Từ xưa đến nay, tinh thần yêu nước luôn được bộc lộc trong mỗi con người cũng như những tác phẩm văn học và trong bài thơ Sông núi nước Nam cũng không ngoại lệ. Nhằm giúp các em cảm nhận được một cách sâu sắc về tinh thần yêu nước mạnh mẽ được thể hiện trong bài thơ Sông núi nước Nam, Học247 mời các em cùng tham khảo bài văn mẫu Phân tích tinh thần yêu nước trong bài thơ Sông núi nước Nam dưới đây nhé! Chúc các em học tập thật tốt. Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Sông núi nước Nam.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu về tinh thần yêu nước trong bài “Nam quốc sơn hà”: Gắn với sự kiện chống quân Tống xâm lược vào cuối năm 1076, bài thơ “Nam quốc sơn hà”- bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta đã thể hiện rõ tinh thần yêu nước sâu sắc, mãnh liệt của thời đại Đông A.
b. Thân bài:
- Ở hai câu thơ đầu, tinh thần yêu nước được thể hiện qua tư tưởng về chủ quyền dân tộc và ý thức độc lập tự chủ:
+ Sông núi nước Nam là của người Nam.
+ Câu thơ như một lời tuyên ngôn đầy chắc nịch về chủ quyền của dân tộc: “Nam quốc”- “Nam đế”: nước Nam là của vua Nam: đặt trong thế đối sánh, ngang hàng với phương Bắc: “Nam quốc”- “Bắc quốc” và “Nam đế”- “Bắc đế”
- Ở hai câu thơ cuối, tinh thần yêu nước được thể hiện rõ thông qua niềm tin sắt đá vào sự thắng lợi tất yếu của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm
+ Niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng của dân tộc trước kẻ thù xâm lược chính là biểu hiện tập trung và cao độ nhất của tinh thần yêu nước.
+ Giặc Tống nhất định “phải tan vỡ” vì: chúng đã vi phạm vào “sách trời”, đã đặt bước chân xâm lược lên bờ cõi nước Nam mãi mãi là của người Nam
- Cuộc chiến mà chúng đã gây nên nhất định sẽ bị quật ngã bởi sức mạnh của tinh thần yêu nước thời đại Đông A.
c. Kết bài:
- Khái quát tinh thần yêu nước được thể hiện qua bài thơ “Nam quốc sơn hà”: “Nam quốc sơn hà” xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn, là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên thấm đẫm tình thần yêu nước về chủ quyền, ý thức độc lập dân tộc cùng niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Bằng một bài văn ngắn em hãy phân tích tinh thần yêu nước trong bài thơ Sông núi nước Nam.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Yêu nước và tự hào dân tộc là một trong những tình cảm thiêng liêng nhất của mỗi người dân Việt Nam. Tình cảm ấy thấm đẫm trong tâm hồn dân tộc và dạt dào lai láng trên những trang thơ văn.
Nam quốc sơn hà là một áng thơ như thế!
Sông núi nước Nam không phải là sáng tác duy nhất thời Lí -Trần khơi nguồn từ cảm xúc về đất nước, về dân tộc. Gắn bó với một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt - thời đại hào hùng đấu tranh chống ngoại xâm, dường như đất nước và dân tộc là mối quan tâm hàng đầu của các nhà văn, nhà thơ. Và do đó, tình cảm yêu nước và tự hào dân tộc đã trở thành cảm hứng chủ đạo cho các sáng tác văn chương thời kì này.
Nhìn lại các sáng tác thời Lí - Trần, tuy tình cảm đất nước bộc lộ ở những khía cạnh khác nhau, trong những thời điểm khác nhau, nhưng đều rất sâu sắc. Trong Chiếu dời đô, nỗi lo lắng cho vận số của đất nước, dân tộc, hạnh phúc của muôn dân, trăm họ là niềm trăn trở lớn nhất của vị hoàng đế đầu tiên của triều Lí. Ở Hịch tướng sĩ, lòng căm thù giặc, nỗi xót đau trước cảnh đất nước bị giày xéo tàn phá, ý chí sẵn sàng xả thân vì nước trào dâng mãnh liệt trong lòng vị thân vương họ Trần. Còn trong Phò giá về kinh, lại là hào khí chiến thắng của dân tộc và khát vọng về một nền thái bình muôn thuở cho đất nước của thượng tướng thái sư Trần Quang Khải.
Bài thơ thể hiện khí phách cũng như ý chí quật cường của dân tộc ta. Ngay mở đầu bài thơ, tác giả đã khẳng định chủ quyền đất nước bằng một câu khẳng định đầy đanh thép:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư”
Câu thơ với hai vế rõ ràng, được tác giả sử dụng từ ngữ hết sức hàm xúc và ý nghĩa, giọng điệu hết sức đanh thép và khẳng định chủ quyền đất nước. Hai từ “Nam quốc” và “Nam đế” chính là hai từ chủ chốt của câu thơ bởi giặc phương Bắc luôn coi thường nước Nam ta, chúng chỉ coi Bắc quốc là đế quốc duy nhất thống trị thiên hạ, chúng ngang nhiên xâm lượn, đô hộ nước ta trở thành một châu, một quận và phải chịu sự giám sát, quản thúc và cung phụng chúng. Để giữ được nền độc lập nhân dân ta đã không ngừng đấu tranh, đứng lên bảo vệ đất nước trong suốt ngàn năm qua.
“Nam quốc” không chỉ có ý nghĩa chỉ nước Nam ta mà còn hơn thế đó chính là sự độc lập về chủ quyền, vị thế của Nam quốc, cách nói của tác giả khẳng định rằng ta hoàn toàn có thể đứng ngang hàng Bắc quốc, vị vua trị vì Nam quốc ta cũng oai phong và hiển hách như Bắc quốc kia. Cho ta thấy được tinh thần trung quân ái quốc, lòng tự tôn và hào dân tộc mạnh mẽ, hào hùng.
“Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”
Câu thơ lại là một câu nói biện chứng, khẳng định “sông núi nước Nam” là của người Nam sinh sống và hưởng thụ, đây là điều hiển nhiên do trời định. Không có một thể lực hay một cá nhân tập thể nào có thể phủ định điều đó. Giang sơn gấm vóc, từng cây cỏ, ngọn cây, bờ cõi khẳng định chủ quyền của nhân dân ta, được sử sách lưu danh thiên cổ, được đánh dấu trong bản đồ của trời, của thế giới. Không ai được quyền thay đổi cái sự thật đó!
Hai câu thơ với hai lời khẳng định với lí lẽ biện chứng xác đáng, cho chúng ta thấy được một chân lí rằng: nước Đại Việt tồn tại độc lập và có chủ quyền của một quốc gia, không ai được xâm phạm và có quyền thay đổi điều đó!
Để nhấn mạnh điều đó, tác giả đã nhấn mạnh, khẳng định vô cùng đanh thép với hai câu thơ
“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Sách trời đã lưu danh tính chủ quyền mà tại sao lúc giặc kia lại dám xâm lược. câu hỏi như lời nhắc nhở đanh thép đến quân xâm lược rằng: bọn chúng xâm phạm và bờ cõi nước Nam ta chẳng há gì là đại nghịch bất đạo, chúng bay đã xâm phạm vào chủ quyền của cả một dân tộc, động đến lòng tự tôn của một dân tộc kiên cường, ý chí độc lập chủ quyền ngút ngàn. Nếu chúng dám xâm phạm đến bờ cõi ấy, thì chắc chắn sẽ chuốc lấy sự thất bại, đó là điều hiển nhiên chắc chắn sẽ xảy ra. Chúng sẽ bị trời đất, bị ý chí và tinh thần của con người Nam quốc đánh cho tan vỡ, phải cúi đầu chịu thua.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Trong kho tàng văn học dân tộc có vô số những ánh văn hay, ý nghĩa thể hiện sĩ khí yêu nước và lòng tự hào dân tộc của cha ông ta, một trong số đó chính là bản hùng ca bi tráng “Nam quốc sơn hà”- hay còn được nhắc dưới cái tên “Sông núi nước Nam” của Lí Thường Kiệt. Bài thơ chính là kết quả của tinh hoa văn hóa dân tộc, hào khí anh hùng và hơn cả đó chính là lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong thời kì lập quốc và giữ quốc.
“Nam quốc sơn hà” được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt bằng chứ Hán với áng văn hào sảng như sau:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Trong cuộc chiến chống lại giặc phương Bắc của nhân dân đã để lại nhiều những dấu ấn lịch sử oai hùng, giặc Oa, giặc Hán, giặc Tống, giặc Thanh,… và bài thơ “Nam quốc sơn hà” được sáng tác trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, trong đền thờ thần trên phòng tuyến sông Như Nguyệt.
Hai câu thơ đầu đã nêu lên một tư tưởng mang tính chân lí: Sông núi nước Nam là của người Nam. Ở nguyên tác chữ Hán, tư tưởng đó càng được làm nổi bật một cách sâu sắc, mãnh liệt hơn: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Câu thơ như một lời tuyên ngôn đầy chắc nịch về chủ quyền của dân tộc: “Nam quốc”- “Nam đế”: nước Nam là của vua Nam, đặt trong thế đối sánh, ngang hàng với phương Bắc: “Nam quốc”- “Bắc quốc” và “Nam đế”- “Bắc đế”. Nếu như quân Tống xâm lược với tư cách là một quốc gia hùng mạnh thì nước Nam ta cũng sẽ bảo vệ đến cùng tầng tấc đất của một quốc gia tồn tại độc lập. Và điều này càng được khẳng định hơn thông qua “thiên thư”: “Vằng vặc sách trời chia xứ sở”, nghĩa là điều này tồn tại như một chân lí hiển nhiên và không ai có thể phủ nhận. Như vậy, thông qua hai câu thơ đầu, chúng ta thấy được tinh thần yêu nước được thể hiện qua tư tưởng về chủ quyền dân tộc và ý thức độc lập tự chủ.
Niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng của dân tộc trước kẻ thù xâm lược chính là biểu hiện tập trung và cao độ nhất của tinh thần yêu nước. Tác giả đã vẽ nên trước mắt độc giả viễn cảnh về thất bại thảm hại của giặc Tống xâm lược, đồng thời cũng là niềm tin sắt đá vào sức mạnh của tinh thần yêu nước của nhân dân ta tạo nên. Giặc Tống nhất định “phải tan vỡ” vì chúng đã vi phạm vào “sách trời”, đi ngược lại chân lí, tạo nên một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Hơn nữa, sự thất bại của chúng là lẽ tất yếu vì đã đặt bước chân xâm lược lên bờ cõi nước Nam mãi mãi là của người Nam, và cuộc chiến mà chúng đã gây nên nhất định sẽ bị quật ngã bởi sức mạnh của tinh thần yêu nước thời đại Đông A.
“Nam quốc sơn hà” xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn, là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên thấm đẫm tình thần yêu nước về chủ quyền, ý thức độc lập dân tộc cùng niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024228 - Xem thêm