OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
UREKA

Soạn bài Ông đồ - Vũ Đình Liên - Ngữ văn 7 Tập 1 Cánh Diều

Banner-Video

Bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên tái hiện hình ảnh đáng thương của ông đồ thời Nho học suy tàn. Qua đó, bàu tỏ niềm cảm thương, tiếc nuối của tác giả với nét văn hóa thư pháp bị phai mờ theo thời gian. Bài soạn Ông đồ - Vũ Đình Liên thuộc sách Cánh Diều dưới đây sẽ giúp các em có thêm nhiều kiến thức về tác phẩm, đồng thời biết trân trọng và phát huy nền văn hoá truyền thống dân tộc. Chúc các em học tập vui vẻ!

ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 
 

 

 
 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Nội dung

Tác phẩm khắc họa thành công hình cảnh đáng thương của ông đồ thời vắng bóng, đồng thời gửi gắm niềm thương cảm chân thành của nhà thơ trước một lớp người dần đi vào quá khứ, khơi gợi được niềm xúc động tự vấn của nhiều độc giả.

1.2. Nghệ thuật

- Thể thơ ngũ ngôn vừa phù hợp với lối kể chuyện, vừa thích hợp để diễn tả tâm tình.

- Kết cấu đầu cuối tương ứng chặt chẽ của bài thơ đã làm nổi bật chủ đề tác phẩm: quá trình tàn tạ, suy sụp của nền nho học.

- Ngôn ngữ, hình ảnh trong sáng, bình dị nhưng hàm súc, đầy ám ảnh, giàu sức gợi.

2. Soạn bài Ông đồ - Vũ Đình Liên Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều

2.1. Chuẩn bị đọc

Câu hỏi: 

- Ngoài bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ (đã học ở lớp 6), em còn biết thêm bài thơ năm chữ nào khác không? Đọc trước bài thơ Ông đồ, tìm hiểu thêm về tác giả Vũ Đình Liên.

- Tìm hiểu thêm về chữ Nho và nghệ thuật viết chữ Nho (thư pháp).

Trả lời:

- Ngoài bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ (đã học ở lớp 6), em còn biết thêm bài thơ năm chữ là: Mưa đêm, Thăm lại trường xưa, Thao thức, Trở gió…

- Tác giả Vũ Đình Liên:

+ Vũ Đình Liên (12/11/1913- 18/1/1996) sinh tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

+ Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào Thơ mới. Ngoài thơ ông còn hoạt động trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học và dịch thuật. Ông là hội viên sáng lập Hội nhà văn VN. 

+ Một số bài thơ: Ông đồ, Lòng ta là những hàng thành quách cũ, Luỹ tre xanh, Người đàn bà điên ga Lưu xá... Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (cùng Nhóm Lê Quý Đôn – 1957), Nguyễn Đình Chiểu (1957)…

- Chữ Nho và nghệ thuật viết chữ Nho (thư pháp).

+ Chữ Nho còn gọi là chữ Nôm cũ là hệ thống văn tự ngữ tố dùng để viết tiếng Việt. Chữ Nôm được tạo ra dựa trên cơ sở là chữ Hán (chủ yếu là phồn thể), vận dụng phương thức tạo chữ hình thanh, hội ý, giả tá của chữ Hán để tạo ra các chữ mới bổ sung cho việc viết và biểu đạt các từ thuần Việt không có trong bộ chữ Hán ban đầu. Chữ Nôm bắt đầu hình thành và phát triển từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20.

+ Nghệ thuật thư pháp: Thư pháp xuất hiện hầu như đồng thời với sự hình thành văn tự bởi nhu cầu trình bày trang nhã và minh bạch văn bản. Công cụ chính tạo nên thư pháp là bút và chất liệu lưu trữ văn tự, mà sau được hiểu gồm mực và giấy. Thư pháp gia thường không nhất thiết phải là bậc trí giả nhưng ít nhiều được coi trọng nhờ vốn học vấn đủ để biên chép và họ có khả năng đẩy văn tự lên tầm nghệ thuật.

2.2. Trải nghiệm cùng văn bản

Câu 1: Xác định vần và nhịp của bài thơ.

Trả lời:

- Vần của bài thơ: vần cách.

- Nhịp của bài thơ: 2/3 và 3/2.

Câu 2: Cảnh và người ở phần đầu bài thơ hiện lên như thế nào?

Trả lời:

- Cảnh hiện lên phần đầu bài thơ: hoa đào nở, phố đông người =>không khí đông vui tấp nập của ngày Tết.

- Người hiện hiên phần đầu bài thơ: ông đồ già với mực tàu, giấy đỏ, bao nhiêu người thuê viết => hình ảnh gần gũi quen thuộc trong mỗi dịp Tết.

Câu 3: Tài năng viết chữ của ông đồ được thể hiện ở chi tiết nào?

Trả lời:

Tài năng viết chữ của ông đồ được thể hiện ở chi tiết: “hoa tay thảo những nét/ như phượng múa rồng bay”.

Câu 4: Từ “Nhưng” ở dòng 9 có vai trò gì?

Trả lời:

Từ “Nhưng” ở dòng 9 có vai trò dẫn dắt ý thớ từ khổ trước với khổ sau và tạo bước ngoặt trong cảm xúc của người đọc.

Câu 5: Các hình ảnh ở khổ thơ cuối có gì khác so với khổ thơ đầu?

Trả lời:

Hình ảnh ở khổ cuối khác với khổ đầu là: không thấy ông đồ già bày mực tàu giấy đỏ nữa; phố không còn đông đúc tấp nập.

2.3. Suy ngẫm và phản hồi

Câu 1: Bài thơ Ông đồ viết về ai và về việc gì? Ai là người bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ trong bài thơ? Đó là cảm xúc, suy nghĩ gì?

Trả lời:

- Bài thơ Ông đồ viết về ông đồ thời vắng bóng. Nếu như trước kia ông đồ được mọi người yêu mến, ca ngợi thì nay đã bị quên lãng “qua đường không ai hay”. 

- Người bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ trong bài thơ là tác giả Vũ Đình Liên. Đó là niềm tiếc thương, day dứt hết sức chân thành của tác giả trước sự suy vi của Nho học đương thời.

Câu 2: Nội dung bài thơ được trình bày theo trình tự nào? Cách trình bày ấy có tác dụng gì?

Trả lời:

- Nội dung bài thơ được trình bày theo trình tự thời gian: ông đồ thời Nho học thịnh hành và hình ảnh ông đồ khi Nho học suy tàn.

- Các trình bày đó có tác dụng giúp cho người đọc có cái nhìn bao quát tổng thể, thấy rõ được thái độ của khách qua đường đối với người nghệ sĩ.

Câu 3: Phân tích và chỉ ra sự khác nhau của hình ảnh ông đồ ở các khổ thơ 1, 2 so với các khổ thơ 3, 4. Sự khác nhau ấy nói lên điều gì?

Trả lời:

- Hình ảnh ông đồ qua các khổ thơ 1, 2 và 3, 4 là:

+ Ở khổ 1, 2 ông đồ bày mực tàu giấy đỏ trong không khí đông vui tấp nập người qua lại còn ở khổ 3, 4 ông đồ vẫn ngồi đó nhưng không ai hay.

+ Ở khổ 1, 2 cũng với mực tàu, giấy đỏ người ta ca ngợi tài năng của ông đồ “phượng múa, rồng bay” thì ở khổ 3, 4 là hình ảnh ông đồ ế ẩm với “giấy đỏ buồn không thắm,  mực đọng trong nghiên sầu”; người thuê viết vắng bóng.

- Những hình ảnh đối lập khắc họa thành công hình ảnh ông đồ và câu chuyện về cuộc đời của người nghệ sĩ Nho học và chúng ta thấy được tâm tình của người nghệ sĩ buồn đọng, tâm trạng con người u buồn, cô đơn, tủi phận.

Câu 4: Trong bài thơ, tác giả sử dụng những biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của những biện pháp đó. 

Trả lời:

Trong bài thơ, tác giả sử dụng những biện pháp tu từ: điệp từ, câu hỏi tu từ, đối lập (hai hình ảnh ông đồ thời vàng son và thời tàn phai), so sánh (như phượng múa rồng bay), nhân hóa (giấy đỏ buồn, mực sầu)…. Những biện pháp tu từ đó khắc họa hình ảnh ông đồ thời Hán học đã tàn qua đó thể hiện sự tàn lụi của một nền học thuật, của một truyền thống văn hóa, đồng thời bài thơ toát lên niềm cảm thương sâu sắc trước một lớp người đang tàn tạ và nỗi nhớ tiếc cảnh cũ người xưa của nhà thơ. 

Câu 5: Nêu cảm nhận của em về các câu thơ sau:

Giấy đỏ buồn không thắm;

Mực đọng trong nghiên sầu...

Lá vàng rơi trên giấy,

Ngoài giời mưa bụi bay.

Theo em, những câu thơ đó tả cảnh hay tả tình? Vì sao?

Trả lời:

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

Giấy đỏ là thứ giấy dùng để ông đồ viết chữ lên, đó là một thứ giấy rất mỏng manh chỉ cần một chút ẩm ướt cũng có thể phai màu. Vậy mà “Giấy đỏ buồn không thắm”, không thắm là bởi không được sử dụng nên úa tàn theo năm tháng. Mực là thứ để ông đồ họa chữ, trước khi dùng ông phải mài rồi dùng bút long để “múa” lên các con chữ, vậy mà nay “Mực đọng trong nghiên sầu” nghĩa là mực đã được mài từ lâu, đã sẵn sàng cho bàn tay tài hoa của ông đồ để trổ tài nhưng đã đợi chờ trong vô vọng. Các từ buồn, sầu như thổi hồn vào sự vật cùng với phép nhân hóa đã khiến cho giấy đỏ, mực tàu vốn vô tri bỗng trở nên có hồn có suy nghĩ như con người.

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay

Đầu khổ thơ là hình ảnh mùa xuân với hoa đào nở, nhưng tại sao lại có lá vàng rơi? Hình ảnh lá vàng rơi gợi đến sự tàn phai, tàn lụi về một thời kỳ, một lớp người trong xã hội. Lá vàng rơi trên giấy để chỉ thế hệ ông đồ tàn phai, đã bị quên lãng. Nỗi buồn ấy âm thầm, tê tái nó đã khiến cơn mưa xuân vốn sức sống bền bỉ cũng trở nên đìu hiu xót xa “ngoài giời mưa bụi bay”. Câu thơ gợi ra tâm trạng buồn thảm của ông đồ trước cơn mưa bụi nhạt nhòa. Dẫu chỉ là mưa bay, mưa bụi nhưng nó cũng đủ sức xóa sạch đi dấu vết của một lớp người.

Đó là những câu thơ tả cảnh để ngụ tình bởi vì mượn cảnh giấy đỏ buồn, mực đọng để chỉ tình cảnh đáng thương của ông đồ, mượn cảnh lá vàng, mưa bụi bay để gợi đến sự tàn phai, tàn lụi về một thời kỳ, một lớp người trong xã hội.

Câu 6: Qua bài thơ Ông đồ, em hiểu gì về tục “xin chữ" mỗi dịp Tết đến, xuân về? Nếu vẽ minh hoạ cho bài thơ, em sẽ vẽ hình ảnh nào?

Trả lời:

- Qua bài thơ Ông đồ, em hiểu tục “xin chữ” mỗi dịp Tết là một nét đẹp văn hóa của nhân dân ta. Xin chữ đầu năm cũng là một cách để người ta thể hiện sự coi trọng đạo học. Khi ông đồ cho chữ là thực hiện bằng bút long, mực đen và viết trên giất đỏ - một loại giấy mỏng trong. Viết chữ trên giấy đỏ để mong muốn một năm may mắn và nhiều tài lộc. Thư pháp có nhiều kiểu chơi, từ những bức liễn nhỏ xíu dùng để treo cây mai đến những bức thư pháp cỡ lớn treo tường, bên cạnh những bức thư pháp viết lên giấy mành, giấy mỹ thuật, viết trên trúc thì còn có cả những sản phẩm thư pháp viết trên gỗ, viết trên bình gốm bát tràng.

- Nếu vẽ minh họa cho bài thơ, em sẽ vẽ hình ảnh ông đồ ngồi cạnh giấy đỏ và mực đong, bút nghiên gác.

Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm:

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Phân tích hình ảnh ông đồ thời kì Nho học thịnh và suy trong bài thơ Ông đồ - Vũ Đình Liên, SGK Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều.

Trả lời:

Luận điểm 1: Hình ảnh ông đồ thời kì Nho học thịnh:

- Hình ảnh ông đồ xuất hiện trong thời gian “Tết đến xuân về”, khi “hoa đào nở”:

+ Ông đồ và hoa đào như một cặp hình ảnh báo hiệu mùa xuân đến, năm mới bắt đầu.

+ Cặp từ “mỗi năm…lại” như thể hiện sự xuất hiện của ông đồ vào mùa xuân như một việc quen thuộc, một điều đã trở thành thói quen, thường lệ của chính ông đồ và những người xung quanh.

+ Hình ảnh ông đồ với mực tàu giấy đỏ giữa chốn phố sá nhộn nhịp đã trở thành hình ảnh thân thuộc, là một phần không thể thiếu của ngày Tết truyền thống, in sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam.

- Ông đồ thời này là trung tâm của mọi sự chú ý bởi những nét “phượng múa rồng bay”, người người đều “tấm tắc ngợi khen tài”.

⇒ Hình ảnh ông đồ tượng trưng cho một nét truyền thống văn hóa lâu đời của Việt Nam. Cả người thuê viết và người cho chữ đều đã và đang giữ gìn, phát huy nét truyền thống thanh cao, tao nhã và đầy văn minh ấy.

Luận điểm 2: Hình ảnh ông đồ thời kì Nho học:

- Khung cảnh đìu hiu, vắng vẻ:

+ Cụm từ “mỗi năm mỗi vắng” thể hiện mức độ, không phải ông đồ và truyền thống cho chữ ngay lập tức bị lãng quên mà điều ấy diễn ra dần dần, theo thời gian mà ngày càng phai nhạt và biến mất.

+ Câu hỏi tu từ như một lời thốt lên đầy xót xa về sự thay đổi của xã hội, của lòng người.

- Hình ảnh ông đồ ngồi đơn độc, lạc lõng giữa đường phố tấp nập:

+ Giấy – “không thắm”, “mực” – “đọng trong nghiên sầu”, “lá” – “rơi trên giấy”… Một loạt các hình ảnh được miêu tả đều mang một nỗi buồn chung: nỗi buồn bị lãng quên.

+ Hình ảnh lá vàng rơi và mưa bụi như làm tăng thêm sự ảm đạm, gợi cảm giác úa tàn, lạnh lẽo.

+ Tâm trạng ông đồ: buồn bã, chán nản, u uất, dường như tất cả đang nghẹn ứ lại, dồn nén và kết thành một khối sầu thảm muôn thuở.

+ Hình ảnh ông đồ lạc lõng giữa xã hội tượng trưng cho sự mai một của một nét văn hóa truyền thống, sâu hơn đó là sự xuống dốc của văn hóa xã hội, của lòng người đối với những giá trị truyền thống của dân tộc.

4. Hỏi đáp về bài Ông đồ - Vũ Đình Liên Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

5. Một số văn mẫu bài Ông đồ - Vũ Đình Liên Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều

Ông đồ - Vũ Đình Liên đã chạm đến những rung cảm của lòng người, để lại những suy ngẫm sâu sắc với mỗi người về sự mai một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Để cảm nhận được một cách sâu sắc về văn bản này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:

OFF