OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA

Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản trong bài thơ Cảnh khuya - Hồ Chí Minh

21/03/2022 1.03 MB 274 lượt xem 0 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2022/20220321/953710984375_20220321_111008.pdf?r=1487
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Bài văn mẫu Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Cảnh khuya - Hồ Chí Minh với nội dung khắc họa lại hình ảnh một chiến sĩ cách mạng mang trong mình tình yêu thiên nhiên và tình yêu nước thống nhất. Để có thêm tư liệu văn mẫu cho các em học sinh lớp 7 mời các em cùng tham khảo tài liệu dưới đây. Chúc các em học tập thật tốt!

 

 
 

Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản

trong bài thơ Cảnh khuya

I. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý

II. DÀN BÀI CHI TIẾT

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ tài ba vĩ đại của dân tộc Việt Nam, lại vừa là một nhà thơ xuất sắc.

- Giới thiệu về bài thơ “Cảnh khuya”: Bài thơ được sáng tác vào những năm kháng chiến chống Pháp.

- Hình tượng người chiến sĩ cộng sản là hình tượng nổi bật với vẻ đẹp sáng ngời.

2. Thân bài

a. Người chiến sĩ cộng sản với tâm hồn lãng mạn, yêu thiên nhiên

- Mở đầu bằng âm thanh của tiếng suối: tiếng suối trong rừng xa xa vọng lại như tiếng hát của người con gái trong trẻo ngân vang.

+ Ở đây ta nhận thấy sự thay đổi của tiêu chuẩn cái đẹp: trước kia thiên nhiên làm chuẩn mực để nói về vẻ đẹp của con người (biện pháp ước lệ tượng trưng); còn trong thơ Bác con người làm chuẩn mực để chỉ cái đẹp của thiên nhiên (Tiếng suối như tiếng hát).

+ Tiếng suối róc rách êm tai trong trẻo như tiếng một cô gái đang hát.

+ Ánh trăng đêm khuya tạo thành những bóng hoa trên mặt đất.

+ Điệp từ “lồng” nhấn mạnh vào sự xuyên tỏa của ánh sáng trăng khuya.

  • Cảnh vật thiên nhiên hiện lên mang vẻ đẹp của sự trầm mặc, huyền ảo của ánh trăng khuya. Nó không chỉ có màu sắc vàng yên ả mà nó còn có âm thành của tiếng suối chảy róc rách trong trẻo như tiếng hát vỏng lại từ phía xa. Phải có tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết mới cảm nhận rõ được bức tranh ấy.

b. Tâm trạng của một người chiến sĩ quên mình vì nước vì dân

- Câu thơ thứ ba có dấu phẩy ở giữa như cắt ngang hai sự đối lập nhau.

- Đối với thiên nhiên hiền hòa lung linh yên bình đẹp như vẽ kia là tâm trạng của nhà thơ. Đó là một tâm trạng đầy bất trắc, âu lo không yên bình.

- Người vẫn chưa ngủ chỉ có chưa ngủ thì mới có thể tả hết được cảnh đẹp đêm khuya được.

- Không phải người thức để ngắm cảnh mà vì Người đang lo nỗi nước nhà.

  • Trái ngược với sự hài hòa của thiên nhiên là tâm trạng đầy âu lo của nhà thơ, lo ngày mai chiến tranh, lo ngày mai có giành được độc lập cho dân tộc hay không.

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

- Bài thơ vừa vẽ lên bức tranh thiên nhiên tại chiến khu Việt Bắc hiền hòa với màu sắc của ánh trăng, sống động trong trẻo với âm thanh của tiếng suối, lại vừa thể hiện tâm trạng âu lo của nhà thơ qua đó thấy được tấm lòng đối với thiên nhiên và con người của nhà thơ vĩ đại.

III. BÀI VĂN MẪU

Đề bài: Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản trong bài thơ Cảnh khuya

Gợi ý làm bài

1. Bài văn mẫu số 1

Ôi sáng xuân nay xuân bốn mốt

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về im lặng con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơMùa xuân năm 1941 Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Căn cứ địa Việt Bắc được chọn làm thủ đô kháng chiến. Trong chiến dịch Thu Đông 1947 ta thắng lớn trên chiến trường Việt Bắc. Cùng thời gian này Bác Hồ viết bài thơ Cảnh khuya. Bài thơ tả cảnh núi rừng Việt Bắc trong đêm trăng đẹp và thể hiện ý chí chiến đấu vì dân tộc của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Cảnh rừng Việt Bắc được mở ra bằng tiếng suối êm đềm trong mát rì rầm ngày đêm vọng đến. Trong đêm thanh vắng, tiếng suối nghe rõ lắm. Tiếng du dương huyền diệu được tác giả cảm nhận như tiếng hát xa. Đây chính là nét nghệ thuật “lấy động tả tĩnh”, chỉ có âm thanh của suối chảy trong đêm mọi vật chìm trong giấc ngủ, trong chiến trường máu lửa mà có tiếng suối chảy không đơn thuần là dòng chảy tự nhiên mà nó mang hơi ấm con người. Khi người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi lui về ở ẩn tại Côn Sơn cũng đã có những cảm nhận rất tinh tế:

Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

Tiếng suối nghe như tiếng đàn cầm, bản nhạc đưa hồn con người ta vào cõi mông lung. Cả hai nhà quân sự, chinh trị tuy thời gian sống khác nhau nhưng có những cảm nhận hết sức tinh tế về âm thanh của tiếng suối trong đêm khuya. Sau âm thanh của tiếng suối là ánh trăng chiến khu. ánh trăng bao phủ khắp không gian, ánh trăng lồng vào cổ thụ, như hoà quyện vào cảnh vật trần gian. Trăng được nhân hoá, được nhắc lại khiến bức tranh, cảnh đẹp đêm trăng lộng lẫy hơn, thơ mộng hơn. Gợi cho ta nhớ đến những câu thơ trong Chinh phụ ngâm

Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm

Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.

Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng

Hai vế đối nhau trăng lồng cổ thụ /bóng lồng hoa tạo cho cảnh vật sự cân xứng hài hòa. Bức tranh đêm chiến khu thật đẹp đầy chất thơ. Thi sĩ với tâm hồn thanh cao đang tận hưởng những giây phút thần tiên của thiên nhiên. Người nghệ sĩ thổn thức lòng mình trước cảnh đẹp đêm trăng, say sưa ngây ngất:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Chưa ngủ để ngắm trăng, chưa ngủ để lo nỗi nước nhà. Thơ xưa nói nhiều về trăng, các thi nhân thường tìm đến chốn lâm tuyền lánh đục, tránh cuộc đời bụi bặm bon chen nhưng Bác Hồ của chúng ta tìm nơi thiên nhiên để sống giữa thiên nhiên, đế hoạt động cách mạng - bởi Bác là chiến sĩ cộng sản:

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang

(Tức cảnh Pác Bó)

Sống giữa thiên nhiên bao la bát ngát, say đắm trong ánh trăng nhưng chính trong sự say đắm đó vẫn là đàm quân sự lãnh đạo con thuyền cách mạng của nước nhà. Trong bài thơ này có đầy đủ các yếu tố của một bài thơ cổ thi: có suối, có trăng... Nhưng trong cái cổ đó lại có cái chất hiện đại, chất thép người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh. Đêm trăng nơi chiến khu Việt Bắc thật là đẹp, ngồi ngắm trăng mà lòng tê tái trước nước nhà còn lầm than nô lệ, vì lẽ đó nên người

Chất thép của người chiến sĩ cộng sản còn được thể hiện khá sâu sắc khi bị giam trong tù ngục:

Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe của ngắm nhà thơ

(Ngắm trăng)

Người thi sĩ cũng không thể hững hờ trước cảnh đẹp đêm nay, và như vậy ánh trăng đã chủ động tìm đến với thi nhân. Vầng trăng dường như biết được và ghi lại tâm trạng băn khoăn thao thức của thi nhân. Tâm trạng đó chính là nỗi nước nhà đang canh cánh bên lòng.

Đêm nay nơi núi rừng chiến khu Việt Bắc, vẫn là ánh trăng ấy, ánh trăng vẫn vằng vặc trên bầu trời, những trăng có biết không trời Nam đang lầm than nô lệ muốn thảnh thơi mà thưởng ngoạn trọn vẹn cảnh đẹp đêm nay sao thể yên lòng. Trong lòng người thi sĩ ấy đang chất chứa bao nỗi niềm, nỗi niềm Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp: Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi sông

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong

Vẻ đẹp người chiến sĩ cộng sản hiện lên trong bài thơ cảnh khuya thật đẹp, thật ngạo nghễ. Bác Hồ vừa có tâm hồn thi sĩ lại vừa có cốt cách của người chiến sĩ.

Bác của chúng ta là như vậy, yêu thiên nhiên, chan hoà với thiên nhiên nhưng cũng yêu nước thương dân tha thiết. Bài thơ là bức tranh tràn ngập ánh trăng nơi núi rừng Việt Bắc - nơi ấy người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

2. Bài văn mẫu số 2

Hình ảnh người chiến sĩ trong thơ Bác luôn gần gũi và đẹp đẽ. Bài thơ “Cảnh khuya” cũng khắc họa được hình ảnh một chiến sĩ cách mạng mang trong mình tình yêu thiên nhiên và tình yêu nước thống nhất.

Trong thơ Người, hình ảnh người chiến sĩ bao giờ cũng được đặt trong vẻ đẹp hài hòa. Hài hòa giữa tâm hồn nghệ sĩ và cốt cách của một vị lãnh tụ. Sự hài hòa này không phải ngẫu nhiên mà có, nó là sự gắn bó, hòa hợp vốn có trong tâm hồn người chiến sĩ và đạt đến độ thống nhất với nhau.

Chúng tương tác với nhau, vừa là nguyên nhân nhưng cũng là hệ quả của nhau, để cuối cùng thể hiện chân thực nhất vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ.

Đầu tiên, ta thấy một tâm hồn rung động đầy tinh tế trước thiên nhiên của người chiến sĩ cách mạng. Giữa đêm khuya, trong không gian bát ngát của núi rừng chiến khu Việt Bắc, Người vô tình nhận ra vẻ đẹp thiên nhiên như bức tranh thủy mặc. Bức tranh ấy được phát hiện bằng sự cảm nhận vô cùng tinh tế, qua hai nét vẽ độc đáo, âm thanh và hình ảnh. Giữa núi rừng rộng lớn ấy, vì lẽ gì nhà thơ lại chọn hai chi tiết ấy? Tâm hồn người chiến sĩ đang hướng về thiên nhiên để thu nhận tất cả nhưng vô tình âm thanh tiếng suối lại đến với Người. Chắc phải nhạy cảm lắm Người mới thấy âm thanh của tiếng suối (tự nhiên) trong như tiếng hát (âm thanh của con người). Tiếng suối vốn đã réo rắt nay giữa trời khuya lại ngân nga, vang xa đến lạ. Cách so sánh ấy làm cho âm thanh của tự nhiên xích lại gần gũi với con người hơn, dường như có sức sống kì lạ. Đó là một tâm hồn luôn có sự gắn bó hòa quyện thiên nhiên - con người, thiên nhiên và con người làm bầu bạn với nhau, nâng đỡ nhau thân thiết. Điều đó được thể hiện rõ hơn trong câu thơ thứ hai khi người chiến sĩ thấy cảnh tượng lung linh, nhiều đường nét, hình khối đa dạng. Ngước mắt lên cao, bắt gặp ánh trăng sáng ngời, vốn là người bạn tri âm tri kỉ của Bác, Người thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp của nó. Cảnh có dáng vươn cao của bóng cây cổ thụ, có cỏ và hoa lá.... Ánh trăng từ trên cao in vào khóm hoa, in lên mặt đất thành những hình bông hoa như thêu như dệt. Cảnh tĩnh mà động, đầy sức sống, ấm áp quấn quýt bên nhau. Qua đó càng bộc lộ rõ hơn tâm hồn thi sĩ trong người chiến sĩ, cũng ấm áp, hòa hợp lạ thường.

Hai câu thơ cuối bài biểu hiện một tâm trạng tưởng như có gì mâu thuẫn nhưng lại rất thống nhất trong con người thi sĩ - chiến sĩ của Bác. Qua đây bộc lộ chiều sâu tâm hồn Người. Vì say mê, vì yêu thiên nhiên, cảnh đẹp của núi rừng Việt Bắc nên mới thao thức không ngủ. Nhưng cũng thật bất ngờ khi câu thơ thứ ba hé lộ một lí do quan trọng hơn, mở ra vẻ đẹp sâu bên trong của người chiến sĩ cách mạng. Thao thức không ngủ đâu chỉ vì cảnh đẹp như vẽ mà còn vì “lo nỗi nước nhà”. Đó mới là lí do quan trọng nhất và nó cũng bình thường như bao đêm khác trong suốt cuộc đời thao thức của Người. Không ngủ vì lo cho vận mệnh đất nước đang trong thế gian nguy, cơ quan đầu não của ta ở chiến khu Việt Bắc bị giặc bao vây dữ dội. Nỗi lo ấy đã khiến Người không thể ngủ, trằn trọc suốt đêm thâu. Phải chăng cũng nhờ thế mà Người vô tình bắt gặp cảnh trăng đẹp. Điệp ngữ “chưa ngủ” cuối câu ba và ở đầu câu thứ tư được coi như “bản lề mở ra hai phía của tâm trạng trong cùng một con người”, niềm say mê cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và nỗi lòng lo cho dân tộc. Nỗi lo ấy làm cho tâm hồn Bác càng lớn lao thêm nên giữa ánh trăng sáng lung linh và Bác ta khó có thể khẳng định cái nào sáng hơn, chỉ biết tâm hồn Bác đã làm cho thiên nhiên trở nên êm đềm, ấm áp lạ.

Như vậy, chỉ bằng vài nét phác họa, hình tượng người chiến sĩ cách mạng đã hiện lên đầy đủ, rõ nét và sinh động. Con người thi sĩ - chiến sĩ, nhà thơ - vị lãnh tụ ấy luôn thống nhất với nhau làm nên một vẻ đẹp toàn vẹn.

-----------------------Mod Ngữ văn biên tập và tổng hợp------------------

ADMICRO
NONE
OFF