Tình mẫu tử là nội dung bao trùm đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng. Tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh chú bé Hồng và cuộc gặp gỡ của em với mẹ trong cảm xúc dạt dào. HOC247 mời các em học sinh lớp 10 tham khảo tài liệu văn mẫu Suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng dưới đây. Tài liệu nhằm giúp các em có thêm kiến thức về văn bản, đồng thời cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng trong văn bản. Chúc các em học thật tốt!
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
- Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, thường được ca ngợi trong thơ ca.
- Tác phẩm Trong lòng mẹ là trích đoạn trong tuyển tập hồi kí Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, đây là tác phẩm sâu sắc, cảm động về tình mẫu tử.
2.2. Thân bài
- Hoàn cảnh của nhân vật bé Hồng:
+ Cha mất, mẹ đi tha hương cầu thực ở xa
+ Sống cùng gia đình bên nội không có tình yêu thương
+ Hoàn cảnh đáng thương, tội nghiệp
- Tình cảm của bé Hồng dành cho mẹ
+ Luôn nghĩ tới mẹ, thương mẹ, dù cho những lời nói độc địa của người bà cô họ nội luôn muốn chia rẽ tình mẹ con
+ Đau đớn, không tin những lời người bà cô nói xấu về mẹ
+ Nỗi khao khát của người con muốn được mẹ yêu thương, gần gũi
+ Là người con hiểu cho hoàn cảnh của mẹ, luôn thương mẹ và muốn mẹ được hạnh phúc
- Suy nghĩ về tình mẫu tử trong trích đoạn Trong lòng mẹ
+ Tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý, sâu nặng
+ Không ai, không thế lực nào có thể ngăn cản được tình cảm thiêng liêng ấy.
2.3. Kết bài
- Văn học có vô vàn tác phẩm nói về tình mẫu tử vô cùng đáng quý, thiêng liêng chứ không chỉ tác phẩm Trong lòng mẹ, đây là một trong những tình cảm vốn có mà ai cũng cần phải duy trì và trân trọng nó!
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”
Khi những đứa con bé bỏng ngày xưa trưởng thành, trở thành người lớn, dù chúng có chín chắn và thành đạt đến đâu, chúng vẫn mãi chỉ là một đứa trẻ ngây dại trong lòng người mẹ của chúng. Tình mẫu tử vốn dĩ là một thứ tình cảm thiêng liêng, quý báu ngang ngửa với mạng sống của con người. Ai sinh ra mà chẳng có mẹ, ai chẳng được một lần mẹ âu yếm, vỗ về. Không lấy làm bất ngờ khi thơ ca hay văn học từ cổ chí kim đều lấy tình mẫu tử làm cảm hứng, là đề tài bất diệt trở đi trở về nhưng không hề xưa cũ. Nếu như các nhà thơ, nhà văn khác đem tình mẫu tử đặt trong không gian ấm áp, yêu thương, trong trái tim hừng hực lửa cháy của con trẻ thì nhà văn Nguyên Hồng lại để cho tình mẫu tử trong hồi ký “Những ngày thơ ấu” của ông cháy sáng trong hoàn cảnh éo le, khắc nghiệt của cuộc đời, trong những lời gièm pha, định kiến của xã hội về thân phận của con người. Đoạn trích “Trong lòng mẹ” là một trong những điểm sáng rực rỡ về tình mẫu tử thiêng liêng, cháy bỏng, tha thiết của chú bé Hồng đối với người mẹ khổ đau, bất hạnh của mình.
Đọc đoạn trích người đọc không khỏi xúc động trước tình yêu thương của chú bé Hồng dành cho người mẹ đáng thương của mình. Hồng đã trải qua những thử thách không kém phần đau đớn để giữ trọn vẹn tình cảm yêu thương mẹ trong sự khinh bỉ, xoi mói độc địa của những người họ hàng giàu có. Cuối cùng, bao tháng ngày chờ mong, khát khao được gặp mẹ, được mẹ âu yếm, vỗ về của em cũng được đền đáp. Em nằm “trong lòng mẹ” vời niềm hạnh phúc vỡ oà, sung sướng tột cùng.
Chú bé Hồng- một cậu bé có tuổi thơ tội nghiệp, đau khổ khi lớn lên trong hoàn cảnh gia đình sa sút. Bố em sống trong cảnh u uất, trầm lặng rồi mất vì nghiện ngập. Mẹ em, một người phụ nữ có trái tim khao khát yêu đương đành chôn vùi tuổi thanh xuân trong cuộc hôn nhân không có hạnh phúc lại phải chịu đủ những khinh miệt, bạc đãi, đau khổ khi bị người đời soi mói, gièm pha, khinh bỉ khi “chưa đoạn tang chồng” mà đã có con với người khác. Không chịu đựng được sự bất công, áp lực từ họ hàng, vì túng quẫn mà người mẹ bất hạnh ấy đã bỏ con đi “tha hương cầu thực”, để lại một mình bé Hồng sống với gia đình họ nội, cùng người cô độc ác, cay nghiệt. Một cuộc sống khắc nghiệt với một cậu bé thiếu đi tình yêu thương gia đình, vắng cha, thiếu mẹ. Tưởng chừng vì “bị bỏ rơi” mà em trở nên căm ghét, thù hằn người mẹ của mình cùng với những lời nói cay nghiệt của bà cô họ nội, em lại càng căm ghét mẹ hơn nhưng trái lại với những liên tưởng đó, em thương mẹ vô cùng.
Khi người cô cố tình gieo rắc vào đầu em “những hoài nghi để khinh miệt, ruồng rẫy mẹ, một người đàn bà góa chồng, vì nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con đi tha hương cầu thực”, hễ cứ nhớ đến “vẻ mặt rầu rầu và hiền từ của mẹ”, “nghĩ đến cảnh thiếu thốn một tình yêu thương ấp ú từng phen” làm em “rơi nước mắt” nhưng “đời nào lòng yêu thương và sự kính trọng mẹ” của em lại có thể bị “những rắp tâm tanh bẩn xâm hại đến”. Em yêu mẹ, thương mẹ, tin tưởng mẹ. Tình yêu thương của em dành cho mẹ cứ lớn dần, lớn dần theo từng ngày dù chẳng có lấy “một lá thư, một lời hỏi thăm hay một đồng quà”. Những lời nói cay nghiệt của bà cô đã đẩy tâm trạng em lên đến cao trào và cũng chính từ đây, tình yêu mẹ trong em bừng lên mãnh liệt. Em đã hiểu ra từ cách “cười rất kịch” của người cô muốn em hoài nghi về mẹ, muốn em căm ghét và hận mẹ em, người vì đau khổ, túng quẫn mà bất đắc dĩ bỏ em đi tha hương. Tình yêu thương mẹ trong em lớn lao đến nỗi có đủ sức mạnh để ngăn cản những lời nói cay đắng, xúc xỉa của người cô họ nội độc ác, đủ để bảo vệ vẹn nguyên tình yêu thương của em dành cho mẹ. Tình yêu ấy lớn lao đến mức hóa thân thành hành động trong tâm tưởng của em, nó mãnh liệt đến mức em ao ước rằng “Giá như những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi”. Em sẵn sàng chống lại, thậm chí phá vỡ những hủ tục lạc hậu đã đày đọa người mẹ thân yêu của em đến bước đường cùng của sự khổ đau, khiến cho mẹ con em phải xa nhau, khiến cho tình cảm của em dành cho mẹ chỉ có thể bày tỏ trong suy nghĩ, trong trái tim đang đau đớn đến nghẹt thở thế này. Mọi đau đớn, mọi niềm tin, tình yêu thương, khát khao của em đều được thể hiện rất rõ khi em được gặp mẹ. Tình yêu ấy phải to lớn đến nhường nào khi em chỉ mới “thoáng thấy bóng một người trên xe rất giống mẹ, Hổng liền chạy, đuổi theo bối rối gọi: ''Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ... ơi!””. Mọi sự dồn nén, tủi hờn, uất ức và niềm mong đợi, yêu thương từ bấy lâu nay bật ra trong tiếng gọi mẹ. Như vừa run sợ, vừa trông mong, tình yêu mãnh liệt của cậu bé nhỏ này khiến cho trang văn bỗng trở nên bừng sáng sau những chuỗi dài đen tối. Đâu đó sau những câu chữ hiển hiện trên mặt giấy, những giọt nước mắt trẻ thơ lăn dài, lăn dài rồi bật lên nức nở. Người trên xe kia là mẹ của em, là người mẹ mà em hằng mong nhớ. Tình yêu thương và niềm hạnh phúc ấy khiến em chẳng còn để ý gì nhiều, “thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi và khi trèo lên xe thì ríu cả chân lại”. Mạnh mẽ là thế, cậu bé vừa mới bỏ qua sự “thẹn mà còn khiến cậu tủi cực” nếu đây là một sự nhầm lẫn thực sự đã theo cái “kéo tay, xoa đầu” của mẹ đi cả, chỉ còn lại một cậu bé với tình yêu mẹ tha thiết, cháy bỏng, một cậu bé với nỗi niềm cô đơn bủa vây suốt năm suốt tháng, một cậu bé yếu mềm. Tình yêu thương, sự ấm áp từ bàn tay mẹ khiến cho cậu òa khóc nức nở. Và cũng chính tình yêu thương mẹ của cậu bé khiến cậu nhanh chóng nhận ra sự thay đổi của người mẹ qua đôi mắt nhòe đi vì khóc “gương mặt mẹ vẫn tươi sáng với đôi mắt trong,làn da mịn làm nổi bật màu hồng của hai gò má”.Cậu bé chẳng còn quan tâm đến lời nói của bà cô, cậu tự hỏi chính mình chắc vì “được nhìn và ôm ấp hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi đẹp như thuở còn sung túc?”. Cậu bé sung sướng ngả lên cánh tay mẹ, được mẹ gãi rôm ở sống lưng, cậu thấy sự dịu dàng mà mình hằng mong nhớ. Tình yêu thương, sự dịu dàng chăm sóc của người mẹ khiến cho những cảm giác đã mất đi bao lâu bỗng dưng lại ùa về “mơn man khắp da thịt”. Tình yêu thương từ mẫu tử khiến cho con người như hồi sinh trở lại. Người mẹ được ôm ấp vỗ về đứa con ruột thịt cũng vì hạnh phúc mà đẹp như thuở trước, người con cảm nhận được sự dịu dàng xen lẫn ấm áp của mẹ mình ao ước được “bé lại, lăn vào lòng mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của mẹ…” trở lại thành đứa trẻ hạnh phúc thuở ban đầu. Cậu cùng quên luôn lời gợi ý của bà cô, cho tiền tàu vào thăm mẹ. Giờ đây những lời gièm pha, những hủ tục lạc hậu, những bản tính xấu của con người chẳng thể nào làm ảnh hưởng được đến giây phút đoàn tụ hạnh phúc. Không gian như lắng đọng lại, chỉ còn tình mẫu tử thiêng liêng cùng tiếng lòng hét lên vì hạnh phúc của những con người đau khổ vừa được ban cho sức mạnh hồi sinh. Dọc khắp trang văn là những dòng nước mắt chảy ngược về một tình mẫu tử thầm kín thiêng liêng, hi sinh để bảo vệ lẫn nhau và đến đây, dòng nước ấm nồng ấy chảy xuôi ra ngoại hiện, để cho chúng ta cảm nhận về sự tồn tại của một thứ tình cảm mãnh liệt, thiêng liêng, trường tồn bất diệt. Sẽ chẳng có một thế lực nào có đủ quyền năng và sức mạnh để chia rẽ tình cảm cao đẹp này, sẽ chẳng có một lời định kiến hay hủ tục lạc hậu nào đánh đổ được bức tường tình thương bao bọc lấy họ lúc này. Tình mẫu tử lúc này tồn tại như một sức mạnh siêu nhiên, cứu thoát con người ra khỏi bóng đen u ám, mang lại cho con người cảm xúc vui sướng, hạnh phúc khi được yêu thương và yêu thương.
“Trên thế gian có rất nhiều kì quan tuyệt đẹp nhưng kì quan đẹp nhất, hoàn hảo nhất vẫn là trái tim người mẹ”. Tình mẫu tử trong đoạn trích “Trong lòng mẹ” như một dòng suối trong trẻo, ấm áp lấp lánh hương vị cao cả, thiêng liêng sưởi ấm cho những trái tim đang cô độc, đem đến ánh sáng cho những trái tim đang chìm dần trong bóng tối, giúp họ vực dậy,đứng lên hướng về tương lai, về niềm vui sống.
3.2. Bài văn mẫu số 2
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”. Quả đúng là như thế, người mẹ luôn là người vĩ đại nhất, cũng giống như tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý và bất diệt. Đó là đề tài muôn thuở của văn chương đông tây kim cổ, nhưng với đoạn trích “Trong lòng mẹ” của nhà văn Nguyên. Hồng người đọc vẫn thấy rung lên những nhịp riêng, làm xôn xao tâm hồn độc giả bằng giọng văn thống thiết, truyền cảm, trĩu nặng yêu thương.
Trong lòng mẹ là đoạn trích kể về số phận tội nghiệp của bé Hồng khi phải xa người mẹ đi tha phương cầu thực ở với người cô ghẻ lạnh và ác độc. Hồng phải sống cuộc sống mồ côi cha, thiếu vắng tình thương của người mẹ, sống nhờ người họ hàng giàu có nhưng cay nghiệt. Hồng chịu cảnh cô đơn, bị hắt hủi. Trái lại với thái độ căm thù và trách móc, Hồng thương mẹ và nhớ mẹ vô cùng. Em nuốt những giọt nước mắt đau đớn vào lòng khi luôn phải nghe những lời mỉa mai, bêu rếu xấu xa về mẹ của bà cô độc địa. Trong lòng em luôn dấy lên niềm thương cảm và xót xa cho thân phận tội nghiệp của người mẹ xấu số. Nuốt nước mắt vào trong, em dành cả trái tim non nớt và bé bỏng của mình cho khát khao mong chờ được đoàn viên cùng mẹ và em mình.
Với Hồng, yêu mẹ thương mẹ là căm ghét những định kiến cố hữu và hà khắc đã ép buộc oan uổng mẹ em vào những điều vô căn cứ, để người mẹ nhân hậu và đáng thương ấy phải chịu sự rẻ rúng khinh bỉ của người đời. Càng thương mẹ, em càng căm ghét những hủ tục phong kiến vô lí, tàn nhẫn đã đầy đọa, trói buộc mẹ em: "Giá như những cổ tục đã đầy đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi".
Chính tình thương mẹ đã khiến cho Hồng nhận ra đâu là lẽ phải, đâu là những con người, những tập tục đáng phê phán. Còn gì chua xót hơn cho một tình cảm cao đẹp, thiêng liêng ấy của đứa con thơ. So sánh của Nguyên Hồng đã thật tài tình, sâu sắc để diễn tả trọn vẹn sự xúc động dữ dội và mãnh liệt trong lòng em lúc bấy giờ.
Với Hồng, yêu mẹ chính là khát khao được gặp gỡ và được mẹ âu yếm vuốt ve. Ánh mắt thèm thuồng của em ngước nhìn những đứa bạn cùng trang lứa có mẹ bên cạnh mà đau đớn hình dung ra ảo ảnh mẹ xuất hiện như người bộ hành gục ngã giữa sa mạc. Và rồi kì tích đã xuất hiện, mong ước bấy lâu của em đã được đền đáp. Người mẹ ấy xuất hiện, thoáng thấy bóng một người trên xe rất giống mẹ, Hổng liền chạy, đuổi theo bối rối gọi: ''Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ… ơi!”. Những tiếng gọi ấy bật ra từ lòng khát khao được gặp mẹ của chú bé bấy lâu nay bị dồn nén.
Sự thổn thức của trái tim thơ trẻ bật thành tiếng gọi. Khi đuổi theo được chiếc xe đó, Hồng được lòng bàn tay dịu hiền của người mẹ xoa lên đầu. Hồng oà khóc. Trong tiếng khóc ấy có cả niềm hạnh phúc được gặp mẹ, cả nỗi tủi thân bởi lâu quá không được gặp mẹ, bởi bao niềm cay đắng bị lăng nhục tàn nhẫn cùng những uất ức dồn nén được giải toả. Mải mê ngắm nhìn và suy nghĩ về mẹ, mải mê say sưa tận hưởng những cảm giác êm dịu khi được ngồi trong lòng mẹ để bàn tay người mẹ vuốt ve.
Trong giây phút này, Hồng như sống trong "tình mẫu tử" hạnh phúc. Một niềm ấm áp, âu yếm mơn man khắp da thịt, em cảm nhận được hơi ấm của lòng mẹ của bầu sữa nóng, giống như đứa con thơ nay tìm được bến đỗ, em vui sướng khôn xiết. Nhưng điều khiến em hạnh phúc hơn nữa đấy là hình ảnh mẹ đẹp như nàng tiên, làn da trắng hồng với đôi mắt trìu mến yêu thương chứ không phải xanh bủng, rệu rã như lời bà cô ác độc ấy nói.
Cảm xúc ấy của bé Hồng thật làm rung động bao nỗ bồi hồi xốn xang trong lòng độc giả, về tình mẫu tử thiêng liêng bấy lâu nay. Nay hiện lên qua từng ánh mắt, cử chỉ vuốt ve âu yếm của người mẹ cho đứa con thơ. Tình mẫu tử quả thiêng liêng và vĩ đại biết bao, nó là liều thuốc thần tiên xoa dịu đi nỗi đau và những uất nghẹn trong lòng trả lại cho ta dòng suối ngọt lành trong veo của yêu thương, bao dung và trìu mến.
Qua hoàn cảnh và số phận tội nghiệp của bé Hồng, ta thấy càng thêm trân trọng tình mẫu tử thiêng liêng ấy, càng quý giá những phút giây đang được sống đầy ắp trong tình mẹ bao la không như những số phận bất hạnh ngoài kia đang phải chịu đựng. Một lần nữa, Nguyên Hồng đã gọi dậy trong lòng ta những bâng khuâng sâu lắng thấm thía bậc nhất cõi lòng của tình yêu thương và sự xúc động nghẹn ngào.
----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024125 - Xem thêm