Học247 xin gửi đến các em bài văn mẫu phân tích câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm nhằm giúp các em cảm nhận được những phẩm chất tốt đẹp của con người cần được gìn giữ. Đồng thời, bài văn mẫu này còn giúp các em rèn luyện kĩ năng viết bài văn phân tích một câu tục ngữ cụ thể. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu phân tích câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý
B. DÀN BÀI CHI TIẾT
1. Mở bài
- Dẫn dắt, giới thiệu câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”.
- Khái quát ý kiến, nhận định về câu tục ngữ trên.
2. Thân bài
* Giải thích ý nghĩa câu nói:
- “Đói cho sạch, rách cho thơm” mang ý nghĩa: dù đói rách, cùng khổ hay gặp khó khăn vất vả cũng phải biết gìn giữ nhân cách và phẩm chất tốt đẹp, sống ngay thẳng, trong sạch.
- Giá trị của câu tục ngữ: Là đạo lý giáo hóa, khuyên răn sâu sắc giúp con người gìn giữ nhân phẩm và đạo đức.
* Vì sao phải sống “Đói cho sạch, rách cho thơm”:
- Khuất phục trước sự túng quẫn, đói rách mà làm điều sai trái sẽ dần khiến con người đánh mất nhân phẩm và ngày càng lún sâu vào tăm tối, khó quay đầu lại.
- Mượn cớ khốn cùng, vất vả để sống lầm lạc, buông thả, làm điều bất nhân cuối cùng cũng sẽ phải nhận lãnh hậu quả xứng đáng.
- Giữ vững tâm hồn trước mọi gian khổ, khó khăn giúp con người nâng cao phẩm cách và sở hữu một ý chí dẻo dai, kiên cường.
- Kiên trì sống trong sạch, ngay thẳng giúp con người rèn luyện bản lĩnh và chiến thắng mọi gian lao, thử thách.
- Con người có lối sống đẹp sẽ được mọi người tôn trọng, yêu quý.
- Mỗi con người biết sống tốt trước mọi khó khăn đều mang lại sự vui sướng và thanh thản cho bản thân đồng thời góp phần làm xã hội hài hòa, tốt đẹp hơn.
* Chứng minh “Đói cho sạch, rách cho thơm” là cách sống đúng:
Ví dụ như câu chuyện về người đàn ông thất nghiệp phải đi ăn xin ở Mỹ. Dù nghèo đói nhưng ông không tham lam và đã trả lại chiếc thẻ tín dụng có số tiền gần một triệu USD cho người bố thí ông sau đó ông nhận được sự tin trân trọng, giúp đỡ của rất nhiều người và được tin tưởng giao cho một công việc ổn định… (có thể dẫn chứng ngắn gọn một vài ví dụ thực tế mà em biết).
3. Kết bài
- Khẳng định lại suy nghĩ về câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”.
- Đúc kết bài học kinh nghiệm và đưa ra lời khuyên.
C. BÀI VĂN MẪU
Đề bài: Em hãy giải thích câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Từ xưa đến nay, ca dao tục ngữ luôn là những kinh nghiệm quý báu, những lời khuyên răn mà ông cha ta để lại cho con cháu. Trải qua bao nhiêu năm, đó vẫn luôn là những món quà tinh thần có giá trị rất lớn trong cuộc sống của chúng ta mà không bị lỗi thời. Và câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” cũng là một lời khuyên cho mỗi chúng ta, rằng sống phải không được làm điều gì trái với lương tâm cho dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu.
Về nghĩa đen, đó chính là câu ca dao khuyên nhủ chúng ta về cách ăn ở hàng ngày. Trong vế câu thứ nhất, ý chỉ dù cho đói, nhưng cũng không được ăn những thứ bậy bạ, không hợp vệ sinh mà dẫn đến không đảm bảo cho sức khỏe. “Miếng ăn là miếng nhục”, khi rơi vào hoàn cảnh túng quẫn thì con người thường làm mọi thứ để bất chấp danh dự để có được cái ăn, giống như câu “Đói ăn vụng, túng làm càn”. Cái đói thúc đẩy người ta làm rất nhiều điều không đúng với đạo lý và nguyên tắc bình thường. Ỏ vế câu thứ hai, ý nhắc nhở chúng ta phải ăn mặc quần áo rách, quần áo vá nhưng vẫn phải giữ cho quần áo của mình thơm tho, sạch sẽ. Qua câu tục ngữ này, ông cha ta muốn khuyên nhủ con người cần cố gắng giữ cho mình trong sạch, dù cho hoàn cảnh có khó khăn thế nào.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Cũng có lúc sẽ gặp phải rất nhiều chông gai, trắc trở. Những lúc ấy, con người ta rất dễ đánh mất bản ngã của mình, sẽ rất dễ bị sa vào những tội lỗi, rất dễ lầm đường lạc lối. Có bao nhiêu người được như lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, khi bị đẩy vào đường cùng, ông quyết tâm tự tử chứ không chịu làm điều trái với lương tâm của mình? Vì thế, ông cha ta khuyên chúng ta, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn phải giữ vững bản ngã của mình, sống sao cho không phải thẹn với lương tâm, không thẹn với mọi người.
Nhân cách là những đức tính tốt đẹp của con người và phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức mà xã hội quy định như lòng biết ơn, sự hiếu thảo, lòng dũng cảm, tính kiên trì, tinh thần yêu nước. Con người phải giữ gìn nhân cách đầu tiên là do nhân cách chính là thước đo giá trị của mỗi con người, khẳng định vị trí của người đó trong cộng đồng xã hội. Chẳng phải vậy sao mà xã hội luôn trân trọng, yêu quý và tôn vinh những người có nhân cách, có đạo đức tốt đẹp. Từ đó mà luôn lấy họ làm tấm gương sách để răn dạy cháu con mình noi theo. Thật vậy, lịch sử chẳng bao giờ quên tôn vinh những tấm gương con người có nhân cách, đạo đức đáng khâm phục, và tiêu biểu chính là người thầy đạo cao, đức trọng Chu Văn An. Thầy đã đem nhân học suốt cuộc đời mình để truyền dạy cho tất cả học trò để rồi cho đến cả một con vật, do quá kính trọng thầy nên đã hóa thành người mà đến theo học lớp thầy dạy. Năm tháng trôi qua, nghe thầy giảng đạo lí, nó đã được thầy cảm hóa. Tôn kính thầy, nghe lời răn dạy của thầy mà thấm nhuần trong tim, nó đã phá luật trời, cho mưa xuống vùng nhiều năm hạn hán để người dân đỡ khổ, đỡ cực. Ngoài ra, thầy thuốc - vị danh y Lê Hữu Trác cũng là một người như thế. Và tấm gương đạo đức ngời sáng về lòng kiên trì vượt mọi trở ngại, khó khăn của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu cũng cần chúng ta phải nhắc đến. Bên cạnh đó, trong tài cầm quân đánh giặc, thao lược trong chiến trận, Trần Hưng Đạo quả thực là một đại tướng tài giỏi. Và còn rất nhiều tấm gương ngời sáng khác trong thực tế cuộc sống của chúng ta hiện tại. Tuy nhiên, bên cạnh việc tôn vinh những con người như vậy, xã hội ta cũng luôn lên án những kẻ thiếu đạo đức, coi nhân phẩm của mình nhẹ hơn tiền tài, vật chất. Nhìn lại lịch sử, trong thời đại phong kiến nước nhà, thường có những kẻ phản dân hại nước như Nguyễn Ánh, như Lê Chiêu Thống hay ngay cả vua Khải Định... và còn nhiều kẻ khác nữa. Đặc biệt trong thời đại ngày nay cũng có không ít kẻ hám tiền, tham quyền rồi làm nhũng nhiễu nhân dân bằng cách tham nhũng, nhận hối lộ khiến cho đất nước ngày một thêm nghèo.
Sống trong cảnh đói rách kéo dài triền miên như vậy, nếu không giữ gìn phẩm cách, con người sẽ rất dễ bị tha hóa về đạo đức. Trong hoàn cảnh ấy, những lời khuyên nhủ, những bài học nhân sinh là hết sức cần thiết. Người lao động khuyên nhau, nhắc nhở nhau hãy sống cho trong sạch, đúng với bản chất thiên lương, sao cho khỏi cúi xuống thẹn đất, ngẩng lên thẹn trời và trước hết là để cho lương tâm mình không bị cắn rứt bởi tội lỗi xấu xa.
Quan điểm này đối lập với quan điểm sống tiêu cực của giai cấp bóc lột; là sự tự khẳng định và đề cao quan điểm sống thanh cao của người lao động. Không một uy lực nào, một cám dỗ nào có thể làm cho những con người chân chính khuất phục.
Trong sạch trong lối sống, trong nếp nghĩ. Điều đó đã được kết tụ trong cách sống cao thượng của những bậc chính nhân quân tử như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến... Quan niệm sống ấy là quan niệm sống cao đẹp của nhân dân ta từ ngàn xưa truyền lại. Nó giống như những bông hoa sen vươn lên trên đầm lầy với vẻ đẹp thanh cao và mùi hương thơm ngát.
Như vậy, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” là lời khuyên giữ gìn những giá trị, nhân cách cao đẹp của con người. Chúng ta hãy biết giữ gìn điều đó để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
2. Bài văn mẫu số 2
Cuộc sống của mỗi người luôn đầy biến động, có những nốt thăng và nốt trầm. Trước sự thay đổi của cuộc sống chúng ta cần giữ vững ý chí, niềm tin và hơn hết là giữ gìn phẩm giá của bản thân. Để nói về điều này, ông cha ta đã gửi gắm qua câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.
Câu tục ngữ được chia làm hai vế, khá cân đối và nhịp nhàng. Trước hết, chúng ta cần hiểu nghĩa đen của câu tục ngữ. Con người trong hoàn cảnh đói nghèo vẫn phải ăn uống sạch sẽ. Hay dù ta có nghèo, quần áo cũng phải gọn gàng, thơm tho và không được ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm. Đằng sau lớp nghĩa bề mặt đó, ông cha ta còn gửi gắm đến thế hệ sau một thông điệp vô cùng sâu sắc, ý nghĩa. “Đói và rách” ở đây chỉ cuộc sống khó khăn, túng quẫn; “sạch và thơm” không chỉ dùng chỉ hình thức bề ngoài mà còn thể hiện phẩm chất, tính cách bên trong mỗi con người: sự trong sạch, trung thực và không tham lam, lừa dối. Câu tục ngữ khuyên nhủ mỗi người dù cuộc sống có khó khăn hay vất vả, phải chịu nhiều khổ cực cũng phải luôn giữ gìn nhân cách, phẩm chất của bản thân. Không bởi vì hoàn cảnh thay đổi mà bán rẻ nhân phẩm, lương tâm cũng như đạo đức của chính mình.
Khi gặp những khó khăn, người ta thường dễ dàng suy sụp, có những hành động không đúng với chuẩn mực đạo đức: “đói ăn vụng, túng làm càn”. Nếu là người có ý chí, có bản lĩnh vững vàng sẽ không bị sa ngã trước những cám dỗ của cuộc sống, sẽ giữ được lương tâm, phẩm giá, nhân cách của bản thân. Ngược lại, người dễ bị cám dỗ sẽ trở thành kẻ xấu, tha hóa về đạo đức. Với xã hội hiện đại, đây là câu nói răn mình mà mỗi người cần phải ghi nhớ để không sa đà vào những tệ nạn khi gặp khó khăn, vất vả.
Có những người chống chọi với hoàn cảnh bằng cách làm những điều trái với lương tâm, đạo đức như đi cướp bóc, buôn bán trái phép… làm những việc gây ảnh hưởng lớn đến xã hội và những người xung quanh. Họ cho rằng, chỉ cần có tiền, có được cơ hội để thoát khỏi hoàn cảnh thì việc gì họ cũng sẽ làm. Đó là những kẻ mà đã để tâm hôn mình bị vẩn đục, ô uế với những quan niệm, suy nghĩ sai trái. Ngược lại, nếu ta biết vượt lên hoàn cảnh bằng cách không ngừng nỗ lực tìm kiếm cơ hội cho mình một cách trong sạch, đi lên từ những bước đi nhỏ nhất, cộng với sự chăm chỉ, quyết tâm thì chắc chắn nỗ lực của ta sẽ được đền đáp xứng đáng. Vậy nên dù cho bản thân có “đói” và “rách”, thì chỉ cần một khi tâm hồn ta vẫn còn trong sạch, lòng tự trọng của ta vẫn còn vẹn nguyên để không làm những điều sai trái với tiêu chuẩn đạo đức, ta vẫn có cơ hội để tìm đến một cuộc sống mới.
Bản thân mỗi người cần biết tự ý thức sâu sắc về hoàn cảnh của chính mình, sống một cách ngay thẳng, lương thiện thì dù cho hoàn cảnh của bạn thế nào, bạn vẫn luôn được người xung quanh yêu mến và tôn trọng. Còn những kẻ vì mọi thứ mà bán rẻ lương tâm, lòng tự trọng của mình, sẽ luôn bị bị người đời chê trách và xa lánh. Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao chính là một minh chứng tiêu biểu cho việc giữ gìn lòng tự trọng, nhân phẩm của mình đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, cho dù lão Hạc đã lâm đến bước đến cùng của sự nghèo khổ, thiếu thốn, lão vẫn nhất quyết giữ trọn nhân phẩm của mình bằng cách ăn bả chó để tự kết liễu đời mình, đẻ không phải đi vào con đường tội lỗi, xấu xa như Binh Tư chỉ để kiếm miếng ăn cho chính mình. Do đó, có thể thấy, lòng tự trọng luôn là một cái gì đó mà con người cần hết mực trân trọng và giữ gìn, không để nó bị vẩn đục.
Mỗi người chúng ta là một tế bào của xã hội, việc sống lành mạnh, không hổ thẹn với lương tâm sẽ tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn. Điều này sẽ khiến cho bản thân có thể hoàn thiện mình, vừa trở thành một người có ích, đóng góp sức lực vào xây dựng đất nước. Bản thân học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường thì cần nhìn nhận bản thân mình cần trở thành một học trò chăm ngoan, học giỏi, không chạy theo bệnh thành tích.
Câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” chính là lời nhắn nhủ của cha ông ta đối với con người. Hãy không ngừng hoàn thiện bản thân, đừng để cái xấu xa dụ dỗ, lôi kéo, như thế mỗi người sẽ trở thành công dân có ích cho xã hội hơn.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024123 - Xem thêm
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)