Cuộc sống luôn bắt buộc mỗi người chúng ta phải lựa chọn, dù con đường ấy gặp nhiều trở ngại hay bằng phẳng cũng phải quyết tâm, kiên trì đi đến cùng thì mới có được thành công. Bài soạn Con đường không chọn - Rô-bớt Phờ-rót tóm tắt thuộc sách Kết Nối Tri Thức dưới đây sẽ giúp các em có thêm nhiều kiến thức về quan niệm khi đã quyết định chọn một con đường nào đó thì việc nên làm là sống hết mình, nổ lực đi đến thành công, đừng nên lo lắng và suy nghĩ về những con đường đã không chọn. Chúc các em học tập vui vẻ!
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nội dung
Văn bản Con đường không chọn của tác giả Rô-bớt Phờ-rót thông qua việc lựa chọn con đường để đi của nhân vật trữ tình, tác giả thể hiện quan điểm khi đã chọn một con đường nào đó thì việc quay trở lại và chọn lại một con đường khác là một điều khó khăn vì "đường lại đưa đường". Qua đó gửi gắm cho người đọc thông điệp về việc khi đã đưa ra lựa chọn và đã chọn rồi thì phải chấp nhận cả tốt, xấu của lựa chọn đó.
1.2. Nghệ thuật
- Sử dụng hình ảnh ẩn dụ mang tính biểu tượng cao
- Xây dựng hình ảnh nhân vật trữ tình độc đáo
- Kết hợp yếu tố tự sự vào bài thơ nhuần nhuyễn
2. Soạn bài Con đường không chọn - Rô-bớt Phờ-rót Ngữ văn 10 tập 2 Kết Nối Tri Thức
2.1. Chuẩn bị đọc
Câu 1: Bạn đã bao giờ cảm thấy khó khăn khi phải đứng trước nhiều khả năng lựa chọn?
Trả lời:
Tôi đã từng cảm thấy khó khăn khi phải đứng trước nhiều khả năng lựa chọn. Đó là khi tôi phải lựa chọn tiếp tục học chính khóa hay tham dự kì thi học sinh giỏi Quốc gia. Nếu tôi chọn học chính khóa, kết quả học tập ở lớp của tôi sẽ xếp hạng tốt. Nếu tôi chọn thi học sinh giỏi Quốc gia, nếu tôi đạt giải cao thì điều đó thật là tốt nhưng nếu tôi không đạt giải thì tôi sẽ chẳng có gì, thậm chí tôi còn không nắm vững kiến thức ở lớp.
Câu 2: Điều gì đã khiến bạn đưa ra quyết định lựa chọn của mình khi ấy? Bạn thấy may mắn hay tiếc nuối vì lựa chọn đó của bản thân?
Trả lời:
Điều khiến tôi đưa ra quyết định lựa chọn của mình chính là tôi đã lắng nghe cảm xúc, sự yêu thích của bản thân với kì thi học sinh giỏi Quốc gia. Tôi thấy may mắn vì lựa chọn đó. Kết quả là dù tôi không đạt giải như ý, nhưng tôi đã được học nhiều về môn học tôi yêu thích và hiểu nó nhiều hơn. Học đội tuyển học sinh giỏi là một kỉ niệm đẹp với tôi.
2.2. Trải nghiệm cùng văn bản
Câu 1: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai và đang đứng trước tình huống nào?
Trả lời:
Nhân vật trữ tình trong bài thơ là một người khách lữ hành và đang đứng trước tình huống phải lựa chọn một trong hai con đường để đi tiếp.
Câu 2: Trong ba khổ đầu của bài thơ, hai lối rẽ được miêu tả như thế nào?
Trả lời:
Hai lối rẽ là hai con đường dường như chưa có ai đặt chân đến, chúng nằm giữa rừng lá vàng; một lối rẽ trải dài khuất dạng sau một bụi cây; còn lối rẽ bên kia có một mặt cỏ rậm trên mặt đường và có chút ít dấu mòn không rõ.
Câu 3: Nhân vật trữ tình đã lựa chọn lối rẽ nào?
Trả lời:
Nhân vật trữ tình đã chọn lối mòn ít có ai đi lại với mong muốn được khám phá thêm nhiều thứ mới lạ.
2.3. Suy ngẫm và phản hồi
Câu 1: “Con đường” và “lối rẽ” trong bài thơ có thể xem là những ẩn dụ. Những ẩn dụ đó gợi cho bạn nghĩ đến điều gì?
Trả lời:
Những ẩn dụ “con đường” và “lối rẽ” gợi cho tôi nghĩ đến những khó khăn khi phải lựa chọn, sự phân vân và băn khoăn không biết nên chọn gì. “Con đường” là câu hỏi và “lối rẽ” là những lựa chọn được đưa ra.
Câu 2: Theo bạn, tại sao Rô-bớt Phờ-rót lại đặt nhan đề bài thơ là Con đường không chọn chứ không phải Con đường tôi chọn hay Con đường ít người đi?
Trả lời:
Theo tôi, Rô-bớt Phờ-rót đặt nhan đề bài thơ là Con đường không chọn chứ không phải Con đường tôi chọn hay Con đường ít người đi là vì
- Ông muốn nhấn mạnh vào sự lựa chọn của nhân vật trữ tình, nhấn mạnh vào con đường mà nhân vật không chọn cũng như suy nghĩ của nhân vật về lựa chọn của mình.
- Nếu đặt tên nhan đề là Con đường tôi chọn hay Con đường ít người đi thì chưa thật sự truyền tải được hết thông điệp của bài thơ, cũng như chưa tạo được ấn tượng của độc giả với sự lựa chọn của nhân vật trữ tình.
Câu 3: Hai lối rẽ trong rừng khác nhau hay giống nhau nhiều hơn? Phải chăng vì điều ấy mà nhân vật trữ tình trong bài thơ cảm thấy khó khăn khi phải lựa chọn một trong hai lối rẽ?
Trả lời:
- Hai lối rẽ trong rừng gần như không có sự khác nhau, chúng đều là những lối rẽ đầy cây cỏ và bụi rậm khó phân biệt, có chăng chỉ là dấu mòn của hai lối đôi chút khác nhau.
- Có lẽ chính vì sự giống nhau của hai lối rẽ mà nhân vật trữ tình khó lựa chọn được lối đi cho mình, anh phân vân không biết lựa chọn nào là tốt cho mình hơn.
Câu 4: Nếu như nhân vật trữ tình không thể chọn cả hai lối rẽ cùng lúc thì anh ta có thể không lựa chọn bất cứ lối rẽ nào được chăng? Vì sao?
Trả lời:
Nhân vật đang trên hành trình lữ hành, khám phá những điều mới mẻ vậy nên khi anh không thể lựa chọn cả hai lối rẽ thì anh cũng không thể không chọn bất cứ lối rẽ nào. Anh cần phải đưa ra lựa chọn một lối đi để có thể tiếp tục cuộc hành trình của mình và đây là một sự lựa chọn khó khăn.
Câu 5: Trong bài thơ, cuối cùng nhân vật trữ tình cũng vẫn phải đưa ra lựa chọn của mình. Theo bạn, anh ta có thật sự tin rằng lối rẽ mình chọn là con đường tốt hơn?
Trả lời:
Theo tôi, khi nhân vật đưa ra sự lựa chọn cuối cùng của mình, anh vẫn còn đôi chút băn khoăn và phân vân, anh chưa thật sự tin vào quyết định của mình và chưa biết sự lựa chọn đó sẽ đem lại cho anh điều gì.
Câu 6: Bạn có đồng cảm với trạng thái do dự, phân vân của nhân vật trữ tình xuyên suốt bài thơ không? Vì sao?
Trả lời:
Tôi cảm thấy đồng cảm với trạng thái do dự, phân vân của nhân vật trữ tình xuyên suốt bài thơ. Vì tôi nhận thấy hình ảnh của mình qua nhân vật trữ tình; sự phân vân, không quyết của mình mỗi khi phải lựa chọn. Lựa chọn là một vấn đề đầy sự khó khăn.
Câu 7: Hãy nêu một thông điệp từ bài thơ có ý nghĩa đối với cá nhân bạn.
Trả lời:
Với tôi, bài thơ đã giúp tôi hiểu hơn về sự lựa chọn, cần phải có sự dứt khoát, quyết tâm hơn khi lựa chọn. Dù cho lựa chọn có khó khăn đến đâu thì cũng cần phải quyết tâm, đừng quá băn khoăn suy nghĩ mà hãy chấp nhận lựa chọn của bản thân.
Để củng cố kiến thức bài một cách tốt hơn, các em có thể tham khảo thêm:
- Soạn bài chi tiết Con đường không chọn - Rô-bớt Phờ-rót
- Bài giảng Con đường không chọn - Rô-bớt Phờ-rót
---------------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp----------------
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
- Xem thêm