Hoc247 xin giới thiệu đến các em tài liệu Đề cương ôn tập HK1 môn GDCD 11 năm 2021-2022 nhằm giúp các em ôn tập kiến thức đã học, cũng như luyện tập và chuẩn bị cho kì thi HK1 sắp tới. Mời các em cùng tham khảo nhé!
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HK1 MÔN GDCD 11 NĂM 2021-2022
1. Lý thuyết
1.1. Công dân với sự phát triển kinh tế
- Sản xuất vật chất: Là sự tác động của con người vào tự nhiên, biến đổi các yếu tố của tự nhiên để tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình.
- Vai trò của sản xuất vật chất:
- Cơ sở tồn tại của xã hội: Để tồn tại, con người phải có thức ăn, đồ mặc, nhà ở, phương tiện đi lại và nhiều thứ cần thiết khác. Có được những thứ đó con người phải sản xuất và sản xuất với quy mô ngày càng lớn. Vì vậy, xã hội sẽ không tồn tại nếu ngừng sản xuất ra của cải vật chất
- Quyết định mọi hoạt động của xã hội: Sự phát triển của hoạt động sản xuất là tiền đề, cơ sở thúc đẩy mở rộng các hoạt động khác, sáng tạo toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Con người ngày càng được hoàn thiện và phát triển.
- Các yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất:
- Sức lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần của con người được vận dụng vào quá trình sản xuất, là khả năng của lao động.
- Đối tượng lao động là những yếu tố của tự nhiên mà lao động của con người tác động vào nhằm biến đổi nó cho phù hợp với mục đích của con người. Gồm hai loại: Có sẵn trong tự nhiên (công nghiệp khai thác) và trải qua tác động của lao động, được cải biến (công nghiệp chế biến).
- Tư liệu lao động là một vật hay hệ thống những vật làm nhiệm vụ truyền dẫn sự tác động của con người lên đối tượng lao động, nhằm biến đổi đối tượng lao động thành sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của con người. Chia làm ba loại: công cụ lao động hay sản xuất (cày, cuốc, máy móc...), hệ thống bình chứa của sản xuất (ống, thùng, hộp...), kết cấu hạ tầng của sản xuất (đường sa, bến cảng…)
- Quá trình lao động sản xuất là sự kết hợp giữa sức lao động với tư liệu sản xuất. Thường xuyên rèn luyện, học tập nâng cao hiệu quả lao động và góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường là trách nhiệm của mọi công dân.
- Ý nghĩa phát triển kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội:
- Với cá nhân: tạo điều kiện cho mỗi người có việc làm và thu nhập ổn định, cuộc sống ấm no; có điều kiện chăm sóc cức khỏe, nâng cao tuổi thọ; có điều kiện học tập,…
- Với gia đình: là tiền đề, cơ sở thực hiện các chức năng của gia đình: kinh tế, sinh sản,…
- Với xã hội: Tăng thu nhập quốc dân và phúc lợi xã hội, chất lượng cuốc sống được cải thiện. Tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm, giảm thất nghiệp, tệ nạn xã hội,…
1.2. Hàng hóa – tiền tệ - thị trường
- Hàng hóa là sản phẩm của lao động có thể thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người thông qua trao đổi mua – bán., là một phạm trù lịch sử tồn tại trong nền kinh tế hàng hóa, ở dạng vật thể hoặc phi vật thể.
- Thuộc tính của hàng hóa:
- Giá trị sử dụng của hàng hóa là công dụng của sản phẩm có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người.
- Giá trị của hàng hóa được biểu hiện thông qua giá trị trao đổi của nó. Giá trị trao đổi là một quan hệ về số lượng, hay tỉ lệ trao đổi giữa các hàng hóa có giá trị sử dụng khác nhau.
- Giá trị hàng hóa là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa đó kết tinh trong hàng hóa, là nội dung cơ sở của giá trị trao đổi.
- Giá trị xã hội của hàng hóa = chi phí sản xuất + lợi nhuận.
- Thị trường: là lĩnh vực trao đổi, mua bán mà ở đó các chủ thể kinh tế tác động qua lại lẫn nhau để xác định giá cả và số lượng hang hóa, dịch vụ. Nhân tố cơ bản: hang hóa, tiền tệ, người mua, người bán. Quan hệ: hàng hóa – tiền tệ, mua – bán, cung – cầu, giá cả hàng hóa.
- Chức năng cơ bản của thị trường:
- Thực hiện giá trị sử dụng và giá trị của hàng hóa. Thị trường là nơi kiểm tra cối cùng về chủng loại, hình thức, mẫu mã, số lượng, chất lượng hàng hóa. Khi những chi phí lao động sản xuất ra hàng hóa đó được xã hội chấp nhận thì giá trị của hàng hóa được thực hiện.
- Thông tin: cung cấp thông tin về quy mô cung – cầu, giá cả, chất lượng, cơ cấu, chủng loại,… giúp người bán đưa ra các quyết định nhằm thu nhiều lợi nhuận nhất; người mua điều chỉnh việc mua sao cho có lợi nhất.
- Diều tiết, kích thích hoặc hạn chế sản xuất tiêu dùng. Sự biến động cung – cầu, giá cả thị trường đã điều tiết các yếu tố sản xuất từ nghành này sang nghành khác, luân chuyển hàng hóa từ nơi này sang nơi khác.
1.3. Cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hóa
- Cạnh tranh là sự ganh đua, đấu tranh giữa các chủ thể kinh tế trong sản xuất kinh doanh hàng hóa nhằm giành những diều kiện thuận lợi để thu được nhiều lợi nhuận.
- Nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh: sự tồn tại nhiều chủ sở hữu với tư cách là những đơn vị kinh tế độ lập, tự do sản xuất kinh doanh; có điều kiện sản xuất và lợi ích khác nhau trở thành nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hóa.
- Mục đích: là nhằm giành lợi nhuận về mình nhiều hơn người khác.
- Giành nguồn nguyên liệu và các nguồn lực sản xuất khác.
- Giành ưu thế về khoa học và công nghệ.
- Giành thị trường, nơi đầu tư, các hợp đồng và các đơn đặt hàng.
- Giành ưu thế về chất lượng và giá cả hàng hóa, kể cả lắp đặt, bảo hành, sữa chữa,…
- Tính hai mặt của cạnh tranh:
+ Tích cực:
- Kích thích lực lượng sản xuất, khoa học – kĩ thuật phát triển và năng suất lao động xã hội tăng lên.
- Khai thác tối đa mọi nguồn lực của đất nước vào việc dầu tư xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chủ động hội nhập kinh tế quốc tế
+ Hạn chế:
- Chạy theo mục tiêu lợi nhuận một cách thiếu ý thức, vi phạm quy luật tự nhiên trong khai thác tài nguyên làm cho môi trường, môi sinh suy thoái và mất cân bằng nghiêm trọng
- Để giành giật khách hàng và lợi nhuận nhiều hơn, một số người không từ những thủ đoạn phi pháp và bất lương.
- Đầu cơ tích trữ gây rối loạn thị trường, từ đó nâng giá lên cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
1.4. Cung cấu trong sản xuất và lưu thông hàng hóa
- Khái niệm cung – cầu:
- Cầu là khối lượng hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng cần mua trong một thời kì nhất định tương ứng với giả cả và thu nhập xác định.
- Cung là khối lượng hàng hóa, dịch vụ hiện có hoặc chuẩn bị đưa ra thị trường trong 1 thời kì nhất định, tương ứng với mức giá cả, khả năng sản xuất và chi phí sản xuất xác định.
- Mối quan hệ cung – cầu trong sản xuất và lưu thông hàng hóa:
Quan hệ cung cầu là mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa người bán với người mua hay giữa những người sản xuất với những người tiêu dùng diễn ra trên thị trường dể xác định gá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ.
- Biểu hiện của nội dung quan hệ cung cầu:
+ Cung – cầu tác động lẫn nhau: Khi cầu tăng, sản xuất, kinh doanh mở rộng, lượng cung hàng hóa tăng lên và ngược lại.
Ví dụ: Vào mua trung thu nhu cầu về bánh trung thu tăng cao. Nhà sản xuất ra bánh trung thu như Kinh Đô, Hữu Nghị, Việt Food...sản xuất ra nhiều bánh hơn. Qua mùa trung thu nhu cầu giảm, các hãng thu hẹp sản xuất hay không sản xuất nữa mà sản xuất các loại bánh khác.
+ Cung – cầu ảnh hưởng đến giá cả thị trường:
- Cung > cầu thì giá cả thị trường < giá trị hàng hoá trong sản xuất.
- Cung < cầu thì giá cả thị trường > giá trị hàng hoá trong sản xuất.
- Cung = cầu thì giá cả thị trường = giá trị hàng hoá trong sản xuất.
Ví dụ: Qua mùa trung thu nhu cầu về bánh trung thu giảm, giá bán bánh trung thu giảm đột ngột.
Tết nhu cầu về bánh kẹo, hạt dưa tăng cao, giá bánh kẹo, hạt dưa thường cao hơn bình thường.
- Giá cả thị trường ảnh hưởng đến cung – cầu: Cung, giá cả tăng à doanh nghiệp mở rộng sản xuất à cung tăng và ngược lại. Cầu, giá cả giảm à cầu tăng và ngược lại.
- Vai trò của quan hệ cung – cầu:
- Cơ sở nhận thức vì sao giá cả trên thị trường và giá trị sản xuất không ăn khớp với nhau, có thể bằng, lớn, nhỏ hơn.
- Người sản xuất, kinh doanh phải nắm vững các trường hợp vận động của cung – cầu đưa ra quyết định sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao.
- Cơ sở để người tiêu dùng mua hàng hóa phù hợp nhu cầu, có hiệu quả kinh tế.
- Vận dụng quan hệ cung – cầu:
- Với Nhà nước: điều tiết cung – cầu nhằm cân đối, ổn định giá cả và đời sống nhân dân.
- Với người sản xuất, kinh doanh: thu hẹp sản xuất, kinh doanh mặt hàng trên thị trường khi cung lớn hơn cầu và chuyển sang sản xuất, kinh doanh mặt hàng có cung nhỏ hơn cầu.
- Với người tiêu dùng: giảm nhu cầu mua các mặt hàng cung nhỏ hơn cầu, giá cả cao và chuyển sang mua các mặt hàng cung lớn hơn cầu, giá cả thấp tương ứng.
1.5. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
- Khái niệm CNH-HĐH:
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động kinh tế và quản lí kinh tế - xã hội từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra năng suất lao động xã hội cao.
- Tính tất yếu khách quan của công nghiệp hoá, hiện đại hoá:
- Do yêu cầu phải xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội.
- Do yêu cầu phải rút ngắn khoảng cách tụt hậuh về kinh tế, kĩ thuật – công nghệ giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới.
- Do yêu cầu phải tạo ra năng suất lao động xã hội cao, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa xã hội.
- Trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước:
- Có nhận thức đúng đắn về tính tất yếu khách quan và tác dụng to lớn của CNH, HĐH đất nước.
- Trong sản xuất, kinh doanh cần lựa chọn ngành, mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới, nhất là khi nước ta là thành viên của WTO.
- Tiếp thu và ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất để tạo nhiều sản phẩm chất lượng cao, giá thành thấp, có khả năng chiếm lĩnh thị trường nhằm tối đa hoá lợi nhuận.
- Thường xuyên học tập nâng cao trình độ học vấn , chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng hiện đại, đáp ứng nguồn lao động có kĩ thuật cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức.
1.6. Thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần và tăng cường vai trò quản lí kinh tế của nhà nước
- Khái niệm thành phần kinh tế: Là kiểu quan hệ kinh tế dựa trên một hình thức sở hữu nhất định về tư liệu sản xuất.
- Tính tất yếu khách quan của nền kinh tế nhiều thành phần:
- lực lượng sản xuất không đồng đều → tồn tại nhiều thành phần kinh tế khác nhau.
- những thành phần kinh tế cá thể, địa chủ, tư bản thương nhân vẫn còn có lợi nhất định đối với nền kinh tế của nước ta.
- những thành phần kinh tế như: KT Nhà nước, KT tập thể ... cần được củng cố và phát triển.
- trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta vẫn tồn tại một số thành phần kinh tế của xã hội trước đây, chưa thể cải biến ngay được.
- Trách nhiệm của công dân đối với việc thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần:
- Tin tưởng, ủng hộ và chấp hành tốt chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta.
- Tham gia lao động sản xuất ở gia đình ( nếu gđ có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi hay các hình thức sản xuất kinh doanh khác).
- Vận động người thân trong gia đình đàu tư vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh.
- Tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các thành phần kinh tế, các nghành. nghề và mặt hàng mà pháp luật không cấm. Bằng cách đó, góp phần thúc đẩy pt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
- Chủ động tìm kiếm việc làm ở các nghành nghề thuộc các thành phần kinh tế phù hợp với khả năng của bản thân.
2. Bài tập
Câu hỏi 1: Thế nào là cạnh tranh? Nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh? Nêu tính hai mặt của cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hóa?
Câu hỏi 2: Thế nào là cung, cầu? Cho ví dụ? Trình bày những biểu hiện của nội dung quan hệ cung, cầu?
Câu hỏi 3: Trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần?
Câu hỏi 4: Hàng hóa là gì? Cho ví dụ? Trình bày hai thuộc tính của hàng hóa?
Câu hỏi 5: Khi nước ta là thành viên của tổ chức thương mại thế giới, theo em mức độ cạnh tranh diễn ra như thế nào?
Câu hỏi 6: Vì sao sự phát triển kinh tế phải đặt trong mối quan hệ với sự gia tăng dân số và bảo vệ môi trường?
ĐÁP ÁN
Câu 1:
- Khái niệm cạnh tranh: Là sự ganh đua đấu tranh giữa các chủ thể kinh tế trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa nhằm giành những điều kiện thuận lợi để thu nhiều lợi nhuận.
- Nguyên nhân:
- Do sự tồn tại nhiều chủ sở hữu với tư cách là những đơn vị kinh tế độc lập, tự do sản xuất kinh doanh.
- Có điều kiện sản xuất và lợi ích khác nhau.
- Tính hai mặt của cạnh tranh:
+ Mặt tích cực:
- Kích thích lực lượng sản xuất, khoa học kĩ thuật phát triển.
- Khai thác tối đa mọi nguồn lực của đất nước.
- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
+ Mặt hạn chế:
- Chạy theo lợi nhuận, vi phạm quy luật tự nhiên.
- Giành khách hàng, dùng thủ doạn phi pháp, bất lương.
- Đầu cơ tích trữ gây rối loạn thị trường.
Câu 2:
- Cầu là khối lượng hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng cần mua trong một thời kỳ nhất định, tương ứng với giá cả và thu nhập nhất định.
Ví dụ: Đầu năm học người dân cần mua nhiều hàng hóa như: Tập, sách, quần áo
- Cung là khối lượng hàng hóa, dịch vụ hiện có trên thị trường và chuẩn bị đưa ra thị trường trong một thời kỳ nhất định, tương ứng với mức giá cà, khả năng sản xuất và chi phí sản xuất xác định.
Ví dụ: Đầu năm học người sản xuất: Vải, quần áo học sinh
- Biểu hiện:
- Cung cầu tác động lẫn nhau.
- Cung cầu ảnh hưởng đến giá cả thị trường.
- Giá cả ảnh hưởng đến cung cầu.
Câu 3:
Trách nhiệm của công dân đối với việc thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần:
- Tin tưởng và chấp hành tốt các chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.
- Tham gia lao động sản xuất ở gia đình
- Vận động người thân tham gia đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
- Tổ chức sản xuất, kinh doanh các ngành, nghề và mặt hàng mà luật pháp không cấm.
- Chủ động tìm kiếm việc làm trong các thành phần kinh tế.
Câu 4:
- Hàng hóa là sản phẩm của lao động có thể thõa mãn một nhu cầu nào đó của con người thông qua trao đổi và mua bán trên thị trường.
Ví dụ: Gia đình sản xuất lúa, một phần dùng để bán chính là hàng hóa.
- Hai thuộc tính của hàng hóa.
- Giá trị sử dụng của hàng hóa là công dụng của sản phẩm có thể thõa mãn nhu cầu nào đó của con người.
- Giá trị của hàng hóa là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa.
Câu 5:
- Khi nước ta là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, theo em mức độ cạnh tranh diễn ra như: gay gắt và quyết liệt.
- Vì các chủ kinh tế cạnh tranh nhằm giành lấy thị trường dể bán được nhiều hàng hóa và thu nhiều lợi nhuận hơn. Sẽ có doanh nghiệp bị phá sản do thiếu năng lực cạnh tranh
Câu 6:
- Phải chú ý sự gia tăng dân số vì bùng nổ dân số dẫn đến thiếu lương thực, khan hiếm của cải vật chất, mặt bằng xây dựng, chất lượng cuộc sống giảm sút, phát sinh nhiều các tệ nạn xã hội.
- Cần bảo vệ môi trường sinh thái vì nếu không làm như vậy môi trường sẽ bị ô nhiễm,khan hiếm và cạn kiệt các nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, không thể sản xuất làm việc, gây khó khăn trong phát triển kinh tế.
---
Trên đây là toàn bộ nội dung Đề cương ôn tập HK1 môn GDCD 11 năm 2021-2022. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt!
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Vật lý 12 năm 2023 - 2024
09/10/20231354 -
Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2023-2024
09/10/2023939 -
100 bài tập về Dao động điều hoà tự luyện môn Vật lý lớp 11
14/08/2023325 - Xem thêm