OPTADS360
AANETWORK
LAVA
YOMEDIA

Giải thích câu ca dao Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư

24/03/2021 1.01 MB 1737 lượt xem 1 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2021/20210324/286475418123_20210324_162115.pdf?r=1916
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Nhằm giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn lập luận giải thích hay và sáng tạo nhất Học247 xin gửi đến các em bài văn mẫu Giải thích câu ca dao Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư dưới đây. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Giải thích hai câu tục ngữ Lời nói gói vàng và Lời nói chẳng mất tiền mua.

 

 
 

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu bài ca dao “Cá không ăn muối cá ươn - Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”: Ca dao có câu “Cá không ăn muối cá ươn - Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, đây chính là bài học nhận thức răn dạy phận làm con phải biết lắng nghe sự dạy bảo, lời khuyên răn của bậc cha mẹ

b. Thân bài:

- Giải thích các từ ngữ:

+ Cá ăn muối: Đem cá đã được mổ sạch đem ướp muối để cho thịt cá được ngấm muối, săn chắc và đỡ mùi tanh khi chế biến

+ Cá ươn: Là trạng thái cá chết để lâu, thịt mềm nhũn và có mùi hôi không còn mùi tanh đặc trưng của cá

+ Cãi cha mẹ: Những lời nói hay hành động làm trái lại lời dạy bảo, sai khiến của cha mẹ

+ Con hư: Người con không có giáo dục, hư hỏng, đốn mạt, không ra gì.

- Giải thích ý nghĩa câu ca dao: Con cái cãi lại lời cha mẹ giống như cá mà không được ăn muối, sẽ trở thành thứ hư hỏng, bỏ đi, không thể trở thành người tốt được

- Bình luận câu ca dao:

+ Tính đúng đắn của câu ca dao: Nếu con cái để ngoài tai những lời của cha mẹ thì mãi mãi vẫn không thể trưởng thành, không tiến bộ và nên người được, ngược lại còn khiến mình trở thành người con bất hiếu, vô giáo dục

+ Sự tiến bộ so với quan niệm cũ: Dù là cha mẹ nhưng cũng chỉ là con người, dễ có những lúc sai lầm, sẽ có lúc sai khiến con làm điều sai mà không nhận ra, chính vì vậy, người con phải biết lắng nghe và tiếp thu sự chỉ bảo của cha mẹ một cách chọn lọc

c. Kết bài:

- Bài học rút ra từ câu ca dao: Câu ca dao “Cá không ăn muối cá ươn - Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” thực sự là một bài học đạo đức quý giá đối với những người làm con, những người học sinh chúng ta chính là những người phải ghi nhớ và thực hiện theo đúng tinh thần của câu ca dao.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy giải thích câu ca dao Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Một trong những đạo lý làm người căn bản và quan trọng nhất chính là đạo hiếu của người con đối với cha mẹ. Trong những tình cảm con người, duy chỉ có tình cảm cha mẹ và con cái là tình cảm thiêng liêng nhất, cha mẹ là người sinh thành và dưỡng dục con cái nên người, ngược lại, con cái phải hiếu thảo, lễ phép và vâng lời cha mẹ. Ca dao có câu "Cá không ăn muối cá ươn - Con cãi cha mẹ trăm đường con hư", đây chính là bài học nhận thức răn dạy phận làm con phải biết lắng nghe sự dạy bảo, lời khuyên răn của bậc cha mẹ.

Ca dao tục ngữ xưa nghe sao mà gần gũi, thân thương với cuộc sống hằng ngày, hình ảnh con cá cũng được đưa vào ca dao trở thành hình ảnh minh họa cho những lời răn dạy. Chúng ta chẳng ai còn xa lạ gì với cá, nó có trong bữa ăn hằng ngày, và ai đã từng làm cá cũng sẽ biết cách nói "cá ăn muối" nghĩa là đem cá đã được mổ sạch đem ướp muối để cho thịt cá được ngấm muối, săn chắc và đỡ mùi tanh khi chế biến. Nếu cá không được ướp muối để lâu sẽ bị ươn, "cá ươn" chính là trạng thái cá chết để lâu, thịt mềm nhũn và có mùi hôi không còn mùi tanh đặc trưng của cá. "Con cãi cha mẹ" là những lời nói hay hành động làm trái lại lời dạy bảo, sai khiến của cha mẹ, cãi cha mẹ sẽ trở thành người "con hư" có nghĩa là người con không có giáo dục, hư hỏng, đốn mạt, không ra gì. Câu ca dao đã ví con cái cãi lại lời cha mẹ giống như cá mà không được ăn muối, sẽ trở thành thứ hư hỏng, bỏ đi, không thể trở thành người tốt được. Muối ở đây tương ứng với những lời răn dạy, chỉ bảo của cha mẹ, không ăn muối cá sẽ ươn giống như con không nghe lời cha mẹ, con sẽ khó mà nên người.

Bài học lớn về đạo làm người được rút ra từ một thực tế hết sức đơn giản: mua cá ở chợ về, muốn giữ được tươi lâu, ta phải ướp muối. Cá thấm muối, thịt săn chắc, khi chế biến thành món ăn, hương vị sẽ đậm đà. Ngược lại, nếu để lâu không ướp muối, cá sẽ ươn, ăn mất ngon. Con cái không nghe lời dạy bảo của cha mẹ khác nào như cá không ăn muối, sẽ hư hỏng, không thể trở thành người tốt được.

Vấn đề mà câu tục ngữ đặt ra rất đúng. Sự hiểu biết, từng trải trong xã hội khiến cha mẹ có nhiều kinh nghiệm sống. Những kinh nghiệm ấy phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, có khi cả bằng máu nên lại càng quý báu. Với tình thương yêu vô bờ, với trách nhiệm lớn lao, các bậc làm cha, làm mẹ không những tận tình mà còn không tiếc cả tâm sức của mình để chăm lo, nuôi dạy con cái ngày một lớn khôn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Con váng mình sốt mấy, cha mẹ lo đêm lo ngày. Con học hành được điểm tốt, cha mẹ vui mừng. Con có biểu hiện không ngoan, cha mẹ đau lòng, xót ruột, tìm cách dạy dỗ, giáo dục.

Trước hết, ta cần khẳng định rằng câu ca dao mang ý nghĩa đúng đắn và có giá trị đạo lý sâu sắc. Cha mẹ là người đã sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn, trải qua cuộc sống và nhiều kinh nghiệm sống hơn con cái, những điều cha mẹ dạy bảo luôn là điều hay lẽ phải, bởi có cha mẹ nào lại không mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Thấy con làm cái này chưa đúng, cha mẹ chỉ bảo cặn kẽ cho con làm lại thật chính xác, thấy con làm điều trái với đạo lý, cha mẹ từ từ khuyên ngăn và dạy bảo giúp con tránh xa điều ác, làm người tốt. Cha mẹ không bao giờ lại đi dạy những thói hư tật xấu, truyền đạt những tư tưởng tiêu cực và nhồi nhét vào đầu con cái những điều không hay bởi cha mẹ nào cũng hết lòng vì con cái, mong cho con nên người, tài giỏi và thành đạt. Vì những điều tốt đẹp mà cha mẹ luôn muốn dành cho con cái nên con cái phải hiểu được tấm lòng cha mẹ, phải biết lắng nghe, ghi nhớ, kính trọng và vâng lời cha mẹ, những lời dạy bảo của cha mẹ đáng quý hơn ngàn vàng, quý trọng lời của cha mẹ mới là trọn đạo làm con. Nếu con cái để ngoài tai những lời của cha mẹ thì mãi mãi vẫn không thể trưởng thành, không tiến bộ và nên người được, ngược lại còn khiến mình trở thành người con bất hiếu, vô giáo dục. Ngày nay, tính đúng đắn của câu ca dao vẫn nguyên vẹn, tuy nhiên xét trong từng hoàn cảnh, không còn quan niệm con cái nhất nhất nghe theo lời sai bảo của cha mẹ mà bây giờ con cái có thể đứng trên quan điểm của mình bày tỏ ý kiến và trao đổi với bố mẹ. Dù là cha mẹ nhưng cũng sẽ có những lúc sai lầm, sẽ có lúc sai khiến con làm điều sai mà không nhận ra, chính vì vậy, người con phải biết lắng nghe và tiếp thu sự chỉ bảo của cha mẹ một cách chọn lọc. Cần có sự lắng nghe của cả hai phía, con nghe lời chỉ bảo của cha mẹ, cha mẹ cũng cần lắng nghe nguyện vọng và ý kiến của con cái, như vậy mới dung hòa được những vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, dù có quyền được bày tỏ ý kiến nhưng con cái phải luôn giữ phép tắc, lễ nghĩa, thái độ đúng mực, có được như vậy gia đình sẽ luôn hòa thuận, hạnh phúc, con cái nên người, cha mẹ nhẹ lòng.

Trước đây, ông cha chúng ta quan niệm rằng con cái phải tuyệt đối phục tùng cha mẹ; chỉ một lòng thờ mẹ kính cha, nhất thiết không được trái lời. Ngày nay, quan niệm truyền thống ấy có phần thay đổi. Con cái phải vâng lời cha mẹ, nhưng cũng được phép bàn bạc, góp ý với cha mẹ để công việc đạt kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, khi góp ý, con cái phải giữ thái độ lễ phép và đúng mực.

Cha mẹ gánh vác trách nhiệm chính trong gia đình nên có quyền quyết định mọi việc, song cha mẹ cũng nên biết lắng nghe tâm tư tình cảm của các con, hiểu rõ tính nết của con, để từ đó đưa ra những biện pháp giáo dục thích hợp, có hiệu quả hơn.

Câu ca dao "Cá không ăn muối cá ươn - Con cãi cha mẹ trăm đường con hư" thực sự là một bài học đạo đức quý giá đối với những người làm con, những người học sinh chúng ta chính là những người phải ghi nhớ và thực hiện theo đúng tinh thần của câu ca dao. Chúng ta cần phải biết lắng nghe lời của cha mẹ, trở thành con ngoan trò giỏi, hoàn thiện bản thân nên người, có ích cho gia đình và xã hội.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Từ xưa, truyền thống của Á Đông là con cái phải thương yêu, hiếu kính, vâng lời cha mẹ, “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, vì đó là đấng sinh thành của mình, đã khổ cực nuôi mình khôn lớn, đã trải nghiệm, đi qua cuộc đời nhiều hơn nên cha mẹ có kinh nghiệm sống, những bài học quý giá truyền trao cho con cái, mà những kinh nghiệm, bài học đó đáng lẽ mình phải đi qua nhiều thất bại mới biết được nó.

Nghe lời cha mẹ thì bản ngã của đứa trẻ sẽ nhỏ xuống, vì nó phải nép mình, phải hạ mình xuống để tuân thủ mệnh lệnh, không cãi bướng, không cố chấp ý mình. Bản ngã nhỏ xuống thì nhiều đức tính xuất hiện.

Ở xã hội của chúng ta luôn đề ra một chuẩn mực đạo đức nhất định, nếu như con cái như hỏng thì cha mẹ chính là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Do vậy ngay từ khi còn bé chúng ta vẫn thường được căn dặn phải biết nghe lời cha mẹ, đi đâu cũng phải nghe lời người lớn và chính tư tưởng này cũng đã trở thành một truyền thống của Việt Nam ta.

Đây là một câu ca dao đúng với truyền thống của cha ông ta. Hồi nhỏ mỗi lần phạm lỗi thì chúng ta sẽ bị cha mẹ, ông, bà phạt, đây là một cách răn dạy con cái của cha ông chúng ta bởi vì “cá không ăn muối cá ươn”.

Hiện nay, do thời đại văn minh, sự toàn cầu hóa ngày càng tiến triển, văn hóa của các nước xâm nhập lẫn nhau là điều khó tránh khỏi. Lối sống tự do, phóng đãng của Tây phương đang xâm nhập vào nước ta làm mai một dần những truyền thống quý giá của ta từ bao đời. Trong đó, truyền thống con cái phải vâng lời cha mẹ bị mất đi một mảng rất lớn. Những luật lệ bảo vệ trẻ em vô lý và quá quắt của Tây phương đang từ từ xâm nhập vào nước ta, mà nguồn gốc của những luật lệ đó là một số trường hợp cá biệt, cha mẹ hành hạ con cái, một số ít mà thôi. Báo Thanh niên ngày 4/9/2009 có đăng tin một cô bé 6 tuổi bị người cha mất nhân tính của mình hành hạ, đến nỗi phải vào bệnh viện. Mọi người rất cảm thương cô bé đó và căm phẫn người cha tàn nhẫn. Rồi ta còn nghe thêm một số vụ bạo hành trẻ em, cha mẹ hành hạ con cái. Từ đó, báo chí bắt đầu lên tiếng nói rằng thầy cô, trường lớp phải dạy cho trẻ em cách phản kháng, chống đối người lớn để tự bảo vệ mình. Nhưng, chúng ta nên nhớ rằng, trong khoảng 30000 người, thì chỉ có 1 người hành hạ con cái, là một người cực ác, còn số còn lại đều yêu thương con mình hết lòng, tận tụy lo lắng cho con. Thế thì tại sao chúng ta chỉ dựa trên một vài trường hợp hết sức cá biệt mà dựng nên một bộ luật vô lý để tạo cơ hội cho trẻ em phản kháng, chống đối cha mẹ, đó có phải là một cái nhìn khiếm khuyết và thiển cận quá chăng? Báo chí chỉ nói một chiều, chỉ dựa trên một vài trường hợp, nhưng không nhìn đến số đông còn lại. Những bộ luật bảo vệ trẻ em vô lý đó sẽ làm cho đứa trẻ trong gia đình trở nên vô lễ và bất hiếu, vì nó biết phía sau lưng luôn có những lực lượng bảo vệ cho nó, khi cha mẹ làm nó không vừa ý, nó sẽ nhờ cảnh sát can thiệp. Hậu quả của những việc làm đó là giới trẻ ở Tây phương sống hư hỏng, ăn chơi trụy lạc, luôn khác người để chứng tỏ cá tính của bản thân, chống đối người lớn. Theo lối ngang ngược đó, bản ngã của những đứa trẻ ngày càng phát triển thêm, lớn lên nó sẽ sống kém bản lĩnh, hèn nhát nhưng lúc nào cũng ngạo mạn, xem mình là trên hết, chúng ta cứ tưởng tượng nếu trong một xã hội, mà phần đông là những người như thế thì đất nước này sẽ đi về đâu? Chúng ta hãy nghĩ xem cha mẹ khôn ngoan hơn con cái hay con cái khôn ngoan hơn cha mẹ? Cha mẹ yêu thương con cái hơn hay con cái yêu thương cha mẹ hơn? Trong việc dạy dỗ, sự nghiêm khắc tốt hơn hay sự dễ dãi, chiều chuộng tốt hơn? Nếu xét cho kỹ những điều đó thì tại sao chúng ta lại dành cho đứa trẻ quá nhiều quyền như thế? Nếu xét cho kĩ thì chúng ta mới thấy bộ luật bảo vệ trẻ em của Tây phương thật thiếu khôn ngoan và truyền thống con cái phải vâng lời cha mẹ của Đông phương thật đáng quý biết chừng nào!

Tuy nhiên đôi lúc chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại vấn đề một cách toàn diện hơn. Bởi vì phàm là con người thì cũng sẽ có lúc đúng lúc sai, không phải bao giờ cũng có thể đúng hoàn toàn được. Có những vấn đề đôi lúc người lớn cũng không thể bao quát được toàn bộ vấn đề nên sẽ làm sai không đúng. Đặc biệt khi mà xã hội ta đang ngày càng thay đổi thì đôi khi con cái lại có những cái nhìn khác hơn so với thế hệ cũ cho nên cha mẹ cũng cần dung hòa được mối quan hệ thế hệ. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cãi lại lời cha mẹ mà cần phải có những cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề đừng nhất nhất nghe theo ý kiến phụ huynh để rồi đưa ra những quyết định sai lầm.

Cá không ăn ươn cá ươn, con cãi lời cha mẹ chăm đường con hư, quả không bao giờ sai, cha mẹ đã là người sinh thành ra chúng ta chính vì thế, chúng ta phải biết coi trọng, không được nói những lời lẽ làm cho cha mẹ buồn lòng, là những người con có hiếu trong gia đình, chúng ta phải biết quan tâm, chăm sóc và luôn dành những tình cảm yêu thương nhất cho cha mẹ của mình. Họ là người đã có công lao lớn cho chúng ta.

Dân tộc ta đã đúc kết ra rất nhiều những câu ca dao có giá trị, bài ca dao này đã để lại cho nhiều người rất nhiều những suy tư, suy nghĩ và cách ứng xử cho có đạo đức, có văn hóa với cha mẹ, luôn phải biết điều chỉnh hành vi của mình cho đúng với tôn ti trật tự trong gia đình. Cha mẹ đã dành cho chúng ta những tình cảm chân thành nhất, chính vì thế, chúng ta cần phải giữ gìn và tôn trọng những người cha, người mẹ của mình.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

ADMICRO
NONE
OFF