OPTADS360
ATNETWORK
RANDOM
ON
YOMEDIA

Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

23/03/2021 1.03 MB 3063 lượt xem 7 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2021/20210323/1976708627_20210323_171020.pdf?r=6278
AMBIENT-ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Bài văn mẫu Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa dưới đây nhằm giúp các em thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa nghệ thuật và cuộc sống mà chiếc thuyền chính là hiện thân. Nghệ thuật phải về gần với cuộc sống, ngược lại cuộc sống là chất liệu, nguồn cung cấp cái đẹp cho nghệ thuật, để rồi nghệ thuật quay trở lại làm đẹp cho cuộc đời. Cùng Học247 tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài soạn văn Chiếc thuyền ngoài xa.

 

 
 

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Văn bản Chiếc thuyền ngoài xa đã tái hiện thành công hai phát hiện độc đáo của nghệ sĩ Phùng và chính hai phát hiện này đã chuyển tải thành công những triết lí sâu sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

b. Thân bài:

- Phát hiện đầu tiên: Vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm mờ sương:

+ Khung cảnh biển buổi sáng trong sương mai, đó là khung cảnh đẹp đẽ, tuyệt bích như bức họa mực tàu.

+ Khung cảnh rộng lớn của biển với chiếc thuyền ngoài xa mà “mái thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu trời sương mù màu trắng như có sữa pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”, trên thuyền là vài bóng người ngồi im phăng phắc.

=> Đôi mắt tinh tường, "nhà nghề" của người nghệ sĩ đã phát hiện vẻ đẹp "trời cho" trên mặt biển mờ sương, vẻ đẹp mà cả đời bấm máy ảnh chỉ gặp một lần.

+ Người nghệ sĩ cảm thấy hạnh phúc đó là niềm hạnh phúc của sự khám phá và sáng tạo, của sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu.

+ Trong giây lát, Phùng đã nhận ra được chân lý của sự hoàn mỹ, thì ra đứng trước cảnh đẹp, trước sự toàn bích, hài hòa, lãng mạn của cuộc đời, tâm hồn người nghệ sĩ có thể được thanh lọc để trở nên trong trẻo hơn.

- Phát hiện thứ hai: Cảnh bạo lực trong gia đình hàng chài:

+ Trong khung cảnh lung linh, tuyệt mĩ của cảnh biển, Phùng ngỡ ngàng phát hiện ra cảnh bạo lực gia đình - sự thật tàn nhẫn trong góc khuất cuộc sống của những con người nghèo khổ.

+ Từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi với vẻ ngoài cam chịu cùng một người đàn ông hung dữ, độc ác lấy việc đánh vợ làm phương thức giải tỏa mọi đau khổ.

+ Chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ một cách vô lý và thô bạo, Phùng đã "kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu... vứt chiếc máy ảnh xuống đất, chạy ào tới".

c. Kết bài:

- Thông qua hai phát hiện của nhân vật Phùng, tác giả Nguyễn Minh Châu đã đặt ra mối trăn trở về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa người nghệ sĩ và người dân.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Nguyễn Minh Châu là một nhà văn giàu tâm huyết, luôn trăn trở về một nền văn học xứng đáng với tầm vóc dân tộc và với sự kỳ vọng của nhân dân. Từ cảm hứng sử thi lãng mạn huyền ảo đã từng tạo nên vẻ đẹp rực rỡ trong các tác phẩm thời kì chiến tranh như Mảnh trăng cuối rừng, Dấu chân người lính, Cửa sông, ... ông dần dần chuyển sang tính chất triết luận về những giá trị nhân bản đời thường, khám phá bản chất con người trong cuộc sống mưu sinh, trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Chiếc thuyền ngoài xa sáng tác năm 1983 là truyện ngắn rất tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai. Đây là tác phẩm in đậm phong cách của Nguyễn Minh Châu: tự sự - triết lí nhân sinh. Trong tác phẩm này, nhà văn đã để cho nhân Phùng phát hiện ra vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm mờ sương cùng những nghịch lý trớ trêu của gia đình hàng chài, qua đó thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc về nghệ thuật và cuộc đời.

Đầu tiên là phát hiện của Phùng về cảnh đẹp trong nghệ thuật. Đó là cảnh đất trời cho "mui thuyền in một nét mơ hồ, loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào". Đối với người nghệ sĩ như anh, cảnh tượng ấy như một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ, đạt đến độ mẫu mực của nghệ thuật. Từ đường nét đến màu sắc đều hài hoà và lại đẹp hơn nữa khi nhìn qua mắt lưới, tấm lưới. Cái đẹp được cảm nhận qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ với niềm đam mê nên vẻ đẹp ấy càng thêm phần lung linh, huyền ảo. Đứng trước cảnh đẹp ấy, Phùng đã có sự xúc động đến tận cùng, mấy phút đầu anh cảm thấy bối rối, rồi mấy phút sau anh thấy trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Đó là giây phút anh đã phát hiện ra chân lý của sự toàn diện - cái đẹp chính là đạo đức, khi ấy anh đã được sống trong khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn, anh thực sự hạnh phúc khi tìm kiếm được cái đẹp để sáng tạo cho nghệ thuật.

Phát hiện thứ hai của nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh lại đầy nghịch lí, nó bất ngờ và trớ trêu như trò đùa quái ác của cuộc sống. Phùng đã chứng kiến từ chiếc ngư phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi, cam chịu và một lão đàn ông thô kệch, dữ dằn, độc ác, coi việc đánh vợ là một phương thức để giải tỏa những uất ức, đau khổ: chẳng nói chẳng rằng, lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng đau đớn: “Mày chết đi. cho ông nhờ, chúng mày chết đi cho ông nhờ”. Khi chứng kiến cảnh đó, anh kinh ngạc đến mức trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn. Sở dĩ anh có thái độ như vậy vì lúc trước anh từng có cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh mang lại, anh đã từng chiêm nghiệm bản thân cái đẹp chính là đạo đức vậy mà cảnh anh vừa bắt gặp trên mặt biển lại chẳng phải là đạo đức, là chân lý của sự toàn thiện. Phùng từng là người lính cầm súng chiến đấu để có được vẻ đẹp thanh bình của đất nước nên anh không thể chịu đựng được khi chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ một cách dã man, tàn bạo như vậy nên đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới. Nhưng chưa kịp thì ra can ngăn thì thằng Phác - con trai lão đàn ông đã kịp tới để che chở cho người mẹ đáng thương: không biết làm thế nào nó đã giành được chiếc thắt lưng, liền rướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng của người đàn ông để rồi nó đã bị cha tát hai cái khiến thằng nhỏ lảo đảo ngã dúi xuống cát. Rồi nó lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt. Thằng Phác đã thương mẹ theo cách của một đứa con còn nhỏ và chính điều này làm ta cảm động trước tình thương mẹ dạt dào của đứa nhỏ.

Phát hiện thứ hai của người nghệ sĩ Phùng chính là phát hiện về sự thật cuộc đời. Sự thật cuộc sống của người dân hàng chài được hiện ra khi chiếc thuyền tiến sát vào bờ với hình ảnh người đàn ông bà người đàn bà lam lũ. Người đàn bà cao lớn, thô kệch, lưng áo bạc phếch và khuôn mặt đầy mệt mỏi. Người đàn ông với mái tóc tổ quạ, tấm lưng rộng, hai con mắt của lão đầy vẻ độc dữ. Họ lầm lũi bước từ trên thuyền xuống, và chẳng nói chẳng rằng lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, rút chiếc thắt lưng rồi quất tới tấp vào lưng người đàn bà. Vừa quạt vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, mỗi nhát bóp là tiếng rên rỉ đau đớn. Kì quái thật, nhưng kì quái hơn là người đàn bà không hề kêu hay chống trả, chạy trốn mà nhẫn nhục chịu trận đòn. Thấy cảnh tượng đó, Phùng vô cùng kinh ngạc, chỉ biết há hốc mồm đứng nhìn, anh sững sờ đến ngỡ ngàng và bất bình vì cuộc đời vẫn tồn tại những ngang trái, đối với anh đây như câu chuyện cổ đầy quái đản.

Ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn này cũng rất đáng chú ý. Người kể chuyện ở đây là nhân vật Phùng, hay nói đúng hơn, đó là sự hoá thân của tác giả vào nhân vật Phùng. Việc chọn người kể chuyện như thế đã tạo ra một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, tăng cường khả năng khám phá đời sống của tình huống truyện, lời kể chuyện trở nên khách quan, chân thật, giàu sức thuyết phục. Ngôn ngữ các nhân vật phù hợp với đặc điểm tính cách của từng người: giọng điệu lão đàn ông thật thô bỉ, tàn nhẫn với những từ ngữ đầy vẻ tục tĩu, hung bạo; những lời của người đàn bà thật dịu dàng và xót xa khi nói với con, thật đớn đau và thấu trải lẽ đời khi nói về thân phận của mình; những lời của Đẩu ở toà án huyện rõ là giọng điệu của một người tốt bụng, nhiệt thành… Việc sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo như thế đã góp phần khắc sâu thêm chủ đề- tư tưởng của truyện ngắn.

Có thể thấy cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm Nguyễn Minh Châu trước năm 1975 là cảm hứng anh hùng cách mạng, còn sau năm 1975 là cảm hứng về nhân cách con người, là hành trình “khám phá con người bên trong con người” (Bakhtin). Theo mạch cảm hứng ấy, năm 1982 Nguyễn Minh Châu viết truyện ngắn Bức tranh; trong ý nghĩ tự phán xét, nhân vật hoạ sĩ đã vẽ một bức chân dung tự hoạ nhằm thể hiện “khuôn mặt bên trong của chính mình”. Đáng lưu ý là, nếu trong truyện Bức tranh, Nguyễn Minh Châu hướng cái nhìn nghệ thuật vào thế giới nội tâm thì trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu lại hướng cái nhìn nghệ thuật ra thế giới bên ngoài, ra cuộc sống đời thường. Nếu truyện Bức tranh là sự tự nhận thức, tự phê phán của con người dưới ánh sáng của lương tâm, đạo đức, thì truyện Chiếc thuyền ngoài xa là sự nhận thức và phê phán cái xấu, cái ác trong cuộc sống thường ngày. Cả hai tác phẩm đều được viết dưới sự chỉ đạo của quan điểm nghệ thuật: chỉ ra mặt xấu, mặt tối để góp phần hoàn thiện nhân cách con người, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đặc biệt, truyện Chiếc thuyền ngoài xa mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thực sự sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng, thật đúng như Nguyễn Minh Châu từng khẳng định: “Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Nguyễn Minh Châu là nhà văn tài năng với sức sáng tạo dồi dào, bằng cái tâm của người nghệ sĩ, ông luôn trăn trở trước những hiện thực của đời sống và đặt ra trách nhiệm của người nghệ sĩ khi đứng trước thực tại đó. “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Minh Châu được sáng tác trong giai đoạn đổi mới văn học, đồng thời cũng là tác phẩm điển hình cho quá trình chuyển hướng từ cảm hứng sử thi lãng mạn huyền ảo sang tính triết luận về những giá trị nhân bản đời thường. Trong truyện, thông qua hai phát hiện của nhân vật Phùng, tác giả Nguyễn Minh Châu đã thể hiện được những đánh giá, quan điểm về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, giữa người nghệ sĩ và nhân dân.

Đứng trước một bức tranh tuyệt tác của hóa công, người nghệ sĩ nhiếp ảnh trở nên “bối rối”, “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Điều đó cho thấy vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa đã tác động mãnh liệt đến tâm hồn của người nghệ sĩ khơi dậy những cảm xúc thăng hoa kì diệu. Trong khoảnh khắc đó, Phùng cảm giác đã khám phá ra được cái chân lí của sự hoàn thiện, khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn khiến cho Phùng nghĩ đến lời đúc kết của ai đó “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”.

Qua phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng về cái đẹp toàn bích, nhà văn Nguyễn Minh Châu không chỉ khám phá được phần nào hiện thực cuộc sống sau chiến tranh cũng như hành trình săn tìm nghệ thuật của người nghệ sĩ mà còn cho chúng ta thấy những chân lí cuộc đời. Đằng sau cái đẹp của thiên nhiên, của nghệ thuật là vẻ đẹp của tâm hồn, của con người. Bức họa kia càng thêm sống động thực sự có linh hồn khi con người là chủ thể của bức tranh lại là những con người bình dị vùng ven biển miền Trung. Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa tác động mãnh liệt đến tâm hồn Phùng, điều này chứng tỏ tâm hồn của người nghệ sĩ rất dễ nhạy cảm, tinh tế trước cái đẹp của thiên nhiên con người. Đồng thời qua phát hiện thứ nhất này nhà văn muốn khẳng định, những tác phẩm nghệ thuật vô giá không phải tự nhiên mà có, nó là sản phẩm của một hành trình đi tìm cái đẹp, quá trình lao động miệt mài của người nghệ sĩ chân chính. Khi bắt gặp cảnh đẹp người nghệ sĩ thấy tâm hồn mình trong sáng vô ngần, từ đây nhà văn muốn nhấn mạnh khả năng nhân đạo hóa con người của nghệ thuật chân chính: cái đẹp có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người. Nói như Đốt-tôi-ép-xki:”cái đẹp cứu vớt con người”. Còn nhà văn Thạch Lam khẳng định: “văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có thể vừa tố cáo, thay đổi thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn.

Nếu phát hiện đầu tiên của Phùng mang tính khám phá thì phát hiện thứ hai lại mang tính nghịch lí. Trong khung cảnh lung linh, tuyệt mĩ của cảnh biển Phùng ngỡ ngàng phát hiện ra cảnh bạo lực gia đình - sự thật tàn nhẫn trong góc khuất cuộc sống của những con người nghèo khổ. Từ một trong những chiếc thuyền bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi với vẻ ngoài cam chịu cùng một người đàn ông hung dữ, độc ác lấy việc đánh vợ làm phương thức giải tỏa mọi đau khổ. Người đàn ông vừa trút những trận đòn roi dã man lên người đàn bà tội nghiệp vừa rít lên bằng cái giọng đau đớn “ Mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết đi cho ông nhờ”.

Khi chứng kiến cảnh bạo lực ấy, Phùng đã kinh ngạc mất mấy phút đầu vì anh không tưởng tượng được vì sao con người có thể đối xử tàn nhẫn với nhau đến vậy. Anh Phùng từng là người lính, từng cầm súng đấu tranh cho tự do, bảo vệ cho con người nên anh không thể chịu được khi chứng kiến cảnh đánh đập dã man của người đàn ông với vợ của mình, anh đã ném chiếc máy ảnh, phương tiện tác nghiệp của người nghệ sĩ để lao vào ngăn cản người đàn ông để bảo vệ người đàn bà.

Chứng kiến cảnh tượng đó người nghệ sĩ kinh ngạc đến sững sờ, anh như chết lặng bởi vì không thể ngờ rằng đằng sau cái vẻ đẹp kì diệu của tạo hóa kia là cái ác, cái xấu đến không thể tin được. Vừa mới đây thôi anh đã từng chiêm nghiệm: “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Thế mà cảnh tượng cuộc sống của người dân làng chài chẳng phải là đạo đức. Nghệ sĩ Phùng là người lính từng cầm súng bảo vệ cuộc sống con người cho nên trước cảnh đó anh thấy bất bình, thấy người đàn ông thật độc ác, tàn nhẫn. Khung cảnh nên thơ về chiếc thuyền ngoài xa đã nhanh chóng tan vỡ, thay cho cảm xúc thăng hoa chỉ còn lại đau đớn xót xa.

Qua phát hiện thứ hai này Nguyễn Minh Châu cho chúng ta thấy đằng sau bức tranh thuyền và biển tuyệt diệu là cuộc đời đầy khắc nghiệt với những mảnh đời tội nghiệp. Nhà văn muốn thể hiện cái đẹp của nghệ thuật dễ nắm bắt hơn cái đẹp của cuộc sống. Vì cái đẹp của cuộc sống cần có thêm hạnh phúc và tình thương. Và đôi cánh khi cái đẹp của ngoại cảnh làm khuất lấp cái xấu tồn tại ở đời sống. Cuộc đời không đơn giản xuôi chiều mà chứa đựng nhiều nghịch lí với những mảng sáng tối, xấu đẹp, thiện ác, thật giả… Quan trọng là chúng ta đừng nhầm lẫn giữa hình thức bên ngoài và bản chất bên trong, chúng ta phải có cái nhìn đa diện, đa chiều về cuộc sống. Nghệ thuật vốn nảy sinh từ cuộc đời nhưng cuộc đời không phải bao giờ lúc nào cũng đẹp như nghệ thuật.

Trước những lẽ ấy thoạt đầu Đẩu và Phùng nghiêm nghị thấy bất bình nhưng về sau thì như vỡ lẽ ra nhiều điều. Phùng từng là người lính chiến đấu giải phóng miền Nam khỏi nanh vuốt quân xâm lược nhưng lại không thể nào giải phóng được số phận của người đàn bà bất hạnh. Qua câu chuyện của người đàn bà, Phùng càng thấm thía: không thể đơn giản trong cái nhìn về cuộc đời và con người. Cuộc sống này không chỉ sống cho riêng mình hay nó vốn là cái mình nhìn thấy trên bề nổi mà nó là phần chìm bên trong câu chuyện kia. Vẻ đẹp của người đàn bà hàng chài đã đem đến cho người đọc một thông điệp, một triết lí. Đó là phải nhìn mọi việc một cách toàn diện. Đó mới là cái giá trị đích thực của cuộc sống này. Từ một người đàn bà nhút nhát sợ hãi người đàn bà trở nên sâu sắc làm cho hai người đành phải để người phụ nữ ấy về với gia đình mình.

Câu chuyện kết thúc khi bức ảnh tuyệt bích được chọn in trong tấm lịch năm ấy và bức tranh còn được treo mãi trong những gia đình sành nghệ thuật. Điều này khẳng định giá trị nghệ thuật của bức tranh. Câu chuyện của người đàn bà hàng chài đã đi sâu vào tiềm thức của Phùng như một trải nghiệm mà mỗi khi nhìn vào bức ảnh anh lại nhớ đến nó. Với anh, khi đứng trước bức ảnh đen trắng lại thấy một màu hồng trong buổi sớm ban mai và nhìn kĩ hơn nữa lại thấy bước ra từ trong tranh là người đàn bà hàng chài lam lũ. Như vậy nếu hiểu bức tranh thuyền và biển kia là hình ảnh của nghệ thuật và người đàn bà hàng chài bước ra từ trong tranh là hình ảnh của cuộc đời thì nghệ thuật và cuộc đời phải gắn liền với nhau. Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống thì cũng phải gắn liền với cuộc sống. Nghệ thuật phải luôn gắn liền với cuộc sống thì mới có ý nghĩa.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA
NONE
OFF