Nghị luận xã hội về hiện tượng thần tượng của giới trẻ gồm dàn ý chi tiết, kèm theo bài văn mẫu đã được Học247 sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về hiện tượng thần tượng. Đồng thời với bài văn mẫu này sẽ giúp các em học sinh lớp 9 củng cố thêm vốn từ cũng như có nhiều ý tưởng mới khi viết văn nghị luận xã hội. Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận về lòng bao dung.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Hiện nay trong xã hội xuất hiện nhiều ngôi sao trong nhiều lĩnh vực như ca hát, khiêu vũ, điện ảnh khiến cho giới trẻ vô cùng yêu thích
- Đa số các ngôi sao đều có tài trong một lĩnh vực nào đó và có ngoại hình rất đẹp, nên thu hút các khán giả đặc biệt là các bạn trẻ vốn là những người dễ bị lôi kéo.
b. Thân bài:
- Thần tượng là gì? Theo nghĩa đen thì thần tượng chỉ một pho tượng thần thánh được nhiều người tôn sùng.
- Theo nghĩa bóng thần tượng chỉ một con người bằng xương bằng thịt nhưng được nhiều người yêu mến tôn sùng, mà sự yêu mến này thường hướng tới chân, thiện, mỹ.
- Thần tượng có vai trò tích cực trong việc định hướng xã hội bởi nếu một thần tượng tốt sẽ giúp các fan (người hâm mộ) của mình đi theo hướng tích cực từ trang phục, thẩm mỹ, bản lĩnh sống…
- Thần tượng cũng có sự tiêu cực bởi nếu một người có lối sống không lành mạnh, phong cách thời trang lố lăng, hở hang… thì sẽ khiến người hâm mộ của mình học hỏi theo và trở thành trào lưu xấu cho xã hội.
- Cách ứng xử với thần tượng sao cho đúng: Hiện nay nhiều bạn trẻ đang trở thành “fan cuồng” cho thần tượng của mình. Các bạn trẻ là lứa tuổi dễ bị kích động, lôi kéo đã yêu ai là yêu hết mình tìm mọi cách để bắt chước biến mình giống như thần tượng của mình.
- Cần phải lựa chọn bởi thần tượng cũng là một con người mà đã là người thì không ai hoàn hảo “ mười phân vẹn mười” sẽ có những điều đúng và sai, do vậy người hâm mộ cần lựa chọn điều đúng để học hỏi theo.
- Nhiều bạn trẻ chạy đua theo thần tượng bỏ ăn, bỏ học, bỏ nhà để được gặp thần tượng của mình, điều này thật sự không nên.
- Cần có cái nhìn đúng đắn về thần tượng bởi việc quá ái mộ một ai đó tới mức mờ lý trí thì sẽ thật nguy hiểm.
c. Kết bài:
- Một xã hội lành mạnh là một xã hội có khả năng sản sinh ra những thần tượng đúng nghĩa giúp xã hội ấy phát triển theo hướng “ chân, thiện, mỹ” bởi một thần tượng phải luôn biết vai trò của mình, mình được rất nhiều người đang dõi theo yêu mến, có tác động đến rất nhiều con người.
- Giáo dục là biện pháp hàng đầu và tốt nhất để dìu dắt các bạn trẻ hướng tới những giá trị sống tích cực, tìm cho mình những thần tượng tích cực đúng nghĩa. Giáo dục còn giúp các bạn có cách ứng xử đúng đắn nhất với thần tượng của mình.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận về hiện tượng thần tượng của giới trẻ hiện nay.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Thần tượng phải là một ai đó tài năng, một người xuất chúng, có phông văn hóa lớn, có nền tảng kiến thức sâu rộng. Đó là người đã đạt tới tầm cỡ nào đó khiến nhiều người ngưỡng vọng và noi theo. Ai đó muốn trở thành thần tượng, họ phải có tố chất và khổ luyện.
Nhưng điều quan trọng nhất là phải có đạo đức, tư cách tốt, sống chuẩn mực, có liêm sỉ, biết tự trọng cao, có thái độ sống tốt với cộng đồng. Cho nên, để đánh giá một ai đó là thần tượng trong xã hội không phải dễ. Trước hết, lựa chọn ai đó là thần tượng thì việc lựa chọn ấy phải phản ánh chính chiều sâu văn hóa mà họ có. Và thái độ hâm mộ thần tượng của họ cùng phản ánh chính xác tư duy, hiểu biết của họ. Nhìn một cách nghiêm túc, nếu lựa chọn ai làm thần tượng của mình một cách văn hóa thì ứng xử với thần tượng cũng rất văn hóa.
Con người trong cuộc sống của mình luôn hướng tới những chân thiện mỹ, những điều tốt đẹp hơn. Chính vì thế mà chúng ta mới sùng bái, yêu mến, ngưỡng mộ một ai đó và mong muốn được trở nên tốt đẹp như họ. Vậy “thần tượng” là một hình mẫu lý tưởng, một người hay vật nào đó được tôn sùng, ngưỡng mộ, yêu quý. Thần tượng sẽ trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho mỗi người trong cuộc sống của họ. Mỗi người có một thần tượng khác nhau của riêng mình, có thể ở nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, thể thao, giải trí. Nhưng có lẽ thần tượng được phổ biến rộng rãi nhất là ở trong lĩnh vực âm nhạc và giải trí. Việc thần tượng này đã dẫn tới một trào lưu mới, lan rộng trong giới trẻ, gọi là hiện tượng idol. “Hiện tượng idol” không còn đơn thuần chỉ là hình thức thần tượng một ai đó mà nó là một kiểu phong trào a dua, đua đòi của một số thành phần trong xã hội. Hiện tượng này đã dẫn tới một số hệ quả đáng tiếc trong cuộc sống của chúng ta.
Ngày nay, khi sức mạnh công nghệ thông tin được lan tỏa, chúng ta có thể cập nhật được nhanh chóng những tin tức mới nhất ở những nơi xa nhất. Điều đó mang lại cho chúng ta sự phát triển liên tiếp và kịp thời đối với thế giới. Và điều đó cũng giúp chúng ta tiếp cận được nhiều thông tin hơn từ thần tượng của mình. Hâm mộ một thần tượng đúng nghĩa là học tập từ người đó những điều tốt đẹp, những nghĩa cử ý nghĩa, lối sống văn minh. Thế nhưng nhiều người vẫn chưa nhận thức hết được thế nào là một thần tượng đúng nghĩa. Đôi khi họ trở thành những kẻ cuồng si thái quá gây nên những hậu quả đáng tiếc. Một số thần tượng xấu với lối sống buông thả, trụy lạc trở thành một tấm gương xấu cho người hâm mộ. Hơn thế nữa, không ít những bạn trẻ đam mê thần tượng tới mức quên ăn quên ngủ, liên tục cày view, bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để tiếp cận gần hơn với thần tượng của mình mà quên đi nhiệm vụ chính là học hành. Nhiều bạn trẻ trở thành tệ nạn của xã hội khi không đủ tiền để tham gia những show diễn của thần tượng đã đi trộm cắp, sa đọa. Vậy mới nói, thần tượng không đúng cách sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Người hâm mộ không phải là phong trào, hay đám đông – họ phải là những người có tầm hiểu biết mang tính thời đại, có nhân cách, có lòng tự trọng cao, biết xấu hổ, biết mình là ai. Trang Tử nói “khôn chết, dại chết, biết thì sống. Biết mình, biết người, biết thời đại”. Ví dụ như câu chuyện các fan hâm mộ “hôn ghế thần tượng”, “tranh nhau chiếc tất” hay “giằng nhau chiếc áo” là biểu hiện của người thiếu hiểu biết, ít tự trọng.
Ở lứa tuổi đang cắp sách đến trường chịu ảnh hưởng rất lớn của các thông tin từ truyền thông. Có nhiều tờ báo lạm dụng thông tin để câu khách, đi quá sâu vào đời tư nghệ sĩ; có nhiều chương trình truyền thông lăng xê thái quá một ca sĩ, một minh tinh bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, bằng những lời hoa mĩ phô trương… điều này vô hình chung đã tạo ra những hình mẫu “tiêu biểu”, người của “công chúng”, biến họ trở thành thần tượng mà người có hiểu biết, người có văn hóa khó chấp nhận được.
Vậy nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi có hay không việc thần tượng một người? Theo tôi, chúng ta nên thần tượng một ai đó. Nhưng phải thần tượng đúng người. Tức là thần tượng những người có đủ năng lực, đủ trí tuệ và tấm lòng nhân ái. Việc thần tượng đúng một người sẽ giúp chúng ta có thêm động lực trên con đường đi tới ước mơ của mình. Đừng trở thành những bản sao của những người xấu.
Việc thần tượng một ai đó là một điều hoàn toàn đúng đắn. Nhưng hãy biết thần tượng đúng người, đúng chỗ. Đừng trở thành một kẻ a dua, chạy theo những đua đòi tầm thường. Không ai là hoàn hảo vậy nên quan trọng hơn, hãy biết phân biệt đâu là điều tốt, đâu là điều xấu của thần tượng để học hỏi và tránh xa.
Qua các sự việc được nêu ở trên cho ta thấy được hai mặt về việc hâm mộ thần tượng ở thanh thiếu niên: sống có thần tượng cũng là một nét văn hóa. Nhưng vấn đề là nét văn hóa ấy cần được người hâm mộ thể hiện, kiểm soát và điều chỉnh một cách phù hợp để giúp bản thân vươn lên, tiến bộ không ngừng.
Và thần tượng phải góp phần làm cho người hâm mộ ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, sống tốt đẹp và sống có ý nghĩa hơn. Vì vậy người hâm mộ nên học hỏi điều tốt đẹp từ thần tượng chứ không phải sùng bái một cách điên cuồng rồi đua đòi, bắt chước theo những thói hư tật xấu mà bỏ bê học hành có khi dẫn đến bệnh hoang tưởng.
Từ những hành động của thanh thiếu niên dành cho thần tượng của mình một cách thái quá cho ta rút được kinh nghiệm: chọn cho mình một thần tượng phù hợp để học ở đó thái độ cầu tiến, đề ra cho mình hướng đi, lối sống đúng đắn… Chứ không phải bắt chước thái quá gây phản cảm cho người khác và có khi làm hại đến bản thân mình.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Hiện nay, xuất hiện nhiều nghệ sĩ ca sĩ trẻ tuổi đang nổi tiếng trong giới trẻ. Họ trở thành thần tượng trong mắt của những thanh thiếu niên và tạo ra những xu hướng mới lạ. Nhưng làm sao để thanh thiếu niên biết được cách hâm mộ thần tượng của mình một cách không thái quá hay làm những hành động không đúng đối với thần tượng của mình. Đó là những nghi vấn của người ngoài cuộc khi thấy những hành vi không đúng đắn của thanh thiếu niên gây ra.
Thần tượng là hình mẫu lí tưởng, mô thức hoàn hảo trong lĩnh vực nghệ thuật mà người hâm mộ muốn, học hỏi, noi theo và tiếp nối. Họ tạo nên những xu hướng mới lạ và khi đó người hâm mộ sẽ noi theo, bắt chước giống như thần tượng của mình. Những nghệ sĩ ca sĩ đánh bóng tên tuổi của mình bằng hình thức như luôn sáng tác các ca khúc, gây ra những tai tiếng xấu. Nhưng giới trẻ lại xem đó là những điều hay mà học hỏi.
Thần tượng là người có lượng người hâm mộ lớn, mọi hành động của thần tượng sẽ ảnh hưởng tới người hâm mộ của mình như gu thời trang, đầu tóc, phong cách sống…đều có thể ảnh hưởng tới những người hâm mộ mình.
Hiện nay nhiều ca sĩ trong giới giải trí Việt Nam đang có trào lưu làm mẹ đơn thân, hoặc làm người thứ ba chen chân vào hạnh phúc gia đình người ta. Như vậy sẽ tạo nên những trào lưu sống cho người hâm mộ, ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, giá trị đạo đức con người.
Hiện tượng thần tượng thường có ở những bạn trẻ tuổi vị thành niên hoặc thanh niên. Bởi ở lứa tuổi này các bạn thường có những mong muốn ước mơ xa xôi, thường dễ thần thánh hóa một con người nào đó. Tuổi này là lứa tuổi dễ bị dụ dỗ lôi kéo, kích động do đó việc yêu mến tới chết hoặc ghét ai tới chết dễ được hình thành.
Qua các sự việc được nêu ở trên cho ta thấy được hai mặt về việc hâm mộ thần tượng ở thanh thiếu niên: sống có thần tượng cũng là một nét văn hóa. Nhưng vấn đề là nét văn hóa ấy cần được người hâm mộ thể hiện, kiểm soát và điều chỉnh một cách phù hợp để giúp bản thân vươn lên, tiến bộ không ngừng. Và thần tượng phải góp phần làm cho người hâm mộ ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, sống tốt đẹp và sống có ý nghĩa hơn. Vì vậy, người hâm mộ nên học hỏi điều tốt đẹp từ thần tượng chứ không phải sùng bái một cách điên cuồng rồi đua đòi, bắt chước theo những thói hư tật xấu mà bỏ bê học hành có khi dẫn đến bệnh hoang tưởng.
Từ những hành động của thanh thiếu niên dành cho thần tượng của mình một cách thái quá cho ta rút được kinh nghiệm: chọn cho mình một thần tượng phù hợp để học ở đó thái độ cầu tiến, để tìm ra cho mình hướng đi, lối sống đúng đắn... Chứ không phải bắt chước thái quá gây phản cảm cho người khác và có khi làm hại đến bản thân mình.
Thần tượng không có lỗi và việc cuồng thần tượng cũng không phải là một tội lỗi, nhưng nên đặt sự hâm mộ vào tầm kiểm soát. Việc định hướng con trẻ không nên quá sa đà vào việc thần tượng thái quá không phải là trách nhiệm của riêng ai. Cần có sự định hướng cho các em về hình ảnh thần tượng sao cho gần với thực tế. Vì mê muội thần tượng là trạng thái mù quáng trong nhận thức, thái quá trong tình cảm, không còn khả năng suy xét, phân biệt đúng sai, lẫn lộn về giá trị, mê muội thần tượng còn dẫn đến hành động sai lầm quá khích, gây ra những hậu quả tệ hại cho bản thân và xã hội.
Việc mù quáng chạy theo thần tượng hay phóng đại thần tượng quá mức đều là biểu hiện của sự mê muội thần tượng, đều là những thái độ và ứng xử thiếu lành mạnh, thậm chí thiếu văn hóa, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Kẻ mê muội có thể bị chính thần tượng lợi dụng thân xác hay tiền bạc. Vì những tác động tích cực và những tác hại tiêu cực ấy chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về việc ngưỡng mộ thần tượng và lường được những hậu quả của sự mê muội để có thái độ và cách ứng xử phù hợp, nâng tầm văn hóa cho bản thân trong mắt người khác, từ đó phấn đấu vươn tới những tầm cao của đời sống. Bạn bè cần biết chế ngự những cảm xúc say mê thái quá trước thần tượng, không chạy theo thần tượng một cách mù quáng; biết phê phán mọi biểu hiện mê muội thần tượng trong cuộc sống hàng ngày, mà trước hết là trong học đường.
Bên cạnh đó những ngôi sao Hàn quốc đang ảnh hưởng lớn đến giới trẻ, không chỉ là thần tượng trong tâm niệm mà một số bạn trẻ còn “học theo” phong cách của những người đó với phong cách ăn mặc, đi lại, trang điểm y hệt. Thật lố lăng và kệch cỡm, đáng lên án đối với một số đối tượng. Hiện tượng có hai mặt: tiêu cực và tích cực. Tuy nhiên nếu như người hâm mộ biết cách trung hòa hai mặt đó thì mới có thể ổn định được tinh thần của bản thân mình.
Thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, đừng để cho vấn đề thần tượng đè nặng lên, đó mới chính là những người biết cách sống, biết cách kiềm chế bản thân và hơn hết là biết cách sống với những điều tốt đẹp nhất.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024208 - Xem thêm