OPTADS360
AANETWORK
LAVA
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

GDKT & PL 10 Kết Nối Tri Thức Bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước


HỌC247 xin mời các em học sinh cùng tham khảo bài giảng Bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước thuộc bộ sách Kết Nối Tri Thức dưới đây bao gồm các kiến thức nguyên tắc tổ chức và hoạt động, phân tích các đặc điểm của bộ máy nhà nước ta. Chúc các em có những bài học bổ ích!

ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 
 
 

Tóm tắt lý thuyết

  Bộ máy nhà nước là hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương, được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Câu hỏi: Em hãy kể tên các cơ quan trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chia sẻ hiểu biết của mình về một trong các cơ quan đó.

Trả lời:

- Bộ máy Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm: Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Tòa án, Viện kiểm sát, chính quyền địa phương.

- Chia sẻ hiểu biết về Quốc hội:

+ Là cơ quan quyền lực cao nhất, do nhân dân bầu ra.

+ Quốc hội có chức năng: lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước…

+ Quốc hội tổ chức các kì họp công khai, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Trong trường hợp cần thiết. Quốc hội quyết định họp kín.

1.1. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

a) Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin trang 123, 124 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi: 

1/ Theo em, Đảng lãnh đạo bộ máy nhà nước trên những phương diện nào? Hãy nêu ví dụ minh hoạ.

2/ Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước được thể hiện như thế nào trong thông tin 2?

Trả lời: 

Yêu cầu số 1:

- Đảng lãnh đạo bộ máy nhà nước trên các phương diện:

+ Đảng đề ra đường lối, chủ trương, phương hướng lớn cho Nhà nước

+ Đảng chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của Nhà nước;

+ Đảng đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, giới thiệu nhân sự vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước....

- Ví dụ: Đảng đề ra đường lối. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (1-202) đã chỉ rõ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 như sau:

+ Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỉ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

+ Về xã hội: Đến năm 2025, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỉ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 4%; tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5% hằng năm; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tuổi thọ trung bình đạt khoảng 74,5 tuổi; tỉ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

+ Về môi trường: Đến năm 2025, tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100%, nông thôn là 93 - 95%; tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỉ lệ che phủ rừng ổn định 42%.

Yêu cầu số 2: Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng thể hiện trong thông tin 2:

+ Ban Chấp hành Trung ương đề xuất, giới thiệu nhân sự đảm nhiệm chức danh lãnh đạo Nhà nước thể hiện việc Đảng lãnh đạo trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trên phương diện công tác cán bộ.

+ Đảng giới thiệu Đảng viên có đủ năng lực, phẩm chất vào các cương vị chủ chốt của bộ máy nhà nước để nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền bầu, bổ nhiệm.

  Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là một nguyên tắc hiến định trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước được thể hiện qua các phương diện như: Đảng đề ra đường lối, chủ trương, phương hướng lớn cho Nhà nước; Đảng chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của Nhà nước; Đảng đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, giới thiệu nhân sự vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước,...

b) Nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin trang 124 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi: 

1/ Em hãy cho biết, các luật, nghị quyết, pháp lệnh sau khi được Quốc hội thông qua sẽ do những cơ quan nào tổ chức thi hành, thực hiện?

2/ Em hiểu như thế nào về nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát? Thực hiện nguyên tắc này có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời: 

Yêu cầu số 1: Các luật, nghị quyết, pháp lệnh sau khi được Quốc hội thông qua sẽ được Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân,... và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước tổ chức thi hành, thực hiện. Ví dụ, để luật, nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, Chính phủ triển khai thực hiện bằng cách ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết.

Yêu cầu số 2:

- Nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan:

+ Quyền lực nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định bởi chính chủ thể duy nhất và tối cao là nhân dân.

+ Quyền lực nhà nước được phân chia thành quyển lập pháp, hành pháp, tư pháp và được giao cho các cơ quan tương ứng thực hiện một cách độc lập.

+ Các cơ quan trong bộ máy nhà nước không tách rời nhau mà có sự phối hợp, kiểm soát, giám sát lẫn nhau để thực hiện quyền lực nhà nước, đảm bảo mục tiêu chung phục vụ nhân dân và phục vụ dân tộc.

- Nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát đảm bảo hiệu quả và sự đồng bộ, xuyên suốt, đúng đắn trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; hạn chế các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân,...

  Tính thống nhất của quyền lực nhà nước Việt Nam được xác định bởi chính chủ thể duy nhất và tối cao của quyền lực là nhân dân. Quyền lực nhà nước được phân chia thành quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và được giao cho các cơ quan tương ứng thực hiện một cách độc lập nhưng có sự phối hợp, kiểm soát, giám sát lẫn nhau để thực hiện quyền lực nhà nước, đảm bảo mục tiêu chung phục vụ nhân dân và phục vụ dân tộc.

c) Nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin trang 125 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi: 

1/ Luật Trưng cầu ý dân của Nhà nước Việt Nam thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân như thế nào? Em hãy cho biết nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng phương thức và qua cơ quan, tổ chức nào.

2/ Em hãy nêu biểu hiện của nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam.

Trả lời: 

Yêu cầu số 1:

- Luật Trưng cầu ý dân của Nhà nước Việt Nam thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân khi cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như:

+ Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp;

+ Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia... bảo đảm để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chi của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước;

+ Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội.

- Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.

Yêu cầu số 2: Biểu hiện của nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân:

- Tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân và bộ máy nhà nước là công cụ để nhân dân thực thi những quyền lực đó.

- Các cơ quan quyền lực nhà nước như: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phải do nhân dân bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín trên cơ sở dân chủ.

- Các đại biểu dân cử thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, nói lên tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, và khi không còn được sự tín nhiệm của nhân dân thì đại biểu dân cử có thể bị bãi nhiệm.

- Những vấn đề quan trọng nhất của đất nước trước khi quyết định phải lấy ý kiến của nhân dân hoặc phải do nhân dân trực tiếp quyết định thông qua việc trưng cầu ý kiến của nhân dân.

- Nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, có quyền tố cáo, khiếu nại, góp ý,... nếu phát hiện sai phạm.

  Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là nguyên tắc quan trọng nhất trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nguyên tắc này thiết lập nền tảng để hình thành bộ máy nhà nước và khẳng định nhân dân Việt Nam là người thành lập ra Nhà nước trao quyền cho Nhà nước kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước

d) Nguyên tắc tập trung dân chủ

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin trang 125, 126 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi: 

1/ Qua lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, em hiểu thể nào là tập trung dân chủ?

2/ Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên tắc tập trung dân chủ được biểu hiện như thế nào?

Trả lời: 

Yêu cầu số 1: Tập trung dân chủ nghĩa là tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Những vấn đề quan trọng nhất thường được bàn bạc, quyết định bởi tập thể. Khi mọi việc đã được tập thể xác định rõ sẽ giao cho cá nhân phụ trách thực thi để đảm bảo hiệu quả.

Yêu cầu số 2:

- Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một mặt phải đảm bảo sự chỉ đạo, lãnh đạo tập trung, thống nhất của trung ương với địa phương, của cấp trên với cấp dưới nhưng mặt khác phải mở rộng dân chủ, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của địa phương và cấp dưới; phải coi trọng vai trò của tập thể nhưng mặt khác phải để cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo.

- Các cơ quan, tổ chức cấp dưới có trách nhiệm thực hiện những chủ trương, chính sách, quy định của cơ quan, tổ chức cấp trên.

- Trong quá trình hoạt động, những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương sẽ được quyết định thông qua hình thức biểu quyết lấy ý kiến của tập thể.

  Bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức, hoạt động trong sự phối kết hợp giữa các yêu tổ dân chủ và tập trung thông qua các hình thức và chế độ như: bầu cử, bổ nhiệm kết hợp với phê chuẩn một số chức danh trong bộ máy, mô hình tổ chức hội đồng, uỷ ban để kết hợp chế độ lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách: thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số.

e) Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa

Câu hỏi: Em hãy quan sát hình ảnh kết hợp đọc thông tin 126 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi:  để trả lời câu hỏi:

1/ Các văn bản pháp luật trong hình ảnh trên quy định tổ chức và hoạt động của cơ quan nào trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

2/ Theo em, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện như thế nào?

Trả lời: 

Yêu cầu số 1: Các văn bản pháp luật trong hình ảnh trên quy định tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.

Yêu cầu số 2:

- Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện:

+ Bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật.

+ Pháp luật quy định rõ, cụ thể, minh bạch việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, hình thức hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước và việc tổ chức bộ máy nhà nước phải tuân theo các quy định đó.

- Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lí.

  Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể, minh bạch toàn bộ việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cầu, hình thức hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước và việc tổ chức bộ máy nhà nước phải tuân theo các quy định đó. Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lí.

1.2. Đặc điểm của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

a) Tính thống nhất

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin trang 127 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi: 

1/ Việc thực hiện chủ trương xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được thể hiện như thế nào trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

2/ Theo em, tính thống nhất của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện như thế nào?

Trả lời: 

Yêu cầu số 1:

- Việc thực hiện chủ trương xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

+ Đảng để ra đường lối, chủ trương phát triển nền kinh tế.

+ Các cơ quan trong bộ máy nhà nước hiện thực hoá chủ trương, đường lối của Đảng bằng việc phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, ban hành, triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch, công việc cụ thể trên nhiều mặt để phát triển toàn diện nền kinh tế.

Yêu cầu số 2: Tính thống nhất của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện:

+ Tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung, tạo thành một thể thống nhất từ trung ương xuống địa phương.

+ Những cơ quan này đều hoạt động vì mục tiêu chung là xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

  Bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện tính thông nhất trong tổ chức và hoạt động. Hệ thống các cơ quan trong bộ máy nhà nước được sắp xếp, tổ chức thống nhất từ trung ương xuống địa phương và đều chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đều hoạt động vì lợi ích của nhân dân và lợi ích của dân tộc.

b) Tính nhân dân

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin trang 128 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi: 

1/ Việc đẩy mạnh cải cách hành chính thể hiện tính nhân dân của bộ máy hành chính nhà nước ta như thế nào? Nhân dân thực hiện quyền gì để tham gia thành lập bộ máy nhà nước?

2/ Em hãy nêu biểu hiện của tính nhân dân trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trả lời: 

Yêu cầu số 1:

- Việc đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi, giúp nhân dân tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc khi thực hiện các thủ tục hành chính.

- Nhân dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử để tham gia thành lập bộ máy nhà nước.

Yêu cầu số 2: Biểu hiện của tỉnh nhân dân trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

- Các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước được nhân dân thành lập nên và hoạt động để phục vụ cho lợi ích của nhân dân.

- Người dân có quyền tham gia quản lí nhà nước, nếu các cơ quan, cá nhân trong bộ máy nhà nước hoạt động không hiệu quả thì nhấn dân có quyền khiếu nại, tố cáo.

- Hoạt động của bộ máy nhà nước hướng tới việc chăm lo cho nhân dân, bảo đảm, bảo vệ lợi ích cho nhân dân.

- Mọi cán bộ, nhân viên nhà nước đều xuất phát từ nhân dân, tham gia vào bộ máy nhà nước là để phục vụ, phụng sự nhân dân. Họ có trách nhiệm phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, phải gần gũi nhân dân, lắng nghe và thấu hiểu nhân dân, đồng thời phải chịu sự giám sát của nhân dân, họ có thể bị bãi miễn nếu không còn được nhân dân tín nhiệm.

  Bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân thành lập nên, được nhân dân uỷ quyền để thực hiện việc quản lí nhà nước và xã hội. Mọi hoạt động của các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước đều nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích của nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.

c) Tính quyền lực

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin trang 128 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi: 

1/ Việc Chính phủ phải báo cáo và chịu sự giám sát của Quốc hội về các công việc của mình thể hiện điều gì?

2/ Theo em, vì sao các cơ quan trọng bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân công quyền lực để thực hiện các nhiệm vụ riêng nhưng vẫn phải có sự phối hợp, giám sát lẫn nhau?

3/ Tính quyền lực của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện như thế nào?

Trả lời:

Yêu cầu số 1: Việc Chính phủ phải báo cáo và chịu sự giám sát của Quốc hội về các công việc của minh thể hiện vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất trong bộ máy nhà nước, Chính phủ là cơ quan cấp dưới nên phải có trách nhiệm bảo cáo công việc và chịu sự giám sát của Quốc hội.

Yêu cầu số 2:

- Các Cơ quan trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân chia quyền lực để thực hiện các nhiệm vụ riêng nhưng vẫn phải có sự phối hợp, giám sát lẫn nhau vì bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thể thống nhất, được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung và hướng đến những mục tiêu giống nhau.

- Các cơ quan phải có sự phối hợp, giám sát lẫn nhau để đảm bảo tất cả các lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước đều được thực hiện đúng, tránh các sai phạm làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung trong hoạt động của bộ máy nhà nước.

Yêu cầu số 3: Biểu hiện của tính quyền lực của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

+ Tất cả các cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước đều được Nhà nước trao các quyền cụ thể để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình.

+ Các cơ quan sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ riêng, tuy nhiên giữa các cơ quan luôn có mối quan hệ, hỗ trợ nhau trong việc giải quyết công việc, cơ quan này giảm sát cơ quan khác.

+ Các cơ quan cấp dưới phải phục tùng, thực hiện các quyết định của cơ quan cấp trên.

  Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mang tính quyền lực. Điều đó được thể hiện ở việc phân chia quyền lực nhà nước cho các cơ quan nhà nước để thực hiện những chức năng, nhiệm vụ riêng biệt. Đồng thời, thể hiện qua việc các cơ quan, cá nhân ở cấp dưới bắt buộc phải phục tùng, phải thực hiện các nhiệm vụ, quyết định của cấp trên.

d) Tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin trang 129 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức để trả lời câu hỏi: 

1/ Trong thông tin 2, vì sao các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy?
2/ Tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa được biểu hiện như thế nào trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

Trả lời: 

Yêu cầu số 1: Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cả nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ Luật Phòng cháy, chữa cháy vì tất cả mọi người sinh sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam đều có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật.

Yêu cầu số 2: Tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện:

- Tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật;

- Các cơ quan trong bộ máy nhà nước sử dụng pháp luật để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm quản lí nhà nước và xã hội.

  Bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay mang tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực hiện quản lí mọi mặt của đời sống xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

ADMICRO

Bài tập minh họa

Bài tập: Em đồng ý hay không đồng ý với ý kiến nào sau đây? Vì sao?

a. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước.

b. Công dân Việt Nam đều có quyền ứng cử tham gia vào bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

c. Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo khi không đồng tình với quyết định, việc làm trái pháp luật của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

d. Cơ quan cấp dưới phải thực hiện tất cả các chủ trương, quyết định của cơ quan nhà nước cấp cao hơn.

Hướng dẫn giải:

- Dựa vào nội dung bài học 

- Kết hợp hiểu biết cá nhân để trả lời câu hỏi:

+ Câu a: Đồng ý (Nhà nước luôn mang lại lợi ích cho nhân dân, phục vụ nhân dân)

+ Câu b: Đồng ý (Quyền dân chủ của công dân)

+ Câu c: Đồng ý (Nguyên tắc quyền lực nhà nước)

+ Câu d: Đồng ý (Tính quyền lực của Nhà nước)

Lời giải chi tiết:

Em đồng ý với tất cả các ý kiến trên.

* Giải thích:

a. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là cơ sở cho việc xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước. Tất cả đều hướng tới việc mang lại lợi ích cho nhân dân, phục vụ nhân dân.

b. Công dân Việt Nam đều có quyền ứng cử tham gia vào bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam => Thể hiện quyền dân chủ

c. Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo khi không đồng tình với quyết định, việc làm trái pháp luật của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. => Thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

d. Cơ quan cấp dưới phải thực hiện tất cả các chủ trương, quyết định của cơ quan nhà nước cấp cao hơn. => Tính quyền lực của Nhà nước.

ADMICRO

3. Luyện tập và củng cố

Qua bài học Bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các em cần:

- Nắm được nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Nắm được đặc điểm của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

3.1. Trắc nghiệm Bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước - Giáo dục KT và PL

Các em có thể hệ thống lại nội dung kiến thức đã học được thông qua bài kiểm tra Trắc nghiệm Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Bài 20 cực hay với 10 câu hỏi có đáp án và lời giải chi tiết.

Câu 4-10: Mời các em đăng nhập xem tiếp nội dung và thi thử Online để củng cố kiến thức về bài học này nhé!

3.2. Bài tập SGK

Các em có thể xem thêm phần hướng dẫn Giải bài tập Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Bài 20 để giúp các em nắm vững bài học và các phương pháp giải bài tập.

Luyện tập 1 trang 130 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức

Luyện tập 2 trang 130 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức

Luyện tập 3 trang 130 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức

Vận dụng 1 trang 130 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức

Vận dụng 2 trang 130 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức

Giải bài tập 1 trang 64 SBT Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức - KNTT

Giải bài tập 2 trang 65 SBT Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức - KNTT

Giải bài tập 3 trang 66 SBT Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức - KNTT

Giải bài tập 4 trang 66 SBT Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức - KNTT

Giải bài tập 5 trang 67 SBT Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Kết Nối Tri Thức - KNTT

4. Hỏi đáp Bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước - Giáo dục KT và PL

Trong quá trình học bài và thực hành bài tập, có điểm nào còn thắc mắc các em có thể đặt câu hỏi trong mục Hỏi đáp để được sự hỗ trợ từ cộng đồng HỌC247.

NONE
OFF