Việc đúng giờ thường mang lại rất nhiều lợi ý trong giao tiếp và công việc hằng ngày. Để hiểu hơn về vấn đề này, mời các em cùng tham khảo tài liệu Nghị luận về ý kiến Đúng giờ là một cử chỉ đẹp. Chúc các em học tập vui vẻ!
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
- Dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: đúng giờ là một cử chỉ đẹp.
2.2. Thân bài
a. Giải thích
- Đúng giờ là việc mỗi người đến đúng địa điểm và thời gian quy ước của cuộc hẹn từ trước. Đúng giờ là một thói quen tốt của con người mà chúng ta cần học tập, rèn luyện.
b. Phân tích
- Việc đúng giờ mang đến cho con người nhiều lợi ích. Nó giúp phong cách làm việc của ta trở nên chuyên nghiệp hơn, được người khác đánh giá cao hơn, giúp cho cuộc hẹn, cuộc họp diễn ra đúng quy trình, mọi thứ chỉn chu hơn. Nếu trong tất cả các sự kiện, mọi người đều có mặt đúng giờ thì sự kiện đó sẽ diễn ra hoàn chỉnh hơn, không làm ảnh hưởng đến thời gian hay lịch trình của bất cứ người nào khác có liên quan.
- Đúng giờ là một thói quen tốt, chỉ mang lại lợi ích cho con người mà không gây ra bất kì một tổn hại nào, chính vì thế, chúng ta hãy rèn luyện tính đúng giờ cho bản thân ngay từ hôm nay.
c. Chứng minh
- Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người luôn đúng giờ để minh họa cho bài làm văn của mình.
Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật được nhiều người biết đến.
d. Phản đề
- Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đúng giờ; thường xuyên đến muộn. Lại có những người cho rằng việc đúng giờ là không cần thiết vì ai cũng sẽ đi muộn,… Những người này cần xem xét lại suy nghĩ và hành động của bản thân để không còn trình trạng “ăn cắp thời gian” của người khác.
- Cần phê phán.
2.3. Kết bài
- Khái quát lại vấn đề nghị luận: đúng giờ là một cử chỉ đẹp; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Bàn luận ý kiến Đúng giờ là một cử chỉ đẹp
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Mỗi người trong xã hội của chúng ta luôn có cách ứng xử, cách biểu đạt theo ý riêng của mình, không ai giống ai, hay lặp lại của ai cả. Tuy nhiên, nó luôn nằm trong một khuôn khổ nào đó đã định sẵn, một khuôn phép tắc, quy luật. Có người cách ứng xử người khác gặp một lần là thấy quý mến, có người làm mất thiện cảm ngay từ lần gặp đầu tiên vì quá thô lỗ, không phép tắc,…cách ứng xử có thể trong giao tiếp, trong ứng xử thông thường, hay là trong chuyện giờ giấc, vì vậy nhân dân ta đã có câu: “ Đúng giờ là một cử chi đẹp”. Vậy “ đúng giờ” là như thế nào ?. Và như thế nào mới là “cử chỉ đẹp” ?.
Cử chỉ là những hành động do con người tạo ra, có thể ngẫu nhiên hoặc là có tính toán trước. Cử chỉ đẹp là thái độ văn minh, lịch sự, một nhân cách văn hóa, một cách ứng xử rất trang trọng, nhân văn, có đạo lí. Như là gặp người khác phải chào hỏi, trên xe buýt nhường ghế cho trẻ em và người già, không vứt rác ra đường gây ô nhiễm môi trường.
Ngày xưa, nhân dân ta quy định giờ giấc bằng tiếng gà gáy, cứ nghe gà gáy lại vác cuốc ra đồng, nhờ vào mặt trời mà xác định được sáng, trưa, tối. Tuy nhiên cuộc sống rất nề nếp, luôn theo một quy luật định sẵn. Ngày nay, công nghệ hiện đại đã phát minh ra đồng hồ, nào đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay, đồng hồ trên các thiết bị thông minh, rất nhiều hình thức để phục vụ giờ giấc cho con người. Tuy nhiên, người đúng giờ thì ít, sai giờ thì nhiều, với tá lý do không thể chấp nhận. Không đúng giờ thể hiện ý thức của con người, thiếu văn minh, đáng chê trách.
Trong công việc, học tập hay lao động, từng nơi đã quy định các mốc thời gian làm việc khác nhau, các nhân viên và học sinh phải tuân thủ đầy đủ. Nếu không sẽ bị xử phạt, một học sinh đi học muộn thì chắc chắn sẽ bị ghi vào sổ đầu bài trừ điểm thi đua, một anh công nhân đi làm việc muộn sẽ bị khiển trách và bị trừ lương. Việc đúng giờ rất là quan trọng, nó là một cử chỉ đẹp vì:
Người đúng giờ là người có phong cách khoa học, đạo đức, văn minh, lịch sự. Nó là nề nếp học tập, làm việc khoa học, khi bác bảo vệ đánh trống thì tất cả học sinh phải vào lớp, những ai đi muộn thì sẽ bị phạt. Thầy cô giáo phải lên lớp giảng bài đúng giờ, dạy đúng tiết, làm đúng việc mà không được làm điều dư thừa ảnh hưởng đến thời gian của người khác. Học sinh cứ theo tiếng trống mà tuân thủ, không cần ai nhắc nhở, thói quen tốt, ý thức tự giác. Nhân viên trong cơ quan, nhà máy tuân thủ làm việc đầy đủ, đúng giờ tám tiếng một ngày, không được làm sai quy định.
Đúng giờ thể hiện ý thức biết quý trọng thời gian như vàng ngọc. Thời gian là thứ ra đi sẽ không bao giờ quay trở lại nữa, quý trọng thời gian cũng như là quý trọng bản thân mình vậy, luôn đúng giờ là đã thấy bóng dáng của người thành công. Một người luôn sai giờ sẽ chẳng bao giờ có tiền đồ cả. Có những công việc mà một phút kiếm vài trăm triệu đồng, vì vậy nên chỉ chậm chân một chút là sẽ không còn gì. Thời gian như tiền bạc, đúng giờ giúp bạn có được rất nhiều thứ đáng có.
Đúng giờ thể hiện sự tự tôn và lòng tôn trọng người khác. Khi đi học, việc bận đi học đúng giờ là sự tôn trọng của bạn dành cho giáo viên và ý thức trách nhiệm của bạn với việc học. Bạn đi họp lớp, việc bận đến đúng giờ là sự tôn trọng và yêu quý của mình dành cho bạn bè. Gặp đối tác, nếu bạn để đối tác chờ thì đồng nghĩa bạn đang mất đi một cơ hội và bạn đã bị mất điểm khá nhiều. Bạn bắt người khác chờ mình là oai, là có quyền, điều ấy quá sai vì ý thức của bạn quá kém, người khác chỉ cảm thấy coi thường bạn hơn thôi. Bạn rất thích một người đứng giờ, từ hôm nay hãy làm một người đúng giờ.
Đúng giờ mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích như là sự tự tin, phong thái đàng hoàng, phóng khoáng, làm việc luôn kế hoạch, thời gian rõ ràng, luôn có những nguyên tắc cụ thể cho bản thân. Người đúng giờ rất có tác phong lãnh đạo, nhận được sự tôn trọng của mọi người.
Đúng vậy, đúng giờ là một cử chỉ đẹp của con người. Văn hóa đúng giờ là nét đẹp của mỗi người nhưng không ít người có tư tưởng “ giờ cao su”, đi muộn về sớm làm cho người xung quanh khó chịu, công việc vì mình mà bị ngưng chậm. Vì vậy, mỗi người có ý thức về việc đúng giờ để rèn luyện bản thân có nề nếp mà làm mọi thứ xung quanh tốt đẹp hơn.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Trong giao tiếp hàng ngày giữa cộng đồng, mọi người thường có một nét riêng nào đó, để lại ấn tượng sâu sắc, hoặc văn minh lịch sự, hoặc khiếm nhã, hoặc trang nhã, hoặc thô lỗ đáng chê…trước cặp mắt bàn dân thiên hạ. Tục ngữ có câu nói về ấn tượng trong giao tiếp: "Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần". Lại có câu nói về cử chỉ, về chuyện đúng giờ: "Đúng giờ là một cử chỉ đẹp"
Thế nào là cử chỉ? Thế nào là cử chỉ đẹp? – Cử chỉ là việc làm biểu lộ một thái độ nào đó. Cử chỉ đẹp biểu lộ một thái độ văn minh, lịch sự, một nhân cách văn hóa, một cách ứng xử rất trang trọng, tự trọng, nhân văn, theo đạo lý và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Ví dụ : lễ phép chào hỏi người mà mình gặp, nhường bước cho người lớn tuổi, người già; lên xe buýt nhường ghế cho phụ nữ mang thai, cho em nhỏ, cho người tàn tật, cho người già ...
Trong học hành, trong lao động, trong hội họp, bất cứ ai cũng phải chấp hành đúng giờ, bởi lẽ "đúng giờ là một cử chỉ đẹp"; nếu không biết, hoặc thực hiện "không đúng giờ" là thiếu văn minh lịch sự, đáng chê trách.
Tại sao đúng giờ lại là một cử chỉ đẹp?
Ngày xưa, nhân dân ta sống và lao động theo tiếng gà gáy, theo bóng mặt trời. Gà gáy sáng thì ra đồng: "Lao xao gà gáy rạng ngày/ Vai vác cái cày, tay dắt con trâu/ Bước chân xuống cánh đồng sâu/ Mắt nhắm mắt mở, đuổi trâu ra cày..." (ca dao). Và khi "mặt trời xuống núi, bóng nhá nhem tối, vợ chồng bước vội về nhà". "Hai sương một nắng" là nếp sống lao động cần cù của nhà nông xưa nay.
Không biết dân ta biết sống và làm ăn theo đồng hồ từ năm tháng nào? Ngày nay, nhân dân ta hầu như ai cũng sống, cũng sinh hoạt, cũng học hành , làm ăn theo đồng hồ, theo giờ giấc. Trường học, cơ quan, nhà máy, công sở ... đều có nội quy. Tàu xe đi, đến, máy bay khởi hành, hạ cánh đều có lịch trình theo tuyến, hành khách phải đúng giờ. Hội họp, lễ tết, hội hè, hiếu hỉ... cũng có kế hoạch, có ngày tháng giờ giấc, người nào liên quan phải chấp hành, phải thực hiện đúng giờ giấc, không thể tùy tiện được.
Đúng giờ là một cử chỉ đẹp. Đẹp vì thể hiện một phong cách khoa học, đạo đức, văn minh, lịch sự. Trong trường học, chú bảo vệ đánh trống báo giờ học, giờ ra chơi, giờ tan học phải thật đúng giờ. Thầy cô giáo vào lớp, giảng dạy, hết bài, hết tiết học, phải đúng giờ, không thể vào muộn để học sinh ngồi chờ, không thể kéo dài lê thê tiết học. Nếu sai giờ là thiếu gương mẫu, đáng chê trách. Học sinh phải đi học đúng giờ, không nên học hành bữa đực bữa cái! Hội họp phải đúng lịch đúng giờ, không nên đăng đàn nói lan man "nói dài, nói dai, nói dại" để cử tọa phải chép miệng, ngáp vặt…và coi thường! Nhân viên đến cơ quan, công nhân vào nhà máy, ai cũng phải thực hiện nghiêm túc "8 giờ vàng ngọc" không nên tùy tiện "đi muộn về sớm"!
Đúng giờ là một cử chỉ đẹp thể hiện lòng tự trọng và biết tôn trọng mọi người. Ăn cơm, đi ăn cỗ mà đến muộn để mọi người phải ngồi chờ thì sao coi được! Đi họp mà đi muộn sẽ bị mọi người nhìn bằng cặp mắt coi thường.
Đúng giờ là một cử chỉ đẹp thể hiện một ý thức coi thì giờ quý như vàng bạc. Thời giờ trôi qua nhanh, thì giờ một đi không trở lại cho nên phải đúng giờ, không được lề mề, không được phung phí thì giờ. Có đúng giờ mới có thể tạo nên giá trị của cải vật chất và giá trị tinh thần. Những người đi họp chỉ vì "cái phong bao" thì họ chẳng quan tâm đến chuyện đúng giờ hay nội dung cuộc họp!
Tóm lại, đúng giờ là một cử chỉ đẹp thể hiện một nếp sống khoa học văn minh, biểu hiện một nhân cách văn hóa vừa biết tự trọng và coi thì giờ quý báu như vàng bạc.
Mỗi người trong chúng ta cần có ý thức và nếp sống đúng giờ, coi trọng "văn hóa đúng giờ" để học tập, làm ăn và sống gương mẫu.
----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024230 - Xem thêm