Học247 mời các em cùng tham khảo tài liệu Tổng hợp những đoạn văn về văn bản Thánh Gióng - tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước dưới đây. Với tài liệu này, các em sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng đối với dân tộc ta. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Thánh Gióng- tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước.
1. Đoạn văn mẫu số 1
Đề bài: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 4 - 5 dòng) về hình tượng Thánh Gióng, trong đó có sử dụng thành ngữ "độc nhất vô nhị".
Gợi ý làm bài:
Thánh Gióng là hình tượng độc nhất vô nhị về lòng yêu nước của văn học Việt Nam. Thánh Gióng được xây dựng với yếu tố hoang đường kì ảo cùng mong muốn của nhân dân. Gióng mang trong mình sức mạnh của nhân dân, lớn lên từ tình yêu nước của nhân dân. Gióng hoàn thành nhiệm vụ và mơ ước lớn nhất của nhân dân là đánh trận bảo vệ đất nước. Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, nhân dân ta đưa hình ảnh Thánh Gióng vào cõi bất tử, cõi thiêng liêng. Tuy vậy, vẫn xuất hiện rất nhiều những vết tích, dấu ấn của Gióng tại hạ thế được nhân dân truyền nhau lưu giữ. Không chỉ lưu giữ hình ảnh Thánh Gióng, nhân dân còn đang lưu giữ truyền thống yêu nước của dân tộc mình.
2. Đoạn văn mẫu số 2
Đề bài: Em hãy viết đoạn văn tóm tắt văn bản Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước.
Gợi ý làm bài:
Thánh Gióng là tác phẩm tập trung cho chủ đề đánh giặc cứu nước. Mẹ Gióng có thai Gióng không bình thường. Bà ướm chân mình vào vết chân khổng lồ rồi mang thai, mang thai mười hai tháng rồi mới sinh nở. Sự sinh nở thần kì này vẫn thường thấy trong truyện dân gian. Ba năm, Gióng không nói không cười, chỉ nằm im lặng. Tiếng nói đầu tiên cất lên lại là tiếng nói đòi đi đánh giặc. Sức mạnh của Thánh Gióng được nuôi dưỡng từ những cái bình thường giản dị. Giặc đến, cậu bé vươn vai biến thành tráng sĩ đánh tan quân giặc. Gióng đánh giặc bằng cả cỏ cây đất nước. Nhân dân yêu mến đã để Gióng bất tử hóa với non sông, đất nước. Chiến công của Gióng đã để lại cho quê hương nhiều chứng tích như. Tất cả như muốn minh chứng rằng câu chuyện có thật, làm mọi người tin vào truyền thống giữ nước của dân tộc.
3. Đoạn văn mẫu số 3
Đề bài: Truyện “Gióng” của Lê Minh Hà cũng là một cách tiếp nhận và diễn giải truyền thuyết Thánh Gióng của dân gian. Anh (chị) hãy viết một bài văn nêu suy nghĩ của mình về tâm trạng của mẹ Gióng trong truyện “Gióng”.
Gợi ý làm bài:
Những lời ru ngọt ngào “Gióng ơi Gióng à, Gióng à Gióng ơi” như cứa vào tim gan người đọc. Hình ảnh người mẹ thương nhớ con thật chua xót. Ở tác phẩm này, Lê Minh Hà tập trung miêu tả tâm lý nhân vật mẹ Gióng, những nỗi khổ ải đớn đau mà người mẹ phải chịu đựng. Mẹ thương Gióng bé bỏng mà không có tình yêu thương của cha, lên ba mà không biết nói biết cười như những đứa trẻ khác. Quãng thời gian đó dù có phải đối mặt với sự gièm pha, dị nghị của hàng xóm láng giềng, hay dù có nghèo khổ đến đâu mẹ cũng vì con mà chịu đựng. Hai mẹ con cứ thế nương tựa vào nhau, chỉ cần nhìn thấy Gióng là mẹ thấy thật hạnh phúc và bình yên. Rồi một ngày giặc giã xâm lăng, quan quân triều đình đến làng chiêu mộ người đi đánh giặc, mẹ cũng đến xem rồi nghĩ: “đã đến lúc phải cất gánh lên vai chạy giặc rồi”. Thế nhưng thời khắc của Gióng đã đến, mẹ sững sờ, me không dám tin đứa con ba tuổi của mình cất tiếng nói xin đi đánh giặc. Giặc giã, quan quân mẹ chẳng sợ, mẹ lại rụng rời chân tay khi thấy con mình biến thành chàng trai khỏe đẹp, mẹ bàng hoàng. Lúc này, tâm trạng của mẹ rối bời, tự hào nhưng xen lẫn đau đớn xót xa. Sự chuyển biến tâm lý của đám đông từ dị nghị sang thán phục, ngưỡng mộ. Mẹ Gióng dù tự hào nhưng vì bà là một người mẹ nên mẹ nào mà chẳng xót con, tại sao con mình chỉ là đứa trẻ ba tuổi đã phải đi đánh giặc. Đối với mẹ, Gióng chỉ là một đứa trẻ thơ dại chưa trải sự đời, vừa lớn lên đã đi đánh giặc, nào có biết tình yêu của cha là gì, nào có bóng hồng để mà ngoái trông. Gióng chỉ có mẹ, mẹ đau lòng, xót xa khi chưa dạy con được nhiều đã phải rời xa con. Ngày nước non thanh bình, giặc giã tan hoang, ngựa sắt đưa Gióng trở về làng, mẹ ào ra rồi sựng lại, mẹ bắt gặp bao ánh mắt chen chúc nhau sau cây lá, những đôi mắt mừng rỡ biết ơn. Mẹ thấy con trai mẹ vẫn vậy, vẫn nói cười dù mặt mũi sạm khói và mệt mỏi. Truyền thuyết Thánh Gióng mà chúng ta biết chỉ miêu tả Gióng đánh trận xong thì ngựa sắt hí vang đưa Gióng bay lên trời, còn trong truyện “Gióng”, người mẹ đã cho chúng ta thấy những gì khuất lấp đằng sau cái vẻ vang oai hùng ấy là một Gióng bối rối, mệt mỏi buồn bã...những điều mà truyền thuyết đã không kể tới. Mẹ chính là người đã giục Gióng đi, mái nhà đơn sơ của mẹ không đủ cao cho Gióng cúi đầu trai trẻ bước vào, Gióng thuộc về đất trời kia, thuộc về thần thánh. Vết chân ngựa sắt để lại thành nhiều ao hồ trên quê hương Gióng, mẹ nhìn thấy đó mà ngày ngày nhớ thương.
4. Đoạn văn mẫu số 4
Đề bài: Viết một đoạn văn nêu ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng.
Gợi ý làm bài:
Thánh Gióng là hình tượng tiêu biểu của người anh hùng chống giặc ngoại xâm, là tượng đài vĩnh cửu cho tinh thần yêu nước chiến đấu của nhân dân ta. Chàng được sinh ra từ một người mẹ nông dân nghèo, điều này chứng tỏ Gióng sinh ra từ nhân dân, do nhân dân nuôi dưỡng. Gióng đã chiến đấu bằng tất cả tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của nhân dân. Sức mạnh của Gióng không chỉ tượng trưng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn dân, đó còn là sức mạnh của sự kết hợp giữa con người và thiên nhiên, bằng cả vũ khí thô sơ (tre) và hiện đại (roi sắt). Từ truyền thống đánh giặc cứu nước, nhân dân ta đã thần thánh hóa những vị anh hùng trở thành những nhân vật huyền thoại, tượng trưng cho lòng yêu nước, sức mạnh quật khởi. Bên cạnh giá trị biểu tượng, tác phẩm cũng có một số sự thật lịch sử. Thời kỳ lịch sử được phản ánh trong tác phẩm là thời đại Hùng Vương. Trên cơ sở một nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước đã khá phát triển, người dân Văn Lang đã tạo nên cả một nền văn minh rực rỡ, đồng thời cũng luôn luôn phải chống giặc ngoại xâm phương Bắc để bảo vệ đất nước. Bên cạnh việc cấy trồng lúa nước, nhân dân thời bấy giờ đã có ý thức chế tạo vũ khí chống giặc từ chất liệu kim loại (bằng sắt). Truyền thuyết cũng phản ánh: trong công cuộc chống ngoại xâm, từ xa xưa, chúng ta đã có truyền thống huy động sức mạnh của cả cộng đồng, dùng tất cả các phương tiện để đánh giặc. Chiến công của Gióng đã để lại cho quê hương, xứ sở nhiều chứng tích địa danh, sản vật...Tất cả những chứng tích ấy như một viện bảo tàng tự nhiên, là minh chứng cho những công lao chiến thắng ngoại xâm của Gióng, khiến cho Gióng trở thành tượng đài vĩnh cửu bất diệt.
5. Đoạn văn mẫu số 5
Đề bài: Qua hình tượng Thánh Gióng, em hãy viết bài văn nghị luận về tinh thần yêu nước của nhân dân ta (khoảng 200 từ).
Gợi ý làm bài:
Từ ngàn đời nay, nhân dân Việt Nam luôn có một lòng nồng nàn yêu nước. Vậy tinh thần yêu nước là gì? Là cảm xúc, tình cảm, tinh thần yêu thương, tích cực về quê hương, đất nước hay cội nguồn của một cá nhân hay tập thể, trong đó quê hương có thể là một vùng, một thành phố hoặc là cả một quốc gia dân tộc. Yêu nước, sẵn sàng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc là những hành động vô cùng ý nghĩa. Trong lịch sử, rất nhiều vị anh hùng vĩ đại đã chứng tỏ tinh thần yêu nước to lớn, là đại diện tiêu biểu của dân tộc ta, như: Thánh Gióng, Bà Trưng, Bà Triệu, Hưng Đạo đại vương, Lê Lợi, Quang Trung… Họ là những người sẵn sàng xả thân cứu nước, dùng tất cả trí tuệ và sức lực của họ để bảo vệ bờ cõi. Để rồi đến hiện tại, tinh thần yêu nước đó lại tiếp tục được phát huy. Từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng, trẻ thơ… ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Nam nữ nông dân và công nhân hăng hái tăng gia sản xuất. Hay những y bác sĩ đang ngày đêm gồng mình chiến đấu chống giặc covid lây lan, những nhà hảo tâm sẵn lòng quyên góp giúp đỡ những người gặp khó khăn trong hoàn cảnh dịch bệnh… Họ đều là những tấm gương sáng đáng để noi theo, để học tập. Thế mới thấy tinh thần yêu nước luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay nghề nghiệp, giai cấp. Một đất nước dân tộc mà ai cũng tràn đầy tình yêu thương với đồng bào, sục sôi tinh thần yêu nước thì sẽ trở thành một đất nước hưng thịnh, phát triển nhà nhân văn. Tinh thần yêu nước giúp con người gắn kết gần nhau hơn, chúng ta có thể xa nhau bởi khoảng cách nhưng chúng ta luôn là những người anh em cùng chung dòng máu dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những con người có tinh thần yêu nước sâu sắc thì còn có những thành phần sống vô tâm, ích kỉ, không có tinh thần xây dựng bảo vệ đất nước. Họ chỉ biết nghĩ cho bản thân, thấy nguy hiểm là chạy trốn, thấy đồng bào gặp nạn mà không cứu giúp… đó là những thành phần đáng lên án và chê trách. Với tư cách là một học sinh còn ngồi trong ghế nhà trường, em luôn ý thức được sứ mệnh và trách nhiệm của bản thân. Là công dân của đất nước Việt Nam, em tự hứa sẽ luôn học tập chăm chỉ, rèn luyện không ngừng để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024125 - Xem thêm