OPTADS360
ATNETWORK
RANDOM
ON
YOMEDIA

Cảm nhận về hình tượng thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

22/04/2022 959.91 KB 644 lượt xem 0 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2022/20220422/63173200678_20220422_153701.pdf?r=6019
AMBIENT-ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Thiên nhiên và con người là hai đề tài thường đồng hành song song trong các tác phẩm thơ ca, một trong số đó là bài thơ Việt Bắc. Mời các em cùng tham khảo tài liệu văn mẫu Cảm nhận về hình tượng thiên nhiên và con người trong bài thơ Viết Bắc của tố Hữu dưới đây. Tài liệu nhằm giúp các em cảm nhận được hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc được nhà thơ tập trung khắc họa ngợi ca trong những dòng thơ tươi đẹp. Chúc các em học vui vẻ!

 

 
 

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu: là một nhà thơ lớn, một nhà thơ trữ tình chính trị, thơ ông luôn phản ánh những chặng đường đấu tranh gian khổ song cũng nhiều thắng lợi của dân tộc.

- Giới thiệu bài thơ Việt Bắc: hoàn cảnh sáng tác, nội dung chính của bài thơ.

2.2. Thân bài

Hình tượng thiên nhiên

a. Thiên nhiên Tây Bắc khắc nghiệt nhưng cũng thơ mộng, trữ tình

- Thiên nhiên vùng núi khắc nghiệt: “Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù”, “đêm thăm thẳm sương dày”, gây ra không ít những khó khăn cho đồng bào ta khi chiến đấu.

- Nhưng thiên nhiên cũng có nét thơ mộng, hiền hòa:

+ Thiên nhiên thân thuộc, đầm ấm, giản dị với hình ảnh những món ăn dân dã như: “trám bùi, măng mai”.

+ Có những nét đặc trưng cả thiên nhiên Việt Bắc: “rừng nứa, bờ tre”

+ Thiên nhiên đẹp như một bức tranh tứ bình với bốn mùa trong năm: xuân, hạ, thu, đông.

b. Thiên nhiên đồng hành cùng nhân dân, cán bộ trong kháng chiến

- Thiên nhiên Việt Bắc như một người đồng chí cùng đồng bào cán bộ đánh Tây: “Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây”.

- Thiên nhiên còn là bức tường thành vững chắc để bảo vệ nhân trong kháng chiến “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”

- Thiên nhiên mang ý nghĩa chiến lược, đóng góp không nhỏ cho sự thắng lợi của nhân dân ta trong kháng chiến.

Hình tượng con người Việt Bắc

a. Con người ân tình, ân nghĩa, gắn bó trung thành với cách mạng, với Đảng

- Tám câu thơ đầu là tâm trạng lưu luyến bịn rịn trong buổi chia tay:

+ Bốn câu trên, sử dụng điệp cấu trúc “mình về mình có nhớ” là lời ướm hỏi, khơi gợi lại những kỉ niệm về “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”, về thiên nhiên Việt Bắc nghĩa tình.

+ Cách xưng hô “mình - ta” như lời tâm tình của đôi lứa yêu nhau khiến cuộc chia tay trở nên thân mật, giản dị.

+ Bốn câu thơ tiếp là nỗi lòng lưu luyến của cả người ở lại và ra đi thể hiện qua những từ ngữ diễn tả tâm trạng trực tiếp: “da diết”, “bâng khuâng”, “bồn chồn”; không khí buổi chia tay thân tình, gần gũi: “áo chàm”, “cầm tay nhau”.

- Mười hai câu tiếp theo, với việc sử dụng điệp từ “nhớ”, là lời nhắn nhủ dưới hình thức câu hỏi: nhớ đến những ân tình trong khó khăn gian khổ, nhớ đến quang thời gian hoạt động cách mạng.

+ Con người Việt Bắc dù gian khó, vất vả nhưng vẫn có tấm lòng thủy chung, cùng chia sẻ mọi “đắng cay ngọt bùi” trong kháng chiến: “chia củ sắn lùi”, “bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”.

+ Những kỉ niệm ấm áp giữa bộ đội và đồng bào Việt Bắc: “lớp học i tờ”, “giờ liên hoan”, “ca vang núi đèo”.

+ Luôn sát cánh cùng bộ đội trong cuộc kháng chiến: “Đất trời ta cả chiến khu một lòng”

b. Con người lao động với vẻ đẹp bình dị

- Hình ảnh những con người mang vẻ đẹp mộc mạc, cần cù “người mẹ ... địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”.

- “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”: gợi dáng vẻ khỏe khoắn, lớn lao của người lao động, với tâm thế làm chủ thiên nhiên, cuộc sống.

- Người lao động hiện lên với vẻ đẹp tài hoa, khéo léo và cần mẫn: “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

- “Nhớ cô em gái hái măng một mình”: “cô em gái”: hình ảnh cô gái hái măng một mình thể hiện sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó của con người Việt Bắc.

- Con người say sưa cất tiếng hát, mộc mạc, chân thành, có tấm lòng thủy chung, nặng ân tình.

* Nhận xét: Thiên nhiên núi rừng Việt Bắc và con người nơi đây luôn gắn bó khăng khít, không thể tách rời, thiên nhiên chính là yếu tố làm tôn lên vẻ đẹp con người.

2.3. Kết bài

- Khái quát giá trị nghệ thuật: thể thơ lục bát, lối đối đáp, cách xưng hô mình – ta, ngôn từ mộc mạc, giàu sức gợi…

- Khái quát giá trị nội dung: bài thơ là bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến, là bản tình ca về nghĩa tình cách mạng và kháng chiến.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Cảm nhận về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

“Việt Bắc” của Tố Hữu không chỉ là bài ca ân tình thủy chung giữa những con người của cách mạng với đồng bào miền núi, đó còn là khúc hát ngợi ca thiên nhiên và con người nơi mảnh đất xa xôi của Tổ quốc. Hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc được nhà thơ tập trung khắc họa ngợi ca trong những dòng thơ tươi đẹp:

"Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Cảnh vật Việt Bắc được khắc họa rất điển hình. Tố Hữu đã mượn hình ảnh của hoa chuối đỏ tươi để gợi dậy một nét đặc trưng của mùa đông Việt Bắc. Có người cho rằng hình ảnh hoa chuối lần đầu tiên đi vào thơ Tố Hữu nhưng đã tạo được ấn tượng đặc biệt với người đọc. Cảnh mùa đông có nét ấm áp, rực rỡ, tươi tắn, chứ không phải là sự lạnh lẽo, hắt hiu. Bức tranh đan dệt bởi nhiều màu sắc: xanh, đỏ tươi, vàng. Nó không chỉ có nhiều sắc màu mà còn ngập tràn ánh sáng. “Ánh” là một từ rất gợi, hé mở sức sống kì diệu của cảnh và người Việt Bắc. Không thấy con người hiện hữu cụ thể mà chỉ qua hình ảnh "dao gài thắt lưng”, bóng dáng của người lao động vẫn hiện lên đầy bình dị, thân thiết. Bức tranh mùa đông đẹp vẻ đẹp ấm áp từ trong lòng cảnh vật, từ trong sức sống lao động của con người.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Mùa xuân Việt Bắc được gợi ra từ sắc trắng của hoa mơ, sắc xanh của rừng, tạo nên nét đẹp tinh khôi, thơ mộng của cảnh. Màu trắng của hoa có khả năng bao chiếm không gian, nhấn mạnh sự thanh khiết của cảnh vật. Hình ảnh con người Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp giản dị trong công việc lao động hàng ngày. Chỉ cần hình ảnh rất nhỏ cũng làm sáng vẻ đẹp cần mẫn, bền bỉ, kiên trì của người lao động trong công việc lao động của họ.

Nếu câu thơ mùa xuân bừng sáng sắc trắng của hoa mơ thì câu thơ mùa hạ lại ngân lên tiếng ve quen thuộc của núi rừng Việt Bắc. Tiếng ve dệt thành bản đồng ca mùa hạ rộn ràng, tươi vui. Sự hòa quyện giữa âm thanh và màu sắc đã tạo nên sự độc đáo cho cảnh vật. Sắc vàng của rừng phách như muốn tràn ra ngoài, ứa nhựa sống nhờ những tác động rộn ràng của tiếng ve. Câu thơ mùa hạ tưng bừng bởi thanh âm, náo nức bởi màu sắc, nhộn nhịp của cuộc sống lao động. Hình ảnh cô em gái hái măng không gợi nên sự lạc lõng, cô đơn mà hiển hiện người lao động bình dị, làm chủ công việc của mình, đã trở thành điểm nhấn cho bức tranh mùa hạ.

Hình ảnh vầng trăng mùa thu hòa bình mát rượi và tiếng hát ân tình vang ngân của con người đã làm sáng lên bức tranh mùa thu. Bức tranh ấy lắng lại trong nét đẹp quyến rũ, gợi cảm. Khúc hát ân tình vang lên trong tâm hồn thi sĩ, vọng lại từ rừng thu Việt Bắc kháng chiến. Cái đẹp của thiên nhiên hòa quyện với cái đẹp của con người.

Đặc sắc hơn cả, bức tranh được nhìn bằng tất cả niềm yêu thương, gợi bằng nỗi nhớ mong tha thiết của tác giả. Từ “nhớ” được lặp nhiều lần, Tố Hữu qua thơ đã dựng lại một bức tranh Việt Bắc giản dị mà thân thuộc tình người. Sự chọn lọc hình ảnh đầy tài năng, sáng tạo của nhà thơ đã tạo ra một bộ tứ bình độc đáo, hoàn chỉnh. Lời thơ lục bát ngọt ngào, tha thiết làm nỗi nhớ càng thiết tha, sâu nặng.

Viết về cảnh và người Việt Bắc, Tố Hữu sử dụng thể thơ lục bát quen thuộc để thể hiện tình cảm chân thành, thiết tha của mình. Chẳng những vậy, đoạn thơ sử dụng từ ngữ một cách tinh tế; hình ảnh thơ giản dị, gần gũi mà tươi đẹp diễn tả thành công hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc ân tình, chung thuỷ.

Đoạn thơ nói riêng và bài thơ “Việt Bắc” nói chung đã khắc vào lòng người đọc những hình ảnh đẹp đẽ nhất về cảnh và người Việt Bắc. Đọc bài thơ, không chỉ những con người của cách mạng năm xưa cảm thấy xúc động vô bờ mà cả những con người của thế hệ hôm nay lòng cũng chợt nghiêng nghiêng về một vùng gió ngàn Việt Bắc.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Nếu nói đến nhà thơ mang nhiều danh xưng nhất của nền văn học Việt Nam chắc có lẽ không ai ngoài Tố Hữu. Ông được tán dương hết lòng vì những đóng góp cống hiến cho nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là cho nền văn học mang khuynh hướng trữ tình chính trị. Người ta nhắc đến Tố Hữu như là một "nhà thơ của cách mạng", một "nhà thơ của nhân dân", là "ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam", thơ ca của ông luôn có một sự nhất trí "Nhất trí giữa đời sống và nghệ thuật. Nhất trí giữa tình cảm, tư tưởng và hành động. Nhất trí giữa con người với thời đại, với tập thể". Kể từ khi bước vào chặng đường sáng tác Tố Hữu chưa khi nào rời xa cách mạng, rời xa đất nước và nhân dân, thơ ông luôn tồn tại một tình yêu lớn, một tình yêu chung vĩ đại "Yêu dân, yêu nước, yêu Đảng, yêu Bác, yêu người thân, yêu bạn bè, tình yêu bao la không bờ bến...". Khi năm tháng dần qua đi, từ lúc Tố Hữu viết “Từ ấy” với giọng thơ sôi nổi nhiệt huyết, cho đến khi ông viết “Việt Bắc” bằng giọng thơ ân tình, trầm lắng, người ta dễ dàng nhận thấy sự trưởng thành của một hồn thơ lý tưởng, ngày càng trở nên thân thiết và gắn bó với nhân dân, với cách mạng, với đất nước, có thể nói "phẩm chất ấy là cốt lõi của thơ Tố Hữu, của nhà cách mạng Tố Hữu, của phong thái Tố Hữu". “Việt Bắc” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Tố Hữu, sau “Từ ấy”, thể hiện rõ nét sự trưởng thành, hoàn chỉnh trong phong cách thơ ca trữ tình chính trị, kết hợp với yếu tố văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của nhà thơ. Trong đó Tố Hữu đã dành riêng một đoạn thơ mười câu để nói riêng về những nét đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc rất hay và đặc sắc, bộc lộ được cái ngòi bút tài hoa vô cùng của tác giả.

Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Tháng 10 năm 1954, sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ thắng lợi được khoảng ba tháng, trung ương Đảng và Chính phủ ra quyết định chuyển căn cứ trở về thủ đô, trong không khí hân hoan vui mừng vì nền hòa bình mới lập lại, thì cuộc chia tay với núi rừng và con người Tây Bắc sau gần mười năm gắn bó keo sơn đã đem đến cho tác giả nhiều cảm xúc, “Việt Bắc” đã ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt ấy. Bằng giọng thơ trầm lắng, thấm đẫm ân tình thủy chung, với thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc, kết hợp cùng nội dung mang tính lịch sử tựa như một bản tổng kết của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, đắng cay gần mười năm trời của quân dân ta, cũng đồng thời là lời tri ân sâu sắc của người ra đi đối với người ở lại, “Việt Bắc” đã trở thành đỉnh cao của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Trong một tác phẩm có dung lượng lớn như vậy, hình ảnh thiên nhiên và con người Tây Bắc vẫn đều đặn xuất hiện trong suốt cả bài thơ, thế nhưng rõ nét nhất và đặc sắc nhất chính là "bức tranh tứ bình" với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trong mười câu thơ từ câu thứ bốn mươi ba đến câu thứ năm mươi hai. Ở đó mỗi một mùa chỉ được miêu ta bằng hai câu thơ thế nhưng nhiêu đấy cũng đủ để người ta thấm thía về một Việt Bắc xa xôi, thấm đẫm ân tình thủy chung.

Khởi đầu chính là bức tranh thiên nhiên mùa đông với hai câu thơ:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Có thể thấy rằng khung cảnh mùa đông không được tả một cách tỉ mỉ chi tiết mà chỉ được gợi ra bằng những nét chấm phá đặc trưng của thơ ca cổ điển với hai gam màu "xanh" và "đỏ". Nhưng màu xanh ở đây không phải là màu xanh tươi, màu xanh non mơn mởn của cành lá mới đâm chồi, nảy lộc là màu xanh này là gam màu xanh thẫm, gợi ra cảm giác lạnh lẽo, âm u của một vùng núi rừng bạt ngàn cây cối. Đôi lúc liên tưởng xa hơn, người ta nghĩ rằng sở dĩ màu xanh ấy càng trở nên trầm mặc, âm u vậy là bởi vì khí trời mùa đông quá đỗi lạnh lẽo, đã phủ một lớp sương dày làm màu xanh của lá cũng trở nên đậm và trầm hơn hẳn. Trên cái nền xanh thẳm bạt ngàn ấy nổi bật lên là những cái hoa chuối đỏ tươi, tựa như đốm lửa rực rỡ giữa ngày đông buốt giá, dĩ nhiên rằng cái màu đỏ ấy chẳng thể nào che lấp đi cái rét cắt da ở Tây Bắc, thế nhưng sắc đỏ hòa cùng với những đốm nắng nhàn nhạt dường như đã làm cho mùa đông nơi đây vơi đi được phần nào sự lạnh lẽo, trầm u. Bức tranh thiên nhiên trở nên ấm áp và đặc sắc hơn, từ nó người ta cũng thấy được nét riêng trong phong cách làm thơ trữ tình cách mạng của Tố Hữu, ông không quá tập trung nhấn mạnh những cái gì gian khó khắc họa, mà thay vào đó ông đưa vào thơ mình những hoàn cảnh gian lao thế nhưng ở đó vẫn hiện lên những vẻ đẹp tinh tế, vẻ đẹp khiến lòng người trở nên phấn khởi, vui tươi, thay vì sự sợ hãi, chùn bước. Nổi bật giữa bức tranh mùa đông với màu xanh của núi rừng điểm vài chấm đỏ của hoa chuối đó chính là hình ảnh con người trong lao động. Ở đây không phải hình ảnh của các cán bộ chiến sĩ mà là hình ảnh của một người dân Việt Bắc với vẻ đẹp khỏe khoắn và chủ động giữa thiên nhiên rộng lớn. Trên lưng họ lúc nào cũng mang theo một con dao chuyên dụng để mở đường mỗi khi vượt núi băng rừng, tư thế hiên hiên ngang sẵn sàng chinh phục mọi "đèo cao", ánh nắng ấm áp bao phủ càng tô đậm cho hình tượng con người với tinh thần và sức sống mãnh liệt, sẵn sàng chinh phục, làm chủ mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Có thể nói rằng chính bức tranh thiên nhiên mùa đông đã trở thành bức phông nền làm nổi bật lên dáng vẻ mạnh mẽ, tự tin, sinh động của con người Tây Bắc trong lao động và kháng chiến.

Tương tự, sau bức tranh mùa đông, chính là bức tranh Việt Bắc mùa xuân.

Mùa xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Mùa xuân ở Việt Bắc không báo hiệu bằng hoa mai vàng rực rỡ, hay hoa đào hồng ý nhị mà thay vào đó là hình ảnh hoa mơ trắng. Tố Hữu đã thể hiện rõ rệt sự chuyển mùa bằng cách chuyển đổi màu sắc linh hoạt từ một màu xanh thăm thẳm, lạnh lẽo, âm u sang gam màu trắng, dịu dàng tinh tế, vừa trẻ trung vừa khỏe khoắn đúng với cái không khí rộn ràng của mùa xuân trên rẻo cao. Bức tranh thiên nhiên dường như bừng sáng hẳn lên, mang lại cảm giác tươi vui, sự sống qua một đợt đổi mới trở nên thanh khiết và tràn đầy sinh khí. Giữa khung cảnh mùa xuân dịu dàng, hình ảnh con người hiện lên với công việc "đan nón" nhẹ nhàng, thế nhưng lại thể hiện vẻ đẹp tinh tế, khéo léo của con người Tây Bắc trong công việc cần tính nhẫn nại và tỉ mẩn. Sự chuyên chú trong công việc "chuốt từng sợi giang" bộc lộ đức tính cần mẫn và tài hoa của đôi bàn tay những con người miền núi, bức tranh mùa xuân và con người lại càng trở nên hòa hợp và ý nhị.

Qua đông, xuân lại đến hè, mùa hè trên vùng Tây Bắc cũng thể hiện một cách rõ rệt.

Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình

Nếu màu xanh tượng trưng cho mùa đông, màu trắng tượng trưng cho mùa xuân, thì có lẽ không có màu nào khác ngoài màu vàng có thể diễn tả được hết cái sắc hè rõ rệt ở núi rừng Việt Bắc. Mùa hè bắt đầu bằng tiếng ve kêu râm ran, từ tiếng ve kéo theo theo cả "rừng phách đổ vàng", khắp nơi nơi đều tràn ngập trong sắc vàng, nắng vàng, lá vàng, thậm chí đến cả cánh ve, tiếng ve dường như cũng vàng theo. Khung cảnh trở nên sinh động và nhộn nhịp vô cùng, hơn thế nữa chỉ một từ "đổ" thôi cũng diễn tả được cái hè ập đến núi rừng Tây Bắc một cách nhanh chóng và đồng loạt. Nơi đây đã hoàn toàn xa rời cái mùa đông cắt da cắt thịt, cũng lột bỏ hoàn toàn lớp áo trắng tinh khôi thay vào đó là bộ cánh vàng rực rỡ, tươi vui mới mẻ. Khác với phong cảnh núi rừng có vẻ tràn đầy sức sống, rộn ràng, tươi vui thì hình ảnh con người hiện lên lại khá trầm lặng, dịu dàng với "cô em gái hái măng một mình". Sự tương phản ấy cũng tương tự như bức tranh mùa đông trầm buồn làm nổi bật hình ảnh con người khỏe khoắn, tự tin thì ở đây bức tranh nhiệt huyết mùa hè lại làm nổi bật nên hình ảnh lao động cần cù, hi sinh thầm lặng của con người Việt Bắc dành cho kháng chiến. Giọng thơ Tố Hữu trở nên trầm tĩnh, thân thuộc và mang nhiều tình cảm gắn bó tha thiết, thể hiện tấm lòng yêu thương, ân nghĩa sâu nặng với đồng bào nơi đây.

Cuối cùng kết thúc bức tranh tứ bình đặc sắc là bức tranh mùa thu với hình ảnh con người thông qua tiếng hát ân tình, phần này có nhiều nét khác biệt so với các bức tranh đông, xuân, hạ trước đó bởi nó không chỉ là mùa thu mà còn là thời điểm mang nhiều ý nghĩa đặc biệt của cách mạng, của dân tộc.

Mùa thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung

Trái ngược với khung cảnh ban ngày sáng rõ với ánh nắng mặt trời ấm áp thì mùa thu lại hiện lên trong khung cảnh ban đêm với ánh trăng dịu hiền, thanh mát. Hình ảnh vầng trăng mang nhiều ý nghĩa biểu trưng, đó có thể hoài niệm về những đêm dài thức trắng đợi giặc, bầu bạn cùng với trăng trong: "Đêm nay rừng hoang sương muối/Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/Đầu súng trăng treo". Rồi vầng trăng tròn vành vạnh soi sáng đất nước và núi rừng Tây Bắc cũng là biểu hiện cho sự sum họp, ấm no, hạnh phúc, trăng cũng là biểu tượng của sự thủy chung tình nghĩa, chẳng phải từ cổ chí kim người ta vẫn thường lấy trăng làm minh chứng cho sự thề nguyền gắn bó hay sao? Đặc biệt trong bức tranh mùa thu con người không còn hiện lên với hình ảnh chuyên chú lao động, mà thay vào đó "tiếng hát hát ân tình thủy chung" đã gợi lên sự luyến tiếc, bịn rịn của những con người Việt Bắc trước giờ phút chia ly sau gần mười năm gắn bó keo sơn tựa ruột thịt, cùng chia ngọt sẻ bùi trong chiến đấu với các cán bộ cách mạng. Không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp của bức tranh mùa mùa thu mà Tố Hữu còn có dụng ý sâu xa khi để mùa thu là sự kết thúc của tranh tứ bình. Nếu đối chiếu theo từng giai đoạn lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp những năm 1946 - 1954 thì mùa đông chính là thời điểm cuộc kháng chiến bắt đầu, với nhiều khó khăn thử thách, quân dân ta còn gặp nhiều khó khăn trắc trở, mùa xuân biểu trưng cho giai đoạn ta đã bắt đầu quen dần với hoàn cảnh kháng chiến khắc nghiệt, niềm tin, niềm hy vọng vào chiến thắng dần trở nên lớn mạnh, để mùa hè chính là giai đoạn kháng chiến ác liệt nhất, có vai trò quyết định đối với lịch sử dân tộc. Và cuối cùng mùa thu năm 1954 kháng chiến kết thúc thắng lợi vẻ vang, hòa bình lặp lại, mùa thu có thể nói chính là mùa thu trái ngọt sau bao tháng ngày vất vả trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ.

Đoạn trích chỉ ngắn gọn mười câu thế nhưng thông qua đó hình ảnh con người và thiên nhiên Việt Bắc đã được Tố Hữu tái hiện rất sinh động bằng ngòi bút tỉ mỉ và đôi mắt tinh tường với nhiều dáng vẻ khác nhau, mỗi dáng vẻ lại là một nét đẹp đặc sắc của người và cảnh. Làm nên thành công của bức tranh tứ bình không chỉ ở phần nội dung thơ mà còn có sự đóng góp rất lớn của phong cách trữ trình chính trị kết hợp nhuần nhuyễn với yếu tố văn học đậm đà bản sắc dân tộc, bằng thể thơ lục bát truyền thống, bằng bút pháp gợi tả chấm phá cổ điển. Không chỉ vậy giọng điệu và ngôn ngữ thơ còn thấm đẫm ân tình thủy chung, rất đỗi truyền cảm và thân thuộc dễ dàng đi sâu vào lòng người đọc. Có thể nói rằng nhà thơ Tố Hữu xứng đáng có thêm một danh hiệu khác ấy là "ông hoàng của thơ tình yêu lãng mạn cách mạng".

----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------

VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA
NONE
OFF