Để thành công, mỗi người cần học hỏi không ngừng để mở rộng tri thức đồng thời rút ra được nhiều bài học quý giá. Để hiểu hơn về vấn đề này, mời các em cùng tham khảo tài liệu Nghị luận về ý nghĩa của việc không ngừng học hỏi dưới đây. Chúc các em học tập vui vẻ!
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề không ngừng học hỏi trong cuộc sống.
2.2. Thân bài
a. Học hỏi là gì?
+ Học hỏi là quá trình bạn tìm kiếm, khám phá những tri thức mới, đặt ra những thắc mắc và tìm sự hỗ trợ hoặc tự mình tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc ấy. Không ngừng học hỏi là con đường dẫn đến thành công
b Tại sao lại cần phải học hỏi?
+ Học tập sẽ chuẩn bị hành trang thay đổi cuộc đời
+ Học hỏi giúp xây nên thứ vũ khí hủy diệt
+ Là cách để ta luôn luôn theo kịp được với thời đại.
+ Học hỏi để nâng cao hình tượng trong mắt người khác
+ Học hỏi giúp ta liên hệ đến nhiều thứ, từ đó biết thêm nhiều điều khác nữa
c. Ý nghĩa của việc học hỏi không ngừng
+ Tóm tại, học hỏi là quá trình giúp bạn hiểu biết nhiều hơn về cuộc đời.
+ Hiểu rõ được bản chất ở những vấn đề mà bạn tiếp cận.
+ Rút ra được đâu là điều nên làm, đâu là điều không nên làm, điều nào là tốt, điều nào là xấu.
2.3. Kết bài
- Khái quát lại vấn đề nghị luận.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Nghị luận về ý nghĩa của việc không ngừng học hỏi
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Việc học là việc cả đời của mỗi con người, bởi vì kiến thức xã hội là vô cùng vô tận. Tuy nhiên, nếu chỉ học ở thầy cô, học ở bạn bè thôi thì chưa đủ mà để bản thân mình hoàn thiện mỗi ngày thì con người còn cần tự học. Vậy việc tự học là gì và sẽ mang lại những kết quả như thế nào?
Tự học là việc bạn tự mình ôn lại bài cũ hay đọc trước bài mới trước khi lên lớp nghe thầy cô giảng giải. Tự học còn là việc con người tự tìm tòi, tự mày mò kiến thức cho bản thân từ cuộc sống. Đó có thể là việc bạn tự tìm đọc những cuốn sách thú vị, tự tìm hiểu những kiến thức bổ ích trong cuộc sống…
Việc tự học hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng nó lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của mỗi con người. Bởi bản thân kiến thức là vô cùng rộng lớn, nếu chỉ học ở thầy cô, học ở bạn bè thôi thì bản thân ta vẫn còn nhiều thiếu sót. Thời gian học ở trường với thầy cô, bạn bè là vô cùng nhỏ bé đối với cuộc đời của mỗi con người, vì thế, tự học giúp con người ngày càng bồi đắp, tích tụ những kiến thức trong cuộc sống. Con người cũng vì thế mà mỗi ngày một hoàn thiện, hiểu biết và trưởng thành hơn. Hơn nữa, việc tự học cũng rèn luyện cho con người sự kiên trì, nhẫn nại – những lối sống, thái độ sống rất tích cực cho con người. Con người sẽ chủ động hơn trong các công việc của bản thân.
Đối với các bạn học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường thì việc tự học lại càng quan trọng hơn. Nó giúp các em không bị quên bài cũ cũng như tiếp thu nhanh kiến thức mới. Việc học tập trở nên nhẹ nhàng hơn, hứng khởi hơn khi chúng ta chủ động học tập, chủ động lập cho bản thân những kế hoạch cho từng môn học… Khi đó, chắc chắn kết quả học tập của chúng ta sẽ tiến bộ rõ rệt.
Nhắc đến tinh thần tự học thì không thể không nhắc tới vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là một tấm gương sáng cho tinh thần tự học. Cuộc đời của Người bôn ba khắp năm châu bốn bể, đi tới đâu Người cũng tìm tòi, cũng học hỏi để bồi đắp những kiến thức cho bản thân, để tìm ra chân lý, tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam nói riêng và giải phóng cho những người cùng khổ trên toàn thế giới. Chính tinh thần tự học và lòng quyết tâm bền bỉ, Người đã tìm đến với chủ nghĩa Mác Lênin, tìm ra con đường giải phóng dân tộc, mở ra tương lai tươi sáng cho Việt Nam. Ngay cả đến khi Người nhắm mắt yên nghỉ, người ta vẫn tìm thấy dưới gối Người một cuốn sách dạy ngoại ngữ…
Việc tự học có nhiều ý nghĩa là vậy, tuy nhiên vẫn có những người chưa chủ động trong việc tự học mà ỷ lại, lười biếng trong học tập cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Việc học đối với họ giống như một hình phạt vô cùng khó khăn và không hề có một chút hứng thú nào cả. Và phương pháp học của những người này chính là học tủ, học gạo những phần sẽ kiểm tra chứ không hề suy ngẫm hay hiểu sâu về vấn đề được học. Cách học như vậy sẽ khiến cho kiến thức trôi tuột đi một cách nhanh chóng. Về lâu dài, nó hình thành thói quen lười biếng, ỷ lại của con người. Con người sẽ tự biến mình trở thành những kẻ lạc hậu trong xã hội đang không ngừng vận động phát triển như hiện nay.
Nhìn thấy tầm quan trọng của việc tự học, bản thân mỗi chúng ta cần có cho mình những kế hoạch, những dự định cho việc học hỏi của mình. Sắp xếp chúng một cách khoa học, bài bản, kết hợp học ở trường với tự học, lý thuyết đi đôi với thực hành. Không chỉ học thầy, học bạn mà còn học ở những sự kiện, sự vật hiện tượng xung quanh mình. Có như vậy, con người mới không ngừng được đối mới và hoàn thiện.
Người xưa đã có câu: “Học, học nữa, học mãi”. Việc học chưa bao giờ là đủ. Chính vì vậy, hãy biến mình trở thành những con người văn minh, hiện đại bằng cách không ngừng học hỏi, không ngừng cố gắng vươn lên. Và tự học là một trong những chiếc chìa khóa dẫn tới thành công.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Trong đời sống, con người không phải lúc nào cũng gặp may mắn. Để thành công, chúng ta phải không ngừng học hỏi, phải dựa vào tài năng của mình mà nâng cao tầm hiểu biết. Tuy nhiên, học như thế nào để đạt hiệu quả cũng không phải dễ dàng.
Nhiều người không hiểu “không ngừng học hỏi” là thế nào. Thực ra, “không ngừng học hỏi” là luôn tìm tòi, mày mò và nghiên cứu. Căn bản là phải biết lắng nghe và áp dụng những điều học được vào thực tế. Ta phải biết phân biệt những điều hay, lẽ phải, thị phi trắng đen và biết rút ra được những bài học từ cuộc sống. Học không phải chỉ tiếp thu máy móc những gì trong sách báo viết mà phải có ý kiến riêng của mình, luôn sáng tạo và nghĩ ra những cái mới. Có vậy mới khiến mọi người khâm phục. Thử nghĩ xem, một người chỉ biết học thuộc lòng thì lúc nào cũng sẽ ỷ lại vào người khác. Trí óc bị trì trệ, sự thông minh và sáng tạo giảm dần. Sự tư duy biến mất. Con người trở nên ngờ nghệch, đờ đẫn.
Thành công là một việc không dễ và cũng không khó. Ta có thể hỏi những giám đốc, những nhà doanh nghiệp,… xem tại sao họ lại thành công. Có lẽ họ cũng có chút may mắn nhưng đó chỉ là phần nhỏ. Họ thành công chủ yếu dựa vào sự cố gắng. Có người nhờ trí tuệ, có người dựa vào tài ăn nói,… nhưng đều phải rèn luyện, có sự hiểu biết thì mới làm được. Họ đều phải vượt qua nhiều thử thách và khó khăn thì mới có ý chí. Những người thành công chỉ nhờ dựa vào tiền bạc, sự nâng đỡ,… thì ra ngoài xã hội cũng bị coi thường. Thử hỏi, có ai muốn gần gũi với họ? Nếu so sánh hai loại người trên thì chúng ta sẽ tôn trọng, kính phục ai hơn? Chắc chắn là người thành công dựa vào tài năng của mình. Vậy mới nói việc không ngừng học hỏi có vai trò rất quan trọng đối với người muốn thành công…
Tuy nhiên, nếu những dẫn chứng trên chưa đủ thì ta có thể lấy dẫn chứng khác. Mọi người thử nghĩ xem, người không có kiến thức, không hoà nhập được với xã hội, không có công ăn việc làm và nơi ở thì sẽ ra sao? Chắc chắn sẽ phải đi lang thang, nghèo khổ như một người ăn xin, cuộc đời trở nên khó khăn, không có ai để chia sẻ và cảm thông. Người đó sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Nếu bạn bị như vậy thì bạn sẽ nghĩ sao?
Để học một cách có hiệu quả cao nhất, bạn cần có nghị lực và lòng quyết đoán. Nhưng điều cơ bản là phải có lòng tin vào chính mình. Chỉ có tự tin thì bạn mới dám nghĩ, dám làm còn người lúc nào cũng rụt rè, không dám tự mình làm gì thì sẽ trở nên vô nghĩa. Tuy nhiên, tự tin quá vào bản thân sẽ trở nên kiêu ngạo. Vì vậy, cần biết kiềm chế cảm xúc của mình. Ta cần có lòng khiêm tốn và biết nhìn nhận điều gì là đúng, điều gì là sai. Nếu làm như trên, chắc chắn sẽ thành công.
Tuy nhiên, mỗi người đều có sự lựa chọn riêng của mình. Các bạn có thể đi các con đường khác nhau nhưng những điều trên ít nhiều cũng giúp ích được cho cuộc sống của mỗi người.
----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024115 - Xem thêm