OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA

Bộ 5 đề thi HSG môn Sinh học 12 năm 2021 - Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm có đáp án

25/03/2021 1.76 MB 2125 lượt xem 1 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2021/20210325/406488122757_20210325_100208.pdf?r=2353
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

HOC247 xin giới thiệu đến các em Bộ 5 đề thi HSG môn Sinh học 12 năm 2021 - Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm có đáp án nhằm giúp các em ôn tập và củng cố kiến thức nâng cao trong chương trình Sinh học 12. Mời các em cùng tham khảo!

 

 
 

TRƯỜNG THPT NGUYỄN BỈNH KHIÊM

ĐỀ CHÍNH THỨC

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 12 CẤP TRƯỜNG

NĂM HỌC 2020 - 2021

MÔN SINH HỌC

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

1. ĐỀ 1

Câu 1: Bằng cách nào mà NST ở sinh vật nhân thực có thể chứa được phân tử ADN dài hơn rất nhiều lần so với chiều dài của nó?

Câu 2:

     a) Nêu sự khác nhau về cấu trúc ADN ti thể với ADN trong nhân.

     b) Làm thế nào để xác định được một tính trạng nào đó là do gen ngoài nhân qui định?

Câu 3:

     Sơ đồ dưới đây cho thấy phả hệ 3 đời  ghi lại sự di truyền của 2 tính trạng đơn gen là đường chân tóc nhọn trên trán (gọi là chỏm tóc quả phụ) và dái tai phẳng, các tình trạng tương ứng là không có chõm tóc quả phụ và dái tai chúc.

     a) Xác định kiểu gen của các thành viên trong phả hệ mà em có thể xác định được.

     b) Nếu cặp vợ chồng 8 và 9 quyết định sinh thêm con thì xác suất để đứa con này là con trai có tóc quả phụ và dái tai chúc là bao nhiêu?

     Biết rằng, gen trội là trội hoàn toàn, các gen nằm trên các NST thường khác nhau và không xảy ra đột biến mới.

Câu 4:

     a) Nêu những điểm khác nhau cơ bản của phương pháp cấy truyền phôi và nhân bản vô tính bằng kĩ thuật chuyển nhân ở động vật.

     b) Phân biệt thể tự đa bội và thể dị đa bội. Nêu ứng dụng của các thể đa bội trong thực tiễn.

Câu 5:

     Ở ruồi giấm, màu thân vàng và mắt trắng đều do gen lặn liên kết với NST X qui định (NST Y không mang alen tương ứng). Phép lai giữa ruồi đực kiểu dại với ruồi cái thân vàng, mắt trắng thu được F1. Trong khoảng 1500 con F1 có 1 con ruồi cái thân vàng, mắt trắng, 2 con ruồi đực kiểu dại.

Hãy giải thích cơ chế tạo ra ruồi cái thân vàng, mắt trắng và ruồi đực kiểu dại ở F1. Biết rằng không xảy ra đột biến gen và đột biến cấu trúc NST.

Câu 6:

     Ở chuột lang, kiểu hình lông đốm được qui định bởi một gen gồm 2 alen A và a. Nếu có alen A thì chuột có kiểu hình lông đốm. Sau khi điều tra một quần thể, các học sinh tìm thấy 84% chuột có kiểu hình lông đốm. Giả sử quần thể ở trạng thái cân bằng Hacđi - Vanbec.

     a) Hãy tính tần số alen A.

     b) Vào một ngày, tất cả các chuột không có kiểu hình lông đốm trong quần thể bị chuyển đi nơi khác. Tần số chuột không có kiểu hình lông đốm của quần thể ở thế hệ sau là bao nhiêu?

Câu 7:

     Ở lần điều tra thứ nhất, người ta thấy kích thước quần thể của chuồn chuồn ở một đầm nước là khoảng 50.000 cá thể. Tỉ lệ giới tính là 1 : 1. Mỗi cá thể cái đẻ khoảng 400 trứng. Lần điều tra thứ 2 cho thấy kích thước quần thể của thế hệ tiếp theo là 50.000 cá thể và tỉ lệ giới tính vẫn là 1 : 1.

     a) Tỉ lệ sống sót trung bình tới giai đoạn trưởng thành của trứng là bao nhiêu?

     b) Quần thể chuồn chuồn có su hướng tăng trưởng số lượng nhanh hay chậm? Giải thích.

Câu 8:

     a) Giá trị thích nghi tương đối của một con la bất thụ là bao nhiêu? Giải thích.

     b) Giải thích tại sao chọn lọc tự nhiên là cơ chế tiến hóa duy nhất liên tục tạo nên tiến hóa thích nghi?

Câu 9:

     a) Nêu thực chất của quá trình hình thành loài mới và vai trò của các nhân tố tiến hóa, các cơ chế cách li đối với đối với quá trình hình thành loài mới.

     b) Tại sao những loài sinh vật bị con người săn bắt hoặc khai thác quá mức làm giảm mạnh về số lượng lại rất dễ bị tuyệt chủng?

Câu 10:

     Cho 2 cá thể ruồi giấm có kiểu hình thân xám, cánh dài giao phối với nhau, thu được F1 có 4 loại kiểu hình, trong đó ruồi thân đen, cánh dài chiếm tỉ lệ 4,5%.

     a) Giải thích và viết sơ đồ lai từ P à F1.

     b) Tính xác suất xuất hiện ruồi đực F1 mang kiểu hình lặn ít nhất về 1 trong 2 tính trạng trên.

ĐÁP ÁN

Câu

Ý

Nội dung trả lời

1

 

NST ở sinh vật nhân thực có thể chứa được phân tử ADN có chiều dài hơn rất nhiều lần so với chiều dài của nó là do sự gói bọc ADN theo các mức xoắn khác nhau trong nhiễm sắc thể:

a. Đầu tiên phân tử ADN có cấu trúc xoắn kép, đường kính vòng xoắn là 2nm. Đây là dạng cấu trúc cơ bản của phân tử ADN.

b. Ở cấp độ xoắn tiếp theo, chuỗi xoắn kép quấn quanh các cấu trúc prôtêin histon (gồm 8 phân tử histon, 1 vòng) tạo thành cấu trúc nuclêôxôm, tạo thành sợi cơ bản  có đường kính là 10nm.

c. Ở cấp  độ tiếp theo, sợi cơ bản xoắn cuộn tạo thành sợi nhiễm sắc có đường kính là 30nm.

d. Các sợi nhiễm sắc tiếp tục xoắn cuộn thành cấu trúc crômtit ở kì trung gian có đường kính 300nm. Cấu trúc sợi tiếp tục đóng xoắn thành cấu trúc crômatit ở kì giữa của nguyên phân có đường kính 700nm, mỗi nhiễm sắc thể gồm 2 sắc tử chị em có đường tính 1400nm.

2

a

Sự khác nhau giữa ADN ti thể và ADN trong nhân :

ADN ti thể (0,5 điểm)

ADN trong nhân (0,5 điểm)

- Lượng ADN ít,  ADN trần.

 

- Chuỗi xoắn kép, mạch vòng.

- Lượng ADN nhiều, ADN tổ hợp với histôn.

- Chuỗi xoắn kép, mạch thẳng.

 

b

Cách xác định một tính trạng nào đó là do gen ngoài nhân quy định :

- Tiến hành lai thuận nghịch : Nếu kết quả phép lai thuận và lai nghịch khác nhau, trong đó con lai luôn mang tính trạng của mẹ, nghĩa là di truyền theo dòng mẹ.

- Nếu thay thế nhân của tế bào này bằng một nhân có cấu trúc di truyền khác thì tính trạng do gen trong tế bào chất quy định vẫn tồn tại.

3

a

Kiểu gen của các thành viên biết được chắc chắn:

* Xét tính trạng hình dạng đường chân tóc  trên trán: Cặp vợ chồng 8 x 9 đều có tóc quả phụ => con gái 12 không có tóc quả phụ, chứng tỏ 8 và 9 đều dị hợp tử (Aa)=> Không có tóc quả phụ là tính trạng lặn (aa).

* Xét tính trạng hình dạng dái tai: Căp vợ chồng 8 x 9 đều có dái tai chúc=> con gái 11 dái tai phẳng=> chứng tỏ 8 và 9 đều dị hợp tử (Bb)=> dái tai phẳng là tính trạng lặn (bb).

* Kiểu gen của các thành viên được biết chắc chắn: 1, 4, 8, 9 : AaBb; 2: aaBb; 3, 6, 7, 10 : aabb.

b

Xác suất sinh đứa con là trai có tóc quả phụ và dái tai chúc: 3/4x3/4x1/2 = 9/32

4

a

Những  điểm khác nhau cơ bản giữa phương pháp cấy truyền phôi và nhân bản vô tính bằng kỹ thuật chuyển nhân ở động vật :

- Cấy truyền phôi : Tách phôi ban đầu thành nhiều phôi.

- Nhân bản vô tính : Dùng nhân tế bào (2n) của giống ban đầu tạo cá thể mới giữ nguyên vốn gen.

b

b) * Phân biệt thể tự đa bội và thể dị đa bội : 

- Tự đa bội : là hiện tượng tăng số n lớn hơn hai lần bộ NST của cùng một loài, do kết hợp giữa giao tử 2n với giao tử n, 2n,...

- Dị đa bội là hiện tượng : bộ NST gồm 2 hay nhiều bộ NST của các loài khác nhau, do lai xa và đa bội hóa.

* Ứng dụng của đa bội thể : Ở thực vật, cơ quan sinh dưỡng tế bào có kích thước lớn, chứa nhiều chất dinh dưỡng, đa bội lẻ  quả không có hạt và có một số đặc tính khác....

Đa bội thể có thể tạo ra loài mới.

{-- Nội dung đáp án câu 5 đề số 1 các em vui lòng xem ở phần xem online hoặc tải về --}

6

a

Tần số của alen A: Gọi p và q lần lượt là tần số các alen A và a ta có: q2aa = 16% => q(a) = 0,4=> p(A) = 0,6.

b

Tần số chuột không có kiểu hình lông đốm  trong quần thể ở thế hệ sau:

- Cấu trúc di truyền của quần thể  ban đầu là  (0,6A : 0,4a)(0,6A : 0,4a) = 0,36 AA : 0,48 Aa : 0,16 aa

- Sau khi di chuyển chuột lông  đốm  đi nơi khác, cấu trúc di truyền của quần thể là  36/84 AA : 48/84 Aa=> Tần số alen A = 0,71; a = 0,29

- Tấn số chuột không có kiểu hình lông đốm ở thế hệ sau là: q2aa = (0,29)2 ≈ 0,08

7

a

Tỷ lệ sống sót trung bình tới giai đoạn trưởng thành của trứng :

- Số cá thể cái trong quần thể chuồn chuồn là 25000=> Số trứng được tạo ra là 25000 x 400 = 10 000 000

- Tỉ lệ sống sót trung bình của trứng là  = 0,5%

b

Quần thể chuồn chuồn có khuynh hướng tăng trưởng số lượng nhanh vì : quần thể có tỉ lệ sống sót thấp nên phải đẻ nhiều để bù đắp mức tử vong lớn.

8

a

Giá trị thích nghi tương đối của một con la bất thụ bằng 0 vì con la bất thụ nên không truyền gen cho thế hệ sau.

b

Chọn lọc tự nhiên là cơ chế tiến hoá duy nhất liên tục tạo nên tiến hoá thích nghi vì :

- Mặc dù cả di- nhập gen (dòng gen) và biến động di truyền (phiêu bạt di truyền) đều có thể làm tăng tần số alen có lợi trong quần thể, nhưng chúng có thể làm giảm tần số alen có lợi hoặc tăng tần số alen có hại trong quần thể.

- Chỉ CLTN mới liên tục làm gia tăng tần số alen có lợi và do đó làm tăng mức độ sống sót và sinh sản của các kiểu gen thích nghi => CLTN là cơ chế duy nhất, liên tục gây ra sự tiến hoá thích nghi.

9

a

* Thực chất của quá trình hình thành loài mới là sự cải biến thành phần kiểu gen của quần thể ban đầu theo hướng thích nghi, tạo ra hệ gen mới, cách li sinh sản với quần thể gốc.

* Vai trò của các nhân tố tiến hóa trong quá trình hình thành loài mới:

- Đột biến và giao phối cung cấp nguyên liệu cho chọn lọc.

- Các yếu tố ngẫu nhiên, di- nhập gen làm thay đổi đột ngột tần số tương đối của các alen=> Làm tăng tốc quá trình hình thành loài mới.

- CLTN quy định chiều hướng và nhịp độ biến đổi tần số các alen trong quần thể, sàng lọc những tổ hợp gen thích nghi với môi trường.

* Vai trò của các cơ chế cách li : tăng cường sự phân hóa, vốn gen của quần thể gốc,

làm cho quần thể nhanh chóng phân li thành những quần thể mới ngày càng khác xa nhau. Khi có sự cách ly sinh sản thì tạo ra loài mới.

b

Những loài sinh vật bị khai thác quá mức dễ bị tuyệt chủng vì số lượng cá thể giảm gây biến động di truyền, làm nghèo vốn gen cũng như làm mất đi một số gen vốn có lợi của quần thể.

{-- Nội dung đáp án câu 10 đề số 1 các em vui lòng xem ở phần xem online hoặc tải về --}

2. ĐỀ 2

Câu 1:

a) Phân biệt các hình thức: hô hấp hiếu khí, hô hấp kị khí, lên men ở vi sinh vật.

b) Nêu các phương thức thu nhận năng lượng ở các vi khuẩn dùng trong sản xuất axit axetic. Đây có phải là quá trình lên men không? Vì sao? Nó khác gì với quá trình hô hấp hiếu khí?

Câu 2:

Một gen của sinh vật nhân sơ khi nhân đôi liên tiếp đã đòi hỏi môi tường nội bào cung cấp 45000 nuclêôtit, tron đó có 13500 timin. Phân tử prôteein hoàn chỉnh do gen đó tổng hợp có số lượng là 498 axit amin. Hãy tính:

     a) Khối lượng của gen.

     b) Số lượng  nuclêôtit của gen.

Câu 3:

     Trên cơ sở hiện tượng hút nước và thoát nước ở cây xanh hãy giải thích các hiện tượng sau:

     a) Rỉ nhựa và ứ giọt

     b) Khi bón nhiều phân đạm vào gốc thì cây bị héo

     c) Khi mưa lâu ngày, rồi đột ngột nắng to, cây bị héo

     d) Người ta thường xới xáo, làm cỏ sục bùn cho một số cây trồng

Câu 4:

Sử dụng một tác nhân kích thích tới ngưỡng, kích thích vào giai đoạn cơ tim đang co và giai cơ tim đang giãn. Ở mỗi giai đoạn nêu trên, cơ tim sẽ phản ứng lại kích thích đó như thế nào? Nêu ý nghĩa sinh học của hiện tượng trên?

Câu 5:

     Dưới đây là sơ đồ của một loại đột biến gen nhưng chưa đầy đủ. Hãy điền đầy đủ vào sơ đồ và giải thích cơ chế hình thành. Nêu hậu quả của loai đột biến đó

Câu 6:

a) Cho biết vai trò của các loại enzim tham gia vào quá trình nhân đôi ADN.

b) Sự khác nhau cơ bản giữa quá trình nhân đôi ADN ở sinh vật nhân thực và sinh vật nhân sơ (E.coli)?

c) Tại sao trong quá trình ADN nhân đôi 2 mạch đơn mới trong cùng 1 chạc tái bản lại có chiều tổng hợp ngược nhau?

Câu 7:

Ở một loài thực vật, cho cây thân cao, hoa trắng thuần chủng lai với cây thân thấp, hoa đỏ thuần chủng, F1 thu được toàn cây thân cao, hoa đỏ. Cho F1 tự thụ phấn, ở F2 thu được 4 loại kiểu hình trong đó kiểu hình thân cao, hoa trắng chiếm tỉ lệ 24%. Biết mỗi gen qui định một tính trạng và gen nằm trên nhiễm sắc thể thường. Mọi diễn biến của nhiễm sắc thể trong giảm phân ở tế bào sinh hạt phấn và tế bào sinh noãn giống nhau đồng thời không có đột biến phát sinh. Hãy biện luận và viết sơ dồ lai từ P đến F2?

Câu 8:

     Một quần thể của một loài động vật sinh sản giao phối bao gồm các cá thể thân xám và thân đen. Giả sử quần thể này ở trạng thái cân bằng Hacđi – Vanbec về thành phần kiểu gen quy định màu thân, trong đó tỉ lệ các cá thể thân đen chiếm 36%. Người ta chọn ra ngẫu nhiên 30 cặp đều có thân xám, cho chúng giao phối theo từng cặp.

     a) Tính tần số tương đối của các alen

     b) Tính xác suất để cả 30 cặp này đều có kiểu gen dị hợp tử.

     (Biết rằng tính trạng màu thân do một gen quy định, thân xám là trội so với thân đen)

ĐÁP ÁN

Câu

Nội dung

1

a.Phân biệt hô hấp hiếu khí, hô hấp kị khí, lên men ở vi sinh vật.

hô hấp hiếu khí

hô hấp kị khí

lên men ở vi sinh vật

- Là quá trình OXH các phân tử hữu cơ.          

 

- Chất nhận điện tử cuối cùng Ôxi phân tử.

 

- Sản phẩm tạo thành :CO2, H2O, NL, CO2, H2O,

- Quá trình phân giải cacbohiđrat để thu NL cho TB.

- Chất nhận điện tử cuối cùng Phân tử vô cơ NO3, SO4.

- Sản phẩm tạo thành : NL

- Lên men là quá trình chuyển hoá kị khí diến ra trong tến bào chất

- Chất nhận điện tử là các phân tử hữu cơ.

 

- Sản phẩm tạo thành: sữa chua, rượu, dấm…

 

b. Phương thức nhận NL ở VK’ dùng trong sản xuất axit axetic.

{-- Nội dung đáp án câu 2 đề số 2 các em vui lòng xem ở phần xem online hoặc tải về --}

3

a. Rỉ nhựa và ứ giọt

- Hiện tượng rỉ nhựa có nguyên nhân chính là do sức đẩy của rễ. Khi cắt phần thân trên, nước và các ion khoáng đc đẩy từ rễ lên sẽ bị chặn lại ở mặt cắt của thân do ko có mạch ống tiếp tục dẫn nước đi lên, mặt khác rễ vẫn tiếp tục hút và đẩy nước lên khiến chúng bị ứ lại tại phần mặt cắt này gây ra hiện tượng rỉ nhựa.

- Hiện tượng ứ giọt là do khi môi trường xung quanh lá đã bão hòa hơi nước, khiến lá cây không thể tiếp tục khuếch tán nước ra ngoài môi trường dưới dạng hơi, khiến nước ứ đọng lại ở các thủy khổng và tạo thành giọt nước. Cũng nên lưu ý hiện tượng này chỉ xảy ra đối với cây thân thảo, sở dĩ vậy là do khi đêm xuống, hơi nước ngưng đọng và xà xuống gần mặt đất, những cây thân thảo thường là những cây thấp vì thế môi trường quanh chúng sẽ bị bão hòa hơi nước và gây ra ứ giọt.

b. Khi  bón nhiều phân đạm vào gốc thì cây bị héo; Phân đạm là loại phân hóa học chứa % N lớn và loại phân này thường là các muối tan được nhiều trong nước.
Khi bón nhiều phân đạm xuống đất , phân tan vào trong nước tạo thành dung dịch muối nồng độ cao.Nồng độ dung dịch muối trong cây tất nhiên sẽ nhỏ hơn nồng độ dung dịch muối trong đất.Như vậy dung dịch muối trong đất là dung dịch ưu trương còn dung dịch muối trong cây là dung dịch nhược trương.Mặt khác do thành tế bào thực vật là một màng bán thấm nên nước trong tế bào cây sẽ bị hút ra ngoài dung dịch đất cho tới khi nồng độ dung dịch muối trong đất và trong cây là cân bằng nhau.Do tế bào cây bị mất nước quá nhiều nên cây sẽ bị héo và chết khô.

c. Khi mưa lâu ngày, rồi đột ngột nắng to, cây bị héo: Việc xới xáo, làm cỏ, sục bùn giúp đất tơi xốp, màu mỡ và thoáng khí, đồng thời tránh việc cỏ hút hết dinh dưỡng của cây trồng. Khi xới xáo như vậy sẽ giúp khí CO2 từ đất thoát ra, đồng thời O2 ko khí sẽ khuếch tán trở lại đất, cung cấp O2 cho hoạt động hô hấp của rễ, khi rễ hô hấp tốt khả năng hút nước và chất khoáng sẽ tốt theo, như vậy sẽ giúp cung cấp đủ nươc svà khoáng chất cho cây.

4

- Ở giai đoạn tim đang co: Cơ tim không đáp ứn với các kích thích ngoại lai(không trả lời), vì khi đó các tế bào cơ tim đang ở giai đoan trơ tuyệt đối, hay nói cách khác, cơ tim hoạt động theo quy luật “tất cả hoặc không”

- Ở giai đoạn tim đang giãn: Cơ tim đáp ứng kích thích bằng một lần co bóp gọi là ngoại tâm thu. Sau ngoại tâm thu là thời gian nghỉ bù, thời gian này kéo dài hơn bình thường. Sở dĩ có thời gian nghỉ bù là xung thần kinh từ nút xoang nhĩ đến tâm thất rơi đúng lúc cơ tim đang co ngoại tâm thu(lúc này cơ tim đang ở giai đoạn trơ tuyệt đối của ngoại tâm thu) . Vì vậy cơ phải đợi cho đến đợt xung tiếp theo để co bình thường

- Ý nghiã sinh học:

+ Ở giai đoạn tâm thu cơ tim có tính trơ(khôn đáp ứng bất kì kích hích nào)

+ Tim hoạt động theo chu kì nên ở giai đoạn rơ cũng lặp theo chu kì. Nhờ có tính trơ của tim trong giai đoạn tâm thu mà cơ tim có giai đoạn nghỉ ngơi xen kẽ với giai đoạn hoạt động đồng thời. Nhờ tính trơ có chu kì này mà cơ tim không bao giờ bị co cứn như  cơ vân.

5

- Sơ đồ 1:

 

- Sơ đồ 2:

Khi thay thế một cặp nu này bằng một cặp nu khác có thể thay đổi trình tự aa trong pr và làm thay đổi chức năng của pr

6

a. vai trò của các loại ezim tham gia vào quá trình nhân đôi AND:

+ ADN giraza: nới lỏng vòng xoắn thứ cấp của các nhiễm sắc thể.
+ Enzim rep: mở xoắn chuỗi xoắn kép.
+ ARN – pôlimêraza: Tổng hợp đoạn ARN để tạo ra nhóm 3’ OH
+ ADN ligaza: nối đoạn ADN (đoạn okazaki) thành phân tử ADN
+ ADN – pôlimêraza: ở E.coli gồm 3 loại: ADN – pôlimêraza I tổng hợp ccs đoạn ADN thay thế, ADN – pôlimêraza II có hoạt tính thấp nhất, ADN pôlimêraza III tham gia chủ yếu vào tổng hợp ADN. Enzim này chỉ có vai trò tổng hợp ADN theo chiều 5’ – 3’.

b. Sự khác nhau cơ bản giữa quá trình nhân đôi ADN ở sinh vật nhân sơ (E.coli)và nhân thực:

Đặc điểm

SV nhân sơ

SV nhân thực

Chiều dài các đoạn ARN mồi và các đoạn Okazaki

Dài hơn

Ngắn hơn

Thời gian sao chép

Ngắn ( VD : E. coli là khoảng 40’)

Dài hơn (thường 6 – 8 giờ)

Số điểm khởi đầu sao chép

1 điểm duy nhất

Nhiều điểm ( VD: Ở người có khoảng 20000 – 30000 điểm khởi đầu sao chép trong toàn hệ gen)

Tốc độ sao chép

850 nu / giây

60 – 90 nu/giây

Số loại enzim ADNpolimerase

Ít ( VD: E.coli 5 loại : ADN pol I, II, III, IV, V)

Nhiều ( VD : ở người có ít nhất 15 loại)

Quá trình sao chép ADN

Diễn ra liên tục và đồng thời với quá trình phiên mã và dịch mã

Diễn ra ở giai đoạn S của chu trình tế bào , diễn ra trong nhân tế bào trong khi đó quá trình dịch mã diễn ra trong tế bào chất.

 

c. - Trong cấu trúc phân tử ADN hai mạch đơn có chiều liên kết trái ngược nhau

- Do đặc điểm của enzim ADN polymeraza chỉ có thể bổ sung các nu mới vào đầu 3’OH tự do

{-- Nội dung đáp án câu 7 đề số 2 các em vui lòng xem ở phần xem online hoặc tải về --}

8

a. ) Quy ước alen A thân xám; alen a thân đen; p là tần số alen A; q là tần số alen a
Do quần thể cân bằng di truyền nên thành phần kiểu gen là p² AA + 2pq Aa + q² aa = 1
thân đen chiếm 36% => q² = 0,36 => q = 0,6 => p = 0,4

b.Tần số kiểu gen AA = p² = 0,16
Tần số kiểu gen Aa = 2pq = 0,48
Tần số kiểu gen Aa trong tổng số kiểu hình thân xám là 0,48/( 0,48 + 0,06 ) = 3/4
Xác suất để tất cả 30 cặp cá thể có kiểu gen dị hợp tử là (3/4)60

3. ĐỀ 3

Câu 1:

     a. Vì sao trong pha tiềm phát vi khuẩn tổng hợp mạnh mẽ ADN và protein?

     b. Ở những con bò, sau khi chữa bệnh bằng thuốc kháng sinh penicilin mà vắt sữa ngay thì trong sữa còn tồn dư kháng sinh này. Loại sữa này có thể dùng làm sữa chua được không? Vì sao?

Câu 2:

     Một số loại vi rút gãy bệnh ở người nhưng ngươi ta không thể tạo ra được loại vacxin phòng chống, Hãy cho biết đó là loại vi rút có vật chất di truyền là AND hay ARN? Giải thích?

Câu 3: Các nhận định sau đây là đúng hay sai? Giải thích.

     a. Thành phần cấu tạo của vi rút gồm các phân tử axit nucleic kết hợp với nhau.

     b. Virut là dạng sống tự do

     c. Vi rút và thể ăn khuẩn được dùng làm đối tượng để nghiên cứu sự sống (di truyền, sinh tổng hợp protein, lai ghép gen...) vì chúng có cơ sở vật chất di truyền tương đối đơn giản và khả năng sinh sản rất nhanh.

     d. Vi khuẩn, vi khuẩn lam, tảo đơn bào, động vật nguyên sinh có điểm giống nhau là cơ thể được cấu tạo bởi một tế bào.

Câu 4:

     a. Giải thích tại sao trong quá trình quang hợp nếu thiếu CO2 sẽ làm giảm sút năng suất cây trồng?

     b. Sự đồng hóa cacbon trong quang hợp ở các loài thực vật CAM thể hiện đặc điểm thích nghi với môi trường sống như thế nào?

Câu 5:

     a. Nitơ được rễ cây hấp thụ ở dạng nào?

     b. Làm thế nào để nitơ trong không khí biến đổi thành dạng nitơ mà cây có thể sử dụng được? Điều kiện để thực hiện quá trình này?

Câu 6: Khi đo cường độ quang hợp của cây trồng, người ta thấy có hiện tượng vào buổi trưa mùa hè trời nắng gắt, ánh sáng dồi dào cường độ quang hợp của cây lại giảm. Em hãy giải thích hiện tượng trên?

Câu 7:

     a. Tại sao tế bào bạch cầu lại có thể thay đổi hình dạng mạnh mẽ mà không làm đứt tế bào?

     b. Khi có nhu cầu sử dụng, các enzim trong lizôxôm được hoạt hóa bằng cách nào?

     c. Thành phần nào của tế bào thực vật đóng vai trò chính trong quá trình thẩm thấu? Tại sao?

Câu 8:

     a. Lớp vỏ ngoài của vi rút có vai trò gì?

     b. Giải thích tại sao vi rút cúm lại có tốc độ biến đổi rất cao?

Câu 9:

     Hãy giải thích các hiện tượng sau:

     a. Người bị mắc bệnh lao phổi phải thở gấp hơn người bình thường?

     b. Tại sao trẻ em khi vừa mới sinh ra lại cất tiếng khóc chào đời?

Câu 10: Một bệnh nhân bị hở van tim (van nhĩ thất đóng không kín)

     a. Nhịp tim của bệnh nhân này có thay đổi không? Tại sao?

     b. Lượng máu tim bơm lên động mạch chủ trong mỗi chu kì tim có thay đối không? Tại sao?

     c. Huyết áp động mạch có thay đổi không? Tại sao?

     d. Hở van tim gây nguy hại như thế nào đến tim?

ĐÁP ÁN

Câu

Nội dung trả lời

1

a.- Vi khuẩn tổng hợp ADN mạnh mẽ để tạo ra nhiều ADN, từ ADN sẽ phiên mã, dịch mã tạo thành các prôtêin, trong đó có các enzim.

  • Sau đó, các enzim xúc tác quá trình tổng hợp các polysaccarit, lipit và nhiều chất khác từ các chất dinh dưỡng có trong cơ thể. Để từ đó vi khuẩn chuẩn bị qua quá trình phân chia ở pha lũy thừa.

b. - Không, vì penicilin ức chế sự tổng hợp thành peptiđoglican của vi khuẩn lactic.

  • Vi khuẩn lactic không sinh trưởng phát triển được vì vậy không lên men sữa chua được.

2

- Virut có vật chất di truyền là ARN.

- Do cấu trúc của ADN bền vững hơn ARN nên virut có vật chất di truyền là ARN dễ xảy ra các đột biến hơn các virut có vật chất di truyền là ADN

- Vì vậy, virut có vật chất di truyền là ARN dễ thay đổi đặc tính kháng nguyên hơn nên người ta không thể tạo ra được vacxin phòng chống chúng.

3

a. Sai, Vì cấu tạo của vi rút gồm vỏ bọc là Pr, lõi là a xít nucleic (AND hoặc ARN).

b. Sai. Vỉ virut sống kí sinh bắt buộc trong cơ thể vật chủ.

c. Đúng. Vì virut và thể ăn khuẩn có cơ sở vật chất di truyền tương đối đơn giản và khả năng sinh sản rất nhanh.

d. Đúng. Vì chúng là nhóm sinh vật đơn bào.

4

a. Thiếu CO2 sẽ làm giảm năng suất cây trồng vì:

- Thiếu CO2: do lỗ khí đóng, hô hấp yếu

+ RiDP tăng, APG giảm, xáo trộn chu trình Calvin

+ Enzim Rubisco tăng, tăng hoạt tính oxygenaza làm các sản phẩm đường photphat sẽ OXH tạo các sản phấm C2(axit glycolic và axit glyoxylic) của hô hấp sáng làm giảm sút sản phẩm trung gian của QH. Hô hấp sáng không sinh năng lượng

b. - Thực vật CAM là nhóm mọng nước, sống ở nơi hoang mạc khô hạn. Để tiết kiệm nước (giảm sự mất nước do thoát hơi nước) và dinh dưỡng khí (quang hợp), ở nhóm thực vật này có sự phân chia thời gian cố định CO2 như sau:

+ Giai đoạn cố định CO2 đầu tiên diễn ra vào ban đêm khi khí khổng mở.

+ Giai đoạn tái cố định CO2 theo chu trình Calvin diễn ra vào ban ngày khí khí khổng đóng.

- Kết luận: Do đặc điểm thích nghi với điều kiện sinh thái như vậy, nên đảm bảo đủ lượng CO2 ngay cả khi thiếu nước và ban ngày lỗ khí đóng lại.

5

a. Nitơ được rễ cây hấp thụ ở dạng NH4+ và NO3-.

b. - Các vi sinh vật cố định nitơ chuyển hóa nitơ không khí thành NH3 thì cây mới sử dụng được.

- Điều kiện để quá trình cố định ni tơ khí quyển có thể xảy ra:

+ Có lực khử mạnh.

+ Có ÁTP.

+ Có enzim nitrogennaza.

+ Thực hiện trong điều kiện yếm khí.

6

- Vì vào buổi trưa hè nắng gắt dẫn đến nhiệt độ quá cao làm cho cây phải thoát nước mạnh.

- Khi nước bị thoát quá mạnh làm cho tế bào xẹp lại, lỗ khí đóng bớt lại làm cho lượng CO2 hấp thụ ít, dẫn đến cường độ quang hợp giảm.

7

a. Vì tế bào có khung nâng đỡ gồm vi ống, vi sợi, sợi trung gian. Cả sợi actin và sợi trung gian đều được néo chặt vào prôtêin gắn ở phía trong màng sinh chất, giúp tế bào có độ bền cơ học. Sợi trung gian hoạt động như một gân nội bào có tác dụng ngăn ngừa sự co giãn quá mức của tế bào còn sợi actin xác định hỉnh dạng tế bào.

b. Hạ thấp độ pH trong lizôxôm

c. Không bào chứa nước và chất hòa tan tạo thành dịch tế bào. Dịch tế bào luôn có một áp suất thẩm thấu lớn hơn áp suất thẩm thấu của nước nguyên chất.

8

a. - Lớp vỏ ngoài của vi rút có chức năng bảo vệ virut khỏi bị tấn công bởi các enzim và các chất hoá học khác (VD: nhờ có lớp màng mà virut bại liệt khi ở trong đường ruột của người chúng không bị enzim của hệ tiêu hoá phá huỷ.)

- Lớp màng giúp cho virut nhận biết tế bào chủ thông qua các thụ thể đặc hiệu nhờ đó mà chúng lại tấn công sang các tế bào khác.

b. - Vật chất di truyền của virut cúm là ARN (ARN được dùng làm khuôn để tổng hợp nên ADN- còn gọi là phiên mã ngược).

- Enzim phiên mã ngược này không có khả năng tự sửa chữa nên vật chất di truyền của virut rất dễ bị đột biến.

9

a. - Phế nang trong phổi có bề mặt trao đổi khí rộng, đảm bảo cho quá trao đổi khí (tương đương 140m2).

- Ở người bị mắc bệnh lao do trực khuẩn lao ký sinh trong tế bào phế nang =>tế bào phế nang hư hỏng => bề mặt trao đổi khí giảm thở gấp để tăng phân áp O2 vào phổi giúp duy trì độ bão hòa O2 của hemoglobin đảm bảo đủ nhu cầu ôxy cung cấp cho hô hấp tế bào tạo năng lượng cho mọi hoạt động sống của cơ thể.

b. - Tiếng khóc chào đời là lần thở đầu tiên của đứa trẻ khi ra khỏi cơ thể mẹ.

- Khi ra khỏi bụng mẹ, sau khi cắt dây rốn không còn mối liên hệ về trao đổi chất với cơ thể mẹ, khí CO2 tạo ra trong quá trình hô hấp tăng =>kích thích trung khu hô hấp gây phản xạ thở đầu tiên.

10

a. Nhịp tim tăng, đáp ứng nhu cẩu máu của các cơ quan

b. Lượng máu bơm lên giảm, vì khi tim co, một phần máu quay trở lại tâm nhĩ

c. Thời gian đầu, nhịp tim tăng nên huyết áp động mạch không thay đổi, về sau, suy tim nên huyết áp giảm

d. Hở van tim gây suy tim do tim phải tăng cường hoạt động trong thời gian dài.

{Còn tiếp}

4. ĐỀ 4

Câu 1:

     a. Nếu các tế bào thần kinh của người có các lizôxỏm với kích thước quá lớn thì sẽ cản trở hoạt động bình thường của tế bào (gây thoái hóa tế bào thần kinh). Nguyên nhân nào đẫn đến tình trạng kích thước quá lớn của lizôxôm ?

     b. Hãy ghép vi ống, vi sợi, sợi trung gian phù hợp với các chức năng (a,b,c,d,e,f và g) được nêu ở bảng dưới đây:    

Vi ống....

Vi sợi....

Sợi trung gian ....

a. Thay đổi hình dạng tế bào

b. Hình thành phiến lót màng nhân

c. Chuyển động của các bào quan

d. Tạo chân giả

e. Neo giữ nhân và một số bào quan

f. Chịu lực căng

g. Làm tăng diện tích bề mặt tế bào

 

Câu 2:

     Một học sinh đã dùng sơ đồ sau để ôn tập về các quá trình sinh học diễn ra trong các bào quan của một tế bào thực vật

     Hãy cho biết:

     a. Bào quan I và II là gì?

     b. Tên gọi của A, B, C, D, E ?

     c. Tên gọi của các chất 1, 2, 3?

Câu 3:

     Lấy một cốc rượu nhạt, cho thêm một ít chuối, đậy cốc bằng vải màn, để nơi ấm, sau vài ngày sẽ có một lớp màng trắng phủ lên bề mặt môi trường. Rượu đã chuyển thành giấm.

     a. Váng trắng do vi sinh vật nào tạo ra? Ở đáy cốc có loại vi sinh vật đó không? Tại sao?

     b. Nhỏ vài giọt dung dịch trên lên lam kính, rồi nhỏ vào dung dịch một vài giọt H2O2 sẽ có hiện tượng gì? Giải thích?

Câu 4:

     Một học sinh tiến hành thí nghiệm sau: Đổ 1.500ml nước đường 8%, 10% có bổ sung dịch quả ép vào bình thủy tinh hình trụ. Đổ thêm 20ml dung dịch bột bánh men vào. Sau 48 giờ thấy trong bình có các hiện tượng sau:

     - Bọt khí xuất hiện

     - Dung dịch trong bình bị xáo trộn

     - Mở hé bình thấy có mùi rượu

     - Sờ tay lên thành bình thấy ấm

     Bằng những kiến thức đã học em hãy giải thích giúp bạn các hiện tượng nói trên?

Câu 5:

     Người ta tiến hành thí nghiệm trồng hai cây A và B trong một nhà kính. Khi tăng cường độ chiếu sáng và tăng nhiệt độ trong nhà kính thì cường độ quang hợp của cây A giảm, nhưng cường độ quang hợp của cây B không thay đổi. Mục đích thí nghiệm này là gì ? Giải thích?

Câu 6: Hãy giải thích sự xuất hiện các con đường cố định CO2 ở thực vật C4 và CAM?

Câu 7:

     a. Điểm bù ánh sáng quang hợp là gì? Điểm bù ánh sáng của cây ưa sáng và cây ưa bóng khác nhau như thế nào? Giải thích?

     b. Trong điều kiện đêm dài, ánh sáng đỏ và ánh sáng hồng ngoại có tác dụng gì tới sự ra hoa của cây ngày ngắn và cây ngày dài?

Câu 8:

     Dưới đây là hình vẽ mô tả thí nghiệm với đối tượng là châu chấu: Bình A cố định châu chấu ngập phần bụng trong nước, bình B cố định châu chấu ngập phần đầu ngực trong nước. Châu chấu ở bình nào sẽ chết nhanh hơn? Vì sao?

Câu 9:

    a. Trong cơ thể người có sắc tố hô hấp mioglobin và hemoglobin (Hb). Cả hai loại sắc tố này đều có khả năng gắn và phân ly O2.

     - Dựa vào khả năng gắn và phân ly O2 của mioglobin và hemoglobin, hãy giải thích tại sao cơ thể không sử dụng mioglobin mà phải sử dụng hemoglobin vào việc vận chuyển và cung cấp ôxy cho tất cả các tế bào của cơ thể?

     b. Tại sao khi trời nắng nóng mồ hôi ra nhiều lại làm giảm lượng nước tối thiểu thải qua thận?

Câu 10:

     a. Khi một người uống nhiều rượu thì tế bào của cơ quan nào và bộ phận nào của tế bào đó phải hoạt động nhiều để cơ thể khỏi bị đầu độc?

     b. Cho biết sự dẫn truyền xung thần kinh ở dây giao cảm và dây đối giao cảm thì dây nào sẽ nhanh hơn? Tại sao?

ĐÁP ÁN

Câu

Nội dung trả lời

1

a. Thiếu enzim thuỷ phân nên các chất chứa trong lizôxôm không được phân giải.

b.

- Vi ống: c

- Vi sợi: a,d

- Sợi trung gian: b, e

2

a. Tên gọi của bào quan I tỉ thể và bào quan II lạp thể

b. Tên gọi của các giai đoạn/pha:

+ A: vha sáng: B : pha tối: C: đường phân: D: chu trình Crep, E: chuỗi chuyền electron.

HD: + Xác định đúng 4 đến 5 giai đoạn (0,5đ)

+ Xác định đúng 2 đến 3 giai đoạn (0,25đ)

c. Tên gọi của các chất: chất 1: CO2; chất 2: O2; chất 3: glucôzơ

HD: + Xác định đúng 2-3 chất (0,25ã)

3

- Váng trắng do vi khuẩn axêtic tạo ra.

- Ở đáy cốc không có loại vi khuẩn này vì chúng là vi khuẩn hiếu khí bắt buộc.

- Hiện tượng : sủi bọt.

- Giải thích : vi khuẩn axêtic là vi khuẩn hiếu khí bắt buộc nên có enzim catalaza, enzim này có khả năng phân giải H2O2, giải phóng O2 nên có hiện tượng sủi bọt.

4

- Sự chuyển động của dịch lên men là do hoạt động của nấm men phân giải đường thành rượu yà giải phóng CO2. CO2 thoát ra làm xáo trộn dung dịch trong bình và xuất hiện bọt khí

- Phản ứng lên men xảy ra hình thành rượu và CO2 từ đó giảm lượng đường và tăng hàm lượng rượu trong bình

- Là phản ứng sinh nhiệt làm cho bình ấm lên

Cơ chế: (C6Hi206)n =>C6H1206 => C2H5OH + 2CO2 + Q

5

- Mục đích của thí nghiệm là nhằm phân biệt cây C3 và cây C4.

- Giải thích:

+ Khi nhiệt độ và cường độ chiếu sáng tăng làm cho cây C3 phải đóng khí khổng để chống mất nước dẫn tới giảm nồng độ CO2 và tăng nồng độ O2 làm enzim rubisco có hoạt tính oxigenaza sẽ oxi hóa các sản phâm quang hợp để tạo CO2 (hô hấp sáng) làm giảm cường độ quang hợp (trong thí nghiệm này là cây A).

+ Trong khi đó cây C4 (cây B) chịu được điều kiện ánh sáng mạnh, nhiệt độ cao nên không xảy ra hô hấp sáng, vì thế cường độ quang hợp của cây C4 không bị giảm.

6

- Nhóm thực vật C4 quang hợp trong điều kiện ánh sáng cao, nhiệt độ cao, nồng độ O2 cao, trong khi đó nồng độ CO2 lại thấp ở vùng nhiệt đới nóng ẩm kéo dài, nên phải có quá trình cố định CO2 2 lần:

+ Lần 1 nhằm lấy nhanh CO2 vốn ít của không khí và tránh được hô hấp sáng.

+ Lần 2 cố định CO2 trong chu trình Canvin để hình thành các hợp chất hữu cơ trong các tế bào bao bó mạch

- Nhóm thực vật CAM sống trong điều kiện sa mạc hoặc bán xa mạc, phải tiết kiệm nước đến mức tối đa bằng cách đóng khí khổng ban ngày. Vì vậy nhóm thực vật này nhận CO2 ban đêm

7

a

- Điểm bù ánh sáng quang hợp: Là trị số ánh sáng giúp quang hợp và hô hấp bằng nhau. Cây ưa bóng có điểm bù ánh sáng thấp hơn cây ưa sáng

- Giải thích: Cây ưa bóng có lục lạp to, nhiều hạt diệp lục hơn cây ưa sáng nên hấp thu ánh sáng tích cực, hiệu quả có điểm bù ánh sáng thấp, thích nghi với cường độ chiếu sáng tương đối yếu.

 

b.

- Ánh sáng đỏ và ánh sáng hồng ngoại thể hiện trong sắc tố enzim phytocrom 660 và phytocrom 730. Hai loại phytocrom này chuyến hóa cho nhau kích thích sự ra hoa.

- P660 (ánh sáng đỏ) chiếu bổ sung vào đêm dài sẽ thúc đẩy sự ra hoa của cây ngày dài.

- P730 (ánh sáng hồng ngoại) chiếu bổ sung vào đêm dài sẽ thúc đẩy sự ra hoa của cây ngày ngắn,

- Nếu chiếu bổ sung xen kẽ hai loại ánh sáng này thì tác dụng của lần chiếu cuối cùng là có ý nghĩa và tác dụng quan trọng nhất

8

- Châu chấu chết trước là châu chấu ở bình A.

- Giải thích:

+ Châu chấu hô hấp bằng ống khí, ống khí thông với bên ngoài qua 10 đôi lỗ khí nằm ở phần bụng.

+ Ở bình A các lỗ khí của châu chấu nằm trong môi trường nước không thông khí được nên nó sẽ bị ngạt và chết trước.

9

a.

- Hb gắn lỏng lẻo và dễ phân li O2 nên dễ dàng nhường O2 cho tế bào.

- Miôglôbin gắn chặt hơn với O2 nên khó khăn trong việc nhường O2 cho các tế bào, việc cung cấp O2 cho tế bào giảm, tế bào dễ thiếu O2.

b. Tại vì:

- Mất mồ hôi sẽ làm tăng áp suất thẩm thấu của máu và giảm huyết áp, vùng dưới đồi tăng sản xuất ADH và tuyến yên tăng giải phóng ADH vào máu.

- ADH làm tăng tính thấm màng tế bào, tăng tái hấp thu nước ở ống thận trả về máu làm giảm áp suất thẩm thấu ở máu.

10

a.

- Khi một người uống nhiều rượu thì tế bào của gan và bộ máy gôngi của tế bào gan phải hoạt động mạnh vì:

+ Gan có vai trò là cơ quan khử độc cho cơ thể,

+ Bộ máy gôngi có chức năng tạo ra các túi tiết để bài xuất các chất độc ra khởi tế bào => cơ quan bài tiết.

b.

Dây thần kinh đối giao cảm sự dẫn truyền xung thần kinh sẽ nhanh hơn. Vì: Tốc độ dẫn truyền xung thần kinh trên sợi trục thần kinh phụ thuộc vào kích thước sợi trục thần kinh và có hay không có bao mielin.

Dây thần kinh giao cảm có nơron trước hạch ngắn, sợi trục có bao mielin còn nơron sau hạch dài, sợi trục không có bao mielin. Dây thần kinh đối giao cảm có nơron trước hạch dài, sợi trục có bao mielin còn nơron sau hạch ngắn, sợi trục không có bao mielin nên dây đối giao cảm sự dẫn truyền xung sẽ nhanh hơn.

{Còn tiếp}

5. ĐỀ 5

Câu I:

     1) Người ta nuôi một tế bào vi khuẩn E.coli trong môi trường chứa N14 ( lần thứ 1). Sau một thế hệ  người ta chuyển sang môi trường nuôi cấy có chứa N15 ( lần thứ 2) để cho mỗi tế bào nhân đôi 2 lần. Sau đó lại chuyển các tế bào đã được tạo ra sang nuôi cấy trong môi trường có N14 ( lần thứ 3) để chúng nhân đôi 1 lần nữa.

a. Hãy tính số phân tử ADN chỉ chứa N14 ; chỉ chứa N15 và chứa cả N14 và N15 ở lần thứ 3.

b. Thí nghiệm này chứng minh điều gì?

     2) Phân biệt gen cấu trúc và gen điều hoà?

     3) Trong tự nhiên dạng đột biến gen nào là phổ biến nhất? Vì sao?

     4) Nêu những đặc điểm khác nhau cơ bản trong nhân đôi ADN ở sinh vật nhân sơ và sinh vật nhân thực.

Câu II:

     Một loài thực vật giao phấn có alen A quy định hạt tròn là trội hoàn toàn so với alen a qui định hạt dài; alen B qui định hạt đỏ là trội hoàn toàn so với alen b qui định hạt trắng. Hai cặp gen A, a và B, b phân li độc lập. Khi thu hoạch ở một quần thể cân bằng di truyền, người ta thu được 475 hạt tròn, trắng; 6075 hạt dài, đỏ; 1425 hạt tròn, đỏ;  2025 hạt dài, trắng.

     1) Hãy xác định tần số các alen (A, a; B, b) và tần số các kiểu gen của quần thể nêu trên.

     2) Nếu vụ sau mang tất cả các hạt có kiểu hình dài, đỏ ra trồng thì tỉ lệ kiểu hình hạt khi thu hoạch sẽ như thế nào?

Câu III:

     1) Những trường hợp nào gen không tạo thành cặp alen?

     2) Trong quá trình phát triển phôi sớm ở ruồi giấm đực có bộ nhiễm sắc thể được ký hiệu AaBbDdXY, ở lần phân bào thứ 6 người ta thấy ở một số tế bào cặp Dd không phân ly. Cho rằng phôi đó phát triển thành thể đột biến, thì nó có bao nhiêu dòng tế bào khác nhau về số lượng nhiễm sắc thể? Hãy viết ký hiệu  bộ NST của các dòng tế bào đó.

     3) Ở một loài thú, có một tính trạng biểu hiện ở cả 2 giới tính. Tính trạng đó có thể được di truyền theo  những quy luật nào? ( không cần phân tích và nêu ví dụ).

Câu IV:

     Ở Ruồi giấm, alen A quy định thân xám trội hoàn toàn so với alen a quy định thân đen; alen B quy định cánh dài trội hoàn toàn so với alen b quy định cánh cụt; hai cặp gen cùng nằm trên một cặp NST thường. Alen D quy định mắt đỏ trội hoàn toàn so với alen d quy định mắt trắng, gen quy định tính trạng màu mắt nằm trên NST giới tính X (không có alen trên Y). Cho giao phối giữa ruồi  thân xám, cánh dài, mắt đỏ với ruồi thân đen, cánh cụt, mắt trắng thu được F1 100%  ruồi thân xám, cánh dài, mắt đỏ. Cho F1 giao phối với nhau ở F2 thấy xuất hiện 48,75% ruồi giấm thân xám, cánh dài, mắt đỏ. Theo lý thuyết, hãy xác định:

     1) Tần số hoán vị gen ở ở ruồi cái F1 .

     2) Tính tỉ lệ các kiểu hình còn lại ở F2 .

Câu V:

     1) Nêu cơ chế tác dụng của enzim giới hạn. Để tạo được 1 ADN tái tổ hợp thì cần sử dụng mấy loại enzim giới hạn? Vì sao? Nêu các tiêu chuẩn cần có của một thể truyền.

     2) Trình bày 2 quy trình khác nhau để tạo ra thể song nhị bội ở thực vật.                       

Câu VI:

     1) So sánh hai tinh bào bậc II ở một động vật lưỡng bội, trong trường hợp giảm phân bình thường.

     2) Cho ngựa đen thuần chủng giao phối với ngựa trắng thuần chủng đồng hợp lặn, F1 đều lông đen. Cho F1 lai phân tích thu được Fa có tỉ lệ 2 trắng : 1 đen : 1 xám. Khi cho F1 giao phối với ngựa xám thu được đời con có tỉ lệ 3 đen : 3 xám : 2 trắng. Hãy giải thích kết quả trên.

ĐÁP ÁN

CÂU

NỘI DUNG

Câu I

1) Người ta nuôi một tế bào vi khuẩn E.coli trong môi trường chứa N14 ( lần thứ 1). Sau một thế hệ người ta chuyển sang môi trường nuôi cấy có chứa N15( lần thứ 2) để cho mỗi tế bào nhân đôi 2 lần. Sau đó lại chuyển các tế bào đã được tạo ra sang nuôi cấy trong môi trường có N14 ( lần thứ 3) để chúng nhân đôi 1 lần nữa.

    a.  Hãy Tính số phân tử ADN chỉ chứa N14 ; chỉ chứa N15 chứa cả N14  và  N15 ở lần thứ 3.

    b. Thí nghiệm này chứng minh điều gì?

2)  Phân biệt gen cấu trúc và gen điều hoà?

3) Trong tự nhiên, dạng đột biến gen nào là phổ biến nhất? Vì sao?

4)  Nêu những đặc điểm khác nhau cơ bản trong nhân đôi ADN ở sinh vật nhân sơ và sinh vật nhân thực.

1

1) Người ta nuôi một tế bào vi khuẩn E.coli trong môi trường chứa N14 ( lần thứ 1) Sau một thế hệ người ta chuyển sang môi trường nuôi cấy có chứa N15 ( lần thứ 2) để cho mỗi tế bào nhân đôi 2 lần. Sau đó lại chuyển các tế bào đã được tạo ra sang nuôi cấy trong môi trường có N14 ( lần thứ 3) để chúng nhân đôi 1 lần nữa.

a

- 4 phân tử chỉ chứa N14 ;   không có phân tử chỉ chứa N15 :……........................

  - 12  phân tử chứa cả N14  và N15 ………………………………………………….

b

  - Chứng minh ADN nhân đôi theo nguyên tắc bán bảo tồn…………………………….

2

Phân biệt gen cấu trúc và gen điều hoà?

 

  - Gen điều hoà mã hóa cho các loại protein là các yếu tố điều hoà biểu hiện của các gen

    khác trong hệ gen……………………………………………………………………………..

  - Gen cấu trúc mã hoá cho các chuỗi polypeptit tham gia thành phần cấu trúc hay chức năng của tế bào (cấu trúc, bảo vệ, hoocmôn, xúc tác…)…………………………………..

3

Trong tự nhiên, dạng đột biến gen nào là phổ biến nhất? Vì sao?

 

- Đột biến gen phổ biến nhất là thay thế 1 cặp nucleotit. …………………………………..

- Vì:     + Cơ chế phát sinh đột biến tự phát dạng thay thế 1 cặp nucleotit dễ xảy ra hơn ngay cả khi không có tác nhân đột biến (do các nucleotit trong tế bào có thể hỗ biến thành dạng hiếm).

            + Trong phần lớn trường hợp, đột biến thay thế cặp nucleotit là các đột biến trung tính, (do chỉ ảnh hưởng đến một bộ ba duy nhất trên gen) => dạng đột biến gen này dễ tồn tại phổ biến ở nhiều loài.

4

            Nêu những đặc điểm khác nhau cơ bản trong nhân đôi ADN ở sinh vật nhân sơ và sinh vật nhân thực.

 

- Ở sinh vật nhân thực, trên một phân tử ADN (mạch thẳng, kích thước dài) có nhiều đơn vị sao chép. Ở sinh vật nhân sơ, trên phân tử ADN mạch vòng, kích thước nhỏ chỉ có một đơn vị sao chép.  ………………………………………………………………………………………………………………………………

- Các tế bào sinh vật nhân thực có nhiều loại enzim và protein khác nhau tham gia thực hiện quá trình tái bản ADN hơn so với sinh vật nhân sơ………………………………………

- Tốc độ sao chép của sinh vật nhân sơ nhanh hơn sinh vật nhân thưc…………………………

- ADN dạng mạch vòng của nhân sơ không ngắn lại sau mỗi chu kỳ sao chép, trong khi hệ gen của sinh vật nhân thực ở dạng mạch thẳng ngắn lại sau mỗi chu kỳ sao chép.  ……..

Câu II

Một loài thực vật giao phấn có alen A quy định hạt tròn là trội hoàn toàn so với alen a qui định hạt dài; alen B qui định hạt đỏ là trội hoàn toàn so với alen b qui định hạt trắng. Hai cặp gen A, a và B, b phân li độc lập. Khi thu hoạch ở một quần thể cân bằng di truyền, người ta thụ được 475 hạt tròn, trắng; 6075 hạt dài, đỏ; 1425 hạt tròn, đỏ;  2025 hạt dài, trắng.

            1) Hãy xác định tần số các alen (A, a; B, b) và tần số các kiểu gen của quần thể nêu trên.

            2) Nếu vụ sau mang tất cả các hạt có kiểu hình dài đỏ ra trồng thì tỉ lệ kiểu hình hạt mong đợi khi thu hoạch sẽ như thế nào? Giải thích.

1

 Xét từng tính trạng  trong quần thể:

- Dạng hạt: 19% hạt tròn : 81% hạt dài → tần số alen a = 0,9; A = 0,1 → cấu trúc di truyền gen qui định hình dạng hạt là: 0,01AA : 0,18Aa : 0,81aa………………………………………

- Màu hạt: 75% hạt đỏ : 25% hạt trắng → tần số alen b = 0,5; B = 0,5. → cấu trúc di truyền  gen qui đinh màu hạt là:  0,25BB :  0,5Bb: 0,25bb……………………………………………..

- Tần số các KG của quần thể : (0,01AA : 0,18Aa : 0,81aa)x(0,25BB :  0,5Bb: 0,25bb) =

   0,0025 AABB : 0,005 AABb : 0,0025Aabb : 0,045 AaBB: 0,09AaBb : 0,045Aabb :    

0,2025aaBB :   0,405aaBb : 0,2025 aabb.

2

 Các hạt dài,đỏ có tần số kiểu gen là: 1aaBB: 2aaBb.

- Nếu đem các hạt này ra trồng sẽ có tỉ lệ phân li kiểu hình tính (theo lí thuyết) thu được ở vụ sau là:  8 hạt dài đỏ(aaB-): 1 dài trắng (aabb)………………………………………………….

{-- Nội dung đáp án câu 3 đề số 5 các em vui lòng xem ở phần xem online hoặc tải về --}

Câu IV

            Ở Ruồi giấm, alen A quy định thân xám trội hoàn toàn so với alen a quy định thân đen; alen B quy định cánh dài trội hoàn toàn so với alen b quy định cánh cụt; hai cặp gen cùng nằm trên một cặp NST thường. Alen D quy định mắt đỏ trội hoàn toàn so với alen d quy định mắt trắng, gen quy định tính trạng màu mắt nằm trên NST giới tính X ( không có alen trên Y). Cho giao phối giữa ruồi  thân xám, cánh dài, mắt đỏ với ruồi thân đen, cánh cụt, mắt trắng thu được F1 100%  ruồi thân xám, cánh dài, mắt đỏ. Cho F1 giao phối với nhau ở F2 thấy xuất hiện 48,75% ruồi giấm thân xám, cánh dài, mắt đỏ. Tính theo lý thuyết, hãy xác định.

            1) Tần số hoán vị gen ở ở ruồi cái F1 .

            2) Tính tỉ lệ các kiểu hình còn lại ở F2 .

1

- Từ Pà F1 có KG   và 

- F1 x F1 à F2 (Xám, dài, đỏ)  = .

Vậy   f =  100% - (30% x 2) = 40%......................................................................................

2

- Xám, dài, trắng = 16,25%........................................................................................................

- Xám, ngắn, đỏ = 7,5%............................................................................................................

- Xám, ngắn, trắng = 2,5%........................................................................................................

- Đen, dài, đỏ =  7,5%..............................................................................................................

- Đen, dài, trắng = 2,5%.............................................................................................................

- Đen, ngắn,đỏ = 11,25% ; Đen, ngắn, trắng = 3,75%.  ........................................................

Câu V

            1) Nêu cơ chế tác dụng của enzim giới hạn. Để tạo được 1 ADN tái tổ hợp thì cần sử dụng mấy loại enzim giới hạn? vì sao? Nêu các tiêu chuẩn cần có của một thể truyền.

            2) Trình bày 2 quy trình khác nhau cùng tạo ra thể song nhị bội ở thực vật.

1

* Cơ chế tác dụng của enzim giới hạn:

    - Nhận biết một đoạn trình tự nu xác định…………………………………………

    - Cắt 2 mạch đơn của phân tử ADN ở vị trí nucleotit xác định, tạo nên các đầu dính.

 * Để tạo được 1 ADN tái tổ hợp thì cần sử dụng một loại enzim giới hạn (restrictaza).

    Vì: Việc cắt ADN của tế bào cho và cắt thể truyền do cùng một loại enzim giới hạn thì mới tạo ra các đầu dính phù hợp với nguyên tắc bổ sung.

* Các tiêu chuẩn cần có của một thể truyền:

    - Tồn tại độc lập và có khả năng tự nhân đôi độc lập với NST …………………………

    - Có các dấu chuẩn hoặc các gen đánh dấu.

    - Có trình tự khởi đầu sao chép, promoter có ái lực cao với enzim phiên mã

    - Có trình tự nhận biết, đảm bảo sự di truyền bền vững của AND tái tổ hợp

2

* Lai xa kết hợp với đa bội hóa : ………………………………………………………

  - Cho lai giữa 2 loài lưỡng bội, tạo ra hợp tử lai F1 (có bộ NST gồm 2 bộ đơn bội của 2 loài).

  - Gây đột biến đa bội hợp tử lai F1 tạo ra thể song nhị bội.

* Dung hợp tế bào trần :

  - Loại bỏ thành xenlulôzơ của tế bào sinh dưỡng bằng enzim hoặc vi phẫu để tạo ra tế bào trần, sau đó nuôi các tế bào trần khác loài trong cùng môi trường nuôi để tạo ra các tế bào lai.

  - Dùng hooc môn kích thích các tế bào này thành cây lai………………….           ………

Câu VI

            1) So sánh hai tinh bào bậc II ở một động vật lưỡng bội, trong trường hợp giảm phân bình thường.

            2) Cho ngựa đen thuần chủng giao phối với ngựa trắng thuần chủng đồng hợp lặn, F1 đều lông đen. Cho F1 lai phân tích thu được Fa có tỉ lệ 2 trắng : 1 đen : 1 xám. Khi cho F1 giao phối với ngựa xám thu được đời con có tỉ lệ 3 đen : 3 xám : 2 trắng. Hãy giải thích kết quả trên.

1

- Giốngnhau:   + Cả hai tinh bào đều mang bộ NST kép đơn bội ……………………..

                        + Lượng tế bào chất tương đương nhau… …………………………

- Khác nhau:    + Mang tổ hợp n NST kép khác nhau về nguồn gốc………………………..

                        +  Một số NST có sự thay đổi về tổ hợp gen do trao đổi chéo………………

2

- Cho F1 lai phân tích, Fa có tỉ lệ: 2 trắng : 1đen : 1xám (Fa có 4 kiểu tổ hợp) à  F1dị hợp 2 cặp gen (AaBb) có KH lông đen à Tính trạng màu lông di truyền theo quy luật tương tác gen…

- Fa có 3 KH è có thể tương tác theo một trong 3 kiểu: 12:3:1 hoặc 9:6:1 hoặc 9:3:4. ……….

- KH lông trắng chiếm 2/4, trong đó có kiểu gen aabb è tương tác gen át chế do gen lặn.

- Quy ước:  A-B- lông đen (do tương tác bổ sung giữa các gen trội không alen)………….

               B lông xám; bb át chế cho KH lông trắng, aa không át

 Từ đó ta có: Ngựa trắng Pt/c có KG  aabb, ngựa đen thuần chủng ở P có KG là AABB

- PT/C’ : AABB (lông đen)  x  aabb (lông trắng)  à F1 100% AaBb (lông đen)………

- Cho F1 lai phân tích:              F1: AaBb (lông đen)  x  aabb (lông trắng)

           Fa :       1AaBb (đen) : 1aaBb (xám) : 1Aabb (trắng) : 1aabb (trắng)  ……………………..

- Cho F1 giao phối với ngựa xám thu được đời con tỉ lệ 8 tổ hợp, mà F1 có 4 loại giao tử è ngựa xám đem lai với F1 cho 2 loại giao tử => có KG  aaBb………………………………………..

-   F1:                        AaBb (lông đen)  x aaBb (lông xám).

    F2: 3A-B- (đen) : 3aaB- (xám) : 1Aabb (trắng): 1aabb (trắng)  =  3 đen : 3 xám : 2 trắng            

 

Trên đây là trích dẫn một phần nội dung tài liệu Bộ 5 đề thi HSG môn Sinh học 12 năm 2021 - Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm có đáp án. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Ngoài ra, các em còn có thể tham khảo các tài liệu cùng chuyên mục:

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập!

ADMICRO
NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
OFF