OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
UREKA

Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ - Ngữ văn 7 Tập 1 Cánh Diều

Banner-Video

Để ghi lại những cảm xúc, tình cảm của mình về một bài thơ bốn, năm chữ đặc sắc, ấn tượng, các em có thể viết đoạn văn ngắn. Bài soạn Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ thuộc sách Cánh Diều dưới đây nhằm giúp các em định hướng và nắm các bước viết kiểu bài trên. Từ đó, vận dụng kiến thức, trau dồi kĩ năng viết đoạn văn biểu cảm về một bài thơ cụ thể. Chúc các em học tập vui vẻ!

ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 
 

 

 
 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Định hướng

a) Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ thực chất là trả lời câu hỏi: “Bài thơ gợi cho em những tình cảm, cảm xúc gì? Vì sao?”. Trong đoạn văn, em có thể nêu cảm xúc về nội dung hoặc nghệ thuật, một câu thơ, khổ thơ, đoạn thơ hoặc cả bài thơ mà em có ấn tượng và yêu thích.

b) Để viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ, các em cần chú ý:

-Đọc kĩ để hiểu nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Xác định các yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ gây ấn tượng và gợi cảm xúc cho em.

- Viết đoạn văn, trong đó nêu rõ: Em có cảm xúc về vấn đề gì (nội dung hay hình thức nghệ thuật, một câu, khổ, đoạn hay cả bài thơ)? Cảm xúc của em như thế nào (xúc động, vui, thích, buồn, hân hoan,...)? Điều gì đã mang lại cho em cảm xúc đó? Vì sao?... 

1.2. Quy trình viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ

a. Chuẩn bị

- Xem lại nội dung đọc hiểu bài thơ

- Xác định những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ

b. Tìm ý và lập dàn ý

- Xác định những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ?

+ Đặc sắc về nội dung

+ Đặc sắc về nghệ thuật

- Tìm ý cho đoạn văn bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ Em thích nhất câu, khổ, đoạn thơ nào hay cả bài thơ?

→ Em thích cả bài thơ.

+ Em thích chi tiết nội dung hay yếu tố nghệ thuật đặc sắc nào trong bài thơ? Vì sao?

+ Câu, khổ, đoạn thơ hoặc chi tiết nội dung hay yếu tố nghệ thuật đó đã mang lại cho em những cảm xúc gì?

- Lập dàn ý cho đoạn văn bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

+ Mở bài: Nêu cảm nghĩ chung về bài thơ: dẫn ra yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc khiến em yêu thích.

+ Thân bài: Nêu cụ thể cảm xúc của em về yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc đã xác định ở mở đoạn. 

+ Kết bài: Khái quát lại suy nghĩ của bản thân về yếu tố đã mang lại cảm xúc ấy. 

c. Viết: Viết đoạn văn theo dàn ý đã lập. Khi viết, cần sử dụng được các từ ngữ ghi lại một cách sinh động và chính xác cảm xúc của em.

d. Kiểm tra và chỉnh sửa 

- Kiểm tra chính tả

- Kiểm tra nội dung

- Điều chỉnh lại nếu cần thiết

2. Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều

Câu hỏi: 

Hãy viết một đoạn văn bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc một trong các bài thơ: “Mẹ” (Đỗ Trung Lai), “Ông đồ” (Vũ Đình Liên), “Tiểng gà trưa” (Xuân Quỳnh).

Trả lời:

Đoạn văn 1: Bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc xong bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai)

Bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai là một bài thơ viết về người mẹ với những hình ảnh đối lập giàu sức biểu cảm. Ở khổ thơ đầu, tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh để chỉ ra sự đối lập giữa hình ảnh "mẹ" và "cau": "Lưng mẹ còng rồi/ Cau thì vẫn thẳng", "Cau - ngọn xanh rờn/ Mẹ - đầu bạc trắng". Hai hình ảnh, hai màu sắc trái ngược đã nhấn mạnh và làm nổi bật tâm trạng thảng thốt cũng như nỗi đau thầm lặng, quặn thắt trong lòng tác giả khi nhận ra mẹ đã già. Các khổ thơ cứ nối tiếp nhau với hai hình ảnh song song là mẹ và cau ấy. Để rồi tiếp theo đó, tác giả miêu tả mẹ gián tiếp bằng cách so sánh: "Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ". Cách miêu tả này không những gây xúc động mà còn tinh tế và có thể coi là một cách để chủ thể trữ tình lảng tránh khỏi nỗi buồn của chính mình trước hình ảnh mẹ đã già. Cả bài thơ với hai hình ảnh đối sánh là "mẹ" và "cau" đã làm nổi bật hình ảnh người mẹ và tình thương mẹ sâu sắc của nhà thơ.

Đoạn văn 2: Bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc xong bài thơ Ông đồ (Vũ Đình Liên)

Bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên là một bài thơ ngũ ngôn bình dị mà cô đọng, đầy gợi cảm. Trong bài thơ, tôi ấn tượng nhất với hình ảnh: "Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu". Khi đọc hai câu thơ này, người ta dễ dàng nhận thấy ở đây có sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa. Vì giấy, mực nghiên là những vật vô tri, vô giác giờ đây lại cũng biết buồn. Vậy là những vật dụng liên quan đến thư pháp, liên quan đến một vẻ đẹp truyền thống của ông cha đã trở thành một điều gì đó thiêng liêng, tinh túy, vì chúng có "hồn". Đấy có lẽ là một trong những nét nghĩa đầu tiên của hai câu thơ này. Vậy còn nét nghĩa thứ hai? Nếu để ý, ta sẽ thấy hai câu thơ chỉ thuần tả cảnh mà không tả người. Cảnh vật ở đây có hồn, như nhuốm màu tâm trạng. Không có một từ ngữ nào nói về con người và trạng thái tâm lí của họ, nhưng "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"! Chính là vì thế, vì người không vui nên cảnh mới buồn. Nói cách khác, bóc lớp nghĩa sử dụng biện pháp nhân hóa, ta sẽ thấy được nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Vậy là chỉ hai câu thơ tưởng như đơn giản, mà có tới hai tầng ý nghĩa. Điều đó đã cho thấy sự cô đọng, gợi cảm trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên.

Đoạn văn 3: Bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc xong bài thơ Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh)

Bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh là một bài thơ nói về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình bà cháu trong bài thơ, nói rộng hơn là tình cảm gia đình đã làm sâu sắc thêm tình quê hương đất nước. Người cháu ra đi chiến đấu vì lòng yêu Tổ quốc. "Tổ quốc" là một từ thật thiêng liêng nhưng cũng hết sức trừu tượng. "Tổ quốc" có trong mình "xóm làng thân thuộc". "Tổ quốc" có trong mình những kỉ niệm với bà, giản dị như tiếng gà cục tác. Như vậy, có thể nói "Tổ quốc" thiêng liêng, trừu tượng nhưng cũng thật giản dị, gần gũi. Bài thơ Tiếng gà trưa đã nói về tình cảm và kỉ niệm đẹp đẽ của người cháu với bà của mình. Chính vì tình cảm, kỉ niệm đó mà người cháu "chiến đấu hôm nay". Tình cảm đã khiến người ta có sức mạnh để bảo vệ những điều bình dị mà thiêng liêng. Đó là điều được gợi ra trong tôi sau khi đọc bài thơ.

Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm:

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Hãy viết một đoạn văn bộc lộ cảm xúc của em khi đọc một bài thơ bốn hoặc năm chữ mà em yêu thích.

Trả lời: 

Đoạn văn bộc lộ cảm xúc về bài thơ Đánh thức trầu (Trần Đăng Khoa)

Với quan niệm hồn nhiên của con trẻ, lại từng thuộc làu làu câu hát của bà khi muốn hái trầu đêm, Trần Đăng Khoa đã đánh thức trầu bằng một lối riêng – lối của những chú bé bạn bè đồng trang đồng lứa. Câu hát của bà em là câu hát để hái trầu đêm của người lớn. Dù có quan hệ bình đẳng (người này là chúa của người kia và ngược lại) thì cái ý thức làm chúa để muốn hái lúc nào thì hái- vẫn là chủ yếu trong mối quan hệ ấy. Câu hát của bà như là chiếc cầu nối quá khứ vào hiện tại, làm rõ thêm mối quan hệ mới hồn nhiên và thật sự bình đẳng, mến thân của Trần Đăng Khoa với bạn Trầu. Muốn xin mấy lá trầu thì không thể không nói chuyện với chủ nhân. Cái anh bạn Trầu này xem chừng đã ngủ. Câu hỏi để đánh thức tuy không khẳng định nhưng thiên về ý biết chắc Trầu đã ngủ. Bởi thế nên mới không hỏi. “Đã ngủ chưa hả trầu” mà hỏi “đã ngủ rồi hả trầu” và sau đó còn nhắc lại “mày đã ngủ”. Trong câu hỏi đó vừa thân mật lại vừa có một tí so sánh, một tí lí sự rất trẻ con: Đã ngủ rồi hả trầu? Tao đã đi ngủ đâu Mà trầu mày đã ngủ (Mày và tao cùng là trẻ con, cùng chơi ban ngày, vậy sao mày đi ngủ sớm thế)? Đánh thức bạn nhưng Trần Đăng Khoa chỉ dùng lời gọi nhẹ nhàng chứ không thò tay giật tóc, véo tay hay hét toáng vào tai. Cái việc đánh thức bạn, làm bạn dở giấc ngủ dẫu sao cũng là bất đắc dĩ, dẫu sao cũng là không hay nên cần phải giải thích, phải thanh minh để bạn thông cảm: Bà tao vừa đến đó Muốn xin mấy lá trầu Đã là bạn bè với nhau thì bà của Khoa cũng là bà của Trầu. Để cho bà vui lòng thì dù có bị đánh thức đột ngột, mắt có cay xè chắc Trầu cũng không nỡ giận, không nỡ trách. Có lẽ Trầu ngủ say quá, chú bé Trần Đăng Khoa lại phải gọi và nhắc lại yêu cầu: Trầu ơi hãy tỉnh lại Mở mắt xanh ra nào Lá nào muốn cho tao Thì mày chìa ra nhé Kèm theo đó là một lời hứa: Tay tao hái rất nhẹ Không làm mày đau đâu Bàn tay trẻ thơ “như hoa đầu cành. Hoa hồng hồng nụ cánh tròn ngón xinh” (Huy Cận). Bàn tay ấy sẽ nâng niu “chẳng làm đau một chiếc lá trên cành” (Tố Hữu). Sẽ hái vài lá trầu thôi. Đó là những lá bạn đồng ý cho, đã chìa ra sẵn: Đã dậy chưa hả trầu Phải đến ba lần đánh thức vì có thể bạn ngủ rất say mà cũng còn vì khi tỉnh rồi bạn vẫn có thể ngủ lại ngay. Bởi thế nên phải hỏi thêm một lần này nữa. Do một lẽ Khoa rất quý bà, thương mẹ. (Có không ít bạn ở tuổi này dễ vin vào lí do trẻ con, sợ tối, hãi ma để khước từ việc ra vườn một mình hái trầu trong đêm tối). Và Khoa cũng rất quí, rất thương trầu: Đừng lụi đi trầu ơi! Hái trầu đêm dễ làm trầu lụi. Vậy nên phải đánh thức, phải nói rõ lí do, phải hái rất nhẹ nhàng, và chỉ hái vài lá vừa đủ cho bà và cho mẹ. Đừng lụi đi trầu ơi là mong ước, là nguyện cầu của Trần Đăng Khoa đối với trầu. Bài thơ một lần nữa cho thấy tâm hồn trắng trong như lụa của tuổi thơ trong tình bạn – dù là bạn với cỏ cây.

4. Hỏi đáp về bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều

Khi có vấn đề khó hiểu về bài soạn này cần giải đáp, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

OFF