã làm sâu sắc thêm tình quê hương đất nước.
1.3.2. Về nghệ thuật
- Thể thơ ngũ ngôn đặc sắc.
- Hình ảnh thơ gần gũi và bình dị.
Bài tập minh họa
Bài tập: Viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận về tình cảm bà cháu trong bài thơ Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều.
Hướng dẫn giải:
- Đọc lại câu cuối bài thơ Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều
- Kết hợp hiểu biết cá nhân để nêu cảm nhận về tình cảm bà cháu trong bài thơ:
+ Hình ảnh người bà đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trong lòng mỗi người
+ Bài thơ cũng đã gợi nhớ những kỉ niệm sâu sắc thời thơ ấu sống trong tình yêu thương bình dị của người bà
+ Những lần bị bà la, những lời mắng chân thật, giản dị mà chan chứa tình thương của bà
+ ...
Lời giải chi tiết:
Tiếng "Bà" là một tiếng gọi rất dỗi bình dị, giản đơn nhưng lại chan chứa đầy tình yêu thương. Từ thuở nhỏ, hình ảnh người bà đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trong lòng mỗi người. Bà hiền hậu ôn tồn dạy bảo con cháu, người bà kể chuyện cổ tích dưới ánh trăng, người bà chở che trước những trận đòn của ba,...Người bà trong Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, nhiều cảm xúc đọng lại trong lòng tôi về tình bà cháu. Bài thơ năm chữ tự do đã cho ta thấy những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ, tình bà cháu nồng hậu và lòng yêu nước sâu nặng của một người chiến sĩ xa nhà. Trên đường hành quân xa, người chiến sĩ dừng chân bên xóm nhỏ. Nghe tiếng gà “cục tác…cục ta”, anh xúc động và nhớ nhà. Dòng cảm xúc từ hiện tại trôi về quá khứ với bao kỉ niệm cảm động lại tràn về. Bài thơ cũng đã gợi nhớ những kỉ niệm sâu sắc thời thơ ấu sống trong tình yêu thương bình dị của người bà. Những lần bị bà la, những lời mắng chân thật, giản dị mà chan chứa tình thương của bà. Bà chăm sóc đàn gà, mong sao cuối năm bán gà mua quần áo mới cho cháu, cái ước muốn giản đơn vậy thôi và dù ống quần rộng, áo trúc bâu thì người cháu cũng không chê vì hiểu được tình yêu thương và sự vất vả mà bà đã dành cho mình. Người chiến sĩ trong bài không chỉ là chiến đấu cho tổ quốc, mà còn là vì bà, vì tiếng gà, vì ổ trứng hồng tuổi thơ. Tiếng gà trưa là một âm thanh giản dị mà lại gần gũi, quen thuộc, nó làm âm vang kỉ niệm, gợi nhớ những kỉ niệm đẹp.
Lời kết
- Học xong bài Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh, các em cần:
+ Phân tích được hình ảnh người bà tảo tần một đời vì con cháu
+ Cảm nhận được tình cảm của tác giả dành cho người bà
+ Phân tích được mạch cảm xúc trong bài thơ
Soạn bài Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều
Qua văn bản Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh bắt nguồn cảm xúc bằng những điều bình dị nhưng lại đưa ta đến những tình cảm lớn lao, cao đẹp, nhỏ nhẹ và sâu lắng. Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm bài soạn dưới đây:
Hỏi đáp bài Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều
Bài thơ Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh là tiếng lòng của tác giả với người bà thân yêu gắn liền với những kỉ niệm thời thơ ấu. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247