Mời các em học sinh cùng tham khảo bài văn mẫu Cảm nhận về câu nói của bà cô Thị Nở trong truyện Chí Phèo dưới đây. Với bài văn mẫu này Học247 hy vọng rằng các em sẽ biết cách viết bài văn nghị luận văn học hay và sáng tạo nhất. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Phân tích ba lần Chí Phèo đến nhà Bá Kiến.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu về câu nói của bà cô Thị Nở: Trong lời nói của bà cô với THị nở, câu nói “đàn ông đã chết cả rồi hay sao mà lại đâm đầu đi lấy một thằng chồng không cha. Ai lại đi lấy chồng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ” không chỉ mang đến nỗi tuyệt vọng cùng cực cho Chí Phèo mà còn mang đến bao suy tư, day dứt cho độc giả.
b. Thân bài:
- Truyện ngắn Chí Phèo đã phản ánh chân thực hiện thực xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, xã hội chà đạp lên quyền sống, quyền lương thiện của người nông dân nghèo.
- Chí Phèo vốn là anh canh điền hiền lành, lương thiện nhưng số phận đưa đẩy khiến Chí Phèo sa chân vào con đường tù tội rồi trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại.
- Đến khi gặp được Thị Nở, Chí đã được thức tỉnh về nhân tính, Chí nhớ về những giấc mơ bình dị của ngày trẻ và khát khao lương thiện.
- Con đường trở lại đó nào được dễ dàng, những định kiến nghiệt ngã vẫn vây hãm lấy cuộc đời Chí, mà đại diện cho tất cả những định kiến ở đây chính là qua lời nói của nhân vật bà cô Thị Nở.
- Khi Thị đi hỏi bà cô về ý định về chung một nhà với Chí, bà cô đã không những không đồng ý mà còn “ném” vào mặt Thị những lời mắng chửi tàn nhẫn, thậm tệ nhất.
- Câu nói thể hiện sự nghiệt ngã đến tàn nhẫn của những định kiến.
+ Những lời của bà cô Thị Nở nói không sai, Chí Phèo là "thằng không cha không mẹ”, ngay từ nhỏ Chí đã bị bỏ rơi bên cái lò gạch bỏ hoang.
+ Bản chất lương thiện của Chí cũng được đánh thức nhờ Thị Nở, người đàn bà xấu xí, dở hơi.
+ Chí khát khao hạnh phúc, khát khao lương thiện, khát khao được làm hòa với mọi người. Thế nhưng câu nói “quay đầu là bờ” có thể đúng trong nhiều trường hợp nhưng lại chẳng thể ứng nghiệm với cuộc đời Chí.
- Lời nói của bà cô Thị Nở cũng như lời chối bỏ phũ phàng nhất.
c. Kết bài:
- Câu nói của bà cô Thị Nở không chỉ chặn đứng con đường lương thiện mà Chí khát khao quay đầu lại mà còn mang đến bao day dứt, suy tư cho độc giả. Câu nói cũng như lời tố cáo đối với xã hội phong kiến đã đẩy con người đến bước đường cùng không thể thoát ra.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy viết bài văn nêu cảm nhận về câu nói của bà cô Thị Nở trong truyện Chí Phèo.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao ngay từ khi ra đời đã lập tức đưa tên tuổi của nhà văn Nam Cao trở thành một trong những nhà văn xuất sắc nhất của nền văn học phê phán những năm 1930-1945. Hơn thế nữa nó đã trở thành một tác phẩm được xem là kiệt tác của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Có được thành công như vậy chính là nhờ vào những nguyên mẫu có thực ở làng Đại Hoàng quê tác giả, mà thông qua ngòi nghệ thuật xuất sắc, Nam Cao đã xây dựng nên những nhân vật có một không hai, gây ấn tượng sâu sắc với người đọc, tạo thành một câu chuyện với cốt truyện hấp dẫn, có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. Cuộc đời của Chí Phèo là chuỗi những bi kịch dài và nối tiếp, trong đó đớn đau và khổ sở nhất ấy chính là bi kịch bị từ chối quyền làm người, bị từ chối quyền hạnh phúc. Bà cô của Thị Nở đã có một câu nói với cháu gái khiến người đọc không khỏi thấy day dứt, xót xa cho nhân vật Chí Phèo rằng: "Đàn ông đã chết hết hay sao mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy chồng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ".
Cuộc gặp gỡ với Thị Nở chính là định mệnh của Chí Phèo, cuộc gặp gỡ đầy nhân văn ấy dường như đã đánh thức trong tâm hồn Chí Phèo một phần nào đó lâu nay vẫn ngủ quên, vẫn bị nhấn chìm bởi men rượu, bởi những tiếng chửi rủa chán chường. Lúc này người ta mới nghĩ lại, mới nhớ lại rằng, Chí Phèo của trước kia cũng hiền lành, chăm chỉ như bao người nông dân khác, thế nhưng cái xã hội phong kiến thối nát, với những con người quan quyền cậy thế, chỉ vì chút ghen tuông dở hơi mà đẩy một chàng trai hiền lành vào chốn ngục tù khổ sở. Ai biết được trong bảy tám năm ấy đã xảy ra những chuyện gì với Chí Phèo, người ta chỉ thấy sau khi ra tù Chí Phèo đã trở thành người khác, với cái bộ dạng mà cả làng đều nhất trí "trông gớm chết". Ai ai cũng ghê sợ Chí Phèo, con người ta hình thành hẳn trong mình những cái định kiến ghê gớm, vững chắc, kẻ biết chuyện cũng như không biết chuyện thì đều mặc định cho mình một suy nghĩ, Chí Phèo là kẻ lưu manh, đáng sợ, phải xa lánh hắn ta. Chính điều đó đã chặt đứt đi cái con đường hoàn lương của Chí Phèo.
Kể từ khi trở thành tay sai của Bá Kiến, trở thành con quỷ dữ bị cả làng chối bỏ quyền làm người, Chí Phèo đã quen đối mặt với cuộc sống không mục đích, đơn độc, triền miên trong những cơn say. Đến khi gặp được Thị Nở, Chí đã được thức tỉnh về nhân tính, Chí nhớ về những giấc mơ bình dị của ngày trẻ và khát khao được trở về với con đường lương thiện, muốn xây dựng một gia đình nhỏ hạnh phúc với Thị Nở.
Tuy nhiên, con đường trở lại đó nào được dễ dàng, những định kiến nghiệt ngã vẫn vây hãm lấy cuộc đời Chí, mà đại diện cho tất cả những định kiến ở đây chính là qua lời nói của nhân vật bà cô Thị Nở. Khi Thị đi hỏi bà cô về ý định về chung một nhà với Chí, bà cô đã không những không đồng ý mà còn “ném” vào mặt Thị những lời mắng chửi tàn nhẫn, thậm tệ nhất. Câu nói để lại nhiều suy nghĩ nhất cho độc giả “đàn ông đã chết hết hay sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng ko cha. Ai lại đi lấy chồng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ “. Câu nói thể hiện sự nghiệt ngã đến tàn nhẫn của những định kiến.
Những lời của bà cô Thị Nở nói không sai, Chí Phèo là” thằng không cha không mẹ”, ngay từ nhỏ Chí đã bị bỏ rơi bên cái lò gạch bỏ hoang. Tuổi thơ bất hạnh của Chí phải đi ở hết nhà này đến nhà khác, đến khi đã trở thành một anh thanh niên khỏe mạnh thì lại bị đẩy vào tù vì những ghen tuông vớ vẩn của Bá Kiến. Nhà tù thực dân đã làm thay đổi bản tính của Chí từ một anh canh điền lương thiện trở thành kẻ lưu manh bặm trợn, khi Chí Phèo đồng ý làm tay sai cho Bá Kiến thì hắn ta đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Nghề của Chí chỉ có rạch mặt ăn vạ, một mình Chí đã làm bao gia đình tan cửa nát nhà, phá hỏng bao cơ ngơi. Chí Phèo đã bị cả làng Vũ Đại xa lánh ghét bỏ, không ai đáp lại tiếng chửi của Chí như cách để phủ nhận sự tồn tại của Chí trong làng Vũ đại. Thế nhưng, bản chất lương thiện của Chí cũng được đánh thức nhờ Thị Nở, người đàn bà xấu xí, dở hơi.
Chí khát khao hạnh phúc, khát khao lương thiện, khát khao được làm hòa với mọi người. Thế nhưng câu nói “quay đầu là bờ” có thể đúng trong nhiều trường hợp nhưng lại chẳng thể ứng nghiệm với cuộc đời Chí.
Cả cuộc đời mình, Chí đã gây ra rất nhiều tội ác, sai lầm nhưng ngay cả khi đã hối lỗi, muốn trở lại làm người lương thiện thì con đường Chí phải đi cũng chẳng hề dễ dàng. Lời nói của bà cô Thị Nở cũng như lời chối bỏ phũ phàng nhất. Khi nghe lại những lời chửi mắng của bà cô qua lời của Thị Nở, Chí Phèo bỗng nhận ra rằng con đường lương thiện của mình đã không thể trở lại. Để giải thoát cho tất cả những bi kịch chỉ có thể là cái chết.
Câu nói của bà cô Thị Nở không chỉ chặn đứng con đường lương thiện mà Chí khát khao quay đầu lại mà còn mang đến bao day dứt, suy tư cho độc giả. Câu nói cũng như lời tố cáo đối với xã hội phong kiến đã đẩy con người đến bước đường cùng không thể thoát ra.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao cũng là tác phẩm hiện thực có giá trị bậc nhất của nền văn học Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Trong truyện, Chí Phèo là con người bị tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính để trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại, Trước tình thương của Thị Nở, Chí Phèo đã thức tỉnh nhân tính và khát khao trở về với con đường lương thiện. Tuy nhiên, con đường đi lương thiện của Chí, giấc mơ về ngôi nhà hạnh phúc của Chí và Thị vốn chẳng dễ dàng. Sự ngăn cấm của bà cô Thị Nở là đại diện cho những định kiến của người dân làng Vũ Đại. Trong lời nói của bà cô với THị nở, câu nói “đàn ông đã chết cả rồi hay sao mà lại đâm đầu đi lấy một thằng chồng không cha. Ai lại đi lấy chồng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ” không chỉ mang đến nỗi tuyệt vọng cùng cực cho Chí Phèo mà còn mang đến bao suy tư, day dứt cho độc giả.
Truyện ngắn Chí Phèo đã phản ánh chân thực hiện thực xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, xã hội chà đạp lên quyền sống, quyền lương thiện của người nông dân nghèo. Chí Phèo vốn là anh canh điền hiền lành, lương thiện nhưng số phận đưa đẩy khiến Chí Phèo sa chân vào con đường tù tội rồi trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại.
Và đúng Chí Phèo là thằng không cha, không mẹ cuộc đời hắn tưởng như đã chết bên cái lò gạch bỏ hoang ấy rồi nếu như không gặp được những con người tốt bụng làng Vũ đại đem về cưu mang, nuôi dưỡng cái tuổi thơ bất hạnh lang thang đi ở cho nhà người ấy càng làm cho bản tính mồ côi càng thêm hiền lành như đất. Để rồi ít lâu sau đó người ta bỗng đâm hoảng trước thái độ hung hãn mất hết nhân tính của chí khi mãn hạn tù về.chí đội lốt quỷ dữ, tác oai tác quái cho dân làng' làm chảy máu và nước mắt của biết bao người dân lương thiện'. Hắn chỉ biết rượu và máu-hai thứ không thể thiếu đối với một con quỷ dân làng có thể khóc quỷ chỉ có thể cười trên nổi đau của người khác. Và cứ thế hắn say-say rượu và say tội ác.
Nam Cao đã để hắn vùng vẫy khá lâu trong sự tuyệt vọng, trong cô đơn của quỷ khi cả làng Vũ đại ai cũng 'tránh mặt mỗi lần hắn qua'. Cô đơn đến nỗi mà ngay cả tiếng chửi của mình mà cũng chẳng có tiếng người đáp lại, chỉ tiếng chó cắn là có thật. Và Nam Cao lạnh lùng đến thế là cùng.nhưng có ai đó đã nói rằn văn Nam Cao như văn Lỗ Tấn, cái bình thuỷ ấy, bên ngoài lạnh, bên trong thì nóng người đọc cũng chẳng phải chờ lâu, bởi Nam Cao vốn là một nhà nhân đạo chủ nghĩa, "thiên sứ" cứu rỗi linh hồn chí mà ông phái đến chính là Thị Nở phải nói thị là thiên thần mới đúng, bởi với một kẻ như Chí Phèo khi đã cạn tình yêu thương, thì chỉ cần một chút yêu thương chạm khẽ cũng đủ để hắn thức tỉnh.tiếc rằng, cái xã hội lạnh lùng ấy đã rủ bỏ hắn, cái xã hội đã đẩy hắn đến hố thẳm đường cùng ấy đã không mảy may bố thí cho hắn dù chỉ là một chút tình yêu thương thì Thị Nở chính là thiên thần của hắn.
Cuộc tình ngắn ngủi của một kẻ cô đơn (Thị Nở) và một con quỷ dữ đã xích lại gần nhau tình người. Hai con người khốn khổ bị ném về hai phía tận cùng khổ đau, oái oăm thay lại chính là hai kẻ thắp sáng lên niềm hi vọng trong nhau. Chí đã hồi sinh sau cơn say dài vô tận, chưa bao giờ hắn tỉnh để thấy mình có mặt trên đời thì bỗng một ban mai thức dậy cảm thấy ‘miệng đắng, lòng mơ hồ buồn'. Lại nghe được những thanh âm vang động của cuộc sống thường nhật, từng tiếng, từng tiếng một gõ nhịp vào tâm hồn hắn.tiếng 'chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá tiếng mấy bà đi chợ về'. Những âm thanh ấy thật bình dị, thật đời thường biết bao.vậy mà hôm nay hắn mới nghe được. Nó tựa hồ như dòng suối mát chảy vào thớ đất khô hạn của tâm hồn cằn cỗi. Như vùng đất sỏi đá, cằn khô bất chợt gặp mưa rào. Bấy lâu nay, vùng đất tâm hồn hắn chỉ uống vào bằng thứ 'nước' máu và nước mắt của người dân lương thiện thì hôm nay thanh âm cuộc sống chính là thứ nước thánh diệu kỳ gội rửa tội lỗi và thanh lộc tâm hồn cho hắn, đánh thức trong hắn vùng kí ức đã chết, hồi sinh cả vùng tâm hồn trong hiện tại và thức dậy cả một viễn cảnh đói rét, ốm đau và cô độc phía trước.
Có lẽ cuộc đời của Chí Phèo đã thực sự thay đổi và thậm chí có được hạnh phúc với Thị Nở, nếu như thị chẳng dở hơi mà có suy nghĩ "Hay mình dừng yêu để hỏi cô đã", thế rồi bi kịch của Chí Phèo lại tiếp diễn. Tiếp diễn bởi chính cái định kiến cay nghiệt mà người đời đã dành cho hắn. Con đường trở về với lương thiện, cái khát khao muốn được hòa vào cuộc sống, được sống như con người đã bị chặn đứng lại bởi những lời chua chát, xuất phát từ bà cô của Thị Nở, kẻ đại diện cho thái độ, định kiến của xã hội, cho cả làng Vũ Đại với Chí Phèo. Bà cô già, lại còn ế chỏng chơ của Thị Nở, trước thiết nghĩ bà ta cũng chẳng thương yêu gì cô cháu dở hơi của mình, mà có lẽ bà tự thấy "tủi cho thân bà. Bà nghĩ đến cái đời dài dằng dặc của bà, không có chồng. Bà chua xót lắm. Bà uất ức, uất ức với ai không biết". Cái uất ức, cái ích kỷ yếu hèn của con người khiến bà ta đổ hết lên đầu cháu mình, toan phá tan cái hạnh phúc chớm nở của cô cháu, bà ta cần gì biết cháu lấy ai, nhưng với sẵn cái định kiến khốn nạn về một thằng Chí Phèo không cha, một thằng chuyên rạch mặt ăn vạ, bà ta cứ luôn mồm mà xả không thương tiếc. Những câu nói tuy không phải là dao nhưng cắt vào lòng người những vết sâu hoắm, ấy là lưỡi dao định kiến tàn nhẫn của xã hội phong kiến đương thời. Một khi nó đã mặc định điều gì, thì kẻ đó chỉ có thể chịu chết bị đóng đinh với cái định kiến đó đời đời kiếp kiếp, bị người ta xa lánh, người ta sợ hãi hay gì đó mà cứ chấp nhất nhất tin vào cái xấu chứ chẳng bao giờ tin vào điều kỳ diệu của tạo hóa, chẳng tin vào sự thức tỉnh lương tri của Chí Phèo.
Chí Phèo không cha, không mẹ là lỗi của hắn sao? Liệu có ai còn nhớ Chí Phèo trong hình dáng của một anh canh điền hiền lành chất phác, liệu có ai biết rằng tại sao cuộc đời Chí lại bê bết như bây giờ, liệu có ai thèm đếm xỉa đến nỗi oan khuất đi tù 7, 8 năm của Chí? Không, không một ai cả, họ chỉ trực chờ chăm chăm nhìn vào cái xấu, cái tệ hại nhất của con người ta để mà ra sức xỉ vả vùi dập, thậm chí vô tình đã tước đi cái quyền được làm người, được vui sống. Bà cô của Thị Nở chính là tiêu biểu trong số ấy, phải bà đau đớn, chua xót vì không có được hạnh phúc gia đình, thế nhưng cớ gì phải ngăn cản cháu mình là Thị Nở. Bà ta đã không thể mở lòng, không thể suy nghĩ một cách tích cực rằng Chí Phèo sẽ thay đổi và Thị Nở ít ra cũng hơn bà có được hạnh phúc, bởi lý trí của bà ta bị che mờ bởi sự ích kỷ, bởi những định kiến cay nghiệt mà người đời gán cho Chí Phèo. Thế là hết, giấc mơ quay lại làm người lương thiện, giấc mơ điền viên của Chí và thị đã tàn, đã bị chặn đứng một cách phũ phàng bởi lời của bà cô. Cũng lúc này đây, trong tuyệt vọng, trong cơn say Chí Phèo mới nhận ra chỉ có chết mới là con đường duy nhất giải thoát cho hắn khỏi bể khổ này, hắn đã sống lê lết ở cái cuộc đời này hơn 40 năm, thế nhưng đi đâu người ta cũng khinh ghét hắn, tiếng hắn chửi với tiếng chó sủa hòa vào nhau, có lẽ đã từ lâu lắm người ta đã chẳng còn coi hắn là con người, thì lấy đâu ra cái gọi là hạnh phúc, lương thiện, tình yêu?
Câu nói đầy cay nghiệt của bà cô Thị Nở chính là đại diện cho những định kiến đến tàn nhẫn của xã hội phong kiến mục nát lúc bấy giờ đối với Chí Phèo. Nó đã chặn đứng hết tất cả ước mơ, hy vọng, lương tri vừa mới được đánh thức của Chí, dồn Chí đến bước đường cùng, lựa chọn cuối cùng là cái chết để giải thoát. Phân cảnh, lời nói của bà cô khiến cho người đọc không khỏi xót xa, day dứt về một kiếp người bất hạnh, chồng bất hạnh thất thểu, lay lắt bước ra từ những trang sách của nhà văn Nam Cao.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024180 - Xem thêm