Tài liệu Phân tích 2 khổ thơ đầu bài thơ Ánh trăng dưới đây nhằm giúp các em hiểu được ý nghĩa sâu sắc bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy. Hy vọng rằng tài liệu này sẽ hữu ích với các em. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Ánh trăng.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu về bài thơ Ánh trăng.
- Hai khổ thơ đầu của bài thơ là hình ảnh của vầng trăng khi xưa.
b. Thân bài:
- Hình ảnh vầng trăng là hình ảnh chủ đề, trung tâm của bài thơ.
- Hai khổ đầu là hình ảnh của ánh trăng gắn bó với con người khi còn thiếu niên và cùng nhau trải qua thời gian chiến đấu thời chiến tranh.
- Khổ thơ thứ nhất như kể một câu chuyện theo dòng thời gian từ lúc còn nhỏ tới khi trở thành người chiến sĩ cụ Hồ.
- Cấu trúc lặp và biện pháp liệt kê được sử dụng theo trình tự không gian từ nhỏ tới lớn, từ quê hương rộng ra là đất nước.
- Điệp từ "hồi": Sự suy tưởng, suy ngẫm về quá khứ, từ lúc thiếu niên tới khi hành quân cùng đồng đội, ánh trăng luôn theo sát bên.
- Khi còn ở chiến khu, "vầng trăng thành tri kỉ": đi đâu trăng cũng theo sau, nghỉ ngơi cùng nhau tự tình.
=> Tình cảm thật tự nhiên, gắn bó, chân thành, mộc mạc.
- Hình ảnh "trần trụi ...cây cỏ": cảm giác gần gũi, thân thuộc với vầng trăng, tự nhiên như hơi thở, không có khoảng cách.
- Nhà thơ đã tưởng chừng như không thể quên được hình ảnh của vầng trăng ấy "ngỡ không...tình nghĩa".
- Vầng trăng ở đây được nhân hóa thành nhân vật trữ tình, là một con người thực thụ, chứng nhân những năm tháng từ thơ bé cho tới khi chiến đấu.
=> Ánh trăng không chỉ là một người bạn mà còn là một chứng nhân tượng trưng cho quá khứ, cho những năm tháng không thể nào quên. => Nguyễn Duy muốn rút ra bài học: không được quên đi quá khứ, phải sống đúng đạo lý "uống nước nhớ nguồn".
- Nghệ thuật: Thể thơ năm chữ, không viết hoa đầu dòng làm lời thơ như câu chuyện kể. Các biện pháp nhân hóa, so sánh được sử dụng nhuần nhuyễn,
c. Kết bài:
- Khẳng định lại đạo lý mà Nguyễn Duy muốn gửi gắm.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy phân tích 2 khổ thơ đầu bài thơ Ánh trăng bằng một bài văn ngắn.
GỢI Ý LÀM BÀI
3.1. Bài văn mẫu số 1
Trăng từ lâu đã trở thành đề tài muôn thuở nhưng không bao giờ cũ trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam. Đến với trăng, khó ai có thể kìm lòng trước vẻ đẹp của nó. Nếu đến với trăng của các nhà thơ lớn của dân tộc như Thế Lữ có Nhớ rừng; Đầu súng trăng treo của Chính Hữu hay Rằm tháng giêng, Cảnh khuya, Ngắm trăng” của Hồ Chí Minh…ta đều thấy xuất hiện trước mắt một bức tranh đêm trăng đầy thơ mộng, bí ẩn và huyền ảo. Thế nhưng, đến với “Ánh Trăng” của Nguyễn Duy, ta lại bắt gặp một tư tưởng hoàn toàn mới lạ. Trăng ở đây là quá khứ thuỷ chung, bất diệt; là người bạn nghĩa tình, tri kỉ; là bài học thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc.
Hai khổ thơ đầu là những kỉ niệm đẹp, những tình cảm gắn bó giữa con người và vầng trăng trong quá khứ. Tác giả đã mở đầu bài thơ với hình ảnh trăng trong kí ức tuổi thơ của nhà thơ và trong chiến tranh: Hồi nhỏ sống với đồng với sông rồi với bể hồi chiến tranh ở rừng vầng trăng thành tri kỉ Bốn câu thơ gắn với giọng đọc thủ thỉ, tâm tình “hồi nhỏ”, “chiến tranh” đã gợi lại một quãng thời gian dài từ thời niên thiếu đến lúc trưởng thành và nhất là trong những năm tháng gian lao thời chiến tranh. Cả một thời gian dài có biết bao nhiêu kỉ niệm đẹp với trăng.
Khổ thơ mở ra một không gian, thời gian bao la. Trong dòng hồi tưởng, tác giả đã khái quát vẻ đẹp của cuộc sống bình dị, vô tư, hồn nhiên, khẳng định tình cảm bền chặt gắn bó của con người với vầng trăng là “tri kỉ”, “tình nghĩa”. Trăng là người bạn chia sẻ mọi vui buồn, trăng đồng cam cộng khổ, xoa dịu những đau thương, nham nhở của chiến tranh bằng thứ ánh sáng mát dịu… Trăng là người bạn đồng hành trên mỗi bước đường gian lao nên trăng hiện diện như là hình ảnh của quá khứ, là hiện thân của ký ức chan hoà tình nghĩa… Điệp từ “với”, điệp cấu trúc “hồi nhỏ, hồi chiến tranh” được lặp lại ba lần càng tô đậm thêm sự gắn bó chan hòa của con người với thiên nhiên, với những tươi đẹp của tuổi thơ. “Hồi chiến tranh ở rừng” là những năm tháng gian khổ, ác liệt thời chiến tranh “vầng trăng thành tri kỉ”.
Ngay khi ta đọc khổ thơ thứ nhất:
“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ”
Với giọng thơ tâm tình, thủ thỉ, lại kết hợp với cụm từ “ hồi nhỏ, hồi chiến tranh” đã gợi ta liên tưởng một quãng thời gian dài từ niên thiếu đến trưởng thành, nhất là những năm tháng gian lao thời chiến tranh. Từ khi còn nhỏ, con người đã sống chan hòa, gắn bó với thiên nhiên :
“Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ”
Ta thấy, con người lúc bấy giờ luôn sống gắn bó, hòa hợp với đồng, sông, bể, rừng. nghệ thuật điệp từ “với, hồi” kết hợp cùng với biện pháp liệt kê đã cho người đọc thấy điều đó. Hơn hết, nó mở ra trong tâm trí ta một không gian bao la, rộng lớn, khoáng đạt, đồng thời là niềm hạnh phúc của tuổi trẻ khi gắn bó với thiên nhiên và vầng trăng. Đến khi đi lính, trưởng thành, vầng trăng sáng vẫn luôn là bạn, gắn bó với con người. Trăng và người đã sống với nhau thân thiết, hồn nhiên, vô tư đến độ “như cây cỏ”. Giữa họ có một tình bạn trong sáng, không vụ lợi. Tình cảm chân thành, bền chặt của con người với vầng trăng được diễn tả qu biện pháp so sánh và đồng thời là cả nhân hóa nữa.Ta thấy con người khi ấy coi trăng như tri kỉ, như tình nghĩa. Với sự gắn bó nghĩa tình ấy, con người đã từng tâm niệm :
“Ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa”
Từ ngỡ được đặt lên trên đầu của câu, nó như vừa nói lên điều tâm niệm sâu sắc trong lòng con người, vừa như báo trước một sự thay đổi lớn lao.
Và qua hai khổ thơ đầu ấy, ta thấy vầng trăng mộc mạc, giản dị ấy cũng giống như tầm hồn chân chất, hồn nhiên của người lính khi gắn bó với thiên nhiên.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Hẳn trong tâm trí chúng ta chưa thể quên những lời thơ mộc mạc, giản dị mà chan chứa tình cảm trong bài thơ Tre Việt Nam của tác giả. Nếu Tre Việt Nam tựa như một khúc đồng dao ngân nga trong tâm hồn thì bước vào thế giới của ánh trăng, ta lại gặp những lời thơ chân thành, ẩn chứa niềm băn khoăn, day dứt:
Hồi nhỏ sống với đồng
Với sông rồi với bể
Hồi chiến tranh ở rừng
Vầng trăng thành tri kỉ
Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn, Nguyễn Duy đã dựng lại được cả thời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành của mình. Khổ thơ nhẹ nhàng đưa người đọc lần về quá khứ, hai chữ “hồi ở câu một và ba làm cho khổ thơ như có một chỗ dừng chân. Cái dừng chân giữa ranh giới của ấu thơ và lúc trưởng thành! Cả một hệ thống những đồng, sông, bể gọi một vùng không gian quen thuộc của tuổi ấu thơ, nó cứ mở rộng dần ra cùng với thời gian lớn dần lên của đứa trẻ. Nhưng cái chính là nó diễn tả một nỗi niềm sung sướng đến hả hê được chan hòa, ngụp lặn trong cái mát lành của quê hương như dòng sữa ngọt.
Hai câu thơ 10 tiếng, gieo vần lưng (đồng – sông) kết hợp cùng từ “với” điệp lại ba lần gợi lên cái thế bè đôi thật quấn quýt chia sẻ, cảm thông, dìu đỡ con người, và đồng hay sông, rồi bể như những người bạn vô tư. ở hai câu đầu không thấy nói đến vầng trăng. Chỉ đến khi lớn lên, cái ánh sáng bàng bạc mơ hồ của ánh trăng mới neo đậu vào trí nhớ con người khi phải xa cách quê hương. Và người dẫn đường chỉ lối cho dòng suy nghĩ ấy chính là ánh trăng. Dường như cái ánh sáng cao khiết ấy soi rọi đến từng ngõ ngách khiến con đường trở về quá khứ trở nên sáng rõ.
Khổ cuối bài thơ, Nguyễn Duy đưa người đọc cùng đắm chìm trong suy tư, trong chiêm nghiệm về “vầng trăng tình nghĩa" một thời:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình... ”
Trăng vẫn thủy chung mặc cho ai thay đổi, vô tình với trăng. Trăng bao dung và độ lượng biết bao! Tấm lòng bao dung độ lượng ấy "đủ cho ta giật mình" mặc dù trăng không một lời trách cứ. Trăng tượng trưng cho phẩm chất cao quý của nhân dân, trăng tượng trưng cho vẻ đẹp bền vững của tình bạn, tình chiến đấu trong những tháng năm “không thể nào quên".
“Ánh trăng" của Nguyền Duy gây được nhiều xúc động đối với nhiều thế hệ độc giả bởi cách diễn tả bình dị như những lời tâm sự, lời tự thú, lời tự nhắc nhở chân thành. Giọng thơ trầm tĩnh, sâu lắng. Tứ thơ bất ngờ, mới lạ. “Ánh trăng” còn mang ý nghĩa triết lí về sự thủy chung khiến người đọc phải “giật mình" suy nghĩ, nhìn lại chính mình để sống đẹp hơn, nghĩa tình hơn.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024208 - Xem thêm