OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA

Lí thuyết và bài tập tổng hợp chủ đề Địa lí địa phương tỉnh An Giang môn Địa lí 9 năm 2021

23/11/2021 1.11 MB 692 lượt xem 2 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2021/20211123/328810319446_20211123_102527.pdf?r=5478
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

HOC247 xin giới thiệu đến các em học sinh lớp 9 tài liệu Lí thuyết và bài tập tổng hợp chủ đề Địa lí địa phương tỉnh An Giang môn Địa lí 9 năm 2021 được HOC247 biên tập và tổng hợp với phần lí thuyết và bào tập tổng hợp chi tiết đầy đủ về địa phương. Hi vọng tài liệu này sẽ có ích cho các em, chúc các em có kết quả học tập tốt!

 

 
 

LÍ THUYẾT VÀ BÀI TẬP TỔNG HỢP CHỦ ĐỀ ĐỊA LÍ ĐỊA PHƯƠNG TỈNH AN GIANG MÔN ĐỊA LÍ 9 NĂM 2021

 

A. Kiến thức trọng tâm

I. Vị trí địa lý và giới hạn:

            Diện tích tự nhiên: 3.536,76 km2, chiếm 1,05% diện tích cả nước và đứng thứ 39 trong cả nước. An Giang là tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sát biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, có 96 km đường biên giới với Cam-pu-chia về phía Bắc và Tây Bắc. Phía Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ và phía Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang. An Giang có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng thuận lợi phát triển và hội nhập nền kinh tế trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

II. Đặc điểm tự nhiên:

1. Địa hình: có 2 dạng địa hình chính: đồng bằng và đồi núi.

- Đồng bằng: chiếm 87% diện tích tự nhiên và là nơi tập trung tới 89% dân cư toàn tỉnh. Độ cao khá thấp và tương đối bằng phẳng, đất phù sa màu mỡ thích hợp trồng lúa, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả

- Đồi núi thấp: chiếm 13% diện tích tự nhiên, là nét nổi bật của An Giang so với các tỉnh còn lại của Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu phân bố ở Tri Tôn, Tịnh Biên gồm  khu vực Bảy Núi (hay còn gọi Thất Sơn). Ngoài ra, còn có cụm núi Ba Thê - Núi Sập thuộc huyện Thoại Sơn, núi Sam thuộc thị xã Châu Đốc. Các núi của tỉnh, cao nhất là núi Cấm cao 705 m, Cô-tô 614 m, Dài 554 m,… và các núi thấp: núi Sam 228 m, núi Ba Thê 221 m, núi Sập 85 m. Đất đai của vùng núi chủ yếu là đất xám, nghèo dinh dưỡng, thoát nước mạnh, dễ bị khô hạn và xói mòn, chủ yếu trồng cây ăn quả và trồng rừng.

- Ngoài 2 dạng địa hình chính đồi núi và đồng bằng, An Giang còn tập trung nhiều cù lao sông (cồn sông).

2. Khí hậu:

An Giang nằm ở vĩ độ thấp, có khí hậu nhiệt đới gió mùa thể hiện tính chất cận xích đạo. Trong năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô, có ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của dân cư.

Nhiệt độ trung bình cao và ổn định ở 270C. Độ ẩm trong năm cao trên 80%, tổng lượng mưa trung bình hàng năm đạt 1200-1300mm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 90% tổng lượng mưa cả năm. Mùa mưa lớn lại trùng vào mùa nước lũ sông Mê Kông gây ngập lụt, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân.

3. Sông ngòi:

An Giang là một trong hai tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có hai sông lớn chảy qua là sông Tiền và sông Hậu, nhiều rạch tự nhiên và kênh đào tạo thành một mạng lưới giao thông, thuỷ lợi khá chằng chịt với mật độ sông ngòi thuộc loại cao nhất trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch cùng với hệ thống giao thông đường bộ giúp cho việc giao thông trong và ngoài tỉnh được thuận lợi, dễ dàng.

            Bên cạnh thuận lợi, chế độ thuỷ văn cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất và đời sống dân cư như: thiếu nước vào mùa khô, ngập lụt kéo dài trong nhiều tháng, nạn sạt lỡ bờ sông diễn ra nhiều nơi... Đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là các công trình thuỷ lợi có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Phương hướng chủ yếu hiện nay là chủ động chung sống với lũ, đồng thời khai thác các lợi thế kinh tế do chính lũ hàng năm đem lại.

4. Sinh vật:

            Do điều kiện đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi nên thảm thực vật rất phong phú, có nhiều loài. Nhưng do tác hại tàn phá của chiến tranh và tác động khai thác của con người, thảm thực vật giảm sút nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Cho hết năm 2006, An Giang có 583 ha diện tích rừng tự nhiên và 14.034 ha diện tích rừng trồng, tập trung chủ yếu ở Tri Tôn, Tịnh Biên, với nhiều loài cây quý như: căm xe, dầu, sao, kiền kiền, cẩm lai... Rừng tự nhiên ở An Giang chủ yếu là cây lá rộng, với 154 loài cây quý hiếm thuộc 54 họ, có  nhiều loài cây quý và các loài cây dược liệu quý ở vùng Bảy Núi.

Động vật cũng phong phú, đa dạng với nhiều hệ động vật tự nhiên và động vật nuôi. Động vật thuỷ sinh cũng rất phong phú: như tôm càng xanh, cá tra, cá basa, cá bông lau, cá lóc, cá linh, cá rô, cá sặc rằn, cua đồng... Hệ động vật nuôi chủ yếu là trâu, bò, lợn, gà, vịt, đà điểu, cá sấu, baba, tôm...

5. Khoáng sản:

An Giang, phong phú về tài nguyên khoáng sản, song trữ lượng không nhiều, đáng kể là các loại khoáng sản sau:

- Vật liệu xây dựng: đá gra-nit ở Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn; đất sét gạch ngói tập trung nhiều ở Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới; cát vàng phục vụ cho xây dựng ở Tân Châu.

- Than bùn phân bố ở Tịnh Biên, Tri Tôn, đáp ứng yêu cầu sản xuất phân hữu cơ vi sinh, a-xit hu-mic.

- Cao lanh: tập trung ở Tri Tôn, là nguồn vật liệu làm sứ cách điện cao cấp

Các loại khoáng sản của tỉnh nhìn chung không nhiều so với cả nước nhưng đa dạng và phong phú hơn các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có thể khai thác để phát triển một số ngành công nghiệp vật liệu xây dựng.

III. Đặc điểm dân cư và xã hội:

1. Dân số và dân tộc:

An Giang là tỉnh đông dân, với 2.210.271 người (năm 2006), đứng thứ 6 trong cả nước, đứng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long, trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 27.533 người. Trong những năm trở lại đây, tỷ suất gia tăng tự nhiên liên tục giảm, chỉ còn 1,25% năm 2006. Đó là do tỉnh thực hiện tốt chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình và nhờ chất lượng cuộc sống đang dần được nâng lên.

Toàn tỉnh có 29 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc có số dân đông: người Kinh chiếm 94,92% dân số, cư trú khắp nơi; người Khơ-me tập trung đông ở Tri Tôn, Tịnh Biên; người Chăm cư trú ở An Phú, Châu Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Thành; người Hoa sống chủ yếu ở các thành phố, thị xã, thị trấn.

Trong tỉnh có nhiều tôn giáo như: đạo Phật Giáo Việt Nam, đạo Phật Giáo Hòa Hảo, đạo Cao Đài, đạo Công Giáo, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Hồi (đạo Islam), đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tin Lành.

Hiện nay trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, các dân tộc đoàn kết bên nhau phát huy truyền thống sản xuất, văn hóa tạo nên sức mạnh phát triển kinh tế-xã hội.

2. Cơ cấu dân số:      

Giống như cả nước, kết cấu theo giới ở An Giang có tỷ lệ nữ nhiều hơn nam. Cụ thể nữ chiếm 50,99% dân số, nam chiếm 49,01% dân số toàn tỉnh năm 2006.

Dân số An Giang thuộc loại trẻ, có đặc điểm như sau (năm 2005):

+ Nhóm dưới tuổi lao động chiếm 35,1%.

+ Nhóm trong tuổi lao động chiếm 57,3%.

+ Nhóm ngoài tuổi lao động chiếm 7,6%.

An Giang có nguồn lao động dồi dào và tăng khá nhanh. Số người trong độ tuổi lao động chiếm 57,3% dân số toàn tỉnh. Mỗi năm An Giang cần giải quyết việc làm cho khoảng trên 70.000 lao động. Đây là vấn đề bức xúc, nhất là ở nông thôn, cần được giải quyết thông qua một loạt các giải pháp đồng bộ như: kế hoạch hóa gia đình, mở rộng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất kinh doanh tạo thêm nhiều ngành nghề, đạo tạo dạy nghề cho người lao động, kể cả xuất khẩu lao động sang các nước... Cơ cấu lao động trong nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn và đang có chuyển biến giảm nhưng còn chậm.

3. Phân bố dân cư và đô thị hóa:

An Giang có mật độ dân số trung bình 625 người/km2 (năm 2006), cao gấp 2,6 lần so cả nước và 1,5 lần so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên sự phân bố dân cư lại chưa hợp lý. Hiện nay 89% dân số tập trung ở 9 huyện, thị, thành vùng đồng bằng; trong khi 2 huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên chỉ chiếm 11% dân số, với mật độ dân số trung bình 250 người/km2.

- Ở vùng đồng bằng, song mật độ dân số ở 4 huyện cù lao giữa sông Tiền và sông Hậu rất cao: An Phú 853 người/km2, Phú Tân 735, Chợ Mới 995, Tân Châu 954. Trong khi 3 huyện vùng tứ giác Long Xuyên lại thưa hơn, 490 người/km2.

- Giữa thành thị và nông thôn cũng rất chênh lệch, số dân nông thôn đông gấp hơn 3 lần số dân thành thị. Những năm gần đây, tỷ trọng dân thành thị có xu hướng tăng.

Long Xuyên thành phố duy nhất trực thuộc tỉnh được xếp loại đô thị loại 3. Hiện nay có 2 thị xã là Châu Đốc và Tân Châu.

IV. Đặc điểm kinh tế:

Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) (theo giá thực tế) trên địa bàn tỉnh tăng liên tục, đạt 18.647 tỷ đồng năm 2005, đứng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn luôn cao, đạt 9,9%/ năm thời kỳ 1991-1995, 13,5%/ năm thời kỳ 1996-2003, 9,1% năm 2005. Thu nhập bình quân theo đầu người cũng tăng, năm 2005 đạt 8,5 triệu đồng.

Cơ cấu theo ngành kinh tế đang có xu hướng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Trước đây khu vực I chiếm tỷ trọng cao, hiện nay đã giảm rõ rệt. Cụ thể, năm 1990 chiếm 59,4% đến năm 2005 còn 38,4%. Trong khi đó, tỷ trọng khu vực II và III tăng lên. Cụ thể năm 1990, khu vực II chiếm 9,0% và khu vực III chiếm 31,6%, đến năm 2005 lần lượt là 12,3% và 49,3%. Tuy nhiên xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành diễn ra còn chậm, nhất là trong công nghiệp.

1. Nông nghiệp:        

1.1. Trồng trọt: là ngành giữ vai trò chủ đạo trong nông nghiệp, tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp cao, chiếm 82,7% năm 2006. Trong trồng trọt, ưu thế vẫn thuộc nhóm cây lương thực, chiếm 78,4% giá trị sản xuất ngành trồng trọt.

a. Trồng cây lương thực:

            Diện tích đất trồng cây lương thực 263.666 ha (2006), chiếm 93,7% đất nông nghiệp toàn tỉnh. Hệ số sử dụng ruộng đất khá cao, 2,2 lần. Sản lượng lương thực đạt 2,99 triệu tấn, năm 2006, đứng đầu cả nước. Bình quân lương thực theo đầu người năm 2006 đạt 1.357 kg/người, cao gấp hơn 2,3 lần so với cả nước. Giá trị sản xuất cây lương thực chiếm 64,8% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh (2006).

Trong cơ cấu cây lương thực, cây lúa giữ vị trí chủ đạo. Diện tích gieo trồng lúa năm 2006 là 503.464 ha, chiếm 97,6% diện tích gieo trồng cây lương thực. Đứng đầu tỉnh là huyện Thoại Sơn 89.155 ha, kế đến là huyện Tri Tôn 72.807 ha, Châu Phú 70.665 ha. Sản lượng lúa toàn tỉnh đạt 2,92 triệu tấn, chiếm 93,1% sản lượng lương thực của tỉnh. Dẫn đầu về sản lượng lúa cả năm là huyện Thoại Sơn 481.300 tấn, Châu Phú 448.700 tấn.

            Năng suất lúa cả năm tăng lên đáng kể, 5,2 tấn/ha năm 1995, lên 5,8 tấn/ha năm 2006, cao hơn mức trung bình cả nước. Năng suất lúa vụ đông xuân là cao nhất, 6,8 tấn/ha. Các huyện có năng suất cao tập trung ở An Phú, Phú Tân, Châu Phú.

b. Trồng cây công nghiệp: chiếm 2,4 % giá trị sản xuất nông nghiệp (2006).

            Trong cơ cấu cây công nghiệp, An Giang phát triển cả cây hàng năm và cây lâu năm, trong đó diện tích cây công nghiệp hàng năm 2.996 ha, cây công nghiệp lâu năm 3.295 ha.

Các cây công nghiệp quan trọng trong tỉnh là: cây đậu nành, mè, mía, điều...tập trung nhiều ở Tri Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới, Tân Châu.

c. Cây ăn quả: cũng là thế mạnh của tỉnh, với các loại cây như: xoài, nhãn, mít, chuối ... với tổng diện tích 7.108 ha, sản lượng 45.354 tấn.

            Việc phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả không chỉ làm chuyển dịch cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả mà còn góp phần phục vụ nhu cầu trong tỉnh và đáp ứng thị trường xuất khẩu.

1.2. Chăn nuôi:

Trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi chiếm tỷ trọng thấp, 6,9%, và có xu hướng tăng chậm. Chăn nuôi gia súc chiếm hơn 50% giá trị ngành chăn nuôi. Trâu, bò được nuôi nhiều ở Tri Tôn, Tịnh Biên; riêng đàn bò sữa tăng nhanh ở Chợ Mới, Châu Thành, Long Xuyên. Heo nuôi tập trung ở Thoại Sơn, Chợ Mới, Phú Tân. Gia cầm, nuôi vịt là phổ biến, tập trung theo ruộng lúa ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Trong đó, đàn vịt đang chuyển dần từ phương thức nuôi vịt chạy đồng sang nuôi vịt tập trung bán thâm canh có sử dụng thức ăn công nghiệp.

1.3. Thủy sản:

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long nên có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển mạnh ngành thuỷ sản, nhất là ngành nuôi trồng. Việc phát triển ngành thuỷ sản không chỉ tạo điều kiện phát huy lợi thế về nguồn nước mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Thuỷ sản hiện nay được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và cũng là ngành đem lại giá trị xuất khẩu lớn nhất tỉnh.

            Giá trị sản xuất thuỷ sản tăng liên tục, từ 644 tỷ đồng năm 1995, lên 2.923 tỷ đồng năm 2006. Sản lượng thuỷ sản năm 2006 đạt 235.355 tấn, trong đó nuôi trồng 181.952 tấn, khai thác 53.403 tấn. Giá trị xuất khẩu năm 2006 đạt 251 triệu USD, chiếm 56,5% giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Cá tra và cá basa, tôm càng xanh là những mặt hàng thủy sản có giá trị xuất khẩu hàng đầu trong cơ cấu sản xuất thuỷ sản của tỉnh. Thoại Sơn là huyện đứng đầu về diện tích nuôi tôm và sản lượng tôm.

Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản phải gắn liền với việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ và tạo dựng thương hiệu nổi tiếng.

1.4. Lâm nghiệp:

Cho hết năm 2006, An Giang có 583 ha diện tích rừng tự nhiên và 14.034 ha diện tích rừng trồng, tập trung chủ yếu ở Tri Tôn, Tịnh Biên, với nhiều loài cây quý như: căm xe, dầu, sao, kiền kiền, cẩm lai... Nhưng do tác hại tàn phá của chiến tranh và tác động khai thác của con người, thảm thực vật giảm sút nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng.

2. Công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp trong thời gian qua tăng nhanh, từ 1.282 tỷ đồng năm1995, lên 2.782 tỷ năm 2000, và đạt 8.736 tỷ năm 2005. Với chính sách đầu tư của tỉnh, tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp khá cao, bình quân hàng năm đạt 11,42%. Tuy nhiên tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP của tỉnh vẫn còn nhỏ và chuyển dịch chậm, năm 2005 chiếm 12,3% GDP.

2.1. Cơ cấu theo ngành:

Các ngành chiếm ưu thế là công nghiệp chế biến, dựa trên cơ sở sử dụng nguyên liệu tại chỗ, nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn trong và ngoài nước, tay nghề và kinh nghiệm sản xuất.

- Công nghiệp chế biến: là ngành giữ vai trò quan trọng của công nghiệp An Giang, đứng đầu về giá trị sản xuất, số lao động và số cơ sở sản xuất. Giá trị sản xuất của ngành năm 2005 đạt 8.226 tỷ đồng, chiếm 94,1% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

- Công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng: đây cũng là ngành thế mạnh của tỉnh, đứng thứ 2 về giá trị sản xuất công nghiệp (chiếm 4,8%). Sản phẩm của ngành đa dạng: gạch ngói, xi-măng, gạch bông, đá khai thác, đá ốp-lát... Công nghiệp khai thác khoáng sản bao gồm nghề khai thác đá xây dựng tập trung ở Tri Tôn, Tịnh Biên; khai thác cát sông ở Long Xuyên, Châu Thành, Châu Phú, Tân Châu; sản xuất than tổ ong ở Châu Phú.

- Công nghiệp cơ khí: đang được đầu tư phát triển, nhất là trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, sản xuất phụ tùng thay thế... Sản phẩm chủ lực của ngành là nông cụ cầm tay, máy tuốt lúa có động cơ...

- Tiểu thủ công nghiệp: An Giang là tỉnh có thế mạnh về các ngành tiểu thủ công nghiệp với nhiều ngành, nghề truyền thống nổi tiếng: nghề mộc ở Chợ Mới; sản xuất đường thốt nốt ở Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc; nghề rèn ở Phú Tân.

2.2. Cơ cấu theo lãnh thổ:

Năng lực sản xuất công nghiệp, trung tâm công nghiệp theo vùng lãnh thổ phát triển không cân đối, phần lớn tập trung ở Long Xuyên, chiếm trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kế là huyện Chợ Mới, các huyện, thị còn lại chiếm tỷ trọng thấp. Cả tỉnh có hai khu công nghiệp tập trung: Khu công nghiệp Bình Long (Châu Phú), Khu công nghiệp Bình Hòa (Châu Thành).

3. Giao thông vận tải:

3.1. Đường bộ: tổng chiều dài là 3.560 km, trong đó có 356 km đường nhựa. Mật độ đường bộ là 1,05 km/ km2. Hệ thống đường bộ bao gồm:

            - Quốc lộ 91: nối Cần Thơ với Long Xuyên, Châu Đốc và nối với quốc lộ 2 của Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Quốc lộ 91 có chiều dài 91,3 km. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, trọng yếu của tỉnh, cả về kinh tế - xã hội lẫn an ninh quốc phòng.

            - Hệ thống tỉnh lộ phủ khắp trong tỉnh bao gồm các tuyến: tuyến 941, bắt đầu từ Ngã 3 Lộ Tẻ đi Tri Tôn; tuyến 942, bắt đầu từ phà Cao Lãnh (Đồng Tháp), phía An Giang đi dọc sông Tiền xuyên suốt huyện Chợ Mới; tuyến 943, nối với quốc lộ 91 tại thành phố Long Xuyên đi qua huyện Thoại Sơn đến Tri Tôn; tuyến 953, nối Châu Đốc với Tân Châu; tuyến 954, nối Phú Tân với Tân Châu.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển kinh tế, hệ thống giao thông vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục: thiếu vốn đầu tư, phương tiện vận tải và chất lượng đường sá kém.

3.2. Đường sông:

            Toàn tỉnh có 541 tuyến đường với tổng chiều dài là 2504 km.

Mật độ đường là 0,73 km/ km2. Tuyến sông Tiền và sông Hậu là tuyến giao thông quan trọng, đảm bảo sự giao thương trong và ngoài tỉnh, kể cả giao thương quốc tế với Campuchia. Cảng Mỹ Thới được xem là cảng sông lớn nhất của tỉnh

4. Thương mại:

4.1. Nội thương:

            Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội trên địa bàn tỉnh tăng khá nhanh, từ 7.255 tỷ đồng năm 1999 lên 11.068 năm 2003 và 17.225 tỷ đồng năm 2005. Về cơ cấu khu vực năm 2005, khu vực cá thể và tư nhân chiếm 97,87%, khu vực nhà nước chiếm 2,0%, khu vực có vốn đầu nước ngoài chiếm 0,10%, khu vực tập thể chiếm 0,03%.

4.2. Ngoại thương:

            Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng liên tục, từ 119,3 triệu USD năm 1990 lên 221,4 triệu năm 2003 và 392,0 triệu USD năm 2005.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chủ yếu: thuỷ sản, gạo chiếm trên 80% giá trị xuất khẩu của tỉnh (năm 2005). Hàng hóa nhập khẩu gồm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất như: gỗ, bánh dầu nành, hóa chất các loại...trong đó gỗ chiếm 59,1% giá trị nhập khẩu (năm 2005).

Thị trường xuất khẩu hiện nay mở rộng trên 33 nước, nâng tổng số quan hệ mua bán gần 60 quốc gia; các mặt hàng xuất khẩu ngày càng được nâng cao về chất lượng, đã tạo được uy tín nhất định trên thị trường thế giới. Nguồn ngoại tệ thu được qua xuất khẩu đã góp phần cân đối cho nhu cầu nhập khẩu vật tư, nguyên nhiên liệu, thiết bị, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất địa phương.

5. Du lịch:

5.1. Tiềm năng:

An Giang có dãy “Thất Sơn hùng vĩ” với suối, thác, hồ và những cánh rừng xanh tốt đã tạo nên nhiều thắng cảnh nổi tiếng trong vùng như: khu du lịch núi Cấm, núi Sam, núi Sập-Ba Thê. Với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, du lịch sông nước kết hợp “làng sinh thái”, du lịch mùa nước nổi... cũng được xem là thế mạnh của An Giang

Ngoài thiên nhiên ưu đãi, An Giang có tài nguyên du lịch nhân văn rất đa dạng và phong phú. Di chỉ Óc Eo, một nền văn hóa cổ xưa của vương quốc Phù Nam vào đầu Công nguyên, tại Núi Sập - Ba Thê được nhiều du khách đến tham quan và còn là nơi để các nhà nghiên cứu, khảo cổ tìm đến kể cả trong và ngoài nước. An Giang còn có nhiều lăng, tẩm, đền, chùa... mang dấu ấn của cha ông thời mở mang bờ cõi phương nam như: lăng Thoại Ngọc Hầu, đình thần Nguyễn Hữu Cảnh, nhiều di tích lịch sử cách mạng như: đồi Tức Dụp, nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng... Sự có mặt của các dân tộc anh em như: Khơ-me, Chăm, Hoa cùng với người Kinh tạo nên những bản sắc văn hóa đa dạng và độc đáo. Đồng thời, nhiều lễ hội dân gian hàng năm thu hút hàng trăm nghìn du khách từ các nơi đến như: lễ hội Vía Bà Chúa Xứ, Đua bò nhân Tết Đôn-ta của người Khơ-me, lễ hội Hat-gi của người Chăm... An Giang còn có nhiều làng nghề truyền thống với các sản phẩm nổi tiếng: mắm thái, khô cá tra phồng (Châu Đốc), nghề mộc (Chợ Mới), nghề rèn (Phú Tân)...

5.2. Tình hình phát triển:

            An Giang hiện đã và đang đầu tư vào các khu du lịch nổi tiếng: núi Cấm, núi Sam, núi Sập-Ba Thê, Tức Dụp, Soài So... Năm 2006, toàn tỉnh đón trên 3 triệu lượt khách, trong đó các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh chỉ đón 249.484 du khách trong và ngoài nước, đạt doanh thu 93 tỷ đồng. Số ngày khách lưu trú trung bình hàng năm còn thấp, khoảng 1,2 ngày. Điều này, cho thấy kết quả hoạt động du lịch vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, các loại hình chưa phát triển nên chưa lưu giữ được khách lâu hơn. Trong tương lai phát triển du lịch, tỉnh cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất-kỹ thuật, sản phẩm du lịch cần đa dạng, phát triển nhiều loại hình mới để thu hút du khách.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất - kỹ thuật cho ngành còn nhiều hạn chế: số phòng, khách sạn đạt tiêu chuẩn cao cấp còn thiếu, giao thông chưa phát triển đồng bộ, các loại hình du lịch và các sản phẩm du lịch chưa đa dạng để thu hút du khách. Các khu vui chơi giải trí còn đơn điệu chưa hấp dẫn du khách lưu trú nhiều ngày. Ý thức người dân cũng còn hạn chế trong việc giữ gìn và tôn tạo các di tích lịch sử, bảo vệ rừng...

B. Câu hỏi và bài tập

Câu 1: Trình bày vị trí địa lý An Giang và ý nghĩa của vị trí địa lý đó đối với việc phát triển kinh tế - xã hội.

Gợi ý trả lời:

An Giang là tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sát biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, giáp với Cam-pu-chia về phía Bắc và Tây Bắc. Phía Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ và phía Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang.

Ý nghĩa:

- Quốc lộ 91 từ Cần Thơ đi qua An Giang, nối với tỉnh lộ 955A đi Hà Tiên thuận lợi giao thông nội vùng.

- Nơi sông Mê Kông đổ vào 2 sông Tiền và Hậu cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo điều kiện giao thương quốc tế, mở rộng hợp tác các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

- An Giang có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng thuận lợi phát triển và hội nhập nền kinh tế trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Câu 2: Cho bảng số liệu: Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) (tính theo giá thực tế) của tỉnh An Giang

(đơn vị: tỷ đồng)

Năm

1990

1995

2003

2005

Tổng sản phẩm quốc dân

1.176

5.516

13.233

18.647

 

Hãy vẽ biểu đồ theo đường biểu diễn thể hiện tổng sản phẩm quốc dân của tỉnh An Giang từ năm 1990 đến năm 2005. Rút ra nhận xét cần thiết.

Gợi ý trả lời:

a) Vẽ biểu đồ theo đường biểu diễn:

b) Nhận xét:

Từ năm 1990 đến năm 2005:

- Tổng sản phẩm quốc dân của tỉnh An Giang tăng liên tục, gấp 15,8 lần.

- Càng về sau tốc độ gia tăng càng nhanh.

Câu 3: Trình bày tính chất khí hậu An Giang? Khí hậu An Giang có những thuận lợi và khó khăn gì đối với phát triển kinh tế?

Gợi ý trả lời:

* Tính chất khí hậu An Giang:

An Giang nằm ở vĩ độ thấp, có khí hậu nhiệt đới gió mùa thể hiện tính chất cận xích đạo.

- Nhiệt độ cao và ổn định ở 270C.

- Độ ẩm cao trên 80%, tổng lượng mưa trung bình năm đạt 1200-1300 mm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 90% lượng mưa cả năm, mùa mưa từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau chiếm 10% lượng mưa cả năm.

- Khí hậu An Giang chia làm hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.

* Những thuận lợi và khó khăn đối với phát triển kinh tế:

- Khí hậu An Giang tương đối ổn định, nắng nhiều, mưa trung bình thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nhất là ngành trồng lúa và các ngành kinh tế khác như: du lịch, giao thông vận tải,…

- Tuy nhiên cũng gây khó khăn nhất định như: thiếu nước vào mùa khô, lũ lụt vào mùa mưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân.

Câu 4: An Giang có mấy dạng địa hình chính? Từng dạng địa hình ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội?

Gợi ý trả lời:

An Giang có 2 dạng địa hình chính: đồng bằng và đồi núi.

- Đồng bằng: chiếm 87% diện tích tự nhiên và là nơi tập trung tới 89% dân cư toàn tỉnh. Độ cao khá thấp và tương đối bằng phẳng, đất phù sa màu mỡ thích hợp trồng lúa, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả

- Đồi núi thấp: chiếm 13% diện tích tự nhiên, là nét nổi bật của An Giang so với các tỉnh còn lại của Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu phân bố ở Tri Tôn, Tịnh Biên gồm  khu vực Bảy Núi (hay còn gọi Thất Sơn). Ngoài ra, còn có cụm núi Ba Thê - Núi Sập thuộc huyện Thoại Sơn, núi Sam thuộc thị xã Châu Đốc. Các núi của tỉnh, cao nhất là núi Cấm cao 705 m, Cô-tô 614 m, Dài 554 m,… Đất đai của vùng núi chủ yếu là đất xám, nghèo dinh dưỡng, thoát nước mạnh, dễ bị khô hạn và xói mòn, chủ yếu trồng cây ăn quả và trồng rừng.

Câu 5: Nêu sự phân bố dân cư An Giang. Sự phân bố đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội như thế nào?

Gợi ý trả lời:

An Giang có mật độ dân số trung bình 625 người/km2 (năm 2006), cao gấp 2,6 lần so cả nước và 1,5 lần so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên sự phân bố dân cư lại chưa hợp lý.

Hiện nay 89% dân số tập trung ở 9 huyện, thị, thành vùng đồng bằng; trong khi 2 huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên chỉ chiếm 11% dân số, với mật độ dân số trung bình 250 người/km2.

- Ở vùng đồng bằng, song mật độ dân số ở 4 huyện cù lao giữa sông Tiền và sông Hậu rất cao: An Phú 853 người/km2, Phú Tân 735, Chợ Mới 995, Tân Châu 954. Trong khi 3 huyện vùng tứ giác Long Xuyên lại thưa hơn, 490 người/km2.

- Giữa thành thị và nông thôn cũng rất chênh lệch, số dân nông thôn đông gấp hơn 3 lần số dân thành thị. Những năm gần đây, tỷ trọng dân thành thị có xu hướng tăng.

* Ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội: những nơi đông dân ảnh hưởng đến giải quyết việc làm, diện tích đất canh tác giảm, nhu cầu nhà ở, ô nhiễm môi trường, ... còn những nơi thưa dân ở miền núi thì chưa khai thác hết tiềm năng, trình độ lao động còn thấp,...

Chủ trương điều chỉnh sự phân bố dân cư và lao động là rất đúng đắn nhằm góp phần khai thác các thế mạnh của tỉnh, phát triển kinh tế và giải quyết việc làm.

Câu 6: Chứng minh rằng An Giang phát triển mạnh ngành thuỷ sản? Hướng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản tỉnh ta?

Gợi ý trả lời:

* Tình hình phát triển ngành thuỷ sản:

Giá trị sản xuất thuỷ sản tăng liên tục, từ 644 tỷ đồng năm 1995, lên 2.923 tỷ đồng năm 2006. Sản lượng thuỷ sản năm 2006 đạt 235.355 tấn, trong đó nuôi trồng 181.952 tấn, khai thác 53.403 tấn. Giá trị xuất khẩu năm 2006 đạt 251 triệu USD, chiếm 56,5% giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Cá tra và cá basa, tôm càng xanh có giá trị hàng đầu trong cơ cấu sản xuất thuỷ sản của tỉnh. Hiện sản phẩm chế biến đã xuất khẩu vào các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Australia.

* Hướng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản:

Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản phải gắn liền với việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ và tạo dựng thương hiệu nổi tiếng.

Câu 7: Những thuận lợi và khó khăn về tự nhiên đối với việc phát triển giao thông vận tải ở tỉnh An Giang?Gợi ý trả lời:

* Thuận lợi:

- Tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi giao thương với các tỉnh khác và với Cam-pu-chia.

- Địa hình khá bằng phẳng tạo điều kiện phát triển giao thông đường bộ.

- Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt là cơ sở để phát triển giao thông đường sông, kể cả trong và ngoài tỉnh.

* Khó khăn:

- Do hệ thống sông ngòi chằng chịt nên việc phát triển giao thông đường bộ cần vốn đầu tư lớn, việc thiết kế thi công các công trình giao thông gặp nhiều khó khăn.

- Lũ lụt hàng năm cũng gây khó khăn cho giao thông đi lại và ảnh hưởng đến các công trình giao thông.

Câu 8: Phân tích các nguồn lực để phát triển du lịch ở tỉnh An Giang?

Gợi ý trả lời:

* Về tài nguyên du lịch tự nhiên:

An Giang có dãy “Thất Sơn hùng vĩ” với suối, thác, hồ và những cánh rừng xanh tốt đã tạo nên nhiều thắng cảnh nổi tiếng trong vùng như: khu du lịch núi Cấm, núi Sam, núi Sập-Ba Thê. Với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, du lịch sông nước kết hợp “làng sinh thái”, du lịch mùa nước nổi... cũng được xem là thế mạnh của An Giang

* Về tài nguyên du lịch nhân văn:

            An Giang có tài nguyên du lịch nhân văn rất đa dạng và phong phú.

- Di chỉ văn hóa Óc Eo ở Núi Sập-Ba Thê.

- An Giang còn có nhiều lăng, tẩm, đền, chùa...như: lăng Thoại Ngọc Hầu, đình thần Nguyễn Hữu Cảnh, nhiều di tích lịch sử cách mạng như: đồi Tức Dụp, nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng...

- Ngoài ra, sự có mặt của các dân tộc anh em như: Khơ-me, Chăm, Hoa cùng với người Kinh tạo nên những bản sắc văn hóa đa dạng và độc đáo.

- Nhiều lễ hội dân gian hàng năm thu hút hàng trăm nghìn du khách từ các nơi đến như: lễ hội Vía Bà Chúa Xứ, Đua bò nhân Tết Đôn-ta của người Khơ-me, lễ hội Hat-gi của người Chăm... An Giang còn có nhiều làng nghề truyền thống với các sản phẩm nổi tiếng: mắm thái, khô cá tra phồng (Châu Đốc), nghề mộc (Chợ Mới), nghề rèn (Phú Tân)...

----

 -(Để xem tiếp nội dung của tài liệu, các em vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Lí thuyết và bài tập tổng hợp chủ đề Địa lí địa phương tỉnh An Giang môn Địa lí 9 năm 2021. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

ADMICRO
NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
OFF