Với mong muốn giúp các em nắm vững kiến thức trọng tâm Chương trình Chân trời sáng tạo của bộ môn Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 và rèn luyện các dạng đề trong bài thi Học kì 1 sắp đến, HOC247 xin giới thiệu nội dung chi tiết Đề cương ôn tập HK1 môn Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân trời sáng tạo năm 2022-2023 dưới đây. Chúc các em đạt được kết quả cao trong kì thi sắp tới nhé!
1. Nội dung ôn tập
1.1: Nền kinh tế và các hoạt động của nền kinh tế
- Vai trò của các hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội:
+ Hoạt động sản xuất là hoạt động con người tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội. Hoạt động sản xuất là hoạt động cơ bản nhất của con người, quyết định đến các hoạt động phân phối - trao đổi, tiêu dùng.
+ Phân phối là hoạt động phân chia các yếu tố sản xuất cho các ngành, các đơn vị sản xuất và phân chia sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Trao đổi là hoạt động nhà sản xuất đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Hoạt động phân phối - trao đổi thực hiện vai trò trung gian, kết nối sản xuất với tiêu dùng. Hoạt động trao đổi đóng vai trò kết nối sản xuất với tiêu dùng. Hoạt động trao đổi đóng vai trò kết nối sản xuất với tiêu dùng, giúp người sản xuất bán được sản phẩm, duy trì, phát triển hoạt động sản xuất và đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
+ Hoạt động tiêu dùng là hoạt động con người sử dụng các sản phẩm được sản xuất để thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của mình. Tiêu dùng là mục đích của sản xuất.
1.2: Các chủ thể của nền kinh tế
- Chủ thể sản xuất: là những cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp,...sử dụng các yếu tố đầu vào như nguồn vốn, sức lao động, tài nguyên,...tạo ra hàng hóa (sản phẩm, dịch vụ) cho xã hội, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, chủ thể sản xuất cần phải tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm cung cấp những hàng hóa, không làm tổn hại đối với con người, môi trường và xã hội.
- Chủ thể tiêu dùng: là người tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu của mình. Chủ thể tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc định hướng, tạo động lực cho sản xuất phát triển, có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững.
Chủ thể tiêu dùng cần phải có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của xã hội; lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; phê phán hành vi trái pháp luật trong hoạt động kinh tế.
- Chủ thể trung gian: gồm những tổ chức cá nhân giữ vai trò kết nối giữa người tiêu dùng và người sản xuất trong nền kinh tế. Dưới tác động của phân công lao động xã hội, những chủ thể trung gian xuất hiện trên thị trường thực hiện kết nối các cơ quan mua và bán, sản xuất và tiêu dùng,...giúp nền kinh tế linh hoạt, hiệu quả.
- Chủ thể Nhà nước: có vai trò điều tiết và tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế khác nhau hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, Nhà nước cũng tác động để điều chỉnh và khắc phục những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
1.3: Thị trường và chức năng của thị trường
Khái niệm
Thị trường là lĩnh vực trao đổi, mua bán mà ở đó các chủ thể kinh tế tác động qua lại lẫn nhau để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ.
Phân loại
Phân loại thị trường
+ Căn cứ theo đối tượng hàng hóa, dịch vụ được trao đổi, mua bán: thị trường hàng hóa (thị trường gạo, thị trường sắt thép,...), thị trường dịch vụ (thị trường chăm sóc sắc đẹp, thị trường chứng khoán,...) gắn với các loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau.
+ Căn cứ vào vai trò của các yếu tố được trao đổi, mua bán: thị trường tư liệu tiêu dùng; thị trường tư liệu sản xuất.
+ Căn cứ vào tính chất và cơ chế vận hành: thị trường cạnh tranh hoàn hảo, thị trường cạnh tranh không hoàn hảo (độc quyền).
Chức năng của thị trường
+ Thừa nhận giá trị của hàng hóa;
+ Cung cấp thông tin cho các chủ thể kinh tế;
+ Điều tiết, kích thích hoặc hạn chế sản xuất và tiêu dùng.
1.4: Cơ chế thị trường
Khái niệm
Cơ chế thị trường là hệ thống các quan hệ mang tính tự điều chỉnh tuân theo yêu cầu của các quy luật kinh tế như quy luật cạnh tranh, cung - cầu, giá cả,...chi phối hoạt động của các chủ thể kinh tế.
Ưu điểm của cơ chế thị trường
- Kích thích hoạt động và tạo động lực sáng tạo cho các chủ thể kinh tế;
- Thúc đẩy các doanh nghiệp cải tiến, phát minh và ứng dụng thành tựu của khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức sản xuất và quản lí kinh doanh;
- Phân phối lại các nguồn lực kinh tế một cách tối ưu;
- Phát huy tối đa tiềm năng của mọi chủ thể, vùng miền, thúc đẩy liên kết kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế.
Nhược điểm của cơ chế thị trường
- Có thể dẫn tới suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường và các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh;
- Sự vận động của cơ chế thị trường cũng tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng, có thể dẫn đến lạm phát;
- Sự phân hóa giàu - nghèo giữa những người sản xuất, kinh doanh.
1.5: Giá cả thị trường và chức năng của giá cả thị trường
Khái niệm
Giá cả thị trường là giá bán thực tế của hàng hóa, dịch vụ hình thành do các chủ thể kinh tế chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định.
Chức năng của giá cả thị trường
- Cung cấp thông tin;
- Phân bố nguồn lực giữa các ngành sản xuất;
- Công cụ để Nhà nước thực hiện quản lí, điều tiết, kích thích nền kinh tế.
1.6: Ngân sách nhà nước và thực hiện pháp luật về ngân sách
Khái niệm
- Theo Điều 4 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
Ngân sách nhà nước gồm có:
- Ngân sách địa phương là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp địa phương hưởng, thu bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp địa phương.
- Ngân sách trung ương là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp trung ương hưởng và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp trung ương.
Đặc điểm của ngân sách nhà nước
- Là một kế hoạch tài chính cần được Quốc hội thông qua trước khi thi hành;
- Là kế hoạch tài chính của toàn thể quốc gia, được trao cho Chính phủ tổ chức thực hiện nhưng phải đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Quốc hội;
- Ngân sách nhà nước được thiết lập và thực thi hoàn toàn vì mục tiêu mưu cầu lợi ích chung cho toàn thể quốc gia;
- Ngân sách nhà nước luôn phản ánh mối tương quan giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp trong quá trình xây dựng và thực hiện ngân sách.
Vai trò của ngân sách nhà nước
- Tạo lập nguồn vốn lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và huy động nguồn tài chính;
- Là công cụ để Nhà nước thực hiện việc điều tiết các hoạt động kinh tế và xã hội;
- Điều tiết thu nhập dân cư, hạn chế sự bất bình đẳng xã hội.
Luật Ngân sách nhà nước số 83/ 2015/ QH13 quy định về quyền hạn, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến ngân sách nhà nước cụ thể như sau:
- Nộp đầy đủ, đúng hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp được Nhà nước trợ cấp, hỗ trợ vốn và kinh phí theo dự toán được giao thì phải quản lí; sử dụng các khoản vốn và kinh phí đó đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả và quyết toán với cơ quan tài chính;
- Chấp hành đúng quy định của pháp luật về kế toán, thống kê và công khai ngân sách;
- Được cung cấp thông tin, tham gia giám sát cộng đồng về tài chính - ngân sách theo quy định của pháp luật.
1.7: Thuế và thực hiện pháp luật về thuế
Khái niệm
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Quản lí thuế năm 2019, thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế.
Hệ thống thuế được phân loại như sau:
- Thuế trực thu là thuế mà người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế (loại thuế này trực tiếp điều tiết vào thu nhập của người nộp thuế). Thuế trực thu gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân,...
- Thuế gián thu là thuế mà người chịu thuế và người nộp thuế không cùng là một (loại thuế này điều tiết gián tiếp vào thu nhập của người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thông qua cơ chế giá hàng hóa, dịch vụ). Thuế gián thu gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu,...
Vai trò của thuế:
- Là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Đây là nguồn thu quan trọng nhất, mang tính chất ổn định, lâu dài cho ngân sách nhà nước.
- Là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô như kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả, kích thích đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
- Điều tiết thu nhập, thực hiện công bằng an ninh xã hội.
Một số quyền và nghĩa vụ của công dân về thuế theo Điều 16 và Điều 17 của Luật Quản lí thuế năm 2019:
- Được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế.
- Được giữ bí mật thông tin, trừ các thông tin không phải cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thông tin công khai về thuế theo quy định của pháp luật.
- Hướng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế; được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lí đối với số tiền thuế không được hoàn.
- Yêu cầu cơ quan quản lí thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình.
- Thực hiện đăng kí thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật.
- Nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm.
- Khai thuế chính xác, trung thực và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.
- Chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lí thuế, công chức quản lí thuế theo quy định của pháp luật.
1.8: Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh
Khái niệm
Sản xuất kinh doanh là quá trình sử dụng lao động, đất đai, vốn, nguyên - nhiên vật liệu, khoa học kĩ thuật và các nguồn lực khác để tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội và thu về lợi nhuận.
Vai trò
Vai trò của sản xuất kinh doanh:
- Cung cấp các sản phẩm đầu vào cho quá trình sản xuất;
- Cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng;
- Giải quyết việc làm cho người lao động;
- Thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Các mô hình sản xuất kinh doanh và đặc điểm:
- Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng kí thành viên và chịu trách nhiệm bằng bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
- Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lí hợp tác xã. Liên hiệp Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lí liên hiệp hợp tác xã.
- Doanh nghiệp là một tổ chức kinh kế do các chủ thể sản xuất kinh doanh thành lập hoặc đăng kí thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích chủ yếu là thực hiện các hoạt động kinh doanh và thu về lợi nhuận. Đặc điểm mô hình doanh nghiệp:
+ Pháp lí: Doanh nghiệp là một tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng kí thành lập theo quy định của pháp luật.
+ Loại hình: Có nhiều loại hình doanh nghiệp tồn tại dưới một loại hình cụ thể như: công ti trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ti trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, công ti cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp hợp danh,...
+ Nguồn vốn: Do một cá nhân, nhiều cá nhân hoặc một tổ chức đóng góp vốn.
+ Quy mô: Doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
1.9: Tín dụng và vai trò của tín dụng
Khái niệm
Tín dụng là quan hệ cho vay dựa trên cơ sở tin tưởng và tín nhiệm giữa bên cho vay và bên đi vay. Theo đó, bên cho vay chuyển giao một lượng vốn tiền tệ (hoặc tài sản) để bên vay sử dụng có thời hạn. Khi đến hạn, bên vay có nghĩa vụ hoàn trả vốn (hoặc tài sản) ban đầu và lãi suất.
Đặc điểm
Đặc điểm của tín dụng: dựa trên cơ sở lòng tin; tính hoàn trả cả gốc lẫn lãi; tính thời hạn.
Vai trò
Vai trò của tín dụng: Tín dụng đảm bảo nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng cho các cá nhân trong nền kinh tế; tín dụng thúc đẩy quá trình tập trung vốn và tập trung sản xuất; tín dụng là công cụ tài trợ cho các ngành kinh tế kém phát triển và ngành mũi nhọn
1.10: Cách sử dụng các dịch vụ tín dụng
Một số dịch vụ tín dụng:
- Tín dụng thương mại: là quan hệ tín dụng do các doanh nghiệp, tổ chức, kinh tế, doanh nhân cấp cho nhau, không có sự gia của hệ thống ngân hàng. Tín dụng thương mại là giảm sự lệ thuộc về vốn vào Nhà nước và các ngân hàng, tạo khả năng mở rộng các quan hệ hợp tác kinh doanh lâu bền. Các hình thức tín dụng thương mại: mua bán chịu, mua bán trả chậm hay trả góp hàng hóa.
- Tín dụng nhà nước: là quan hệ vay mượn giữa Nhà nước với xã hội để phục vụ cho việc thực thi các chức năng quản lí kinh tế, xã hội của mình. Tín dụng nhà nước có tính cưỡng chế, tính chính trị và tính xã hội. Nhà nước cung cấp dịch vụ tín dụng bằng cách: cho vay đầu tư, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng.
- Tín dụng ngân hàng: là quan hệ tín dụng giữa một bên là các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và một bên là các chủ thể kinh tế - tài chính của toàn xã hội. Tín dụng ngân hàng có đặc điểm: hoạt động trong phạm vị rộng: mang tính linh hoạt; tạo điều kiện duy trì phát triển các loại hình tín dụng khác bằng sự tham gia rộng rãi thông qua các nghiệp vụ chiết khấu, cầm cố, tái chiết khấu, tái cầm cố các giấy tờ có giá. Ngân hàng cung cấp dịch vụ tín dụng này bằng cách cho vay hoặc bảo lãnh ngân hàng.
- Tín dụng tiêu dùng: Quan hệ tín dụng phục vụ cho việc tiêu dùng của dân cư với người tiêu dùng là người đi vay và doanh nghiệp, cá nhân là người cho vay. Bên cho vay có thể là các ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hoặc các công ti tài chính,...Các hình thức của tín dụng tiêu dùng: bán chịu trả góp và thẻ tín dụng. Tín dụng tiêu dùng luôn kết hợp với việc trả ngay một phần theo hợp đồng hay một giao kèo bán chịu trả góp giữa bên cho vay và người đi vay.
Để sử dụng tín dụng có trách nhiệm, cần:
- Thực hiện đúng cam kết về khoản vay, thời hạn thanh toán và lãi suất với bên cho vay tín dụng.
- Cân nhắc nhu cầu sử dụng tiền vay tín dụng phù hợp với năng lực tài chính cá nhân.
1.11: Lập kế hoạch tài chính cá nhân
Khái niệm
Kế hoạch tài chính cá nhân là tập hợp các hoạt động thu - chi tiền bạc, tiết kiệm, đầu tư, dự phòng và nợ được sắp xếp theo trình tự để đạt được mục tiêu tài chính cá nhân cho từng giai đoạn thời gian.
Phân loại
Có 3 loại kế hoạch tài chính cá nhân phù hợp lứa tuổi học sinh; kế hoạch tài chính cá nhân ngắn hạn (dưới 1 tháng); kế hoạch tài chính cá nhân trung hạn (từ 1 đến dưới 6 tháng) và kế hoạch tài chính cá nhân dài hạn (trên 6 tháng).
Mục đích
Việc lập kế hoạch tài chính cá nhân giúp chúng ta quản lí hiệu quả nguồn tài chính của mình, đồng thời thể hiện sự chủ động và cẩn thận trong từng hoạt động chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư, dự phòng và vay nợ.
Các bước lập kế hoạch tài chính cá nhân:
+ Bước 1: Đánh giá tình hình tài chính cá nhân.
+ Bước 2: Đặt mục tiêu tài chính cá nhân.
+ Bước 3: Phân chia dòng tiền cho các quỹ, tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư, trả nợ và dự phòng cho trường hợp khẩn cấp,...
+ Bước 4: Lập kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng quỹ và xác định thời hạn hoàn thành mục tiêu.
+ Bước 5: Thực hiện đúng theo kế hoạch tài chính đã lập.
Để lập được kế hoạch tài chính cá nhân, cần lựa chọn loại kế hoạch phù hợp với mục tiêu tài chính đặt ra và đảm bảo các bước nêu trên.
2. Bài tập ôn tập
Câu 1: Theo lý thuyết tăng trưởng kinh tế mới thì: Sự phát triển của các ngành có hàm lượng khoa học cao như công nghệ, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng... là nhân tố quyết định đến
A. Phát triển kinh tế bền vững.
B. Tăng trưởng kinh tế.
C. Tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.
D. Phát triển kinh tế.
Câu 2: Phát biểu nào sau đây đúng về cơ chế thị trường?
A. Cơ chế thị trường kích thích tối đa hoạt động của các chủ thể kinh tế hướng đến mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận, tối đa hoá chi phí.
B. Cơ chế thị trường kích thích mọi doanh nghiệp phải linh hoạt để cung cấp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ có chất lượng.
C. Cơ chế thị trường kìm hãm doanh nghiệp cải tiến kĩ thuật, hợp lí hoá sản xuất, đổi mới khoa học công nghệ ứng dụng.
D. Cơ chế thị trường luôn luôn mang tính chất năng động, tích cực trong kinh tế thị trường.
Câu 3: Thị trường lao động ở khu vực thành thị chính thức có đặc điểm nào sau đây?
A. Luôn tồn tại tình trạng thất nghiệp hữu hình.
B. Không có biểu hiện thất nghiệp.
C. Có giá cả lao động cao nhất trong các thị trường.
D. Có giá cả lao động cao nhất trong các thị trường và luôn tồn tại tình trạng thất nghiệp hữu hình.
Câu 4: Quy luật kinh tế điều tiết quan hệ giữa bên mua và bên bán trong sản xuất và trao đổi hàng hoá trên thị trường là
A. Quy luật giá trị.
B. Quy luật cung - cầu.
C. Quy luật cạnh tranh.
D. Quy luật lưu thông tiền tệ.
Câu 5: Đâu không phải quy luật kinh tế?
A. Quy luật giá trị.
B. Quy luật cung - cầu.
C. Quy luật cạnh tranh.
D. Quy luật tiền tệ.
Câu 6: Khu vực thành thị chính thức bao gồm những thành phần kinh tế nào?
A. Doanh nghiệp vừa và nhỏ.
B. Doanh nghiệp lớn trong những ngành then chốt.
C. Các hoạt động kinh tế của cá nhân và hộ gia đình ở thành thị.
D. Doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hoạt động kinh tế của cá nhân và hộ gia đình ở thành thị.
Câu 7: Đâu là ưu điểm của cơ chế thị trường?
A. Cơ chế thị trường đã khiến các chủ thể kinh tế cạnh tranh không lành mạnh vì chạy theo lợi nhuận.
B. Cơ chế thị trường tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng, có thể dẫn tới lạm phát.
C. Cơ chế thị trường đã làm khoảng cách giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội ngày càng tăng lên
D. Cơ chế thị trường luôn đòi hỏi các chủ doanh nghiệp phải linh hoạt, sáng tạo để cung cấp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ có chất lượng.
Câu 8: Thông tin của thị trường giúp người mua điều gì?
A. Biết được giá cả hàng hóa trên thị trường.
B. Mua được hàng hóa mình cần.
C. Biết được số lượng và chất lượng hàng hóa.
·D. Điều chỉnh việc mua sao cho có lợi nhất.
Câu 9: Nông dân ở địa phương D chuyển từ trồng dưa hấu sang trồng dứa (khóm, thơm) khi nhận thấy sức tiêu thụ dưa hấu chậm là biểu hiện nào của chức năng của thị trường?
A. Thừa nhận giá trị và giá trị sử dụng.
·B. Kích thích sự sáng tạo của mỗi chủ thể kinh tế.
C. Gắn kết nền kinh tế thành một chỉnh thể.
D. Gắn kết nền kinh tế quốc gia với nền kinh tế thế giới.
Câu 10: Hình thức nào sau đây là FDI?
·A. Doanh nghiệp liên doanh.
B. Viện trợ có hoàn lại.
C. Viện trợ cấp không và viện trợ cấp theo hình thức vay tín dụng.
D. Viện trợ không hoàn lại.
Câu 11: Căn cứ theo đối tượng hàng hoá, dịch vụ được trao đổi, mua bán thị trường được chia làm mấy loại chính?
·A. 2.
B. 3.
C. 4.
D. 5.
Câu 12: Xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng phát triển là?
·A. Tỷ trọng của khu vực I phải giảm xuống, tỷ trọng khu vực II và III phải tăng lên.
B. Tỷ trọng khu vực II giảm xuống, tỷ trọng khu vực I và III phải tăng lên
C. Tỷ trọng khu vực III giảm xuống, tỷ trọng khu vực I và II phải tăng lên
D. Tỷ trọng khu vực I và II giảm xuống, tỷ trọng khu vực III phải tăng lên.
Câu 13: Khu vực I của cơ cấu ngành kinh tế bao gồm?
A. Nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
B. Nông nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng.
·C. Nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khai khoáng.
D. Nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, dịch vụ.
Câu 14: Phát biểu nào sau đây đúng?
A. Thị trường bao gồm các nhân tố cơ bản: tiền tệ, người mua, người bán.
B. Thị trường là nơi kiểm tra đầu tiên về chủng loại, hình thức, mẫu mã, số
·C. Thị trường là môi trường để các chủ thể kinh tế thực hiện giá trị sử dụng của hàng hoá.
D. Thị trường có vai trò thông tin, định hướng cho mọi nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Câu 15: Cơ cấu kinh tế xét về phương diện kinh tế - kỹ thuật được gọi là?
·A. Cơ cấu ngành kinh tế.
B. Cơ cấu thành phần kinh tế.
C. Cơ cấu vùng kinh tế.
D. Cơ cấu lĩnh vực kinh tế.
Câu 16: Nông dân ở địa phương D chuyển từ trồng dưa hấu sang trồng dứa (khóm, thơm) khi nhận thấy sức tiêu thụ dưa hấu chậm là biểu hiện nào của chức năng của thị trường?
A. Thừa nhận giá trị và giá trị sử dụng.
·B. Kích thích sự sáng tạo của mỗi chủ thể kinh tế.
C. Gắn kết nền kinh tế thành một chỉnh thể.
D. Gắn kết nền kinh tế quốc gia với nền kinh tế thế giới.
Câu 17: Thông tin của thị trường quan trọng như thế nào đối với người bán?
A. Giúp người bán biết được chi phí sản xuất của hàng hóa.
·B. Giúp người bán đưa ra quyết định kịp thời nhằm thu nhiều lợi nhuận.
C. Giúp người bán điều chỉnh số lượng hàng hóa nhằm thu nhiều lợi nhuận.
D. Giúp người bán điều chỉnh số lượng và chất lượng hàng hóa để thu nhiều lợi nhuận.
Câu 18: Căn cứ vào đâu để phân loại thị trường thành thị trường tư liệu tiêu dùng, thị trường tư liệu sản xuất?
·A. Căn cứ vào vai trò của các yếu tố được trao đổi, mua bán.
B. Căn cứ vào phạm vi hoạt động thị trường.
C. Căn cứ theo đối tượng hàng hoá, dịch vụ được trao đổi, mua bán.
D. Căn cứ vào vào tính chất và cơ chế vận hành thị trường.
Câu 19: Các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường có quyền như thế nào trước pháp luật?
A. Những chủ thể quan trọng sẽ được ưu tiên so với các chủ thể khác.
B. Pháp luật chỉ ưu tiên bảo vệ người sản xuất kinh doanh, tạo ra của cải vật chất.
·C. Các chủ thể kinh tế bình đẳng như nhau trước pháp luật.
D. Chỉ người tiêu dùng mới được pháp luật bảo vệ.
Câu 20: Đâu là nội dung về những tiêu chí người tiêu dùng luôn đặt lên hàng đầu khi mua sắm?
A. Chất lượng sản phẩm.
B. Nguồn gốc xuất xứ.
C. Sản phẩm thân thiện với môi trường.
·D. Cả A, B, C đều đúng.
Câu 21: Vốn lưu động bao gồm
A. Công xưởng, nhà máy.
B. Máy móc thiết bị.
C. Phương tiện vận tải.
·D. Các khoản đầu tư ngắn hạn.
Câu 22: Điều tiết và tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế khác nhau hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả là vai trò của chủ thể kinh tế nào?
A. Chủ thể sản xuất.
B. Chủ thể tiêu dùng.
·C. Chủ thể Nhà nước.
D. Chủ thể trung gian.
Câu 23: FDI mang lại những lợi ích nào đối với nước nhận đầu tư?
·A. Tiếp thu công nghệ và bí quyết quản lý.
B. Gắn với các điều khoản mậu dịch đặc biệt nhập khẩu tối đa các sản phẩm của bên viện trợ.
C. Buộc dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan bảo hộ đối với một số ngành còn non trẻ.
D. Tiếp thu công nghệ và bí quyết quản lý, buộc dỡ bỏ hàng rào thuế quan bảo hộ đối với một số ngành còn non trẻ.
Câu 24: Chủ thể nhà nước có vai trò gì khi tham gia vào hoạt động kinh tế?
A. Điều tiết và tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế khác nhau hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
B. Điều chỉnh những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
C. Khắc phục những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
·D. Cả A, B, C đều đúng.
Câu 25: Thực hiện vai trò kết nối trong các quan hệ mua - bán, giúp cho nền kinh tế linh hoạt, hiệu quả là vai trò của chủ thể kinh tế nào?
A. Chủ thể Nhà nước.
·B. Chủ thể trung gian.
C. Người sản xuất kinh doanh.
D. Người tiêu dùng.
Câu 26: Muốn nền kinh tế phát triển nhanh các nước đang phát triển phải xây dựng cơ cấu thành phần kinh tế theo xu hướng nào?
A. Giảm tỷ trọng hoạt động của kinh tế Nhà nước.
B. Tăng tỷ trọng kinh tế tư nhân.
C. Giảm tỷ trọng nhưng nâng cao hoạt động hiểu quả của kinh tế tư nhân, tăng tỷ trọng hoạt động của kinh tế Nhà nước.
·D. Giảm tỷ trọng hoạt động của kinh tế Nhà nước nhưng đảm bảo hoạt động có hiệu quả, tăng tỷ trọng hoạt động của kinh tế tư nhân.
Câu 27: Chủ thể Nhà nước cần làm gì để phát huy tích cực và khắc phục những hạn chế của cạnh tranh trong quá trình sản xuất?
A. Xác định và xóa bỏ các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển đồng bộ của nền kinh tế.
B. Tuyên truyền tác hại của việc cạnh tranh không lành mạnh và can thiệp thông qua hệ thống pháp luật, chính sách, giáo dục và các công cụ quản lí kinh tế vĩ mô khác.
C. Chỉ cần vận động các chủ thể kinh tế ý thức được tác hại của việc cạnh tranh không lành mạnh.
·D. Sử dụng các công cụ quản lí kinh tế vĩ mô để điều tiết, chi phối toàn bộ quá trình sản xuất.
Câu 28: Chủ thể tiêu dùng có vai trò gì?
·A. Định hướng, tạo động lực cho sản xuất phát triển.
B. Kết nối quan hệ mua - bán trong nền kinh tế.
C. Tạo môi trường pháp lí thuận lợi cho sự phát triển kinh tế
D. Sử dụng các yếu tố sản xuất tạo ra sản phẩm.
Câu 29: Trong các hoạt động kinh tế, hoạt động nào đóng vai trò trung gian, kết nối người sản xuất với người tiêu dùng?
A. Hoạt động sản xuất - vận chuyển.
B. Hoạt động vận chuyển - tiêu dùng.
·C. Hoạt động phân phối - trao đổi.
D. Hoạt động sản xuất - tiêu thụ.
Câu 30: Hoạt động con người tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội được gọi là gì?
·A. Hoạt động sản xuất.
B. Hoạt động phân phối.
C. Hoạt động tiêu dùng.
D. Hoạt động trao đổi hàng hóa.
Câu 31: Đâu là hành vi thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của hoạt động sản xuất trong đời sống xã hội?
A. Công ti E làm giả hóa đơn, chứng từ để được miễn giảm thuế.
B. Hộ chăn nuôi gia cầm của ông K gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân.
C. Cửa hàng bán lẻ xăng dầu A gắn chíp điện tử vào máy bơm để gian lận trong đo lường xăng dầu.
·D. Công ti sản xuất phân bón S đã đầu tư hệ thống xử lí chất thải, giảm thiểu tiếng ồn, kê khai trung thực các hóa đơn, chứng từ cho cơ quan nhà nước.
Câu 32: Vì sao khi không có hoạt động tiêu dùng thì nền kinh tế sẽ ngưng trệ, không thể phát triển?
A. Tiêu dùng được coi là mục đích của sản xuất.
B. Các hoạt động sản xuất, phân phối - trao đổi, tiêu dùng có quan hệ chặt chẽ với nhau, mất đi một hoạt động sẽ không thể tồn tại được.
C. Nếu như không có hoạt động tiêu dùng, việc sản xuất không còn ý nghĩa.
·D. Cả A, B, C đều đúng.
Câu 33: Hành vi nào dưới đây không đúng khi tham gia vào các hoạt động kinh tế?
A. Doanh nghiệp bán lẻ H luôn sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, đóng thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật.
B. Trước tình hình dịch bệnh, nhu cầu mua thuốc của người dân tăng mạnh, nhà thuốc P cam kết không tăng giá sản phẩm.
C. Bạn A giải thích cho người thân của mình về trách nhiệm của công dân khi tham gia các hoạt động kinh tế.
·D. Xí nghiệp Y trong quá trình sản xuất đã để khói bụi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Câu 34: Mục tiêu hiện tại và tương lai của Việt Nam là
·A. Tăng cường các nhân tố tăng trưởng theo chiều sâu, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng.
B. Tăng cường các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các nhân tố chiều sâu.
C. Tăng cường các nhân tố phát triển theo chiều sâu, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các nhân tố phát triển theo chiều rộng.
D. Tăng cường các nhân tố phát triển theo chiều rộng, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các nhân tố chiều sâu.
Câu 35: Những chủ thể nào dưới đây phải nộp thuế?
A. Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
B. Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhất, nộp các khoản thu khác theo quy định của pháp luật về thuế.
C. Tổ chức, cá nhân khẩu trừ thuế theo ngân sách nhà nước.
·D.Tất cả đều đúng.
Câu 36: ... là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng
·A. Thuế giá trị gia tăng.
B. Thuế thu nhập doanh nghiệp.
C. Thuế xuất nhập khẩu.
D. Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Câu 37: Đặc điểm nào dưới đây nói về thuế gián thu?
A. Người chịu thuế và người nộp thuế không cùng là một.
B. Điều tiết gián tiếp vào thu nhập của người tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ thông qua cơ chế giá hàng hoá, dịch vụ.
C. Bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu,...
·D. Cả A, B, C đều đúng.
Câu 38: Loại thuế nào do các nhà sản xuất, thương nhân hoặc người cung cấp
A. Thuế trực thu.
B. Thuế Nhà nước.
·C. Thuế gián thu.
D. Thuế địa phương.
Câu 39: Theo pháp luật, đối tượng chịu thuế ở nước ta là
·A. Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam.
B. Dịch vụ sử dụng cho sản xuất.
C. Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở nước ngoài.
D. Dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở nước ngoài.
Câu 40: Vai trò nào sau đây không phải của thuế?
A. Thuế là nguồn thu quan trọng nhất mang tính chất ổn định lâu dài cho ngân sách nhà nước.
B. Thuế là công cụ kích thích đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
C. Thuế thực hiện công bằng an sinh xã hội.
·D. Thuế là công cụ hiệu quả nhất để điều tiết thu nhập.
Câu 41: Anh A làm việc trong lĩnh vực công nghệ cho một công ty nước ngoài có chi nhánh ở Việt Nam. Hằng năm, tổng thu nhập anh A khoảng hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên cơ quan thuế phát hiện anh A chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật hiện hành. Hành vi của anh A đã vi phạm Luật nào của nước ta?
·A. Luật Quản lý thuế.
B. Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
C. Luật thuế thu nhập cá nhân.
D. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Câu 42: Đặc điểm nào dưới đây nói về thuế trực thu?
A. Người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế.
B. Trực tiếp điều tiết vào thu nhập của người nộp thuế.
C. Bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân,...
·D. Cả A, B, C đều đúng.
Câu 43: Nhận định nào sau đây không đúng về mô hình sản xuất kinh doanh hộ gia đình?
A. Mô hình sản xuất kinh doanh nhỏ do cá nhân và hộ gia đình thành lập.
B. Mô hình sản xuất kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên.
·C. Mô hình sản xuất kinh doanh chỉ dành cho lĩnh vực nông nghiệp.
D. Mô hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn về việc vay vốn.
Câu 44: Sản xuất kinh doanh có vai trò gì?
A. Cung cấp các sản phẩm đầu vào cho quá trình sản xuất.
B. Cung cấp các hàng hoá hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng.
C. Thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
·D. Cả A, B, C đều đúng.
Câu 45: Nội dung nào sau đây không phải đặc điểm của mô hình hợp tác xã?
A. Là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân.
·B. Do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập.
C. Tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
D. Tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên.
Câu 46: Mô hình sản xuất kinh doanh được hiểu là
A. tăng thu, giảm chi một cách tối đa để mang về lợi nhuận cao nhất.
B. tập trung mọi nguồn lực của doanh nghiệp để đạt được mục tiêu.
C. thoả mãn nhu cầu tối đa của người tiêu dùng.
·D. tạo ra giá trị tích cực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.
Câu 47: Nội dung nào sau đây thể hiện nội dung khái niệm của mô hình sản suất kinh doanh doanh nghiệp?
A. Do các chủ thể sản xuất kinh doanh thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật.
B. Nhằm mục đích chủ yếu là thực hiện các hoạt động kinh doanh.
C. Nhằm mục đích chủ yếu là thu về lợi nhuận.
·D. Cả A, B, C đều đúng.
Câu 48: Nội dung nào sau đây không thuộc nội dung vai trò của sản xuất kinh doanh?
A. Cung cấp các sản phẩm đầu vào cho quá trình sản xuất.
B. Giải quyết việc làm cho người lao động.
·C. Kiềm hãm sự phát triển của các ngành kinh tế vùng sâu, vùng xa.
D. Cung cấp các hàng hoá hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng.
Câu 49: Nội dung nào đúng về mô hình công ti trách nhiệm hữu hạn từ 2 thành viên trở lên?
A. Có từ 2 đến 30 thành viên là tổ chức cá nhân.
B. Có từ 2 đến 40 thành viên là tổ chức cá nhân.
·C. Có từ 2 đến 50 thành viên là tổ chức cá nhân.
D. Có từ 2 đến 60 thành viên là tổ chức cá nhân.
Câu 50: Tín dụng có đặc điểm nào sau đây?
A. Dựa trên cơ sở lòng tin.
B. Tính hoàn trả cả gốc lẫn lãi.
C. Tính thời hạn.
·D. Cả A, B, C đều đúng.
---(Để xem tiếp nội dung của đề cương các em vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)--
Trên đây là một phần nội dung tài liệu Đề cương ôn tập HK1 môn GDKT & PL 10 CTST năm 2022-2023. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Mời các em tham khảo tài liệu có liên quan:
- Đề cương ôn tập HK1 môn GDKT & PL 10 KNTT năm 2022-2023
- Đề cương ôn tập HK1 môn GDKT & PL 10 Cánh diều năm 2022-2023
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Vật lý 12 năm 2023 - 2024
09/10/20231379 -
Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2023-2024
09/10/2023958 -
100 bài tập về Dao động điều hoà tự luyện môn Vật lý lớp 11
14/08/2023342 - Xem thêm