Dàn ý so sánh hai câu nói của hai nhân vật Chí Phèo và Trương Ba mà Học247 giới thiệu dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận được khát vọng sống, sự ý thức sâu sắc của con người cá nhân của hai nhân vật này. Đồng thời, dàn bài chi tiết và bài văn mẫu này sẽ giúp các em định hướng được cách phân tích một vấn đề, một khía cạnh trong tác phẩm văn học. Mời các em cùng tham khảo! Ngoài ra, để nắm vững kiến thức của tác phẩm, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Hồn Trương Ba, da hàng thịt.
A. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
B. Dàn bài chi tiết
Đề bài: Nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao trước khi đâm chết Bá Kiến và tự kết thúc cuộc đời mình đã nói: “Ai cho tao lương thiện?”
Nhân vật Trương Ba trong tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, khi gặp Đế Thích đòi trả lại thân xác người hàng thịt đã nói: “Không thể bên trong một, đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về những câu nói đó?
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm;
- Nêu vấn đề cần nghị luận
2. Thân bài
a. Khái quát về nội dung 2 tác phẩm; vị trí, ý nghĩa câu nói của 2 nhân vật:
- Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
- Nội dung: Tác phẩm kể về cuộc đời của nhân vật Chí Phèo, nhà văn đã tái hiện quá trình tha hóa của Chí Phèo. Từ một người nông dân lương thiện bị giai cấp thống trị chà đạp, đầy đọa trở thành lưu manh hóa. Từ đó Chí sống kiếp đời quỷ dữ… Gặp được thị Nở, tình yêu mộc mạc, chân thành của thị đã đánh thức phần lương thiện tốt đẹp trong con người Chí khiến Chí có khao khát được hoàn lương. Nhưng những định kiến nghiệt ngã của dân làng Vũ Đại về Chí đã khiến Chí bị Thị Nở cự tuyệt. Chí Phèo đau đớn nhận ra mình đã bị tước đoạt quyền làm người lương thiện. Chí uống rượu, xách dao đến nhà Bá Kiên, đòi lương thiện, tuyên án, trừng trị kẻ thù rồi tự sát.
- Câu nói của Chí Phèo: “Ai cho tao lương thiện?” là một câu hỏi đau đớn, nhức nhối. Câu nói chứa đựng bi kịch của nhân vật và tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
- Tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ
- Nội dung: Tác phẩm dựng lại bi kịch của nhân vật Trương Ba, một ông già làm vườn, có nhân cách, rất giỏi đánh cờ. Vì sự tắc trách của Nam Tào - Bắc Đẩu, Trương Ba bị chết nhầm. Để sửa sai, tiên cờ Đế Thích đã giúp cho hồn Trương Ba sống lại trong thân xác người hàng thịt mới chết. Sống trong những xung đột mâu thuẫn về sự vênh lệch giữa cái bên ngoài và bên trong, giữa tâm hồn và thể xác, giữa ham muốn tầm thường, và nhân cách trong sạch, cao khiết… khiến nhân vật Trương Ba rơi vào bi kịch… Để chấm dứt bi kịch, Trương Ba quyết định gặp Đế Thích trả lại thân xác hàng thịt, chấp nhận chết hẳn, không còn tồn tại nhưng được là mình toàn vẹn.
- Câu nói của nhân vật Trương Ba: “Không thể bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” thể hiện khát vọng được sống là mình, sự lựa chọn giải thoát của nhân vật Trương Ba để chiến thắng nghịch cảnh thể hiện rõ chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
b. Suy nghĩ về 2 câu nói của 2 nhân vật:
- Nét tương đồng:
- Cùng xuất phát từ nỗi đau bị chối bỏ; cùng là những lời hết sức tỉnh táo, sáng suốt, có tính chất như lời trăng trối của nhân vật trước khi từ giã cuộc đời, không còn tồn tại.
- Thể hiện khát vọng sống, sự ý thức sâu sắc của con người cá nhân;
⇒ Thông qua lời của mỗi nhân vật, cả 2 nhà văn đều thể hiện triết lý nhân sinh sâu sắc. Sự sống của con người lúc nào cũng là đáng quý, đáng trân trọng nhưng nó chỉ thực sự đáng quý khi con người được sống trọn vẹn là mình với phần lương thiện, tốt đẹp chân chính, được mọi người tôn trọng, thương yêu.
- Nét khác biệt
- Câu nói của nhân vật Chí Phèo:
- Tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến tàn ác, vô nhân tính đã cướp đi quyền sống của con người. Ở xã hội đó, con người muốn tồn tại thì phải bán linh hồn cho quỷ dữ; muốn giữ phần lương thiện trong sạch thì phải đánh đổi mạng sống.
- Câu nói tạo nên một kết thúc bế tắc, đau đớn, để lại ám ảnh, day dứt trong người đọc về số phận con người trước năm 1945.
- Câu nói của nhân vật Trương Ba:
- Thể hiện một quyết định dứt khoát thanh thản; khẳng định lòng dũng cảm, nghị lực vượt qua nghịch cảnh, chiến thắng chính mình của nhân vật. (Trương Ba là một nhân vật kịch, câu nói của Trương Ba thể hiện sự đấu tranh giữa 2 tiếng nói, 2 phần trong một con người. Đó là lí trí và bản năng; tâm hồn và thể xác, nhu cầu tinh thần và nhu cầu vật chất… Hồn Trương Ba không chấp nhận bị tha hóa, bị lấn át bởi sự phàm tục nên đã lựa chọn giải thoát không tồn tại trong cuộc đời thực nhưng được là mình, được sống trong tâm trí người thân.)
- Câu nói tạo nên một kết thúc đầy chất thơ, thể hiện tính nhân văn của tác phẩm.
- Câu nói của nhân vật Chí Phèo:
* Lý giải nguyên nhân của sự tương đồng và khác biệt
- Do hoàn cảnh sáng tác và những chi phối của đời sống xã hội, văn hóa…
- Nam Cao là nhà văn hiện thực của văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ XX, đây là thời kỳ văn học được hiện đại hóa, sự thức tỉnh về ý thức, về cái Tôi cá nhân đã khiến cho Nam Cao nhìn thấy bi kịch lớn nhất, sâu sắc nhất của nhân sinh là không được sống đúng với bản ngã của mình. Sáng tác của Nam Cao tập trung khai thác con người ở bên trong, con người ý thức, con người trong mối quan hệ với hoàn cảnh, sản phẩm của hoàn cảnh.
- Trong văn học kháng chiến, vấn đề con người cá nhân không được đề cập, nhường chỗ cho con người tập thể. Lưu Quang Vũ viết kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt vào những năm đầu hòa bình, thống nhất đất nước (sau 1975). Kịch của Lưu Quang Vũ mang tính thời sự ở chỗ đặt ra vấn đề con người cá nhân cần được quan tâm, chăm lo cả về vật chất và tinh thần; con người cần được sống là mình, không giả tạo, chắp vá, vay mượn. Sự tha hóa của con người thời bình bắt đầu xuất hiện, Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm thông điệp dự báo và cảnh báo nhắc nhở con người phải biết đấu tranh với hoàn cảnh, đấu tranh với chính bản thân để hoàn thiện.
- Do đặc trưng thể loại của mỗi tác phẩm
- Chí Phèo là truyện ngắn thuộc khuynh hướng hiện thực. Nhân vật Chí Phèo là nhân vật trong tác phẩm tự sự, nhà văn xây dựng nhân vật thông qua nhiều cách: ngoại hình diện mạo, hành động, ngôn ngữ (đối thoại, độc thoại, nửa trực tiếp) và thông qua mối quan hệ với các nhân vật khác. Câu nói “Ai cho tao lương thiện?” chính là một cái đinh trong tác phẩm để nhà văn ghim vào trí nhớ người đọc, tạo ấn tuợng sâu sắc về tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
- Hồn Trương Ba da hàng thịt thuộc thể chính kịch, nhân vật Trương Ba là nhân vật kịch, được khắc họa tâm lý, tính cách thông qua hành động, ngôn ngữ. Câu nói của Trương Ba: “Không thể bên trong một, đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” thể hiện hành động lựa chọn dứt khoát sau những đấu tranh, dằn vặt, trăn trở của nội tâm và khát vọng được sống là mình với những giá trị tốt đẹp.
- Do quy luật của sáng tạo nghệ thuật
- Mỗi tác phẩm là sự độc đáo không lặp lại. Những tư tưởng lớn có thể gặp nhau, Lưu Quang Vũ có thể có sự kế thừa, ảnh hưởng từ Nam Cao nhưng cách thể hiện của mỗi tác giả là riêng biệt; chính phong cách riêng của mỗi nghệ sỹ làm nên sự phong phú của diện mạo văn học dân tộc.
3. Kết bài
- Khái quát lại vấn đề nghị luận
- Mở rộng vấn đề
Trên đây là bài văn mẫu So sánh hai câu nói của hai nhân vật Chí Phèo và Trương Ba. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm:
----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024208 - Xem thêm