OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Cách hiểu về nghĩa bóng của bài Bánh trôi nước

Cách hiểu của em về nghĩa bóng của bài "bánh trôi nước"

  bởi Hương Lan 22/09/2018
ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 

Câu trả lời (1)

  • Đọc bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, ta thấy quả không sai khi người đời mệnh danh bà là Bà chúa thơ Nôm. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, vẻn vẹn hai bốn chữ mà cuộc đời, bóng dáng một con người cứ hiện lên, lung linh, lung linh... Đẹp đẽ, trong sáng và mãnh liệt, phải chăng đó là hiện thân nữ sĩ Hồ Xuân Hương?

     

    Vịnh vật, đa nghĩa, đó là một đặc điểm nổi bật của thơ Hồ Xuân Hương, vì thế tiếp cận Bánh trôi nước, tìm hiểu bài thơ ở tầng nghĩa thứ hai để thấy được ý đồ nhà thơ gửi gắm trong tác phẩm. Từ bánh trôi nước, một món ăn dân giã, truyền thống của người Việt, để thể hiện một nội dung tương đồng, mang nghĩa ẩn dụ- hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến, nhưng lại có tính cá biệt, đủ thấy tài năng của Hồ Xuân Hương đến mức nào!

     

    Bài thơ nôm với hình thức nghệ thuật đặc sắc qua cách thể hiện kết cấu đầu cuối tương ứng đã làm nên vẻ đẹp bài thơ. Mở đầu bài thơ là vẻ đẹp hình thức: Thân em vừa trắng lại vừa tròn, kết thúc bài thơ là vẻ đẹp phẩm giá: Em vẫn giữ tấm lòng son, trọn vẹn và hoàn hảo!

     

    Bài thơ hiểu theo nghĩa ẩn dụ, mượn hình ảnh bánh trôi để nói về hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến, nhưng có phải người phụ nữ nói chung hay mang tính cá biệt?

     

    Một hình tượng nghệ thuật có sức sống khi nó mang tính khái quát, điển hình cho những hình mẫu phổ biến nhất định trong xã hội. Nhưng với bài thơ này lại đặc biệt hơn, bởi nhân vật trữ tình sống trong xã hội này mà lại đang cố vượt ra nơi khác bằng một sức sống tiềm tàng, như thể cái xã hội ấy không trói buộc nổi một tâm hồn với khát khao sống mãnh liệt để gìn giữ, vươn tới cái đẹp. Bản lĩnh ấy, trong xã hội phong kiến với những luật lệ khắt khe, liệu ai có được như thế? Phải chăng điều đó đã làm cho bài thơ trong cổ điển đã thể hiện tính hiện đại, đưa lại giá trị cách tân cho một thời kỳ văn học?

     

    Khám phá bài thơ trong hình thức kết cấu của nó, mở đầu là niềm tự hào khi giới thiệu vẻ đẹp hình thể:

    Thân em vừa trắng lại vừa tròn

    Ca dao, khi nói về người phụ nữ, đã dùng cụm từ thân em rất quen thuộc, vì thế khi tìm hiểu bài thơ, hầu như bạn đọc đều liên tưởng sự vận dụng của Hồ Xuân Hương trong việc sử dụng cụm từ này. Với cách nhìn nhận cụm từ thân em như thế, nên sách giáo khoa đã có bài tập luyện tập: Hãy ghi lại những câu hát than thân đã học ở Bài 4 (kể cả phần Đọc thêm) bắt đầu bằng hai từ “Thân em”. Từ đó, tìm mối liên quan trong cảm xúc giữa bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương với các câu hát than thân thuộc ca dao, dân ca (Sách Ngữ văn 7- tập 1). Điều đó hoàn toàn dễ hiểu khi người tiếp nhận đã coi hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ mang bi kịch thân phận. Qua nghệ thuật ẩn dụ tài tình trong phạm vi một bài thơ tứ tuyệt cô đọng, hàm súc, học sinh hiểu được thân phận chìm nổi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến ( SáchThiết kế dạy học Ngữ văn 7 theo hướng tích hợp- Nhà xuất bản Giáo dục của tác giả Trương Dĩnh ). Hay Hồ Xuân Hương đã thể hiện thái độ vừa trân trọng đối với vẻ xinh đẹp, phẩm chất trong trắng, son sắt, thủy chung, vừa cảm thương cho thân phận chìm nổi, bấp bênh, bị lệ thuộc vào xã hội của người phụ nữa xưa (Sách giáo viên Ngữ văn 7- tập 1).

     

    Ở góc nhìn khác, tiếp nhận, khám phá bài thơ theo hướng vừa mang tính kế thừa: Hồ Xuân Hương đã thể hiện thái độ vừa trân trọng đối với vẻ xinh đẹp, phẩm chất trong trắng, son sắt, thủy chung, đồng thời đưa ra một cách lí giải mới, đó là hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ không mang tính bi kịch, mà tác giả lấy bi kịch để minh chứng cho sức sống tiềm tàng của người phụ nữ trong việc bảo vệ phẩm giá. Trong ca dao, dù thân em chịu như trái bần trôi hay được như tấm lụa đào đi chăng nữa thì cũng là biết tấp vào đâu hay biết vào tay ai, luôn nằm trong sự định đoạt số phận, không làm chủ nổi bản thân. Còn thân em trong bài thơ Bánh trôi nước có chấp nhận một bề hay đang vùng vẫy?

     

    Với cách hiểu cụm từ thân em theo kiểu than thân như ca dao, coi vấn đề đặt ra trong tác phẩm mang tính bi kịch, thì như thế bài thơ đã được tìm hiểu theo mạch tự sự bởi người tiếp nhận đã theo trật tự thứ tự các câu thơ bằng cách giới thiệu vẻ đẹp hình thức, nói đến bi kịch cuộc đời, và tiếp đến là vẻ đẹp phẩm giá của em như một sự liệt kê. Chỉ bốn câu thơ thôi mà xem ra sắp xếp “lộn xộn”, không rành mạch theo chủ đề, cách biểu ý thiếu tính liên kết? Như thế bài thơ đâu còn vẻ đẹp hình thức, đâu còn cá tính sáng tạo của Hồ Xuân Hương! Vì thế, theo hướng tiếp nhận mới, tìm hiểu bài thơ theo mạch cảm xúc trữ tình trong hình thức kết cấu đầu cuối tương ứng để thấy em đang trong niềm tự hào về vẻ đẹp trọn vẹn, một vẻ đẹp hình thức được tạo hóa ban tặng đầy tính khách quan và một vẻ đẹp tâm hồn đầy ý thức chủ quan trong sự đấu tranh bảo vệ phẩm giá của mình.

    Một sự “khoe mình” đấy chứ! Tính từ miêu tả đầy gợi cảm “trắng”, “tròn” cùng cách điệp phó từ vừa, vế sau sử dụng hai phó từ liên tiếp “lại”, “vừa” tạo nên nốt nhấn để khẳng định vẻ đẹp bất biến về ngoại hình của em. Bài thơ có đề cập đến bi kịch trong sự gian nan vất vả, lận đận và sự trói buộc, định đoạt của chế độ nam quyền lộng hành:

     

    Bảy nổi ba chìm với nước non

    Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

    Đó chỉ là cái cớ để em bộc lộ thái độ sống một cách rõ ràng nhất. Dù chịu bi kịch, nhưng em đã quẫy đạp để thoát vượt ra ngoài bằng nghị lực bản thân cốt sao giữ tấm lòng son. Như thế bi kịch đối với em đã trở nên vô nghĩa. Chuỗi quan hệ từ “mặc dầu”, “mà”, “vẫn” liên tiếp, em hiển hiện một cách cứng cỏi, rắn rỏi, quyết đoán đến thế, xem ra tương phản với vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại, thuần khiết của em? Trong xã hội ấy, nếu không mạnh mẽ, quyết liệt thì đâu bảo vệ được phẩm giá của mình. Chính sự cứng cỏi ấy đã làm nên vẻ đẹp tâm hồn của em. Bài thơ khép lại nhưng vẻ đẹp trắng trong, son sắt mãi mãi lan tỏa giữa cuộc đời để mỗi khi soi mình, ai cũng khao khát vươn tới.

     

    Qua cách sử dụng hình thức kết cấu đầu cuối tương ứng cùng chuỗi quan hệ từ, đến đây, người đọc cảm nhận được bi kịch đang bị chìm xuống trước một bản lĩnh sống phi thường, quyết liệt và có phần liều lĩnh để tấm lòng son đọng mãi vào thời gian trong niềm kiêu hãnh! Phải chăng cá tính mạnh mẽ của em mới đủ sức chống chọi với cay nghiệt cuộc đời? Cái nghiệt ngã đó, người phụ nữ trong xã hội phong kiến cam chịu, còn em thì không, dám đối mặt, dám thách thức để thoát ra khỏi sự định đoạt của số phận. Vậy thân em, chẳng phải là chủ thể, là cái tôi trữ tình, một bản ngã sống cá nhân đang trỗi dậy mãnh liệt hay sao? Một cái tôi khác xa cái cái ta được nói đến trong văn học đương thời. Như thế, cách lí giải cụm từ thân em không còn mang nét nghĩa trong ca dao, mà đó là chủ thể trữ tình, cái tôi cá nhân tác giả, điều hiếm thấy trong thơ trung đại. Vì thế, vấn đề chính đặt ra trong bài thơ là ngợi ca vẻ đẹp người phụ nữ trong xã hội phong kiến với sức sống mạnh mẽ như để thoát ra mọi sự ràng buộc hiện tại. Sao em “vùng vẫy” đến thế? Phải chăng là sự phản ứng quyết liệt với một xã hội bất công, ngang trái Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn mà em là hiện thân của bi kịch?

    Với Hồ Xuân Hương, một cá tính mạnh mẽ, cái tôi không phải ẩn dấu, duy nhất mà có khi tự xưng, rất rõ trong Mời trầu:

     

    Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,

    Này của Xuân Hương mới quệt rồi.

    Một người con gái mảnh mai, đứng trước xã hội quyền lực phong kiến ngự trị, trong một bài thơ của mình đã dùng quạt để Mát mặt anh hùng khi tắt gió/ Che đầu quân tử lúc sa mưa. Dám nhấn cả các đấng mày râu rạp xuống dưới câu thơ: Chành ra ba góc da còn thiếu ấy thì sao phải ẩn mình?

     

    Bài thơ bốn câu, hai câu nói về vẻ đẹp, hai câu nói đến bi kịch, nhìn qua có vẻ cân đối trong biểu đạt nội dung, nhưng bi kịch đã chìm lặn xuống để cho vẻ đẹp ngời lên, tỏa sáng . Nằm trong đặc điểm chung của thơ Hồ Xuân Hương, nhìn nhận một cách khách quan hình thức thể hiện tác phẩm, ta có thể khẳng định trong bài thơ Bánh trôi nước, thân em không phải cụm từ chỉ thân phận, mà đó là sự tự hào về những người phụ nữ kiên trung, dám thách thức ngoại cảnh để giữ lấy vẻ đẹp chính mình. Phải chăng bóng dáng Hồ Xuân Hương hiện lên trong bài thơ rất rõ nét?

     

    Nét độc đáo trong nghệ thuật bài thơ qua cách sử dụng hình thức kết cấu đầu cuối tương ứng và chuỗi quan hệ từ liên tiếp đã khắc họa rõ nét hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến mang vẻ đẹp trọn vẹn, một vẻ đẹp vượt ra ngoài giới hạn, luật lệ của nó để sống bằng ý thức cá nhân, bằng bản ngã của mình!

     

    Mượn thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật cổ điển, nghiêm trang, khuôn phép để bộc lộ một thái độ sống mạnh mẽ, một sự bứt phá dữ dội đầy tính hiện đại cũng đủ thấy khát khao sống mãnh liệt, dâng hiến tận cùng cái đẹp cho cuộc đời mà không một rào cản nào ngăn nổi. Đó chính là vẻ đẹp tâm hồn Hồ Xuân Hương luôn mang hơi thở mới cho cuộc đời. Người đời luôn trân trọng và ngưỡng mộ khi mà Hồ Xuân Hương, trong rất nhiều bài thơ của mình, đã bắc được nhịp cầu nối hai thời đại thi ca!

      bởi Nguyễn Yến 22/09/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
 

Các câu hỏi mới

NONE
OFF