OPTADS360
ATNETWORK
NONE
YOMEDIA

Phân tích nhân vật Trương Ba trong tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt

26/03/2021 1.02 MB 1207 lượt xem 7 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2021/20210326/404827001648_20210326_153256.pdf?r=8544
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Học247 xin giới thiệu đến các em bài văn mẫu Phân tích nhân vật Trương Ba trong tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được bi kịch sống bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo của Trương Ba. Qua đó Lưu Quang Vũ muốn thể hiện sự trăn trở về mối quan hệ giữa thể xác và tâm hồn, giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Phân tích đoạn kết tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt.

 

 
 

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu nhân vật: Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, tiêu biểu nhất trong số đó có thể kể đến vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Thông qua câu chuyện về bi kịch của Trương Ba, tác giả Lưu Quang Vũ đã thể hiện được nhiều quan niệm nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, con người.

b. Thân bài:

* Tình huống:

- Câu chuyện xoay quanh bi kịch của Trương Ba khi bị chết oan, để tiếp tục sống thì buộc ông phải sống trong thân xác của người hàng thịt.

- Người hàng thịt tuy chỉ là thể xác âm u đui mù nhưng lại có những nhu cầu riêng, tính cách riêng và có sức mạnh để thực hiện những nhu cầu của mình.

* Sự thay đổi của Trương Ba:

- Trương Ba đã bị cái xác chi phối, dần trở thành con người vụng về, thô tục với những ham muốn tầm thường, dần trở nên thô lỗ.

- Trương Ba không còn quan tâm đến hàng xóm láng giềng.

- Những thay đổi của Trương Ba đã khiến cho người thân thất vọng, bản thân Trương Ba cũng nhận thấy sự đổi khác của mình.

- Trương Ba bất lực trong việc kiểm soát hành động và những suy nghĩ không đúng đắn của bản thân.

- Dù cố gắng giải quyết nhưng ông vẫn đau khổ vì không thể phủ nhận rằng mình đang dần đánh mất chính mình.

- Trương Ba đã quyết định lựa chọn cái chết để trả lại xác người hàng thịt cho người hàng thịt, để bản thân được sống trọn vẹn , thống nhất.

c. Kết bài:

- Thông qua nhân vật Trương ba cùng bi kịch sống bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo, tác giả Lưu Quang Vũ đã thể hiện sự trăn trở về mối quan hệ giữa thể xác và tâm hồn, giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Để sống hạnh phúc, con người cần dung hòa được các nhu cầu ấy.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy phân tích nhân vật Trương Ba trong tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Lưu Quang Vũ là người nghệ sĩ đa tài. Ông sinh năm 1948, mất năm 1988, lần đầu tiên bén duyên với nghệ thuật từ những năm 1960 của thế kỷ trước bằng con đường thi ca. Nếu ai đã từng đọc thơ Lưu Quang Vũ ta thấy hiện lên một tình yêu quê hương đất nước nồng nàn với hồn thơ trong sáng. Toàn bộ điều này được kết tinh trong trường ca "Khúc đàn bầu". Từ năm 1978, Lưu Quang Vũ chuyển từ thơ ca sang lĩnh vực sân khấu. Có thể khẳng định sân khấu là mảnh đất nghệ thuật của Lưu Quang Vũ. Ông đến với sân khấu như duyên trời định. Chỉ đến khi gặp mảnh đất này, ông thực sự thăng hoa. Những năm gắn kết với sự nghiệp sân khấu, Lưu Quang Vũ đã để lại một sự nghiệp đồ sộ đánh dấu bằng 51 vở kịch nổi tiếng. Nhắc đến sự nghiệp kịch của Lưu Quang Vũ mỗi người yêu văn không thể không nhắc đến vở kịch "Tôi và chúng ta", "Bệnh sĩ", "Nếu anh không đốt lửa", "Lời nói dối cuối cùng", "Nàng Xi-ta", "15 ngày kháng án",... Nhưng sẽ thật là thiếu sót nếu nhắc đến sự nghiệp kịch của Lưu Quang Vũ lại không nhắc đến "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Vở kịch này đã làm nên tên tuổi Lưu Quang Vũ không chỉ ở sân khấu Việt Nam mà còn dư vang ra cả nước ngoài. Nó tạo nên một hiện tượng của Lưu Quang Vũ. Đó là hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử sân khấu Việt Nam.

Trước tiên, xét về thể loại văn học, bi kịch có thể được hiểu là một thể loại kịch trong đó chứa đựng những mâu thuẫn, xung đột căng thẳng, gay gắt giữa cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu, giữa cái cao cả và cái thấp hèn do vậy mà nhân vật bi kịch thường xuất phát điểm là những con người hiền lành, lương thiện do các yếu tố chủ quan hay khách quan bị đẩy vào bi kịch, khiến mình trở nên khác đi không còn giống như ban đầu song họ vẫn ý thức được điều đó nên bị rơi vào trạng thái đau khổ, bế tắc, trăn trở tìm lối thoát cho mình nhưng kết thúc thường là cái chết của nhân vật.

Soi chiếu cách hiểu trên vào nhân vật Hồn Trương Ba, ta nhận thấy nhân vật ấy là một nhân vật bi kịch. Đó là nỗi bi kịch tinh thần đau đớn của nhân vật. Bi kịch ấy xuất phát từ nỗi niềm muốn sửa sai của Đế Thích-một quan nhà trời và là bạn chơi cờ của ông Trương Ba đã nhập hồn Trương Ba vào xác anh hàng thịt. Từ đây mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh, một con người mà được kết hợp bởi hai thực thể hoàn toàn đối lập, trái ngược nhau. Một Trương Ba yêu thiên nhiên, yêu gia đình, hòa nhã với mọi người, có tài đánh cờ giỏi lại kết hợp với xác anh hàng thịt là một tên đồ tể giết lợn, thô lỗ, cộc cằn, ham rượu, ham đàn bà. Giữa hai thực thể đối lập nhau đã dần dần khiến Hồn Trương Ba tha hóa, biến chất. Hồn người này kết hợp với xác người kia là việc đi ngược lại với quy luật tự nhiên vốn có, một sự áp đặt tùy tiện, máy móc. Cuối cùng Hồn Trương Ba biến chất một cách đau đớn, thảm hại, xót xa. Về hành động, Trương Ba không còn thường hay đánh cờ nữa, trí tuệ không còn được minh mẫn, sáng suốt. 

Như ta đã biết, tình huống là khoảnh khắc về thế giới, là một lát cắt của câu chuyện mà ở đó hoàn cảnh truyện, mâu thuẫn truyện, tính cách nhân vật đều được bộc lộ một cách sắc nét. Nó vừa giúp cho nhà văn tổ chức được mạch truyện – kết cấu của tác phẩm. Tuy nhiên sự đặc sắc của tình huống kịch đó là nó thường được bộc lộ thông qua xung đột kịch. Có lẽ chính xung đột kịch mới tạo ra được mâu thuẫn của tác phẩm, tính cách của nhân vật cũng như ý nghĩa của vở kịch được bộc lộ thông qua xung đột kịch mà cái lớp vỏ bề ngoài để đến với độc giả bạn đọc chính là ngôn ngữ. Thế nên người viết kịch thường quan tâm đến ngôn ngữ kịch hơn nhiều so với hành động kịch.

Đầu tiên ta cần khẳng định "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là vở kịch được Lưu Quang Vũ lấy từ tích truyện trong dân gian. Có thể nói không quá lời rằng nếu "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" chưa đến tay Lưu Quang Vũ gia công thì tích truyện dân gian này đặt bên cạnh những tích truyện dân gian khác "Tấm Cám", "Cây tre trăm đốt" khá nhạt nhòa. Nếu trong Tấm Cám có Bụt giáng trần để cứu thế thì "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" có tiên Đế Thích giáng trần để cứu thế. Tuy nhiên người yêu kịch nhận ra ngay tích truyện dân gian này là sản phẩm tâm hồn của một thế hệ nho sĩ. Nó được biểu hiện thông qua nhân vật chính trong tích truyện này là Trương Ba có tài chơi cờ.

Song bi kịch của Hồn Trương Ba không chỉ dừng lại ở đó, ông lại lâm vào bi kịch thứ hai có phần đau đớn hơn bi kịch trước. Đó là khi ông bị gia đình nghi ngờ, xem thường và xa lánh. Tất cả mọi người thân trong gia đình từ người vợ, người con trai cả, đứa cháu gái và cả người con dâu ai ai cũng xa lạ, nghi ngờ và xem thường ông vì họ không tìm thấy ở ông một ông Trương Ba làm vườn của ngày trước hiền lành, đôn hậu. Khi Hồn Trương Ba gần vợ anh hàng thịt khiến ông “ tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực” biểu thị sự ham muốn trỗi dậy không còn “ sự hiền lành, vui vẻ, tốt lành” như xưa, đến nỗi cả vợ ông khi nhìn thấy chồng mình trước tình cảnh như thế, vừa thương vừa giận vừa ghen và muốn xa lánh ông ngay lập tức. Bà vợ đã tâm sự thẳng thắn với ông: “ Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa” và bà quyết định “ Có lẽ tôi phải đi… đi cấy thuê, làm mướn, ở đâu cũng được…, đi biệt… Để ông được thảnh thơi… với cô vợ hàng thịt… Còn hơn là thế này…”. Những suy nghĩ này của vợ Trương Ba xuất phát từ nỗi đau trong tâm hồn người vợ, khi biết chồng mình đâu còn là con người của trước đây. Rồi người con trai cả, trước kia đều vâng lời lắng nghe ý kiến của cha nhưng nay anh lại “ quyết định, dứt khoát sẽ bán khu vườn để có tiền mở thêm vốn liếng cửa hàng thịt” dù Hồn Trương Ba không chấp nhận. Và hình ảnh cái Gái vốn rất yêu thương, kính mến ông nội nay cũng không thừa nhận ông đồng thời lên án sự thô bạo, tàn nhẫn, giẫm nát cây cối trong vườn, phá hỏng cái diều của cu Tị và phẫn nộ hét lên: “ Ông xấu lắm, ác lắm ! Cút đi ! Lão đồ tể cút đi !” rồi lại nói tiếp: “ Nếu ông nội tôi hiện về được, hồn ông nội tôi sẽ bóp cổ ông”. 

Ngoài ra, Lưu Quang Vũ còn khẳng định rằng nếu sống quá lâu trong thế giới vật chất tầm thường này thì ít nhiều cái đẹp sẽ bị hòa tan, bị ảnh hưởng. Ý nghĩa này gợi cho ta nhớ tới câu nói "Gần mực thì đen". Điều này được thể hiện rất rõ ở hồn Trương Ba. Từ ngày hồn cao đẹp nhập vào thân xác cồng kềnh của anh hàng thịt, hồn đã bị ảnh hưởng. Trong con mắt của con, Trương Ba giờ đây là một người vũ phu. Đối với cháu, chắt, bóng dáng Trương Ba là bóng dáng ông đồ tể. Đến cả cách chơi cờ của ông cũng tủn mủn. Nước chơi cờ giờ đây toàn nước của tiểu nhân bởi con người đang thanh cao giờ ngày nào cũng rượu thịt, tiết canh, lòng lợn,... Rõ ràng đây là hậu quả của hồn Trương Ba sống vào trong thân xác của anh hàng thịt bởi bản chất con người bên cạnh việc gieo giống, bên cạnh cái tôi của mình nó còn là do hoàn cảnh, do môi trường tạo nên. Gặp được mảnh đất tốt, con người dễ phát triển cái "Tôi" của mình. Nhưng cái "tôi" ấy, cái hạt giống tốt ấy được đặt vào mảnh đất khô cằn, môi trường tệ thì ngay lập tức nó bị ảnh hưởng.

Làm nên sự thành công của vở kịch, ta không thể không nhắc tới nghệ thuật xây dựng tình huống đầy kịch tính, lời thoại nhân vật sống động, chân thật, đi sâu vào nội tâm nhân vật để khắc họa lên nhân vật Hồn Trương Ba với những bi kịch nhưng đậm chất nhân văn. Lưu Quang Vũ đã thổi vào nền kịch nói Việt Nam sau 1975 một làn gió mới. Và chắc chắn sức sống của nó sẽ còn mãi trong lòng bạn đọc đến hôm nay và cả mai sau.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ nổi tiếng với những tác phẩm có nội dung giàu tính hiện thực, có tính đả kích sâu sắc và mang đậm giá trị nhân văn. Một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của ông phải nhắc đến đó chính là tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt. Trong tác phẩm này những vấn đề mấu chốt và tình huống truyện đều tập trung xoay quanh nhân vật Trương Ba, một con người phải sống nhờ ở đậu trong thân xác của người khác.

Trước khi đột ngột qua đời, Trương Ba là một người đàn ông hiền lành đức độ trong gia đình, ông là một hình mẫu mực thước cho tất cả các thành viên noi theo. Chính vì vậy ông rất được vợ con yêu thương, con cháu kính trọng. Ông là người không những nho nhã, thanh lịch lại rất thông minh và hiểu biết, nước cờ ông đánh họa chăng chỉ có Đế Thích mới giải vây được. Có thể thấy được đây là con người tri thức, nền nã vừa đẹp ở tâm hồn nhân cách lại có những hành vi ứng xử văn minh.

Câu chuyện xoay quanh bi kịch của Trương Ba khi bị chết oan, để tiếp tục sống thì buộc ông phải sống trong thân xác của người hàng thịt. Điều đáng nói là xác người hàng thịt tuy chỉ là thể xác âm u đui mù nhưng lại có những nhu cầu riêng, tính cách riêng và có sức mạnh để thực hiện những nhu cầu của mình, từ khi sống trong thân xác của người hàng thịt, Trương Ba dần thay đổi trong mắt của mọi người.

Trương Ba phải sống nương nhờ vào xác của người hàng thịt, vốn là người làm vườn chăm chỉ, giàu tình yêu thương, một người trí thức am hiểu, sống có trách nhiệm nhưng khi khi sống trong xác người hàng thịt, Trương Ba đã bị cái xác chi phối, dần trở thành con người vụng về, thô tục với những ham muốn tầm thường, dần trở nên thô lỗ khi dùng bàn tay và sức mạnh của người hàng thịt để đánh anh con trai đến bật máu. Cũng từ khi sống trong thân xác của người hàng thịt, Trương Ba không còn quan tâm đến hàng xóm láng giềng.

Trương Ba dần trở nên thô thiển hơn, có những hành động lỗ mãng, không còn giống với con người của ông trước kia. Ông trở nên tham ăn tục uống, ăn uống phàm phu tục tử, nói năng thì bỗ bã, thô thiển, hành vi thì lố bịch. Trương Ba đã làm những việc trước đây ông chưa từng làm: tát con trai, làm “gãy tiệt cái chồi non” của cây cam, giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm, đã “làm gãy cả nan, rách cả giấy, hỏng mất cả cái diều đẹp” của cu Tị. Không chỉ vậy, trong một lần vợ hàng thịt nằng nặc đòi chồng ở lại với mình, Trương Ba đã suýt chút nữa mà nghe theo.

Sự thay đổi của Trương Ba khiến cho chính gia đình ông cũng không chấp nhận được, vợ Trương Ba chấp nhận bỏ đi để ông về sống với vợ hàng thịt. Cái Gái cháu ông thì không nhận ông, cô con dâu ngoan hiền hiểu chuyện nhất cuối cùng cũng trách cứ cha mình. Trương Ba đau khổ lắm. Không phải ông không biết những sự thay đổi đã diễn ra với mình chỉ là ông không thể làm được gì để thay đổi thực tại. Hoàn cảnh của ông đích thực là lực bất tòng tâm. Dù linh hồn của ông muốn nhưng thân xác không chịu nghe theo thì ông cũng không thể điều khiển được. Huống hồ việc ban ngày ở trong thân xác hàng thịt lâu dần khiến cho ông bị tha hóa, trở nên thô thiển, cục mịch, ngày càng giống với con người hàng thịt.

Không chỉ đau khổ với bi kịch không được sống là chính mình, sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo mà Trương Ba còn phải đối mặt với bi kịch bị từ chối. Trước những sự thay đổi của Trương Ba, những người thân và hàng xóm láng giềng đều không sao hiểu được, càng yêu quý, kính trọng con người trước kia của ông bao nhiêu thì họ càng không thể chấp nhận con người hiện tại của Trương Ba.

Người vợ vì hờn ghen với mối quan hệ không rõ ràng giữa Trương ba và vợ người hàng thịt mà muốn bỏ đi. Cháu gái khóc lóc và kiên quyết không chịu thừa nhận Trương ba của hiện tại là người ông hiền từ, giàu yêu thương trước đây. Chị con dâu, người thương và hiểu Trương ba nhất cũng không giấu nổi sự thất vọng khi thấy bố ngày càng đổi khác “ mỗi ngày…một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi”.

Sự sống được duy trì rất máy móc, lạnh lẽo, vô cảm là khi hồn Trương Ba tồn tại trong xác anh hàng thịt. Một đời sống chỉ nhằm để thỏa mãn những dục vọng, mong ước xấu của bản thân, không tha thiết, rung cảm gì trước bao điều đẹp đẽ trên đời, giá trị tinh thần lại càng không có. Đó là khi sống trong cái xác, còn tâm hồn thực ra đã không còn. Trương Ba mong muốn nếu được sống thì là sống một cuộc đời có giá trị, có ích cho bản thân, gia đình, xã hội, từng ngày không ngừng học hỏi, đổi mới bản thân để hoàn thiện chính mình cả về nhân cách và tài năng. Một tâm hồn biết cảm động trước những điều đẹp đẽ, biết lên án, đẩy lùi những điều xấu xa, tìm thấy được niềm vui, hạnh phúc, đích đến trong cuộc sống. Khi mà hồn Trương Ba nhập vào xác, mọi hoạt động bị sai khiến bởi thân xác, nuông theo những khát vọng tầm thường, sống phàm phu tục tử như thế Trương Ba thà không được sống còn hơn, anh quyết định chết là một quyết định đúng đắn, sâu sắc. Nhà thơ đặt Trương Ba vào hoàn cảnh này để thấy rằng điều muốn gửi đến tất cả chúng ta đó là sống trong đời cần biết phân biệt đúng sai mà nương theo cái tốt, sống hết mình, không ngại lên án cái xấu xa, không ngừng hoàn thiện nhân cách của mình từ đó mới nhận thức rõ về một cuộc đời có nghĩa.

Chính bản thân của Trương ba cũng không thể chấp nhận được sự thay đổi của bản thân, để chấm dứt bi kịch sống không phải là mình, bảo vệ những giá trị tốt đẹp của bản thân, Trương Ba đã quyết định lựa chọn cái chết để trả lại xác người hàng thịt cho người hàng thịt, để bản thân được sống trọn vẹn , thống nhất.

Thông qua nhân vật Trương ba cùng bi kịch sống bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo, tác giả Lưu Quang Vũ đã thể hiện sự trăn trở về mối quan hệ giữa thể xác và tâm hồn, giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Để sống hạnh phúc, con người cần dung hòa được các nhu cầu ấy.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA
NONE
OFF