OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA

Phân tích khổ thơ cuối bài thơ Đồng chí

05/04/2021 1.01 MB 1536 lượt xem 9 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2021/20210405/307241713004_20210405_142602.pdf?r=6634
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Bài văn mẫu Phân tích khổ thơ cuối bài thơ Đồng chí dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tình đồng chí thắm thiết trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài soạn văn Đồng chí.

 

 
 

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu đôi nét về tác giả Chính Hữu, bài thơ Đồng chí.

- Nêu vị trí đoạn trích: đoạn trích nằm ở phần kết của tác phẩm.

b. Thân bài:

- Đoạn cuối nói về biểu tượng của tình đồng chí.

- Tình đồng đội trong bài “Đồng chí” được Chính Hữu thể hiện thật đẹp qua những câu thơ cuối bài:

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”.

- Đây là bức tranh đẹp về tình đồng chí, là biểu tượng cao cả về cuộc đời người chiến sĩ.

- Rừng hoang sương muối: gợi sự khốc liệt, khắc nghiệt của thiên nhiên, của chiến tranh.

- “Đầu súng trăng treo” là hình ảnh rất thực và cũng rất lãng mạn:

+“Súng” và “trăng” – hai hình ảnh tưởng như đối lập song lại thống nhất hòa quyện – là cứng rắn và dịu êm – là gần và xa – là thực tại và mơ mộng – là chất chiến đấu và chất trữ tình – là chiến sĩ và thi sĩ.

+ Hiếm thấy một hình tượng nào vừa đẹp,vừa mang đầy đủ ý nghĩa như “Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu.

+ Đây là một phát hiện, một sáng tạo bất ngờ về vẻ đẹp bình dị và cao cả trong tâm hồn người chiến sĩ. Hình tượng này góp phần nâng cao giá trị bài thơ và trở thành nhan đề cho cả tập thơ “Đầu súng trăng treo”.

c. Kết bài:

- Khẳng định giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của đoạn thơ.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết bài văn phân tích về khổ thơ cuối của bài thơ Đồng chí.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Là người lính thuộc trung đoàn thủ đô rồi trở thành nhà thơ quân đội, Chính Hữu chủ yếu viết về người lính và hai cuộc kháng chiến. Đồng chí được sáng tác năm 1948, là bài thơ thành công nhất của ông. Cả bài thơ thể hiện rõ tình đồng đội, đồng chí gắn bó keo sơn của những chiến sĩ quân đội nhân dân trong thời kì kháng chiến.

Bài thơ mở đầu bằng những câu thơ mộc mạc, giản dị, chân chất khi tác giả giới thiệu về quê hương của các anh bộ đội. Các anh mỗi người một quê - những vùng quê nghèo khó - song đã về đây để cùng tham gia kháng chiến, cùng chịu đựng gian khổ, chung lưng đấu cật bên nhau.

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.”

Cả bài thơ của mình Chính Hữu đã mang độc giả đến với một bản nhạc trữ tình sâu lắng về tình người, tình đồng đội trong chiến tranh. Đó như là những lời tâm tình thủ thỉ tha thiết nhất của những người lính trong đêm trăng chờ phục kích. Tình cảm ấy đã được bồi đắp từ những thiếu thốn về vật chất trong cuộc sống đời thường đến những thử thách cam go ngoài mặt trận. Và rồi nó đã trở thành thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng và cao quý đó là tình đồng chí. Hai người lính với hai xuất phát điểm khác nhau, hai miền đất khác nhau nhưng lại có nhiều nét tương đồng, tưởng lạ mà quen tưởng riêng mà hóa lại chung. Đó chính là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu mảnh đất chữ S mãnh liệt này. Và nó đã đâm chồi nở rộ trong đêm trăng chờ giặc này:

“Đêm nay rừng hoang sương muối”

Phải có ai đã từng sống trong rừng sống trong những năm tháng khói lửa chiến tranh thiếu thốn mới hiểu được những vất vả mà các anh đã phải trải qua. Cái lạnh của rừng cắt da cắt thịt trong khi áo thì rách vai, chân thì không giày…. Thế nhưng vượt lên hoàn cảnh thiếu thốn có một thứ tình cảm vẫn tỏa sáng mạnh mẽ và trở nên kì vĩ lạ thường:

“Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”

Đến đây ta dường như không còn cảm nhận được cái rét lạnh buốt của rừng già, cái u tối của không gian nữa mà thay vào đó là hình ảnh vô cùng đẹp và oai hùng. Hai anh chiến sĩ dựa nhau chờ giặc tới. Các anh tuy hai mà một đã làm bừng sáng cả bài thơ. Đến những giờ phút mong manh ranh giới sinh và tử, thiên đường và địa ngục, độc lập và xiềng xích các anh vẫn sát cánh bên nhau và trao cho nhau những thứ tình người ấm áp.

Ba câu thơ là bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ. Trong bức tranh trên, nổi bật là ba hình ảnh gắn kết với nhau: Người lính, khẩu súng, vầng trăng giữa cảnh rừng hoang sương muối phục kích giặc. Sức mạnh của tình đồng đội đã giúp họ vượt lên tất cả những khắc nghiệt của thời tiết và mọi gian khổ, thiếu thốn. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ. Hình ảnh Đầu súng trăng treo là hình ảnh đẹp nhất vì nó vừa là hình ảnh thực vừa là hình ảnh tượng trưng.

Tác giả Chính Hữu đã từng nói: "Đầu súng trăng treo, ngoài hình ảnh, bốn chữ này còn có nhịp điệu như lắc của một cái gì lơ lửng chông chênh trong sự bát ngát. Nó nói lên một cái gì lơ lửng ở rất xa chứ không phải là buộc chặt, suốt đêm vầng trăng ở bầu trời cao xuống thấp dần và có lúc như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng như một người bạn" Đó là hình ảnh thực của cuộc kháng chiến, của những người lính khi chờ giặc tới.

Có thể nói ba câu thơ cuối cùng của bài thơ như một lời kết nhẹ nhàng và lắng đọng trong tâm trí của người chiến sĩ cũng như độc giả. Nó đã gợi cho người đọc biết bao nhiêu ấn tượng bao nhiêu suy nghĩ đặc sắc. Đó là ánh sáng của tự do, của độc lập mà chúng ta hướng tới trong một tương lai không xa.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Không biết tự bao giờ ánh trăng đã đi vào văn học như một huyền thoại đẹp. ở truyền thuyết "Chú cuội cung trăng" hay Hằng Nga trộm thuốc trường sinh là những mảng đời sống tinh thần bình dị đậm đà màu sắc dân tộc của nhân dân ta. Hơn thế nữa, trăng đã đi vào cuộc chiến đấu, trăng bảo vệ xóm làng, trăng được Chính Hun kết tinh thành hình ảnh "đầu súng trăng treo" rất đẹp trong bài thơ Đồng chí của mình.

Sau hơn mười năm làm thơ, Chính Hữu cho ra mắt tập "Đầu súng trăng treo". Thế mới biết tác giả đắc ý như thế nào về hình ảnh thật đẹp, thơ mộng, rất thực nhưng không thiếu nét lãng mạn đó.

Bài thơ gồm hai mươi dòng thơ với ngôn ngữ bình dị giọng điệu thủ thỉ tâm tình cảm xúc dồn nén, Đồng chí ca ngợi tình đồng chí gian khổ có nhau, vào sinh ra tử có nhau của người lính anh bộ đội cụ Hồ, những người nông dân yêu nước đi đánh giặc trong những năm đầu gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tình đồng chí, đồng đội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mạch cảm xúc của bài thơ Đồng chí và tạo nên những nốt ngân tuyệt vời ở ba câu thơ cuối:

"Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo."

Giữa rừng đêm hoang vu, lạnh lẽo, đầy bất trắc rình rập, họ vững tin đứng cạnh nhau, khoác súng trên vai, đầu súng hướng lên trời, tư thế hiên ngang "chờ giặc tới". Ánh trăng đêm, có lẽ là trăng cuối tháng, cứ chết dần, chết dần, cho tới khi chạm tới đầu mũi súng, đầu súng như vươn tận lên trời cao.

Khung cảnh thiên nhiên thật khắc nghiệt: rừng hoang sương muối. Chỉ có ai đã từng sống trong khói lửa chiến tranh, thiếu thốn như các anh với áo rách vai, chân không giày mới có thể hiểu được cái rét buốt lạnh cắt da thịt của đêm sương muối ở rừng. Trong cảnh rừng hoang vắng rậm rạp và lạnh lẽo ấy hiện lên hình tượng một con người kỳ vĩ đẹp lạ thường.

Bước vào cuộc chiến tranh, những người lính phải trải qua bao khó khăn, gian khổ với thực tại khốc liệt nghiệt ngã. Những người lính quên sao được những đêm đông giá rét phải đối mặt với sự giá lạnh đến tê người của "rừng hoang sương muối" nhưng chính ở cái nơi mà sự sống và cái chết chỉ còn là gang tấc, họ vẫn: "Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới", họ vẫn luôn kề vai sát cánh bên nhau, vẫn chủ động đón nhận thử thách, thậm chí cả sự hi sinh. Trong cái lạnh của rừng đêm còn có cái ấm áp, nồng hậu của tình đồng chí, cái trong trẻo của lí tưởng cách mạng. Tác giả Chính Hữu bất ngờ khép lại bài thơ của mình bằng hình ảnh: "Đầu súng trăng treo". Hai hình ảnh tưởng chừng như trái ngược nhau nhưng không, đó là sự kết hợp hài hòa giữa cảm hứng hiện thực và lãng mạn thể hiện cái tài của nhà thơ. Đọc câu thơ, ta như cảm nhận được sự đối lập giữa "súng" "trăng". Đằng sau khẩu súng trường ấy người ta thấy được cái khốc liệt nghiệt ngã của chiến tranh, vẫn câu thơ ấy ta cũng đồng thời thấy được cái vẻ đẹp êm ái, dịu hiền của "trăng" hòa bình. "Súng" và "trăng" đi liền kề với nhau trong câu thơ gợi lên trong lòng người đọc biết bao liên tưởng thú vị về sự hòa quyện giữa cứng rắn và dịu hiền, giữa chiến sĩ và thi sĩ. Đó như một biểu tượng đẹp đẽ trong tâm hồn của con người Việt Nam, vừa can trường, quả cảm, rắn rỏi nhưng cũng rất đỗi hào hoa, lãng mạn và đầy thơ mộng, mộng mơ. Những người lính cầm súng chiến đấu cho vầng trăng hòa bình, hơn ai hết họ hiểu rằng bảo vệ quê hương đất nước cũng chính là bảo vệ gia đình, người thân yêu. Phải chăng vì thế mà người lính sẵn sàng chấp nhận, đối mặt với khó khăn thử thách để giành lại cuộc sống ấm no hạnh phúc?

Những người chiến sĩ ấy luôn đồng hành cùng nhau, nhưng tuyệt thay, họ còn luôn có ánh trăng làm bạn. Hình ảnh “đầu súng trăng treo” làm khung cảnh trở nên có chút mộng mơ, thực ảo. Ngọn súng hướng về phía quân thù, ánh trăng lại như muốn hòa cùng không khí nơi đây. Trăng luôn lặng lẽ, yên tĩnh để ủng hộ các anh. Ánh trăng là biểu tượng cho vẻ đẹp thanh bình, khi màn đêm yên tĩnh, không có khói lửa đạn bom, không có hình ảnh của những người lính phải ngã xuống hi sinh vì đất nước, ánh trăng càng trở nên êm đềm xiết bao. Tương phản với trăng, là ngọn súng, là cuộc sống chiến đấu gian khổ. Quả thực, “đầu súng trăng treo” là hình ảnh, chi tiết đắt giá nhất trong toàn bộ bài thơ của nhà thơ Chính Hữu. Đối với người lính, tuy khó khăn gian khổ là vậy nhưng tâm hồn của các anh vẫn rất lạc quan, yêu đời. Họ san sẻ hơi ấm, niềm tin về một tương lai đất nước được thống nhất, hòa bình. Họ quên đi những nỗi sợ về bệnh tật, cái chết, trong màn đêm nơi đây, cùng với ánh trăng soi tỏ lòng người lính về những ước muốn đẹp tươi.

Một lời kết nhẹ nhàng, đẹp đẽ chẳng lời nào có thể miêu tả hết được giá trị của những vần thơ ấy. Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu đã làm sống lại tinh thần của những người lính cụ Hồ, không chỉ thế, những thế hệ trẻ ngày hôm nay còn được hiểu hơn về những hi sinh cao cả của thế hệ đi trước, cùng với tình cảm đồng chí, tương thân tương ái của cả dân tộc Việt.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

ADMICRO
NONE
OFF