OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA

Nghị luận về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình

12/04/2021 1.03 MB 7330 lượt xem 3 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2021/20210412/21177275227_20210412_165153.pdf?r=7358
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Học247 xin giới thiệu đến các em tài liệu Nghị luận về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình dưới đây nhằm giúp các em học sinh nhận thức được ý nghĩa quan trọng của hòa bình trong cuộc sống của chúng ta. Chúc các em có được những bài văn thật hay nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận về giá trị của bản thân.

 

 
 

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: hòa bình là sợi dây kết nối toàn cầu.

b. Thân bài:

* Giải thích hòa bình là gì?

- Hòa bình không đơn giản chỉ là không có chiến tranh. Hòa bình là khi chúng ta đang sống hòa thuận và không có sự đấu đá lẫn nhau. Nếu mỗi người trong thế giới được yên ổn, đó sẽ là một thế giới hòa bình.

- Hòa bình còn có nghĩa là đang sống sự thinh lặng nội tâm. Hòa bình là tình trạng bình tĩnh và thư thái của trí óc.

- Hòa bình bắt đầu nơi mỗi người chúng ta. Xuyên qua thinh lặng và sự suy nghĩ đúng đắn về ý nghĩa của nó, chúng ta có thể tìm được nhiều cách mới mẻ và sáng tạo để tạo thuận lợi cho sự hiểu biết về các mối quan hệ và sự hợp tác với tất cả mọi người.

* Vì sao hòa bình lại là sợi dây kết nối toàn cầu?

- Về thế giới:

+ Thế giới sống trong hòa bình sẽ thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội và nhân văn.

+ Khi mà mỗi đất nước đều yên ổn để có thể phát triển mọi mặt thì đất nước ấy sẽ không gây hại, xâm lấn gì đến những đất nước khác, từ đó tạo nên nền hòa bình trên thế giới, các quốc gia đều hợp tác với nhau.

- Về cá nhân:

+ Sống trong hòa bình, con người sẽ có cuộc sống hạnh phúc yên ổn...

+ Khi mọi người cảm thấy thoải mái về đời sống vật chất và tinh thần thì sẽ nhìn lại mọi người xung quanh nhiều hơn, quan tâm chăm sóc họ nhiều hơn. Từ đó họ sẽ có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh.

* Phân tích và chứng minh:

- Khi thế giới sống trong hòa bình thì sẽ ra sao?

+ Tinh thần yên ổn, sống thoải mái…

+ Mọi người đều an cư lạc nghiệp, đất nước ngày càng phát triển về mọi mặt.

- Khi thế giới không có hòa bình thì sẽ như thế nào?

+ Tiếng bom đạn sẽ vang lên khắp mọi nơi khiến cho loài người bước đến bên bờ vực của sự chết chóc.

+ Con người sẽ không thể an cư lạc nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó dẫn đến đất nước sẽ không thể phát triển.

+ Những tệ nạn xã hội sẽ diễn ra khắp mọi nơi mà không có ai kiểm soát, cướp bóc hoành hành, một xã hội không có đạo đức và pháp luật sẽ diễn ra.

+ Con người sẽ dần bị tha hóa vì tìm kiếm miếng ăn để nuôi cho cái thân này tồn tại, tha hóa vì tranh chấp quyền lực, sự hơn thua, giết hại chính đồng loại của mình…

=> Con người không có sự bình yên trong tâm hồn.

=> Con người không có nơi để sinh sống, để tìm ra nguồn thức ăn…

- Dẫn chứng những người đã tham gia tích cực việc bảo vệ nền hòa bình trên thế giới:

+ Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là một minh chứng điển hình cho những người suốt đời bảo vệ hòa bình.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã hết lòng vì sự hòa bình của nước nhà mà bôn ba khắp mọi miền đất để tìm ra chân lý dìu dắt nhân dân ta đứng lên chiến đấu giành lại nền hòa bình của đất nước.

* Bình luận:

- Lên án những hành vi làm tổn hại đến sự hòa bình của thế giới và sự bình yên trong tâm hồn mỗi cá nhân.

* Bài học nhận thức và hành động:

- Bản thân không làm những việc gây tổn hại đến người khác, bên cạnh đó cần quan tâm nhiều hơn đến mọi người xung quanh.

- Tích cực ủng hộ những hành động bảo vệ cho nền hòa bình trên thế giới.

- Tham gia các hoạt động tập thể, giao lưu với các bạn ngoại quốc để tạo nên mối quan hệ tốt đẹp.

c. Kết bài:

- Khẳng định lại hòa bình chính là sợi dây kết nối thế giới, đồng thời khuyến khích mọi người bảo vệ nền hòa bình trên thế giới.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình bằng một bài văn ngắn.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Chúng ta đang sống trong một môi trường hòa bình, hạnh phúc nhưng có bao giờ bạn tự hỏi hòa bình là gì? Vì sao cần phải trân trọng hòa bình chưa? Hòa bình và chiến tranh là hai khái niệm luôn song hành. Phải trải qua những mất mát, đau thương của chiến tranh mới thấu hiểu được hết ý nghĩa của cuộc sống hòa bình.

Đầu tiên, hòa bình chính là sự bình an vui vẻ không có đổ máu, chiến tranh, khủng bố, cướp bóc, bóc lột, con người được sống trong môi trường tự do hạnh phúc. Ngược lại với trạng thái hòa bình chính là chiến tranh là mùi khói thuốc, hỗn loạn, chết chóc. Nói như vậy để hiểu rằng hòa bình chính là trạng thái và con người chúng ta mong muốn nhất và là điều hạnh phúc nhất.

Hòa bình luôn là biểu tượng của sự bình yên là niềm mơ ước của tất cả mọi người. Con người được sống trong môi trường hòa bình ngày hôm nay thì đó chính là niềm hạnh phúc. Ví như Việt Nam - một dân tộc đã trải qua biết bao đau thương từ những cuộc chiến tranh trong lịch sử. Đặc biệt là hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hai cuộc chiến tranh này đã để lại những nỗi đau thương, mất mát vô cùng lớn cho đất nước ta. Những đau thương ấy đến nay chúng ta vẫn chưa thể khắc phục, chính vì thế cho nên dân tộc ta hơn ai hết hiểu rõ nhất về tầm quan trọng của hòa bình.

Có thể nói, chiến tranh đã lấy đi của chúng ta quá nhiều thứ. Đó là tình yêu, là tuổi trẻ, là máu và nước mắt. Chẳng phải lấy ví dụ ở đâu xa khi đất nước Việt Nam là một minh chứng điển hình cho những hậu quả mà chiến tranh gây ra. Hãy nhớ đến cảnh đói khổ của người dân Việt Nam năm 1945. Đó chính là những hệ lụy mà chiến tranh gây ra cho con người. Hơn hai triệu đồng bào Việt Nam chết đói. Họ gầy đến rộc người, chỉ còn da bọc xương. Cuối cùng rồi họ cũng chết. Cái chết mòn trong sự khổ đau. Hôm nay, nhờ có hòa bình mà chúng ta mới có được cơm ăn, mới có được áo mặc, mới có được một cuộc sống sung túc và đủ đầy.

Việt Nam không phải là đất nước duy nhất trên thế giới từng rơi vào cảnh tang tóc do chiến tranh gây ra. Ngay cả những nước lớn như Nhật Bản, Mỹ, Đức… cũng đều cùng chung số phận. Đơn cử như hai quả bom nguyên tử của nước Mỹ đã biến hai thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki rơi vào cảnh tượng tan hoang, chết chóc.

Hãy kiên quyết đấu tranh với những thế lực phản động, âm mưu diễn biến hòa bình để phát động chiến tranh. Đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay cần tỉnh táo hơn với những âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch hòng bạo loạn lật đổ. Để được sống như ngày hôm nay, được sống trong những phút giây hòa bình chính là nhờ công lao của biết bao vị anh hùng dân tộc đã ngã xuống, cho nên cần kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu hòng phá hoại nền hòa bình đó.

Cho đến tận thời điểm hiện tại, chiến tranh vẫn là một nỗi ám ảnh đối với mỗi người. Tàn dư của những cuộc chiến tranh thế giới để lại là không hề nhỏ. Thế hệ những người trẻ Việt Nam ngày nay vẫn là những người trực tiếp phải gánh chịu. Chẳng hạn có những em nhỏ từ khi sinh ra đã không được lành lặn do chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Bản thân những người gây ra chiến tranh hẳn đã phải trả giá cho những tội ác của họ. Nhưng còn những người dân lương thiện, những người mong có một cuộc sống hòa bình, họ có lỗi lầm gì mà phải gánh chịu những thiệt thòi như vậy? Câu hỏi này xin được dành cho tất cả mọi người.

Cũng như bạn, tôi khao khát được sống trong một thế giới hòa bình. Ở đó, mỗi ngày tôi được đến trường, được gặp gỡ thầy cô và bè bạn. Tôi được học tập và có cho mình thêm nhiều kiến thức thú vị để làm hành trang bước vào đời. Ở đó, mỗi ngày tôi được ăn những bữa cơm đầm ấm bên gia đình thân yêu của mình. Tôi được kể cho bố mẹ nghe những câu chuyện thường ngày ở trường. Ở đó, tôi có được những giấc ngủ ngon. Tôi có hoài bão, có mơ ước và tôi có thời gian để có thể theo đuổi ước mơ của mình.

Bạn cũng như tôi, hẳn bạn cũng có những ước mơ. Chúng ta cần hòa bình để có thể thực hiện ước mơ của mình. Hay đơn giản nhất, chúng ta hãy cùng ước mơ về một hòa bình cho toàn nhân loại. Vì chỉ có hòa bình, chúng ta mới có một cuộc sống bình yên.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Đất nước phát triển trong hòa bình, không có xung đột, không có chiến tranh, không đói nghèo luôn là mục tiêu hướng đến của các quốc gia trên thế giới. Chỉ trong hòa bình, đất nước mới phát huy hết được sức mạnh tổng hợp của mình, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Giữ gìn hòa bình đất nước là trách nhiệm của mọi công dân, đặc biệt là đối với với thế hệ thanh niên, chủ nhân tương lai của đất nước. Trách nhiệm của thanh niên không những gìn giữ hòa bình đất nước mà bằng những hành động tích cực của mình giữ gìn và củng cố nền hòa bình của thế giới.

Hoà bình là tình trạng không có chiến tranh hay xung đột vũ trang, là mối quan hệ hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng và hợp tác giữa các quốc gia - dân tộc, giữa con người với con người. Hiểu một cách đơn giản, một quốc gia hòa bình là khí quốc gia ấy không có xung đột hoặc nội chiến ở nước; không có xung đột hoặc chiến tranh với các quốc gia khác. Đồng thời, đất nước không tiềm ẩn những nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội.

Cuộc sống hòa bình có vai trò vô cùng quan trọng. Đối với thế giới, khi nhân loại sống trong hòa bình mới có điều kiện để phát triển đến kinh tế, xã hội và văn hóa. Khi một đất nước được yên bình, không có xung đột vũ trang với các nước khác sẽ tạo nền hòa bình chung cho toàn nhân loại. Thế giới đã từng chứng kiến hai cuộc đại chiến: Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) và Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) đã gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho nhân loại: hàng triệu người thiệt mạng, hàng nghìn công trình kiến trúc bị phá hủy, nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng sau chiến tranh, người dân sống trong đói nghèo, khổ cực… Thế mới thấy được, sức hủy diệt khủng khiếp của chiến tranh. Còn đối với bản thân mỗi người, khi được sống trong hòa bình, chúng ta sẽ được sống trong điều kiện đầy đủ vật chất, được học tập, làm việc và tham gia các hoạt động giải trí vui chơi…

Khi thế giới xảy ra chiến tranh, con người sẽ phải đối mặt với cái chết. Những tệ nạn xã hội sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn và không thể kiểm soát được. Con người dần trở nên tha hóa, mất đi tình yêu thương đồng loại chỉ vì họ phải đấu tranh để sinh tồn. Thậm chí, tệ hại hơn là họ sẽ bị tổn thương về tinh thần. Nhiều người lính khi bước ra khỏi cuộc chiến đã gặp phải những dư chấn trong tâm hồn: ám ảnh về cái chết, bạo lực… Đồng thời, thiên nhiên bị tàn phá, môi trường trở nên ô nhiễm bởi những vũ khí chiến tranh như bom nguyên tử, chất độc màu da cam… Lịch sử nhân loại đã trải qua hàng trăm năm mới có được sự phát triển như ngày hôm nay. Nhưng chỉ cần một cuộc chiến tranh diễn ra, cũng có thể phá hủy mọi thứ trong một giây một phút. Quả mới thấy được, hai chữ “hòa bình” có ý nghĩa như thế nào.

Thế giới có hòa bình, đất nước mới có điều kiện để phát triển các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục... Cũng như con người mới được sống một cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần. Khi sống trong hòa bình, mỗi người không còn cảm thấy lo lắng hay sợ hãi. Trẻ em có thể được học tập, vui chơi và được phát triển một cách toàn diện nhất.

Chiến tranh đã cướp đi rất nhiều thứ của con người. Đó là sự sống, bình yên và hạnh phúc. Đầu tiên, con người sẽ phải đối mặt với việc cái chết luôn rình rập mỗi ngày. Một cuộc chiến tranh xảy ra khiến cho nền an ninh, trật tự xã hội sẽ khó được kiểm soát khiến cho tệ nạn xã hội xuất hiện nhiều hơn. Con người chỉ nghĩ đến việc làm sao để sinh tồn, mất đi lòng yêu thương người khác. Môi trường bị phá hủy nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến những loài động vật hoang dã…

Hiểu được sự nguy hiểm của chiến tranh, chúng ta cần ý thức được việc bảo vệ nền hòa bình hiện tại của nhân loại. Mỗi người hãy chung tay, đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc “hàn gắn thế giới” - hàn gắn vết thương chiến tranh và bảo vệ cuộc sống hòa bình.

Đối với bản thân tôi, may mắn được sinh ra khi đất nước đã hòa bình. Nhớ đến thế hệ cha ông đã nằm xuống để con cháu được hưởng cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như ngày hôm nay, tôi thêm biết ơn và trân trọng cuộc sống lúc này. Cũng như tôi tự nhủ cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức để góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng đất nước phát triển.

Hòa bình - chỉ một từ thật đơn giản nhưng lại mang những ý nghĩa lớn lao. Mỗi người hãy ý thức để bảo vệ nền hòa bình trên thế giới.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

ADMICRO
NONE
OFF