Bài văn mẫu Nghị luận về câu tục ngữ Cái nết đánh chết cái đẹp dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về những phẩm chất tốt đẹp của con người. Hy vọng các em sẽ có được những bài văn thật hay. Cùng Học247 tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận về lòng bao dung.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Từ thuở xa xưa, ông bà ta đã có những nhân thức nhất định về mối liên hệ giữa phẩm chất bên trong và vẻ đẹp bên ngoài của con người, điều ấy được đúc kết trong câu tục ngữ: "Cái nết đánh chết cái đẹp".
b. Thân bài:
* Khái niệm:
- "Cái nết" là từ để chỉ chung những phẩm chất, tính cách, và đạo đức của một con người, đó là những thứ thuộc về phần bên trong tâm hồn mỗi con người, là giá trị do học tập và giáo dục mà có được đó là phần cốt lõi.
- "Cái đẹp" là trời sinh tự nhiên đã có, sau đó là do sự nỗ lực cải thiện của con người khiến cho vẻ bề ngoài của mình được ưa nhìn, nhưng dù thế nào nó cũng chỉ là phần bên ngoài là phần vỏ trang trí, là bình đựng những thứ bên trong tâm hồn con người.
* Mối quan hệ và ý nghĩa câu tục ngữ:
- Nhằm khẳng định một chân lý vững bền rằng, dù thế nào cái nội hàm bên trong mỗi con người mới là quan trọng hơn cả, dù cái vỏ ngoài có đẹp đẽ, bắt mắt đến đâu thì cũng chẳng thể che giấu được cái nội tâm xấu xa, bẩn thỉu của một con người.
- Ngược lại, nếu bạn không có một vẻ ngoài đẹp đẽ nhưng bạn có tâm hồn đẹp thì hơn tất cả, cái vỏ ngoài kia dù có xấu xí cũng không hề làm bạn mất đi những giá trị tốt đẹp.
- Khuyên con người ta nên đầu tư cho thế giới nội tâm của mình, nuôi dưỡng và làm đẹp chúng, đừng chỉ cố gắng chăm chút vẻ bề ngoài.
- Người có vẻ ngoài đẹp đẽ nhưng tâm hồn xấu xa, không có đạo đức sẽ không được tôn trọng, nhưng người có một tâm hồn đẹp nhưng vẻ ngoài không bắt mắt thì vẫn sẽ được mọi người quý trọng và yêu quý hơn cả.
* Quan niệm hiện đại:
- "Cái đẹp" trong thời hiện đại không chỉ đơn thuần là vẻ bề ngoài mà nó là từ bao hàm cả hai vẻ đẹp đó là vẻ đẹp tâm hồn và vẻ đẹp ngoại hình. Chúng ta cần cố gắng chăm chút và dung hòa cả hai vẻ đẹp ấy.
* Vẻ đẹp tâm hồn và vẻ đẹp hình thức ở lứa tuổi học sinh:
- Biểu hiện ở việc các bạn chăm lo học hành, tư dưỡng đạo đức, đối xử chân thành với thầy cô, bạn bè, hiếu thảo với ông bà cha mẹ.
- Tác phong nhanh nhẹn, đồng phục ngay ngắn khi đến trường, hành trang đi học tươm tất gọn gàng, khuôn mặt lúc nào cũng sáng láng, tỉnh táo luôn vui vẻ, hòa đồng.
c. Kết bài:
- "Cái nết đánh chết cái đẹp" là một câu tục ngữ có ý nghĩa sâu sắc, phản ánh mối quan hệ ràng buộc, biện chứng giữa vẻ đẹp nội tâm và ngoại hình của một con người.
- Trên tất cả thì cuối cùng, nội tâm vẫn đóng vai trò cốt lõi quyết định và làm nên vẻ đẹp ngoại hình, cần chăm chút và chú ý đến nội tâm hơn cả, tuy nhiên, cũng phải cố gắng hoàn thiện cả ngoại hình để trở thành một bông hoa vừa thơm vừa đẹp.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Trình bày suy nghĩ của bản thân về câu tục ngữ Cái nết đánh chết cái đẹp.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Nói về nhan sắc và đức hạnh trong mối quan hệ của con người, nhân dân ta có câu tục ngữ: "Cái nết đánh chết cái đẹp". Chúng ta cần hiểu và quan niệm thế nào cho đúng về câu tục ngữ trên?
Bằng hình thức nhân hóa, câu lục ngữ khẳng định "Cái nết đánh chết cái đẹp". "Cái nết" là tính nết, đức hạnh, tư tưởng, tình cảm của con người. "Nết" ở đây là nết xấu, tính xấu cho nên có thể "đánh chết" làm hại đến nhan sắc, cái đẹp hình thức bên ngoài cửa mỗi người.
Câu tục ngữ bao hàm một nghĩa rộng, nó nêu lên một bài học, một nhận xét sấu sắc. Đạo đức là cái gốc của con người. Người vô đạo đức là con người không có nhân cách. Đức hạnh được coi trọng hơn nhan sắc. Nội dung là cơ bản, nội dung quyết định hình thức.
Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của câu tục ngữ qua hai hình ảnh mang nội dung đối lập: “Cái nết” là nết na, phẩm cách, đức hạnh của con người, là nét đẹp về nhân cách, về tâm hồn. Nét đẹp đó không phơi bày một cách hào nhoáng, mà ẩn kín bên trong. Còn “cái đẹp” là vẻ rực rỡ hấp dẫn quyến rũ bề ngoài. Chúng ta có thể hiếu đó là vẻ bóng bẩy bên ngoài.
Câu tục ngữ cho rằng: tư cách, phẩm chất đạo đức có sức mạnh “đánh chết”, tiêu diệt hình thức lòe loẹt phô trương bên ngoài. Tư cách của con người có giá trị bền vững, dài lâu hơn vẻ đẹp son phấn, màu mè bên ngoài. Cũng như chất liệu tạo ra đồ vật có giá trị cao hơn lớp nước sơn, bao bì che bọc bên ngoài. Như vậy, lời tục ngữ ấy đề cao, coi trọng tư cách, phẩm chất hơn dáng vẻ bảnh bao bên ngoài. Cũng ca ngợi đức độ con người, ca dao xưa có câu:
Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây đức để dời về sau.
Người xưa khuyên chúng ta “trồng cây đức” có nghĩa là ra công, cố sức rèn luyện tư cách luôn đàng hoàng, đứng đắn.
Con người dù có đẹp về nhan sắc, áo quần có sang trọng, trang điểm son phấn xinh tươi nhưng cái nết lại xấu, nghĩa là lười biếng, thô lỗ, tục tằn trong giao tiếp, ích kỉ, tham lam, bất hiếu với cha mẹ, bất nghĩa với nhân dân, v.v… thì tất sẽ bị mọi người cười chê, xa lánh. Sắc đẹp của hạng người ấy chẳng mang lại danh giá vì ác thay "Cái nết đánh chết cái đẹp".
Cái đức vĩnh viễn “ăn” mãi vẫn còn, đó là cái “nết” quý báu cua con người. Tuy nhiên, coi trọng cái nết mà loại trừ, lánh xa cái đẹp là điều làm chúng ta cảm thấy băn khoăn, vì chưa thỏa đáng. Một người hoàn thiện phải hội đủ hai phần: phẩm chất, tư cách, đạo đức và dáng vẻ hình thức bên ngoài. Cái đẹp bên trong và dáng dấp bề ngoài phải hài hòa, gắn bó nhau. Người có tư cách đàng hoàng không thể ăn mặc xốc xếch, nói năng cộc cằn. Cũng như một món hàng chất lượng cao thì phải được chế tạo bởi chất liệu tốt và được đóng gói trong bao bì có màu sắc đẹp, kiểu dáng tinh tế. Vì vậy, con người mới dùng kem, phấn làm đẹp dung nhan, trang trí nội thất làm đẹp phòng họp, phòng khách. Những chậu hoa, bức màn màu sắc rực rở để làm đẹp mỏi trường sống. Như vậy con người cũng nên để cho “cái đẹp” được sống mãi với thời gian. Khi người đời nói: “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” thì họ cũng công nhận cái đẹp cũng cần thiết cho con người lắm. Hình thức cũng góp phần làm hoàn chinh nội dung. Cái đẹp cũng làm cho cái nết tồn tại dài lâu, lại có giá trị cao.
Cái nết, cái đẹp của người học sinh là vẻ đẹp hình thức và tâm hồn, là đức trí, thể, mĩ được biểu hiện ở gương mặt sáng ngời, thể lực tốt, chăm học, chăm làm ngoan ngoãn, Lễ phép, biết kính thầy mến bạn, giàu tình thương và nhiều mơ ước. Tâm hồn đẹp, trí tuệ đẹp, nhan sắc đẹp là cái đẹp hoàn thiện đáng yêu và trân trọng.
Câu tục ngữ "Cái nết đánh chết cái đẹp" cho ta một bài học sâu sắc về trau dồi đạo đức, nhân cách. Nó chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức. Gia đình ta, mái trường ta, đất nước ta cần có nhiều người đẹp như Bác Hồ đã nói: "Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp. Đất nước ta là cả một vườn hoa đẹp".
Câu tục ngữ cô đọng, chỉ có sáu tiếng, nhưng đằng sau nó là một kinh nghiệm sống thực tế. Phẩm chất tư cách là cái gốc hình thành một con người, và dáng vẻ bề ngoài cũng góp phần cấu tạo hoàn chỉnh một con người. Người xưa nói “cái nết na” tiêu diệt “cái đẹp” khi cái đẹp đó là cái đẹp phù phiếm, giả tạo. Cái đẹp chân chính, cái đẹp đích thực hỗ trợ cho cái nết được hoàn chỉnh, thì cái đẹp ấy rất đáng nâng niu, gìn giữ. Tuy nhiên, con người cũng đừng bao giờ để cái vẻ hào nhoáng rực rỡ bên ngoài cám dỗ rồi đánh mất cái giá trị đạo đức làm người.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Từ xa xưa tới nay trong khi tàng ca dao tục ngữ của nước ta luôn có sức sống vô cùng mạnh mẽ mãnh liệt. Nó thể hiện những quan niệm sống bài học làm người vô cùng sâu sắc mà ông bà ta muốn truyền đạt lại cho con cháu mình mai sau.
Trong mỗi câu ca dao tục ngữ, thành ngữ ông cha đều muốn có cháu mình phải biết sống đúng đạo đức hướng tới cái chân thiện mỹ trong cuộc sống, chính vì vậy, mỗi câu ca dao đều thể hiện một bài học nào đó như câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp”
Đây là một câu tục ngữ rất quen thuộc với cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Thông qua câu tục ngữ này ông bà ta muốn đề cao phẩm hạnh đạo đức, tính cách của con người, đặc biệt là người con gái, hơn là vẻ bề ngoài đẹp đẽ.
Đầu tiên ta phải hiểu được câu nói đó có ý nghĩa gì? “Cái nết” ở đây chính là tính nết cũng như đức hạnh hay còn là những tư tưởng tình cảm của con người. Còn trong câu tục ngữ này cái nết như chỉ về những điều thật tốt đẹp thì mới có thể “đánh chết cái đẹp” được. Ta phải hiểu linh hoạt “đánh chết” có nghĩa là hơn hẳn rất nhiều cái đẹp. Còn “cái đẹp” được hiểu là hình thức, vẻ bề ngoài của con người. Cả câu tục ngữ được hiểu đơn giản như sau: Con người chúng ta bao giờ tính nết cũng sẽ hơn hẳn vẻ bề ngoài, nên khi người ta đánh giá con người thường không chỉ dựa vào vẻ bề ngoài phán xét, quan trọng hơn đó phải là tính cách người đó như thế nào.
Theo như quan niệm về đạo Phật của những nước phương Đông chúng ta thì mỗi con người sinh ra đều có bản tính lương thiện bản năng của mình, sự lương thiện xuất phát từ trái tim, nhưng do môi trường sống hoàn cảnh làm cho chúng ta trở nên mất dần đức tính này, những người sinh ra trong gia đình bố mẹ luôn bạo hành đánh đập cãi vã nhau, từ bé sống thiếu tình thương, sống lang thang cơ nhỡ phải tranh giành cướp đoạt của người khác mới có miếng ăn thì họ sẽ trở nên hung hăng, hiểm ác.
Còn những người sinh ra trong gia đình hạnh phúc bố mẹ quan tâm chăm sóc làm gương tốt cho con cái thì tính lương thiện của họ có khả năng được phát huy nhiều hơn. Họ có tầm biết quan tâm yêu thương tới người khác nhiều hơn.
Câu tục ngữ ông cha dạy rất đúng. Bởi con người luôn được đánh giá ở hai mặt đó chính là tâm hồn và vẻ bề ngoài. Khi một con người có vẻ đẹp tâm hồn tức là họ luôn luôn giúp đỡ những người xung quanh, học như luôn chia sẻ với mọi người xung quanh. Người có “cái nết” đó chính là người có cách ứng nhân xử thế tốt, họ cũng sẽ nhận được những sự quý mến của mọi người.
Ngược lại nếu như con người dù có đẹp về nhan sắc, áo quần có sang trọng, trang điểm son phấn xinh tươi nhưng cái nết lại xấu. Điều này cũng có nghĩa là lười biếng, thô lỗ, tục tằn trong giao tiếp, đó có cả những sự ích kỉ, tham lam, bất hiếu với cha mẹ, bất nghĩa với nhân dân,… thì dường như tất sẽ bị mọi người cười chê, xa lánh. Ta như thấy được chính sắc đẹp của người ấy như cũng chẳng mang lại danh giá gì cả, mọi người sẽ xa lánh những người có những đức tính không tốt.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải xem xét lại câu nói này trong thời đại hiện nay. Mặc dù nó là đúng đắn nhưng vẫn có nhiều điều cần phải được xem xét. Khi một người mà có ngoại hình không được đẹp thì dù lương thiện cũng như tài năng như thế nào cũng khó có thể tiến xa được. Cho nên con người ngày càng phải biết hoàn thiện mình hơn nữa, không chỉ đẹp về hình thức mà cũng phải học hỏi thêm nhiều kiến thức. Không thể nói được những người không may mắn có một diện mạo kém đẹp thì cũng đừng buồn vì chỉ khi bạn thực sự cố gắng học tập và hình thành cho mình lối sống đẹp thì những khiếm khuyết của bạn sẽ được bù đắp xứng đáng.
Có thể nhận thấy được cái nết, cái đẹp của người học sinh là vẻ đẹp hình thức và tâm hồn, nó dường như cũng chính là đức trí, thể, mĩ được biểu hiện ở gương mặt sáng ngời. Đó còn chính là thể lực tốt, chăm học, chăm làm ngoan ngoãn, Lễ phép, biết kính thầy mến bạn, giàu tình thương và nhiều mơ ước. Khi có được tâm hồn đẹp, trí tuệ đẹp, nhan sắc đẹp là cái đẹp hoàn thiện đáng yêu và trân trọng.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024125 - Xem thêm