Về hành trình nhận thức của nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu mà Học247 giới thiệu dưới đây sẽ giúp các em thấy được hành trình đi tìm bản chất sự thật của người nghệ sĩ Phùng về con người, về nghệ thuật và cả những chiêm nghiệm về cuộc đời, về nghệ thuật. Đồng thời, dàn bài chi tiết và bài văn mẫu này sẽ giúp các em định hướng được cách phân tích vấn đề, tình huống trong một tác phẩm. Mời các em cùng tham khảo! Ngoài ra, để nắm vững kiến thức về truyện ngắn này, các em có thểm tham khảo thêm bài giảng Chiếc thuyền ngoài xa.
A. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
B. Dàn bài chi tiết
1. Mở bài
- Nguyễn Minh Châu được mệnh danh “là người mở đường tinh anh” cho công cuộc đổi mới văn học. Ông có nhiều tác phẩm viết về đời thường khiến cho người đọc phải trăn trở, day dứt.
- Đọc truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa - một tác phẩm tiêu biểu được ra đời năm 1983, thuộc giai đọan sáng tác thứ hai của Nguyễn Minh Châu, ta nhận thấy được hành trình đi tìm bản chất sự thật của người nghệ sĩ Phùng.
2. Thân bài
- Giới thiệu sơ lược khái niệm tình huống và xác định tình huống trong Chiếc thuyền ngoài xa
- Khái niệm tình huống: là cái hoàn cảnh riêng chứa đựng một sự kiện đặc biệt nào đó có tác dụng quyết định đối với mục đích tái hiện đời sống và bộc lộ ý tưởng của nhà văn. Thông thường, có ba loại tình huống phổ biến trong truyện ngắn: tình huống hành động, tình huống tâm trạng và tình huống nhận thức.
- Tình huống trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là tình huống nhận thức trước những hiện tượng đầy nghịch lí của cuộc sống.
- Phân tích, khái quát hành trình nhận thức của nhân vật Phùng qua các tình huống truyện
- Hành trình nhận thức về cái đẹp, về nghệ thuật: Phùng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh từ Hà Nội lặn lội vào vùng biển này để chụp một bức ảnh nghệ thuật “hoàn toàn là tĩnh vật”, ở đây, anh đã có những phát hiện đầy bất ngờ về cuộc sống và cái đẹp.
- Phát hiện đầu tiên của Phùng là vẻ đẹp của một chiếc thuyền ngoài xa bất ngờ xuất hiện trong khung cảnh thơ mộng của buổi bình minh.
- Nhưng khi tới gần, chiếc thuyền ngoài xa ấy bày ra những nghịch lí bất ngờ; những sự thực trần trụi, đau đớn...
- Chưa hết ngạc nhiên, Phùng đã phải bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng người đàn ông hàng chài đánh đập vợ một cách tàn nhẫn và càng kinh ngạc hơn khi người đàn bà bị đánh kia “không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy”.
- Hàng loạt sự kiện bất ngờ diễn ra trước mắt anh như những thước phim: thằng bé giật lấy chiếc thắt lưng quất thẳng vào ngực người đàn ông; còn lão ta “dang thẳng cánh cho thằng bé hai cái tát khiến thằng nhỏ lảo đảo ngã dúi xuống cát”.
- Chuỗi nghịch lí ấy của hiện thực đã khơi lên trong tâm hồn người nghệ sĩ nhiều cảm xúc trái ngược - từ niềm hạnh phúc ngỡ ngàng trước một vẻ đẹp hoàn hảo đến cảm giác sững sờ, kinh ngạc vì sự thật trần trụi, tàn nhẫn và cả những xót xa, bất bình, phẫn nộ.
-
Những xúc cảm và hành động đó cho ta thấy vẻ đẹp của một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, tinh tế trước cái đẹp và thiết tha gắn bó với con người, cuộc sống.
- Hành trình nhận thức về con người, cuộc sống: được phản ánh qua những phát hiện và thái độ của Phùng với người đàn bà hàng chài khi quan sát vẻ ngoài thô kệch, tăm tối và khi cảm nhận thế giới tâm tư của một người phụ nữ bao dung, vị tha, sâu sắc,...;
- Người nghệ sĩ ấy đã phát hiện chất thơ kì diệu ngay giữa những lầm lụi, đau khổ của đời thường “lam lũ, khó nhọc”.
- Đặc biệt, anh đã phát hiện “con người ở bên trong con người” khi quan sát, suy ngẫm về người đàn bà hàng chài. Trong hai lần gặp trước, chứng kiến cảnh tượng mụ câm lặng chịu đựng sự bạo hành của gã chồng vũ phu.
- Những bài học sâu sắc về cách nhìn nhận, đánh giá con người và cuộc sống.
- Vì thế, khi ngắm lại tác phẩm nghệ thuật của mình, anh không chỉ tự hào vì nó “được treo ở nhiều nơi, nhất là trong những gia đình sành nghệ thuật” mà còn vì nó ẩn chứa cái đẹp thực sự của cuộc đời.
- Xây dựng nhân vật Phùng, Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm nhiều quan niệm mới mẻ và sâu sắc về con người, về nghệ thuật và cả những chiêm nghiệm về cuộc đời, về nghệ thuật.
- Hành trình nhận thức về cái đẹp, về nghệ thuật: Phùng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh từ Hà Nội lặn lội vào vùng biển này để chụp một bức ảnh nghệ thuật “hoàn toàn là tĩnh vật”, ở đây, anh đã có những phát hiện đầy bất ngờ về cuộc sống và cái đẹp.
3. Kết bài
- Khái quát lại vấn đề.
C. Bài văn mẫu
Đề bài: Phân tích hành trình nhận thức của nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
Gợi ý làm bài:
Nguyễn Minh Châu được mệnh danh “là người mở đường tinh anh” cho công cuộc đổi mới văn học. Ông có nhiều tác phẩm viết về đời thường khiến cho người đọc phải trăn trở, day dứt. Đọc truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa - một tác phẩm tiêu biểu được ra đời năm 1983, thuộc giai đọan sáng tác thứ hai của Nguyễn Minh Châu, ta nhận thấy được hành trình đi tìm bản chất sự thật của người nghệ sĩ Phùng.
Tình huống trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là tình huống nhận thức trước những hiện tượng đầy nghịch lí của cuộc sống: một người nghệ sĩ nhiếp ảnh từ Hà Nội tìm vào vùng biển mong chụp được bức ảnh nghệ thuật về làm lịch và tưởng đã thành công khi thu vào ống kính khung cảnh chiếc thuyền ngoài xa đẹp như một giấc mơ. Nhưng ngay sau đó, anh đã phải chứng kiến một nghịch cảnh trớ trêu: cảnh bạo hành trong một gia đình hàng chài vừa bước xuống từ con thuyền ấy.
-----Để tham khảo nội dung đầy đủ của tài liệu, các em vui lòng tải về máy hoặc xem trực tuyến-----
Người nghệ sĩ ấy đã phát hiện chất thơ kì diệu ngay giữa những lầm lụi, đau khổ của đời thường “lam lũ, khó nhọc”. Nó thấp thoáng hiện lên qua đôi bàn tay thằng Phác “khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt”. Nó toát lên từ vóc dáng “mềm mại và nhanh như một con vượn đen tuyền trong bộ quần áo đen ướt rượt bó sát vào mình” và hành động quyết liệt của đứa con gái - chị ruột thằng Phác - khi cô bé vật lộn với em, cố tước con dao găm mà thằng bé định dùng để bênh vực mẹ. Cái chất thơ kì lạ đó ngời lên trong hình ảnh thiếu nữ áo tím với “cặp mắt đen của chiếc thuyền mới đóng” khiến Phùng không tin nổi rằng “cái nhan sắc đang độ trẻ con như đúc từ trời biển trong suốt, nên thơ này lại được tách ra từ da thịt của người đàn bà hàng chài xấu xí và đau khổ”. Đặc biệt, anh đã phát hiện “con người ở bên trong con người” khi quan sát, suy ngẫm về người đàn bà hàng chài. Trong hai lần gặp trước, chứng kiến cảnh tượng mụ câm lặng chịu đựng sự bạo hành của gã chồng vũ phu, Phùng đã nhìn bằng con mắt thương hại. Lúc đó, anh chỉ thấy một người đàn bà xấu xí, thô kệch, lam lũ, cam chịu đến nhẫn nhục. Gặp lại chị ở toà án huyện, lúc đầu anh vẫn quan sát người đàn bà này bằng ánh mắt xót xa pha lẫn niềm thương hại. Chị ta mặc chiếc áo nâu bạc phếch với “một miếng vá bằng vải xanh bằng bàn tay trên vai”, với những bước đi một mỏi, chậm chạp như một bà già. Khi bước vào toà án, chị khúm núm, sợ sệt “tìm đến một góc tường để ngồi” và ngay cả khi vị chánh án cố tỏ ra thân mật, niềm nở, chị cũng chỉ dám “rón rén đến ngồi ghé vào mép chiếc ghế và cố thu người lại”. Anh càng cảm thấy bức bối hơn khi nghe người phụ nữ van xin vị chánh án đừng bắt chị phải li hôn người chồng vũ phu. Có lẽ, Phùng đã nghĩ rằng người đàn bà này tăm tối, nhẫn nhục đến mức đáng giận. Nhưng khi nghe những lời tâm sự của chị, anh ngỡ ngàng trước sự từng trải, sắc sảo và đức hi sinh của một người mẹ. Từng lời kể, từng cử chỉ của người đàn bà hàng chài đều khiến anh xúc động, có lẽ, phải đến tận lúc này, Phùng mới hiểu vì sao chị chấp nhận cái cảnh “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” và cái sự chị nhất quyết không li hôn gã chồng vũ phu. Anh không còn nghĩ rằng người đàn bà kia cam chịu vì yếu đuối hay tăm tối, ngu dốt. Anh cảm nhận được tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người phụ nữ hàng chài “phải sống cho con chứ không thể sống cho mình” được. Dù người phụ nữ ấy “chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài” nhưng anh vẫn hiểu thấu “tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời” ẩn sâu trong tâm hồn chị. Từ chỗ ngạc nhiên, bất bình vì những hiện tượng ngang trái, phi lí, Phùng đã thực sự cảm thông, chia sẻ cùng chị. Anh hiểu rằng không thể “giúp đỡ” chị theo cách mà anh và Đẩu định làm - bằng một cuộc li hôn. Anh hiểu sự hi sinh thầm lặng, cao cả và niềm hạnh phúc của người mẹ: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Người nghệ sĩ ấy đã tìm thấy từ câu chuyện của bà mẹ hàng chài lam lũ, đau khổ những bài học sâu sắc về cách nhìn nhận, đánh giá con người và cuộc sống.
Vì thế, khi ngắm lại tác phẩm nghệ thuật của mình, anh không chỉ tự hào vì nó “được treo ở nhiều nơi, nhất là trong những gia đình sành nghệ thuật” mà còn vì nó ẩn chứa cái đẹp thực sự của cuộc đời. Mỗi lần đối diện với bức ảnh đen trắng, anh lại thấy hiện lên “cái màu hồng hồng của ánh sương mai” trong khoảnh khắc tuyệt đẹp ngày nào và lại thấy người đàn bà hàng chài ấy bước ra khỏi tấm ảnh, vẫn vóc dáng cao lớn, thô kệch của người đàn bà vùng biển, vẫn tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá và khuôn mặt rỗ nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm nhưng giờ đây chị đã là biểu tượng cho vẻ đẹp, cho sức sống bền bỉ, phi thường của nhân dân với “những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hoà lẫn trong đám đông”.
Xây dựng nhân vật Phùng, Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm nhiều quan niệm mới mẻ và sâu sắc về con người, về nghệ thuật và cả những chiêm nghiệm về cuộc đời, về nghệ thuật. Các tình huống được nhà văn lặp lại nhằm nhấn mạnh những biến đổi trong cách nhìn của Phùng về nghệ thuật và cuộc sống. Từ chỗ mơ mộng, bay bổng trong niềm hạnh phúc ngỡ mình tìm thấy cái đẹp toàn bích đến cảm giác sững sờ, phẫn nộ trước sự thật phũ phàng; từ sự thương hại trước vẻ nhẫn nhục, cam chịu đến cảm thông, chia sẻ; từ thái độ bất bình gay gắt trước những nghịch cảnh, phi lí đến sự hiểu thấu lẽ đời. Đó cũng là hành trình đi tìm bản chất sự thật của người nghệ sĩ.
Trên đây là bài văn mẫu Hành trình nhận thức của nhân vật Phùng trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm:
----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024208 - Xem thêm