OPTADS360
NONE
YOMEDIA

Đề cương ôn tập HK1 môn Lịch sử 10 CTST năm học 2022-2023

28/11/2022 494.99 KB 226 lượt xem 1 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2022/20221128/744512189153_20221128_170743.pdf?r=3613
ADMICRO/
Banner-Video

HỌC247 xin giới thiệu đến các em học sinh Đề cương ôn tập HK1 môn Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo năm học 2022-2023​​. Nội dung bám sát theo chương trình học trong nhà trường. Giúp các em học sinh ôn tập và luyện tập lại kiến thức đã học, đồng thời cũng chuẩn bị tốt cho kì thi học kì 1 sắp tới của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo đề cương ôn tập HK1 bên dưới đây.

 

 
 

1. Lịch sử và sử học, vai trò của sử học

Hiện thực lịch sử

- Lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ gắn với con người và xã hội loài người.

- Hiện thực lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ, tồn tại một cách khách quan, độc lập, ngoài ý muốn của con người.

- Con người có khả năng nhận thức hiện thực khách quan, vì vậy lịch sử còn là hiện thực khách quan có thể nhận thức được.

Nhận thức lịch sử

- Nhận thức lịch sử là những hiểu biết của con người về hiện thực lịch sử, được trình bày, tái hiện theo nhiều cách khác nhau.

- Có nhiều nhận thức khác nhau về hiện thực lịch sử.

- Để phục dựng lại lịch sử, các nhà sử học cần nỗ lực tìm kiếm tư liệu; sử dụng phương pháp và cách tiếp cận phù hợp.

Khái niệm Sử học

- Sử học là khoa học nghiên cứu lịch sử của xã hội loài người nói chung hoặc của một quốc gia, dân tộc, địa phương, con người nói riêng.

Đối tượng nghiên cứu của Sử học

- Đối tượng của Sử học là quá trình phát sinh, phát triển của xã hội loài người trong quá khứ.

- Đối tượng của Sử học mang tính toàn diện.

- Chức năng

+ Chức năng khoa học: cung cấp tri thức khoa học nhằm khôi phục, miêu tả, giải thích hiện tượng lịch sử một cách chính xác, khách quan.

+ Chức năng xã hội: giúp con người tìm hiểu các quy luật phát triển của xã hội loài người trong quá khứ, từ đó nhận thức hiện tại và dự đoán tương lai.

+ Chức năng giáo dục: thông qua những tấm gương lịch sử, bài học lịch sử.

- Nhiệm vụ

+ Rút ra bài học kinh nghiệm phục vụ cuộc sống hiện tại.

+ Góp phần bồi dưỡng nhân sinh quan và thế giới quan khoa học, nâng cao trình độ nhận thức của con người.

+ Góp phần giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức và phát triển nhân cách con người.

Vai trò tri thức lịch sử và cuộc sống

- Tri thức lịch sử là những hiểu biết của con người về các lĩnh vực liên quan đến lịch sử, hình thành qua quá trình học tập, khám phá, nghiên cứu và trải nghiệm, có ý nghĩa quan trọng không chỉ với cá nhân mà cả xã hội.

- Tri thức lịch sử giúp con người nhận thức về cội nguồn, bản sắc của bản thân, gia đình, cộng đồng, dân tộc. Đây là điều kiện cơ bản để giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá trong thời đại toàn cầu hóa.

Ý nghĩa của tri thức lịch sử

- Tri thức lịch sử luôn để lại cho đời sau những bài học kinh nghiệm quý giá. Tìm hiểu, đúc rút và vận dụng những bài học lịch sử là nhu cầu của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội trong quá trình phát triển.

- Đối với mỗi quốc gia, dân tộc, tri thức lịch sử là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước, là niềm tự hào và là điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh của dân tộc. Tri thức lịch sử giúp con người khám phá và tiếp cận với nhiều nền văn hoá, văn minh của nhân loại. Những bài học rút ra từ lịch sử còn giúp mỗi quốc gia dân tộc tự nhận thức chính mình.

- Tri thức lịch sử dân tộc giúp học sinh hiểu rõ quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, hình thành tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, có hiểu biết về lịch sử thế giới, văn hoá nhân loại, là cơ sở để học hỏi, giao lưu, hội nhập quốc tế.

- Học tập lịch sử giúp hiểu rõ quá khứ, là cơ sở để nhận thức hiện tại và dự báo tương lai

Sử học – môn khoa học mang tính liên ngành

- Sử học là ngành khoa học có đối tượng nghiên cứu rộng, liên quan đến nhiều ngành khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm phản ánh đầy đủ bức tranh toàn diện của đời sống con người và xã hội loài người.

- Sử học sử dụng tri thức từ các ngành khác nhau để tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề một cách toàn diện, hiệu quả, khoa học về con người và xã hội loài người.

- Sử học có khả năng liên kết các môn học, các ngành khoa học với nhau, cả khoa học xã hội nhân văn lẫn khoa học tự nhiên và công nghệ.

Vai trò của Sử học với các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ

- Cung cấp thông tin quá khứ, hiện tại và dự báo sự vận động phát triển, phục vụ cho các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ chủ động trong hoạt động xây dựng và phát triển.

- Xác định không gian, bối cảnh lịch sử qua các thời kì, giúp cho các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ hiểu rõ bản chất của sự hình thành và phát triển, xác định đúng vị trí vai trò của chúng trong quá trình phát triển.

- Phục dựng lịch sử phát triển các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ, từ đó rút ra đặc điểm, bài học kinh nghiệm, lí giải nguyên nhân thành công và thất bại, làm cơ sở cho những đề xuất phát triển trong tương lai.

Vai trò của các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ đối với Sử học

- Các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ tuỳ theo đối tượng và kết quả nghiên cứu của mình sẽ cung cấp những tri thức, kĩ thuật và phương pháp tiếp cận mang tính liên ngành cho Sử học để nghiên cứu về con người và xã hội loài người. Khoa học công nghệ giúp nhận ra được sự sáng tạo của con người trong quá trình vận động phát triển xã hội.

- Thành tựu phát triển khoa học tự nhiên và công nghệ giúp Sử học làm sáng tỏ quá trình phát sinh, phát triển và những tác động, hệ quả, ý nghĩa của các khoa học trong sự tiến bộ của văn minh nhân loại, nhờ đó Sử học thực hiện chức năng, nhiệm vụ xã hội của mình.

Mối quan hệ giữa Sử học với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá, di sản thiên nhiên

- Sử học nghiên cứu, phục dựng lại bức tranh hiện thực lịch sử, xác định giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học cần được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

- Kết quả nghiên cứu của Sử học khẳng định giá trị của các di sản văn hoá, là cơ sở để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của các di sản đó.

Vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, di sản thiên nhiên

- Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá, di sản thiên nhiên là hoạt động lưu giữ, bảo vệ và lan tỏa các giá trị những di sản của thời trước để lại, nhắc nhở con người nhớ về cội nguồn, hình thành ý thức trách nhiệm với tổ tiên, với cộng đồng xã hội đương đại và với các thế hệ mai sau.

- Bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc, góp phần đem lại những hiệu quả thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Vai trò của Sử học đối với một số ngành, nghề trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá

- Sử học cung cấp chất liệu cốt lõi, tri thức, ý tưởng và cảm hứng cho một số ngành nghề trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá.

- Sử học góp phần thúc đẩy sáng tạo những sản phẩm có giá trị của công nghiệp văn hóa.

Vai trò của các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hoá đối với Sử học

- Các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hoá cung cấp những thông tin, tư liệu quý giá giúp Sử học khôi phục bức tranh lịch sử xã hội một cách đầy đủ, chính xác và sinh động hơn.

- Công nghiệp văn hoá phát triển với nhiều ngành nghề mới đặt ra nhu cầu xã hội và nhu cầu nội tại của công nghiệp văn hoá thúc đẩy Sử học nghiên cứu các di sản.

2. Một số nền văn minh thế giới thời kỉ cổ-trung đại

a) Văn minh Ai Cập cổ đại

* Điều kiện tự nhiên

- Nền văn minh Ai Cập cổ đại hình thành và phát triển gắn liền với sông Nin ở Đông Bắc châu Phi.

- Ai Cập được bao quanh bởi Địa Trung Hải, Hồng Hải, sa mạc và các vùng rừng núi.

=> Ở Ai Cập sớm hình thành một nền văn minh rất độc đáo từ thời cổ đại.

* Dân cư và xã hội

- Dân cư:

+ Do vị trí tiếp giáp giữa các châu lục khiến Ai Cập sớm trở thành nơi giao lưu của các dòng văn hoá từ châu Á, châu Phi và châu Âu.

+ Khoảng hơn 3000 năm TCN, những tộc người từ châu Phi, Pa-le-xtin và Xi-ri đã đến định cư tại lưu vực sông Nin và cùng sáng tạo nên nền văn minh ở đây.

- Trong xã hội Ai Cập cổ đại đã hình thành các tầng lớp như quý tộc, tăng lữ, nông dân, thợ thủ công, thương nhân và nô lệ.

* Kinh tế

- Nông nghiệp là nền tảng kinh tế cơ bản của Ai Cập cổ đại. Người Ai Cập thường trồng các loại lúa mì, lúa mạch, kế và nhiều loại hoa màu khác. Họ cũng đã biết thuần dưỡng và chăn nuôi các loài gia súc để cung cấp sức kéo và thực phẩm như: dê, bò, lừa, ngựa,...

- Hoạt động buôn bán cũng sớm phát triển.

* Chính trị

- Từ thiên niên kỉ IV TCN, các nhà nước sơ khai đầu tiên ở Ai Cập, gọi là nôm, được hình thành trên lưu vực của sông Nin.

- Khoảng năm 3200 TCN, Nhà nước Ai Cập thống nhất ra đời. Đứng đầu Nhà nước tập quyền Ai Cập cổ đại là pha-ra-ông, nắm giữ quyển tối cao về cả chính trị và tôn giáo; bên dưới là hệ thống quan lại ở trung ương và các địa phương.

c) Văn minh Ấn Độ thời kì cổ - trung đại

* Điều kiện tự nhiên

- Nền văn minh Ấn Độ hình thành và phát triển trên một không gian rộng lớn ở Nam Á với điều kiện tự nhiên đa dạng.

+ Miền Bắc có dãy Hi-ma-lay-a và châu thổ của hai dòng sông lớn (Ấn, Hằng).

+ Miền Nam là vùng cao nguyên, có điều kiện tự nhiên ít thuận lợi hơn miền Bắc.

+ Khí hậu chủ yếu là khô nóng, nhưng cũng có những vùng mát mẻ, mưa nhiều.

+ Có ba mặt giáp biển, thuận lợi cho giao thương và giao lưu văn hoá với thế giới.

* Dân cư và xã hội

- Dân cư:

+ Những chủ nhân đầu tiên của nền văn minh Ấn Độ là người Đra-vi-da.

+ Từ giữa thiên niên kỉ II TCN, người A-ri-a di cư đến Ấn Độ và trở thành cư dân chủ yếu ở miền Bắc.

+ Sau này, nhiều tộc người khác, như người Ba Tư, Hy Lạp, A-rập, Mông Cổ,... cũng đã xâm nhập và sinh sống ở Ấn Độ.

- Xã hội: chế độ đẳng cấp Vác-na tồn tại lâu dài và ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Ấn Độ thời cổ - trung đại.

* Kinh tế

- Cư dân Ấn Độ đã sớm phát triển một nền kinh tế nông nghiệp đa dạng, trồng nhiều loại cây lương thực như lúa, hoa màu và các loại cây khác như bông, đay, lanh,... Họ cũng coi trọng chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi các loại gia súc.

- Các ngành nghề thủ công của Ấn Độ cũng sớm phát triển với việc sản xuất nhiều sản phẩm đáp ứng các nhu cầu trong nước và trao đổi, buôn bán với nước ngoài.

* Chính trị

- Nền văn minh sống Ấn đã hình thành từ khoảng thiên niên kỉ III TCN.

- Từ cuối thiên niên kỉ II TCN, người A-ri-a đã bắt đầu xây dựng các nhà nước của mình ở lưu vực sông Hằng. Các triều đại tiêu biểu trong lịch sử Ấn Độ là: Vương triều Mô-ri-a (cuối thiên niên kỉ I TCN), Vương triều Gúp-ta (thế kỉ IV - thế kỉ VI), Vương triều Hác-sa (thế kỉ VII),...

- Trong thời kì cổ - trung đại, Ấn Độ nhiều lần bị xâm lược và thống trị bởi các vương triều ngoại tộc.

d) Văn minh Trung Hoa thời kì cổ - trung đại

* Điều kiện tự nhiên

- Văn minh Trung Hoa hình thành và phát triển trên một không gian rộng lớn ở phía Đông châu Á.

- Vùng đất này có hệ động thực vật phong phú, cùng hàng nghìn dòng sông lớn, nhỏ, trong đó quan trọng nhất là Hoàng Hà và Trường Giang.

- Điều kiện tự nhiên đa dạng và tài nguyên dồi dào là những cơ sở quan trọng cho sự hình thành và phát triển của nền văn minh Trung Hoa.

* Dân cư và xã hội

- Dân cư:

+ Những cư dân đầu tiên đã xây dựng nền văn minh Trung Hoa ở lưu vực Hoàng Hà là người Hoa - Hạ (tổ tiên của dân tộc Hán sau này).

+ Cùng Người Trung Hoa là cư dân với dân tộc Hán (chiếm số lượng đông nhất), các đầu tiên trên thế giới tìm ra dân tộc như Choang, Mãn, Hội, Mông, đã góp phẩn xây dựng nền văn minh Trung Hoa đa dạng, phong phú và phát triển rực rỡ.

- Xã hội:

+ Các giai tầng cơ bản trong xã hội Trung Quốc thời kì cổ đại là: quý tộc, nông dân, thợ thủ công, thương nhân...

+ Sang thời trung đại có thêm giai cấp địa chủ

* Kinh tế

- Nền tảng kinh tế căn bản của văn minh Trung Hoa thời kì cổ - trung đại là nông nghiệp

- Thủ công nghiệp và thương nghiệp cũng giữ vai trò quan trọng. Tơ lụa, gốm sứ,... là những hàng hoá nổi tiếng của người Trung Hoa trong quan hệ buôn bán với nhiều nước ở châu Á và châu Âu.

* Chính trị

- Lịch sử Trung Quốc thời kì cổ - trung đại đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh về chính trị, quân sự, dẫn đến sự thành lập và diệt vong của các triều đại nổi tiếp nhau.

- Nhà nước được tổ chức theo thể chế trung ương tập quyền, đứng đầu là vua, dưới vua là hệ thống quan lại từ trung ương đến địa phương.

e) Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại

* Điều kiện tự nhiên

- Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại hình thành trên các bán đảo Nam Âu.

- Địa hình nhiều núi và cao nguyên, đất đai khô rắn và không màu mỡ, chỉ thích hợp trồng các loại cây lâu năm như nho, ô liu,... Tuy nhiên, ở đây cũng có một số vùng đồng bằng tương đối thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

- Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như: đồng, sắt, vàng, bạc, đá cẩm thạch,... tạo điều kiện cho thủ công nghiệp sớm phát triển.

- Địa Trung Hải có bờ biển dài, nhiều vùng, vịnh với các hải cảng là điều kiện thuận lợi cho sự giao lưu, buôn bán bằng đường biển, đồng thời giúp cho người Hy Lạp - La Mã cổ đại sớm tiếp thu những thành tựu văn minh phương Đông, cũng như mở rộng không gian và ảnh hưởng đến nhiều vùng đất quanh Địa Trung Hải.

* Dân cư và xã hội

- Dân cư:

+ Người Mi-nô-an là cư dân đầu tiên xây dựng nền văn minh trên đảo Crét ở phía nam Hy Lạp từ khoảng cuối thiên niên kỉ III TCN. Từ khoảng đầu đến cuối thiên niên kỉ II TCN, nhiều tộc người khác như: A-kê-an, Đô-ri-an,... từ phía bắc đã di cư xuống vùng miền Trung và Nam Hy Lạp, xây dựng và mở rộng quốc gia của họ ra nhiều vùng quanh Địa Trung Hải.

+ Trên bán đảo I-ta-li-a, người I-ta-li-ốt (người La-tinh) là những cư dân chủ yếu xây dựng nên thành bang đầu tiên - La Mã. Ngoài ra, người Ê-tơ-ru-xcơ từ Tiểu Á, người Hy Lạp,... cũng lần lượt đến sinh sống ở đây.

- Xã hội: có hai giai cấp cơ bản là chủ nô và nô lệ, ngoài ra, còn có các tầng lớp khác là nông dân, thợ thủ công, thương nhân,...

* Kinh tế

- Ngành kinh tế chủ đạo của người Hy Lạp - La Mã cổ đại là thủ công nghiệp và thương nghiệp. Ngoài ra, nông nghiệp cũng có vai trò nhất định ở La Mã với nền kinh tế điền trang trong nông nghiệp cũng khá phát triển.

- Nhiều xưởng thủ công chuyển luyện kim, làm gốm, chế tạo vũ khí, đóng thuyền,... đã sử dụng nhân công với số lượng lớn. Sự phát triển của thủ công nghiệp đã thúc đẩy quan hệ thương mại, đặc biệt là quan hệ buôn bán đường biển với nhiều vùng xung quanh Địa Trung Hải

* Chính trị

- Từ khoảng cuối thiên niên kỉ III TCN, cư dân ở Hy Lạp đã xây dựng các nhà nước đầu tiên.

- Trong các thế kỉ VIII - IV TCN, những thành bang theo thể chế cộng hoà đã hình thành và phát triển ở miền Trung và Nam Hy Lạp cho tới khi bị Ma-xê-đô-ni-a chinh phục.

- Khoảng giữa thế kỉ VIII TCN, thành bang La Mã được thành lập. Thời kì đầu (khoảng từ năm 753 đến năm 510 TCN), bộ máy quản lí của nhà nước này bao gồm: Vua, Viện Nguyên lão, Đại hội công dân. Sau nhiều cuộc cải cách và đấu tranh chính trị, chế độ cộng hoà được thiết lập và duy trì ở La Mã cho đến cuối thế kỉ I TCN.

- Từ năm 27 TCN, thời kì đế chế bắt đầu, đứng đầu là hoàng đế, kéo dài cho đến cuối thế kỉ V, khi đế quốc Tây La Mã sụp đổ.

f) Văn minh Tây Âu thời Phục hưng

Bối cảnh lịch sử

- Phong trào Văn hoá Phục hưng ra đời trong bối cảnh quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa hình thành ở các nước Tây Âu.

- Thế giới quan, ý thức hệ phong kiến và việc Giáo hội Cơ Đốc lũng đoạn nền văn hoá, tư tưởng là những trở ngại cho sự phát triển phương thức sản xuất mới.

- Tầng lớp tư sản mới ra đời cần có một nền văn hoá mới phù hợp với họ =>họ đã tìm kiếm, tiếp thu và phục hưng lại những giá trị và thành tựu rực rỡ của văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại.

- Bên cạnh đó, phong trào Văn hoá Phục hưng ra đời trong bối cảnh mâu thuẫn xã hội sâu sắc giữa quần chúng nhân dân với giai cấp phong kiến và giáo hội,...

- Phong trào Văn hoá Phục hưng diễn ra đầu tiên ở I-ta-li-a rồi nhanh chóng lan sang các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức,...

3. Các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử thế giới

a) Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất

Bối cảnh lịch sử

- Diễn ra vào giữa thế kỉ XVIII, bắt đầu ở Anh, sau đó lan ra nhiều quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ.

- Nước Anh tiến hành cách mạng công nghiệp trong bối cảnh có nhiều thuận lợi:

+ Cách mạng tư sản nổ ra sớm và thành công, nguồn tích luỹ tư bản (từ buôn bán nô lệ da đen và bóc lột thuộc địa);

+ Giàu tài nguyên thiên nhiên;

+ Những tiến bộ kĩ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp đã tạo ra nguồn lương thực dồi dào và lực lượng lao động cho các nhà máy, xí nghiệp.

+ Sự phát triển của ngành dệt ở Anh đã đặt ra nhu cầu cải tiến kĩ thuật và cơ khí hoá ngành này.

Những thành tựu cơ bản

- Những tiến bộ về kĩ thuật chủ yếu diễn ra trong các ngành dệt, luyện kim và giao thông vận tải; đầu tiên là những tiến bộ về kĩ thuật và máy móc trong ngành dệt.

- Những thành tựu tiêu biểu:

+ Năm 1733, Giôn Cay sáng tạo ra con thoi bay

+ Năm 1764, Giêm Ha-gri-vơ sáng tạo ra máy kéo sợi Gien-ni

+ Năm 1769, Ri-chác Ác-rai chế rạo ra máy kéo sợi chạy bằng sức nước

+ Năm 1784, Giêm Oát phát minh ra máy hơi nước

+ Năm 1785, Ét-mơn Các-rai chế tạo ra máy dệt chạy bằng hơi nước

- Ngành luyện kim và giao thông vận tải cũng đạt được những thành tựu quan trọng:

+ Năm 1784, Hen-ri Cớt đã phát minh ra lò luyện quặng theo phương pháp Put-đinh

+ Năm 1804, Ri-chác Tơ-re-vi-thích sáng tạo ra đầu máy xe lửa chạy trên đường ray

b) Cách mạng công nghiệp lần thứ hai

Bối cảnh lịch sử

- Cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra từ giữa thế kỉ XIX đến khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ (1914).

- Cuộc cách mạng này diễn ra trong bối cảnh nước Anh đã đạt được những thành tựu quan trọng trong Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và tiếp tục đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá đất nước.

- Đầu thế kỉ XIX, nhiều nước tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ tuy vẫn còn là nước nông nghiệp nhưng có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp: đầu tư tư bản tài chính lớn, tài nguyên khá phong phú, thị trường tiêu thụ lớn, nguồn lao động dồi dào và hệ thống giao thông phát triển mạnh,...

- Các ngành khoa học Vật lí, Hoá học, Sinh học,... đã đạt được nhiều thành tựu như: Thuyết vạn vật hấp dẫn (Niutơn), Định luật bảo toàn vật chất và năng lượng (Lô-mô-nô-xốp), Thuyết tiến hoá (Đác-uyn),...

Những thành tựu cơ bản

- Cách mạng công nghiệp lần thứ hai gắn liền với những tiến bộ về khoa học, kĩ thuật trong rất nhiều lĩnh vực.

+ Phương pháp sử dụng lò cao trong luyện kim đã dẫn đến sự ra đời của các nguyên liệu mới.

+ Những khám phá về điện là cơ sở cho sự ra đời và phát triển của động cơ điện, điện thoại, vô tuyến điện và thúc đẩy việc ứng dụng nguồn năng lượng điện vào cuộc sống.

+ Phát minh ra động cơ đốt trong tạo tiền đề cho sự ra đời và phát triển của ô tô, máy bay, đồng thời thúc đẩy ngành khai thác dầu mỏ.

c) Cách mạng công nghiệp lần thứ ba

Bối cảnh lịch sử

- Cách mạng công nghiệp lần thứ ba (còn được gọi là Cách mạng kĩ thuật số), diễn ra trong khoảng nửa sau thế kỉ XX.

- Cách mạng công nghiệp lần thứ ba ra đời trên cơ sở:

+ Kế thừa những bước tiến của khoa học, kĩ thuật vào đầu thế kỉ XX.

+ Sự ra đời của lí thuyết nguyên tử hiện đại, đặc biệt là Thuyết tương đối của An-be Anh-xtanh (Đức)

+ Nhu cầu phục vụ chiến tranh và chạy đua vũ trang đã thúc đẩy chính phủ các nước đầu tư vào nghiên cứu khoa học, hoạt động sáng chế để chế tạo ra nhiều loại vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại.

+ Sự vơi cạn các nguồn tài nguyên hoá thạch (dầu mỏ, than đá,...), thách thức về bùng nổ và già hoá dân số, nhu cầu lớn về nguyên vật liệu cho sản xuất đã đặt ra yêu cầu phải tìm ra những nguồn năng lượng mới, vật liệu mới thay thế, cũng như phát triển các ngành sử dụng ít năng lượng.

Những thành tựu cơ bản

- Cách mạng công nghiệp lần thứ ba tạo ra nhiều phát minh lớn về công cụ sản xuất như: máy tính, máy tự động và hệ thống máy tự động, người máy; internet, công nghệ thông tin; những vật liệu mới, nguồn năng lượng mới,...

- Thành tựu quan trọng đầu tiên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba là sự xuất hiện của máy tính.

- Tự động hoá và công nghệ rô-bốt ra đời đã giúp giải phóng sức lao động của con người, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm công nghiệp

- Sự xuất hiện của mạng internet, việc kết nối giữa các khu vực trên thế giới, chia sẻ thông tin giữa các thiết bị được thực hiện một cách dễ dàng, hiệu quả hơn.

- Sự ra đời của mạng kết nối internet không dây là một bước tiến quan trọng của ngành công nghệ thông tin.

- Cách mạng công nghiệp lần thứ ba còn gắn với thành tựu trong công cuộc chinh phục vũ trụ của hai cường quốc là Mỹ và Liên Xô.

d) Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Bối cảnh lịch sử

- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là Cách mạng 4.0) bắt đầu từ những năm đầu tiên của thế kỉ XXI và vẫn đang tiếp diễn.

- Cuộc Cách mạng 4.0 diễn ra trong bối cảnh:

+ Nhân loại đã trải qua nhiều cuộc cách mạng công nghiệp với những tiến bộ lớn về khoa học, kĩ thuật và công nghệ.

+ Thừa hưởng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba, trong đó quan trọng nhất là thành tựu trong lĩnh vực công nghệ kĩ thuật số, khi internet ngày càng phổ biến, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rộng rãi hơn trong nhiều lĩnh vực.

- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước phát triển.

Những thành tựu cơ bản

- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn liền với những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ in 3D, tự động hoá, vật liệu mới, Công nghệ gen, công nghệ na-nô,...

- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa mới bắt đầu, nhưng hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi lớn lao trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của thế kỉ XXI.

4. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1. Đến thời đại đồ kim khí, Nhà nước và chữ chiết ra đời, nhân loại đã bước vào thời kì

A. nguyên thủy.

B. văn minh.

C. dã man.

D. văn hóa.

Câu 2. Đến thiên niên kỉ IV TCN, nhân loại đã bước vào thời kì văn minh với trung tâm chính ở khu vực

A. Đông Âu và Nam Âu.

B. đông bắc châu Phi và Tây Á.

C. Tây Âu và Đông Nam Á.

D. Nam Âu và đông bắc châu Á.

Câu 3. Người Ai Cập cổ đại là chủ nhân của thành tựu nào dưới đây?

A. Lăng Ta-giơ Ma-han.

B. Vườn treo Ba-bi-lon.

C. Bộ luật Hammurabi.

D. Phép đếm lấy số 10 làm cơ sở.

Câu 4. Tri thức toán học ra đời sớm ở Ai Cập cổ đại do nhu cầu

A. chia ruộng đất, ghi chép nợ và tri thức khoa học.

B. tính toán trong xây dựng, phân chia ruộng đất.

C. tính toán nợ và thu thuế của giai cấp thống trị.

D. sản xuất nông nghiệp và phát triển thương nghiệp.

Câu 5. Thành tựu kĩ thuật nào dưới đây không thuộc “tứ đại phát minh” của cư dân Trung Quốc thời cổ - trung đại?

A. Đồng hồ.

B. Kĩ thuật in.

C. La bàn.

D. Thuốc súng.

Câu 6. Nhận định nào dưới đây không đúng về giá trị của Nho giáo ở Trung Quốc?

A. Hệ tư tưởng của giai cấp thống trị thời phong kiến.

B. Góp phần đào tạo nhân tài phục vụ cho đất nước.

C. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa.

D. Giáo dục nhân cách, đạo đức cho con người.

Câu 7. Công trình kiến trúc nào dưới đây là thành tựu của cư dân Ấn Độ thời kì cổ - trung đại?

A. Vườn treo Ba-bi-lon.

B. Kim tự tháp Kê-ốp.

C. Vạn lí trường thành.

D. Chùa hang A-gian-ta.

Câu 8. Giá trị ưu việt và tính nhân văn của văn minh Ấn Độ thể hiện qua việc lan toả giá trị văn minh bằng con đường

A. chính trị.

B. quân sự. 

C. chiến tranh.

D. hoà bình.

Câu 9. Cư dân Hy Lạp cổ đại là chủ nhân của thành tựu văn minh nào dưới đây?

A. Sử thi I-li-át và Ô-đi-xê.

B. Đầu trường Cô-li-dê.

C. Hệ thống 10 chữ số tự nhiên.

D. Hệ thống mẫu tự La-tinh.

Câu 10. Thành tựu nào của cư dân La Mã cổ đại vẫn được ứng dụng cho đến hiện nay?

A. Kĩ thuật làm giấy.

B. Hệ chữ cái La-tinh.

C. Bộ luật Hamurabi.

D. Âm lịch.

Câu 11. Đặc điểm nổi bật của nền văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại là

A. khép kín, không có sự giao lưu với bên ngoài.

B. mang tính tiên phong và tính cộng đồng cao.

C. chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo.

D. có tính hiện thực cao và mang tính nhân bản.

Câu 12. Chữ viết là cống hiến lớn lao của La Mã cổ đại, vì

A. có hàng ngàn kí tự nên dễ dàng biểu đạt các khái niệm.

B. được tất cả các nước trên thế giới sử dụng đến ngày nay.

C. sử dụng hình ảnh để biểu đạt nên dễ dàng ghi nhớ, phổ biến.

D. đơn giản, khoa học, khả năng ghép chữ linh hoạt, dễ phổ biến.

Câu 13. Với Thuyết Nhật tâm, nhà khoa học N. Cô-péc-ních đã khẳng định

A. Trái Đất là trung tâm của Thái Dương hệ.

B. Mặt Trời quay xung quanh Trái Đất.

C. Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời.

D. Mặt Trăng là trung tâm của vũ trụ.

Câu 14. Bức tranh Bữa tiệc cuối cùng là tác phẩm nổi tiếng của danh họa nào?

A. W. Sếch-xpia.

B. Lê-ô-na đơ Vanh-xi.

C. Mi-ken-lăng-giơ.

D. G. Ga-li-lê.

Câu 15. Văn minh thời Phục hưng đề cao điều gì?

A. Giáo lí của Thiên Chúa giáo.

B. Uy quyền và tính chuyên chế của các vị vua.

C. Giá trị con người và quyền tự do cá nhân.

D. Vai trò quan trọng của Giáo hội Thiên Chúa.

Câu 16. Cuộc đấu tranh công khai đầu tiên của giai cấp tư sản chống lại chế độ phong kiến trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng là

A. phong trào văn hóa Phục hưng.

B. cuộc chiến tranh nông dân Đức.

C. phong trào cải cách tôn giáo.

D. phong trào thập tự chinh.

Câu 17. Phát minh nào dưới đây không phải thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất?

A. Động cơ đốt trong.

B. Động cơ hơi nước.

C. Con thoi bay.

D. Máy dệt chạy bằng sức nước.

Câu 18. Cách mạng công nghiệp lần thứ hai được khởi đầu bằng các phát minh về

A. năng lượng Mặt Trời.

B. động cơ đốt trong.

C. năng lượng điện.

D. máy tính điện tử.

Câu 19. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng bối cảnh diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai?

A. Anh trở thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới.

B. Các nước Âu – Mĩ đã hoàn thành cách mạng tư sản.

C. Quá trình khu vực hóa, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ.

D. Xuất hiện nhiều thành tựu khoa học – kĩ thuật mới.

Câu 20. Các cuộc cách mạng công nghiệp thời cận đại đã mang lại ý nghĩa nào về mặt xã hội?

A. Thúc đẩy quá trình đô thị hóa, hình thành nhiều đô thị có quy mô lớn.

B. Giải phóng sức lao động và thay đổi cách thức lao động của con người.

C. Thúc đẩy quan hệ quốc tế, sự giao lưu và kết nối văn hóa toàn cầu.

D. Lối sống và tác phong công nghiệp ngày càng được phổ biến.

Câu 21. Phát minh nào dưới đây không phải là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba?

A. Máy bay siêu âm.

B. Máy tính điện tử.

C. Động cơ hơi nước.

D. Năng lượng Mặt Trời.

Câu 22. Trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (big Data) là những yếu tố cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ mấy?

A. Lần thứ ba.

B. Lần thứ tư.

C. Lần thứ hai.

D. Lần thứ nhất.

Câu 23. Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại mang lại ý nghĩa nào về văn hóa?

A. Tạo ra bước nhảy vọt của lực lượng sản xuất.

B. Khiến sự phân công lao động ngày càng sâu sắc.

C. Làm thay đổi vị trí, cơ cấu của các ngành sản xuất.

D. Thúc đẩy sự đa dạng văn hóa trên cơ sở kết nối toàn cầu.

Câu 24. Trong đời sống xã hội, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại tác động tiêu cực nào sau đây?

A. Làm gia tăng tình trạng thất nghiệp trên toàn cầu.

B. Gia tăng sự lệ thuộc của con người vào “thế giới mạng”.

C. Làm xuất hiện nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

D. Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa.

Câu 25. Văn hoá là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra

A. sau khi có chữ viết.

B. trong tiến trình lịch sử.

C. sau khi nhà nước ra đời.

D. trong giai đoạn phát triển cao của xã hội.

Câu 26. Văn minh nhân loại trải qua tiến trình như thế nào?

A. Nông nghiệp => công nghiệp=> hậu công nghiệp => kim khí.

B. Kim khí => nông nghiệp => công nghiệp => hậu công nghiệp.

C. Công nghiệp => hậu công nghiệp => nông nghiệp => kim khí.

D. Công nghiệp => nông nghiệp => kim khí => hậu công nghiệp.

Câu 27. Người Ai Cập viết chữ trên nguyên liệu gì?

 A. Mai rùa, xương thú.

B. Đỉnh đồng, chuông đồng.

C. Những tấm đất sét còn ướt.

D. Giấy làm từ cây pa-pi-rút.

Câu 28. Nguyên nhân nào khiến những tri thức về Lịch pháp và Thiên văn học ở Ai Cập cổ đại ra đời sớm?

A. Nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

B. Thúc đẩy sản xuất thương nghiệp.

C. Tiến hành nghi thức tôn giáo.

D. Cúng tế các vị thần linh.

Câu 29. Người đặt nền móng cho sự phát triển của nền sử học Trung Quốc là

A. Tư Mã Thiên.

B. Lý Thời Trân.

C. Tổ Xung Chi.

D. Tô Đông Pha.

Câu 30. Những thành tựu của văn minh Truung Hoa thời cổ - trung đại không mang ý nghĩa nào dưới đây?

A. Có nhiều đóng góp quan trọng vào kho tàng văn minh nhân loại.

B. Được lan tỏa và ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia láng giềng.

C. Đặt cơ sở và nền tảng cho sự phát triển của văn minh phương Tây.

D. Cho thấy sự phát triển cao về tư duy và sự lao động miệt mài của cư dân.

............

---(Để xem tiếp nội dung của đề cương các em vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)--- 

Trên đây là một phần nội dung tài liệu Đề cương ôn tập HK1 môn Lịch sử 10 CTST năm học 2022-2023. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Mời các em tham khảo tài liệu có liên quan:

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA
NONE
OFF