OPTADS360
NONE
YOMEDIA

50 Câu hỏi trắc nghiệm ôn tập Chương II Quần xã sinh vật Sinh học 12 có đáp án

30/01/2020 1.51 MB 6305 lượt xem 31 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2020/20200130/430343431949_20200130_105242.pdf?r=8005
ADMICRO/
Banner-Video

Nhằm giúp các em ôn tập tốt kiến thức quần xã sinh vật Hoc247 đã tổng hợp và biên soạn tài liệu 50 Câu hỏi trắc nghiệm ôn tập Chương II Quần xã sinh vật Sinh học 12 có đáp án. Mong rằng tài liệu này sẽ cung cấp những kiến thức bổ ích cho các em trong quá trình ôn tập nâng cao kiến thức trước khi bước vào kì thi của mình. Mời các em cùng tham khảo!

 

 
 

50 CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM ÔN TẬP CHƯƠNG II: QUẦN XÃ SINH VẬT SINH HỌC 12 CÓ ĐÁP ÁN

Câu 1.  Ý nào sau đây là không đúng khi nói về quần xã sinh vật?

A. Quần xã sinh vật có cấu trúc động.

B. Trong lòng mỗi quần xã thường xuyên xảy ra các mối quan hệ: hỗ trợ, đối địch.

C. Cấu trúc thường gặp của quần xã sinh vật là kiểu phân tầng nằm ngang.

D. Khi điều kiện môi trường thuận lợi thì quần xã có nhiều quần thể khác nhau cùng tồn tại.

Câu 2: Sự phân bố theo chiều thẳng đứng của nhiều tầng cây trong rừng thể hiện:

A. Tận dụng diện tích rừng và tận dụng triệt để nguồn thức ăn trong rừng.

B. Sự thích nghi của thực vật với điều kiện chiếu sáng khác nhau.

C. Sự thích nghi của thực vật với điều kiện độ ẩm khác nhau.

D. Sự hỗ trợ nhau của các loài cây để cùng nhau lấy được nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất.

Câu 3: Khi nói về quần xã sinh vật, phát biểu nào sau đây là không đúng?

A. Các quần xã thường khác nhau về số lượng loài trong sinh cảnh mà chúng cư trú.

B. Rừng cây ngập mặn vườn quốc gia Xuân Thủy, Nam Định là một quần xã.

C. Quần xã là tập hợp các quần thể sinh vật cùng loài sống trong một không gian xác định, ở đó chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau và với môi trường để tồn tại và phát triển ổn định theo thời gian.

D. Các loài sinh vật trong quần xã thường phân bố thành nhiều tầng theo chiều thẳng đứng hoặc tập trung ở những nơi thuận lợi theo mặt phẳng ngang.

Câu 4: Điều nào sau đây sai khi nói về mối quan hệ cạnh tranh?

A. Trong quần xã, các loài có cùng nguồn thức ăn, chỗ ở, thường có quan hệ cạnh tranh với nhau.

B. Trong quan hệ cạnh tranh, các loài sinh vật đều bị ảnh hưởng bất lợi, trong đó có loài yếu thế, có loài thắng thế.

C. Chỉ những cá thể khác loài mới có cạnh tranh gay gắt với nhau còn những cá thể cùng loài sẽ rất ít hoặc không cạnh tranh với nhau.

D. Cạnh tranh là động lực thúc đẩy các loài tồn tại trong thiên nhiên phát triển một cách ổn định.

Câu 5: Trong vườn cây có múi, loài kiến hôi chuyên đưa những con rệp cây lên chồi non nhờ vậy rệp lấy được nhiều nhựa cây và thải ra nhiều đường cho kiến hôi ăn. Người ta thường thả kiến đỏ vào sống vì kiến đỏ đuổi được loài kiến hôi, đồng thời nó cũng tiêu diệt sâu và rệp cây. Cho các nhận định sau:

  1. Quan hệ giữa rệp cây và cây có múi là cạnh tranh khác loài.
  2. Quan hệ giữa rệp cây và kiến hôi là hội sinh.
  3. Sinh vật ăn thịt đầu bảng trong ví dụ trên là kiến đỏ nếu ta xây dựng một lưới thức ăn.
  1. Nếu xây dựng một lưới thức ăn thì sẽ có 3 loài là thức ăn của kiến đỏ.

Những nhận định sai là:

A.1,3,4.                    B.1,2,3.                     C.2,3,4.                   D.1,2,4.

Câu 6: Vào mùa hè, các yếu tố giới hạn chính đối với các động vật thủy sinh sống trong các hồ nước nông là:

A. Độ pH của nước và nhiệt độ.

B. Nhiệt độ và hàm lượng oxi hòa tan.

C. Nguồn thức ăn và ánh sáng.

D. Ánh sáng và độ pH của nước.

Câu 7: Trong quá trình diễn thế, các chỉ số sinh thái đều thay đổi có quy luật. Ý nào sau đây sai?

A. Tổng sản lượng và sinh khối của quần xã tăng.

B. Hô hấp của quần xã tăng, còn sản lượng sơ cấp tỉnh (PR) giảm.

C. Thành phần loài ngày càng đa dạng nhưng số lượng cá thể mỗi loài ngày một tăng.

D. Lưới thức ăn trở nên phức tạp, quan hệ sinh học giữa các loài ngày càng trở nên căng thẳng.

Câu 8: Cho các quá trình sau:

  1. Lũ lụt kéo dài làm cho hầu hết các quần thể bị tiêu diệt
  2. Khai thác các cây gỗ già, săn bắt các động vật ốm yếu ở rừng
  3. Đổ thuốc sâu, chất độc hóa học xuống ao nuôi cá, đầm nuôi tôm.
  4. Trồng cây rừng lên đồi trọc, thả cá vào ao hồ, đầm lầy

Số quá trình sẽ không dẫn đến diễn thế sinh thái là:

A.3                           B.1                           C.2                          D.4

Câu 9: Mối quan hệ giữa loài A và B được biểu diễn bằng sự biến động số lượng của chúng theo hình bên. Có bao nhiêu phát biểu sau đây là đúng?

Mối quan hệ giữa hai loài này là quan hệ cạnh tranh.

Kích thước cơ thể của loài A thường lớn hơn loài B.

Sự biến động số lượng của loài A dẫn đến sự biến động số lượng của loài B và ngược lại.

Loài B có thường xu hướng tiêu diệt loài A.

Mối quan hệ giữa 2 loài A và B được xem là động lực cho quá trình tiến hóa.

A.1                       B.2                          C. 3                         D. 4

Câu 10: Cho các nhận định sau:

  1. Sau khi thu hoạch lúa, người nông dân tiến hành phun hóa chất, tiêu độc khử trùng loại trừ triệt để mầm bệnh, sau đó mới tiến hành gieo trồng lúa lại là điễn thế nguyên sinh.
  2. Tùy vào điều kiện phát triển thuận lợi hay không mà diễn thế nguyên sinh có thể hình thành nên quần xã tương đối ổn định hay quần xã suy thoái.
  3. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các loài trong quần xã chỉ là nhân tố quan trọng làm biến đổi quần xã sinh vật, diễn thế sinh thái xảy ra chủ yếu do tác động mạnh mẽ của ngoại cảnh.
  4. Dù cho nhóm loài ưu thế có hoạt động mạnh mẽ làm thay đổi điều kiện sống nhưng không có loài nào có khả năng cạnh tranh với nó.
  5. Nhờ nghiên cứu diễn thế sinh thái, con người có thể chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ và khai thác hợp lí các tài nguyên thiên nhiên.
  6. Rừng thứ sinh thường có hiệu quả kinh tế thấp hơn rừng nguyên sinh.

Những nhận định sai là:

A.1,2,4.                   B. 2,3,4.                C. 1;3;5.                   D.2,4, 6.

Câu 11: Mối quan hệ nào sau đây sẽ làm tăng cường lượng đạm cho đất?

A. Quan hệ giữa cây lúa và rong rêu trong ruộng lúa.

B. Quan hệ giữa loài thực vật với các loài vi khuẩn ký sinh trong quần thể sinh vật.

C. Quan hệ giữa tảo và nấm trong địa y.

D. Quan hệ giữa cây họ đậu và vi khuẩn trong nốt sần cây họ đậu.

Câu 12: Cho các nhận định sau:

  1. Quần xã là cấp độ tổ chức phụ thuộc vào môi trường rõ nhất.
  2. Chuỗi thức ăn chất mùn bã → động vật đáy → cá chép → vi sinh vật được mở đầu bằng sinh vật hóa tự dưỡng.
  3. Mối quan hệ cạnh tranh là nguyên nhân dẫn đến sự tiến hóa của sinh vật.
  4. Quan hệ dinh dưỡng giữa các loài trong quần xã cho ta biết mức độ gần gũi giữa các loài trong quần xã.
  5. Một loài kiến tha lá về tổ trồng nấm, kiến và nấm có mối quan hệ hợp tác.
  6. Thông qua việc quan sát một tháp sinh khối, chúng ta có thể biết được các loài trong chuỗi thức ăn và lưới thức ăn.

Những nhận định không đúng là:

A.1,2,3,5, 6.                   B.2,3, 5, 6.                   C.1,2,3,6.                   D.1, 2, 4, 5,6:

Câu 13: Cho các phát biểu sau khi nói về các mối quan hệ trong quần xã, phát biểu nào sau đây là đúng?

A. Quan hệ hỗ trợ bao gồm quan hệ cộng sinh, hội sinh và hợp tác.

B. Quan hệ đối kháng, ít nhất một loài được lợi.

C. Quan hệ hỗ trợ đem lại lợi ích cho tất cả các loài.

D. Quan hệ đối kháng làm cho các loài đều bị hại.

Câu 14: Cho các mối quan hệ sinh thái sau:

  1. Tảo nước ngọt nở hoa cùng sống với các loài tôm, cua.
  2. Cây nắp ấm bắt côn trùng.
  3. Cây phong lan sống bám trên cây gỗ lớn.
  1. Trùng roi sống trong ruột mối.
  2. Loài cá ép sống bám trên cá lớn.
  3. Chim sáo đậu trên lưng trâu rừng bắt cháy rận.
  4. Dây tơ hồng sống bám trên các cây trong vườn.
  5. Địa ý sống bám trên cây thân gỗ.

Từ các mối quan hệ sinh thái trên có các nhận định dưới đây:

Có 4 mối quan hệ là quan hệ hội sinh.

Có 6 mối quan hệ sinh thái giữa các loài đã được đề cập đến.

Có 2 mối quan hệ là quan hệ cộng sinh.

Có 3 mối quan hệ gây hại cho ít nhất một loài tham gia.

Số nhận định đúng là:

  A.4                    B.3                C.2               D.1

Câu 15: Diễn thế ở một đầm nước nông diễn ra thế nào?

A. Một đầm nước mới xây dựng → Trong đầm có nhiều loài thủy sinh của các tầng nước khác nhau →Đáy đầm bị nông đần có cỏ và cây bụi → Vùng đất trũng có các loài thực vật sống → Rừng cây bụi và cây gỗ.

B. Một đầm nước mới xây dựng → Trong đầm có nhiều loài thủy sinh của các tầng nước khác nhau → Đáy đầm bị nông đần có các loài thực vật sống → Vùng đất trũng có cỏ và cây bụi → Rừng cây bụi và cây gỗ.

C. Một đầm nước mới xây dựng → Trong đầm có các loài thực vật sống → Đáy đầm bị nông đần có nhiều loài thủy sinh của các tầng nước khác nhau → Vùng đất trũng có cỏ và cây bụi → Rừng cây bụi và cây gỗ.

D. Một đầm nước mới xây dựng → Trong đầm có các loài thực vật sống → Đáy đầm bị nông đần có nhiều loài thủy sinh của các tầng nước khác nhau → Vùng đất trũng có cỏ và cây bụi → Rừng cây bụi và cây gỗ.

Câu 16: Cho các hiện tượng sau:

1. Vi khuẩn nốt sần và rễ cây họ đậu.

2. Một loài cây mọc thành đám, rễ liền nhau.

3. Vi khuẩn phân hủy xenlulozo sống trong ruột già ở người.

4. Bọ chét, ve sống trên lưng trâu.

5. Dây tơ hồng sống trên cây thân gỗ.

6. Cá mập con ăn trứng chưa kịp nở của mẹ.

7. Tranh giành ánh sáng giữa các cây tràm trong rừng tràm.

8. Chim ăn thịt ăn thịt thừa của thú.

9. Chim cú mèo ăn rắn.

10. Nhạn biển và cò làm tổ sống chung.

11. Những con gấu tranh giành ăn thịt một con thú.

12. Những con sói cùng nhau hạ một con bò rừng.

13. Nhờ có tuyến hôi, bọ xít không bị chim dùng làm thức ăn.

14. Một số cây khi phát triển, bộ rễ tiết ra các chất kìm hãm các cây xung quanh phát triển.

Quan hệ sinh thái nào có nhiều hiện tượng được kể ở trên nhất

A. Quan hệ hỗ trợ cùng loài.

B. Quan hệ đấu tranh cùng loài.

C. Quan hệ hợp tác.

D. Quan hệ ức chế cảm nhiễm.

Câu 17: Cho các dạng sinh vật sau:

1. Một tổ kiến càng.

2. Một đồng cỏ.

3. Một ao nuôi cá nước ngọt.

4. Một thân cây đổ lâu năm.

5. Các loài hổ khác nhau trong một thảo cầm viên.

Những dạng sinh vật được coi là quần xã sinh vật là:

  A. 1,2,4.                B.1,3,5.               C. 2,3,4             D. 3,4,5.

Câu 18: Một ao cá nuôi bình thường thu hoạch được khoảng 2 tấn cá/ha. Nếu ta bón cho nó thêm một lượng phân vô cơ vừa phải, theo em năng suất của ao này sẽ như thế nào? Tại sao như vậy?

A. Tăng vì cung cấp thêm nuồn thức ăn cho tảo.

B. Giảm vì làm ô nhiễm môi trường nước ao.

C. Giảm vì gây ra hiện tượng nước nở hoa.

D. Tăng vì cạnh tranh giữa động vật nổi ít khốc liệt hơn.

Câu 19: Cho các mối quan hệ sau đây:

Tảo giáp nở hoa gây độc cho tôm ăn cá.

Cây phong lan sống bám trên thân cây gỗ.

Cây tỏi tiết chất gây ức chế hoạt động của các vi sinh vật xung quanh.

Cú và chồn cùng sống trong rừng, cùng bắt chuột làm thức ăn.

Trùng roi sống trong ruột mối.

Có bao nhiêu mối quan hệ là ức chế - cảm nhiễm?

A.4                            B.2                         C. 1                    D.3

Câu 20: Trong một quần xã rừng tự nhiên ở vùng Đông Nam Á, các loài động vật ăn cỏ cỡ lớn như bò rừng mỗi khi di chuyển thường đánh động và làm các loài côn trùng bay khỏi tổ. Lúc này, loài chim diệc bạc sẽ bắt các con côn trùng bay khỏi tổ làm thức ăn. Việc côn trùng bay khỏi tổ cũng như việc chim diệc bạc bắt côn trùng không ảnh hưởng gì đến đời sống bò rừng. Chim gõ bò có thể bắt ve bét trên da bò rừng làm thức ăn. Xét các mối quan hệ sau: Bò rừng với côn trùng, chim gõ bò, chim diệc bạc, ve bét; Chim điệc bạc với côn trùng; Chim gõ bò với ve bét. Có bao nhiêu phát biểu sau đúng về các mối quan hệ trên?

  1. Chỉ có 1 mối quan hệ ức chế cảm nhiễm.
  2. Quần xã có nhiều hơn 1 mối quan hệ động vật ăn thịt - con mồi.
  3. Có tối đa 3 mối quan hệ mà trong mỗi mối quan hệ chỉ có 1 loài có lợi.
  4. Chỉ có 1 mối quan hệ mà trong đó mỗi loài đều có lợi.
  5. Bò rừng đều không có hại trong tất cả các mối quan hệ.

  A.2                   B. 4                  C. 1                  D. 5

Câu 21: Đặc điểm nào sau đây không phải là đặc trưng cơ bản của quần xã?

A. Thành phần loài của quần xã biểu thị qua nhóm các loài ưu thế, loài đặc trưng, số lượng cá thể của mỗi loài.

B. Quan hệ của các loài luôn đối kháng.

C. Sự phân bố cá thể trong không gian của quần xã theo chiều thẳng đứng và chiều ngang.

D. Giữa các nhóm loài có quan hệ về mặt dinh dưỡng, trong quần xã các cá thể chia thành các nhóm: sinh vật sản xuất, sinh vật tiều thụ và sinh vật phân giải.

Câu 22: Cho các mối quan hệ sau:

1. Vi khuẩn Rhizobium và rễ cây họ đậu.

2. Cây phong lan sống bám trên cây gỗ.

3. Chim tu hú đẻ trứng mình vào tổ chim khác.

4. Vi khuẩn lam và nấm sống chung tạo địa y.

5. Chim sáo đậu trên lưng trâu.

6. Con kiến và cây kiến.

7. Vi khuẩn lam sống dưới lớp biểu mô của san hô.

Những mối quan hệ nào là quan hệ cộng sinh?

  A.1,4,5,6              B.1,2,3,4.                C.1,4,6,7.                    D.2,3,5,7.

Câu 23: Mức đa dạng của quần xã không phụ thuộc vào?

A. Sự cạnh tranh giữa các loài.

B. Kích thước cá thể của quần thể.

C. Mối quan hệ giữa con mồi và vật ăn thịt.

D. Mức độ thay đổi của các nhân tố vô sinh.

Câu 24: Cho các phát biểu sau:

1. Nếu vì một lí do nào đó mà loài ưu thế bị mất đi thì loài sẽ thay thế là loài chủ chốt.

2. Loài ngẫu nhiên có vai trò thay thế cho một nhóm loài khác khi nhóm này suy vong vì một lí do nào đó.

3. Nhóm loài ưu thế là loài có vai trò kiểm soát và khống chế sự phát triển của các loài khác, duy trì sự ổn định của quần xã.

4. Nhóm loài ngẫu nhiên là nhóm loài có tần suất xuất hiện và độ phong phú thấp, nhưng sự có mặt của chúng lại làm tăng mức đa dạng cho quần xã.

5. Vai trò của nhóm loài chủ chốt là quyết định chiều hướng phát triển của quần xã.

6. Loài đặc trưng là loài chỉ có ở một vài quần xã, có thể có số lượng nhiều và có vai trò quan trọng so với các loài khác.

Những phát biểu đúng là:

A. 2,6.                   B. 1; 3.              C. 4,6.                D. 3, 5

Câu 25: Cho các nhóm sinh vật sau đây:

1. Thực vật có hạt trong các quần xã trên cạn

2. Cây tràm trong rừng xã quần U Minh

3. Bò rừng Bizong sống trong các đồng cỏ ở Bắc Mĩ

4. Cây cọ trong vùng đồi Vĩnh Phú

5.Cây Lim trong quần xã rừng Lim xã Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn

6. Cây lau, lách thường gặp trong các quần xã mưa nhiệt đới Có bao nhiêu dạng sinh vật là loài đặc trưng?

  A.5                       B.4                    C.2                    D.3

Câu 26: Ốc sống dưới đáy hồ thuộc về:

A. Quần thể sinh vật.

B. Quần xã sinh vật.

C. Đàn ốc.

D. Một nhóm hỗn hợp cũng không phải quần xã cũng không phải quần thể.

Câu 27: Cho các mối quan hệ giữa các loài sinh vật sau:

1. Tôm vệ sinh và lươn.

2. Ốc mượn hồn và hải quỳ.

3. Cá bống biển và tôm vỏ cứng.

4. Cá ép và cá mập.

5. Cá vảy chân và vi khuẩn phát sáng.

6. Hải quỳ và cá hề.

Có bao nhiêu mối quan hệ mà cả hai loài sinh vật đều có lợi?

  A.5                       B.6                    C.2                    D.3

Câu 28: Một ao nuôi cá, sau thu hoạch người ta vệ sinh ao để chuẩn bị cho việc nuôi tiếp cho vụ sau. Sau khi tháo nước vào, trong ao này có hiện tượng gì xảy ra?

A. Biến động số lượng cá thể.

B. Diễn thế nguyên sinh.

C. Diễn thế thứ sinh.

D. Diễn thế sinh thái.

Câu 29: Chọn đáp án đúng:

A. Hải quỳ và cua là mối quan hệ hợp tác.

B. Chim mỏ đỏ và linh dương là mối quan hệ cộng sinh.

C. Phong lan bám trên cây thân gỗ là mối quan hệ ký sinh.

D. Vi khuẩn và tảo đơn bào trong địa y là mối quan hệ cộng sinh.

Câu 30: Cho các mối quan hệ sinh thái giữa các loài sau:

1. Dương xỉ sống bám trên cây thân gỗ để lấy nước và ánh sáng, không gây hại cây gỗ.

2. Nhờ hải quỳ, cá trốn được kẻ thù và bảo vệ hải quỳ khỏi bị số cá khác ăn xúc tu.

3. Trùng roi sống trong bụng mối chứa enzim xenlulaza giúp mối phân giải xenlulozo thành đường glucozo, mối cung cấp đường cho trùng roi.

4. Cò và nhạn làm chung tổ để ở.

5. Kền kền sử dụng thức ăn thừa của thú.

6. Vi khuẩn Rhizobium chứa enzim nitroengaza cố định nito khí trời cho cây họ đậu. Ngược lại, cây họ đậu cung cấp chất hữu cơ cho vi khuẩn nốt sần.

7. Sán, giun sống trong cơ quan tiêu hóa của lợn.

Gọi x là số mối quan hệ hội sinh; y là số mối quan hệ hợp tác, z là số mối quan hệ cộng sinh.

Mối quan hệ giữa x, y, z là:

A.\(x = y \ne z\)                            B.\(x = z \ne y\) 

C. \(x = y = z\)                            D. \(z = y \ne x\)

 

Đáp án trắc nghiệm ôn tập Chương II Quần xã sinh vật Sinh học 12

1. C

2. B

3. C

4. C

5. D

6. B

7. C

8. B

9. C

10. B

11. D

12. D

13.A

14. B

15. C

16. B

17. C

18. A

19. B

20. D

21. B

22. C

23. B

24. C

25. D

26. B

27. C

28. B

29. D

30. C

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

 Câu 1. Đáp án C

A. Quần xã sinh vật là một cấu trúc động, do tác động qua lại giữa các loài trong quần xã với môi trường:

- Bản thân quần xã gồm nhiều quần thể, mỗi quần thể có mức dao động về kiểu gen nhất định gắn với kích thước của từng loài trong quần thể.

- Các loài trong quần xã làm biến đổi môi trường, môi trường biến đổi lại tác động đến thành phần, cấu trúc quần xã.

- Ở các vùng đệm của một số loài của 2 quần xã xảy ra sự tác động rìa làm biến đổi quần thể bởi sự xâm nhập các loài mới vào quần xã, tạo cạnh tranh biến đổi tương quan kiểu gen từng quần thể của quần xã.

 B. Các loài trong quần xã gắn bó với nhau theo các mối quan hệ, trong lòng mỗi quần xã thường xuyên xảy ra các mối quan hệ: hỗ trợ, đối địch.

C. Sai, phải là: cấu trúc thường gặp của quần xã là kiểu phân tầng thẳng đứng. Vai trò của cấu trúc phân tầng thẳng đứng là:

- Phân bố hợp lí không gian sống phù hợp cho các quần thể trong quần xã phù hợp điều kiện sống, kiếm mồi.

- Phân bố khả năng sử dụng nguồn sống trong quần xã, làm giảm mức cạnh tranh giữa các cá thể và giữa các quần thể nhờ vậy duy trì được sự ổn định của quần xã.

  D. Khi điều kiện môi trường thuận lợi thì quần xã có nhiều quần thể khác nhau cùng tồn tại, khi điều kiện môi trường khắc nghiệt chỉ có một số ít quần thể mới thích nghỉ mới được tồn tại trong quần xã. Do đó ở những nơi có điều kiện sống thuận lợi thì có độ đa dạng cao, còn ở nơi có điều kiện sống khắc nghiệt có độ đa dạng thấp.

 Câu 2: Đáp án B.

Khi phân bố theo chiều thẳng đứng nghĩa là các loài cây ưa sáng sẽ ở tầng cao nhất và theo thứ tự giảm đần nhu cầu của các cây đối với ánh sáng. Điều đó giúp tận dụng hoàn hảo ngưồn sáng với mức độ nhu cầu phù hợp của mỗi loài cây.

Câu 3: Đáp án C.

A. Đúng, ở mỗi quần xã khác nhau sẽ có những loài khác nhau và tùy vào môi trường sống mà số loài và số lượng loài khác nhau. Ví dụ như ở quần xã sa mạc thì số lượng cây xương rồng sẽ nhiều hơn quần xã rừng nhiệt đới. Nguyên nhân được giải thích là do quần xã ở sa mạc phù hợp với điều kiện để phát triển cây xương rồng hơn.

B. Đúng, quần xã là tập hợp của nhiều loài khác nhau sống trong một sinh cảnh, ở đây sinh cảnh là rừng quốc gia Xuân Thùy, còn ở rừng này sẽ có nhiều loài khác nhau, ví dụ như sóc, hổ, khi... nên đây được gọi là một quần xã.

C. Sai, quần xã là tập hợp các quần thể sinh vật khác loài sống trong một không gian xác định, ở đó chúng có quan hệ chặt chế với nhau và với môi trường để tồn tại và phát triển ổn định theo thời gian.

D. Đúng, tùy thuộc vào các môi trường khác nhau mà có sự phân hóa theo chiều thẳng đứng hay theo chiều ngang khác nhau. Mục đích của sự phân hóa này là giảm khả năng cạnh tranh của các loài, giúp tận dụng nguồn sống một cách tối đa nhất.

Câu 4: Đáp án C.

Các cá thể cùng loài vẫn cạnh tranh nhau gay gắt khi gặp điều kiện bất lợi như thiếu thức ăn, chỗ ở.

Câu 5: Đáp án D.

- Ý 1 sai vì đó là quan hệ kí sinh

- Ý 2 sai vì đó là quan hệ hợp tác (không yêu cầu sự phụ thuộc, có hoặc không đều được).

- Ý 3 là ý đúng.

- Ý 4 sai vì chỉ có 2 loài đó là sâu và rệp cây!

Vậy chỉ có duy nhất một ý đúng!

Câu 6: Đáp án B.

- Ở hồ nước nông vào mùa hè, nhiệt độ trong hồ thường tăng cao, làm cho O¿ hòa tan giảm do đó động vật trong hồ có giới hạn hẹp lại.

- Vì thế nhiệt độ và hàm lượng oxi hòa tan là các yếu tố giới hạn chính đối với các động vật thủy sinh sống trong các hồ nước nông.

 Câu 7: Đáp án C.

- Tính đa dạng về loài tăng, nhưng số lượng cá thể của một loài lại giảm. Cả 4 ý trên đều được ghi rõ ở trang 242 sách giáo khoa 12.

- Có thể không cần nhớ lí thuyết ở câu này, mà chỉ qua từ ngữ được sử dụng “ngày càng đa dạng” “nhưng” “ngày một tăng”; hai đại lượng cùng hướng đến sự tích cực mà lại sử dụng “từ quan hệ” “nhưng”, thì đã thấy đã có vấn đề.

 Câu 8: Đáp án B.

- Diễn thế là quá trình biến đổi tuần tự của các quần xã sinh vật, từ dạng khởi đầu qua các giai đoạn trung gian để đến quần xã cuối cùng tương đối ổn định (quần xã đỉnh cực). Có 2 loại diễn thế đó là diễn thế nguyên sinh và điễn thế thứ sinh.

- Các quá trình 1,3,4 có thể dẫn đến diễn thế sinh thái.

- Quá trình 2 không dẫn đến diễn thế vì quần xã gần như không thay đổi. Người ta thường nói “Sinh lão bệnh tử” nên nếu người ta không bắt các con vật ốm yếu hay cây gỗ già thì chúng cũng sẽ chết. Vậy nên sẽ không xảy ra diễn thế

 Câu 9: Đáp án C.

(1) sai vì mối quan hệ giữa hai loài này là quan hệ dinh dưỡng: Loài A là con mồi, loài B là vật ăn thịt.

(2) sai vì loài A là con mồi thường có kích thước cơ thể nhỏ hơn loài B.

(3) đúng, trong quan hệ con mồi, vật ăn thịt, sự biến động số lượng của loài A dẫn đến sự biến động số lượng của loài B và ngược lại.

(4)  đúng, loài B có thường xu hướng tiêu diệt loài A để làm thức ăn.

(5) đúng, mối quan hệ vật ăn thịt - con mồi được xem là động lực cho quá trình tiến hóa.

 Câu 10: Đáp án B.

- Ý 1 đúng vì diễn thế nguyên sinh là diễn thế khởi đầu từ môi trường chưa có sinh vật.

- Ý 2 sai vì tùy vào điều kiện phát triển thuận lợi hay không mà diễn thế thứ sinh có thể hình thành nên quần xã tương đối ổn định hay quần xã suy thoái.

- Ý 3 sai vì những biến đổi của môi trường chỉ là nhân tố khởi động, còn quần xã sinh vật mới là động lực chính cho quá trình diễn thế.

- Ý 4 sai, nếu nhóm loài ưu thế hoạt động mạnh mẽ làm thay đổi điều kiện sống thì nó sẽ tạo điều kiện cho loài khác cạnh tranh thay thế.

- Ý 5 đúng, nhờ nghiên cứu diễn thế sinh thái, con người có thể chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ và khai thác hợp lí các tài nguyên thiên nhiên.

- Ý 6 đúng rừng nguyên sinh đa dạng sinh học và có hiệu quả kinh tế cao hơn rừng thứ sinh.

 Câu 11: Đáp án D.

Vi khuẩn ở nốt sần cây họ đậu có vai trò cố định nito, do đó làm tăng lượng đạm cho đất.

Câu 12: Đáp án D.

- Ý 1 sai vì cá thể mới là cấp độ tổ chức phụ thuộc vào môi trường rõ nhất.

- Ý 2 sai vì sinh vật mở đầu là sinh vật phân giải chất hữu cơ.

- Ý 3 đúng vì cạnh tranh không làm hai loài suy vong mà ngược lại còn thúc đẩy chúng phát triển.

- Ý 4 sai vì quan hệ dinh dưỡng trong quần xã cho ta biết dòng năng lượng trong quần xã.

- Ý 5 sai vì mối quan hệ đó là hội sinh (một loài có lợi còn loài kia không lợi cũng không hại).

- Ý 6 sai vì ta không thể biết được chính xác chuỗi và lưới thức ăn như thế nào, ta chỉ có thể biết được mức độ dinh dưỡng ở từng bậc và toàn bộ quần xã.

Vậy có tới 5 ý sai.

 Câu 13: Đáp án A.

- Quan hệ hỗ trợ bao gồm quan hệ cộng sinh,  hội sinh và hợp tác. Trong quan hệ hỗ trợ các loài đều có lợi hoặc ít nhất không bị hại.

- Quan hệ đối kháng bao gồm quan hệ cạnh tranh, ký sinh, ức chế cảm nhiễm và quan hệ sinh vật này ăn sinh vật khác. Loài thắng thế sẽ phát triển mạnh còn loài bị hại sẽ suy thoái. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cả hai loài ít nhiều đều bị hại.

- Như vậy đáp án A là chính xác.

 Câu 14: Đáp án B.

 Câu 15: Đáp án C.

- Đầu tiên đọc đề ta hãy xác định là đề yêu câu đếm số nhận định đúng.

- Sau đó ta lại nhìn lên nhận định thấy nó liên quan đến các quan hệ sinh thái, nhìn tiếp lên trên đó là 8 quan hệ đã cho ở trên thì thế nào cũng phải xác định 8 mối quan hệ đó là gì?

- Ta sẽ có lần lượt 8 mối quan hệ sinh thái cũng không khó nhận biết lắm:

+ 1 là quan hệ ức chế -cảm nhiễm (tảo “vô tình” làm tôm, cua bị hại).

+ 2 là quan hệ vật ăn thịt - con mồi (quá là hiển nhiên luôn).

+ 3 là quan hệ hội sinh (cây gỗ không hại gì trong khi phong lan được lợi).

+ 4 là quan hệ cộng sinh (cả hai loài đều được lợi, ví dụ cũng thường thấy).

+ 5 là quan hệ hội sinh (cá lớn không lợi cũng không hại, trong khi cá nhỏ được bảo vệ).

+ 6 là quan hệ hợp tác (hai loài trên không nhất thiết phải có sự ràng buộc).

+ 7 là quan hệ kí sinh (cây là vật chủ, dây tơ hồng là vật kí sinh).

+ 8 là quan hệ hội sinh (tương tự như ý 3).

Như vậy ta sẽ có:

+ Ý a sai vì chỉ có 3 mối quan hệ là hội sinh (3, 5, 8).

+ Ý b đúng, 6 quan hệ đó là: ức chế - cảm nhiễm, vật ăn thịt - con mồi, hội sinh, cộng sinh, hợp tác, kí sinh.

+ Ý c sai vì chỉ có mối quan hệ số 4 là cộng sinh.

+ Ý d đúng vì các mối quan hệ gây hại cho ít nhất một loài là ức chế - cảm nhiễm, vật ăn thịt - con mồi, kí sinh.

- Như vậy có tất cả 2 nhận định đúng.

 Câu 16: Đáp án B.

- Dù đáp án không hỏi số lượng cụ thể của từng quan hệ sinh thái nhưng để tìm ra quan hệ sinh thái nào được liệt kê nhiều nhất.

- Cần chú ý điều nữa là đề bài không cho là 14 hiện tượng được kể ở trên đều thuộc 4 quan hệ sinh thái mà đáp án cho. Tránh ngộ nhận để không ra kết quả sai (có tới 8 quan hệ sinh thái).

- Ta có các quan hệ sinh thái lần lươt là:

+ Quan hệ hỗ trợ cùng loài: 2, 12

+ Quan hệ đấu tranh cùng loài: 6, 7, 11

+ Quan hệ ăn thịt con mồi: 9

+ Quan hệ cộng sinh: 1, 3

+ Quan hệ hợp tác: 10

+ Quan hệ hội sinh: 8

+ Quan hệ kí sinh: 4, 5

+ Quan hệ ức chế - cảm nhiễm: 13, 14

Như vậy đáp án B là đáp án chính xác.

 Câu 17: Đáp án C.

- Quần xã sinh vật là một tập hợp các quần thể sinh vật khác loài sống trong một không gian xác định, ở đó chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau và với môi trường để tồn tại và phát triển ổn định.

- Chú ý phải là các loài khác nhau, không thể cùng một loài nên chỉ có 3 trường hợp đúng đó là 2,3,4.

 Câu 18: Đáp án A.

Bón một lượng phân vô cơ vừa phải sẽ giúp cho tảo trong ao cá phát triển mạnh, từ đó tăng nguồn thức ăn cho cá, qua đó sẽ giúp năng suất của ao sẽ tăng.

 Câu 19: Đáp án B.

Ta phải tìm hiểu xem từng mối quan hệ là quan hệ gì.

- Ý 1 là quan hệ ức chế cảm nhiễm (một ví dụ rất điển hình).

- Ý 2 là quan hệ hội sinh, loài có lợi là cây phong lan, còn cây thì không sao do phong lan chỉ nhờ vào cây gỗ để vươn lên lấy ánh sáng.

- Ý 3 là quan hệ ức chế cảm nhiễm, cây tỏi không “cố ý” làm hại ai cả.

- Ý 4 là quan hệ cạnh tranh khác loài.

- Ý 5 là quan hệ cộng sinh.

Vậy có 2 hiện tượng là quan hệ ức chế cảm nhiễm.

 Câu 20: Đáp án D.

a. Bò rừng - côn trùng: ức chế càm nhiễm

b. Bò rừng - chim gõ bò: hợp tác

c. Bò rừng - chim điệc bạc: hội sinh

d. Bò rừng - ve bét: kí sinh

e. Chim diệc bạc - côn trùng: sinh vật ăn sinh vật

f. Chim gõ bò - ve bét: sinh vật ăn sinh vật

Các phát biểu đúng là (1) (2) (4)

- 3 sai, các mối quan hệ mà chỉ có 1 loài có lợi là c, đ, e, £.

- 5 sai, bò rừng làm hại đến côn trùng.

 Câu 21: Đáp án B.

Các đặc trưng cơ bản của quần xã:

- Tính đa dạng về loài của quần xã.

- Số lượng các nhóm loài của quần xã: loài ưu thế, loài đặc trưng, loài ngẫu nhiên, loài chủ chốt...

- Hoạt động chức năng của các nhóm loài: theo chức năng, quần xã gồm sinh vật sản xuất, sinh vật tiêu thụ và sinh vật phân giải.

- Sự phân bố của các loài trong không gian theo chiều thắng đứng hoặc theo chiều ngang.

 Câu 22: Đáp án C.

-Ý 1 là quan hệ cộng sinh.

- Ý 2 là quan hệ hội sinh.

- Ý 3 là quan hệ ức chế cảm nhiễm.

- Ý 4 là quan hệ cộng sinh.

- Ý 5 là quan hệ hợp tác

- Ý 6 là quan hệ cộng sinh.

- Ý 7 là quan hệ cộng sinh.

Vậy có 4 mối quan hệ là quan hệ cộng sinh.

Câu 23: Đáp án B.

Mức đa dạng của quần xã phụ thuộc vào các nhân tố sinh thái như:

- Sự cạnh tranh giữa các loài.

- Mối quan hệ giữa con mồi và vật ăn thịt.

- Mức độ thay đổi của các nhân tố môi trường vô sinh.

Do đó, ta loại B.

Câu 24: Đáp án C.

- Các ý đúng là 4, 6.

- Một câu hỏi thuần túy về lí thuyết cơ bản nhưng nếu không nắm cẩn thận ta sẽ dễ nhầm lẫn.

- Sau đây là một số tổng hợp về kiến thức, từ đó xét lên các phát biểu phía trên sẽ thấy sai và đúng ở đâu. * Căn cứ vào vai trò nhất định của nhóm loài, trong quần xã người ta chia làm 3 loại nhóm loài:

+ Loài ưu thế: có tần số xuất hiện và độ phong phú cao, sinh khối lớn, có vai trò quyết định chiều hướng phát triển của quần xã.

+ Loài thứ yếu: có vai trò thay thế loài ưu thế khi nhóm loài này bị diệt vong.

+ Loài ngẫu nhiên: có tần suất xuất hiện và độ phong phú thấp, nhưng sự có mặt của chúng lại làm tăng mức đa dạng cho quần xã.

* Trong quần xã người ta lại phân ra làm 2 nhóm loài:

+ Loài chủ chốt: gồm một vài loại (vật ăn thịt đầu bảng) có vai trò kiểm soát và khống chế sự phát triển của các loài khác, duy trì sự ổn định của quần xã.

+ Loài đặc trưng: chỉ có ở một vài quần xã, có thể có số lượng nhiều và có vai trò quan trọng so với các loài khác.

 Câu 25: Đáp án D.

- Loài đặc trưng là loài chỉ có ở một quần xã nào đó nên xét theo tiêu chí đó thì các dạng sinh vật đúng là 2, 4, 5.

- Các ý 1 và 6 thì hiển nhiên là rất rộng rồi (trên cạn và rừng mưa nhiệt đới) nên không thể là đúng được.

- Có thể nhiều em lầm tưởng về ý 3 nhưng ý 3 cũng không phải do Bắc Mĩ là một khu vực rất rộng lớn, hiểu nôm na là gồm 2 đất nước là Canada và Hoa Kì trong đó Hoa Kì là nước có diện tích thứ 4 thế giới nên đó ắt hẳn không phải chỉ ở một nơi thôi!

 Câu 26: Đáp án B.

- Ốc sống dưới đáy hồ là tập hợp nhiều quần thể ốc khác nhau. Ví dụ như ốc sót, ốc mưu, ốc cày, ốc xoắn...Chúng có mỗi quan hệ chặt chế với nhau và với môi trường để tồn tại, ổn định và phát triển theo thời gian.

- Đây là một câu hỏi về tự nhiên ứng dụng với lý thuyết về quần xã khá dễ, tuy nhiên nếu em nào chọn đáp án A thì nên nhớ rằng, ốc có nhiều loài khác nhau chứ không phải chỉ riêng một loài.

 Câu 27: Đáp án C.

- Các mối quan hệ mà cả hai loài sinh vật đều có lợi là cộng sinh và hợp tác.

- Cả 6 mối quan hệ trên đều làm cả hai loài sinh vật có lợi, sau đây là chỉ tiết của từng mối quan hệ ở trên:

+ Loài tôm vệ sinh liều lĩnh một cách điên rồ. Chúng cả gan leo vào cái miệng đầy răng nhọn hoắt lởm chởm của những con lươn, đào bới quanh răng chúng để tìm thức ăn. Đây là tập quán kiếm ăn đã có từ lâu đời của loài tôm này, chúng chuyên ăn những ký sinh trùng trong miệng của các loài lươn và cá.

+ Một số loài ốc mượn hồn thường cõng hải quỳ trên lưng. Chẳng phải hải quỳ mỏi chân và muốn đi nhờ, thật ra cả 2 đều được lợi: ốc thì dùng hải quỳ để xua đuổi kẻ thù (vì hải quỳ có chứa độc tố trong những chiếc tua của mình), ngược lại, hải quỳ nhờ ốc mà có thể thoát khỏi tình trạng “bán thân bất toại” và có thể kiếm được nhiều thức ăn hơn khi chu du cùng ốc.

+ Cá bống biển và tôm vỏ cứng chung sống vui vẻ cùng nhau. Cả 2 cùng sống trong 1 cái hang do tôm đào, và cá lại có nhiệm vụ bảo vệ tôm. Thị lực của loài tôm này rất kém, dó đó chúng phải nhờ bống vốn rất tỉnh mắt cảnh giới cho lúc nào thì an toàn để ra ngoài. Ngược lại, bống thì nhờ tôm mà có được một “ngôi nhà” để nương náu và nghỉ ngơi.

+ Cá mập có lẽ là loài ít được yêu mến nhất dưới đại dương. Chúng to xác, dữ dẫn, độc ác. Vậy tại sao chúng lại quá rộng lượng để cho loài cá ép bám vào dưới bụng của mình? Trước đây, quan hệ này được cho là quan hệ hội sinh — một loài được hưởng lợi, còn một loài chẳng hưởng được gì, nhưng bây giờ mọi sự đã rõ, không chỉ nhặt nhạnh thức ăn thừa của cá mập, cá ép còn giúp dọn đẹp các loài ký sinh sống dưới bụng của cá mập; và lợi ích chúng hưởng từ cá mập đã quá rõ ràng: dù thèm món cá ép đến mấy nhưng chẳng con vật nào đám cả gan lượn lờ trước mặt “tử thần”.

+ Cá vảy chân có ngoại hình thật kinh khủng, chúng cũng khá thủ đoạn khi dùng chính nạn nhân của mình để dụ dỗ các nạn nhân khác. “Cần câu cơm” của chúng chính là cái ăng-ten phát sáng đu đưa ở trên đầu, thật ra loài này không có khả năng phát sáng, ánh sáng đó là từ hàng triệu vi khuẩn phát sáng - một món ăn của cá vảy chân - bám vào đó để khỏi trôi vào cái miệng khủng khiếp phía dưới.

+ Cá hề có lẽ là loài duy nhất có khả năng kháng lại độc tố của hải quỳ. Chúng có thể tung tăng qua lại giữa những chiếc tua đầy chất độc mà không hề hấn gì. Hải quỳ ăn phần thức ăn còn lại của cá, và để đáp ơn, chúng lại bảo vệ loài cá này khỏi bị ăn thịt bởi loài khác.

 Câu 28: Đáp án B.

- Khi người ta vệ sinh ao thì ao đã không còn một sinh vật nào nữa, nó coi như trở về thời đại nguyên thủy, khi ta tháo nước vào ao, mầm mống sinh vật bắt đầu xuất hiện vì thế ta có thể coi quá trình này là diễn thế nguyên sinh.

- Bổ sung thêm một ít lý thuyết về diễn thế nguyên sinh và thứ sinh như sau:

+ Diễn thế nguyên sinh là diễn thế khởi đầu từ môi trường chưa có gì và kết quả là hình thành một quần xã tương đối ổn định.

+ Diễn thế thứ sinh là diễn thế xuất hiện ở môi trường đã có một quần xã sinh vật từng sống nhưng nay đã bị hủy diệt hoàn toàn.

 Câu 29: Đáp án D.

- Cộng sinh là sự hợp tác chặt chẽ giữa hai hay nhiều loài và tất cả các loài tham gia đều có lợi. Mặt khác các loài này không thể tách rời nhau bởi mối quan hệ này, nếu tách rời chúng sẽ không tồn tại được.

- Hợp tác giữa hai hay nhiều loài và tất cả các loài tham gia đều có lợi, khác với cộng sinh, quan hệ hợp tác không chặt chẽ và không nhất thiết phải có đối với mỗi loài, chỉ điễn ra những khoảng thời gian và thời điểm nhất định. (Mối quan hệ giữa hợp tác và cộng sinh thường hay dễ nhầm lẫn, vì thế các em cần lưu ý).

- Hội sinh là sự hợp tác giữa 2 loài, trong đó 1 loài có lợi và loài kia không có lợi cũng không có hại gì.

+ Hải quỳ và cua là mối quan hệ cộng sinh vì hai loài này dựa vào mối quan hệ này mới tồn tại và phát triển được.

+ Chim mỏ đỏ và linh dương là mối quan hệ hợp tác, chim mỏ đỏ đậu trên linh dương để bắt và ăn các loài sinh vật gây hại cho linh đương.

+ Phong lan bám trên cây gỗ là mối quan hệ hội sinh, phong lan nhờ được bám vào cây gỗ nên mới có môi trường sinh sống và phát triển nhưng không lấy bất kỳ một chất dinh dưỡng nào từ cây gỗ cả, chỉ bám vào thôi nên không gây hại cho cây gỗ.

+ Vi khuẩn và tảo đơn bảo trong địa y là mối quan hệ cộng sinh, hai loài này lấy chất dinh đưỡng của nhau để phát triển.

 Câu 30: Đáp án C.

Đầu tiên ta vẫn phải xác định các mối quan hệ:

- 1 là quan hệ hội sinh.

- 2 là quan hệ hợp tác, cả hai đều có lợi nhưng không “sống chết phải có nhau”.

- 3 là quan hệ cộng sinh.

- 4 là quan hệ hợp tác.

- 5 là quan hệ hội sinh.

- 6 là quan hệ cộng sinh.

- 7 là quan hệ kí sinh.

Vậy x = y = z = 2.

{-- Nội dung đề, đáp án và lời giải chi tiết từ câu 31-50 của tài liệu trắc nghiệm ôn tập Chương II: Quần xã Sinh vật Sinh học 12 nâng cao vui lòng xem ở phần xem online hoặc tải về --}

Trên đây là trích dẫn 1 phần nội dung 50 Câu hỏi trắc nghiệm ôn tập Chương II Quần xã sinh vật Sinh học 12 có đáp án​. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .

Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:

​Chúc các em học tập tốt !

VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA
NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
OFF