Nói về những nhân vật có lòng yêu nước sâu sắc trong các tác phẩm văn học, không thể không kể đến nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân. Chính cách tạo ra tình huống truyện độc đáo để bộc lộ tính cách nhân vật là yếu tố nghệ thuật góp phần vào thành công của truyện. Nhằm giúp các em hiểu hơn về diễn biến cốt truyện Làng Học247 mời các em cùng tham khảo tài liệu dưới đây. Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài soạn văn Làng.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm Làng của Kim Lân.
- Xây dựng cốt truyện là yếu tố nghệ thuật góp phần chính vào thành công của truyện.
b. Thân bài:
Cốt truyện của truyện ngắn Làng của Kim Lân gắn với tâm trạng ông Hai
- Diễn biến cốt truyện:
+ Trước khi ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc. Ông yêu làng, tự hào về làng, hay khoe làng. Ông tin tưởng vào thắng lợi cuộc kháng chiến do Chính phủ và Cụ Hồ lãnh đạo.
+ Khi ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc vào những ngày sau đó. Tình yêu làng của ông bị đặt vào tình huống gay cấn, đầy thử thách.
+ Khi ông Hai biết sự thật: tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính, ông sung sướng báo tin làng ông không theo giặc, nhà mình bị giặc đốt nhẵn.
- Nghệ thuật dựng cốt truyện Làng:
+ Sự phát triển của cốt truyện hợp lí: diễn tả được chính xác tâm lí người nông dân Việt Nam những ngày đầu chống Pháp.
+ Sự phát triển của cốt truyện cũng là sự phát triển tâm trạng nhân vật chính (ông Hai) trong tình huống đặc biệt.
+ Cốt truyện được diễn tả sinh động thành câu chuyện có giá trị nghệ thuật bằng biện pháp độc thoại nội tâm, bằng đối thoại. Ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật đặc sắc.
+ Nhờ đó, truyện đã xây dựng được một nhân vật tiêu biểu cho người nông dân Việt Nam những ngày đầu chống Pháp với tình yêu làng, yêu nước sâu sắc.
c. Kết bài:
- Truyện ngắn Làng của Kim Lân đã thể hiện tài năng kể chuyện của Kim Lân.
- Truyện cũng cho ta hiểu về tình yêu làng gắn với tình yêu nước cao cả của người nông dân Việt Nam.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy phân tích diễn biến cốt truyện trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Không biết tự bao giờ mà tình yêu đất nước quê hương đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận dành cho các nhà văn nhà thơ. Nó như một kim chỉ nam xuyên suốt các tác phẩm xưa và nay. Và thật là thiếu sót nếu như lướt qua nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “làng” của nhà văn Kim Lân. Đây chính là một điển hình tiêu biểu cho tình yêu đất nước quê hương, thứ tình cảm thiêng liêng cao quý nhất trên đời.
Cốt truyện được ví như xương sống của một con người, nó chi phối mạch nguồn cảm xúc của toàn bộ tác phẩm. Ở đó nhân vật thể hiện những suy nghĩ, hành động của mình từ đó thể hiện toàn bộ tư tưởng chủ đề mà người viết muốn gửi gắm. Ở trong truyện ngắn Làng nhà văn Kim Lân đã xây dựng một cốt truyện vô cùng đặc sắc, nó gắn liền với diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai. Trước khi nghe tin dữ làng chợ Dầu theo giặc ông là một người lạc quan yêu đời, luôn một lòng tự hào về quê hương bản xứ của mình. Thế nhưng khi nghe tin làng mình theo Tây tâm trạng ông bỗng chốc thay đổi từ chỗ tự hào dần chuyển sang mặc cảm và phẫn uất, thậm chí tủi nhục cay đắng. Để rồi cuối cùng khi có tin cải chính ông quay lại trở về là một người vui mừng khôn xiết. Diễn biến này vô cùng hợp lí và logic lại phù hợp với mạch truyện và tâm lí nhân vật.
Là một văn bản tự sự, Làng có một cốt truyện gồm nhiều sự việc xoay quanh nhân vật chính với những tình huống bất ngờ, đầy kịch tính. Diễn biến tâm lí và sự phát triển tính cách của ông Hai đã làm nên toàn bộ cốt truyện. Ớ nhân vật ông Hai, nổi bật lên là tình yêu làng xóm quê hương tha thiết, lòng yêu nước sâu nặng. Tự hào, hãnh diện, đó là những cảm xúc của ông Hai về làng Chợ Dầu vốn nổi tiếng có tinh thần đoàn kết chống giặc mà vì chiến tranh, ông và vợ con phải rời bỏ để đi tản cư nơi khác.
Làng Chợ Dầu của ông Hai là nơi ông sinh ra và lớn lên. Ông đã từng tự nhủ lòng “mình sinh sống ở làng này từ tấm bé đến bây giờ. Ông cha cụ kị mình xưa kia cũng ở cái làng này bao nhiêu đời nay…”. Cho nên, ông không thể không yêu từng con đường đất nhỏ, từng nếp nhà tranh đơn sơ, từng thửa ruộng, từng ngọn cỏ, cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay hay con đường làng lát toàn đá tảng… Ông Hai yêu cái làng chợ Dầu của mình một cách thiết tha nhất. Yêu đến độ đi tới đâu ông cũng kể về làng của mình với một sự say sưa và tình cảm mãnh liệt. Trước Cách mạng tháng Tám, vì yêu làng quê mình quá ông đâm biến thành người hay khoe. Đi đâu Ông cũng khoe làng ông có nhà ngói san sát, sầm uất, đường trong làng lát toàn bằng đá xanh, trời mưa đi từ đầu làng đến cuối xóm bùn không dính đến gót chân. Tháng 5 ngày 10 phơi rơm và thóc tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất. Ông còn tự hào về cái sinh phần của tổng đốc làng ông. Ông tự hào, vinh dự vì làng mình có cái nét độc đáo, có bề dày lịch sử. Nhưng khi cách mạng thành công, nó đã giúp ông hiểu được sự sai lầm của mình. Và từ đó, mỗi khi khoe về làng là ông khoe về những ngày khởi nghĩa dồn dập, những buổi tập quân sự có cụ râu tóc bạc phơ cũng vác gậy đi tập. Ông còn khoe cả những hố , những ụ, những hào,... lắm công trình không để đâu hết. Mỗi lời của ông lúc này chứa đầy sự giác ngộ về cách mạng, về ý thức giai cấp mà ông là người trực tiếp tham gia trong đó.
Tất cả tâm tư tình cảm của ông Hai đều hướng về làng về nước. Điều đó thể hiện rất rõ thông qua những tình huống khác nhau. Trước khi nghe cái tin dữ làng chợ Dầu theo giặc ông Hai là một người luôn tự hào và khoe về cái làng của mình. Nào là đường làng ông lát đá xanh, nhà ngói san sát sầm uất như trên tỉnh, nào là có cái cột phát thanh cao bằng ngọn tre chiều chiều cả làng lại thi nhau nghe tin đánh giặc.... Ông cũng vô cùng yêu nơi mình chôn nhau cắt rốn nên mặc dù có lệnh tản cư ông vẫn khăng khăng muốn bám đất giữ làng cùng bộ đội nhưng vì hoàn cảnh riêng nên ông phải đi. Những năm tháng sống trên vùng tản cư niềm vui duy nhất của ông đó là nhớ lại quãng thời gian gắn bó với mảnh đất quê hương, nhớ lại những ngày chiến đấu cùng anh em và chạy lên phòng thông tin nghe tin tức về làng chợ Dầu.
Thế nhưng đúng lúc niềm vui đến thì cũng là lúc ông nghe tin đồn thất thiệt “Cả làng chợ Dầu Việt gian theo Tây”. Ông cố gắng xác minh lại trong cái tin ấy xem có phải là thất thiệt không. “liệu có thật không hở bác? Hay chỉ là....” nhưng đáp lại ông chỉ là cái gật đầu xác nhận và những lời nói gay gắt “ Cả làng nó theo Tây từ thằng chủ tịch trở xuống”. Mặt ông lão như tái đi, cổ họng nghẹn ắng lại ông như lặng đi đến không thể nổi.
Cho đến một ngày, ông gặp một đám người tản cư vừa ở Chợ Dầu mới lên nói rằng cả làng Chợ Dầu theo Tây hết rồi! Mới chỉ vừa nghe tin ấy thôi, cố ông Hai “nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân, ồn lão lặng đi tưởng như đến không thể thở được”. Ông tưởng chừng có thể ngất đi vì cái tin như sét đánh bên tai ấy. Ông Hai cố gượng và ngỗi nghe cho thật tỉ mỉ. Trời ơi, chẳng lẽ chuyện ấy là thật ư? Không thể, không thể thế được, ông lẳng lặng về nhà rồi nằm thu mình trên giường trấn tĩnh lại và suy ngẫm. Ông cảm thấy đau đớn và nhục nhã vì cái làng chợ Dầu yêu quý của mình theo giặc. Ông nguyền rủa bọn theo Tây : “chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Niềm kiêu hãnh, tự hào, hạnh phúc, sung sướng, vui thích khi nghĩ về làng bấy lâu giờ bỗng chốc biến thành cảm giác tủi nhục, thất vọng, đau đớn, xấu hổ, bị mọi người rẻ khinh. Cảm giác ấy cũng những ý nghĩ tồi tệ đến không tưởng tượng được như từng nhát dao khứa vào tim ông, Cũng chình từ lúc ấy, ông không dám đi đâu hết, suốt ngày ru rú trong nhà và nghe ngóng tin tức. Nhà văn diễn tả tâm trạng của nhân vật chính này như một sự bất lực, tuyệt vọng. Và cũng chính lúc này, nhà văn đã nhận ra vẻ đẹp của lòng yêu nước ẩn chứa trong tâm hồn những người khác nữa. Từ mụ chủ nhà xấu người xấu nết mà hễ cứ thấy mặt là ông lại ghét cay ghét đắng, hay người đàn bà tản cư ngồi cho con bú với câu chửi đổng bâng quơ và còn bao người dân khác nữa,… Tất cả họ đều sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, chia nhà chia cửa cho đồng bào của mình khi có hoạn nạn, khó khăn, nhất là khi có hoạ ngoại xâm. Nhưng cũng chính họ đã phản ứng quyết liệt trước sự phản bội và không nhân nhượng với bất cứ ai hèn nhát đầu hàng hay chỉ cần là dân của một làng đã đi theo giặc. Đến khi mụ chủ nhà đến báo không cho gia đình ông ở nữa, ông thấy tuyệt đường sinh sống và ông nảy ra ý định: “hay là quay về làng ?” nhưng rồi ý nghĩ đó lập tức bị ông lão phản đối ngay vì: “ làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù.” Sự đối lập trong lòng ông như được tác giả khắc họa một cách thật rõ nét. Một bên là tình yêu làng và một bên là tình yêu nước. Hai tình cảm này đã dẫn đến cuộc xung đột nội tâm trong lòng ông. Nhưng trong đó, tình yêu đất nước được ông Hai đặt lên trên hết.
Niềm vui như trở về với con người ấy, gia đình ấy khi ông nghe tin làng chợ Dầu theo tây được cải chính bởi chính ông chủ tịch xã. Ôi cái cuộc đời này sao mà đẹp đến thế nó như khiến ông hồi sinh thêm một lần nữa. Cái mặt buồn thỉu mấy ngày nay đã rạng rỡ hẳn lên. Ông mua kẹo chia cho các con rồi lại chạy khắp nơi để thanh minh rằng làng mình không bán nước. Ông còn khoe cái tin làng mình bị giặc đốt. Dường như sự mất mát về của cải không làm ông đau đớn bằng việc đánh mất đi niềm tin chỗ dựa dẫm về tinh thần.
Sự lặp đi lặp lại của tâm lí nhân vật ông Hai cũng vô cùng hợp lí nó là đại diện cho suy nghĩ của tầng lớp nhân dân lao động trong xã hội cũ trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Bằng tài năng của mình, Kim Lân đã tạo nên một cốt truyện vô cùng đặc sắc và thú vị. Nó chính là cái tài mà không phải nhà văn nào cũng có thể làm được.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Từ xa xưa, dân tộc ta đã có một truyền thống quý báu đó là lòng yêu nước nồng nàn. Truyền thống đó dường như đã thấm sâu vào máu của mỗi con người Việt Nam và trở thành nguồn cảm hứng bất tận đối với các nhà thơ nhà văn. Đặc biệt là đối với Kim Lân. Ông đã khắc họa được tình yêu nước của những người nông dân Việt Nam chân chất thông qua hình ảnh nhân vật ông Hai. Một nhân vật mà đối với ông tình yêu nước không thể hiện qua những đóng góp lớn lao về của cải, vật chất mà chỉ đơn giản là niềm tự hào về ngôi làng nhỏ bé nhưng đầy ý chí quyết không đầu hàng giặc của mình.
Cũng viết về tình yêu quê hương đất nước trong chiến tranh nhưng tác phẩm của Kim Lân không có bom rơi đạn nổ, không có đổ máu mà đơn thuần chỉ có con người với một tấm lòng và những tình cảm thiêng liêng, sâu sắc. Là một văn bản tự sự, Làng cũng có cốt truyện gồm nhiều sự việc xoay quanh nhân vật chính với những tình huống bất ngờ, đầy kịch tính. Diễn biến tâm lí và sự phát triển tính cách của ông Hai đã làm nên toàn bộ cốt truyện. Ớ nhân vật này, tình cảm chủ đạo xuyên suốt tác phẩm là lòng yêu làng xóm quê hương tha thiết, lòng yêu nước sâu nặng!
Ngay từ đầu, tình cảm của ông Hai đã được khắc hoạ khá đậm nét đó là tình yêu làng quê mang đậm tính truyền thống. Làng Chợ Dầu của ông Hai là nơi ông sinh ra và lớn lên, nơi ông đã gắn bó bằng một thứ tình cảm máu thịt. Ông đã từng tự nhủ lòng “mình sinh sống ở làng này từ tấm bé đến bây giờ. Ông cha cụ kị mình xưa kia cũng ở cái làng này bao nhiêu đời nay…”. Cho nên, ông không thể không yêu từng con đường đất, từng nếp nhà tranh đơn sơ, từng thửa ruộng, từng ngọn cỏ, cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay hay con đường làng lát toàn đá tảng. Ông tự hào và hãnh diện về làng mình ở vô cùng. Tình cảm đó trải qua nhiều biến cố lịch sử đã trở thành những thử thách của “lửa thử vàng”, tôi luyện phẩm chất con người.
Niềm kiêu hãnh, tự hào, hạnh phúc, sung sướng, vui thích khi nghĩ về làng bấy lâu giờ bỗng chốc biến thành cảm tủi nhục, thất vọng, đau đớn, xấu hổ, bị mọi người khinh thường. Cảm giác ấy cũng những ý nghĩ tồi tệ đến không tưởng tượng được như từng nhát dao khứa vào tim ông, và ông không dám ra đường, dù chỉ là nửa bước. Ông nằm vật nằm vã trên giường như không thể gượng dậy nổi. Chuyện làng Chợ Dầu theo giặc như khối đá đè nặng lòng lão. Ông như mất hết lí trí, trong đầu ông bây không tài nào thoát ly được những ý nghĩ "làng theo Tây, làng Việt gian, lũ bán nước".Rồi những lời bàn tán xôn xao ngoài đường làm ông khổ tâm vô cũng đến nỗi ông phải tìm đến xó nhà mà ngồi, mà nấp cho đỡ nhục, đỡ xấu hổ, để tránh đi được phần nào cái thực tại oái ăm, ghê tởm đến cực độ kia. Thật, chỉ với một con người có tình yêu nồng nàn với làng, với xóm, với quê hương xứ sở thì mới đau, mới xót, mới tủi hổ đến như vậy.
Vẫn chưa hết, bà chủ nhà, như muốn xát muối vào vết thương ngày một lớn dần kia của hai vợ chồng ông Hai, bằng một giọng thân mật đến lạ thường, bà đuổi khéo vợ chồng ông, xỉa khéo vào nỗi buồn u uất đã mấy ngày không nguôi của ông Hai. Bị đẩy đến bước đường cùng, ông Hai thoáng nghĩ sẽ quay về làng, một suy nghĩ rất đỗi tự nhiên đối với một con người không còn nơi nào có thể dung thân, nhưng ông nhanh chóng dập tắt ý nghĩ đó, ông cho rằng về làng là đồng nghĩa với việc trở thành Việt gian, là kẻ bán nước, phản cách mạng, phản cụ Hồ. Thế là nơi cuối cùng có thể quay về cũng bị ông phủi bay không một chút do dự.
Bình thường ông là người hay nói vui tính nhưng hôm nay ông trở về lầm lũi rồi nằm vật ra giường. Lũ con thấy vậy cũng chẳng dám ho he chào hỏi cười đùa. Trong đầu ông bây giờ chỉ còn tồn tại hai chữ “việt gian”, “bán nước”, “theo Tây”. Ông gắt gỏng ngay cả với người đầu ấp tay gối với mình khi được hỏi về cái tin theo tây ấy. Nỗi đau dường như càng xéo xắt khi bà chủ nhà cũng có ý muốn đuổi cả nhà ông đi. Ông như lặng người nhìn đàn con mà đau xót, “ừ thì ra nó là con làng Việt gian đấy”. Suốt mấy ngày ông chẳng dám vác mặt ra đường vì sợ sẽ gặp phải những cái nhìn soi mói, những cải chỉ chỏ chỉ vì là dân làng Việt gian. Nỗi đau đớn xé lòng đã đẩy ông đi đến một quyết định đầy đau xót “làng thì yêu thật nhưng nếu làng theo tây thì phải thù”. Ông nói chuyện với các con nhưng thực ra đó là cuộc đối thoại nội tâm đầy cắn rứt. Mỗi câu nói ra ông cảm thấy mình như nhẹ đi bội phần. Ông yêu làng hướng về làng dù có muôn trùng xa cách.
Niềm vui như trở về với con người ấy, gia đình ấy khi ông nghe tin làng chợ Dầu theo tây được cải chính bởi chính ông chủ tịch xã. Ôi cái cuộc đời này sao mà đẹp đến thế nó như khiến ông hồi sinh thêm một lần nữa. Cái mặt buồn thỉu mấy ngày nay đã rạng rỡ hẳn lên. Ông mua kẹo chia cho các con rồi lại chạy khắp nơi để thanh minh rằng làng mình không bán nước. Ông còn khoe cái tin làng mình bị giặc đốt. Dường như sự mất mát về của cải không làm ông đau đớn bằng việc đánh mất đi niềm tin chỗ dựa dẫm về tinh thần.
Qua truyện ngắn Làng ta thấy được hình ảnh một người nông dân thuần phác, nhiệt thành, trong trái tim nhân hậu của ông luôn có làng quê đất nước. Tình cảm trung hậu và sâu sắc ấỵ chính là phẩm chất của người nông dân ở nhân vật ông Hai.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024180 - Xem thêm