OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA

Lí thuyết và bài tập tổng hợp chủ đề Sự phân hóa lãnh thổ môn Địa lí 9 năm 2021 có đáp án

23/11/2021 1.33 MB 362 lượt xem 1 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2021/20211123/6292096959_20211123_101044.pdf?r=6137
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Nhằm giúp các em học sinh lớp 9 có thêm tài liệu học tập và rèn luyện kĩ năng làm bài tập giúp nắm vững nội dung kiến thức bài học HOC247 giới thiệu đến các em tài liệu Lí thuyết và bài tập tổng hợp chủ đề Sự phân hóa lãnh thổ môn Địa lí 9 năm 2021 có đáp án được HOC247 biên tập và tổng hợp với phần tóm tắt lí thuyết và bài tập tổng hợp. Hi vọng tài liệu này sẽ có ích cho các em, chúc các em có kết quả học tập tốt!

 

 
 

LÍ THUYẾT VÀ BÀI TẬP TỔNG HỢP CHỦ ĐỀ SỰ PHÂN HÓA LÃNH THỔ MÔN ĐỊA LÍ 9 NĂM 2021

 

BÀI 17, 18                  VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ

A. Kiến thức trọng tâm:

I. Vị trí địa lý và giới hạn lãnh thổ:

- Ở phía bắc đất nước.

- Giáp Trung Quốc, Lào, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và vùng biển giàu tiềm năng.

- Vị trí vùng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giao lưu kinh tế trao đổi hàng hoá với các vùng trong nước và ngoài nước.

II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:

- Đặc điểm: địa hình cao nhất nước ta và bị cắt xẻ mạnh, khí hậu có mùa đông lạnh; nhiều loại khoáng sản. Trung du và miền núi Bắc Bộ gồm hai tiểu vùng: Đông Bắc và Tây Bắc với những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên và thế mạnh kinh tế.

- Thuận lợi: tài nguyên thiên nhiên phong phú tạo điều kiện phát triển kinh tế đa ngành.

+ Khí hậu nhiệt đới ẩm có mùa đông lạnh thích hợp các loại cây công nghiệp cận nhiệt đới, cây ôn đới.

+ Vùng có vị trí giáp biển, có nhiều đảo nhỏ thuộc vịnh Hạ Long tạo khả năng phát triển kinh tế biển: nuôi trồng đánh bắt thuỷ sản, du lịch, giao thông vận tải biển.

+ Tiềm năng thủy điện lớn trên sông Hồng, sông Đà, ...

+ Có nhiều cao nguyên thuận lợi phát triển chăn nuôi gia súc lớn.

+ Khoáng sản có nhiều loại trữ lượng lớn: than, sắt, thiếc, bô-xít, apatit, ....

- Khó khăn:

+ Địa hình bị chia cắt, thời tiết diễn biến thất thường, gây trở ngại cho giao thông vận tải, sản xuất và đời sống.

+ Khoáng sản có trữ lượng nhỏ và điều kiện khai thác phức tạp, xói mòn, sạt lở đất, lũ quét…

III. Đặc điểm dân cư xã hội:

- Đặc điểm:

+ Đây là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc ít người: Thái, Tày, Nùng,…

+ Người Việt (Kinh) cư trú ở hầu hết các địa phương.

+ Trình độ dân cư, xã hội có sự chênh lệch giữa Đông Bắc và Tây Bắc.

+ Đời sống đồng bào các dân tộc bước đầu đang được cải thiện.

- Thuận lợi:

+ Đồng bào dân tộc có kinh nghiệm sản xuất (canh tác trên đất dốc, trồng cây công nghiệp, dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới…).

+ Đa dạng về văn hóa.

- Khó khăn:

+ Trình độ văn hóa, kỹ thuật của người lao động còn hạn chế.

+ Đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

IV. Tình hình phát triển kinh tế:

1. Công nghiệp:

- Nhờ có nguồn thuỷ năng và nguồn than phong phú nên công nghiệp năng lượng có điều kiện phát triển mạnh, bao gồm cả thuỷ điện và nhiệt điện.

- Tài nguyên khoáng sản, rừng tạo điều kiện phát triển sản xuất công nghiệp khai thác khoáng sản và chế biến lâm sản.

- Phân bố công nghiệp chủ yếu ở khu vực Đông Bắc.

2. Nông nghiệp:

- Cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đa dạng (nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới).

+ Lúa và ngô là cây lương thực chính. Cây lúa trồng ở một số cánh đồng giữa núi.

+ Cây công nghiệp chủ yếu của vùng là cây chè, chiếm tỷ trọng lớn về diện tích và sản lượng so với cả nước, nổi tiếng ở Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La, Phú Thọ.

+ Chăn nuôi trâu chiếm 57,3% tỷ trọng so với cả nước. Chăn nuôi lợn chiếm khoảng 22% đàn lợn cả nước (2002).

- Lâm nghiệp: nghề rừng phát triển mạnh theo hướng nông - lâm kết hợp.

V. Các trung tâm kinh tế:

Thái Nguyên, Việt Trì, Hạ Long là những trung tâm kinh tế quan trọng.

B. Câu hỏi và bài tập:

Câu 1: Dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam (trang Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng) và kiến thức đã học, hãy xác định trên bản đồ các mỏ khoáng sản có trữ lượng lớn trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Gợi ý trả lời:

           Các mỏ khoáng sản có trữ lượng lớn trong vùng:

- Than: Quảnh Ninh, Thái Nguyên, Na Dương.

- Sắt ở Yên Bái.

- Kẽm - chì ở Bắc Kạn.

- Đồng - niken ở Lào Cai, Sơn La.

- Thiếc ở Tĩnh Túc (Cao Bằng).

- Apatit ở Lào Cai.

Câu 2: Hãy nêu sự khác biệt về tự nhiên và thế mạnh kinh tế của 2 tiểu vùng Đông Bắc và Tây Bắc.

Gợi ý trả lời:

 a) Vùng Đông Bắc:

- Điều kiện tự nhiên: núi trung bình và thấp. Các dãy núi hình cánh cung. Khí hậu nhiệt đới ẩm có mùa đông lạnh.

- Thế mạnh kinh tế: khai thác khoáng sản: than, chì, kẽm, thiếc, bô-xit, apatit, đá xây dựng…; phát triển nhiệt điện (Uông Bí, Phả Lại,...); trồng cây công nghiệp, dược liệu, rau quả ôn đới và cận nhiệt. Du lịch sinh thái ở Sa Pa, Hồ Ba Bể,... và phát triển kinh tế biển: nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch vịnh Hạ Long, cảng biển.

b) Vùng Tây Bắc:

- Điều kiện tự nhiên: núi cao nhất nước ta, địa hình hiểm trở. Khí hậu nhiệt đới ẩm có mùa đông ít lạnh hơn.

- Thế mạnh kinh tế: phát triển thủy điện (thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La trên sông Đà),... trồng rừng, cây công nghiệp lâu năm, chăn nuôi gia súc lớn (cao nguyên Mộc Châu).

Câu 3: Dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam (trang Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng), hãy xác định các khu kinh tế cửa khẩu trên biên giới Việt – Trung, thuộc các tỉnh nào?

Gợi ý trả lời:

Các khu kinh tế cửa khẩu trên biên giới Việt – Trung:

- Móng Cái (Quảng Ninh)

- Đồng Đăng – Lạng Sơn (Hữu Nghị - Lạng Sơn)

- Trà Lĩnh, Tà Lùng (Cao Bằng)

- Thanh Thủy (Hà Giang)

- Lào Cai (Lào Cai)

Câu 4: Trình bày điều kiện tự nhiên thuận lợi trong việc phát triển cây chè ở Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Gợi ý trả lời:

- Phần lớn là đất feralít trên đá phiến, đá vôi.

- Khí hậu nhiệt đới, ẩm, gió mùa, có mùa đông lạnh: Đông Bắc do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc nên có mùa đông lạnh nhất nước ta, Tây Bắc lạnh do nền địa hình cao.

Đây là điều kiện thuận lợi phát triển các cây công nghiệp có nguồn gốc cận nhiệt như cây chè. Diện tích và sản lượng chè lớn nhất nước ta, nổi tiếng các loại chè thơm ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La…

Câu 5: Công nghiệp khai thác khoáng sản của vùng phát triển mạnh những ngành nào? Vì sao?

Gợi ý trả lời:

Công nghiệp khai thác khoáng sản của vùng phát triển mạnh những ngành: khai thác than, khai thác và chế biến quặng apatit, khai thác các quặng sắt, chì, thiếc, kẽm,…

Giải thích:

- Khoáng sản của vùng có trữ lượng tương đối lớn.

- Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và xuất khẩu.

Câu 6: Vì sao khai thác khoáng sản là thế mạnh của tiểu vùng Đông Bắc, còn phát triển thủy điện là thế mạnh của tiểu vùng Tây Bắc?

Gợi ý trả lời:

- Đông Bắc: có thế mạnh về khai thác khoáng sản là do nơi đây có nhiều mỏ khoáng sản tập trung với trữ lượng lớn, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi (như mỏ than Quảng Ninh được khai thác lộ thiên…); ngoài ra tiểu vùng này còn có dân đông cung cấp một lượng lớn lao động cho việc khai thác.

- Tiểu vùng Tây Bắc có tiềm năng thủy điện lớn do có nguồn thủy năng lớn với nhiều sông suối có độ dốc cao, lượng nước dồi dào… (nhất là sông Đà).

 

BÀI 20, 21                         VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

A. Kiến thức trọng tâm:

I. Vị trí địa lý và giới hạn lãnh thổ:

- Là đồng bằng có diện tích lớn thứ hai của cả nước.

- Phía Bắc, Đông Bắc và phía Tây giáp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, phía Nam giáp vùng Bắc Trung Bộ, phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ.

- Đồng bằng sông Hồng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thuận lợi cho lưu thông, trao đổi hàng hóa với các vùng khác và thế giới.

II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:

- Đặc điểm: được phù sa sông Hồng bồi đắp, khí hậu nhiệt đới có mùa đông lạnh, nguồn nước dồi dào, có vịnh Bắc Bộ giàu tiềm năng.

- Thuận lợi:

+ Đất phù sa màu mỡ, điều kiện khí hậu, sông ngòi thuận lợi cho thâm canh lúa nước.

+ Thời tiết mùa đông thuận lợi cho việc trồng một số cây ưa lạnh. Phát triển vụ đông thành vụ sản xuất chính.

+ Một số khoáng sản có giá trị đáng kể (sét cao lanh, than nâu, khí tự nhiên, đá vôi).

+ Vùng ven biển và biển thuận lợi cho nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch.

- Khó khăn: thiên tai (bão, lũ lụt, thời tiết thất thường), ít tài nguyên khoáng sản.

III. Đặc điểm dân cư, xã hội:

- Đặc điểm: dân số đông, mật độ dân số cao nhất nước (1225 người/km2, năm 2006).

- Thuận lợi:

+ Nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn.

+ Người lao động có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, có chuyên môn kỹ thuật.

+ Kết cấu hạ tầng nông thôn tương đối hoàn thiện.

+ Có một số đô thị được hình thành từ lâu đời (Hà Nội và Hải Phòng).

- Khó khăn:

+ Sức ép dân số đông đối với phát triển kinh tế - xã hội.

+ Bình quân đất nông nghiệp thấp.

+ Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm.

IV. Tình hình phát triển kinh tế:

Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp; tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

1. Công nghiệp:

- Hình thành sớm và phát triển mạnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh, chiếm 21% GDP công nghiệp của cả nước.

- Các ngành công nghiệp trọng điểm: công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khí, vật liệu xây dựng, …

- Các ngành công nghiệp tập trung ở các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng.

2. Nông nghiệp:

a. Trồng trọt:

- Đứng thứ hai cả nước về diện tích và tổng sản lượng lương thực.

- Trình độ thâm canh cao, đứng đầu cả nước về năng suất lúa.

- Phát triển một số cây ưa lạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao: ngô, khoai tây, su hào… vụ đông đang trở thành vụ sản xuất chính ở một số địa phương.

b. Chăn nuôi:

Đàn lợn chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước. Chăn nuôi bò (đặc biệt là bò sữa), gia cầm và nuôi trồng thủy sản cũng được chú ý phát triển.

3. Dịch vụ:

- Giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch phát triển.

- Hà Nội là trung tâm thông tin, tư vấn, chuyển giao công nghệ, là một trung tâm tài chính, ngân hàng lớn nhất của nước ta.

V. Các trung tâm kinh tế và vùng kinh tế trọng điểm

- Hà Nội, Hải Phòng là hai trung tâm kinh tế lớn nhất ở Đồng bằng sông Hồng.

- Tam giác kinh tế: Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long (Quảng Ninh).

- Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.

B. Câu hỏi và bài tập:

Câu 1: Điều kiện tự nhiên của Đồng bằng sông Hồng có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc phát triển kinh tế - xã hội?

Gợi ý trả lời:

 a) Thuận lợi: 

- Vị trí địa lý thuận lợi giao lưu kinh tế - xã hội với các vùng trong nước và thế giới.

- Đất phù sa màu mỡ, điều kiện khí hậu, sông ngòi thuận lợi cho thâm canh lúa nước.

- Thời tiết mùa đông thuận lợi cho việc trồng một số cây ưa lạnh. Phát triển vụ đông thành vụ sản xuất chính.

- Một số khoáng sản có giá trị đáng kể (sét cao lanh, than nâu, khí tự nhiên, đá vôi).

- Vùng ven biển và biển thuận lợi cho nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch.

 b) Khó khăn: 

- Thời tiết thất thường gây thiệt hại mùa màng, đường sá cầu cống, các công trình thuỷ lợi.

- Ít tài nguyên khoáng sản.

Câu 2: Nêu những thuận lợi và khó khăn trong sản xuất lương thực ở Đồng bằng sông Hồng.

Gợi ý trả lời:

a) Thuận lợi:

- Đất phù sa màu mỡ thích hợp với việc thâm canh lúa nước.

- Hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình là nguồn cung cấp nước cho sản xuất.

- Khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh có thể đa dạng hoá các loại cây trồng.

- Dân cư đông, nguồn lao động dồi dào, trình độ thâm canh cao.

- Cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện (cơ giới hoá, thuỷ lợi, giống, phân bón …)

- Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hợp lý.

- Thị trường tiêu thụ rộng lớn.

b) Khó khăn:

- Thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường.

- Một số diện tích đất bị nhiễm mặn, thiếu nước tưới vào mùa đông.

Câu 3: Cho bảng số liệu sau:

Dân số và sản xuất lương thực ở Đồng bằng sông Hồng

Chỉ số

1995

2000

2004

2005

Dân số (nghìn người)

16137

17039

17836

18028

Sản lượng lương thực (nghìn tấn)

5340

6868

7054

6518

 

a) Tính bình quân lương thực trên đầu người ở Đồng bằng sông Hồng trong từng năm (kg/người).

b) Nêu nhận xét và so sánh.

Gợi ý trả lời:

a) Bình quân lương thực trên đầu người ở Đồng bằng sông Hồng trong từng năm

Chỉ số

1995

2000

2004

2005

Bình quân lương thực trên đầu người  (kg/người)

330

403

395

361

 

b) Nhận xét và so sánh:

Từ năm 1995 đến năm 2005:

- Dân số tăng liên tục.

- Sản lượng lương thực tăng không liên tục, năm 1995 đến năm 2004 tăng, nhưng đến năm 2005 lại giảm.

- Bình quân lương thực trên đầu người tăng không liên tục, năm 1995 đến 2000 tăng, nhưng đến năm 2005 lại giảm.

Bình quân lương thực trên đầu người giảm và còn ở mức thấp do sản lượng lương thực giảm trong khi dân số vẫn tăng và đông.

Câu 4: Hãy giải thích tại sao Đồng bằng sông Hồng là nơi dân cư tập trung đông đúc nhất cả nước?

Gợi ý trả lời:

         * Đồng bằng sông Hồng là nơi dân cư tập trung đông đúc nhất cả nước vì:

- Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho cư trú và sản xuất.

- Vùng có lịch sử khai phá và định cư lâu đời nhất nước ta.

- Nền nông nghiệp phát triển sớm với hoạt động trồng lúa nước là chủ yếu nên cần nhiều lao động.

- Có thủ đô Hà Nội và mạng lưới đô thị dày đặc tập trung nhiều trung tâm công nghiệp, dịch vụ.

BÀI 23, 24                                   VÙNG BẮC TRUNG BỘ

A. Kiến thức trọng tâm:

I. Vị trí địa lý và giới hạn lãnh thổ:

- Lãnh  thổ vùng là dải đất hẹp ngang, kéo dài từ dãy núi Tam Điệp ở phía bắc tới dãy núi Bạch Mã ở phía nam, phía tây là dải núi Trường Sơn Bắc, phía đông là Biển Đông.

- Bắc Trung Bộ là cầu nối giữa các vùng lãnh thổ phía Bắc và phía Nam đất nước, là cửa ngõ của các nước láng giềng ra Biển Đông.

II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:

- Đặc điểm: thiên nhiên có sự phân hóa giữa phía bắc và phía nam dãy Hoành Sơn, từ tây sang đông (từ tây sang đông tỉnh nào cũng có núi, gò đồi, đồng bằng, biển).

- Thuận lợi:

+ Vùng gò đồi có thế mạnh về chăn nuôi gia súc lớn và trồng cây công nghiệp lâu năm.

+ Rừng và khoáng sản phong phú phần lớn tập trung ở phía bắc dãy Hoành Sơn.

+ Tài nguyên biển đa dạng với nhiều bãi tôm, cá, các đảo nhỏ, đầm, phá thuận lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ.

+ Vùng có nhiều tài nguyên du lịch thiên nhiên như động Phong Nha - Kẻ Bàng, nhiều bãi tắm nổi tiếng.

- Khó khăn:

Thiên tai thường xảy ra (bão, lũ, hạn hán, gió Tây khô nóng, hiện tượng cát bay) gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống dân cư.

III. Đặc điểm dân cư, xã hội:

- Đặc điểm:

+ Là địa bàn cư trú của 25 dân tộc. Phân bố dân cư và hoạt động kinh tế có sự khác biệt từ đông sang tây.

+ Mật độ dân số thấp, tỷ lệ dân thành thị thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn cả nước.

+ Vùng có nhiều di sản văn hoá, lịch sử là tài nguyên cho du lịch phát triển.

- Thuận lợi: lực lượng lao động dồi dào, có truyền thống lao động, cần cù, giàu nghị lực và kinh nghiệm trong đấu tranh với thiên nhiên.

- Khó khăn: mức sống chưa cao, cơ sở vật chất kỹ thuật còn hạn chế.

IV. Tình hình phát triển kinh tế:

1. Nông nghiệp:

- Cây lương thực: năng suất lúa, bình quân lương thực có hạt theo đầu người còn ở mức thấp so cả nước (năm 2002 đạt 333,7 kg/người). Sản xuất lúa chủ yếu ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

- Cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi trâu bò ở vùng gò đồi phía tây.

- Ven biển phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản.

2. Công nghiệp:

- Công nghiệp phát triển mạnh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng tự nhiên.

- Hiện nay vùng đẩy mạnh công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản xuất khẩu.

3. Dịch vụ:

- Giao thông: có nhiều tuyến giao thông như: đường bộ, đường sắt đảm bảo thực hiện vai trò trung chuyển hàng hoá giữa hai miền Nam - Bắc và giữa nước ta với Lào.

Tuyến đường Hồ Chí Minh và đường hầm xuyên đèo Hải Vân mở ra nhiều triển vọng cho sự phát triển kinh tế vùng.

- Dịch vụ du lịch cũng bắt đầu phát triển nhờ vùng có nhiều tài nguyên du lịch thiên nhiên, nhiều di tích lịch sử, di sản văn hoá dân tộc.

V. Các trung tâm kinh tế:

Thanh Hoá, Vinh, Huế là các trung tâm kinh tế quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ.

B. Câu hỏi và bài tập:

Câu 1: Điều kiện tự nhiên ở Bắc Trung Bộ có những thuận lợi và khó khăn gì đối với sự phát triển kinh tế - xã hội?

Gợi ý trả lời:

- Thuận lợi:

+ Vùng gò đồi có thế mạnh về chăn nuôi gia súc lớn và trồng cây công nghiệp lâu năm.

+ Rừng và khoáng sản phong phú phần lớn tập trung ở phía bắc dãy Hoành Sơn.

+ Tài nguyên biển đa dạng với nhiều bãi tôm, cá, các đảo nhỏ, đầm, phá thuận lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ.

+ Vùng có nhiều tài nguyên du lịch thiên nhiên như động Phong Nha - Kẻ Bàng, nhiều bãi tắm nổi tiếng.

- Khó khăn:

Thiên tai thường xảy ra (bão, lũ, hạn hán, gió Tây khô nóng, hiện tượng cát bay) gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống dân cư.

Câu 2: Dựa vào Atlat  Địa lý Việt Nam (trang Công nghiệp), hãy xác định qui mô và các ngành công nghiệp chủ yếu của các trung tâm công nghiệp Thanh Hóa, Vinh, Huế.

Gợi ý trả lời:

Tên TTCN

Qui mô

(nghìn tỷ đồng)

Cơ cấu ngành

Thanh Hóa

Dưới 9

Cơ khí, chế biến nông sản, sản xuất giấy, xenlulô

Vinh

Dưới 9

Cơ khí, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng

Huế

Dưới 9

Cơ khí, dệt may

 

Câu 3: Dựa vào Atlat  Địa lý Việt Nam (trang Du lịch), hãy kể:

- Các điểm du lịch biển của Bắc Trung Bộ.

- Các di sản thiên nhiên thế giới của Bắc Trung Bộ.

- Các di sản văn hóa thế giới Bắc Trung Bộ.

- Các vườn quốc gia Bắc Trung Bộ.

- Các cửa khẩu của vùng Bắc Trung Bộ trên biên giới Việt – Lào.

Gợi ý trả lời:

- Các điểm du lịch biển của Bắc Trung Bộ: Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Đá Nhảy, Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô.

- Các di sản thiên nhiên thế giới của Bắc Trung Bộ: Phong Nha – Kẻ Bàng.

- Các di sản văn hóa thế giới của Bắc Trung Bộ: Cố đô Huế.

- Các vườn quốc gia của Bắc Trung Bộ: Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Phong Nha – Kẻ Bàng, Bạch Mã.

- Các cửa khẩu của Bắc Trung Bộ trên biên giới Việt – Lào: Nậm Cắn, Cầu Treo, Cha Lo, Lao Bảo.

----

 -(Để xem tiếp nội dung của tài liệu, các em vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-

Trên đây là trích đoạn một phần nội dung tài liệu Lí thuyết và bài tập tổng hợp chủ đề Sự phân hóa lãnh thổ môn Địa lí 9 năm 2021 có đáp án. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

ADMICRO
NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
OFF