OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA

Đề cương ôn tập HK1 môn Địa lí 11 KNTT năm 2023-2024

14/12/2023 517.61 KB 57 lượt xem 0 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2023/20231214/33854729586_20231214_112829.pdf?r=6919
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Hãy cùng HỌC247 tham khảo Đề cương ôn tập Học kì 1 môn Địa lí 11 Kết nối tri thức năm 2023-2024 để củng cố các kiến thức cơ bản về sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, khu vực như: EU, Tây Nam Á, Đông Nam Á, .... Ngoài ra, tài liệu còn có các bài tập trắc nghiệm sẽ giúp các em luyện tập các bài tập thực hành để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi học kì 1 sắp tới. 

 

 
 

1. Ôn tập lý thuyết

1.1. Liên minh châu Âu, một liên kết khu vực lớn trên thế giới

1.1.1. Quy mô, mục tiêu và thể chế hoạt động của EU

a. Quy mô

- EU là tổ chức khu vực có quy mô lớn về số thành viên, diện tích và số dân và vẫn đang có xu hướng tiếp tục mở rộng.

- Năm 1957, Cộng đồng kinh tế châu Âu được thành lập với 6 quốc gia thành viên. Năm 1967, tổ chức này hợp nhất với Cộng đồng Than và Thép châu Âu và Cộng đồng Nguyên tử châu Âu thành Cộng đồng châu Âu (tiền thân của EU).

- Ngày 1/11/1993, Hiệp ước Ma-xtrích có hiệu lực, là cột mốc đánh dấu sự thành lập chính thức của EU.

- Năm 2021, EU có 27 quốc gia thành viên, chiếm 17,8% GDP toàn thế giới.

b. Mục tiêu của EU

- Mục tiêu của EU khi thành lập được thể hiện qua Hiệp ước Ma-xtrích (1993). Với ba trụ cột về kinh tế, chính trị và tư pháp, Hiệp ước hướng đến xây dựng EU thành khu vực tự do và liên kết chặt chẽ.

- Để phù hợp với quá trình hợp tác, phát triển và mở rộng thành viên, EU đã điều chỉnh các mục tiêu của mình, thể hiện ở Hiệp ước Li-xbon (2009). Mục tiêu chung hiện nay của EU là xây dựng một khu vực dân chủ hơn, hiệu quả hơn và có khả năng giải quyết tốt hơn các vấn đề toàn cầu.

Ba trụ cột của EU theo hiệp ước Ma-xtrích

c. Thể chế hoạt động của EU

- Thể chế của EU ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn. Các mục tiêu toàn diện và thể chế minh bạch, dân chủ làm cho EU ngày càng đoàn kết, thịnh vượng và nâng cao vị thế trên thế giới.

- Bốn cơ quan thể chế ra quyết định chính và điểu hành EU 1à Hội đồng châu Âu, Hội đồng Liên minh châu Âu, Uỷ ban châu Âu và Nghị viện châu Âu. Các cơ quan này có chức năng riêng biệt, phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm ra quyết định và điều hành hoạt động của EU.

Các cơ quan thể chế của EU

1.1.2. Vị thế của EU trong nền kinh tế thế giới

- Quy mô nền kinh tế

+ Năm 2021, GDP của EU chiếm 17,8% GDP toàn cầu và lớn thứ ba trên thế giới (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc). GDP/người đạt mức cao (38 234 USD), gấp 3.1 lần mức trung bình toàn thế giới.

+ Ba nền kinh tế lớn nhất EU là Cộng hòa Liên bang Đức, Pháp, I-ta-li-a cũng là những cường quốc kinh tế trên thế giới và thuộc nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7).

- Một số lĩnh vực dịch vụ

+ Một số lĩnh vục dịch vụ của EU có vị thế cao trên thế giới là thương mại, đầu tư, tài chính ngân hàng.

+ Thương mại: EU là một trung tâm thương mại lớn trên thế giới. EU hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu và trở thành đối tác thương mại hàng đầu của 80 quốc gia; Năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của EU cao nhất thế giới, chiếm 31,0% trị giá toàn cầu.

+ Đầu tư nước ngoài: EU có giá trị đầu tư ra nước ngoài cao thứ hai trên thế giới (sau Hoa Kỳ, năm 2021); Nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của EU cao nhất thế giới (19,0 tỉ USD, năm 2021), hỗ trợ phát triển bền vững ở các khu vực nghèo hơn trên thế giới.

+ Tài chính ngân hàng: Sức mạnh tài chính của EU thể hiện ở các lĩnh vực: ngân hàng, bảo hiểm và thị trường vốn.

- Một số lĩnh vực sản xuất: Một số lĩnh vực sản xuất của EU có vị thế cao trên thế giới là công nghiệp chế tạo, ứng ụng khoa học - công nghệ. Một số sản phẩm công nghiệp của EU chiếm thị phần xuất khẩu lớn trên thế giới năm 2021 là: dược phẩm (62,9%), máy bay (69,3%), ô tô (49,7%), máy công cụ (55,1%),...

1.1.3. Một số biểu hiện của hợp tác và liên kết trong EU

- Thiết lập một EU tự do, an ninh và công lí

Biên giới Bỉ - Hà Lan

- Hình thành một liên minh kinh tế và tiền tệ với đồng tiền chung Ơ-rô

- Hợp tác chuyển đổi kĩ thuật số và phát triển bền vững

1.2. Kinh tế khu vực Đông Nam Á

1.2.1. Tình hình phát triển kinh tế

- Quy mô GDP tăng liên tục trong giai đoạn 2000 - 2020. Tuy nhiên, so với thế giới, quy mô GDP các nước Đông Nam Á còn nhỏ, năm 2020 chiếm khoảng 3,6% GDP toàn cầu.

- Là khu vực có nền kinh tế phát triển năng động bậc nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao hơn mức trung bình của thế giới.

- Cơ cấu kinh tế: hầu hết các nước đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Một số quốc gia đang chú trọng phát triển nền kinh tế tri thức, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Cơ cấu GDP của In-đô-nê-xi-a và Việt Nam giai đoạn 2005 - 2020

(Nguồn: Ngân hàng Thế giới, 2022)

- Nguyên nhân phát triển: Các nước tận dụng được các lợi thế về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động cũng như thu hút được các nguồn đầu tư bên ngoài.

1.2.2. Các ngành kinh tế

a. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản

- Đông Nam Á có nền nông nghiệp nhiệt đới với cơ cấu sản phẩm đa dạng. Tuy tỉ trọng ngày càng giảm đi trong cơ cấu GDP nhưng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á.

- Ngành này vừa đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho số dân đông, vừa tạo ra các mặt hàng xuất khẩu đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho nhiều nước.

- Một số quốc gia đang đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

b. Công nghiệp

- Tình hình phát triển: Công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nến kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á: thúc đẩy chuyển dịch cơ cẩu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá; tạo nhiều việc làm; tăng nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu.

- Một số ngành công nghiệp quan trọng:

+ Công nghiệp cơ khí chế tạo: Được coi là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng khả năng cạnh tranh của khu vực; Công nghiệp cơ khí chế tạo là thế mạnh của Thái Lan, Inđônêxia, Xingapo và Việt Nam.

+ Công nghiệp điện tử - tin học: Đang trở thành ngành mũi nhọn của nhiều nước trong khu vực, như: Xingapo, Thái Lan, Malaixia, Việt Nam, ...; Ngành này phát triển dựa trên tiềm năng về nguồn lao động trẻ, có trình độ kĩ thuật và thu hút đầu tư nước ngoài, ...

+ Công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng: Được phát triển dựa trên thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, thị trường tiêu thụ lớn và nguồn lao động dồi dào. Đây là các ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Phân bố ở tất cả các quốc gia trong khu vực, nhất là các nước đông dân như Inđônêxia, Thái Lan, Việt Nam và Philíppin.

+ Công nghiệp khai thác khoáng sản: Là ngành công nghiệp quan trọng của nhiều nước trong khu vực. Khai thác thiếc trong khu vực chiếm hơn một nửa sản lượng thế giới, phát triển ở Malaixia, Inđônêxia, Mianma, Thái Lan. Khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên phát triển mạnh ở Brunây, Malaixia, Inđônêxia, Việt Nam.

c. Dịch vụ

- Thương mại

- Giao thông vận tải

+ Giao thông vận tải được chú ý phát triển và hiện đại hóa nhằm phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân mỗi nước và tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

+ Giao thông đường bộ được đầu tư, hiện đại hoá mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu sản xuất tăng nhanh. Đường sắt khá phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á lục địa. Giao thông đường biển đóng vai trò quan trọng. Giao thông hàng không đang phát triển. 

- Tài chính ngân hàng

+ Tài chính ngân hàng của hầu hết các quốc gia trong khu vực đang trong quá trình phát triển và hội nhập với thế giới. Ngành này dẫn trở thành động lực thúc đẩy kinh tế các nước trong khu vực.

+ Những thuận lợi về nguồn lao động và thị trường quy mô lớn đang thúc đẩy sự phát triển nhanh và đa dạng của ngành.

+ Các trung tâm tài chính lớn trong khu vực là Xingapo, Cuala Lămpơ, Băng Cốc, Giacácta, Thành phố Hồ Chí Minh,...

- Du lịch

+ Du lịch có vai trò ngày càng quan trọng ở Đông Nam Á. Số lượng khách du lịch và doanh thu du lịch ngày càng tăng. Năm 2019, ngành du lịch đóng góp hơn 393 tỉ USD vào GDP của khu vực.

+ Các quốc gia có ngành du lịch phát triển mạnh là: Thái Lan, Việt Nam, Inđônêxia, Xingapo,...

+ Một số điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực là: Đền Ăngco Vát (Campuchia), vịnh Hạ Long (Việt Nam), Bali (Inđônêxia), Bagan (Mianma), Cuala Lămpơ (Malaixia), Băng Cốc (Thái Lan), ...

1.3. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư- xã hội khu vực Tây Nam Á

1.3.1. Phạm vi lãnh thổ và vị trí địa lí

a. Đặc điểm

- Phạm vi: Tây Nam Á gồm 20 quốc gia có diện tích đất khoảng 7 triệu km2.

- Vị trí địa lí:

+ Nằm ở phía tây nam của châu Á, trong khoảng vĩ độ từ 12°B đến 42°B và trong khoảng kinh độ từ 27°Đ đến 73°Đ, vị trí được ví như cầu nối giữa ba châu lục: châu Á, châu Âu và châu Phi, ở vị trí tiếp xúc của các mảng kiến tạo lớn, trên vành đai sinh khoảng Địa Trung Hải.

+ Tiếp giáp với nhiều biển và vịnh biển (Biển Đỏ, biển Aráp, vịnh Pécxích, Địa Trung Hải, Biển Đen), thông ra Đại Tây Dương ở phía bắc và Ấn Độ Dương ở phía nam.

b. Ảnh hưởng

- Tạo nên một khu vực Tây Nam Á có khí hậu chủ yếu là khô nóng nhưng có tài nguyên khoáng sản phong phú.

- Tây Nam Á có vị trí địa chính trị quan trọng do: Nằm giữa ba châu lục; Án ngữ các tuyến đường giao thông quan trọng bậc nhất thế giới; Có tuyến đường biển huyết mạch dẫn đến các mỏ dầu khí trữ lượng lớn của các quốc gia vùng vịnh Pécxích.

- Kênh Xuy-ê nối liền Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương có ý nghĩa quan trọng đối với hàng hải quốc tế, giúp rút ngắn quãng đường di chuyển từ các khu vực ven Đại Tây Dương sang các khu vực ven Ấn Độ Dương.

Bản đồ tự nhiên khu vực Tây Nam Á

1.3.2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

a. Địa hình và đất

- Địa hình: Khu vực Tây Nam Á có các dạng địa hình: núi, sơn nguyên và đồng bằng. Ngoài ra, Tây Nam Á có nhiều hoang mạc lớn như Xi-ri, Nê-phút, Rúp-en Kha-li.

+ Địa hình núi, sơn nguyên: Bao gồm: dãy Cáp-ca, dãy Hin-đu Cúc, sơn nguyên I-ran, sơn nguyên A-na-tô-li, sơn nguyên A-ráp. Giữa các dãy núi là các thung lũng. Địa hình chia cắt, hiểm trở gây khó khăn cho giao thông, trồng trọt và cư trú.

+ Địa hình đồng bằng: Bao gồm: đồng bằng Lưỡng Hà do sông Ti-grơ và Ơ-phrát bối đắp là đồng bằng lớn nhất của khu vực, các đồng bằng nhỏ ở ven vịnh Péc-xích, Địa Trung Hải, ... Các đồng bằng tương đối bằng phẳng, thuận lợi phát triển nông nghiệp và cư trú.

- Đất:

+ Vùng núi, sơn nguyên chủ yếu là đất nâu đỏ xa van có thể phát triển chăn nuôi gia súc.

+ Vùng đồng bằng chủ yếu đất phù sa màu mỡ thuận lợi phát triển nông nghiệp.

+ Vùng hoang mạc, đất chủ yếu là đất xám hoang mạc và bán hoang mạc, không thuận lợi cho canh tác.

b. Khí hậu

Đặc điểm

- Nằm trong đới khí hậu cận nhiệt và đới khí hậu nhiệt đới, với kiểu khí hậu lục địa là chủ yếu nên khô nóng vào mùa hè, khô lạnh vào mùa đông.

- Khí hậu có sự phân hóa theo chiều bắc - nam.

+ Vùng phía bắc có khí hậu cận nhiệt: ven Địa Trung Hải có lượng mưa trung bình năm khoảng 500 mm, càng vào sâu trong lục địa lượng mưa càng giảm.

+ Vùng phía nam có khí hậu nhiệt đới, chênh lệch nhiệt độ giữa hai mùa và giữa ngày - đêm lớn, lượng mưa trung bình dao động từ 100 - 300 mm/năm.

- Ở các khu vực miền núi, sơn nguyên khí hậu phân hóa theo độ cao.

Ảnh hưởng

- Khí hậu Tây Nam Á ít thuận lợi cho cư trú và trồng trọt.

- Vùng ven biển khí hậu thuận lợi hơn cho hoạt động trồng trọt và cư trú.

c. Sông, hồ

- Sông: 

+ Mạng lưới sông ngòi thưa thớt và phần lớn bắt nguồn từ vùng núi và sơn nguyên ở phía bắc.

+ Hai con sông lớn Ti-grơ (dài 1900 km) và Ơ-phrát (dài 2800 km) hình thành nên đồng bằng màu mỡ thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, đây cũng là nơi phát triển nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại.

+ Các con sông khác ít nước, thường chỉ có nước vào mùa mưa gây nên tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Một đoạn sông Ơ-phrát chảy qua Thổ Nhĩ Kỳ

- Hồ: các hồ lớn và có giá trị là: hồ Van (Thổ Nhĩ Kỳ), hồ Ga-li-lê (Ixraen), Biển Chết.

- Nước ngầm là nguồn cung cấp nước quan trọng cho các quốc gia khu vực Tây Nam Á. Tuy nhiên nguồn nước ngầm trong khu vực thưởng nằm ở độ sâu lớn, khó khai thác.

d. Khoáng sản

- Khu vực Tây Nam Á sở hữu trên 50% trữ lượng Dầu mỏ và khoảng 40% trữ lượng khí tự nhiên của thế giới (năm 2020), tập trung ở các quốc gia vùng vịnh Pécxích. Dầu khí là động lực phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực; tuy nhiên, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài.

- Ngoài ra, Tây Nam Á còn có những tài nguyên khoáng sản khác như than đá, sắt, crôm, đồng, phốt phát,....

e. Sinh vật

- Sinh vật của khu vực Tây Nam Á nghèo nàn.

+ Hoang mạc và bán hoang mạc là cảnh quan điển hình của khu vực này nên thực vật chủ yếu là cây bụi gai, động vật phần lớn là các loài bò sát và gặm nhấm nhỏ.

+ Khu vực ven Địa Trung Hải có rừng lá cứng.

- Tây Nam Á có một số khu bảo tồn, vườn quốc gia nhằm bảo tồn nguồn gen và có giá trị phát triển du lịch như: Ein Adat (Ixraen), Khu bảo tồn sa mạc Đubai (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất)....

f. Biển

- Tây Nam Á tiếp giáp nhiều biển, bao gồm: Địa Trung Hải, Biển Đen, Biển Đỏ, biển Aráp, là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển.

- Tuyến đường biển từ Địa Trung Hải qua Biển Đỏ đến Ấn Độ Dương là tuyến đường thương mại trên biển quan trọng. Thông qua Biển Đen và biển Caxpi, khu vực Tây Nam Á dễ dàng kết nối với các khu vực khác của châu Á và các nước châu Âu.

- Ngoài ra, một số vùng biển có thể phát triển ngành thuỷ sản và du lịch biển.

1.3.3. Dân cư và xã hội

a. Dân cư

- Đặc điểm

+ Quy mô dân số: là khu vực ít dân. Năm 2020, số dân của khu vực là 402,5 triệu người, chiếm 5,2% số dân toàn thế giới.

+ Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên: khá cao (1,6% năm 2020).

+ Thành phần dân cư: Phần lớn dân cư khu vực Tây Nam Á là người Ả-rập (hơn 50% số dân); Ngoài ra còn có các dân tộc khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Do Thái, Cuốc,...

+ Cơ cấu dân số: Tây Nam Á có tỉ lệ nam nhiều hơn nữ trong tổng số dân và có xu hướng tăng, có cơ cấu dân số trẻ, nhiều quốc gia trong khu vực đang bước vào thời kì cơ cấu dân số vàng.

+ Mật độ dân số: mật độ dân số khá thấp (khoảng 60 người/km2, năm 2020) và có sự chênh lệch giữa các vùng, các quốc gia. Vùng phía bắc, đồng bằng, ven biển và những vùng khai thác dầu mỏ quan trọng là những nơi tập trung đông dân nhất.

+ Tỉ lệ dân thành thị cao, năm 2020 là 72% (trung bình thế giới là 56,2%).

Bản đồ phân bố dân cư khu vực Tây Nam Á năm 2020

- Ảnh hưởng

+ Cơ cấu dân số trẻ nên có lực lượng lao động dồi dào. Đây là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế.

+ Các thành phố là những trung tâm kinh tế phát triển, thu hút dân cư và lao động.

b. Xã hội

- Là nơi khởi nguồn của ba tôn giáo chính là Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Hồi giáo là tôn giáo phổ biến trên toàn khu vực.

- Là nơi xuất hiện của một trong những nền văn minh cổ đại, cũng là nơi có nhiều di sản vật thể và phi vật thế nổi tiếng thế giới được UNESCO công nhận như: thành cổ Pêtra (Gioócđani), thành cổ Shibam (Yêmen), thành phố di sản Samara (Irắc),...

- Chất lượng cuộc sống dân cư trong khu vực ngày càng nâng cao nhưng có sự phân hóa giữa các nước, các nhóm dân cư trong một nước.

- Tây Nam Á có các xung đột sắc tộc, tôn giáo,… xảy ra trong một số gia hoặc giữa các quốc gia, đồng thời chịu sự can thiệp của một số cường quốc trên thế giới.

- Có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

- Tình hình chính trị bất ổn đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

1.4. Kinh tế khu vực Tây Nam Á

1.4.1. Tình hình phát triển kinh tế chung

- Quy mô GDP tăng liên tục trong giai đoạn 2000 - 2020. Năm 2020, GDP toàn khu vực là 3 184,4 tỉ USD, chiếm 3,7% GDP toàn cầu.

- Quy mô GDP giữa các quốc gia có sự khác biệt rất lớn.

- Thế kỉ XX, nhiều quốc gia khu vực Tây Nam Á chuyển từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và hàng thủ công sang nền kinh tế dựa vào ngành công nghiệp dầu khí. Hiện nay, sự tăng trưởng kinh tế của khu vực có nhiều biến động do ảnh hưởng từ sự bất ổn xã hội, cuộc chiến giá dầu,...

- Bước sang thế kỉ XXI, một số quốc gia giảm dần sự lệ thuộc vào dầu khí và chuyển dịch theo hướng phát triển nền kinh tế tri thức, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển.

- Ngành nông nghiệp chiếm khoảng 10% GDP và 25% lực lượng lao động của khu vực (năm 2020).

- Ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm hơn 80% GDP và có xu hướng tăng.

1.4.2. Một số ngành kinh tế

a. Nông nghiệp

- Trồng trọt:

+ Các sản phẩm trồng trọt chính là cây lương thực (lúa gạo, lúa mì), cây công nghiệp (bông, thuốc lá, cà phê, ôliu,...), cây ăn quả,...

+ Các quốc gia có ngành trồng trọt phát triển nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Irắc, Arập Xêút, Ixraen,...

- Chăn nuôi: kém phát triển.

+ Chăn thả vẫn là hình thức chăn nuôi phổ biến trong khu vực.

+ Các quốc gia có diện tích đồng cỏ rộng lớn để phát triển chăn nuôi gia súc (bò, dê, cừu,...) là Arập Xêút, Xiri, Yêmen, Iran, Ápganixtan, Thổ Nhĩ Kỳ,...

- Khai thác và nuôi trồng thuỷ sản được phát triển ở ven Địa Trung Hải (Thổ Nhĩ Kỳ), Biển Đỏ (Arập Xêút), vịnh Pécxích (Ôman),...

b. Công nghiệp

- Công nghiệp chiếm hơn 40% GDP của Tây Nam Á (năm 2020).

- Một số ngành công nghiệp tiêu biểu:

+ Công nghiệp khai thác, chế biến dấu khí là ngành then chốt và đóng góp lớn vào quy mô GDP của nhiều quốc gia Tây Nam Á.

+ Công nghiệp dệt, may phát triển khá mạnh do có nguồn nguyên liệu bông từ Thổ Nhĩ Kỳ, Xiri, Iran, Irắc.

+ Công nghiệp thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng chưa thực sự phát triển nên phải nhập khẩu nhiều thực phẩm và hàng tiêu dùng.

c. Dịch vụ

- Tình hình phát triển: Dịch vụ đóng góp hơn 40% giá trị GDP của khu vực Tây Nam Á và có xu hướng tăng.

- Một số ngành dịch vụ:

+ Khu vực Tây Nam Á có vị trí địa lí rất thuận lợi để phát triển giao thông quốc tế.

+ Hàng hải là một thế mạnh của khu vực với các cảng lớn là Ten Avíp (Ixraen), En Côoét (Côoét), Ixtanbun (Thổ Nhĩ Kỳ), Ađen (Y-ê-men)....

+ Đường hàng không là loại hình giao thông chính trong khu vực, các sân bay lớn nhất là Đubai (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất), Đôha (Cata), Ancara (Thổ Nhĩ Kỳ), Bacu (Adécbai gian).

+ Thương mại: Hoạt động ngoại thương nổi bật nhất là xuất khẩu dầu khí với hơn 2/3 các mặt hàng xuất khẩu là nhiên liệu, dấu nhờn và các sản phẩm hoá chất; đối tác thương mại chủ yếu của khu vực là các nước châu Á, EU, Hoa Kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chính là nguyên liệu thô, nông sản, ...

+ Du lịch: Nhiều quốc gia Tây Nam Á thu hút được số lượng lớn du khách do đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và có những chính sách khuyến khích phát triển du lịch. Tổng lượng khách du lịch đến Tây Nam Á năm 2019 là 146 triệu, trong đó đứng đầu là Thổ Nhĩ Kỳ (45 triệu).

1.5. Kỹ năng

- Đọc và phân tích được các bảng số liệu.

- Biết vẽ và nhận xét được một số dạng biểu đồ.

2. Trắc nghiệm luyện tập

Câu 1. Năm 2021, Liên minh châu Âu có tất cả bao nhiêu thành viên?

A. 26.

B. 27.

C. 28.

D. 25.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Năm 2021, EU có 27 quốc gia thành viên, chiếm khoảng 5,8% số dân và đóng góp 17,8% GDP toàn thế giới.

Câu 2. Cộng đồng Kinh tế châu Âu được viết tắt theo tên tiếng anh là

A. EC.

B. EEC.

C. EU.

D. WB.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Năm 1957 cộng đồng kinh tế châu Âu (European Economic Community) với 6 quốc gia thành viên, tên viết tắt là EEC.

Câu 3. Quốc gia nào sau đây nằm giữa châu Âu nhưng hiện nay chưa gia nhập Liên minh châu Âu?

A. Thụy Sĩ.

B. Ai-len.

C. Hà Lan.

D. Na Uy.

Hướng dẫn giải

Chọn A

Thụy Sỹ, tên đầy đủ là Liên bang Thụy Sỹ, là một nước cộng hòa liên bang tại châu Âu. Quốc gia này gồm có 26 bang, và thành phố Bern là nơi đặt trụ sở nhà đương cục liên bang. Thụy Sĩ, một đất nước hòa bình, giàu có, nằm ở giữa trung tâm của châu Âu, nhưng hiện nay chưa gia nhập EU là Thụy Sĩ.

Câu 4. Quốc gia nào sau đây không tham gia thành lập nên Cộng đồng Than Thép châu Âu?

A. Anh.

B. Pháp.

C. Bỉ.

D. Đức.

Hướng dẫn giải

Chọn A

Năm 1951, thành lập cộng đồng Than và Thép châu Âu. Gồm các nước: Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Lúc-xăm-bua.

Câu 5. Hiệp ước nào sau đây được kí kết, đổi tên Cộng đồng châu Âu thành Liên minh châu Âu?

A. Thái Bình Dương.

B. Ma-xtrích.

C. Măng-sơ.

D. Ma-xơ Rai-nơ.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Năm 1993, với Hiệp ước Ma-xtrích, Cộng đồng châu Âu đổi tên thành Liên minh châu Âu (EU). Tính đến năm 2021, EU có 27 quốc gia thành viên, chiếm 3,1% diện tích và 5,7% dân số thế giới.

Câu 6. Cộng đồng châu Âu đổi tên thành Liên minh châu Âu vào năm nào sau đây?

A. 1957.

B. 1958.

C. 1967.

D. 1993.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Năm 1967, Cộng đồng châu Âu (EC) được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức (Cộng đồng Than và thép châu Âu, Cộng đồng Kinh tế châu Âu và Công đồng nguyên tử châu Âu). Với hiệp ước Ma-xtrich, năm 1993 Cộng đồng châu Âu đổi tên thành Liên minh châu Âu.

Câu 7. Tiền thân của Liên minh châu Âu ra đời vào năm nào sau đây?

A. 1951.

B. 1957.

C. 1958.

D. 1967.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Năm 1951 Cộng đồng than và thép châu Âu được thành lập; năm 1957 Cộng đồng kinh tế châu Âu (tiền thân của Liên minh châu Âu) được thành lập; năm 1958 Cộng đồng nguyên tử châu Âu được thành lập và năm 1967 Cộng đồng châu Âu (EC) được thành lập.

Câu 9. Khu vực Đông Nam Á có điều kiện tự nhiên nào sau đây thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới?

A. Khí hậu nóng ẩm, hệ đất trồng phong phú, mạng lưới sông ngòi dày đặc.

B. Vùng biển rộng lớn giàu tiềm năng, tài nguyên biển giàu có khoáng sản.

C. Hoạt động của gió mùa với một mùa đông lạnh, khí hậu phân hóa đa dạng.

D. Địa hình đồi núi chiếm ưu thế nhưng chủ yếu đổi núi thấp, nhiều sông lớn.

Hướng dẫn giải

Chọn A

Điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới ở Đông Nam Á là khí hậu nóng ẩm, hệ đất trồng phong phú và mạng lưới sông ngòi dày đặc.

Câu 10. Quốc gia nào sau đây nằm ở bộ phận Đông Nam Á lục địa?

A. Xin-ga-po.

B. Ma-lai-xi-a.

C. Thái Lan.

D. Phi-lip-pin.

Hướng dẫn giải

Chọn C

Đông Nam Á nằm ở phía đông nam châu Á, có diện tích khoảng 4,5 triệu km2, bao gồm 11 quốc gia thuộc Đông Nam Á lục địa (Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma) và Đông Nam Á hải đảo (Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Phi-lip-pin và Ti-mo Lét-xtê).

Câu 11. Một phần lãnh thổ của quốc gia nào sau đây ở Đông Nam Á vẫn có mùa đông lạnh?

A. Phía bắc Mi-an-ma.

B. Phía nam Việt Nam.

C. Phía bắc của Lào.

D. Phía bắc Phi-lip-pin.

Hướng dẫn giải

Chọn A

Một phần lãnh thổ phía bắc Mi-an-ma, phía bắc Việt Nam ở Đông Nam Á vẫn có mùa đông lạnh do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc từ đại lục Trung Quốc thổi về.

Câu 12. Đông Nam Á có vị trí địa - chính trị rất quan trọng do nguyên nhân chủ yếu nào sau đây?

A. Tập trung rất nhiều loại khoáng sản và khí hậu thuận lợi.

B. Là nơi đông dân nhất thế giới, nhiều thành phần dân tộc.

C. Nơi tiếp giáp giữa hai đại dương, vị trí cầu nối hai lục địa.

D. Nền kinh tế phát triển mạnh và giàu có nguồn tài nguyên.

Hướng dẫn giải

Chọn C

Đông Nam Á có vị trí địa - chính trị rất quan trọng vì khu vực này là nơi tiếp giáp giữa hai đại dương, vị trí cầu nối hai lục địa và là nơi các cường quốc thường cạnh tranh ảnh hưởng.

Câu 13. Khu vực Đông Nam Á có ngành khai khoáng phát triển do

A. diện tích rừng rộng lớn.

B. giàu có về khoáng sản.

C. vùng biển nhiều thủy sản.

D. có nền kinh tế phát triển.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Đông Nam Á có ngành khai khoáng phát triển do khu vực này giàu có về tài nguyên khoáng sản với một số loại khoáng sản chủ yếu là than, khí tự nhiên, dầu mỏ, sắt, đồng,…

Câu 14. Khu vực Đông Nam Á biển đảo có dạng địa hình chủ yếu nào sau đây?

A. Đồng bằng rộng lớn.

B. Núi và cao nguyên.

C. Các thung lũng rộng.

D. Đồi núi và núi lửa.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Đông Nam Á hải đảo: Địa hình chủ yếu là núi trẻ với nhiều núi lửa; các đồng bằng phần lớn nhỏ hẹp nằm ven biển, một số đồng bằng lớn có ở các đảo Ca-li-man-tan, Xu-ma-tra, Niu Ghi-nê,...

Câu 15. Khó khăn về tự nhiên của khu vực Đông Nam Á trong phát triển kinh tế là

A. có địa hình núi hiểm trở.

B. không có đồng bằng lớn.

C. lượng mưa trong năm nhỏ.

D. xuất hiện nhiều thiên tai.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Những khó khăn về tự nhiên của khu vực Đông Nam Á trong phát triển kinh tế là chịu ảnh hưởng nặng nề của các thiên tai như bão, lũ lụt, sóng thần, núi lửa,…

Câu 16. Đặc điểm nổi bật về tự nhiên của khu vực Tây Nam Á là

A. nền văn minh rực rỡ và dân cư theo đạo hồi.

B. vị trí cầu nối giữa châu Á với châu Nam Cực.

C. vị trí trung gian của hai châu lục và ba lục địa.

D. giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Khu vực Tây Nam Á sở hữu trên 50% trữ lượng dầu mỏ và khoảng 40% trữ lượng khí tự nhiên của thế giới (năm 2020), tập trung ở các quốc gia vùng vịnh Péc-xích. Ngoài ra, Tây Nam Á còn có những tài nguyên khóang sản khác như than đá, sắt, crôm, đồng, phốt phát,...

Câu 17. Ở Tây Nam Á, dầu mỏ và khí tự nhiên phân bố chủ yếu ở khu vực nào sau đây?

A. Ven biển Đỏ.

B. Ven biển Ca-xpi.

C. Ven Địa Trung Hải.

D. Ven vịnh Péc-xich.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Khu vực Tây Nam Á sở hữu trên 50% trữ lượng dầu mỏ và khoảng 40% trữ lượng khí tự nhiên của thế giới (năm 2020), tập trung ở các quốc gia vùng vịnh Péc-xích.

Câu 18. Tây Nam Á nằm ở vị trí cầu nối giữa ba châu lục nào sau đây?

A. Âu - Á - Phi.

B. Âu - Á - Úc.

C. Á - Âu - Mĩ.

D. Á - Mĩ - Phi.

Hướng dẫn giải

Chọn A

Vị trí của Tây Nam Á được ví như cầu nối giữa ba châu lục: châu Á, châu Âu và châu Phi, ở vị trí tiếp xúc của các mảng kiến tạo lớn, trên vành đai sinh khoáng Địa Trung Hải.

Câu 19. Tài nguyên khoáng sản quan trọng nhất ở khu vực Tây Nam Á là

A. than đá và crôm.

B. dầu mỏ và khí tự nhiên.

C. đồng và phốt phát.

D. khí tự nhiên và sắt.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Tây Nam Á là khu vực giàu có về khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ và khí tự nhiên. Dầu mỏ có trữ lượng rất lớn, chiếm khoảng 1/2 trữ lượng của thế giới, phân bố dọc theo vịnh Péc-xích và đồng bằng Lưỡng Hà. Khí tự nhiên chiếm khoảng 40% trữ lượng của thế giới.

Câu 20. Dân cư khu vực Tây Nam Á theo tôn giáo chủ yếu nào sau đây?

A. Cơ đốc giáo.

B. Ấn Độ giáo.

C. Do Thái giáo.

D. Hồi giáo.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Tây Nam Á là khu vực có nhiều tôn giáo: Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Do Thái giáo,... Phần lớn dân cư ở khu vực này là người Ả-rập và theo đạo Hồi.

Câu 21. Ngành nào sau đây đặc trưng cho nông nghiệp Đông Nam Á?

A. Trồng cây ăn quả.

B. Trồng lúa nước.

C. Chăn nuôi gia súc.

D. Đánh bắt thủy sản.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Đông Nam Á một trong những cái nôi có nền văn minh lúa nước lâu đời. Ở khu vực Đông Nam Á, lúa gạo trở thành cây lương thực chính và được trồng nhiều ở nhiều nước: In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Việt Nam,…

Câu 22. Quốc gia nào sau đây ở khu vực Đông Nam Á đứng đầu về sản lượng lúa gạo?

A. Thái Lan.

B. Việt Nam.

C. Ma-lai-xi-a.

D. In-đô-nê-xi-a.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Nước đứng đầu về sản lượng lúa gạo trong khu vực Đông Nam Á là In-đô-nê-xi-a. Tiếp đến là Thái Lan, Việt Nam,…

Câu 23. Về phát triển nông nghiệp giữa các nước Đông Nam Á và Mỹ Latinh có điểm giống nhau nào sau đây?

A. Thế mạnh về trồng cây lương thực.

B. Thế mạnh về chăn nuôi gia súc lớn.

C. Thế mạnh về trồng cây công nghiệp.

D. Thế mạnh về trồng cây thực phẩm.

Hướng dẫn giải

Chọn C

Điểm tương đồng về phát triển nông nghiệp giữa các nước Đông Nam Á và Mỹ Latinh là thế mạnh về trồng cây công nghiệp nhiệt đới. Một số loại cây tiêu biểu là cà phê, cao su, ca cao, tiêu, điều,… do có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của các cây công nghiệp nhiệt đới.

Câu 24. Các nước đứng hàng đầu về xuất khẩu lúa gạo trong khu vực Đông Nam Á là

A. Bru-nây, In-đô-nê-xi-a.

B. Thái Lan, Việt Nam.

C. Phi-lip-pin, Mi-an-ma.

D. Thái Lan, Ma-lai-xi-a.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước, nhiều quốc gia còn xuất khẩu gạo nhằm thu ngoại tệ, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Câu 25. Cây cao su được trồng nhiều ở các quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á?

A. Thái Lan, Việt Nam, Xin-ga-po và Phi-lip-pin.

B. Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam.

C. Campuchia, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Bru-nây.

D. Thái Lan, Campuchia, Ma-lai-xi-a và Việt Nam.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Các cây công nghiệp nhiệt đới được trồng chủ yếu là cao su, cà phê, hồ tiêu, cọ dầu,...; Trong đó, cây cao su được trồng nhiều ở Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam. Cây cà phê và hồ tiêu được trồng nhiều ở Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan; Cây cọ dầu được trồng nhiều ở Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a.

Câu 26. Cơ cấu kinh tế ở các nước Đông Nam Á đang có sự thay đổi theo xu hướng nào dưới đây?

A. Tăng tỉ trọng khu vực I, giảm tỉ trọng khu vực II và III.

B. Tăng tỉ trọng khu vực II, giảm tỉ trọng khu vực I và III.

C. Giảm tỉ trọng khu vực I, tăng tỉ trọng khu vực III và II.

D. Giảm tỉ trọng khu vực I và II, giảm tỉ trọng khu vực III.

Hướng dẫn giải

Chọn C

Cơ cấu kinh tế ở các nước Đông Nam Á đang có sự thay đổi theo xu hướng giảm tỉ trọng khu vực I (nông - lâm - ngư nghiệp), tăng tỉ trọng khu vực II (công nghiệp) và khu vực III (dịch vụ).

Câu 27. Phần lớn Đông Nam Á lục địa có khí hậu

A. cận xích đạo.

B. cận nhiệt đới.

C. ôn đới lục địa.

D. nhiệt đới gió mùa.

Hướng dẫn giải

Chọn D

Câu 28. AFF Championship là hoạt động biểu hiện của cơ chế nào sau đây của ASEAN?

A. Thông qua diễn đàn và tổ chức các hội nghị.

B. Xây dựng “khu vực thương mại tự do ASEAN”.

C. Thông qua các hoạt động văn hóa - thể thao.

D. Thông qua các dự án, chương trình phát triển.

Hướng dẫn giải

Chọn C

Câu 29. Khi tham gia vào ASEAN, Việt Nam không phải vượt qua sự chênh lệch về

A. trình độ phát triển kinh tế.

B. trình độ của công nghệ.

C. bản sắc văn hoá dân tộc.

D. thể chế chính trị, kinh tế.

Hướng dẫn giải

Chọn C

Câu 30. “Uỷ hội sông Mê Công” là một hợp tác giữa các nước ASEAN về lĩnh vực

A. tài nguyên.

B. xã hội.

C. văn hoá.

D. chính trị.

Hướng dẫn giải

Chọn A

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Đề cương ôn tập HK1 môn Địa lí 11 Kết nối tri thức năm 2023-2024. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Mời các em tham khảo các tài liệu có liên quan:

Ngoài ra, các em có thể thực hiện làm đề thi trắc nghiệm online tại đây:

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

ADMICRO
NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
OFF