Bài văn mẫu Phân tích nhân vật ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao dưới đây nhằm giúp các em có thể viết được bài văn phân tích nhân vật trong một tác phẩm văn học cụ thể. Cùng Học247 tham khảo nhé! Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm bài học Lão Hạc.
A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý
B. DÀN BÀI CHI TIẾT
a. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Nam Cao và tác phẩm Lão Hạc: “Lão Hạc” là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn hiện thực- nhân đạo Nam Cao.
- Giới thiệu và khái quát những nét chính về nhân vật ông giáo: Nhân vật ông giáo trong tác phẩm tuy không phải là nhân vật chính nhưng lại vô cùng quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng của tác giả.
b. Thân bài:
* Luận điểm 1: Lý lịch và hoàn cảnh nhân vật
- Ông giáo là một tri thức nghèo ở nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn
+ Nếu như với một người nông dân như lão Hạc, sự nghèo đói khiến lão phải bán đi con chó – người bạn thân nhất của lão, thì với một trí thức như ông giáo, thứ ông quý trọng nhất, nâng niu nhất nhưng cuối cùng ông vẫn phải bán chúng đi để chữa bệnh cho con – đó là sách.
+ Cuộc sống khó khăn của ông giáo còn được thể hiện qua hình ảnh người vợ của ông. Sự nghèo đói, khổ cực đã khiến thị trở nên ích kỉ với tất cả mọi người, ngoại trừ những đứa con của thị.
⇒ Cuộc sống khó khăn bao trùm lên ngôi làng nhỏ, dù là một người trí thức cũng không thể thoát khỏi vòng vây của cái đói, cái khổ.
* Luận điểm 2: Ông giáo là một người giàu tình cảm, giàu lòng yêu thương
- Ông giáo khác vợ ông ở chỗ, dù nghèo đói, túng quẫn, nhưng ông vẫn giữ được cái phẩm chất, cái lòng thương người, đồng cảm của mình, đặc biệt là với ông bạn già – lão Hạc
+ Từ khi con trai lão Hạc ra đi, ngoài cậu Vàng thì có lẽ, ông giáo chính là người thấu hiểu và đồng cảm với lão nhất, ông luôn lắng nghe mọi tâm sự của lão Hạc, từ việc con trai không có tiền cưới vợ phải bỏ đi đồn điền, đến việc lão muốn bán chó, muốn gửi vườn, gửi tiền,…
+ Ông giáo luôn muốn giúp đỡ lão Hạc, dù chỉ là củ khoai, chén rượu, khi lão Hạc từ chối sự giúp đỡ của ông, ông giáo vừa buồn vừa thông cảm. Sự giúp đỡ duy nhất của ông dành cho lão, có lẽ là giữ vườn và tiền làm ma hộ lão.
- Không chỉ với lão Hạc, ông giáo cũng hiểu và thông cảm cho sự ích kỉ của người vợ: “ Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi”
* Luận điểm 3: Ông giáo là một trí thức vừa đáng thương vừa đáng quý
- Tưởng như trong câu chuyện này, lão Hạc đã là người khổ nhất, đáng thương nhất, nhưng nếu như nhìn lại tất cả, có lẽ ông giáo mới là người đáng thương nhất
+ Ông giáo là nhân vật đại diện cho tầng lớp trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ.
+ Sự bế tắc ấy được thể hiện ở chỗ ông chính là người chứng kiến mọi đau khổ của lão Hạc, con lão, của vợ ông, và có lẽ của rất nhiều người khác, những ông chỉ có thể đứng nhìn mà không thể cứu giúp họ khỏi cái khổ đau ấy.
+ Ông giáo không chỉ gánh trên vai sự thiếu thốn về vật chất mà còn gánh cả nỗi đau về tinh thần, đó là sự dày vò, day dứt khi không thể làm gì cho xã hội, cho đất nước, như chính trách nhiệm của một nhà nho, nhà trí thức đương thời.
+ Khi vợ ông ích kỉ với lão hạc, ông chỉ “buồn chứ không nỡ giận”, khi nghe Binh Tư nói lão Hạc muốn đánh bả chó, ông chỉ biết thốt lên “Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn”. Và cho đến khi chứng kiến cái chết của lão Hạc, điều duy nhất ông có thể làm đó là giữ trọn lời hứa với lão.
⇒ Tình cảnh bế tắc và tấm lòng nhân đạo của ông giáo khiến người đọc thấy đâu đó trong con người ông là nỗi lòng, tâm sự của chính tác giả - nhà văn Nam Cao.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại phẩm chất của nhân vật ông giáo và vai trò của nhân vật trong toàn bộ tác phẩm: Ông giáo có những phẩm chất đại diện cho tầng lớp trí thức đương thời.
- Liên hệ và đánh giá về cảm hứng nhân đạo, nhân văn của truyện: Đọc truyện, người ta thấy lấp ló đằng sau nhân vật ông giáo ấy chính là hình ảnh tác giả với tấm lòng nhân đạo cao cả và nỗi lòng bế tắc trước cảnh ngộ của những người dân lao động.
C. BÀI VĂN MẪU
Đề bài: Em hãy phân tích nhân vật ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Mỗi nhân vật trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao là một mảnh đời, một số phận. Ta thương cảm xót xa cho cái chết đầy đau đớn dữ dội của lão Hạc, nhưng cũng không quên đi một ông giáo đầy bất hạnh. Nung nấu trong mình những ý định lớn lao, nhưng tất cả đều sụp đổ bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”.
Hai tiếng ông giáo đầy kính trọng, thiêng liêng. Ở cái đất quê mùa, ít học ấy mấy ai được người đời tôn xưng là ông giáo. Đó phải là người hiểu luân lí, lắm chữ nghĩa mới được gọi như vậy. Và ông giáo chính là một người như vậy.
Dưới sự giới thiệu của Nam Cao, người đọc được biết đôi nét về tiểu sử của ông giáo.Thời trẻ ông giáo là một người chăm chỉ, ham học hỏi, sống có mục đích, lí tưởng, thứ ông quý hơn sinh mạng của mình chính là những cuốn sách. Nhưng cuộc sống đưa đẩy, đầy éo le, vào Sài Gòn lập nghiệp không được bao lâu, ông giáo ốm, trận ốm ấy đã khiến ông bán gần hết những gia sản mình có và mang về được một va li sách. Nếu như lão Hạc yêu quý cậu Vàng như thế nào thì ông lão cũng nâng niu những cuốn sách của mình như vậy. Nhưng lấy vợ, rồi cái nghèo cứ đeo bám, ông bán dần bán mòn những quyển sách của mình và giữ lại đúng năm quyển, tự hứa sẽ không bán chúng đi nữa. Nhưng cuộc đời cũng thật biết trêu đùa, con ông ốm đau, sài đẹn, ông phải làm sao? Đành bán vợi, bán dần những cuốn còn lại kia. Cuộc đời của ông giáo cũng chính là một bi kịch khác, bi kịch của một người trí thức nghèo.
Tuy nhiên, cả một xã hội đang bị cảnh chết đói đe dọa, có người còn giữ được đạo đức nhân cách, có người phải trộm cắp để sống. Vì vậy, thấy Lão Hạc xin bả chó của Binh Tư, ông giáo lầm tưởng lão Hạc cũng từ bỏ nhân cách, đói nghèo đến liều lĩnh rồi. Dù vậy, ông giáo cũng suy nghĩ rất nhân hậu: Lão Hạc lại nối gót Binh Tư làm nghề bắt trộm chó để sống, lẽ nào một con người hiền lành chất phác như vậy mà giờ đây lại có ý nghĩ và hành động xấu xa đến như thế? Vừa kính nể về nhân cách, vừa thương vì hoàn cảnh túng cùng, ông giáo cảm thấy buồn trước sự suy thoái đạo đức. Đến lúc nghe và thấy cái chết thảm khốc vì ăn bả chó của lão Hạc, ông giáo chợt nhận ra: "Không! Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác". Thật vậy, cuộc đời chưa hẳn đáng buồn vì Lão Hạc vẫn là con người có đạo đức, có nhân cách cao quý, Lão Hạc vẫn xứng đáng với niềm tin của ông, lão chưa mất nhân phẩm vì miếng cơm manh áo! Chưa hẳn đáng buồn, vì lão Hạc vẫn là con người có đạo đức, có nhân cách cao quý, lão Hạc vẫn xứng đáng với niềm tin cậy của ông, lão chưa mất nhân phẩm vì miếng cơm manh áo! Nhưng đời đáng buồn theo nghĩa khác: ông giáo buồn vì con người mà ông đang yêu mến, quý trọng ấy lại nghèo đến nỗi không có cái ăn để tồn tại trên cõi đời này. Cuộc đời con người lương thiện lại bi thảm đến thế? Vậy thì chân lí "ở hiền gặp lành" còn tồn tại nữa chăng?
Đối với lão Hạc, còn quý gì hơn lời hứa thực hiện điều ông trăn trối: Lão Hạc ơi! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão cái vườn mà lão nhất định không chịu bán đi một sào". Ta như nghe ông giáo đang thề nguyện trước vong linh người đã khuất, ta tin rằng ông sẽ làm tròn lời hứa với lão Hạc.
Dù gia cảnh cũng không khấm khá gì hơn lão Hạc. Nhưng nhìn cảnh lão Hạc sau khi gửi tiền tang ma sau này và giao mảnh vườn lại để cho con, phải ăn uống kham khổ, lấy củ khoai, củ ráy ăn thì ông giáo động lòng thương cảm muốn giúp đỡ. Ông giúp bằng chính cái tâm của mình, nhưng lại bị lão Hạc từ chối gần như là hách dịch. Ông hiểu lắm, bởi lão là người có lòng tự trọng, nên không muốn ai thương hại mình. Cái chết của lão Hạc cũng làm ông giáo bàng hoàng đau đớn. Đến bấy giờ ông mới thực sự hiểu hết con người lương thiện, nhân cách cao đẹp của lão Hạc: “Lão Hạc ơi! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt. Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn; cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào…”.
Ông giáo cũng là người rất hiểu chuyện, nắm bắt rõ tâm lí con người. Khi ông đem chuyện lão Hạc kể với vợ, mụ vợ gắt phắt đi vì cho rằng chính lão tự làm lão khổ nên mặc kệ lão. Ông giáo không trách vợ bởi: “Vợ tôi không ác nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên dược cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?Khi người ta đau khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”.
Tóm lại, ông giáo là người trí thức, không may mắn trong xã hội đương thời nhưng vẫn có tấm lòng nhân hậu đáng quý, có cái nhìn sâu sắc để cảm thông chia sẻ và quý trọng một người chất phác thật thà như lão Hạc. Biết bao người có lòng nhân hậu mà không giúp nhau vượt qua bi kịch của cuộc sống! Qua ông giáo, ta hiểu cái nhìn cảm thông tin tưởng của Nam Cao đối với nhân cách đáng quý: dù đó là trí thức hay nông dân thì quan hệ giữa họ vẫn là tri kỉ, họ có thể ký thác những điều hệ trọng, thiêng liêng nhất đời mình.
2. Bài văn mẫu số 2
Trở đi trở lại trong sáng tác của nhà văn Nam Cao là hình ảnh người nông dân và người trí thức. Họ là nơi để nhà văn ký thác những quan điểm về nghệ thuật và cuộc đời, nơi nhà văn bộc lộ tâm sự của mình. Người trí thức trong sáng tác của ông là những nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh sống đầy nghiệt ngã. Những kiếp đời mòn mỏi, sống mòn, sống thừa, bị áo cơm ghì sát đất. Đau khổ hơn, họ lại là người trí thức - người luôn ý thức được những nỗi khổ đau của mình trước cuộc đời. Nhân vật ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao là một con người như vậy.
Ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc được nhà văn giao cho rất nhiều trọng trách. Nhân vật này đứng thứ hai sau nhân vật lão Hạc, vừa như người chứng kiến vừa như người tham gia vào câu chuyện của nhân vật chính, vừa đóng vai trò dẫn dắt câu chuyện vừa trực tiếp bày tỏ thái độ, tình cảm, tâm trạng của bản thân. Đó cũng là chỗ gần gũi và khác cách kể chuyện trong tiểu thuyết - tự truyện Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng.
Là một con người được nếm trải-và chứng kiến bao cảnh sống, ông giáo luôn canh cánh bền lòng nỗi trăn trở về cuộc đời, về con người. Trong tác phẩm đã rất nhiều lần ông giáo phải thốt lên những lời đắng cay, chua xót về mối quan hệ giữa con người và con người, sự biến mất ở mỗi con người: Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương. Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác. Sự lo lắng, băn khoăn của ông giáo cũng là nỗi niềm của Nam Cao. Tâm sự của nhân vật mang một nỗi đau về thời thế. Thật sâu sắc và trân trọng. Nhưng đó cũng là con người bất lực - “lực bất tòng tâm”, chỉ biết kêu lên những lời ca tha thiết. Ông giáo không biết và không chỉ ra được con đường thoát cho lão Hạc cũng không tìm được con đường thoát cho chính mình. Đó cũng là đặc điểm của bao nhân vật tiểu tư sản nghèo trong tác phẩm của Nam Cao.
Được học hành, nếm trải ông giáo có một sự hiểu biết và lòng thương yêu rất mực đối với con người, một lòng thương quê mình. Đối với vợ - một người hay đánh giá lầm lạc về con người, ông giáo chỉ có thể buồn chứ không nỡ giận. Bởi hiểu biết về quy luật khắc nghiệt của cuộc sống, ông giáo đã sẵn sàng tha thứ tính xấu hay những lầm lạc của con người. Một sự bao dung nhìn nhận con người một cách đúng đắn. Đặc biệt với nhân vật lão Hạc, ông giáo càng thể hiện tấm lòng mình. Ông là người biết nhìn nhận cái đẹp và trân trọng cái đẹp. Chính vì vậy mà đã có lúc ông lo sợ cái đẹp ở con người lão Hạc có thể biến mất. Ông giáo đã tìm thấy con người bề ngoài có vẻ lẩm cẩm kia chứa đựng bên trong một vẻ đẹp sáng ngời. Chính vì thế mà ngòi bút của Nam Cao qua nhân vật ông giáo, ban đầu thì lạnh lùng, nhưng càng về sau càng tha thiết càng gắn bó.
Ông giáo lắng nghe tất cả chuyện của lão ,từ chuyện nhỏ đến to, đến cả những việc chẳng mấy quan trọng hay có ý nghĩa. Chuyện con Vàng bữa ăn như thế nào, chuyện con Vàng thông minh, gần gũi như người bạn. Hơn một ai trong làng ấy, chỉ có ông giáo hiểu sâu sắc hoàn cảnh của lão Hạc. Ông hiểu lão Hạc chỉ có con Vàng làm banh vì vợ mất sớm, con trai vì phẫn uất không lấy được vợ mà bỏ đi đồn điền cao su. Ông giáo cũng là người hiểu rõ tâm tư tình cảm những nỗi đau niềm yêu thương, tấm lòng nhân hậu, lương thiện của một lão nông nhân hậu, một người cha thương con. Khi lão Hạc báo tin bán chó. Ông giáo ngạc nhiên và thấy đáng thương cho lão Hạc. Nhìn giọt nước mắt của lão mà ông giáo thương cảm vô vàn. Ông băn khoăn khi lão Hạc gửi hết tiền cho mình. Vẫn lặng lẽ quan sát thấy lão Hạc vất vả, khó nhọc kiếm được gì ăn nấy, muốn giúp đỡ mà cũng bất lực vì hoàn cảnh của mình cũng khó như lão.
Cho dù nhiều bảo lão Hạc gàn dở nhưng ông giáo một lòng trân trọng vì ông biết lão Hạc chết vì quyết giữ vườn cho con. Ông giáo nhận ra nét đẹp trong con người lão Hạc Đức hi sinh cao cả của người cha, lòng tự trọng đẹp đẽ của con người. Tuổi tác, nghề nghiệp, vị trí xã hội khác nhau nhưng không ngăn cách hai tâm hồn. Ông giáo và lão Hạc vẫn thân thiết, tin tưởng và thấu hiểu nhau. Từ đó ta thấy ông giáo là người có trái tim nhân hậu, yêu thương con người, đặc biệt với những người nghèo đói, khó khăn. Trước cái chết của lão Hạc, ông giáo từng buồn bã thất vọng vì nghĩ lão Hạc đã mất đi tấm lòng trong sáng. Nhưng chứng kiến cái chết ăn bả chó của lão để giữ tấ Nhân vật ông giáo tuy không phải nhân vật trung tâm nhưng luôn gắn bó chặt chẽ với nhân vật chính như một người bạn, tri kỉ, chứng kiến và kể lí chân thật câu chuyện.
Bằng ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật vô cùng sâu sắc và tinh tế, Nam Cao đã khắc họa thành công những diễn biến trong tâm trạng của ông giáo. Có thể coi hình tượng ông giáo chính là hình bóng của nhà văn Nam Cao. Thông qua nhân vật ông giáo, người đọc như hiểu hơn về cuộc đời và số phận của lão Hạc, góp phần tô đậm giá trị nhân đạo của truyện ngắn thấm đượm tình người.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024211 - Xem thêm