OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Hãy làm sáng tỏ vấn đề qua tác phẩm"Vội vàng" của Xuân Diệu và “Việt Bắc” của Tố Hữu.

"Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ”.

(Trích: “Tiếng nói của văn nghệ” - Nguyễn Đình Thi)

Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ vấn đề qua tác phẩm"Vội vàng" của Xuân Diệu và “Việt Bắc” của Tố Hữu.

  bởi hà trang 17/12/2019
ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 

Câu trả lời (2)

  • Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: vai trò của hiện thực đời sống đối với văn học nghệ thuật và yêu cầu đối với người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.

    Giải thích:

    • Tác phẩm: đứa con tinh thần, sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ.
    • Nghệ sĩ: người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật.
    • Vật liệu mượn ở thực tại: hiện thực là chất liệu để xây dựng nên tác phẩm.
    • Ghi lại cái đã có rồi: sao chép y nguyên cuộc sống như nó vốn có.
    • Muốn nói một điều gì mới mẻ: tác phẩm thể hiện cách nhìn và cách khám phá riêng về hiện thực đồng thời gửi gắm những thông điệp của người nghệ sĩ.
    • Cặp quan hệ từ: không những…. mà còn….: chỉ quan hệ bổ sung.

    ⇒ Ý kiến khẳng định vai trò của hiện thực đời sống đối với văn học và đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

    Lí giải vấn đề:

    • Vì sao tác phẩm nào cũng xây dựng bằng chất liệu mượn ở thực tại?
      • Thực tại đời sống là cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật, trong đó có sáng tác văn chương. Không có cuộc sống sẽ không có sáng tạo nghệ thuật.
      • Thực tại đời sống là đề tài vô tận cho văn chương khai thác và phản ánh, là nguồn chất liệu vô cùng phong phú sinh động cho nhà văn lựa chọn và sử dụng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nó còn là cái nôi nuôi dưỡng nhà văn, là mảnh đất nhà văn sống và hình thành cảm xúc.
      • Văn học trở thành tấm gương phản chiếu thực tại đời sống để qua tác phẩm, người đọc có thể hình dung được “sự sống muôn hình vạn trạng”. Không bám sát đời sống, nhà văn sẽ không thể cho ra đời những tác phẩm văn học giàu “chất sống”. Nếu thoát li thực tại văn chương sẽ rơi vào siêu hình, thần bí.
    • Vì sao nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ?
      • Không thể đánh đồng thực tại đời sống với văn chương vì làm như vậy là hạ thấp văn chương và không hiểu về giá trị của những sáng tạo nghệ thuật.
      • Nếu chỉ ghi lại những cái đã có rồi sẽ không thỏa mãn được nhu cầu lí giải những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Người đọc sẽ chỉ thấy trong tác phẩm văn học những điều họ đã thấy được ở ngoài cuộc đời, khi đó văn chương sẽ không còn cần thiết, người đọc chỉ cần sống với cuộc đời thực là đủ. Vì thế tác phẩm văn học sẽ nhạt nhẽo, vô vị thiếu sức cuốn hút.
      • Thực tại đời sống được cảm nhận dưới con mắt của người nghệ sĩ bao gồm những điều mà mọi người đều thấy và cả vấn đề mà người khác chưa thấy - những điều sâu sắc và mới mẻ luôn phát sinh từ cuộc sống.
      • Những chất liệu thực tại cần sự sắp xếp và tái hiện, sáng tạo trên cơ sở những gì đã có để từ những mảng rời rạc của đời sống tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật. Đó là nhờ tài năng và công phu lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ.
      • Sáng tạo nghệ thuật thuộc lĩnh vực tinh thần mà đặc trưng của nó là tính cá thể hóa cao độ, đòi hỏi nhà văn phải đem đến cho văn chương một tiếng nói riêng, phong cách riêng, nếu không tác phẩm sẽ rơi vào quên lãng.
      • Thực tại đời sống được người nghệ sĩ ghi lại không phải là sự phản ánh một cách máy móc, rập khuôn mà được phản chiếu qua tâm hồn, trí tuệ, cảm xúc mãnh liệt của tác giả trước hiện thực. Người nghệ sĩ không chỉ phản ánh cuộc sống mà còn gửi gắm, kí thác những ước mơ khát vọng về cuộc đời. Qua tác phẩm ta thấy được thông điệp tinh thần người nghệ sĩ gửi vào tác phẩm.

    Chứng minh qua Vội vàng của Xuân Diệu.

    * Chất liệu mượn từ thực tại đời sống.

    • Bức tranh mùa xuân đẹp, tràn trề sức sống (ong bướm, hoa, lá, đồng nội, yến, anh, ánh sáng…); bức tranh hoàng hôn buồn….
    • Thời gian một đi không trở lại, trong cái tồn tại đã có cái mất đi, trong cái thắm tươi đã có dấu hiệu của sự phai tàn, rơi rụng.

    * Cách nhìn, cách cảm riêng về cuộc sống:

    • Cuộc sống hiện lên thật đẹp qua con mắt “xanh non” của nhà thơ. Ông đã phát hiện ra "thiên đường trên mặt đất”, bữa tiệc dưới trần gian, thiên nhiên rạo rực trong tình yêu đôi lứa.
    • Quan niệm thẩm mĩ mới mẻ: Con người giữa mùa xuân và tuổi trẻ giữa cuộc đời là chuẩn mực, thước đo của mọi vẻ đẹp (ánh sáng chớp hàng mi; tháng giêng ngon như cặp môi gần).
    • Khẳng định bản sắc của cái tôi cá nhân: đó là người khổng lồ của khát vọng muốn đoạt quyền tạo hóa; cái tôi gắn bó với cuộc sống trần gian, thèm yêu, khát sống, muốn thâu vào mình mọi hương sắc, mật nhụy của cuộc đời; cái tôi đòi hưởng thụ. Cách hưởng thụ cuộc sống như tận hưởng tình yêu và thi sĩ là tình nhân của cuộc đời.
    • Quan niệm nhân sinh mới mẻ: hạnh phúc là được tận hưởng cuộc sống tối đa, được chạy đua với thời gian, sống tích cực, sống cao độ để tận hưởng từng giây, từng phút của cuộc đời. Tác phẩm truyền đến người đọc thông điệp hãy trân trọng mỗi phút giây của mùa xuân và tuổi trẻ, đừng sống hoài, sống phí.

    * Sáng tạo nghệ thuật mới mẻ:

    • Thể thơ tự do, cấu trúc câu thơ hiện đại (câu vắt dòng, kiểu câu định nghĩa mang tính triết lí…). Nhịp hành khúc, giọng quyền uy; sử dụng các biện pháp điệp từ, điệp cấu trúc, liệt kê; nhiều động từ, tính từ mạnh (ôm, riết, say, thâu, cắn; no nê, đã đầy, chếnh choáng…), tất cả tạo nên chất nhạc tươi trẻ, sôi nổi, rạo rực, cuống quýt, vội vàng. Nhạc điệu của thơ là nhạc của “nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”.
    • Xuân Diệu xứng đáng là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.

    Chứng minh qua Việt Bắc của Tố Hữu:

    * Chất liệu mượn từ thực tại đời sống:

    • Việt Bắc là khu căn cứ địa cách mạng, cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến chống Pháp.
    • Tháng 7 năm 1954 hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc. Tháng 10 năm 1954, ngay sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, hòa bình về trên miền Bắc, cán bộ cách mạng, cơ quan trung ương Đảng, Chính phủ dời Việt Bắc về lại thủ đô Hà Nội.
    • Tố Hữu cũng là một trong số những cán bộ kháng chiến từng sống và gắn bó nhiều năm với Việt Bắc, nay từ biệt chiến khu Việt Bắc để về xuôi.

    * Cách nhìn, cách cảm riêng về cuộc sống:

    • Cuộc sống trong Việt Bắc được hiện lên với cảm xúc chủ đạo là nỗi nhớ của nhà thơ Tố Hữu: nhớ về một giai đoạn lịch sử gian lao mà hào hùng của dân tộc với những mảng hoài niệm chân thực, rõ nét về con người và quê hương cách mạng. Đó là khúc tình ca và khúc hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp.
      • Thiên nhiên Việt Bắc: thanh bình, thơ mộng, đậm dấu ấn vùng miền song cũng rất oai hùng trong những ngày kháng chiến.
      • Con người Việt Bắc: dù còn nghèo khổ, cuộc sống còn nhiều gian lao, vất vả nhưng rất nghĩa tình, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, kề vai sát cánh cùng cách mạng, luôn hào hùng, tràn đầy khí thế, dũng mãnh, lạc quan…. khi ra trận.
    • Tái hiện kỉ niệm về Việt Bắc là để:
      • Bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng của cán bộ cách mạng với đồng bào và quê hương Việt Bắc.
      • Lời tự vấn của nhà thơ với lòng mình về nghĩa tình thủy chung đối với đất và người Việt Bắc.
      • Nhắn nhủ bài học sâu sắc về đạo lí dân tộc: uống nước nhớ nguồn, quá khứ lịch sử luôn là một phần của hiện tại hôm nay.

    * Sáng tạo nghệ thuật mới mẻ:

    • Kết cấu đối đáp, hô ứng kết hợp cặp đại từ mình - ta được sử dụng linh hoạt, sáng tạo. Nó biến cuộc chia tay tập thể, mang ý nghĩa lịch sử trở thành cuộc tình tự nồng nàn tha thiết sâu lắng giữa kẻ ở người đi.
    • Thể thơ 6/8 truyền thống.
    • Giọng thơ tâm tình ngọt ngào tha thiết, nhịp thơ thay đổi phù hợp với cảm xúc:
      • Chậm rãi, tha thiết, sâu lắng khi hoài niệm về thiên nhiên, con người.
      • Nhanh, mạnh, hối hả, gấp gáp khi tái hiện những tháng ngày kháng chiến hào hùng và niềm vui chiến thắng.
    • Hình ảnh thơ kế thừa sáng tạo từ văn học dân gian.
    • Sử dụng từ láy, điệp từ ngữ, đối, các biện pháp tu từ…

    → Việt Bắc là một minh chứng cho phong cách thơ Tố Hữu: trữ tình chính trị, đậm đà tính dân tộc.

    Bàn luận.

    • Nhận định đã đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa cuộc sống và nghệ thuật, đồng thời khẳng định vị trí, tài năng của tác giả và giá trị, sức sống lâu bền của tác phẩm qua sự sáng tạo riêng mới mẻ, độc đáo của mỗi tác phẩm.
    • Người nghệ sĩ phải gắn bó với cuộc đời và cảm nhận cuộc sống ở bề sâu mới có thể phát hiện ra những điều mới mẻ nằm trong những chất liệu quen thuộc của thực tại. Người nghệ sĩ cũng cần phải có cá tính sáng tạo thể hiện bản sắc riêng của mình vào tác phẩm từ đó đóng góp cho văn chương những điều mới mẻ. Để làm được điều đó người nghệ sĩ phải có tài năng, lương tâm trách nhiệm nghề nghiệp.
    • Qua tác phẩm người đọc nắm bắt được hiện thực đời sống, khám phá cái nhìn, cách cảm mới mẻ mang phong cách riêng của người nghệ sĩ.
    • Tiêu chí đánh giá tác phẩm nghệ thuật không chỉ là phản ánh chân thực, thấu đáo bản chất của hiện thực cuộc sống mà còn ở những điều mới mẻ người nghệ sĩ gửi gắm, kí thác vào tác phẩm nghệ thuật của mình.
      bởi bach dang 18/12/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • Một trong số những bài thơ tiêu biểu cho thơ Xuân Diệu là bài Vội vàng in trong tập Thơ thơ thi phẩm được sáng tác trong những năm mười tám đôi mươi của của nhà thơ. Vội vàng là bài thơ thể hiện tình yêu nồng nàn của Xuân Diệu đối với cuộc sống tươi đẹp mà nhà thơ tự thấy phải gấp gáp nhận lấy. Bài thơ Vội vàng được mở đầu bằng bốn dòng thơ ngũ ngôn ngắn gọn, mạnh mẽ như lời tuyên bố về khát vọng của mình:

       Tôi muốn tắt nắng đi,
       Cho màu đừng nhạt mất.
       Tôi muốn buộc gió lại,
       Cho hương đừng bay đi.

       Tắt nắng, buộc gió là những điều con người không thể làm được, đó là những khát khao phi lí. Nhưng cái phi lí ấy lại có lí với trái tim của nhà thơ, bởi đó là trái tim đầy khao khát mãnh liệt, muốn sống đến trọn vẹn chữ “sống”, muốn giữ mãi cho mình những hương, những sắc của của cuộc đời. Mà cuộc đời trong cảm nhận của nhà thơ lại đẹp đẽ biết chừng nào, quý giá biết bao nhiêu. Nhà thơ thấy rằng trong cuộc sống, mọi thứ đều kì diệu, mỗi sự vật dù nhỏ bé đến đâu cũng đều dâng hiến cho đời những vẻ đẹp tinh tuý nhất của mình:

       Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
       Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
       Này đây lá của cành tơ phơ phất,
       Của yến anh này đây khúc tình si
       Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.

       Bướm ong thì có tuần tháng mật đầy ngọt ngào, cuốn hút, đồng nội thì có vẻ đẹp của màu xanh mơn mởn và muôn hoa rực rỡ, cành tơ non thì có muôn lá rung rinh, ánh sáng bình minh như cái chớp mi của người đẹp…Những câu thơ có nhịp điệu thật nhanh, thật gấp gáp, sử dụng phép liệt kê, điệp ngữ, rất nhiều tính từ, cách liên tưởng táo bạo, đa tình. Cuộc sống trần gian hiện lên qua đó thật sống động, tươi tốt, đáng yêu, đáng sống, tràn ngập âm thanh, màu sắc tươi sáng, khai mở ra một thiên dường tồn tại chính trên cõi trần này. Với Xuân Diệu, cuộc đời lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, mỗi ngày mới đến là niềm vui cũng gõ cửa ùa vào theo:

       Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa

       Niềm vui như một vị thần độ lượng, ban phát hạnh phúc cho từng người. Phải nói rằng trong thơ Việt Nam, chưa ai có cách cảm nhận cuộc sống, mùa xuân như cách cảm nhận của Xuân Diệu:

       Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần

       Xuân Diệu chẳng lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp khi so sánh với con người như thơ cổ mà lại lấy con người làm chuẩn mực để so sánh với vẻ đẹp của thiên nhiên. Nếu Nguyễn Du so vẻ đẹp của Thuý Vân-Thuý Kiều “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” thì Xuân Diệu lại liên tưởng “ Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Một cách so sánh rất riêng, rất táo bào, đầy tình yêu đời nồng nhiệt rất Xuân Diệu. Ông thấy mùa xuân với bao vẻ đẹp sinh động của nó giống như cặp môi đỏ mọng của thiếu nữ đang kề gần. Cách so sánh này chứa đựng bao rung động tận đáy lòng, vừa có sự khao khát, thèm muốn, háo hức rất thiêng liêng mà cũng rất trần tục. Nhà thơ yêu cuộc sống đến si mê, cháy bỏng! Có một cuộc sống đẹp như thế để sống, có bao hương sắc tuyệt diệu như thế để tận hưởng, con người ta sẽ sung sướng biết bao. Nhưng, tựa như một cung nhạc đang vút cao, đến đâybỗng chùng xuống:

       Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.

       Câu thơ bị ngắt làm hai, niềm vui sướng không được trọn vẹn. Bởi Xuân Diệu nhận ra rằng điều sung sướng ấy ngắn ngủi biết bao:

       Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua,
       Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

       Xưa nay, người ta chỉ tiếc những kỉ niệm khi nó đã trở thành quá khứ, tiếc xuân khi nó đã không còn. Ở đây, Xuân Diệu với sự nhạy cảm lạ lùng của nhà thơ yêu cuộc sống đến đắm say, ông tiếc mùa xuân ngày khi mùa xuân vẫn còn đang phơi phới. Vì nhà thơ biết rằng thời gian sẽ trôi qua nhanh, mà với những gì quý giá, với những vẻ đẹp, thời gian còn tàn nhẫn trôi nhanh hơn gấp bội, nhanh đến khủng khiêp, phũ phàng. Cái non trẻ, thắm tươi rồi sẽ chẳng mấy mà già nua, héo úa. Điều ấy lại ảnh hưởng vô cùng to lớn đến Xuân Diệu:

       Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

       Câu thơ đầy cảm giác buồn bã. Nhà thơ phát hiện ra một điều bi thảm cho mình: mùa xuân trôi qua, tuổi trẻ sẽ trôi qua. Mà khi tuổi trẻ đã trôi qua thì cuộc đời nào còn ý nghĩa gì nữa. Bởi quý giá nhất của cuộc đời, dất trời là mùa xuân, quý giá nhất của con người là tuổi trẻ. Con người khao khát vẻ đẹp tồn tại vĩnh cửu, nhưng cuộc đời lại có những quy luật vô cùng chặt chẽ và nghiệt ngã:

       Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
       Không cho dài thời trẻ của nhân gian

       Thời gian thì vô hồi vô hạn, nhưng đời người thì hữu hạn. Con người trong cái hữu hạn ấy trở nên thật nhỏ bé, tội nghiệp và mong manh. Bao người lí luận rằng xuân đi xuân đến, nhưng với Xuân Diệu, ông chẳng thể tự an ủi mình mà trái lại, càng xót xa hơn:

       Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
       Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
       Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
       Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.

       Mùa xuân của đất trời đẹp lắm, quý giá lắm, nhưng mùa xuân chỉ quý giá, chỉ đẹp khi con người biết hưởng, được hưởng vẻ đẹp của nó. Khi con người chẳng còn trẻ mà tận hưởng mùa xuân thì xuân cũng mất hết ý nghĩa. Những câu thơ của Xuân Diệu vì thế mà chuyển sang giọng điệu buồn bã:

       Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
       Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt.
       Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
       Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi
       Chim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thi,
       Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa

       Tất cả đều buồn bã, đều mất hết ý vị, chỉ còn “rớm vị chia phôi”, chỉ biết “than thầm tiễn biệt”, chỉ còn “hờn dỗi phải bay đi”, chỉ “sợ độ phai tàn sắp sửa”. Trong thơ Việt Nam, ít ai có giọng thơ nuối tiếc thời gian, thương tiếc cuộc sống thiết tha dường ấy. Cũng vẫn gió lá hoa như đạo đầu nhưng đoạn trên rạo rực náo nức, đoạn này lại buồn thương ngậm ngùi, xót xa biết bao nhiêu. Nhà thơ kêu lên một cách tuyệt vọng:

       Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa!

       Nỗi đau đớn của Xuân Diệu phải sâu sắc lắm, cắt cứa lắm, thấm thía lắm thì mới bộc phát thành tiếng than kêu thống thiết dường ấy. Thời gian cứ mênh mông nhưng mùa xuân và tuổi trẻ của con người cứ ngắn ngủi. Con người chẳng thể làm được gì để biến cái hữu hạn của đời người thành cái vô hạn trường tồn cùng vũ trụ. Chỉ còn mỗi cách, đó là phải hối hả, phải đắm say mãnh liệt hơn, phải vội vàng thâu nhận đến mức độ cao nhất, nhiều nhất những vẻ đẹp nhân gian, những thứ ưúy giá của đời sống, của tuổi trẻ, mùa xuân. Xuân Diệu giục giã:

       Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
       Ta muốn ôm
       Cả sự sống mới bắt đàu mơn mởn,
       Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
       Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
       Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
       Và non nước, và cây, và cỏ rạng.

       Những câu thơ mạnh bạo, gấp gáp, giục giã như một dòng suối ào ạt tuôn chảy, tưởng chừng ngôn từ xô đẩy vào nhau, chen lấn nhau để cho kịp mạch cảm xúc đang bừng lên sôi nổi của nhà thơ. Những tiếng “ta muốn” láy đi láy lại mãi như một điệp khúc bất tận để khẳng định niềm khao khát cháy bỏng muốn sống đến tận cùng cảm giác của Xuân Diệu. Một loạt điệp từ được sử dụng theo mức độ tăng dần của khao khát: muốn ôm – muốn riết – muốn say – muốn thâu – muốn cắn thể hiện tam trạng si mê đến cuồng nhiệt. Trong một câu thơ mà có đến ba hư từ “và” chứng tỏ Xuân Diệu nồng nhiệt đến rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc dang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình. Sống như thế với Xuân Diệu mới thực là sống, mới đi đến tạn cùng của niềm hạnh phúc được sống.

       Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
       Cho no nê thanh sắc của thời tươi

       Hạnh phúc của sự sống là mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc. Tận hưởng cuộc đời chính là có dược cảm nhận về những điều ấy ở độ tràn trề nhất. Xuân Diệu muốn tận hưởng cuộc sống cho đến “no nê”, “chuếnh choáng”, “đã đầy”. Trong niềm cảm hứng ở độ cao nhất, Xuân Diệu nhận ra cuộc đời, mùa xuân như một cái gì quý nhất, trọn vẹn như một trái đời đỏ hồng, chín mọng, thơm ngát, ngọt ngào, để cho nhà thơ tận hưởng trong niềm khao khát cao độ:

       Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi

       Câu thơ là đỉnh cao của những khao khát sống, của tình yêu sống rạo rực trong con tim nồng cháy của Xuân Diệu.

      Bài thơ Vội vàng thể hiện tam trạng đắm say bồng bột của một tấm lòng ham sống mãnh liệt. Bài thơ còn thể hiện một quan niệm sống sống gấp gáp vội vàng tận hưởng những hạnh phúc trần thế, một quan niệm sống lành mạnh và tích cực so với đương thời. Bài thơ là một sáng tác tiêu biểu cho phong cách thơ trẻ trung tươi mới của “nhà thơ của tình yêu”, bài thơ rất tự do, hình ảnh giàu sức gợi, giàu nhạc điệu và cách liên tưởng rất hiện đại. Tâm trạng yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt trong tác phẩm khẳng định tư tưởng nhân văn của nhà thơ. Cho đến nay, nội dung thúc giục mọi người sống có nghĩa trong cuộc sống thực tại của bài thơ vẫn còn bao ý nghĩa với thế hệ trẻ

      bởi Huất Lộc 07/03/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
 

Các câu hỏi mới

NONE
OFF