Câu trả lời (1)
-
Nêu các loại thức ăn của chim?
Nếu ta thống kê được hết những gì mà các loài chim đã ăn thì có lẽ bản danh sách đó sẽ bao gồm hầu hết các dạng động vật và thực vật có trên trái đất này. Tất cả những gì mà động vật ăn được đều có thể là thức ăn cho chim. Ngay cả những động vật rất lớn có khi lớn gấp nghìn lần chim hay những thực vật đơn bào bé ly ty phải nhìn qua kính hiển vi mới thấy được cũng là thành phần thức ăn của loài chim này hay loài chim khác. Ví dụ như cá voi và voi là những động vật lớn nhất ngày nay khi chết đi, xác của chúng là món ăn thích thú của nhiều loài hải âu, mòng biển, kền kền. Loại tảo đơn bào ở nước (lục tảo) nhỏ đến mức tưởng chừng như không loài chim nào vớt được để ăn lại là nguồn thức ăn chính của ngót ba triệu chim hồng hạc tập trung thành những đàn lớn ở các bờ hồ nước mặn ở Đông Phi. Chính vì nhờ có cách vớt mồi riêng của mình mà hồng hạc loài chim rất cổ vẫn tồn tại đến ngày nay. Chúng đã sử dụng được một loại thức ăn mà hầu như không thuận lợi cho nhiều nhóm động vật khác.
Thức ăn của chim nói chung phức tạp như vậy nhưng thức ăn của riêng từng loài có phần đơn giản hơn. Nếu dựa vào thành phần thức ăn để phân loại thì ta có thể chia chim thành ba nhóm cơ bản: chim ăn động vật, chim ăn thực vật và chim ăn tạp hay ăn cả thức ăn động vật và thức ăn thực vật. Trong mỗi nhóm trên lại có thể chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn. Nhóm chim ăn động vật có thể chia thành nhóm ăn côn trùng, nhóm ăn mồi sống, nhóm ăn xác chết, nhóm ăn động vật không xương ở nước, nhóm ăn cá, v.v... Còn nhóm ăn thức vật có thể chia thành nhóm ăn quả mềm, nhóm ăn hạt, nhóm ăn mật hoa, nhóm ăn phấn hoa...
Trong quá trình tiến hóa mỗi loài chim được hình thành và tồn tại đến ngày nay là do chúng đã thích nghi được với môi trường nào đó, chọn được nguồn thức ăn thích hợp và giữ được ưu thế về nguồn thức ăn đó. Dựa vào môi trường sống ta lại có thể chia chim thành nhóm: chim rừng, chim núi, chim đồng cỏ, chim đồng lầy, chim sông hồ, chim sa mạc, chim đảo, chim biển và mới trong thế kỷ này có thêm nhóm chim thành phố và chim vườn làng mới thích nghi được với các loại môi trường do con người tạo ra này. Trong thiên nhiên ngay ở một môi trường cũng có thể có nhiều loài chim cùng sinh sống với nhau một cách hòa thuận, mà không cạnh tranh nhau về nguồn thức ăn, ở đấy mỗi loài có vùng kiếm ăn thích hợp riêng của mình hay ăn một loại thức ăn mà những loài khác ít ăn, không ăn hay không bắt được để ăn. Ví dụ như ở rừng có nhiều loài chim ăn côn trùng, nhưng mỗi loài có chỗ kiếm ăn riêng của mình. Các loài chim đuôi cụt, chích chòe bắt côn trùng ẩn trong đám lá khô ở mặt đất, các loài gõ kiến kiếm ăn dọc thân cây, các loài đớp ruồi bắt côn trùng bay dưới mái rừng, giữa các thân cây, các loài chim sâu, bạc má bắt sâu ở lá cây, còn nhạn, én, chèo bẻo lại bắt côn trùng bay trên mái rừng. Trong các loại thức ăn của chim đáng chú ý nhất là côn trùng. Có thể nói không quá lời là nếu không có chim thì côn trùng đã chiếm lĩnh mặt đất của chúng ta. Các nhà động vật học đã phân loại được khoảng một triệu loài động vật, trong đó có hơn 700.000 loài là côn trùng. Con số đó rất lớn, nhưng cũng chỉ mới chiếm khoảng 1/3 số loài côn trùng hiện có.
Phần lớn côn trùng sống ở lục địa và chỉ một số loài rất ít sống ở biển. Côn trùng là nguồn thức ăn chính của nhiều động vật ăn thịt trong đó có chim.
Trong số 155 họ chim hiện đại đã có đến 128 họ ăn côn trùng, trong đó 34 họ chủ yếu ăn côn trùng và khoảng 10 họ chuyên ăn côn trùng.Côn trùng sống khắp mọi nơi trên mặt đất, nhưng không chỗ nào chúng trốn khỏi chim. Nhiều loài chim sống ở đất, chúng đào bới mặt đất, lật tung các đám lá khô để lục soát côn trùng ẩn nấp trong đó. Đây là những loại chim có mỏ khỏe, có chân cao và khỏe như gà, gà gô, gà tiền, chim đuôi cụt, khướu, họa mi v.v.. Nhiều loài chim chuyên bắt côn trùng ở vỏ cây và thân cây như chim trèo cây, gõ kiến. Mang tên là gõ kiến, các loài chim này ăn khá nhiều kiến; nhưng chúng ăn cả ấu trùng của nhiều loài côn trùng khác. Suốt ngày chúng nhảy dọc thân cây để bắt côn trùng, vì vậy mà ở nhiều nước người ta gọi chúng là "người bảo vệ rừng" hay "người thợ rừng". Nhờ có cơ cổ khỏe, gõ kiến bổ đầu mỏ dẹp, sắc vào vỏ cây như những nhát rìu để bới côn trùng ẩn trong đó. Đáng chú ý nhất là gõ kiến có chiếc lưỡi rất dài, tròn như con giun, chóp lưỡi nhọn và cứng, lại có chất nhầy dính để nhặt kiến và côn trùng nhỏ. Gõ kiến còn dùng lưỡi xuyên vào các lỗ nhỏ ở gỗ mục để kéo các sâu sống trong đó ra. Lưỡi gõ kiến dài đến mức khi thụt vào, phần gốc lưỡi phải vòng lên đầu, ôm lấy sọ và thậm chí còn phải xuyên qua hốc mũi vào cả mỏ trên.
Ở đảo Galapagos có một loài chim nhỏ cũng bắt được các sâu đục trong gỗ mục nhưng không phải bằng lưỡi như gõ kiến mà bằng gai. Mỗi khi tìm thấy một lỗ nghi có sâu trong đó, loài chim này dùng mỏ bẻ một chiếc gai nhọn và dài rồi xuyên qua lỗ để chọc sâu ra. Đây là một trong hai loài chim biết dùng công cụ để tìm mồi. Côn trùng cũng không thể tự cứu thoát khi bay lên không trung, lặn sâu xuống nước hay dấu mình trong đêm tối. Có đến 20 họ chim bắt côn trùng khi bay. Một số loài thường đậu ở cành cây cao hay nơi rảnh rang để rình mồi và hễ thấy côn trùng bay là phóng ra bắt ngay như trảu, chèo bẻo, đớp ruồi. Nhưng cũng có một số loài ít khi đậu. Để kiếm mồi, hàng ngày chúng phải bay, lượn hàng trăm kilômét như nhạn, yến và họ hàng của chúng. Các loại cú muỗi là những chuyên gia bắt côn trùng ăn đêm. Chúng hoạt động mạnh nhất lúc hoàng hôn, vào những giờ côn trùng ăn đêm bay ra nhiều nhất. Hầu hết các loài chim bắt côn trùng khi bay, đều có miệng rộng để dễ đớp mồi và hình như một số loài cú muỗi, yến cũng phát được siêu âm để dò mồi như kiểu giơi.Ở các suối nước trong, thường thấy một loài chim nhỏ, đuôi ngắn, gọi là chim lội suối. Với đôi chân cao, giữa các ngón không có màng bơi, trông chúng có dáng như những chim kiếm ăn ở mặt đất, nhưng lại là "chuyên gia" lặn ở suối. Chúng ăn các côn trùng sống ở nước.
Trong nhóm chim ăn côn trùng có một số loài như cò ruồi, sáo thường hay sống chung rất thân thiện với các loài thú ăn cỏ lớn ở vùng nhiệt đới như trâu, bò, tê giác, thành một kiểu cộng sinh. Chúng quanh quẩn gần các con thú này, lúc ở mặt đất lúc nhảy lên đậu trên lưng, trên đầu mà không bị xua đuổi. Chúng rình bắt côn trùng bay lên từ đám cỏ, bụi cây khi con thú đi qua và bắt cả ruồi, nhặng, ve, bắt ký sinh ở da các con thú này.
Trong quá trình kiếm mồi, nhiều loài chim đã có được những tập tính thật lý thú. Ở vùng nhiệt đới châu Mỹ có một loài chim nhỏ thuộc nhóm chim ăn kiến. Để kiếm mồi nó thường tìm đi theo các đàn kiến chiến đấu cỡ lớn. Chúng không ăn kiến này, nhưng đi theo để đón bắt côn trùng bay nhảy tán loạn khi bị đàn kiến dũng mãnh này đột nhập.
Ở châu Phi có nhiều loài chim hễ thấy lửa cháy ở đồng cỏ, lửa do những người chăn nuôi gia súc đốt đồng cỏ già để cỏ non mọc, là tìm đến để bắt châu chấu bay ra từ chỗ cháy. Chúng xông cả vào khói lửa để tìm mồi.Cũng ở rừng châu Phi còn có loài chim tên gọi là chim báo mật; chim này chuyên ăn ong non và mật ong. Nhưng chúng chỉ kiếm được mồi khi tổ ong bị động vật khác hay người đã phá vỡ một phần. Chúng biết thế và mỗi khi phát hiện được tổ ong, chúng kêu lên như để báo hiệu có mật. Dân địa phương nghe tiếng kêu đó, tìm đến để lấy mật và tất nhiên chim cũng hưởng được một phần thừa còn lại. Gấu thích ăn mật nên cũng rất thính tai đối với tiếng chim này.
Trong quá trình tiến hóa, hình như đầu tiên chim chỉ ăn thức ăn động vật mà chủ yếu là côn trùng, mãi về sau mới có một số chim chuyển sang ăn thức ăn thực vật. Có lẽ vì thế mà hầu hết các loài chim ăn thực vật đều nuôi chim non bằng côn trùng. Đến lúc sắp rời tổ, chim non mới được chuyển dần sang chế độ ăn thực vật. Riêng nhóm chim bồ câu lại nuôi con bằng "sữa" tiết ra từ diều mà người ta gọi là "sữa bồ câu". Cá cũng là nhóm động vật được nhiều loài chim chọn làm thức ăn chính của mình. Cách bắt cá của mỗi loài chim cũng khác nhau. Nhiều loài lặn sâu xuống nước, đuổi theo cá để bắt như cốc, cốc biển, chim cổ rắn, chim cánh cụt và cả một vài loài vịt nữa. Chúng là những thợ lặn thực thụ. Một số loài chim khác lại chuyên bắt cá ở tầng mặt. Bồ nông bơi trên mặt nước để bắt cá. Chúng thường họp cành đàn và kiếm ăn theo kiểu tập thể. Nếu là ở một khúc sông hẹp thì chúng chia thành hai nhóm, xếp thành hàng một, ngang sông, cách nhau khoảng vài ba chục mét rồi bơi ngược chiều, sát lại gần nhau. Vừa bơi chúng vừa há rộng chiếc mỏ dài, có bìu da ở dưới như chiếc đó, vừa xúc vào mặt nước để đón bắt lấy cá bị dồn từ hai đầu lại. Nếu là trên mặt nước rộng thì chúng xếp thành vòng tròn rồi bơi dồn dần vào giữa và nếu ở gần bờ thì chúng lại xếp thành nửa vòng tròn để dồn cá vào mép nước. Chim xúc cá cũng kiếm mồi trên mặt nước nhưng bằng cách khác. Với chiếc mỏ đặc biệt, mỏ dưới dài, mỏ trên ngắn, chúng bay lướt nhanh sát mặt nước, miệng há rộng, mỏ dưới nhúng xuống nước như kiểu một chiếc máy dò để kịp bắt lấy những con cá va phải mỏ. Kiểu bắt cá này chỉ thu được kết quả ở những vùng nước có nhiều cá và tương đối ít sóng như sông Cửu long ở nước ta. Một vài loài chim hoàn toàn không biết bơi, không biết lặn nhưng thức ăn của chúng là cá. Chúng nhào từ trên cao xuống để bắt cá ở mặt nước rồi bốc lên ngay, nhưng để rình mồi thì mỗi loài có cách riêng của mình. Bồng chanh ngồi yên lặng một nơi gần mặt nước để quan sát, bói cá bay qua bay lại trên mặt nước, chốc chốc dừng lại, như treo trên không trung để nhòm xuống, còn ó cá, diều mướp lại vừa bay lượn trên mặt nước vừa tìm mồi.
Các loài chim bắt cá ở những chỗ nước nông cũng có cách riêng của mình. Diệc xám, cò ngàng thường đứng yên một chỗ, có khi đến hàng giờ ở vũng nước để rình mồi. Cò trắng không có được đức tính kiên nhẫn như diệc. Lúc kiếm ăn nó lội vội vã, vừa lội vừa dùng chân khuấy ở đáy nước để xua cá, tôm ra khỏi chỗ ẩn nấp. Còn cò nơm lại có cách bắt cá khá độc đáo. Nó lội lò dò ở ruộng nước, hễ thấy cá là nó dùng 2 cánh vây kín rồi cúi đầu xuống mò. Còn cò xanh thì không bao giờ lội xuống nước mà chỉ đứng rình ở trên bờ. Trong họ hàng nhà cò, cò xanh có chân tương đối thấp. Có con cò xanh đã biết dùng mồi để nhử cá. Chuyện như thế này. Trong vườn bách thú của thành phố Maiami thuộc bang Florit ở Mỹ có nhiều động vật nuôi trong điều kiện gần như ở thiên nhiên. Ở đây có con cò xanh được nhiều người xem chú ý. Họ thường ném cho nó một vài viên thức ăn của cá. Nó liền dùng mỏ nhặt lấy đem ra bờ suối, đi chậm đến chỗ thường có cá con rồi ném xuống nước. Mắt nó không rời khỏi viên thức ăn đã nằm gọn ở đáy nước. Nó đứng yên, nép thân hơi thấp xuống để rình. Sau một thời gian không thấy cá đến, nó lại nhặt viên mồi đem đến chỗ khác chắc có nhiều cá hơn để ném xuống đó. Khi cá con đến gần viên thức ăn, nó mới nhanh chóng rời khỏi chỗ nấp để bắt. Có lần người ta đã thấy, chim đứng trên bờ, đàn cá bơi khá xa nó không tài nào với ra bắt được. Nó tỏ ra thất vọng. Đôi khi nó định cố vươn cổ ra nhưng vẫn không ăn thua gì. Đàn cá còn xa. Nếu có mồi cá sẽ vào gần. Chim nhìn viên mồi rồi lại nhìn cá. Hình như nó đã nghĩ ra. Nó lặng lẽ nhặt viên mồi rồi nhẹ nhàng đặt xuống nước ở chỗ gần bờ. Cá thấy mồi bơi lại thế là một con cá đã bị tóm gọn. Nuốt xong con cá, chim lại quan sát viên mồi lúc nãy đã trôi xuôi dòng nước một ít. Nó bước theo, ẩn vào giữa các hòn đá.
Nhóm chim ăn thịt gồm khoảng 400 loài và chia thành hai nhóm nhỏ: nhóm ăn thịt ban ngày và nhóm ăn thịt ban đêm. Nhóm ăn ngày chiếm khoảng 2/3 số loài. Đó là các loài ưng, cắt, diều hâu, ó, đại bàng, kền kền, v.v… Họ hàng nhà cú như dù dì, cú mèo, cú lợn, cú vọ, v.v…, gồm 1/3 số còn lại và là những loài chuyên kiếm ăn về đêm. Số lượng cá thể của các loài chim ăn thịt không nhiều. Không bao giờ chúng họp thành đàn lớn, nhưng chúng có mặt ở khắp các vùng. Thức ăn của chúng là các loài chim nhỏ, ếch nhái, bò sát, cá, côn trùng lớn, các loài thú nhỏ và quan trọng nhất là chuột, nhóm thú có hại cho con người về nhiều mặt. Các loài cắt, diều hâu săn chuột ban ngày còn các loài cú săn chúng về đêm. Với đôi mắt rất lớn và đôi tai rộng ẩn sau đĩa mắt, cú có khả năng phát hiện được rất chính xác nơi chuột đang rúc rích, ngay cả ở những khoảnh rừng âm u nhất về đêm. Người ta đã thí nghiệm và nhận thấy rằng cú có khả năng phát hiện được xác một con chuột với điều kiện ánh sáng ít hơn khoảng 30 đến 100 lần lượng ánh sáng cần để cho con người nhìn thấy được cái xác đó, còn đối với chuột sống thì cú có thể phát hiện được một cách dễ dàng cả ở những chỗ hoàn toàn tối. Nhân dân ta thường cho rằng các loài cú đem lại sự chết chóc và khi nghe cú kêu thì lo sợ. Đây là một ý nghĩ hoàn toàn sai lầm. Cú là loài chim rất có ích. Chúng tiêu diệt rất nhiều chuột. Tất nhiên cú còn ăn cả một số chim có ích nhưng số lượng không đáng kể (khoảng 15%).
Các loài chim ăn thịt thường đuổi theo con mồi rồi vồ lấy. Chúng dùng chân với ngón rất khoẻ và móng sắc giữ chắc lấy con mồi, và nếu cần, dùng mỏ sắc để cắn cho đến lúc con mồi chết. Một số loài có khả năng bắt được những con mồi khá lớn, đại bàng bắt được cả hoãng, chó sói; diều hâu, cắt bắt được thỏ, cầy, cáo. Nhân dân nhiều nước ở phương bắc, thường là ở các vùng có đồng cỏ rộng hay cao nguyên có nghề đi săn bằng chim ăn thịt. Họ nuôi chim này từ lúc còn non và dạy cho chúng săn thú và chim. Không có loài chim nào trên thế giới lại có tài đuổi theo con mồi bằng cắt. Với hình dáng lý tưởng để di chuyển dễ dàng trong không khí: đầu hình giọt nước, vai rộng, thân thuôn nhọn về phía đuôi, và với đôi cánh khỏe, dài và nhọn (cắt bay nhanh đến 280 km/giờ). Nó có thể đuổi kịp bất kỳ con mồi nào trong nháy mắt. Nhân dân ta có câu "nhanh như cắt" không phải là không có căn cứ. Nhưng với tốc độ như thế cắt chỉ săn được mồi ở chỗ rộng và thoáng. Vì lẽ đó mà ta chỉ gặp cắt ở vùng đồng bằng, bãi cỏ rộng, xa van hay trên mái rừng. Ưng bay chậm hơn cắt, cánh của nó ngắn và tròn, thích hợp với việc săn mồi ở rừng hay chỗ có nhiều cây cối rậm rạp.Một vấn đề được nhiều người nghiên cứu chim bàn cãi từ lâu là các loài chim ăn thịt có hại hay có ích. Trừ một số loài chuyên ăn chim non hay ăn trứng chim, hiện nay người ta cho rằng phần lớn các loài chim ăn thịt là những loài chim có ích. Chúng tiêu diệt nhiều chuột. Còn đối với các loài chim và thú khác, nếu chúng có bắt để ăn thì về cơ bản, chúng cũng chỉ bắt được những cá thể già yếu,hay đã bị bệnh. Trong thiên nhiên các loài chim ăn thịt có thể xem như là một công cụ của chọn lọc tự nhiên. Chúng nâng cao khả năng sinh tồn của những loài bị chúng ăn thịt. Sự hoạt động của chúng là cần thiết cho sức khỏe của toàn xã hội các loài động vật hoang dại. Đây là một ví dụ cụ thể. Vào khoảng giữa thế kỷ này ở Pháp xuất hiện một vụ dịch thỏ rừng. Bệnh lây truyền rất nhanh chóng và đã giết chết khoảng 95 đến 99% thỏ ở các nước Tây Âu. Riêng chỉ có miền Nam nước Tây Ban Nha là bệnh đó xẩy ra lẻ tẻ, không lan ra thành dịch. Nguyên nhân là ở vùng này có rất nhiều chim ăn thịt. Chúng nhanh chóng tiêu diệt các con thỏ bị bệnh đến mức dịch không lan kịp ở đây.
Trong nhóm chim ăn thịt có 17 loài chuyên ăn các xác chết, đó là các loài kền kền và đại bàng trọc đầu. Tất cả đều là những loài chim cỡ lớn. Sải cánh của con bé nhất cũng dài hơn 1,5 mét, còn những con lớn có sải cánh dài đến 3 mét. Vì không phải săn mồi nên chân của chúng không có ngón khỏe và móng sắc nhọn, nhưng mỏ thì rất khỏe vì cần để xé thịt. Tất cả đều có đầu và cổ trụi lông hay nếu có lông thì cũng chỉ là những lông tơ mịn. Người ta thường không ưa thích chúng vì thức ăn của chúng không được sạch sẽ lắm. Nhưng chính vì thế mà chúng lại là những loài chim có ích, chúng là những "vệ sinh viên" rất đắc lực ở các vùng xavan, đồng cỏ và vùng núi.
Có một số loài chim tuy về mặt phân loại thuộc nhóm chim ăn thịt, nhưng thức ăn của chúng không phải là thịt. Loài đại bàng châu Phi chuyên ăn quả cọ. Nhiều loài diều hâu chuyên ăn trứng chim, đáng chú ý nhất có loài diều hâu trắng ở châu Phi. Thức ăn của nó là trứng đà điểu. Vỏ trứng đà điểu dày đến hai ly, rất cứng, muốn đập vỡ phải có búa. Diều hâu trắng cũng có cách riêng của mình. Tìm được trứng, nó đi nhặt đá, những viên đá nặng, khá lớn. Cặp đá vào mỏ, nó giơ lên cao rồi bổ mạnh xuống trứng cho đến lúc vỏ trứng vỡ ra. Trong thiên nhiên ai đã dạy cho nó biết dùng công cụ này để phá vỏ trứng? Đó vẫn còn là một điều bí ẩn!
Cũng có nhiều loài chim, không thuộc nhóm chim ăn thịt nhưng lại là những loài chim ăn thịt thực thụ. Các loài già đẫy ở nước ta và các nước Đông Nam Á ăn thịt xác chết. Chúng cũng có đầu và cổ trụi lông như kền kền. Bách thanh ăn côn trùng, nhưng còn ăn cả ếch nhái, thằn lằn và thậm chí cả chim non. Chúng biết dự trữ thức ăn. Bắt được nhiều mồi chúng găm vào gai trên cây, chỗ chúng hay đậu để ăn dần. Có loại vẹt chuyên ăn thịt. Đó là vẹt kêa ở Tân Tây Lan, mà dân địa phương còn gọi là chim giết cừu. Trước kia vẹt kêa chỉ ăn côn trùng, quả cây và mật hoa. Chúng không hề biết mùi vị của thịt thú là gì, vì trước lúc người châu Âu đến cư trú, ở Tân Tây Lan về thú thì chỉ có một loại giơi và một loài chuột. Từ khi người ta đưa cừu đến nuôi ở đây, kêa đã chuyển hẳn sang chế độ ăn thịt cừu. Đầu tiên có lẽ một vài con đã tình cờ ăn những mảnh thịt cừu mà người ta đã vứt bừa bãi đâu đó. Thấy ngon miệng, chúng đã tìm đến xác những con cừu ốm chết bị vùi ở tuyết để ăn thịt và rồi dần dần tất cả chim kêa đã biết ăn thịt cừu. Nhiều con còn biết giết cừu để ăn thịt. Nó thường đậu ở đất gần chỗ cừu hay đi qua để chờ. Khi gặp con mồi, nó đậu lên lưng rồi dùng mỏ cong và sắc cắn vào da. Mặc cho cừu kêu và chạy, nó vẫn bám chắc để cắn rộng vết thương (có khi đến 10 phân). Máu chảy, cừu lả dần rồi chết. Nhờ có thức ăn mới thích hợp, kêa phát triển nhanh chóng và trở thành tai họa cho nghề nuôi cừu ở Tân Tây Lan. Người ta đã giết rất nhiều kêa nhưng số lượng chim vẫn không giảm sút.
Trong quá trình tiến hóa, các loài chim ăn thực vật được hình thành chậm hơn về sau, trong đó các loài ăn hạt có lẽ là trẻ nhất. Chúng chỉ mới phát triển mạnh vào khoảng 13 triệu năm trước đây, lúc mà các cây có hạt đã khá phổ biến khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên số loài chim ăn hạt ngày nay cũng không nhiều lắm. Chỉ có vài ba bộ chim ăn hạt, phần lớn là những loài có mỏ khỏe, hình chóp nón có khả năng tách được vỏ cứng của hạt, như sẻ, di, sẻ đồng. Gà, vịt cũng ăn hạt nhưng chúng nuốt cả vỏ. Nhiều loài vẹt còn cắn vỡ được các quả có vỏ rất cứng để ăn hạt. Trong nhóm ăn hạt có chim mỏ chéo là loài chim chuyên ăn hạt thông. Mỏ của nó có hình mũi kéo thích hợp với việc tách hạt thông ra khỏi quả. Vì vậymà chim mỏ chéo không bao giờ bay xa khỏi rừng thông.Số loài chim ăn quả mềm khá nhiều. Chúng không cần có cấu tạo đặc biệt của mỏ. Phần lớn chúng là dân ở rừng và chủ yếu là rừng nhiệt đới, nơi có quả chín quanh năm.
Ngoài quả và hạt, nhiều thành phần khác của thực vật cũng là thức ăn của chim như lá cây, mầm cây, thân non, rễ, củ, nhựa cây, phấn hoa và mật hoa. Một vài loài chim chuyên ăn nấm, rêu hay tảo.
Có điều kỳ lạ là trong các thành phần của thực vật, mật hoa chỉ chiếm phần rất bé, thế nhưng có đến 1/5 tổng số các loài chim trên thế giới (khoảng 1600 loài) ít nhiều có ăn mật hoa, trong đó có khoảng 430 loài chuyên ăn mật hoa, 100 loài thuộc họ hút mật (bộ Sẻ) sống ở các rừng nhiệt đới và á nhiệt đới của các châu Á, Âu, Úc, Phi và khoảng 320 loài thuộc họ chim ruồi (bộ Yến) phân bố ở châu Mỹ mà chủ yếu là ở vùng lưu vực sông Amadôn. Tất cả đều là những loài chim cỡ bé, có con rất bé chỉ nặng khoảng 2 gam, và từ mỏ đến mút đuôi chỉ dài không quá 5 cm. Lưỡi của chim chuyên ăn mật hình ống, như kiểu ống nhỏ giọt mà chim dùng để hút mật ở đáy hoa. Còn mỏ của chúng thì có hình dáng thay đổi, ngắn hay dài, cong hay thẳng là tùy thuộc vào cấu tạo loài hoa mà từng loài thường hay hút mật.Chim hút mật và chim ruồi đều là những loài chim bay giỏi. Suốt ngày chúng bay từ hoa này sang hoa kia, và cả lúc hút mật cũng bay. Nhờ có chim hút mật mà nhiều loài thực vật mới tồn tại và phát triển được. Lúc hút mật chúng đã giúp hoa thụ phấn.
Vẹt lori ở châu Úc cũng ăn mật hoa. Nhưng cách ăn mật hoa của vẹt thật quá phũ phàng. Chúng vặt trụi cánh hoa rồi liếm mật nhờ lưỡi có cấu tạo như một chiếc bút lông nhỏ. Cũng như nhiều loại vẹt khác, vẹt lori thường kiếm ăn theo đàn. Chúng phá nát rất nhiều hoa rừng. Có một người nuôi ong ở thành phố Cuarumbin ở Úc đã nuôi hàng trăm vẹt lori trong vườn nhà mình. Ông ta cho vẹt ăn mật ong và cả đàn vẹt tỏ ra rất thân tình. Chúng đậu lên tay, lên vai, lên đầu ông ta. Hiện nay vườn này đã thực thụ trở thành một vườn vẹt. Hàng ngày có khoảng 500 vẹt lori đến đây để ăn mật ong và người đến tham quan vẹt có lẽ còn đông hơn.
Chúng ta đã nói đến những loài chim ăn các loại thức ăn khác nhau, nhưng trên thực tế,số loài chim chỉ chuyên ăn một loại thức ăn nào đó không nhiều. Các loài này đều có cấu tạo đặc biệt của nhiều cơ quan, nhất là mỏ để thích nghi với việc ăn loại thức ăn riêng của mình như chim mỏ chéo, choắt ăn trai, diều ốc châu Mỹ, nhiều loài hút mật và chim ruồi, v.v... Đa số các loại chim thường có chế độ ăn rộng rãi hơn. Chúng ăn nhiều loại động vật khác nhau, nhiều loại thực vật khác nhau và thậm chí ăn cả thức ăn động vật, cả thức ăn thực vật. Chế độ ăn của chúng có thể thay đổi theo tuổi đời, theo mùa, theo vùng phân bố và theo cả thời gian nữa như trường hợp loại vẹt kêa.
Các loài chim có "thức ăn rộng" thường dễ thích nghi với sự thay đổi của môi trường, ít nhất là về nguồn thức ăn và là những động vật có vùng phân bố rộng, còn các loài chim có "thức ăn hẹp" chỉ có ở những vùng nhất định, gắn bó với nơi có loại thức ăn thích hợp.
bởi Bùi thị Mẫn 16/10/2018Like (1) Báo cáo sai phạm
Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!
Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản