OPTADS360
NONE
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân - Ngữ văn 12


Nội dung của bài học Người lái đò sông Đà giúp các em nhận rõ và yêu quý hơn vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và con người lao động Việt Nam. Cảm phục, mến yêu tài năng sáng tạo của Nguyễn Tuân, người nghệ sĩ uyên bác, tài hoa đã dùng văn chương để khám phá và ca ngợi vẻ đẹp của nhân dân và Tổ quốc. Ngoài ra, HỌ247 mời các em xem thêm video bài giảng của cô Phan Thị Mỹ Huệ. Bài giảng được trình bày một cách chi tiết, dễ hiểu và dễ ghi nhớ giúp các em thuận tiện hơn trong quá trình tiếp thu bài học. Mời các em cùng theo dõi!

ADMICRO/lession_isads=0
 
 

Tóm tắt bài

2.1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả Nguyễn Tuân

  • Sinh ngày: 10-07-1910.
  • Quê quán: Hà Nội.
  • Là con của một gia đình công chức.
  • Thời niên thiếu ông được đi nhiều nơi, tham gia chống người Pháp, từng làm thư kí nhà máy đèn.
  • Năm 1930, ông bắt đầu viết văn làm báo. Năm 1937, ông chuyên tâm viết văn.
  • Những tác phẩm tiêu biểu: Vang bóng một thời, Những chuyến đi,…

b. Tác phẩm Người lái đò sông Đà

  • Người lái đò sông Đà là một áng văn trong tùy bút sông Đà (1960).
  • Tác phẩm là thành quả của nhà văn trong chuyến ông đi tới Tây Bắc tìm kiếm chất vàng thử lửa của thiên nhiên Tây bắc đặc biệt là chất vàng mười đã qua thử lửa ở tâm hồn con người lao động chiến đấu trên miền sông núi Tây Bắc hùng vĩ và thơ mộng.
  • Tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của nhà văn sau cách mạng tháng Tám.

2.2. Đọc - hiểu văn bản

a. Vị trí đoạn trích

  • Phần giữa của tác phẩm Người lái đò Sông Đà.
  • Tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám 1945.

b. Bố cục đoạn trích: chia làm hai phần

  • Phần một: khắc nổi tính cách “hung bạo” của con sông Đà và ngợi ca phẩm chất trí dũng, tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò.
  • Phẩn hai: miêu tả vẻ đẹp trữ tình của sông Đà, qua đó thể hiện lòng yêu thiên nhiên đất nước của nhà văn.

c. Hình tượng “nhân vật” sông Đà

  • Khái quát hình tượng sông Đà
    • Nhân vật sông Đà = tâm hồn nhà văn + sông Đà
    • Sông Đà mang hai tính cách hung bạo và trữ tình.
  • Hình tượng con sông Đà hùng vĩ và hung bạo
    • Con sông Đà hùng vĩ đến dữ dội
      • “Cảnh bờ sông dựng vách thành” chẹt lấy dòng sông hẹp.
      • Con sông dữ dội, đá bờ sông “dựng vách thành” và “lúc đúng ngọ mới có mặt trời” diễn tả được độ cao và cái lạnh lẽo, âm u của những khúc sông có đá dựng thành vách. 
      • Chỗ “vách đá…như một cái yết hầu” -> khắc họa sự hiểm trở bằng thủ pháp so sánh.
      • Cái xoáy nước: nhà văn dùng một thứ văn “cheo leo” “trên cái mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ những cánh quạt đàn”.
    • Con sông Đà hung bạo
      • Con sông Đà như một loài thuỷ quái khổng lồ khôn ngoan, nham hiểm, hung ác, sẵn sàng chặn đánh, tiêu diệt con người:
        • Đầy mưu mô: khi ẩn nấp mai phục, đánh du kích, khi quay vòng trở lại, khi xông vào đánh tới tấp,…
        • Nhà văn quan sát thật tinh xác và phát huy sức mạnh điêu khắc của ngôn từ nghệ thuật mà truyền sự sống cho những hòn đá vô hồn trên sông.
      • Bằng so sánh và nhân hóa con sông càng ghê gớm và độc ác với “cái hút nước” lúc thở, lúc kêu, lúc sặc, ặc ặc lên.
      • Đá sông Đà như tên lính thủy hung tợn, trông ngỗ ngáo, nhăn nhúm…với những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm, sẵn sàng giao chiến.
      • Tiếng sóng thác là tiếng thét của thiên nhiên bừng bừng phấn khích mạnh mẽ và man dại “nó rống lên … da cháy bùng bùng”.
      • Sông Đà “thành ra diện mạo và tâm địa của một thứ kẻ thù số một” sẵn sàng cướp đi mạng sống con người, có tâm địa ác độc như dì ghẻ.
      • Nguyễn Tuân đã nhân cách hóa con sông, như một sinh thể dữ dằn, gào thét với các âm thanh ghê sợ: oán trách, van xin, khiêu khích, chế nhạo, rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn…
  • Tính cách trữ tình của nhân vật sông Đà
    • Liên tưởng bất ngờ kì thú. Dòng sông như mái tóc của người đàn bà kiều diễm.
    • Con sông được nhìn qua mây mùa xuân, nắng mùa thu để rồi cảm nhận sắc nước thai đổi theo mùa: xuân xanh ngọc bích, thu thì lừ lừ chín đỏ…
    • Hình ảnh dịu dàng trong sáng, gợi cảm đầy chất thơ.

d. Hình tượng người lái đò sông Đà

  • Người lái đò trí dũng – người anh hùng
    •  Đây là cuộc chiến không cân sức:
      • Sông Đà dữ dội và hiểm độc: trùng trùng lớp lớp dàn trận bủa vây; hợp sức nhiều thế lực: sóng, nước, đá, gió,…
      • Con người: bé nhỏ, vũ khí chỉ là chiếc cán chèo trên con đò đơn độc.
    • Kết quả trận chiến: con người chiến thắng sức mạnh thần thánh của tự nhiên.
      • Con người cưỡi lên thác ghềnh, xé toang hết lớp này đến lớp kia của trùng vi thạch trận; đè sấn được sóng gió, nắm chặt cái bờm sóng mà thuần phục sự hung hãn của dòng sông.
      • Những thằng đá tướng phải lộ sự tiu nghỉu, thất vọng qua bộ mặt xanh lè. 
    • Ngòi bút Nguyễn Tuân như một máy quay phim ghi lại những trường đoạn hồi hộp, gay cấn, căng thẳng của cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên này.
  • Người lái đò – con người tài hoa nghệ sĩ
    • Xử lí tình huống nguy hiểm một cách tài hoa chính xác, thông minh, táo bạo và tài tử đến kì diệu.
      • Ông lái đò “cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như cưỡi hổ”.
      • Ông nhớ mặt bọn đá tướng, quân đá nên táo bạo “rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến lên”.
      • Ông rất tài tình và rất nghệ thuật khi lèo lái con thuyền.
    • Sau khi vượt thác ông lai ung dung “đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam, bàn tán về cá anh vũ”. Chẳng ai thèm bàn thêm một lời nào về cuộc chiến đấu.

e. Nghệ thuật

  • Lối ví von độc đáo, bất ngờ, chính xác.
  • Chi tiết chân thực và hóm hỉnh.
  • Cách viết phóng túng, ngôn ngữ điêu luyện.
  • Sự hiểu biết khoa học cặn kẽ, sức tưởng tượng phong phú, cảm xúc sâu lắng. Đặc biệt là lòng yêu thương và tự hào về con người và đất nước.
VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA

Bài tập minh họa

Ví dụ 1:

Phân tích hình tượng ông lái đò trong đoạn trích Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.

Gợi ý làm bài:

a. Mở bài

  • Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và hình tượng ông lái đò.

b. Thân bài

  • Ông lái đò – một nghệ sĩ tài hoa
    • Ông lái đò có tính cách phóng khoáng, thích đối mặt với thử thách, mạo hiểm, gian nguy.
    • Ông nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá như một nghệ sĩ điêu luyện, cao cường.
    • Cuộc băng ghềnh, vượt thác ngoạn mục đã khẳng định vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của một “tay lái ra hoa”:
      • Vòng vây thứ nhất, sông Đà bày ra nhiều cạm bẫy. Ông lái đò bị sóng thác đánh miếng đòn độc hiểm. Nhưng bằng tinh thần dũng cảm, ông đã tỉnh táo chỉ huy sáu mái chèo, chiến thắng trùng vi thạch trận đầy nguy hiểm.
      • Vòng vây thứ hai, sông Đà đã thay đổi chiến thuật. Ông lái đò đã nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, xác định đúng cửa sinh và chiến thắng thằng đá tướng đứng chiến ở cửa giữa.
      • Vòng vây thứ ba, sông Đà tiếp tục thay đổi chiến thuật, bên phải bên trái đều là cửa tử. Ông lái đò phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa. Thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hoi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được.Thế là hết thác.
  • Ông cũng là một người lao động bình thường
    • Ông lái đò sinh ra bên bờ sông Đà và gắn bó với nghề sông nước như bao người lái đò khác nơi thượng nguồn sông Đà khuất nẻo.
    • Đời sống tâm hồn giản dị: không nói nhiều về chiến công; dù đi đâu cũng luôn nhớ về nương ruộng, bản mường.
  • Nghệ thuật thể hiện
    • Ngôn ngữ phong phú, sáng tạo, hài hoa, kết hợp kể với tả nhuần nhuyễn và đặc sắc, nghệ thuật khắc họa nhân vật độc đáo, sáng tạo.
    • Bút pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, liên tưởng độc đáo, thú vị; vận dụng tri thức của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật góp phần miêu tả cuộc chiến hào hùng và khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật.

c. Kết bài

  • Qua cảm nhận hình tượng ông lái đò, có thể thấy, ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa trên sông nước, đồng thời, cũng là một người lao động giản dị bình thường. Vẻ đẹp của ông lái đò tiêu biểu cho vẻ  đẹp của người dân lao động vùng Tây Bắc tổ quốc.

Ví dụ 2:

Phân tích hình ảnh sông Đà, con sông Tây Bắc hung bạo mà trữ tình.

Gợi ý làm bài:

a. Mở bài

  • Giới thiệu khái quát vài nét về tác giả, tác phẩm và hình tượng con sông Đà.

b. Thân bài

  • Sông đà "hung bạo"
    • Cái hung bạo của sông Đà không chỉ ở những con thác, mà còn ở quang cảnh hùng vĩ với vẻ huyền bí, hoang sơ của dòng sông chảy giữa điệp trùng rừng núi Tây Bắc.
      • Cảnh đá bờ sông dựng vách thành, chỉ khi nào đến giữa trưa, mặt trời rọi đúng đỉnh đầu, chỗ ấy mới có ánh nắng.
      • Có chỗ vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hấu.
      • Ấn tượng về độ cao và thẳng của vách đá bờ sông và dòng chảy nhỏ hẹp càng được tô đậm thêm qua một chi tiết tiêu biểu và lối liên tưởng bất ngờ, thiên nhiên hoang sơ gần với đời sống hiện đại của con người: Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hề một cái ngõ mà... ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào từ cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện.
      • Vách thành dựng đứng gợi lên sự hiểm trở, hùng vĩ, lòng sông hẹp lại gián tiếp gợi được sức chảy ghê gớm, dữ dằn của thác lũ.
    • Tính chất hung bạo còn thể hiện qua cái dữ dằn của ghềnh sông với sự hợp sức của gió, của sóng và của đá.
    • Hung bạo hơn nữa là những cái hút nước khủng khiếp: trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bêtông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu
    • Sông Đà còn hung bạo ở những thác nước. Nhiều thác nước như bày sẵn thế trận, sẵn sàng chặn đánh, tiêu diệt người lái đò, lái mảng, đặc biệt đối với những ai xuôi dòng, ở những nơi này, sông Đà được mô tả như có cả một bầy thủy quái vừa hung hăng, bạo ngược, vừa nham hiểm, xảo quyệt. .
  • Sông Đà "trữ tình"
    • Để khắc họa tính trữ tình, dịu dàng của dòng sông, trước hết, Nguyễn Tuân miêu tả sông Đà một cách bao quát bằng một câu văn đầy hình ảnh và nhịp điệu:
      • Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, dầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.
      • Có thể coi đây là một bức tranh tổng thể về sông Đà, lúc đầu chảy ngoằn ngoèo giữa điệp trùng núi đá và dại ngàn Tây Bắc; nhưng khi về dần đến miền trung du, Đà giang chảy êm ả thẳng dòng.
    • Tác giả ngắm nhìn sông Đà ở nhiều thời gian, nhiều không gian khác nhau. Với tình cảm trìu mến thiết tha, nhà văn đã phát hiện được một cách tinh tế màu sắc của dòng sông biến đổi theo từng mùa.
      • Xuân về, Đà giang xanhngọc bích, tức là màu xanh rất đẹp: vừa trong xanh lại vừa óng ánh, chứ không xanh như màu xanh canh hến.
      • Khi thu sang, nước sông Đà chuyển thành màu lừ lừ chín đỏ...
    • Tác giả dành những đoạn văn hay nhất tả cảnh vật ven sông Dà. Để tôn thêm tính trữ tình của dòng sông, nhà văn sử dụng nhiều hình ảnh trong sáng gợi cảm và đầy chất thơ.
      • Nhịp điệu câu văn lúc thì hối hả, mau lẹ do cách ngắt câu và diễn đạt theo lối điệp -> diễn tả niềm sung sướng đang trào dâng trong lòng tác giả;
      • Lúc thì chậm rãi, như tãi ra -> diễn tả cái vắng lặng rất nên thơ của con sông.

c. Kết bài

  • Khái quát lại tính chất hung bạo, trữ tình của sông Đà.
ADMICRO

4. Soạn bài Người lái đò sông Đà

Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân kể về người lái đò, một người nghệ sĩ tài hoa trên sông nước nhưng đồng thời cũng là một người lao động giản dị bình thường. Để cảm nhận được sự hấp dẫn cũng như nắm được nội dung của tác phẩm, các em có thể tham khảo bài soạn Người lái đò sông Đà.

5. Hỏi đáp về văn bản Người lái đò sông Đà

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

6. Một số bài văn mẫu về Người lái đò sông Đà

Người lái đò sông Đà là tùy bút hay của Nguyễn Tuân, cái hay, cái tài của nhà văn Nguyễn Tuân không chỉ dừng lại ở việc miêu tả, tái hiện hình ảnh con người - ông lái đò Lai Châu mà còn thể hiện rất rõ, vô cùng sâu sắc qua hình tượng thiên nhiên được tác giả dày công miêu tả. Để lập được dàn ý và viết bài văn hoàn chỉnh về tác phẩm này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:

-- Mod Ngữ văn 12 HỌC247

NONE
OFF