OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Tự đánh giá: Bố của Xi-mông - Ngữ văn 7 Tập 1 Cánh Diều


Văn bản Bố của Xi-mông kể về câu chuyện đáng thương của cậu bé Xi-mông không có bố, lớn lên trong sự bảo bọc của mẹ, đi học bị bạn bè chế giễu. Nhờ cuộc gặp gỡ tình cờ, bác Phi -lip trở thành bố và gieo cho em những hi vọng mới về tương lai. Thông qua bài học Tự đánh giá: Bố của Xi-mông thuộc sách Cánh Diều dưới đây sẽ giúp các em hiểu hơn về nội dung tác phẩm đồng thời kiểm tra lại mức độ nắm vững kiến thức trong Bài 1: Truyện ngắn và tiểu thuyết. Để từ đó có những kế hoạch học tập hiệu quả hơn. Chúc các em học tập vui vẻ!

ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 
 
 

Tóm tắt bài

1.1. Tự đánh giá - Bố của Xi-mông

Đọc văn bản “Bố của Xi-mông” (trang 38-40 SGK Ngữ văn 7 Tập 1 Cánh Diều) và thực hiện các yêu cầu bên dưới: 

Ghi vào vở chữ cái đứng trước phương án trả lời đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 8): 

Câu 1. Truyện “Bố của Xi-mông” có sự kết hợp phương thức tự sự với phương thức nào? 

A. Biểu cảm

B. Nghị luận 

C. Thuyết minh

D. Miêu tả 

Chọn đáp án: A

Câu 2. Người kể trong văn bản “Bố của Xi-mông” là ai? 

A. Bác công nhân Phi-líp

B. Chị Blăng-sốt 

C. Xi-mông

D. Người kể vắng mặt 

Chọn đáp án: D

Câu 3. Xi-mông ở trong trạng thái nào khi đuổi bắt con nhái? 

A. Đau khổ đến muốn chết

B. Rất buồn ngủ và mệt mỏi 

C. Vừa đau buồn lại chợt vui 

D. Rất vui thích đuổi bắt con nhái 

Chọn đáp án: C

Câu 4. Phương án nào dưới đây thể hiện đầy đủ nhất tâm trạng của Xi-mông khi em thổ lộ với bác công nhân Phi-líp mong muốn có một ông bố?

A. Vừa đau khổ, vừa khát khao, hi vọng 

B. Tuyệt vọng vì không có bố

C. Đau khổ vì bị chế giễu, bắt nạt 

D. Hi vọng bác Phi-líp nhận lời 

Chọn đáp án: A

Câu 5. Phương án nào nêu nhận xét đúng về sự xuất hiện của “ông bố” Phi-líp trong cuộc đời Xi-mông?

A. Là kết quả của phép mầu kì diệu 

B. Bất ngờ nhưng hợp lí và cảm động 

C. Đã được dự báo từ trước 

D. Là tự nhiên, do bác Phi-líp có ý từ lâu

Chọn đáp án: B

Câu 6. Theo em, nguyên nhân chính dẫn đến việc lũ trẻ trêu chọc, hành hạ bé Xi-mông là gì? 

A. Vì muốn tạo trò vui

B. Vì thói vô cảm, độc ác 

C. Vì định kiến của người lớn 

D. Vì thiếu sự hiểu biết, cảm thông 

Chọn đáp án: D

Câu 7. Vì sao bác Phi-líp nhận lời làm bố của Xi-mông?

A. Vì lời đề nghị của Xi-mông quá bất ngờ 

B. Vì hoàn cảnh gia đình của người thiếu phụ Blăng-sốt

C. Vì cảm thông và muốn giúp đỡ mẹ con Xi-mông 

D. Vì bác khoẻ mạnh và thường hay giúp đỡ người khác 

Chọn đáp án: C

Câu 8. Lời nhắn gửi chung nhất của câu chuyện này là gì?

A. Không nên trêu chọc, giễu cợt Xi-mông 

B. Hãy cảm thông, chia sẻ với mẹ con Xi-mông 

C. Hãy đối xử nhân hậu với những người thiệt thòi, đau khổ

D. Mong Xi-mông được hạnh phúc và có một ông bố 

Chọn đáp án: C

Câu 9. Ý nghĩa của yếu tố “nhân” trong hai từ in đậm ở câu sau có giống nhau không? Em hãy giải thích vì sao?

“Một bác công nhân cao lớn, râu tóc đen, quăn, đang nhìn em với vẻ nhân hậu.” 

Hướng dẫn giải:

Dựa vào kiến thức từ đồng âm, từ nhiều nghĩa và từ mượn để trả lời.

Lời giải chi tiết:

Nghĩa của yếu tố nhân trong từ công nhân và nhân hậu là khác nhau bởi nhân trong công nhân có nghĩa là người, chỉ người làm công ăn lương; còn nhân trong nhân hậu chỉ tính cách của con người là giàu lòng thương người, muốn đem lại điều tốt lành cho người khác.

Câu 10. Viết một đoạn văn (khoảng 6-8 dòng) trình bày suy nghĩ của em trước sự việc Xi-mông đột ngột đề nghị bác Phi-líp làm bố của mình.

Hướng dẫn giải:

Liên hệ suy nghĩ, cảm nhận của em.

Lời giải chi tiết:

Trong truyện Bố của Xi-mông có một chi tiết là Xi-mông đột ngột đề nghị bác Phi-lip làm bố của mình: -“Bác có muốn làm bố cháu không?”. Một câu hỏi đột ngột ngây thơ không có chủ định của Xi-mông khiến cho tất cả những người có mặt sững người. Mẹ của Xi-mông mặt đỏ bừng và tê tái đến tận xương tủy, bác Phi-lip xúc động đứng đó không biết phải bỏ đi thế nào cho phải. Tận sâu trong lòng Xi-mông chỉ mong muốn có một người bố, thèm khát được có bố, dù chỉ một lần như bao bạn bè cùng trang lứa để không bị chê cười, bị bắt nạt. Câu nói đơn giản của đứa trẻ hồn nhiên vô tư nhưng lại khiến cho người đọc ngậm ngùi chua xót. Cậu bé tội nghiệp của chúng ta, Xi- mông thật đáng thương biết bao, xã hội rất thiếu công bằng thiếu tình thương khi cho Xi-mông một cuộc sốn đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Khi được chú Phi-lip đáp trả “Có chứ, chú có muốn”, trong giây phút ấy tâm hồn của cậu bé Xi-mông bất hạnh đã tràn ngập hạnh phúc, em cảm thấy được tình cảm ấm áp của một người cha, sự tự hào của việc có bố. Ngày hôm sau, Xi-mông dẫn tay chú Phi-lip tới trường và em tự hào nói với đám bạn hay chọc ghẹo, đuổi đánh em rằng “Đây là bố tao, bố tao tên là Phi-lip”. Một câu nói chứa đựng sự tự hào hãnh diện của một cậu bé luôn khao khát tình thương của một người cha. Thông qua truyện ngắn cho chúng ta thấy một chân lý có bố là điều vô cùng hạnh phúc. Một gia đình thì nên có đầy đủ cả cha lẫn mẹ có như vậy trẻ con mới được trưởng thành một cách vững chắc, hạnh phúc trọn vẹn.

1.2. Hướng dẫn tự học

- Đọc sách, báo, truy cập Internet, sưu tầm thông tin về các tác giả, tác phẩm đã học; thu thập và lựa chọn các nguồn tư liệu gồm: bài viết, hình ảnh, video,... có nội dung và hình thức phù hợp:

+ Sử dụng các công cụ tìm kiếm trên internet để thu thập thêm những tư liệu về thần thoại, sử thi.

+ Mượn sách từ thư viện của trường hoặc của người thân, bạn bè,...

+ Mua ở các hiệu sách hoặc tìm ở tủ sách gia đình.

- Đọc thêm một số truyện ngắn hiện đại có chủ đề về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lòng nhân ái,...

ADMICRO

Bài tập minh họa

Bài tập: Nêu cảm nghĩ về nhân vật Xi-mông trong truyện ngắn Bố của Xi-mông, SGK Ngữ văn 7 Cánh Diều.

Hướng dẫn giải:

- Đọc lại văn bản truyện ngắn Bố của Xi-mông, SGK Ngữ văn 7 Cánh Diều

- Kết hợp hiểu biết cá nhân, chọn những nội dung tiêu biểu để viết bài:

+ Xi-mông là một đứa trẻ đáng thương: "Nó độ bảy, tám tuổi. Nó hơi xanh xao, rất sạch sẽ, vẻ nhút nhát gần như vụng dại", là đứa trẻ không có bố, thường bị bạn bè trêu chọc

+ Tâm trạng: cảm giác uể oải, buồn bã vô cùng, chẳng nhìn thấy gì và chẳng nghĩ gì?

+ Cử chỉ, hành động: Khóc, nức nở, khóc hoài

+ Về nhà, nhìn thấy mẹ: - Nhảy lên ôm cổ mẹ, oà khóc

+ Khi được bác Phi-líp nhận làm con: Kiêu hãnh, tự tin

+ ...

Lời giải chi tiết:

Truyện ngắn “Bố của Xi-mông” kể về nỗi tủi nhục của một em bé “không có bố” với bao tình yêu thương, chứa chan tinh thần nhân đạo.

Xi-mông là một em bé có hoàn cảnh éo le. Em không có bố, em sinh ra và lớn lên trong sự nuôi dưỡng dạy dỗ của mẹ. Đến khi đi học, ngày đầu tiên đến trường em đã bị bạn bè chế giễu, rằng em không có bố. Em buồn bã, tuyệt vọng, tuy nhiên em là một đứa trẻ không biết cách tìm một người nào đó tâm sự mà lại có ý định ra sông để tìm đến cái chết. Ra bờ sông, em nhìn thấy cảnh đẹp, thấy chú nhái xanh, em liền lăn vào cảnh đẹp và vui chơi, các ý nghĩ ban đầu của em biến mất, như bao đứa trẻ, em không thể từ chối những trò chơi hấp dẫn. Nhưng chợt nhớ ra ý nghĩ ban đầu, em lại buồn bã và khóc, khóc hoài. Trong đầu em bây giờ không thể nghĩ ra cái gì, không thể nào nghĩ ra cách để em có bố. Em chỉ là một cậu bé bảy tuổi, tính cách rất trẻ con, chưa biết suy nghĩ nhiều. Gặp bác Phi- líp, được bác nói rằng: “Người ta sẽ cho cháu một ông bố”, Xi-mông liền vui và theo bác về nhà, vì em nghĩ rằng người ta có thể dễ dàng cho nhau một ông bố, chuyện đó rất đơn giản, về nhà, em khóc lóc với mẹ, rồi quay ra hỏi bác Phi-líp: “Bác có muốn làm bố của cháu không?”. Không thấy bác trả lời, em liền đưa cái chết ra dọa dẫm. Dường như, em vẫn chưa tin bác Phi-líp; muốn khẳng định lại việc bác vừa nói, thể hiện Xi-mông rất trẻ con, chưa hiểu được mọi việc, em rất muốn có bố để có thể hãnh diện cùng bạn bè. Dù vậy, ta vẫn nhận thấy lòng khát khao có bố của Xi- mông, em đã được mẹ chăm sóc, nhưng em vẫn cần sự dũng mành, tự tin, sự che chở của người bố.

Một người đàn ông giàu lòng nhân ái, đã nhận làm bố của Xi-mông, chính là bác Phi-líp. Bác đã gặp Xi-mông trong lúc em đang khóc, bác ân cần hỏi thăm, an ủi em, giúp cho em không buồn bã. Một người đàn ông biết quan tâm đến người khác, rất ân cần điềm đạm, đặc biệt là một người yêu trẻ. Biết hoàn cảnh của mẹ con chị Blăng-sốt, bác không những không từ chối, mà còn nhận làm bố Xi-mông.

Tình cảm của bác dành cho mẹ con chị Blăng-sốt là sự cảm thông trước nỗi hổ thẹn của chị. Bác cảm thấy thương cho Xi-mông, em còn quá nhỏ để đón nhận sự thật rằng em không có bố. Ta cảm nhận trong con người của bác Phi-líp là tấm lòng hào hiệp, hết sức nhân từ. Cảm động trước tình cảm của hai mẹ con bác muốn chia sẻ một phần nỗi đau, nỗi buồn mà hai mẹ con chị Blăng-sốt đã phải nhận. Với tấm lòng nhân ái, thương yêu con người của bác Phi-líp, bác thực sự là một người đàn ông có thể gửi gắm niềm tin.

Người phụ nữ đã sinh ra, nuôi dưỡng, dạy dỗ Xi-mông bao lâu nay là mẹ của em, chị Blăng-sốt. Chỉ vì một lầm lỡ, sinh ra Xi-mông không có bố, chị đã vất vả một mình nuôi nấng Xi-mông. Dành cho con tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ, chị không bao giờ muốn con trai mình phải buồn bã vì bất cứ chuyện gì. Và thực sự, Xi-mông chưa bao giờ buồn và thấy thiếu vắng trong gia đình bóng dáng của người bố. Có thể nói em đã nhận được tình yêu thương vô bờ bến của mẹ, mà không thấy vắng cha. Cho đến khi, con bị bạn bè chế giễu, buồn khóc với mẹ, chị ôm lấy con mà trong lòng đau xót tê tái, chị thấy hổ thẹn, đau đớn tột cùng, mà không thể nói thành tiếng. Nỗi đau chị đã phải chịu đựng hàng bao năm nay, tưởng chừng như có thể quên đi vĩnh viễn.

Nỗi đau khổ càng tăng lên càng cho ta thấy nhân cách của chị là một người phụ nữ đức hạnh, người mẹ rất đỗi yêu con đồng thời là một con người giàu lòng tự trọng. Một mình nuôi dưỡng con mà không có sự giúp đỡ của chồng, chị vẫn làm tốt trong vai trò của cả cha và mẹ. Ngôi nhà mà hai mẹ con chị đang sống là một ngôi nhà nhỏ, quét vôi trắng, hết sức sạch sẽ. Chỉ cần nhìn vẻ ngoài của ngôi nhà, ta vẫn nhận thấy trong gia đình có bàn tay của một người phụ nữ đảm đang, chị đã sắp xếp cho hai mẹ con một cuộc sống ngăn nắp. Tuy gia đình còn khó khăn, còn nghèo, nhưng luôn ấm áp, bởi nó được sưởi ấm bằng chính tình yêu thương của mẹ. Khi con dẫn một người lạ về nhà, lại nhận làm bố, chị cảm thấy hổ thẹn và lòng tự trọng của mình bị tổn thương. Điều này càng chứng tỏ nhân cách trong sáng của một người phụ nữ đức hạnh.

Thông qua truyện ngắn “Bố của Xi-mông”, tác giả muốn gửi đến người đọc một thông điệp: “Con người hãy sống với nhau bằng tình yêu thương, cảm thông chia sẻ, đừng bao giờ sống tàn nhẫn, cười cợt trên nỗi đau của người khác”. Người đọc cũng cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng, bền chặt không bao giờ thay đổi. Đó chính là bài học cho chúng ta hãy sống nhân ái, thương yêu, luôn giúp đỡ mọi người – một bài học triết lí sâu sắc đối với mỗi chúng ta.

ADMICRO

Lời kết

- Học xong bài Bố của Xi-mông, các em cần nắm:

+ Nắm được nội dung văn bản Bố của Xi-mông

+ Hiểu được ý nghĩa của truyện 

+ Vận dụng kiến thức để phân tích đặc điểm truyện ngắn trong một tác phẩm cụ thể

Hỏi đáp bài Tự đánh giá: Bố của Xi-mông Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247

NONE
OFF