OPTADS360
ATNETWORK
RANDOM
ON
YOMEDIA

Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu

12/01/2022 1.09 MB 884 lượt xem 5 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2022/20220112/698395688096_20220112_095322.pdf?r=8174
AMBIENT-ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Bài văn mẫu Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu dưới đây nhằm giúp các em học sinh tài liệu học tập tốt nhất, giúp các bạn cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm, thêm nhiều ý tưởng mới khi viết văn. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Rừng xà nu.

 

 
 

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, và vấn đề cần phân tích.

b. Thân bài:

* Nhân vật Tnú:

- Tnú là tượng đài về hình tượng người anh hùng Tây Nguyên trong nền văn học thời kỳ chống Mỹ cứu nước, mang khuynh hướng sử thi và lãng mạn cách mạng sâu sắc, đặc trưng.

- Cậu bé Tnú đã tỏ ra là một người anh hùng, một mầm non sáng giá của cách mạng khi hăng hái tham gia vào công tác nuôi giấu cán bộ, vận chuyển lương thực, thư từ,…

- Bị giặc bắt giam nhưng Tnú không hề hé rằng lấy nửa lời, kiên trung và thách thức bọn giặc khi chúng hỏi cách mạng ở đâu bằng việc chỉ vào bụng mình mà nói “ở đây này”, sau 3 năm bị bắt giam Tnú tìm mọi cách vượt ngục và trở về làng tiếp tục tham gia làm cách mạng.

- Sự anh hùng của Tnú còn thể hiện trong vai trò với gia đình khi nhảy vào giữa bọn giặc ôm lấy vợ con đang hấp hối, che chở cho họ khỏi đòn roi, một cách đầy bản lĩnh và tràn ngập tình yêu thương.

- Dù lửa thiêu đốt mười đầu ngón tay, đau đớn vào đến tận ruột gan, nhưng Tnú không hề kêu văn lấy một tiếng, trong tâm khảm chỉ hiện lên một câu nói “người cộng sản không thèm kêu van”. Thể hiện sự dũng cảm, tầm vóc phi thường của một người anh hùng.

- Mạnh mẽ đứng lên từ đau thương, tiếp tục tham gia kháng chiến, với mối nợ nước thù nhà và lòng căm thù giặc sâu sắc, dùng chính đôi bàn tay cụt mười đầu ngón của mình bắp cò súng diệt giặc trên chiến trường, thậm chí còn mạnh mẽ dùng tay không bóp chết một tên giặc Mỹ.

* Cụ Mết:

- Dấu gạch nối đậm nét giữa dân làng Xô Man với cách mạng và Đảng, mang trong mình những vẻ đẹp sử thi, truyền thống của dân tộc Tây Nguyên với ngoại hình khỏe mạnh cường tráng, giọng nói ồm ồm và tư chất của một người lãnh đạo một già làng có uy tín.

- Sự anh hùng của cụ thể hiện thông qua quá trình trực lãnh đạo dân làng Xô Man tham gia vào kháng chiến:

+ Ngăn cản Tnú và muốn thay anh vào cứu mẹ con Mai.

+ Ra lệnh cho thanh niên trai tráng xông vào cứu Tnú bằng câu nói đậm chất Tây Nguyên “Chém! Chém hết”, mang đến một trận thắng vang dội đầu tiên cho làng Xô Man, hơn mười tên giặc Mỹ bị chém chết, mở ra một thời kỳ mới thời kỳ chiến đấu sôi nổi của dân làng Xô Man.

- Phẩm chất anh hùng của cụ Mết còn bộc lộ trong tầm nhìn và cách lãnh đạo dân làng kháng chiến của cụ.

- Phát động kháng chiến trong làng bằng một những lời tâm huyết, mạnh mẽ cổ vũ tinh thần của dân làng: “Thế là bắt đầu rồi! ...Đốt lửa lên!”.

- Tấm lòng giác ngộ cách mạng sâu sắc: “Đảng này còn núi nước này còn”, “Chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo”, bộc lộ sâu sắc phẩm chất anh hùng, kiên trung quyết sống chết để bảo vệ từng tấc đất quê hương, giành lại tự do cho dân tộc.

* Tập thể làng Xô Man:

- Cả làng có truyền thống đánh giặc từ lâu đời và nhiệm vụ kháng chiến không phải chỉ riêng của một cá nhân nào mà là của cả một tập thể không phân biệt già trẻ, gái trai.

- Lớp này ngã xuống đã có lớp khác kế cận nối tiếp, tiêu biểu như trong việc nuôi giấu cán bộ cách mạng, những người như anh Xút, bà Nhan hy sinh thì lại có những đứa trẻ như Tnú, Mai, Dít, Heng,... trở thành những người tiếp nối những người con anh hùng sáng giá của cách mạng.

c. Kết bài:

- Nêu cảm nhận chung.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Bằng một bài văn ngắn em hãy phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong tác phẩm Rừng xà nu.

GỢI Ý LÀM BÀI

3.1. Bài văn mẫu số 1

Nguyễn Trung Thành là một cây bút nổi bật trong nền văn học Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ với khuynh hướng sử thi và lãng mạn cách mạng. Quãng thời gian gần chục năm sống và chiến đấu nhiều năm trên chiến trường Tây Nguyên đầy máu và lửa, đã để lại trong ký ức nhà văn nhiều ấn tượng sâu sắc. Đặc biệt sự gắn bó với mảnh đất của rừng xà nu bạt ngàn, cùng với những người anh hùng nơi đây, đã trở thành tư liệu quý giá, là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho Nguyễn Trung Thành, giúp ông tạo ra nhiều tác phẩm văn chương để đời, trong đó nổi bật nhất là Rừng xà nu với những con người mang dòng máu, phẩm chất anh hùng trong kháng chiến.

Phẩm chất anh hùng chính là điểm chung của tất cả những nhân vật xuất hiện trong tác phẩm, những người con làng Xô Man, dù chỉ xuất hiện đôi ba dòng vắn tắt hay xuất hiện dày đặc cả trang truyện, thì ở họ luôn toát lên những khí chất, những phẩm giá đáng quý của con người sinh ra và lớn lên trong thời đại hào hùng của dân tộc. Họ anh hùng theo nhiều cách khác nhau, tham gia kháng chiến dưới nhiều hình thức, nhưng hình dung dung chung ở họ chính là tấm lòng yêu quê hương đất nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, sống và chiến đấu vì lý tưởng cách mạng. Bấy nhiêu đó đã rèn đúc cho họ một phẩm chất anh hùng đáng quý, vừa bắt nguồn từ cội nguồn truyền thống của dân tộc vừa bắt nguồn từ xu hướng của một thời đại máu lửa hào hùng.

Đầu tiên nhân vật mà phẩm chất anh hùng được bộc lộ rõ nhất ấy là Tnú, nhân vật chính của tác phẩm. Có thể nói rằng nhân vật Tnú chính là tượng đài về hình tượng người anh hùng Tây Nguyên trong nền văn học thời kỳ chống Mỹ cứu nước, mang khuynh hướng sử thi và lãng mạn cách mạng sâu sắc, đặc trưng. Ở anh hội tụ đầy đủ các vẻ đẹp và phẩm chất lý tưởng, là đại diện cho cả một cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ. Cuộc đời Tnú sinh ra đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, anh lớn lên trong cái nôi của làng Xô Man, dưới sự chăm sóc đùm bọc của dân làng, và sự dạy dỗ của cụ Mết, của anh Quyết, kế thừa toàn bộ những giá trị truyền thống của dân tộc, bao gồm truyền thống đánh giặc cứu nước và tấm lòng yêu thương quê hương sâu sắc. Chính vì vậy Tnú có sự giác ngộ cách mạng và tìm thấy lý tưởng chiến đấu ngay từ khi còn thơ bé. Cậu bé Tnú đã tỏ ra là một người anh hùng, một mầm non sáng giá của cách mạng khi hăng hái tham gia vào công tác nuôi giấu cán bộ, vận chuyển lương thực, thư từ, trót lọt qua mắt giặc bằng sự gan dạ, dũng cảm và nhanh nhẹn của mình. Cho đến một lần bị giặc bắt giam chúng nó liên tục tra tấn, bức cung nhưng Tnú không hề hé rằng lấy nửa lời, kiên trung và thách thức bọn giặc khi chúng hỏi cách mạng ở đâu bằng việc chỉ vào bụng mình mà nói “ở đây này”.

Thế rồi với lý tưởng cách mạng, sự dũng cảm, mưu trí sau 3 năm bị bắt giam Tnú tìm mọi cách vượt ngục và trở về làng tiếp tục tham gia làm cách mạng, đương đầu với lũ giặc tàn ác. Thứ hai nữa, sự anh hùng của Tnú không chỉ thể hiện trong tấm lòng với quê hương mà còn thể hiện trong vai trò với gia đình. Đứng trước tình cảnh vợ con bị giặc tra tấn đánh đập, Tnú biết rằng dù mình có xông ra thì cũng không cứu được mẹ con Mai và chắc chắn bị giặc bắt thế nhưng điều đó không làm anh suy chuyển. Anh vẫn nhảy vào giữa bọn giặc ôm lấy vợ con đang hấp hối, che chở cho họ khỏi đòn roi, một cách đầy bản lĩnh và tràn ngập tình yêu thương. Như vậy không chỉ là anh hùng với nhân dân mà Tnú còn là người anh hùng của gia đình. Nỗi đau đớn tinh thần ập đến khi mất đi vợ con cùng với đó là cả nỗi đau về thể xác khi bị giặc dùng mủ xà nu đốt cháy mười đầu ngón tay quả thực là một cực hình tàn độc vô cùng của bọn giặc khốn nạn.

Thế nhưng Tnú ở trong chi tiết truyện này lại càng chứng minh được những phẩm chất anh hùng đáng quý, và tấm lòng kiên trung với cách mạng. Dù lửa thiêu đốt mười đầu ngón tay, đau đớn vào đến tận ruột gan, vị mặn tanh của máu tràn ngập trong khoang miệng, nhưng Tnú không hề kêu văn lấy một tiếng. Anh đứng sừng sững như một cây xà nu trưởng thành chịu nhiều đau thương từ đại bác mà vẫn kiên cường bất khuất, trong tâm khảm chỉ hiện lên một câu nói “người cộng sản không thèm kêu van”. Thể hiện sự dũng cảm, tầm vóc phi thường của một người anh hùng. Đứng lên từ những đau thương mất mát tột cùng, thì phẩm chất anh hùng và lý tưởng cách mạng của Tnú lại càng được hoàn thiện và sáng rõ hơn cả. Anh đã mạnh mẽ đứng lên từ đau thương, tiếp tục tham gia kháng chiến, với mối nợ nước thù nhà và lòng căm thù giặc sâu sắc, dùng chính đôi bàn tay cụt mười đầu ngón của mình bắp cò súng diệt giặc trên chiến trường, thậm chí còn mạnh mẽ dùng tay không bóp chết một tên giặc Mỹ. Có thể nói rằng người anh hùng bước ra từ đau thương và mất mát lại càng thêm mạnh mẽ và phi thường, trở thành tượng đài lý tưởng của cộng đồng dân tộc Tây Nguyên.

Mai và Dít là hình ảnh người phụ nữ mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thời đánh Mĩ. Thuở bé, Mai đã vào rừng tiếp tế và bảo vệ cán bộ. Mai học chữ rất giỏi, ba tháng đọc được chữ, sáu tháng làm được toán hai con số. Khi đã trở thành người vợ, người mẹ, Mai đã dũng cảm lấy thân mình để bảo vệ đứa con thơ, và chị đã bất khuất hi sinh trước trận mưa cây sắt của thằng giặc khát máu. Dít là em gái của Mai. Cái mũi hơi tròn, đôi mắt mở to, bình thản, trong suốt. Lớn lên, Dít càng giống Mai. Dít cũng bị giặc bắt khi Dít đi vào rừng tiếp tế cho đội du kích. Lũ giặc đã biến Dít thành “tấm bia sống”, bắn sượt qua tai, xém tóc, váy rách lượt từng mảnh. Từ viên đạn thứ mười trở đi, Dít chùi nước mắt, im bặt, “nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng!”. Thật là gan dạ, lẫm liệt. Chỉ 3 năm sau, Dít đã trở thành Bí thư chi bộ kiêm Chính trị viên xã hội, linh hồn cuộc chiến đấu của dân làng Xô Man. Có thể nói Mai và Dít tiêu biểu cho những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đã gắn bó cuộc đời mình với sự sống còn, với đau thương và uất hận, với nhục và vinh của dân tộc trong thời đánh Mĩ.

Đọc truyện “Rừng xà nu”, ta không thể nào quên được bé Heng, mặc dù tác giả chỉ phác hoạ một vài nét. Đó là một chú bé nhanh nhẹn, thông minh, thuộc mọi con đường, những hầm chông, những giàn thò, những ác chiến điểm của làng mình như thuộc lòng bàn tay mình. Người nhỏ bé, đóng khố, áo bà ba dài phết đít, đầu đội một cái mũ sụp xin được của anh Giải phóng quân nào đó. Một khẩu súng trường mát đeo chéo ngang lưng “ra vẻ một người lính thực sự”. Khi thì Heng nhắc Tnú không được uống nước lã. Khi thì Heng giới thiệu về chị Dít. Heng giục Tnú đi nhanh, “sắp tối rồi!”. Nó hất hàm ra hiệu, thân mật nói với Tnú: “Lâu ngày về, chân không leo nổi cái dốc nữa à!”. Em báo cho Tnú biết: “Chông đấy! Có chồng đấy!…”. Heng tháo cây súng chống xuống đất và gọi to; “Người già ơi, có khách đấy!”. Heng chỉ là người dẫn đường, chỉ là người dẫn chuyện, xuất hiện trong khoảnh khắc. Thế mà đầy ấn tượng, đó là cái tài của Nguyễn Trung Thành trong miêu tả nhân vật. Bé Heng đã trưởng thành cùng cuộc chiến đấu vũ trang của dân làng Xô Man. Con người em đã hình thành bao phẩm chất anh hùng. Em là một cây xà nu, một cây con mới mọc “vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã…” trong bom đạn giặc!

Thời kháng chiến, cây tre, cây dừa, cây đước đã được một số nhà văn, nhà thơ dành cho một địa vị sang trọng: “Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín.Tre hi sinh để bảo vệ con người” (“Cây tre Việt Nam” – Thép Mới). Với Nguyễn Trung Thành, cây xà nu, một loại cây “man dại mà cao quý đáng yêu” đã trở thành một biểu tượng, một nhân vật mang bao phẩm chất tốt đẹp, anh hùng. Trong truyện, cây xà nu, đồi xà nu, rừng xà nu, cành lá xà nu, ngọn xà nu, nhựa xà nu, lửa xà nu,… được nhắc đến rất nhiều lần, đầy ấn tượng. Cây xà nu là cảnh quan, là vẻ đẹp hùng vĩ của làng Xô Man: “… trông ra xa, hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”. Đồi xà nu trùng điệp ấy gợi cho ta liên tưởng về người người lớp lớp trong thế trận chiến tranh nhân dân, trong cuộc diễu binh hùng vĩ. Mưa đại bác của giặc giội xuống suốt đêm ngày đã hơn ba năm nay, cây xà nu cùng chung số phận đau thương tang tóc với người Strá. Hàng vạn cây xà nu không có cây nào không bị thương.

Có thể nói rằng Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là bản hùng ca bất tận về những con người và mảnh đất Tây Nguyên anh hùng trong kháng chiến, phản ánh một cách trung thực và khách quan về cuộc chiến đấu của những người dân tộc anh em thiểu số trên mảnh đất đầy nắng và gió. Ở đó từng con người đã góp máu xương, mồ hôi nước mắt vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, vì một lý tưởng chung nhất của dân tộc ấy là đất nước sạch bóng quân thù, nhân dân được hưởng nền độc lập tự do vững bền.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Nguyễn Trung Thành là nhà văn quân đội, quê ở Quảng Nam. Năm 1950, đang học bậc trung học phổ thông, ông gia nhập quân đội và lên hoạt động ở chiến trường chính của Liên khu V (Tây Nguyên). Sau một thời gian ở đơn vị chiến đấu, ông làm phóng viên báo Quân nhân dân Liên khu V và lấy bút danh Nguyên Ngọc. Trong cả hai cuộc kháng chiến, ông gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên. Đó cũng chính là lý do dẫn đến thành công của tiểu thuyết đầu tay Đất nước đứng lên và truyện ngắn Rừng xà nu (Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu, 1965). Đặc biệt, ở truyện ngắn Rừng xà nu, nhà văn thể hiện rất thành công phẩm chất anh hùng của các nhân vật như cụ Mết, anh Quyết, Tnú, Mai, Dít, bé Heng…

Cuộc chiến tranh cục bộ bắt đầu ở miền Nam nước ta (1965). Thủy quân lục chiến Mỹ ồ ạt đổ vào bãi biển Chu Lai (Quảng Nam). Kẻ thù quyết tiêu diệt bằng được lực lượng cách mạng. Chúng dùng mọi âm mưu, thủ đoạn – nhất là chém giết không thương tiếc – để gây đau đớn, tổn thất nặng nề cho đồng bào miền Nam. Do đó, muôn người như một, thà chết chứ không chịu làm nô lệ, nhân dân miền Nam đứng dậy dùng bạo lực trả lời bạo lực.

Tại một làng nhỏ ở Tây Nguyên, toàn thể dân làng “tức nước vỡ bờ” nên đồng tâm hiệp lực nổi dậy tiêu diệt kẻ thù: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo” (lời nhân vật cụ Mết trong truyện). Trong cuộc đấu tranh đó, những phẩm chất cao quý nhất của dân làng Xô Man đã được thể hiện qua từng nhân vật khác nhau.

Trước hết là nhân vật cụ Mết. Cụ Mết là đại diện cho vẻ đẹp của thế hệ cha anh đã trải nghiệm nhiều trong đấu tranh, giàu kinh nghiệm khi đối diện với quân thù (từ thời kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ). Cụ là người mưu trí, sáng suốt. Cụ là biểu tượng cho sức mạnh tinh thần và vật chất có tính truyền thống và cội nguồn của làng Xô Man, của cộng đồng. Chính cụ đã tìm ra chân lý dùng bạo lực để đấu tranh tiêu diệt quân cướp nước: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Cụ là cái gạch nối giữa Đảng và đồng bào dân tộc. Cụ đã thôi thúc, lãnh đạo dân làng đứng lên quật khởi: “Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông. Đốt lửa lên!”.

Kế đến là nhân vật anh Quyết. Anh là đại diện của Đảng, là linh hồn của cuộc chiến đấu. Anh đã đến, dìu dắt, hướng dẫn dân làng Xô Man giác ngộ cách mạng. Sống ở rừng sâu nước độc nhưng anh không ngại khổ nhọc. Anh hết lòng dạy Tnú và Mai học chữ… Anh có quan niệm rất đúng đắn: “Không học chữ sao làm được cán bộ giỏi”. Chính anh đã góp phần đào tạo, giác ngộ được một anh hùng bất khuất Tnú trong tương lai.

Tnú là người mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh lớn lên trong vòng tay yêu thương bao bọc của người dân làng Xô man. Với anh, dân làng Xô man và cụ Mết đã trở thành gia đình thứ hai của anh. Tnú là người mang số phận đau thương, có cả những nỗi đau thương riêng và nỗi đau chung của dân làng Xô Man. Khi người dân làng Xô Man chịu mất mát đi anh Quyết, anh Xút, bà Nhan… thì Tnú cũng mang nỗi đau chứng kiến người thân, gia đình bị giết hại. “Tnú không cứu được vợ con”, cụ Mết nhấn mạnh nhiều lần nỗi đau ấy. Cuối cùng, Tnú còn mang nỗi đau quê hương. Do đó, anh là hội tụ của tất cả nỗi đau thương của mảnh đất Tây Nguyên. Anh hăng hái gia nhập bộ đội giải phóng để trả thù cho quê hương và những người thân.

Nhân vật Mai, một cô gái sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng. Khi bị rơi vào tay giặc và bị tra tấn dã man, cô vẫn một mực trung thành với cách mạng, trung thành với Đảng.

Cùng thế hệ của Tnú còn có Dít, một cô bí thư chi bộ dũng cảm, gan góc không kém gì Tnú. Dít bị giặc bắt khi ở ngoài rừng về. Bọn giặc để Dít giữa sân, lên đạn tôm xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sượt qua tai, xém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ. Cái váy của Dít rách lượt từng mảng. Dít khóc thét lên nhưng rồi đến viên thứ mười thì chùi nước mắt, từ đó im bặt. Dít đứng giữa bọn lính, cứ mỗi viên đạn nổ, cái thân hình mảnh dẻ lại giật lên một cái nhưng đôi mắt vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng. Vậy là, không khủng bố được tinh thần Dít, bọn giặc đành chịu.

Bé Heng, nhân vật đại diện cho vẻ đẹp của thế hệ măng non của núi rừng Tây Nguyên. Nó không hề sợ hiểm nguy, là người dẫn đường cho Tnú trở về thăm làng mà nếu không có nó, Tnú chẳng dám đi một mình. Khi tới chỗ “ác chiến điểm”, nó nhìn Tnú “cười một cách rất liếng”, “mắt lóe lên một tia sáng nhỏ” bày tỏ niềm tự hào mãnh liệt về công cuộc cách mạng của dân làng. Mai này trưởng thành, chắc chắn bé Heng sẽ tiếp nối thế hệ cha anh.

Chiến tranh đã cướp đi sự sống của bao người, khiến bao người lâm vào cảnh khốn cùng. Nhưng không vì thế mà những con người làng Xô man nhụt chí. Càng bị tra tấn, bị kìm kẹp thì ở họ lại càng sáng lên tinh thần bất khuất, kiên cường không cam chịu làm nô lệ.

Với những nhân vật trong truyện, tác giả đã cho người đọc thấy được những hình mẫu tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam trong thời kì kháng chiến, họ là những người yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng hi sinh để đòi lại hòa bình cho dân tộc.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA
NONE
OFF