Truyện Em bé thông minh đề cao giá trị của trí tuệ, ca ngợi sự thông minh, nhanh nhẹn của con người. Để hiểu hơn về câu chuyện ý nghĩa này, Học247 xin gửi đến các em bài văn mẫu Đóng vai cậu bé kể lại truyện Em bé thông minh dưới đây. Bên cạnh đó, bài văn mẫu này còn giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết văn ngày càng hay và sáng tạo nhất. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Cảm nghĩ của em về nhân vật Em bé thông minh.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Một hôm, cha tôi đang đánh trâu cày còn tôi đang đập đất thì có một viên quan dừng ngựa gần chỗ chúng tôi.
- Viên quan hỏi cha tôi: “Này, lão kia! Trâu của lão cày một ngày được mấy đường?”
- Khi đó, tôi khoảng bảy, tám tuổi nhưng nghe ông quan hỏi cha tôi thế nên tôi đã hỏi vặn lại quan rằng: “Nếu ông trả lời đúng ngựa của ông đi một ngày được mấy bước, tôi sẽ cho ông biết trâu của cha tôi cày một ngày được mấy đường”
- Tôi thấy ông quan há hốc mồm sửng sốt không biết trả lời tôi ra sao.
- Ông quan hỏi tôi về tên họ, làng xã quê quán của cha con tôi rồi phi ngựa đi thẳng.
b. Thân bài:
* Vượt qua thử thách lần thứ nhất:
- Một hôm, nhà vua ban cho làng tôi ba thúng gạo nếp và ba con trâu đực, ra lệnh làm sao phải nuôi cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con, hẹn năm sau phải đem nộp đủ, nếu không thì cả làng phải tội.
- Cả làng lo lắng. Biết chuyện, tôi xin cha tôi thưa với dân làng giết thịt hai con trâu và đồ hai thúng gạo nếp để mọi người ăn một bữa cho sướng miệng. Còn một con trâu và một thúng gạo nếp bán đi lấy tiền làm lộ phí cho cha con tôi trẩy kinh lo liệu việc của làng.
- Làng ngờ vực bắt tôi viết giấy cam đoan mới đám ngả trâu đánh chén.
- Sau đó mấy hôm, cha con tôi lên đường. Đến hoàng cung, tôi bảo cha tôi đứng đợi ở ngoài, còn tôi thì nhè lúc mấy người lính canh sơ ý, lẻn vào sân rồng khóc um lên. Vua sai lính điệu tôi vào, phán hỏi: “Thằng bé kia, mày có việc gì? Sao lại đến đây mà khóc?”
- Lúc đó, tôi vờ vĩnh đáp: “Tâu đức vua, mẹ con chết sớm mà cha con không chịu đẻ em bé để chơi với con cho có bạn, cho nên con khóc. Dám mong đức vua phán bảo cha con cho con được nhờ”.
- Nghe tôi nói thế, vua và các triều thần đều bật cười. Vua lại phán: “Mày muốn có em thì phải kiếm vợ khác cho cha mày, chứ cha mày là giống đực, làm sao mà đẻ được!”
- Lúc đó, với vẻ mặt tươi tĩnh, tôi thưa với vua: “Thế sao làng chúng con lại có lệnh trên bắt nuôi ba con trâu đực cho đẻ thành chín con để nộp đức vua? Giống đực thì làm sao mà đẻ được ạ!”
- Lúc đó, vua cười và bảo: “Ta thử đấy thôi mà! Thế làng chúng mày không biết đem trâu ấy ra thịt mà ăn với nhau à?”
- Tôi thưa với vua rằng làng biết đó là lộc của vua ban nên đã làm cỗ ăn mừng với nhau rồi.
- Nghe tôi nói vậy, nhà vua chỉ cười.
* Vượt qua thử thách lần thứ hai:
- Một hôm, khi hai cha con tôi đang ăn cơm ở công quán, bỗng có sứ giả nhà vua mang đến một con chim sẻ, với lệnh cho tôi phải dọn thành ba cỗ thức ăn. Tôi nhờ cha tôi lấy một cây kim và tôi đưa cho sứ giả cái kim đó rồi nói: “Ông cầm cái kim này về tâu với vua xin rèn cho tôi thành một con dao để xẻ thịt chim”.
- Sau hôm đó, nhà vua cho gọi cha con tôi vào và ban thưởng cho rất hậu.
* Vượt qua thử thách lần ba:
- Hồi đó, có một nước láng giềng lăm le muốn chiếm nước ta. Để dò xem nước ta có nhân tài hay không, họ sai sứ thần nước họ đưa sang một cái vỏ ốc vặn rất dài, rỗng hai đầu, đố làm sao xâu một sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc.
- Các đại thần nước ta đều vò đầu suy nghĩ. Mọi người dùng nhiều cách nhưng vô hiệu. Cuối cùng triều đình đành mời sứ thần ra ở công quán đế kéo dài thời gian tìm người giải câu đố.
- Một hôm, tôi đang đùa nghịch ở sau nhà thì có chỉ dụ của vua. Nghe viên quan nói đầu đuôi câu chuyện, tôi hiểu ra và bày cho viên quan cách xâu chỉ qua mây câu hát sau:
“Tang tình tang! Tính tình tang
Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng
Bên thời lấy giấy mà bưng
Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang
Tang tình tang...”
c. Kết bài:
- Viên quan sung sướng trở về triều đình và thực hiện như lời tôi nói. Nhờ vậy, sợi chỉ xâu xuyên qua ruột con ốc xoắn một cách dễ dàng.
- Sứ giả nước láng giềng vô cùng thán phục.
- Tôi thật bất ngờ và vui khi được vua phong cho tôi là trạng nguyên. Không những vậy, nhà vua còn xây cho cha con tôi một dinh biệt thự ở một bên hoàng cung đế tôi ở cho vua tiện hỏi han.
- Tôi cố gắng học tập để không phụ lòng của đức vua.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy viết một bài văn ngắn đóng vai cậu bé kể lại truyện Em bé thông minh.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Tôi và cha sống cùng nhau bình yên ở một ngôi làng nọ. Một hôm, tôi đang phụ cha cày bừa cho vụ mùa mới thì thấy có một viên quan từ đâu tới. Khi đến gần, viên quan ấy mới cất tiếng hỏi:
- Này, lão kia! Trâu của lão cày một ngày được mấy đường?
Cha tôi chưa biết trả lời thế nào, tôi nhanh miệng hỏi vặn lại quan rằng:
- Thế xin hỏi ông câu này đã. Nếu ông trả lời được ngựa của ông đi một ngày được mấy bước tôi sẽ cho ông biết trâu của cha tôi cày một ngày được mấy đường.
Viên quan nghe tôi hỏi lại như thế thì lộ ra vẻ sửng sốt. Sau đó ông ta hỏi tên họ làng xã quê quán của hai cha con tôi rồi phi ngựa một mạch đi.
Một thời gian sau, nhà vua sai ban cho làng tôi ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con, hẹn năm sau phải đem nộp đủ, nếu không thì cả làng phải tội.
Nhận lệnh vua, cả làng đều tưng tửng và lo lắng không hiểu thế là thế nào. Tôi nghe rõ ngọn ngành đầu đuôi câu chuyện, cha cả ngày đều liên tục thở dài, thấy vậy tôi bèn bảo cha:
- Chả mấy khi được lộc vua ban, bố cứ thưa với làng làm thịt hai trâu và đồ hai thúng gạo nếp để mọi người ăn một bữa cho sướng miệng. Còn một trâu và một thúng gạo, ta sẽ xin làng làm phí tổn cho bố con ta trẩy kinh lo việc đó.
Cha tôi sửng sốt nhưng tôi quả quyết:
- Cha cứ mặc con lo liệu, thế nào cũng xong xuôi mọi việc.
Ngày hôm sau, cha tôi vội ra đình trình bày câu chuyện. Cả làng nghe nói ban đầu vô cùng ngờ vực, bắt cha con tôi phải làm giấy cam đoan, mới dám ngả trâu đánh chén.
Sau đó mấy hôm, hai cha con tôi khăn gói tìm đường tiến kinh. Đến hoàng cung, tôi bảo cha đứng ở ngoài, còn mình thì lẻn vào sân rồng khóc um lên. Vua sai lính điệu tôi vào, phán hỏi nguyên do
- Tâu đức vua tôi đá mẹ con chết sớm mà cha con thì không chịu đẻ em bé để chơi với con cho có bạn, cho nên con khóc. Dám mong đức vua phán bảo cha con cho con được nhờ.
Nghe nói, vua và các triều thần đều bật cười. Vua phán:
- Muốn có em thì phải kiếm vợ khác cho bố mày, chứ bố mày là giống đực, làm sao mà đẻ được!
Thấy mọi chuyện đều đúng như dự đoán, tôi tươi tỉnh đáp:
- Thế sao làng chúng con lại có lệnh trên bắt nuôi ba con trâu đực cho đẻ thành chín con để nộp đức vua? Giống đực thì làm sao mà đẻ được kia chứ!
Vua cười bảo:
- Ta thử đấy thôi mà! Thế làng chúng mày không biết đem trâu ấy ra thịt mà ăn với nhau à?
- Tâu đức vua, làng chúng con sau khi nhận được trâu và gạo nếp, biết là lộc của đức vua, cho nên đã làm cỗ ăn mừng với nhau rồi.
Vua và đình thần gật gù rồi sai người đưa hai cha con tôi đi sắp xếp chỗ ăn ở. Qua hôm sau, bỗng có sứ nhà vua mang tới cho một con chim sẻ, với lệnh bắt họ phải dọn thành ba cỗ thức ăn. Nhanh chóng suy nghĩ, tôi liền bảo cha lấy cho mình một cái kim may rồi đưa cho sứ giả, bảo:
- Phiền ông cầm lấy cái này về tâu đức vua xin rèn cho tôi thành một con dao để xẻ thịt chim.
Lập tức, vua cho gọi cả hai cha con tôi vào, ban thưởng rất hậu.
Một hôm, triều đình bỗng mời sứ thần ra ở công quán nơi tôi và cha ăn ở. Và khi nghe nói xâu chỉ vào vỏ ốc, tôi bèn chỉ cho cách dung con kiến càng để phá giải câu đố. Quả nhiên cách ấy hiệu nghiệm trước con mắt thán phục của sứ giả nước láng giềng. Rồi sau đó, vua phong cho tôi làm Trạng nguyên. Vua lại sai xây dinh thự ở một bên hoàng cung cho tôi ở, để tiện hỏi han.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Ngày xưa, mỗi khi nhà vua muốn tìm người tài giỏi ra giúp nước thường cử các quan đi vào các làng xóm, cho giao mõ kén người tài, như trường hợp Thánh Gióng.
Khi phát hiện được nhân tài rồi, nhà vua và triều đình còn tìm cách thử thách thêm nữa. Sự thử thách có khi là chữ nghĩa, cũng có khi chỉ là vấn đề cần đến sự hiểu biết của trí thông minh.
Trường hợp tôi trên đây là thử tài bằng cách tìm khiếu thông minh. Khi viên quan hỏi cha mẹ tôi: “một ngày cày được mấy đường” có ai đếm đường cày làm gì, cho nên người cha tôi không trả lời được, nhưng tôi thì biết cách trả lời thông minh: “Ngựa của ông đi một ngày mấy bước thì tôi sẽ cho ông biết trâu của cha tôi ngày cày được mấy đường”.
Thế là viên quan mừng quá nên về tâu với vua. Vua cũng mừng nhưng để thử lại trí thông minh một lần nữa, nhà vua bắt dân làng làm một việc trái ngược với thực tế, nghĩa là làm cái việc theo cách thức dân dã, tự nhiên thì không làm được, mà phải đối đầu với nhà vua bằng trí tuệ. Vì vậy khi vua giao cho dân làng tôi: “Ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực, ra lệnh làm sao nuôi ba con trâu ấy thành chín con, hẹn năm sau phải nộp đủ, nếu không thì cả làng chịu tội”
Được lệnh ấy dân làng lo lắng, họp bàn nhiều lần mà vẫn không sao giải quyết được. Thấy thế tôi bảo cha: “Cứ đem hai thúng gạo nếp và hai con trâu mà “đánh chén” cho sướng, còn một thúng gạo và một con trâu làm lộ phí để con vào kinh giải quyết.” Lúc đầu cha và dân trong làng sợ không dám làm. Nhưng khi nhớ lại cái thông minh của tôi khi đối đáp với viên quan ngoài đồng, người cha yên tâm làm theo ý tôi, cả làng ăn khao.
Đến hoàng cung, tôi khóc lóc om sòm. Vua cho người gọi vào hỏi rõ sự tình. Tôi mới bảo rằng cha không chịu đẻ em bé cho mình có bạn. Nhà vua bật cười nói rằng muốn có em bé thì phải lấy vợ khác cho cha. Tôi liền mượn cớ hỏi lại vua vậy vì sao lại bắt làng nuôi trâu đực đẻ con. Vua thừa nhận mình muốn thử thách dân làng, rồi ban thưởng hậu hĩnh cho hai cha con tôi.
Lúc bấy giờ, nước láng giềng muốn xâm lược nước ta, để dò xét họ liền sai sứ giả mang một cái vỏ ốc vặn dài hai đầu với lời thách đố xuyên được sợi chỉ qua. Vua sai viên quan đến hỏi tôi. Tôi liền bày cách giúp đỡ. Câu đố được giải khiến sứ giả nước láng giềng kinh ngạc. Về sau, tôi được phong làm trạng nguyên và được đón vào cùng để học hành.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024225 - Xem thêm