Nhân vật Xuân tóc đỏ trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia đã dẫn dắt người đọc đi từ cao trào này đến cao trào khác của văn bản. Để hiểu hơn về hoàn cảnh xuất thân và quá trình tiến thân của Xuân, mời các em cùng tham khảo tài liệu Phân tích nhân vật Xuân tóc đỏ trong Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng dưới đây. Chúc các em học tập vui vẻ!
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
- Giới thiệu nhân vật: Xuân tóc đỏ là nhân vật trung tâm của tiểu thuyết “Số đỏ”, đồng thời cũng là nhân vật điển hình bậc nhất của nền văn học Việt Nam đương thời. Tập trung xây dựng Xuân tóc đỏ với bút pháp trào phúng quen thuộc kết hợp với lối viết phóng đại kích thước đã mang đến chân dung một Xuân Tóc Đỏ đầy hài hòa, tổng hợp được những bóng dáng, đường nét của nhiều kiểu người trong xã hội xưa.
2.2. Thân bài
a. Hoàn cảnh xuất thân của Xuân tóc đỏ
- Mồ côi, vì thói dối gian, lưu manh bên bị bác đuổi khỏi nhà, lưu lạc đầu đường xó chợ.
- Làm nghề trèo me, trèo sấu, bán thuốc dạo, nhặt ban quần,... để kiếm sống.
- Chứng kiến đủ những tệ nạn, thói đời đen bạc, hình thành nên một nhân cách bị tha hóa.
b. Sự lưu manh hóa, tha hóa của Xuân tóc đỏ
- Sự lưu manh của hắn xuất phát từ chính tính cách vốn gian xảo từ nhỏ, kết hợp việc phải bươn chải với cuộc sống khổ cực khiến hắn tự phát triển theo hướng lưu manh, và sự lưu manh của Xuân có phần khôn ngoan, giảo hoạt.
- Sự lưu manh hóa của Xuân không diễn ra bằng sự bạo lực, máu me, đâm thuê chém mướn mà nó lại xuất phát từ chính tâm hồn, từ chính trong lời ăn tiếng nói, cách cư xử.
- Có thể nói rằng những tối tăm, xấu xa trong cái xã hội phong kiến - nửa thực dân mực đồng thau lẫn lộn dường như đã kết tinh hết trong một con người như Xuân tóc đỏ, vô giáo dục, đầy xảo quyệt, dối gian, lẻo mép, quen lọc lừa và ưa hư vinh phù phiếm.
=> Bi kịch của Xuân cũng là bi kịch bị lưu manh hóa, tuy nhiên nhân vật này lại biết lợi dụng cái lưu manh của mình làm vốn liếng tiến thân.
c. Yếu tố tác động Xuân trong con đường tiến thân
- Đó là những con người tự xưng mình là tầng lớp thượng lưu, quý phái, sang trọng thế nhưng điểm nhân cách thì lại bằng không, họ ưa thích những thú vui thể xác, dâm đãng, ưa tiền tài, danh vọng, lố bịch và bại hoại.
- Ví dụ như bà Phó Đoan, cô Tuyết ngây thơ, ông cố Hồng, vợ chồng Văn Minh, và nhiều những người khác.
d. Nhận xét về nhân vật Xuân tóc đỏ
- Là một kẻ lưu manh chính hiệu, không có nhân cách, dâm đãng, vô giáo dục.
- Là một kẻ cực kỳ nhạy bén và thức thời, sẵn sàng thích nghi được với hoàn cảnh, luôn chuẩn bị cho mình những kịch bản, những cái mặt nạ khác nhau để ứng phó với đủ mọi thể loại người, thậm chí là nắm bọn quyền quý ấy trong lòng bàn tay.
- Tuy nhiên rất thẳng thắn với bản thân rằng mình là một kẻ không ra gì, hạ lưu.
2.3. Kết bài
- Cảm nhận về nhân vật Xuân tóc đỏ.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Phân tích nhân vật Xuân tóc đỏ trong Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Mỗi dòng văn đều có cảm hứng riêng cho nó. Đối với văn học hiện thực, nhìn chung cảm hứng của nó là sự phủ nhận và phê phán thực tại xã hội thông qua những nhân vật điển hình và đặc sắc. Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là tác phẩm tố cáo hiện thực xã hội độc đáo bằng tiếng cười ào ạt, bằng một hình tượng “kì dị” mà nổi bật và đại diện trong tác phẩm là nhân vật Xuân Tóc Đỏ.
Thông qua Xuân Tóc Đỏ, Vũ Trọng Phụng cho thấy cái xã hội lúc bấy giờ là “tấn kịch thực sự của con người giữa những sự giả dối buồn cười”. Đó là một tên cơ hội, tiến được trong xã hội nhờ trò “gian trá bịp bợm”. Xuân Tóc Đỏ thực chất chỉ là một đứa lưu manh, vô học với lí lịch tối đen như mực: “Thằng Xuân lấy đầu hè, xó cửa làm nhà; lấy sấu các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm vui. Nó đã bán phá xa, bán nhật trình, bán cao đơn hoàn tán trên xe lửa, chạy rạp hát, và với ba nghề tiểu xảo khác nữa. Ánh nắng mặt trời làm cho tóc nó đỏ như tóc Tây. Cảnh ngộ đó tạo nên nó một đứa hoàn toàn vô giáo dục, nhưng tính nó quái lắm, thạo đời lắm”…
Cuộc sống đầu đường xó chợ, những bài học ở vỉa hè, tạo ra một thằng Xuân bụi đời, lưu manh, tinh quái. Xuân lang thang tự kiếm sống với nhiều nghề nghiệp “rẻ tiền” nên về lâu càng trở nên ranh mãnh hơn. Nhưng cũng nhờ vào những hoàn cảnh đặc biệt đó, Xuân đã nhập vào thế giới thương lưu, những kẻ giàu có, từ ông bà Văn Minh, bà phó Đoan, cô Tuyết… nói chung cái xã hội thương lưu đó là môi trường rất tốt để nuôi dưỡng những loại người như Xuân Tóc Đỏ. Con đường tiến lên của Xuân hoàn toàn là do những cơ may. Có những điều mà đến chính Xuân cũng không ngờ được. Do bản tính nhanh nhẹn, láu cá, hắn tạo được chỗ đứng trong gia đình ông bà Văn Minh. Để từ một anh nhặt banh ở sân quần, một gã thổi loa kén quảng cáo thuốc lậu trở thành sinh viên trường thuốc, một quan đốc- tờ Xuân, một cây hi vọng của giứo quân vợt Bắc kì, một vĩ nhan cứu quốc, một bậc thượng lưu của xã hội… Tất cả tuy có được nhà văn phóng đại, nhưng cái điều cốt yếu vẫn là sự tố cáo chân thực hiện thực xã hội.
Thực vậy Xuân chỉ là một tên vô lại bằng những ngôn từ thấp hèn cửa miệng: “Mẹ kiếp”, “Nước mẹ gì”… Do biết một tí về nghề thuốc, trong thời gian quảng cáo thuốc lậu, hắn được Văn Minh giới thiệu là “sinh viên trừng thuốc” và hắn chữa khỏi bệnh cho cụ cố Tổ: Bước đầu hắn đã gặp được vận đỏ: Chẳng những được tiếng mà còn được tình. Người đầu tiên mê phục Xuân là cô Tuyết (tình nguyện trực đêm với “quan đốc – tờ”) và một loạt người khác dần dần chú ý và cũng thấy mê nó. Sự tình cờ màu nhiệm càng làm thanh thế của Xuân to lên trong gia đình của Văn Minh, từ đó “sự ngu độn của nó được người ta cho là nhũn nhặn, là sự khiêm tốn, nên nó càng được yêu mến hơn”. Bà phó Đoan cũng đã có tình với nó và cho nó là người có học thức, ông phán mọc sừng cũng xem nó là ngư đứng đắn…
Cuộc đời Xuân Tóc Đỏ hết gặp vận may này đến vận may khác. Sự “huyên thuyên” của hắn khi chữa bệnh cho cụ cố làm mọi người kinh ngạc, nhưng hắn đã chinh phục được họ. Ở nhân vật này xuất hiện nhiều điều bất ngờ nhưng lại phù hợp với lô – gíc nội tại. Tính cách luôn có những mặt trước sau không hể thay đổi. Bản chất của một tên lưu manh, mở miệng ả là cứ “mẹ kiếp”, “nước mẹ gì”. Sự khôn ranh không phải do học hành mà do sự bắt chước, che đậy, đối phó với mọi tình huống. Nào hắn có biết làm thơ đâu mà cũng được tôn là “Xuân Tóc Đỏ thi sĩ”, thực chất hắn chỉ thuộc bài thơ “thuốc cảm, nhức đầu” của những tiệm thuốc giao cho hắn đi bán dạo! Trên sân khấu cuộc đời xô bồ hỗn độn hắn sắm rất nhiều vai hài kịch. “Nhưng đôi khi, giữa lúc đang múa may khóc cười trên sân khấu, hắn bỗng nhớ đến thân phận hèn mọn của mình và gần như sững đi trong chốc lát, trong cái giây phút quan trọng đó, hắn hiện nguyên hình là một thằng Xuân hạ lưu, vô học” (Phan Cự Đệ). Chẳng hạn lúc Xuân Tóc Đỏ “ưỡn ngực” nói to trước vợ chồng ông Phán và trước mặt cả nhà Văn Minh: “Thưa ngài, ngài là người chồng mọc sừng!”. Tình cảnh bi đát xảy ra: Ông Phán dây thép ôm lấy ngực ngã quỵ xuống đất, cụ Tổ cũng nấc một cái to, ngã xuống giường”… Trong lúc bối rối nguy ngập này, Xuân Tóc Đỏ thú tội và chỉ biết chạy thẳng một mạch như kẻ cắp: “Thưa cụ, quả con vô học, xưa nay nhặt banh quần hạ lưu, không biết thuốc ạ!”. Nhưng rõ là số hắn quá đỏ: hắn không bị xem thường mà còn được trọng vọng!
Cái chết của cụ Tổ càng làm người ta nể phục hắn. Đám tang cụ cố trước đó không hề có mặt hắn, nhưng trên đường mai táng rộn rịp bỗng có sự xuất hiện lạ lùng của chiếc xe tang mà trên đó có Xuân và mấy vị sư chùa bà Đanh ngồi chễm chệ. Chính sự xuất hiện này đã làm cho đám tang ngày càng sang trọng, thượng lưu. Thân chủ của cụ Tổ càng thấy khâm phục Xuân bởi Xuân đã góp phần làm lừng danh “đám tang lớn nhất từ trước đến nay”. Nhưng đó là một sự thật mỉa mai, lố bịch, phũ phàng, tàn nhẫn: Bởi chính nó đã gây ra cái chết cho cụ Tổ. Tình cảm gì cái thằng Xuân, sự xuất hiện của nó một lần nữa tô đậm con người đểu cáng, vô lương tâm của Xuân, và của cả cái xã hội văn minh “chó đểu”. Đó là hiện thực, hiện thực toát lên bằng cái nhìn châm biếm và tiếng cười ồ ạt. Nó không phải là tiếng khóc, là nước mắt như “Đám tang lão Gôriô” ( Lão Gôriô – Ban Zắc).
Xuân Tóc đỏ thấy rõ vị trí của mình trong xã hội, hắn ngày càng nhận rõ muốn tạo được thanh thế và uy tín thì phải xem thường mọi người! Hắn càng làm bộ, giả dối bao nhiêu thì lại được kính trọng bấy nhiêu… Dù làm ra vẻ kiểu cách nhưng bản chất của nhân vật này vẫn là lố bịch, kệch cỡm. Thái độ của hắn mỗi lần được tiếp xúc với mọi người chỉ là sự đòi hỏi kiểu cách: “Rất hân hạnh”…và hết sức lố bịch khi hắn đứng trước quần chúng: “Hỡi quần chúng, mi không hiểu gì, mi oán ta. Ta vẫn yêu quý mi, mặc lòng mi chẳng rõ lòng ta. Thôi giản tán đi!”. Thực chất của Xuân Tóc Đỏ là như vậy
Tác giả xây dựng thành công nhân vật này bằng bút pháp châm biếm sâu sắc, bằng tiếng cười tung hê vào mặt xã hội “Âu hoá” kệch cỡm. Xuân Tóc Đỏ không chỉ là tính cách của một cá nhân mà là sự tổng hợp các loại người trong xã hội thối tha ấy.
Những kẻ luôn vỗ ngực tự coi mình là văn minh là những cải cách thực chất bọn họ là những bầy hề sống thượng lưu, thác loạn. Chỉ trong xã hội thực dân thì những kẻ như Xuân Tóc Đỏ mới có “vai trò quan trọng” đứng trên thiên hạ làm xã hội điên đảo, mục nát.
Xuân Tóc Đỏ là hình tượng độc đáo trong tiểu thuyết hoạt kê độc nhất vô nhị của văn học hiện thực 1930 – 1945. Thông qua những chuỗi cười mà Vũ Trọng Phụng lên án gay gắt cái xã hội đồi bại đê tiện thời ông sống. Tiếng cười ấy đồng thời cũng là tiếng chửi thẳng vào bọn người học đòi làm quý tộc, làm tư sản nhưng ngu độn, chỉ biết sống vì đồng tiền mà quên đi nhân phẩm.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Trong nền văn học hiện thực những năm 1930 – 1945 Vũ Trọng Phụng là một cái tên mà ai cũng biết đến. Với tài năng văn chương của mình nhà văn đã phơi bày những mặt xấu xa của xã hội thời bấy giờ. Xã hội ấy nhà văn gọi là xã hội chó đểu.Và có lẽ tác phẩm Số Đỏ đặc biệt là đoạn trích hạnh phúc của một tang gia là tác phẩm thể hiện rõ nhất những mặt xấu của xã hội ấy. Trong đoạn trích chúng ta không thể nào quên nhân vật chính là Xuân Tóc Đỏ. Số phận cuộc đời và những tính cách của anh chàng này đã làm nổi bật lên xã hội “tây tàu nhố nhăng”.
Trước hết là cuộc đời của Xuân. Hắn ta là một chàng thanh niên không cha không mẹ sống vật vờ nay đây mai đó “Thằng Xuân lấy đầu hè, xó cửa làm nhà, lấy sấu các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó đã bán phá xa, bán nhật trình, làm chạy hiệu rạp hát, bán cao đan hoàn tán trên xe lửa, và với ba nghề tiểu xảo khác nữa. Ánh nắng mặt trời làm cho tóc nó đỏ như tóc Tây. Cảnh ngộ đó tạo nó nên một đứa hoàn toàn vô giáo dục tuy nó tinh quái lắm, thao đời lắm”. Cái tên Xuân Tóc đỏ có lẽ là do hắn phơi nắng nhiều nên tóc chuyển sang màu đỏ như thế. Hắn chẳng có một tài sản nào cả. Hắn không giàu không thông minh nhưng chính cái xã hội tây tàu nhố nhăng khiến cho hắn lại được trở thành người để cho người ta phải khâm phục ngưỡng mộ. Chính cái xã hội ấy đã làm cho hắn trở nên vô giáo dục và ti tiện đến như thế. Nhưng đồng thời cũng chính xã hội ấy biến hắn gặp gỡ những người giàu và số hắn cứ thế mà phất lên như diều gặp gió. Trong sự thiếu thốn không cha không mẹ đáng nhẽ ra phải sống khổ cực lay lắt lắm thế nhưng Xuân lại hoàn toàn có một cuộc sống vui vẻ và được mọi người kính trọng. Phải chăng sự ngược đời ấy nhà văn cố tình tạo ra để tố cáo xã hội mà ông gọi là chó đểu.
Sau quãng thời gian làm hàng ngàn nghề trên những vỉa hè thì Xuân Tóc đỏ đã làm một nhân viên nhặt ban quần vợt. Vốn khổ nhưng hắn lại tinh danh và giảo hoạt thêm cả cái đa dâm cho nên hắn quen được bà phó đoan. Người phụ nữ không có chồng đã già nhưng lại rất dâm đãng. Vũ Trọng Phụng không ngần ngại khi nói về cảm nhận của bà phó đoan về lần đầu bị hiếp dâm. Dâm đãng gặp Xuân Tóc Đỏ đã đem lòng thích chàng trai nhặt ban này. Thế rồi bà ta hứa sẽ cho Xuân về làm ở tiệm may Âu Hóa của vợ chồng nhà Văn Minh. Có thể nói cuộc đời Xuân Tóc Đỏ đã bắt đầu từ đây bước sang một trang mới. Nếu như trước hắn bị coi thường khinh miệt đến đâu thì quãng đời về sau lại được mọi người kính trọng và tặng cho những danh hiệu cao quý bấy nhiêu. Xã hội với sự cải cách mới ấy đã khiến cho một thằng vô giáo dục như Xuân có thể ngọc đầu dậy đứng lên những vị trí cao của xã hội thượng lưu.
Và sau đó Xuân được về làm cho tiệm may Âu Hoa thật, ban đầu ai cũng khinh miệt hắn thế nhưng càng về sau thì lại tranh giành hắn. Chẳng là hắn tinh danh nên cũng biết ăn biết nói để lấy lòng người. Nói đúng hơn là hắn nịnh nọt và tâng bốc. Mà trong cái xã hội ấy những con người chạy theo Âu Hóa lại càng thích được khen và việc làm của mình là đang giúp cho xã hội tiên tiến hiện đại hơn. Xuân được cử đi làm vận đông viên ban quần vợt đánh giao hữu với nước ngoài. Xuân được lệnh phải thua để giữ hòa bình giữa hai nước. Và sự hi sinh của Xuân ấy đã khiến cho cả nước khen ngợi là một anh hùng hi sinh vì đất nước. Xuân có công giữ gìn nền hòa bình cho cả đất nước này. Thế là cuộc đời Xuân cứ thế mà lên như diều gặp gió. Không những thế hắn cũng còn lưu manh giả danh trí thức khám chữa cho cụ cố tổ, Hắn bốc phét khiến cho người ta tưởng rằng hắn có tài lắm. Và hắn lại được thêm cái danh đốc tờ Xuân.
Trong đoạn trích ta còn thấy được cái “công” làm cho người cần chết phải chết. điều đó làm cho người ta càng thêm yêu thêm quý Xuân đặc biệt là nhà văn Minh. Xã hội thượng lưu đã giúp hắn có cơ hội được nhìn bằng một con mắt khác. Hắn vô học lưu manh như thế nhưng chính cái lưu manh vô học ấy lại giúp họ có thể thực hiện sự Âu hóa của mình. Không chỉ thế, Xuân còn khiến cho những người đàn bà thích hắn, đặc biệt là cô Tuyết. Một cô tiểu thư và hay mơ mộng. Tuyết ngóng xuân tóc đỏ trong đám tang của cụ cố tổ. Trong đám tang ấy Xuân xuất hiện dưới sự chú ý của mọi người. Xuân còn có vai trò đỡ lấy ông Phán mọc sừng khi ông ta giả vờ ngã xuống.
Nói tóm lại thì cuộc đời Xuân tưởng sẽ khốn khổ đến hết đời nhưng với sự vô học tinh danh cùng xã hội tây tàu ấy khiến cho anh trở thành một người được người ta kính trọng mỗi khi nhìn thấy. Đó chính là cái hiện thực mà nhà văn muốn nói tới qua nhân vật Xuân Tóc Đỏ. Thường thì các nhà văn thường xây dựng nhân vật của mình là người tốt. Ví như Chí Phèo của Nam Cao là một con quỷ dữ lưu manh như thế nhưng thực chất đó chỉ là kết quả ảnh hưởng của xã hội còn bản chất trong con người Chí vẫn là một anh nông dân lương thiện. Còn Vũ Trọng Phụng ở đây lại xây dựng một nhân vật quá xấu, quá vô lại để làm gì?. Cốt là để làm nổi bật cái mà nhà văn muốn tố cáo đó chính là xã hội bấy giờ.
Không thể không nhắc đến tính cách của Xuân Tóc Đỏ. Kể từ khi vẫn còn là một thằng lang thang đầu đường vỉa hè với những nghề vụn vãnh cho đến khi Xuân trở thành một người được kính trọng thì tính cách của hắn vẫn không hơn không kém một thằng vô giáo dục. Nhà văn Vũ Trọng phụng đã dùng ngòi bút hiện thực của mình để nói lên tính cách điển hình của Xuân. Mỗi sự kiên hoàn cảnh nào diễn ra hắn thường có câu cửa miệng là “mẹ kiếp” “chẳng được cái nước mẹ gì”. Cũng giống như cụ Cố Hồng với câu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Bản chất con người đã xấu xa thì dẫu có khoác lên mình những bộ quần áo của ông chúa bà hoàng để chia đậy thì cũng không thể nào che đậy được. Thế nhưng cái xã hội kia đã che đậy cho Xuân Tóc Đỏ khiến cho hắn trong mắt người khác vẫn đầy vẻ tài giỏi và anh hùng.
Không những thế Xuân còn là một kẻ rất cơ hội. Hắn có thể làm mọi việc có lợi cho hắn. Tức là cứ có tiền là hắn làm. Dù đôi khi công việc mà hắn làm cho bọn thương lưu kia là bị lợi dụng nhưng chính sư lợi dụng ấy lại khiến cho hắn được vinh danh. Hắn sẵn sàng làm cho một người tức chết để nhận lấy năm trăm đồng bạc. Qua đó ta thấy Xuân quả thật là một người không có lương tâm. Sống trong hoàn cảnh ấy hắn vẫn cùng có khả năng thay đổi con người mình cho phù hợp với hoàn cảnh.
Qua đây ta thấy nhà văn Vũ Trọng Phụng đã dùng ngòi bút tố cáo sâu sắc chân thực của mình để làm nổi bật lên cuộc đời và tính cách cảu nhân vật Xuân Tóc Đỏ. Đồng thời qua nhân vật ấy tác giả một lần nữa thể hiện sự phi lý và nhố nhăng của xã hội “chó đểu” ấy. Có lẽ chính thành công trong hình tượng nhân vật nay đã khiến cho tác phẩm của ông trở thành một tác phẩm hay và có giá trị.
----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024173 - Xem thêm