OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA

Nghị luận xã hội về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm

07/04/2021 1.05 MB 754 lượt xem 2 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2021/20210407/632956854404_20210407_091928.pdf?r=6287
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Tài liệu Nghị luận xã hội về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm dưới đây nhằm giúp các em có thái độ đúng đắn về vấn đề này. Đồng thời, tài liệu này còn giúp các em có thêm những kiến thức thực tiễn bổ ích. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận xã hội quan niệm về hạnh phúc.

 

 
 

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Cuộc sống hiện đại, đã khiến con người ngày càng trở nên hẹp hòi ích kỉ. Lòng tham lợi ích, tiền bạc đã đẩy những người nông dân “thôn dã tịch điền” đến con đường tạo ra “thực phẩm bẩn” để đáp ứng nhu cầu tồn tại của nhân loại.

b. Thân bài:

* Giải thích vấn đề:

- Con người tự đối phó bằng cách “tự sản xuất, tự tiêu thụ” nhưng không ai có khả năng tạo ra tất cả những gì cần cho cuộc sống “muôn hình muôn vẻ” nên có trồng rau sạch thì vẫn phải ăn thịt bẩn; có trồng chè ngon nhưng vẫn phải tiêu thụ rau phun thuốc trừ sâu… Đến cuối cùng, chẳng ai sạc cả khi lương tâm mỗi người sản xuất đều ích kỉ, vị kỉ… Họ chỉ biết ăn rau sạch còn kệ người khác hàng ngày tiêu thụ chất độc hại nhưng chẳng ngờ rằng mình hại người khác người khác lại hại mình. Đáng thương thay cho cái xã hội cứ tự hại lẫn nhau bằng “thực phẩm bẩn”.

- Thực phẩm bẩn là những thực phẩm chứa các chất độc hại, tác động tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng con người.

=> Đoạn trích trên là lời chia sẻ đầy xót xa của cựu thành viên ban nhạc Bức Tường- Trần Nhất Hoàng về hiện tượng biến chất trong lương tâm của những người làm nhiệm vụ sản xuất, cung cấp nhu cầu vật chất cho xã hội. Đó là sự lo lắng sâu sắc trước thái độ không màng đến sức khỏe người tiêu dùng thực phẩm. những người nông dân hàng ngày vẫn tạo ra hàng nghìn, hàng tỉ tấn “ thực phẩm bẩn” làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

* Hiện trạng:

- Vấn đề thực phẩm bẩn là một hiện tượng phổ biến, đang diễn ra từng ngày: thịt có chất tạo nạc, rau có thuốc trừ sâu; làm đổ ruốc bằng hóa chất…Tuy là vấn đề không còn mới mẻ, lạ lẫm với bất cứ người nào nhưng ngày càng ở mức báo động cao gây ra những ảnh hưởng xấu về sức khỏe con người.

- Dẫn chứng: Nhu cầu về thực phẩm là thứ thiết yếu, mỗi ngày tất cả con người đều phải sử dụng rau, thịt, cá… làm thức ăn, dẫu biết “độc”, “hại” nhưng vẫn phải tiêu thụ. Vấn đề thực phẩm bẩn đã khiến con người buộc phải động tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng con người “giùm bỏ mình cho số phận” dẫu rằng hàng giờ vẫn hoang mang lo sợ cho tính mạng của mình và người thân.

* Hậu quả:

- Bệnh tật nguy hiểm: Viêm màng não, bệnh ung thư,…

- Tâm lí hoang mang cho xã hội.

- Thực phẩm bẩn có giá bán rẻ hơn thực phẩm sạch, gây lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng đến cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế.

* Nguyên nhân:

- Nguyên nhân chính của việc làm cộng đồng phải đứng trước nguy cơ tồn vong mong manh, đó là thái độ độc ác, ích kỉ của những người sản xuất thực phẩm. Nếu là cơ sở nhỏ lẻ thì hại sức khỏe của người trong xóm, trong thông, hay trong vùng… Nhưng phải nhìn nhận một nguy cơ lớn hơn, khi phần nhiều thực phẩm chúng ta tiêu thụ lại được cung cấp từ các công ty công nghiệp sản xuất hàng loạt. Và mức độ và phạm vi gây hại sẽ gấp bao nhiêu lần so với sản xuất manh mún kia? Kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn mang lại lợi nhuận cao. Ngoài ra, tâm lí dùng và tiêu thụ hàng rẻ, đặc biệt là hàng có xuất xứ Trung Quốc của người Việt Nam.

- Dẫn chứng: Chúng ta đã từng xem qua nhiều phóng sự trên VTV về việc một số cơ sở sản xuất mỡ, mua mỡ bẩn và sản xuất cực bẩn để bán cho những quán cơm, tiệm bún hay là những người bán rong để “ rán” xúc xích, xiên que… trước cổng các trường học mỗi ngày…

* Giải pháp:

- Nâng cao ý thức, tuyên truyền về nhận thức của người sản xuất trong xã hội về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo sức khỏe của xã hội

- Tăng cường kiểm soát, ra những quy định xử phạt các cơ quan sản xuất thực phẩm bẩn nghiêm minh từ nhà nước.

- Mỗi cá nhân cần tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho mình và gia đình

c. Kết bài:

- Vấn đề thực phẩm bẩn đang trở thành một nỗi ám ảnh lớn với xã hội, gây ảnh hưởng về sức khỏe và tâm lí hoang mang cho người dân.

- Cần có biện pháp hữu hiệu để giáo dục lương tâm cho những người sản xuất thực phẩm và cảnh cáo về thảm họa mà vô tình họ sẽ gieo rắc cho cộng đồng qua thực phẩm bẩn”.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Ngày nay, đất nước ta đang trong thời kì công nghiệp hóa - hiện đại hóa, kinh tế phát triển khiến nhu cầu của người dân càng ngày càng cao. Không còn “chỉ tiêu” ăn no, mặc ấm nữa mà lại trở thành ăn ngon, mặc đẹp. Tuy vậy, việc giữ vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa được nhiều người chú ý đến.

Vệ sinh thực phẩm ở đây là một khái niệm khoa học để chỉ thực phẩm không chứa vi sinh vật gây bệnh và không chứa độc tố. Khái niệm đó còn bao gồm khâu tổ chức vệ sinh trong chế biến bảo quản thực phẩm. An toàn thực phẩm được hiểu là khả năng không gây ngộ độc của thực phẩm đối với con người. Như vậy, có thể nói là khái niệm này có nội dung rộng hơn do nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm không chỉ hạn chế ở vi sinh vật. Nói chung vệ sinh an toàn thực phẩm là việc bảo đảm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe, tính mạng người sử dụng, bảo đảm thực phẩm không bị hỏng, không chứa các tác nhân vật lí, hoá học, sinh học, hoặc tạp chất quá giới hạn cho phép, không phải là sản phẩm của động vật, thực vật bị bệnh có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Quả thật, vấn đề sức khỏe luôn được con người từ xưa đến nay quan tâm. Vì thế, không ngạc nhiên khi nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, các “ông vua, bà hoàng” khi xưa luôn có một một đội ngũ riêng chuyên đảm nhiệm công việc nội trợ để họ có thể an tâm lo việc triều chính. Ngày nay cũng vậy, những gia đình “có của ăn, của để” cũng thuê hẳn một người giúp việc để lo chuyện “bếp núc”. Còn những gia đình bình thường thì công việc này thường được chị em phụ nữ đảm nhận. Tuy nhiên, trong sử sách vấn đề “an toàn thực phẩm” không thấy các sử gia ghi lại tình trạng lúc đó như thế nào, nhưng ngày nay thì vấn đề này luôn được dự luận quan tâm. Bởi tình trạng thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra khắp nơi. Chỉ cần chị em “tụm ba, tụm bảy” thì những chủ đề như: khoai tây, tỏi, hành, táo, phở, các loại rau có sử dụng chất kích thích, cốm nhuộm màu, bún chứa chất tẩy cực độc, giò chả có hàn the, ruốc siêu sạch làm từ gà chết, cơm trắng nở gấp đôi nhờ hóa chất, măng khô chứa lưu huỳnh, cá ướp phân đạm, hay các loại trái cây xuất phát từ Trung Quốc lại được đem ra bàn tán. Còn các “đấng mày râu” thì vấn đề “an toàn thực phẩm” có vẻ như được quan tâm nhiều hơn quý chị em. Không quan tâm sao được khi vấn đề thời sự là sở trường của các chàng. Những thông tin giật gân như: cơ quan chức năng thành phố này vừa bắt giữ xe chở hàng tấn nội tạng đang trong tình trạng phân hủy. Công an tỉnh nọ đang thu hồi và phân hủy hàng tấn chân gà, heo con không rõ nguồn gốc. Thịt heo hóa thịt bò, tôm sú bơm hóa chất, vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai, củ ráy thành ngọc dương. Họ quan tâm cũng đúng thôi, bởi tất cả những món này cứ vào giờ chiều, sau giờ tan ca họ và các chiến hữu vẫn thường “lai rai”.

Thực trạng thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra thường xuyên ở nước ta, chỉ một đoạn đường nhỏ ở thị trấn hay thành phố, cảnh quan, hình ảnh quán cóc, quán vỉa hè, các gánh hàng rong đã trở thành quen thuộc, nhắc đến thì ai cũng biết. Thử đặt một câu hỏi nhỏ rằng: “Liệu những quán đó có hợp vệ sinh an toàn thực phẩm?”. Chắc hẳn ai cũng đã rõ câu trả lời. Vệ sinh đâu khi ngồi thưởng thức một bát phở mà bên cạnh lại là những bãi rác bốc mùi nồng nặc, nước cống đen ngòm, khói bụi dày đặc trong. Vệ sinh đâu khi người bán dùng tay không bốc những thức ăn rồi đặt vào tô. Những điều đó ai cũng biết nhưng vẫn thản nhiên ngồi thưởng thức những món ăn một cách bình thường, thậm chí là ngon lành với lí do: “Giá ở đây rẻ, hợp túi tiền”, “Ăn ở đây vừa nhanh, vừa tiện” còn có ý kiến cho rằng “Ngồi đây cho thoáng mát”.

Nếu như trước đây, những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ dừng lại ở các hành vi vi phạm quy định như: hàn the trong đồ ăn sẵn, phẩm màu công nghiệp trong bánh mứt, formal trong phở, để tẩy ướp thủy hải sản hay chất 3-MCPD trong nước tương đã làm nhiều người choáng váng, vứt bỏ những thức ăn, gia vị đã quen sử dụng trong nhiều năm thì giờ đây, trong dịp trước tết và trong tết, nhiều vụ việc, kiểu vi phạm đã xuất hiện với nhiều hành động tinh vi hơn để tung hàng kém chất lượng ra thị trường “cung không đủ cầu”. Nhiều người khi ăn chỉ nhìn món ăn sau khi chế biến rất ngon lành mà đâu ngờ rằng trước đó nó là cái gì? Là một con cá tươi ngon hay chỉ là một đống thịt đang lúc phân hủy.

Nguyên nhân kế tiếp phải kể đến lối sống hưởng thụ, nghĩa là con người ngày nay ăn bằng mắt hơn bằng miệng, chỉ cần đẹp, nhanh và tiện lợi là đủ tiêu chuẩn chứ không cần quan tâm đến chất lượng của thực phẩm. Cuối cùng phải kể đến khâu quản lý của cơ quan chức năng nước ta còn yếu, nghĩa là chưa thực sự mạnh tay với những đối tượng vi phạm. Nói đúng hơn một số cán bộ đang bị lợi dụng bởi cái phong bì “xanh xanh, đỏ đỏ” cứ “lén lén, trao trao”, nếu đối tượng sai phạm quá thì cũng chỉ nhắc nhở, không dám mạnh tay, sợ “chết cả đám”, vì “há miệng thì mắc quai”.

Thiết nghĩ, để khắc phục được tình trạng trên thì nhà nước ta cần quan tâm hơn đến vấn đề “an toàn thực phẩm”. Cần kêu gọi những người làm việc phải có trách nhiệm trong công việc hãy đặt cái “tâm” lên trên đồng tiền, cần mạnh tay hơn với những đối tượng vi phạm. Đồng thời, kêu gọi ý thức của người dân hơn trong việc sử dụng thực phẩm, tẩy chay hàng không rõ nguồn gốc kém kém chất lượng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không nói đến những người có quan niệm “sống no hơn chết thèm” trong phạm vi bài này. Bên cạnh đó, những người trồng trọt và chăn nuôi cũng hãy nghĩ đến cái “tình” hơn cái lợi. Bởi con người sống trong một xã hội cần có sự hỗ tương, nếu chỉ mình hiện hữu trong một góc nào đó của cuộc sống thì cuộc đời cô đơn lắm. Cuối cùng kêu gọi các nhà sản xuất hãy ngừng ngay lối suy nghĩ ngụy biện “cung không đủ cầu”, nhưng hãy thực hiện công việc sản xuất làm sao mang đến ích lợi cho người tiêu dùng và làm việc đúng với cam kết trong giấy phép kinh doanh. Đành rằng, sản xuất thì cần có lợi nhuận, nhưng ít thôi, đúng với mức cho phép của lương tâm. Đừng vì ham giàu mà lấy tiền trên mồ hôi, xương máu của người khác. Bởi hiện hữu con người trong trần gian ngắn lắm, cứ hỏi những người đang ở tuổi xế chiều về ý nghĩa của cuộc sống vì tình hay vì tiền cái nào quan trọng hơn.

Tuy Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan tâm đến việc này hơn nhưng vẫn là chưa đủ. Vì vậy chúng ta cần có biện pháp cấp thiết để khắc phục tình trạng này. Sản xuất phải chuyên nghiệp, sạch sẽ từ khâu trồng trọt đến sản xuất và tiêu thụ. Cần có nhiều cán bộ, tổ chức vệ sinh an toàn thực phẩm hơn, chính sách nhà nước chặt chẽ hơn, có chế tài xử lí rõ ràng và nghiêm khắc hơn. Nhưng đặc biệt là người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình, như vậy người tiêu dùng cần có kiến thức tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chúng ta nói chung và những bà nội trợ nói riêng lo lắng làm thế nào để có được một cái tết an lành với mọi thành viên trong gia đình. Hãy làm người tiêu dùng thông minh, và hãy nói không với “mất an toàn vệ sinh thực phẩm” nhằm tiến đến một ngày mai xanh, sạch.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Chưa bao giờ người ta lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm như ngày nay. Vào quán kêu ra một tô phở để thưởng thức nhưng lòng vẫn âu lo, ra chợ mua nắm rau về lo bữa tối nhưng sao cứ sợ hãi. Người ta lo âu và sợ hãi bởi biết đâu trong tô phở kia miếng thịt bò chứa chất gây bệnh, trong sợi bún có chứa hàn the hay nắm rau người làm vườn đã xịt thuốc. Thật vậy, chất kích thích, thuốc tăng trọng hay những độc tố người ta có thể dễ dàng mua ở các chợ. Điều này cũng đồng nghĩa cho hiện tượng những nhà sản xuất ngày nay đang chú trọng đến “lượng” hơn đến “chất”. Vậy ta hiểu vấn đề “an toàn thực phẩm” như thế nào? Thực trạng của nó ngày nay ra sao? Có biện pháp nào để khắc phục hay không?

“Vệ sinh” là một khái niệm nói lên sự gìn giữ cho con người, động vật hay môi trường khỏi bị nhơ bẩn. “An toàn” lại được hiểu như một khả năng đã được bảo vệ khỏi các mầm mống hay những tác động gây bệnh, có thể an tâm sử dụng một cái gì đó mà không cần suy nghĩ. Còn “Thực phẩm” là một danh từ bao gồm những loại cơ bản như: lúa, mì, ngô, khoai, rau, cá, củ, quả, thịt, trứng… nhằm cung cấp thức ăn để con người tồn tại trong cuộc sống. Vì thế, vấn đề “an toàn thực phẩm” được hiểu là một khái niệm nói lên lương thực không bị nhiễm các mầm mống gây bệnh, không có các chất kích thích nhằm mang lại sức khỏe tốt nhất cho con người.

Thực phẩm bẩn trở thành nỗi kinh hoàng của người dân khi vấn đề sức khoẻ của con người đang bị chúng rình rập, thủ tiêu, ngấm ngầm lan vào từng ngõ nghếch của đời sống chúng ta. Nó để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho chúng ta. Bao trường học với hàng trăm học sinh, bao cơ sở sản xuất với hàng trăm công nhân bị ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu ở bệnh viện. Một ly trà sữa, một cốc sinh tố cũng khiến học sinh bị nôn, ói, đưa đến bệnh viện rửa ruột. Sức khỏe con ngươi xuống cấp trầm trọng, hàng loạt người chết vì ung thư, vì ngộ độc thực phẩm hàng năm đã cho thấy mức báo động của vấn đề này. Vấn đề thực phẩm bẩn gây tâm lý hoang mang, lo lắng đối với người tiêu dùng. Thị trường rộng lớn, đi đâu cũng nghe những lời mời chào "thịt cá tươi ngon" ,"rau củ sạch",... nhưng ai biết bên trong chứa những gì. Khi mà thật giả lẫn lộn, mua cái gì, ăn cái gì cũng phải suy nghĩ đau đầu, lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình, không thể an tâm. Mặt khác, nhiều người tiêu dùng với tâm lý ưa rẻ, đổ xô vào những thực phẩm có giá thấp hơn mà ít quan tâm đến chất lượng. Những mặt hàng thực phẩm kém ăn toàn có dịp "hoành hành" bởi tâm lý đó. Nó trở thành một đối thủ cạnh tranh với những thực phẩm sạch của các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh làm ăn lương thiện với mục tiêu " chất lượng là trên hết" nhưng giá thành cao hơn, gây lũng đoạn thị trường, nền kinh tế trì trệ, khó phát triển, thậm chí nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính bị phá sản bởi sự đổ bộ của thực phẩm bẩn vào thị trường.

Vậy nguyên nhân do đâu vấn đề thực phẩm ngày một đáng sợ như vậy? Trước nhất, phải kể đến ý thức của con người, những kẻ hám thứ lợi trước mắt mà sẵn sàng bán rẻ cả lương tâm, kiếm lợi trên sức khỏe, tính mạng của người khác. Nhiều cơ sở kinh doanh sản xuất đại trà, hàng loạt, coi trọng số lượng hơn chất lượng gây hại vô cùng. Nhiều người dân cũng vì thu lợi mà sẵn sàng phun thuốc kích thích cho cây trồng, kích thích sự phát triển của vật nuôi mà không quan tâm đến hệ lụy về sau. Thứ hai, sự đổ bộ của các thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là các mặt hàng Trung Quốc kém chất lượng, bắt mắt, sạch sẽ bề ngoài nhưng chất lượng thì hoàn toàn trái ngược. Thứ ba, xuất phát từ chính người tiêu dùng, nếu người sản xuất thiếu lương tâm thì người tiêu dùng lại thiếu tinh tế. Tâm lý ưa rẻ đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt khiến thực phẩm bẩn được tự do tung hoành khắp nơi, bởi khi có cơ hội được tiêu thụ, được người dùng quan tâm thì chúng mới sản xuất, mới được bày bán, có cầu thì mới có cung.

Và hiện nay vẫn tồn tại công khai những cơ sở sản xuất thực phẩm không đạt chất lượng, những thực phẩm ấy vẫn được chuyển đi mua bán một cách công khai như những thực phẩm sạch nhưng không ai hay biết. Những điều đó có thể gây ra những bệnh liên quan đến đường ruột, tiêu hóa và đặc biệt nghiêm trọng có thể gây ngộ độc thực phẩm hoặc ung thư. Trước những hậu quả nghiêm trọng của việc mất an toàn thực phẩm gây ra cho đời sống con người, chúng ta phải chung tay tìm biện pháp khắc phục và cải thiện nó. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền, có liên quan nên mở cuộc điều tra, kiểm tra kĩ lưỡng trong từng khâu trồng trọt, chăn nuôi và ở cả nơi xuất ra thực phẩm. Những người sản xuất phải nhận thức ngay được mối nguy hiểm của việc sử dụng thực phẩm không đạt yêu cầu. Thực phẩm ấy sẽ không chỉ ảnh hưởng đến những người ngoài xã hội mà ảnh hưởng đến chính những người thân của họ và bản thân họ khi là người tiếp xúc nhiều với những chất bảo quản, chất kích thích và nguồn thực phẩm không an toàn. Những người tiêu dùng cần nâng cao ý thức khi mua thực phẩm, đừng ham của rẻ mà phớt lờ đi độ an toàn của thực phẩm không lành mạnh và nếu có cơ hội, chúng ta hãy thử sức với việc trồng rau xanh tại nhà sẽ đảm bảo hơn chất lượng cuộc sống.

Chúng ta, những người đang sống và tồn tại phụ thuộc vào nguồn thực phẩm, hãy cố gắng cứu lấy chính mình bằng cách nâng cao nhận thức cho mình và những người xung quanh về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hãy chung tay vì một cuộc sống “Nói không với thực phẩm bẩn”.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

ADMICRO
NONE
OFF