Kể chuyện tưởng tượng được gặp Thánh Gióng là một trong những đề bài thường gặp khi các em viết bài văn kể chuyện tưởng tượng. Với hệ thống bài văn mẫu và dàn bài chi tiết, Học247 đã biên soạn giúp các em một tư liệu tham khảo khi thực hành viết bài văn kể chuyện tưởng tượng. Chi tiết bài văn mẫu, các em có thể tham khảo dưới đây. Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Kể về tâm sự của cuốn sách bị bỏ quên.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Hôm vừa rồi khi đang ngủ em có gặp một giấc mơ rất kì lạ.
b. Thân bài:
- Trong giấc mơ em đang đi lang thang trên một miền đất lạ, nơi đây em chưa từng đến.
- Hỏi người dọc đường thì mới biết đây là làng Gióng.
- Em tìm đến đền thờ của người anh hùng Thánh Gióng để thắp lên nén nhang tưởng niệm người.
- Đang thắp nhang cầu nguyện thì bỗng có một vệt sáng từ trên bầu trời dần tiến đến phía em.
- Trước mắt em là một người khổng lồ và dũng mãnh, cao lớn vô cùng. Người mặc áo giáp sắt, đầu đội chiếc mũ sắt cứng cáp, cưỡi một con ngựa sắt oai hùng,..
- Cuộc trò chuyện giữa em và Thánh Gióng.
c. Kết bài:
- Những lời người nói trong giấc mơ là hành trang cho em nỗ lực từng ngày, từng ngày cố gắng chăm chỉ học hành, cố gắng phấn đấu hơn nữa. Một cuộc gặp gỡ vô cùng ấn tượng mà có lẽ em mãi sẽ chẳng bao giờ quên được.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy kể về giấc mơ em được gặp người anh hùng Thánh Gióng.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Trẻ em trên đất nước ta đều muốn làm tráng sĩ như Thánh Gióng. Em cũng thích câu chuyện về vị Phù Đổng Thiên Vương này và thỉnh thoảng lại kể lại cho em trai em nghe. Cu cậu nghe đi nghe lại câu chuyện này có khi đến hàng trăm lần mà vẫn chưa chán và luôn hỏi: “Chị ơi tại sao Thánh Gióng vươn vai một cái là thành tráng sĩ mà sáng nào em cũng vươn vai mấy lần nhưng vẫn bé tí thế này?”. Em chỉ cười đáp: “Bao giờ gặp Thánh Gióng chị sẽ hỏi cho”. Không ngờ, em đã gặp này trong mơ và được nghe những lời khuyên hết sức bổ ích. Em vẫn nhớ mãi về giấc mơ này.
Trong mơ, em thấy mình đang ở một ngôi làng nhỏ, ngôi nhà bên cạnh em im ắng lạ thường. Em định gõ cửa thì thấy một điều kì lạ xảy ra: tay em xuyên qua cánh cửa. em bèn bước vào. Rồi em nhìn thấy một bà mẹ đang ngồi cạnh cái nôi trong có đứa bé. Lúc đầu, em không biết đó là ai nhưng sau đó em biết là Thánh Gióng lúc nhỏ khi người mẹ than thở: “Trời ơi, sao tôi khổ thế này? Chúng tôi chỉ có một đứa con trai nhưng đã lên ba tuổi mà vẫn chưa biết nói!”
Đúng lúc đó, cậu bé bật đứng dậy, đòi mẹ gọi sứ giả vào. Cậu xin sứ giả roi sắt, ngựa sắt, giáp sắt để lên đường ra trận đánh giặc. Bà con hàng xóm láng giềng giúp đỡ cậu bằng cách góp cơm gạo, quần áo cho cậu, tiễn cậu đến tận cổng làng.
Em quan sát sự phi thường của Thánh Gióng khi người ra chiến trận đánh giặc, thầm phục ngài vì đã dùng hết sức lực của mình để cứu nước. Dường như dòng máu yêu nước đã chảy trong ngài là một cậu bé lên ba.
Khi Thánh Gióng đánh thắng quân giặc, ngài cởi áo giáp, chuẩn bị bay về trời thì em chạy đến. Khi bắt gặp ánh mắt khó hiểu của em, Thánh Gióng lên tiếng:
- Cháu có điều gì muốn hỏi ta phải không?
- Dạ vâng ạ! - Em đáp - Ngài làm thế nào mà lại có sức mạnh phi thường như vậy ạ?
- À, đó là do rất nhiều điều. Thứ nhất, ta không chỉ là con của nhân dân Văn Lang vĩ đại mà còn là con của thần thánh. Ta đã lớn lên tại đất Việt, ta biết ơn bố mẹ ta và những người láng giềng tốt bụng, luôn luôn sẻ chia, giúp đỡ nhau.
Thứ hai, hãy luôn về phe chính nghĩa thì cháu sẽ luôn chiến thắng. Đứng về phe ác. Ở đó, cháu sẽ bị nhiễm thói xấu xa, độc ác. Thứ ba, hãy chăm tập luyện, vận động và giữ vững sự khỏe khoắn cả về thể xác lẫn tinh thần. Hãy giữ cho tâm hồn mình thật trong sạch.
Và điều cuối cùng: Cháu thử xem ai đã cho ta cái ăn, cái mặc? đó là nhân dân. Nhưng nếu chỉ một người thì chắc ta sẽ không bao giờ được như thế này. Phải có sự đoàn kết, cháu ạ. Và đoàn kết là sức mạnh phi thường nhất, cũng là chìa khóa của thành công. Hãy ghi nhớ lời ta. Kết hợp cả bốn điều trên, ta sẽ có sức mạnh vô song, không ai địch nổi. Hãy nhớ nhé!
Em chưa kịp nói lời cảm ơn thì “Reeng… Reeng…”, cái đồng hồ báo thức kêu lên. Em ngẫm nghĩ về lời khuyên của Phù Đổng Thiên Vương và thấy nó thật là có ích. Bắt đầu từ hôm nay, em sẽ áp dụng những lời khuyên của ngài vào cuộc sống.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Buổi tối hôm qua, như thường lệ, em chuẩn bị bài cho ngày hôm sau. Cô giáo dạy Ngữ văn dặn là phải đọc văn bản trước, phân tích và trả lời câu hỏi của bài học Thánh Gióng. Khi đi ngủ, em vẫn suy nghĩ về từng chi tiết của bài văn. Em thiếp đi lúc nào không biết.
Bỗng một tiếng nói rất lạ vang lên:
- Xin chào người bạn nhỏ!
Em mở mắt, chợt thấy một chàng trai trẻ to lớn, mặc bộ quần áo được làm bằng sắt, nhìn em mỉm cười. Em chưa kịp hỏi gì thì chàng đó đã tự giới thiệu:
Ta là Thánh Gióng, người đã đánh đuổi giặc Ân. Ta đang đi tìm hiểu xem dân tình sinh sống ra sao.
Em chớp mắt rồi hỏi:
- Thánh Gióng nào? Có phải là Thánh Gióng thời Hùng Vương thứ sáu không?
Thấy em còn nhớ, chàng tươi cười đáp:
- Đúng đó! Chú em còn nhớ tên ta, giỏi quá!
Em lấy làm lạ, thời vua Hùng cách đây đã mấy nghìn năm, sao Thánh Gióng còn sống mà đến đây được nhỉ?
Em chưa suy nghĩ xong, thì chàng trai đã bảo:
- Ta vừa ở chỗ các vua Hùng tới đây. Nghe nói dân tình đã sống yên ổn, hoà thuận với nhau nên ta ghé xuống thăm xem thế nào. Chú em có thích được vươn vai để trở thành một tráng sĩ, mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt như ta không?
Em bối rối quá! Đích thị là Thánh Gióng thời vua Hùng thứ sáu rồi. Em liền nói:
- Thưa ngài, thích lắm ạ! Sao em đã cố gắng ăn thật nhiều cơm, tập thể dục, thể thao đều đặn mà mãi chẳng to lớn được như ngài?
Đúng lắm - Thánh Gióng tiếp lời - điều này thì chỉ có những người có sức mạnh phi thường mới làm được mà thôi! Có đúng thế không?
Em nói:
Thưa ngài đúng lắm! Nhân ngài đến, em xin hỏi: Làm thế nào mà ngài vươn vai một cái là có thể biến thành một tráng sĩ, người cao hơn trượng? Người ta bảo ngài sinh ra từ một gia đình nghèo khổ, nhưng có tiếng là phúc đức phải không?
Tráng sĩ nói:
- Do ta căm thù lũ giặc Ân, vì chúng đã xâm chiếm đất đai của nước ta và giết hại dân lành vô tội, ta phải gồng mình lên, phải phát huy hết nội công mối đủ sức tiêu diệt được chúng.
Em thấy Thánh Gióng tỏ ra cởi mở, dễ gần nên đánh bạo hỏi thêm:
- Thấy sách chép rằng: Ngài rất kì lạ, sinh ra được ba năm mà không nói, đến khi sứ giả đi tìm người tài thì ngài mới cất tiếng nói đầu tiên có phải không?
Thánh Gióng bình tĩnh trả lời:
- Đúng là ta đến ba tuổi vẫn không biết nói, nhưng khi giặc Ân đến thì ta căm giận quá mà vươn vai đứng dậy!
“Đúng thật!” - em thầm nghĩ. Em đang định hỏi thêm câu nữa, thì bỗng có ai nói to:
- Dậy thôi, chuẩn bị đi học rồi!
- Em giật mình thức giấc. Thì ra, chỉ là một giấc mơ, giấc mơ thật thú vị.
Trên đường đi học, em lại nghĩ đến Thánh Gióng. Tai em còn văng vẳng lời trò chuyện với tráng sĩ. Thánh Gióng sâu sắc thật. Phải có lòng yêu nước tha thiết mới có thể vươn vai thành người có sức khỏe phi thường để giết giặc. Cả dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi biết ơn Thánh Gióng.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024125 - Xem thêm