OPTADS360
ATNETWORK
RANDOM
ON
YOMEDIA

Suy nghĩ về câu hát Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

20/01/2022 1.09 MB 365 lượt xem 3 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2022/20220120/644146003390_20220120_104715.pdf?r=603
AMBIENT-ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Suy nghĩ về câu hát Sống trong đời sống cần có một tấm lòng là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các em học sinh. Với tài liệu này, các em sẽ hiểu sâu sắc hơn về giá trị của tấm lòng trong cuộc đời. Mỗi con người sống trong xã hội, trong một cộng đồng chúng ta cần kết nối những tấm lòng ấy lại với nhau. Mời các em cùng Học247 tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận xã hội về ý kiến Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận.

 

 
 

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Dẫn dắt giới thiệu vấn đề nghị luận: ý nghĩa câu nói của Trịnh Công Sơn "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng".

- Ví dụ: Xã hội hiện đại ngày nay đang đứng trước nguy cơ bị căn bệnh vô cảm xâm thực vào đời sống. Và cách duy nhất để chống lại loài virut này có lẽ là tấm lòng yêu thương, đồng cảm sẻ chia của mọi người. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lẽ đã rất chân thành khi viết nên những ca từ “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không ? Để gió cuốn đi”.

b. Thân bài:

* Giải thích ý nghĩa câu nói:

- Trước hết, nhạc sĩ khẳng định “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”

  • “Tấm lòng” đó là những tình cảm tốt đẹp, đáng trân trọng ở con người.
  • Nhạc sĩ đặt câu hỏi “Để làm gì, em biết không ?” rồi trả lời “Để gió cuốn đi”. Cách diễn đạt hình ảnh này nhằm để nói đến một lối sống đẹp: khi ta làm điều gì đó cao đẹp, gió sẽ mang những điều cao đẹp ấy bay đến muôn nơi.

=> Trịnh Công Sơn muốn khẳng định: sống trong đời sống, mỗi người cần phải có một tấm lòng không phải để mong được người khác ghi nhận, không phải để mong được trả ơn và cũng không phải để phô trương hay trang sức cho bản thân mình… mà để “gió cuốn đi”. Cuộc sống như vậy mới thanh thản và bình yên.

* Bàn luận về tấm lòng của con người trong cuộc sống:

- Từ cách giải thích ở trên ta thấy câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang đến cho ta bao điều hay, ý đẹp:

  • “Tấm lòng” trong cuộc sống để biết cảm thông và chia sẻ : trong cuộc sống, khi một niềm vui được cho đi là chúng ta đang nhân đôi niềm vui ấy, khi ta chia sớt một nỗi buồn, nỗi buồn ấy sẽ vơi đi. Khi con người ta biết quan tâm đến nhau thì thế giới này không còn khổ đau và bất hạnh.
  • “Tấm lòng” trong cuộc sống để tha thứ và khoan dung: Đây chính là thái độ sống rộng lượng với người khác (nhất là với những người gây ra đau khổ cho mình) đối lập với lòng đố kị, định kiến, thành kiến. Chúng ta nên hướng đến một cuộc sống mà không có sự ích kỷ, hận thù, chiến tranh. Chúng ta cần chung sức vì một nền hòa bình từ chính mỗi người.
  • “Tấm lòng” của con người chính là sự dũng cảm cũng chính là đức hi sinh của con người. Đó chính là sức chịu đựng, chấp nhận những thiệt thòi về mình: Dũng cảm là dám xả thân vì lý tưởng cao đẹp, dám đương đầu với thử thách, dám đối diện. Cội nguồn của lòng dũng cảm chính là dám tin vào những điều tốt đẹp. Dám tin vào những điều tốt đẹp khiến con người có thể làm được nhiều điều.

- Từ việc phân tích ở trên ta cần phê phán những kẻ sống thiếu “tấm lòng”:

  • Sống ích kỷ, nhỏ nhen, chỉ biết lo vun vén cho bản thân.
  • Đó là lối sống biểu hiện sự nghèo nàn của tâm hồn.

* Bài học nhận thức và hành động:

- Về nhận thức ta thấy: đây là ca từ thể hiện một lối sống đẹp, là điều cần có ở mỗi con người trong cuộc sống.

- Về hành động ta cần: Không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt đẹp, rèn luyện “tấm lòng” mình cho ý nghĩa, làm việc tốt mỗi ngày; phê phán sự thờ ơ, vô tâm, vô cảm trong xã hội.

c. Kết bài:

- Tóm lại, những ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã giúp ta hiểu sâu sắc hơn về giá trị của “tấm lòng” trong cuộc đời. Mỗi con người sống trong xã hội, trong một cộng đồng chúng ta cần kết nối những tấm lòng ấy lại với nhau. Có như vậy xã hội mới thoát ra khỏi căn bệnh vô cảm.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của em về câu hát Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.

GỢI Ý LÀM BÀI

3.1. Bài văn mẫu số 1

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”. Ca từ của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn vẫn vang lên đâu đấy trong đời sống khá bộn bề của chúng ta. Vâng, để gió cuốn đi mới có thể lấp đầy những ưu phiền, khổ đau mà ta cần sẻ chia, thấu hiểu trong quan hệ giữa người với người. Không chỉ người trưởng thành phải làm mà kể cả những em thơ cũng cần được giáo dục về lòng nhân ái. Câu chuyện cậu bé bốn tuổi “lặng yên” ngồi vào lòng người hàng xóm vừa mất vợ đã làm ta suy nghĩ về trách nhiệm của đạo lí làm người và nó nhắc nhở ta về một lối sống đẹp, cần được tươi xanh mãi trong đời sống của nhân loại.

Vẻ đẹp tình người được ví như viên kim cương ngời sáng nhất trong các kim loại. Sự cảm thông hồn nhiên và ngây thơ; sự chia sẻ chân tình của trái tim trong sáng vô ngần của cậu bé trong mẩu chuyện nhỏ kia, lại thấm đẫm vẻ đẹp về sự cư xử với nhau trong đời. Người ta bảo rằng, cuộc sống vốn dĩ bất toàn, vẫn tồn tại cái tốt lẫn cái xấu; cái thiện lẫn cái ác,… Ta luôn phải đấu tranh để cái đẹp tồn tại và toả sáng. Chia sẻ, cảm thông là mang đến cho người khác niềm vui, là sự nâng đỡ tâm hồn nhau, để cuộc sống này đáng yêu hơn, có ý nghĩa hơn. Khi chia sẻ, cảm thông phải bằng cả tấm lòng trong sáng, không vụ lợi thì nhân cách ta mới thật sự hoàn thiện; mới thật sự không làm tổn thương người.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” đó là tiêu chuẩn đánh giá tư cách làm người.Yêu thương ở đây nghĩa là sống phải có tình thương. Dù mơ hồ hay rõ ràng, tôi nghĩ rằng ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra tình thương là những tình cảm đẹp đẽ và nồng nhiệt của con người, gắn kết những trái tim đồng cảm. Nó có thể là tình cảm lứa đôi, tình cảm gia đình, bè bạn và cao hơn cả là tình người nói chung. Đó có thể là những tình cảm bình dị nhất, gần gũi nhất từ sự quan tâm, chăm sóc nhau trong cuộc sống đến những tình cảm lớn lao hơn mang tính cộng đồng.

Tình thương là tấm lòng yêu thương chân thành và trong sáng, là tình cảm chỉ trao đi mà không cần nhận lại, không vụ lợi, không toan tính.Có thể nói, tình thương là một thứ tình cảm đẹp đẽ luôn tồn tại trong bản chất của mỗi con người. Tình thương mang lại một sức mạnh kì diệu và nhiệm màu, nó được ví như loại thảo dược mọc ở tất cả nơi đâu có dấu chân con người, một cây nấm linh chi quý giá và bổ dưỡng cho tất cả mọi căn bệnh nan y, một củ nhân sâm khó tìm giữa cuộc đời vốn bao quanh là đầy rẫy những củ nhân sâm hình người giả. Và kết quả của sự yêu thương đó là sự thỏa mãn của con tim: cái được gọi là niềm hạnh phúc. Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản và bình dị thế thôi.

Trao đi yêu thương một cách tự nhiên, chúng ta sẽ nhận lại hạnh phúc xứng đáng. Bởi: khổ đau được san sẻ sẽ vơi đi còn hạnh phúc được sẻ chia sẻ nhân đôi. Đúng vậy, được yêu thương là một hạnh phúc, nhưng yêu thương người khác còn là một hạnh phúc lớn hơn. Tình yêu thương cũng không nằm ngoài định luật bảo toàn năng lượng của ngành vật lý: nó ví như một dạng năng lượng bất biến, tình yêu thương chỉ truyền từ nơi này sang nơi khác, chuyển từ dạng này sang dạng khác mà thôi. Những người trao tặng và đón nhận tình yêu thương cũng đang làm một sứ mệnh chuyển giao như thế. Người trao tặng yêu thương và ban phát tình thương nhận về mình niềm vui, niềm hạnh phúc khi được cảm thông, thấu hiểu, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, đó có thể không phải là sự giúp đỡ về vật chất mà là những giá trị về tinh thần, điều còn quý giá hơn gấp bội.

Tôi đã từng đọc một câu chuyện xúc động kể lại cuộc đời của một người đàn ông có tên là Mark. Câu chuyện đó được in trong cuốn “hạt giống tâm hồn” của Martin Luther king, nó như một bài thánh ca cho sự hiện hữu của tình thương luôn tràn ngập. “Trong một đêm mưa tầm tã, Mark đã quyết định chấm dứt cuộc đời mình. Mark không có vợ, chưa từng tìm thấy niềm hạnh phúc bên cạnh gia đình, làm một công việc bất đắc dĩ và dường như trên thế gian này không còn ai quan tâm đến sự tồn tại của ông nữa. Mark đi dọc những con phố, thẫn thờ đến nỗi không để ý đến một cậu bé đang cầm tờ hai đô la đứng bên một hàng truyện. Cậu bé ngay cả đến sau này Mark cũng không biết tên, nhìn thấy ông ướt sũng và khuôn mặt buồn rầu đang thất thần đi tới giữa ngã tư. Cậu bé bối rối nhìn Mark một chặp rồi từ bỏ ý định mua truyện để thay vào đó dùng một đô la mua một cây viết. Cậu bé chạy lại bên ông già Mark khốn khổ và đặt vào lòng bàn tay ông một đô la còn lại của mình và ôm Mark một cái thật nhanh. Cậu bé bỏ đi mà không biết rằng cuộc đời Mark đã thay đổi từ đó. Thật khó tin những điều đơn giản ấy thôi lại có thể thay đổi được cả cuộc đời của một con người đã sống trong sự cô đơn gần suốt hai mươi năm qua. Trên tờ một đô la ấy là dòng chữ nguệch ngoạc của cậu bé kì lạ “còn có ai đó yêu thương ông mà”. Martin Luther King đã nói đúng, mỗi người đều có thể trở nên vĩ đại, chỉ cần trái tim chan chứa lòng khoan dung và tâm hồn luôn tràn ngập một tình yêu thương. Cậu bé với trái tim bằng vàng là một ánh cầu vồng phản chiếu bản năng yêu thương có sẵn của con người. Bản năng ấy cứu vớt cuộc đời, đưa những người trao tặng yêu thương đến một thế giới của tâm hồn đẹp và cũng mở ra cho những con người đón nhận tình yêu thương một chân trời mới không còn sự cô đơn và lạc lõng.

Còn nhiều lắm những con người mong muốn đem đến hạnh phúc cho mọi người. “Tôi không cần được nhớ đến” đó là câu nói của tỷ phú Mỹ Bill Gate, người đã đem hết của cải kếch xù của mình để làm từ thiện. Ông muốn đem đến cho những con người nghèo khổ, bệnh tật đang ngày ngày đấu tranh giành giật cuộc sống với tử thần một cuộc sống tốt đẹp hơn…

Nơi đánh mất tình thương, đó là một địa ngục. Nơi chất chứa tình yêu, một thiên đường đã mở ra trước mắt. Nếu cuộc sống với những hạnh phúc và khổ đau làm nên hai bến bờ thì chính tình yêu thương là cầu nối hai bến bờ ấy, để hạnh phúc kia xóa tan mọi đau khổ và hiềm khích.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Từ thuở xa xưa, khi vạn vật chưa sinh sôi nảy nở, khi muôn thú còn đang ngủ yên trong cái nắng trời rọi chiếu, chính lúc ấy loài người đang được tạo thành. Thượng đế đã dùng bàn tay khéo léo tỉ mỉ để hoàn thiện con người về cả hình dáng bên ngoài lẫn cả tâm hồn bên trong. Và Người đã tạo ra một thứ cốt yếu trong tâm hồn, đó chính là tấm lòng. Tấm lòng để kết nối tình người, tình bạn, tình thân. Tấm lòng mà ta hay nghêu ngao hát trong lời nhạc của Trịnh Công Sơn:

“Sống trong đời sống

Cần có một tấm lòng

Để làm gì? Em biết không?

Để gió cuốn đi”

Câu hát đã đưa lên một vấn đề tấm lòng. Vậy tấm lòng là gì? Tấm lòng là toàn thể tình cảm thân ái, tha thiết hay sâu sắc nhất đối với người mình yêu quý hay cảm phục. Tấm lòng ở con người là một tấm lòng biết chia sẻ, cảm thông, hiểu và giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. Trịnh Công Sơn đã đưa ra câu hỏi: “Để làm gì? Em biết không?”. Đúng là ở đời ai cũng cần có một tấm lòng, nhưng ít có ai biết được rằng tấm lòng đó để làm gì, tấm lòng của mình có thể mang đến được những gì cho đời? Ông đưa ra câu hỏi và cũng đồng thời giải thích luôn cho nó: “Để gió cuốn đi”. Một sự ví von, gió cuốn tấm lòng ấy bay xa bay mãi, ở đây cái trừu tượng gió thổi không đơn thuần mang nghĩa như thế nó còn nói lên được rằng, chính gió đã giúp ta mở rộng tấm lòng của mình ra không chỉ với những người xung quanh mà còn bay xa tới những chân trời đang có trong thời khó khăn. Tấm lòng của chúng ta có thể giúp họ thêm nghị lực để họ vươn dậy trong cuộc sống, sau bao gian lao thử thách. Câu hát của ông chỉ vỏn vẹn có vài từ nhưng lại bao quát trong đó cả một ngữ nghĩa rộng lớn. Tấm lòng để làm đẹp cho đời cho cuộc sống, cho những người xung quanh và cho ngay cả chính bản thân ta.

Yêu thương là khi ta không ngần ngại trao đi những giá trị vật chất bên ngoài hay những tình cảm sâu kín bên trong, yêu thương là khi ta ngừng lại một phút một giây trên dòng đời tất bật để ngắm nhìn mọi thứ một hướng khác một cách riêng của mình để thấy cuộc đời này có biết bao việc tốt biết bao nhiêu bông hoa đang khoe sắc thắm biết bao nhiêu ngọn lửa đang sưởi ấm không gian.

Yêu thương nhỏ bé mà sao vĩ đại đến thế? Cuộc đời này chẳng thể định nghĩa được nếu thiếu đi yêu thương. "Sống" là lúc ta tồn tại, là cả quá trình lâu dài do con người tạo nên. Trong quá trình đó ta sẽ bắt gặp những phép màu nhưng cũng có cả hố đen. Bức tranh sống là nơi con người vẽ lên những hình khối sắc màu bằng cảm xúc thực sự từ đáy lòng. Nhưng nó chỉ đẹp nhất khi được tô điểm bằng tình yêu thương san sẻ giữa con người với con người. Yêu thương là chất keo gắn kết giữa người với người, là cây cầu vô hình song vững chắc để nối những trái tim lại với nhau. Có yêu thương ta mới thấy mình sống thật ý nghĩa. Và cũng chỉ có yêu thương ta mới cảm thương trước những người khốn khổ ta mới có thể xót xa trước cảnh thảm họa thiên nhiên tàn phá con người. Và cũng chính nhờ yêu thương mà những chiếc lá rách mới được lá lành bảo vệ, chở che, những mảnh đời bất hạnh mới tìm được bến đỗ bình yên để không phải lang thang trôi dạt vô định.

Cuộc sống đâu phải ai cũng may mắn ai cũng hạnh phúc chắc hẳn trong đời người ai cũng phải nếm mùi vị của sự thất bại đau đớn vì những lần vấp ngã những lúc hoạn nạn ấy cần lắm tấm lòng bao dung, đồng cảm để sẻ chia vơi bớt nỗi buồn. Đó có thể là người thân ta, bạn bè ta hay đôi khi chỉ là những người qua đường. Nhưng trong thời đại ngày nay công nghiệp đã làm con người ta sống quá nhanh sống quá tất bật. Vì vậy xin hãy "sống chậm lại, suy nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn". Ta hãy dành chút ít thời gian tĩnh lại để ngắm nhìn một bông hoa đẹp, nghe tiếng chim ríu rít lặng mình trong một bản nhạc cổ điển, hít thở và ngắm nhìn trời xanh… Tâm hồn con người như một mảnh đất nếu không có nguồn nước mát lành là yêu thương ấy thì làm sao màu mỡ, mầm xanh bé bỏng có thể vươn cao. Chỉ khi ấy tâm hồn mỗi người trở nên thanh thản thâm trầm, sâu sắc chín chắn và trưởng thành hơn.

"Lá lành đùm lá rách" là lối sống quý báu mà cha ông ta đã truyền lại cho con cháu từ bao đời. Ngày nay, chúng ta có thể thấy trên các phương tiện truyền thông xuất hiện rất nhiều những chương trình đem đến niềm vui, lợi ích cho những hoàn cảnh khó khăn như: Vì bạn xứng đáng, Trái tim cho em, Thắp sáng ước mơ... Để thực hiện được một chương trình không phải là dễ nhưng bằng một trái tim nhân hậu, một tấm lòng luôn yêu thương mọi người đã trở thành nghị lực để những người làm truyền hình có đủ sự kiên nhẫn, đủ ý chí để thực hiện những chương trình đó. Không chỉ vậy, ở rất nhiều tuyến phố của Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh bạn sẽ bắt gặp những ổ bánh mì từ thiện, hòm tiền từ thiện hay tủ quần áo từ thiện... Tất cả những nghĩa cử cao đẹp đó đều xuất phát từ tấm lòng nhân ái của tất cả mọi người.

"Nơi lạnh nhất không phải Bắc Cực mà là nơi không có tình thương" quả không sai. Không chỉ một, hai lần chúng ta lên án những kẻ chỉ biết lợi dụng những vụ tai nạn, hay chết đuối... để quay video, chia sẻ lên các mạng xã hội nhằm mua vui cho mình. Không hề có một cánh tay đưa ra để cứu giúp những bạn nhỏ bán hàng rong, những cụ già nghèo đói mà ngược lại là sự xua đuổi, xa lánh. Tất cả những điều đó khiến cho cụm từ bệnh vô cảm trở thành một vấn đề rất đáng bận tâm trong xã hội hiện nay.

"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" là một thái độ sống tích cực, một lối sống tốt đẹp mà tất cả chúng ta cần phải hướng đến. Hãy cho đi mà không cần nhận lại, cho đi không toan tính vụ lợi, có như vậy thì lòng tốt mới đáng được trân quý.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA
NONE
OFF