Học247 xin giới thiệu đến các em tài liệu Phân tích nhân vật Thạch Sanh dưới đây. Với tài liệu này, Học247 hi vọng rằng các em sẽ nắm được nội dung chính của truyện Thạch Sanh một cách có hệ thống. Từ đó, các em dễ dàng tìm hiểu bài Thạch Sanh trên lớp hơn. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Phân tích nhân vật Lý Thông trong truyện Thạch Sanh.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu nhân vật Thạch Sanh: Thạch Sanh là nhân vật để lại nhiều ấn tượng khó quên với người đọc bởi những đức tính tốt đẹp.
b. Thân bài:
- Xuất thân đặc biệt, là sự kết hợp của những điều bình thường và yếu tố phi thường.
- Là người chất phác, hiền lành, chăm chỉ, sẵn sàng xả thân vì người khác, khôn toan tính, vụ lợi. Là con người tài năng, quả cảm.
- Có tấm lòng nhân hậu, khoan dung. Yêu chuộng hòa bình.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo: xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập; kết hợp yếu tố bình thường và phi thường; sử dụng các chi tiết thần kì.
c. Kết bài:
- Cảm nghĩ về nhân vật Thạch Sanh: Thạch Sanh là một con người toàn mĩ cả về tài năng lẫn nhân cách. Thông qua nhân vật Thạch Sanh tác giả muốn gửi gắm niềm tin, ước mơ về chân lí cái thiện luôn luôn thắng cái ác.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy viết bài văn phân tích nhân vật Thạch Sanh trong truyện Thạch Sanh.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Chàng dũng sĩ Thạch Sanh trong tác phẩm cùng tên là nhân vật cổ tích ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Truyện xoay quanh những biến cố, những thử thách mà Thạch Sanh phải trải qua để đạt được hạnh phúc. Nhân vật đã thể hiện một cách trọn vẹn và đầy đủ những quan niệm của nhân dân ta về cái thiện, cái ác, về lòng yêu chuộng hòa bình.
Thạch Sanh vốn là con của Ngọc Hoàng, vì thương đôi vợ chồng nghèo đã lớn tuổi mà chưa có con nên Ngọc Hoàng sai Thạch Sanh xuống đầu thai làm con. Chàng được sinh ra hết sức đặc biệt, người mẹ mang thai vài năm mới hạ sinh Thạch Sanh và khi chàng vừa khôn lớn thì mẹ đã qua đời. Chàng sinh sống một mình dưới gốc đa, lấy nghề đốn củi để kiếm sống qua ngày. Thạch Sanh còn được các thiên thần xuống chỉ dạy võ nghệ và các phép thần thông. Ta có thể thấy rằng, sự ra đời và cuộc sống của Thạch Sanh là sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố bình thường với những yếu tố phi thường, kì lạ. Bình thường ở chỗ cha mẹ chàng là những người lao động nghèo, hiền lành, tốt bụng, thường giúp đỡ mọi người. Thạch Sanh sớm mồ côi cha mẹ - chàng là đại diện tiêu biểu cho những trẻ mô côi, một trong những lớp người khốn cùng nhất của xã hội. Để nuôi sống bản thân Thạch Sanh đã dùng tài sản duy nhất của cha để lại là chiếc rìu mang đi đốn củi, công việc của chàng hết sức bình dị, đời thường. Những nét đời thường đó khiến cho nhân vật gần gũi hơn với đời sống nhân dân. Nhưng ẩn đằng sau cái bình dị đó lại là sự xuất thân khác thường: chàng vốn là thái tử được sai xuống trần gian, người mẹ mang thai vài năm mới sinh ra Thạch Sanh, chàng được các thiên thần dạy võ nghệ và phép thuật. Những điểm khác thường đó chính lá dấu hiệu báo trước cho người đọc biết những việc làm phi thường của chàng sau này. Đồng thời mở ra hướng phát triển của câu chuyện, làm câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.
Khi mẹ con nhà Lý Thông lừa chàng đi nộp mạng cho chằn tinh, với bản tính vốn hiền lành lại dễ tin người chàng liền nhận lời ngay. Vậy mà khi đối mặt với con chằn tinh hiểm ác Thạch Sanh không một phút nao núng, chàng vung lưỡi búa sử dụng các phép thần để đánh bại nó. Trong đêm ấy Thạch Sanh trở về với đầu con chằn tinh và bộ cung tên vàng. Tên họ Lý gian manh lại bày mưu lừa chàng trở về lại túp lều tranh để hắn một mình đi lãnh thưởng. Cứ ngỡ đến đây cuộc sống chàng trai hiền lành sẽ bước sang một trang mới tươi sáng hơn, ngờ đâu kẻ gian cứ luôn dùng gian kế hiểm độc của mình để hại chàng. Thạch Sanh quay lại cuộc sống tiều phu quanh năm mòn mỏi bên gốc cây đa. Có một lần đang ngồi dưới gốc đa, chàng tình cờ thấy đại bàng bay qua, chân có quắp một người, sẵn bộ cung tên vàng chàng bắn một phát. Mũi tên trúng cánh đại bàng. Thạch Sanh lần theo vết máu, tìm được chỗ ở của đại bàng và cứu được công chúa. Một lần nữa chàng bị tên Lý Thông dồn vào thế nguy hiểm nhưng vốn chẳng phải người thường chàng dễ dàng giết chết con đại bàng và giải cứu con trai vua Thuỷ Tề. Thạch Sanh quay lại bên túp lều tranh với cây đàn, chàng quả là một người trượng nghĩa và có tấm lòng cao cả sẵn sàng xả thân vì người khác, chẳng ngại nguy khó, không tham danh lợi, phù hoa.
Số phận Thạch Sanh thật lắm trái ngang, khó khăn cứ chồng chất khó khăn, hiểm nguy cứ theo chân nhau tìm đến. Chàng bị linh hồn bọn chằn tinh, đại bàng vu oan cho tội trộm cắp. Bị giam trong ngục tối vì quá đau khổ, buồn bực cho cuộc đời lắm nghịch cảnh mình chàng gẩy những tiếng đàn như ai oán, trách than tiếng đàn vang vọng trong hoàng cung đến tai công chúa, người con gái ấy bỗng nhiên cười nói lại được và một mực gặp người gảy đàn. Cuộc đời bế tắc của Thạch Sanh đến đây như được tươi sáng trở lại, chàng được minh oan trả lại sự công bằng cho bản thân.
Không chỉ là hiện thân của vẻ đẹp lý tưởng trong quá trình đấu tranh chống lại cái ác, Thạch Sanh còn là biểu tượng của tấm lòng nhân đạo, lòng yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta. Trong thử thách cuối cùng, Thạch Sanh thu phục các nước chư hầu đã thể hiện rõ nét nhất điều này. Bằng tài năng, tấm lòng của mình chàng đã dùng tiếng đàn thần làm quân giặc “bủn rủn chân tay, không còn nghĩ được gì tới việc đánh nhau nữa”. Chàng lại dùng niêu cơm thần dọn một bữa cơm thiết đãi những kẻ thua trận. Chi tiết niêu cơm thần vừa phản ánh tấm lòng nhân đạo của Thạch Sanh vừa thể hiện mơ ước ấm no, hạnh phúc của dân tộc ta. Thạch Sanh là sự hội tụ những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân Việt Nam: hiền lành, chất phác, tốt bụng, anh dũng , kiên cường, khoan dung và yêu chuộng hòa bình.
Xây dựng nhân vật Thạch Sanh các tác giả dân gian đã tạo nên cốt truyện hết sức hấp dẫn, kịch tính, tạo hai tuyến nhân vật đối lập mà Thạch Sanh là đại diện cho cái thiện. Bên cạnh đó nhân vật được xây dựng là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố bình thường và phi thường khiến cho nhân vật vừa giản dị, gần gũi nhưng cũng hết sức cao quý. Đi kèm với nhân vật luôn có sự trợ giúp của các đồ vật thần kì (đàn, niêu cơm, cung tên) làm tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Kết thúc tác phẩm là kết thúc có hậu, đây là kiểu kết thúc phổ biến của truyện cổ tích. Trải qua những khó khăn, vất vả, Thạch Sanh đã dành được phần thưởng xứng đáng (lấy công chúa, lên ngôi vua), qua đó còn phản ánh mơ ước, khát vọng, quan niệm ở hiền gặp lành của nhân dân ta.
Thạch Sanh là truyện cổ tích hấp dẫn, giàu kịch tính. Tác phẩm đã dựng lên chân dung của một vị anh hùng toàn tài, toàn mĩ cả về nhân cách lẫn tài năng. Qua nhân vật này, các tác giả dân gian thể hiện mơ ước, niềm tin về đạo đức, công lí và công bằng trong xã hội, đồng thời thể hiện tư tưởng nhân đạo và yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Cuộc sống vốn dĩ không bao giờ bằng phẳng, trên con đường tìm đến hạnh phúc luôn chứa đầy những khó khăn, thử thách đòi hỏi ta phải dũng cảm, kiên trì vượt qua. Truyện cổ tích Thạch Sanh là minh chứng cho điều đó, để tìm đến được hạnh phúc chàng đã phải đối mặt với biết bao hiểm nguy, có những khi tưởng chừng như gục ngã. Thạch Sanh được xây dựng trên trí tưởng tượng của dân gian là một con người hoàn mỹ về nhân cách và tài năng, mang theo đó là niềm tin bất diệt của con người vào sự công bằng trong xã hội.
Thạch Sanh hiện lên là một chàng trai nghèo nhưng lại có gốc gác đầy ly kỳ, bởi chàng là thái tử của Ngọc hoàng đại đế, được phái xuống trần làm con trai của cặp vợ chồng nghèo khó sống lương thiện nhưng mãi chẳng có nổi một mụn con. Sự hiền lành, nhân hậu của họ đã khiến trời đất động lòng thương xót ban cho một đứa con khi tuổi đã xế chiều, và đứa trẻ ấy lại chẳng phải người thường. Mẹ chàng đã lớn tuổi lại phải mang thai ròng rã mấy năm trời, mà Thạch Sanh vẫn chưa chịu ra đời. Vì cha mẹ tuổi cao sức yếu nên sớm qua đời, chàng phải chịu cảnh mồ côi, sống côi cút, lẻ loi trong một túp lều tranh dưới gốc cây đa, cả gia tài chỉ có chiếc búa người cha để lại, hằng ngày chàng lên rừng đốn củi kiếm sống. Có thể nói nhân vật Thạch sanh có xuất thân giản dị, có cha mẹ là những người nông dân hiền lành, tốt bụng, chăm chỉ như bao người khác, nhưng đằng sau đó xen lẫn cả yếu tố kỳ bí, huyền diệu, chi tiết này đã làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, gây cảm xúc hứng thú cho người đọc. Cũng là điềm báo cho một tương lai đầy sóng gió nhưng không kém phần oanh liệt của chàng trai tên Thạch Sanh này.
Đầu tiên là việc nhận lời kết nghĩa anh em với Lí Thông, bị Lí Thông bóc lột sức lao động. Thạch Sanh đã lấy sức của mình làm giàu cho mẹ con họ Lí. Rồi đến việc mẹ con Lí Thông lừa đi canh miếu thờ để thế mạng. Bằng tài năng và lòng dũng cảm của mình, Thạch Sanh đã diệt được chằn tinh, trừ đi mối họa cho dân làng. Thế những cuộc đời của chàng lại gặp gian nan, trắc trở, Lí Thông cướp công, rồi đuổi đi. Thạch Sanh buồn tủi, nghĩ thân phận của mình thật hẩm hiu. Tuy hoàn cảnh như vậy nhưng Thạch Sanh vẫn giàu lòng vị tha, nhân ái. Chàng lại giúp Lí Thông đi tìm công chúa Quỳnh Nga dưới hang đại bàng. Cứu được công chúa, Thạch Sanh lại bị Lí Thông hãm hại, bị nhốt trong hang đá. Lòng dũng cảm và tài năng phi thường đã giúp Thạch Sanh vượt qua tất cả. Thạch Sanh chiến thắng đại bàng, cứu thái tử con vua Thủy Tề và được tặng cây đàn thần. Tuy nghèo khó nhưng Thạch Sanh không nhận vàng bạc của vua Thủy Tề ban tặng, chỉ nhận cây đàn rồi về bên gốc đa, tiếp tục vào rừng đốn củi, nuôi thân. Phẩm chất của Thạch Sanh thật đẹp đẽ, cao quý, không sợ hiểm nguy, bất chấp gian khổ để để cứu người mà không cần bổng lộc, sống cuộc sống bằng sức lao động của chính mình, mặc dù cuộc đời đang gặp lắm khổ ải, gian nan. Thạch Sanh là một con người bình thường nhưng cũng rất phi thường. Sức khỏe, tài năng và nghị lực đã giúp Thạch Sanh làm nên chiến công rạng rỡ. Chàng chiến thắng trở về với mảnh đất quê hương nhưng bọn tà gian đâu chịu để yên. Thạch Sanh lại gặp Lí Thông vì bị vu oan. Lí Thông đã làm ngơ trước oan khúc của Thạch Sanh, chẳng động lòng trắc ẩn mà còn đợi ngày đem Thạch Sanh xử tử. Bằng tiếng đàn, Thạch Sanh đã vạch tội Lí Thông ăn ở bất nhân, bất nghĩa. Tiếng đàn của Thạch Sanh là tiếng nói của người lương thiện đòi công lí. Tiếng nói ấy cũng đã thấu tai vua, Thạch Sanh được giải oan bởi tiếng nói chân chính của mình. Bộ mặt dối trá, lương tâm ác độc của Lí Thông cũng đã lộ ra trước công lí Thạch Sanh lại tha tội cho Lí Thông. Lòng vị tha của chàng đã đáp lại sự đố kị của Lí Thông. Mẹ con Lí Thông được Thạch Sanh tha tội cho về quê làm ăn nhưng tội ác của họ quá lớn, công lí chẳng dung tha, Lí Thông đã bị thần sét đánh chết, cho hóa kiếp làm bọ hung, đời đời sông trong dơ bẩn. Tính cách và hành động của Lí Thông luôn đối lập với Thạch Sanh.
Tấm lòng nhân hậu, khoan dung của Thạch Sanh còn mở ra một khía cạnh khác sâu sắc hơn, thể hiện được toàn bộ vẻ đẹp tâm hồn chàng, đó một tấm lòng nhân nghĩa, là lòng yêu hòa bình sâu sắc, mong muốn nhân dân được an cư lạc nghiệp, xóa bỏ mọi hận thù chiến tranh phi nghĩa, đổ máu vô ích. Chàng thu phục các nước chư hầu bằng bằng tấm lòng cao cả của mình, khi tiếng đàn cất lên mang theo những ước muốn, khát khao hòa bình đã cảm động đến từng binh sĩ, khiến quân các nước tự nhiên không còn ý chí chiến đấu nữa chỉ muốn quay về với gia đình. Thạch Sanh còn thiết đãi binh sĩ các nước những niêu cơm thần của mình, niêu cơm nhỏ bé ấy, nhưng ăn mãi chẳng vơi, ẩn sâu trong đó là mong ước nhân dân có một cuộc sống sung túc đủ đầy, chẳng phải lo đến cơm ăn áo mặc, được an cư lạc nghiệp, cũng thể hiện sức mạnh nhân nghĩa cường đại của một vị minh quân lấy nhân đức để trị thiên hạ.
Thạch Sanh một câu chuyện cổ tích thật hấp dẫn và chứa đựng đầy tình tiết gay cấn, kịch tính. Có lúc người tốt tưởng chừng như đi vào bế tắc thế nhưng rồi cũng tìm được hạnh phúc mà họ xứng đáng được nhận. Câu chuyện để lại cho chúng ta bài học về triết lý nhân sinh sâu sắc “Gieo nhân nào gặp quả ấy”, “Ở hiền gặp lành”, đồng thời nói lên tư tưởng nhân đạo và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta, hướng con người đến những giá trị đạo đức tốt đẹp mà trong đó chữ “Thiện” lấy làm đầu.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024125 - Xem thêm