OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA

Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Kim Thành

30/05/2021 1.12 MB 288 lượt xem 1 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2021/20210530/981674476428_20210530_213245.pdf?r=392
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Xin gửi đến các em học sinh lớp 12 tài liệu Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Kim Thành đã được Học247 sưu tầm và chọn lọc dưới đây, tài liệu được biên soạn nhằm giúp các em củng cố kiến thức môn Ngữ văn để chuẩn bị tốt nhất cho kì thi sắp tới.

 

 
 

TRƯỜNG THPT KIM THÀNH

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Vụ việc Nhật Bản đang truy tìm người viết tiếng Việt lên di tích quốc gia nước này không gây ngạc nhiên với những người đã sống ở nước ngoài, bởi họ từng chứng kiến hoặc có những hành động phản cảm.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp - thạc sĩ ngành quan hệ quốc tế tại Nhật - cho biết, ý thức bảo vệ công trình công cộng của Nhật rất cao. Tình trạng dùng sơn vẽ bậy lên tàu, lên tường hay cào bẩn tại điểm công cộng ở Nhật vô cùng hiếm. Đa số người nước ngoài đến Nhật cũng có tinh thần này. Tuy nhiên, chị đã tận mắt thấy không dưới 10 lần người ta vẽ, viết bằng tiếng Việt lên di tích. Sống tại Nhật 4 năm, chị Diệp biết tới nhiều hành vi thiếu văn minh của đồng hương ở xứ này, đặc biệt là tình trạng ăn cắp đồ trong siêu thị như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng rồi mang đi bán. Tờ Kyodo của Nhật hồi tháng 4 dẫn số liệu của cảnh sát Nhật Bản, cho biết "trộm cắp trong các siêu thị và cửa hàng là hành vi phạm pháp phổ biến nhất của người Việt, với hơn 2.000 vụ được ghi nhận năm ngoái".(...) Biển báo bằng tiếng Việt cấm ăn cắp ngày một nhiều. Người Việt đi làm tại đây hay bị người ta dò xét, soi mói.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, viện trưởng viện nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng, chuyện người Việt có các hành vi gây phản cảm khi ra nước ngoài khá phổ biến, nó thể hiện thói quen tùy tiện bắt nguồn từ nếp sống tiểu nông vẫn tồn tại tới ngày nay, nhiều người chưa kịp hoặc không chịu thay đổi khi có điều kiện ra nước ngoài văn minh, (...) nhiều người không chú ý tới cách ứng xử khi ở nơi công cộng.

(Trích Nhiều người Việt ra nước ngoài bị ghét vì hành xử phản cảm - TheoVnexpress, ngày 6/11/2018)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Trong đoạn trích, những hành vi nào của người Việt ở nước ngoài bị xem là thiếu văn minh?

Câu 3. Đoạn trích trên đề cập đến vấn đề gì?

Câu 4. Anh/ Chị nghĩ gì khi ở Nhật Bản "Biển báo bằng tiếng Việt cấm ăn cắp ngày một nhiều. Người Việt đi làm tại đây hay bị người ta dò xét, soi mói"?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về văn hóa ứng xử nơi công cộng của giới trẻ hiện nay.

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, tr.111 - NXB Giáo dục, 2017)

Từ đó, liên hệ với đoạn thơ sau để thấy được tình yêu quê hương đất nước của hai nhà thơ:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

(Trích Tràng giang, Huy Cận, Ngữ văn 11, Tập hai, tr.29 - NXB Giáo dục,2017)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là Nghị luận

Câu 2: Những hành vi thiếu văn minh của người Việt ở nước ngoài: vẽ, viết chữ lên di tích quốc gia nước bạn; ăn cắp đồ trong siêu thị như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng rồi đem đi bán.

Câu 3: Vấn đề được đề cập ở đoạn trích trên: Hành vi thiếu văn minh của người Việt ở nước ngoài.

Câu 4: Thí sinh có thể trình bày suy nghĩ cá nhân và có sức thuyết phục

Ví dụ:

- Một bộ phận người Việt Nam sống ích kỷ, làm theo ý thích cá nhân, coi thường luật pháp, những hành động phản cảm của họ đang làm xấu đi hình ảnh người Việt Nam ở nước ngoài.

- Mỗi cá nhân cần có ý thức về pháp luật, có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh của chính mình, hình ảnh của đất nước trước bạn bè quốc tế trong thời đại hội nhập.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1: Suy nghĩ về văn hóa ứng xử nơi công cộng của giới trẻ hiện nay

- Hiện trạng của vấn đề.

- Nguyên nhân của vấn đề.

- Hậu quả.

- Rút ra bài học cho bản thân.

Câu 2: Hướng dẫn làm bài

- Giới thiệu tác giả Tố Hữu, bài thơ Việt Bắc, vị trí đoạn trích và phần liên hệ để thấy được tình yêu quê hương đất nước.

- Cảm nhận về đoạn thơ Việt Bắc: Nỗi nhớ của nhân vật trữ tình về thiên nhiên và con người Việt Bắc.

- Sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người

  • Bức tranh thiên nhiên bốn mùa tươi tắn, mang vẻ đẹp riêng của núi rừng Việt Bắc, màu sắc, đường nét,âm thanh hài hòa,tươi sáng, đầy sức sống.
  • Con người Việt Bắc bình dị, cần mẫn, khỏe khoắn trong lao động, bằng những việc làm tưởng chừng nhỏ bé của mình, họ đã góp phần tạo nên sức mạnh vĩ đại của cuộc kháng chiến; con người gần gũi với thiên nhiên, bình dị như thiên nhiên -> cần cù trong lao động, thủy chung trong tình  nghĩa.

- Tình yêu quê hương đất nước:

  • Nỗi nhớ sâu nặng của nhân vật trữ tình dành cho quê hương cách mạng nghĩa tình.
  • Yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên và con người Việt Bắc

- Nghệ thuật: thể thơ lục bát, sử dụng cặp đại từ mình - ta, giọng thơ ngọt ngào tha thiết...

* Liên hệ với đoạn thơ trong Tràng giang - Huy Cận

- Bức trang phong cảnh kì vĩ, nên thơ, thiên nhiên tuy buồn nhưng thật tráng lệ; cảnh được gợi lên bởi bút pháp nghệ thuật cổ điển với hình ảnh mây trắng, cánh chim chiều và mang tâm trạng nhà thơ.

-  Tấm lòng thương nhớ quê hương tha thiết.

Nghệ thuật: thể thơ thất ngôn trang nghiêm, cổ kính với cách ngắt nhịp quen thuộc 4/3, thủ pháp tương phản, sử dụng từ láy,...

* Nhận xét: tình yêu quê hương đất nước

- Điểm gặp gỡ: cả hai nhà thơ đều thể hiện tình yêu quê hương đất nước ở sự gắn bó với thiên nhiên, con người; qua hình ảnh thiên nhiên thấy được tình cảm, tâm trạng của con người.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 1 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Thành công đến từ việc bạn biết chủ động trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Nhiều trường hợp, sự chủ động rất quan trọng.Nó sẽ giúp bạn ứng phó linh hoạt, vượt qua khó khăn và thay đổi kịp thời để chớp lấy thời cơ. Thiếu tính chủ động thì cho dù có kiến thức, có tầm nhìn thì sự do dự cũng sẽ làm lỡ mất cơ hội.

Người có tính chủ động sẽ suy nghĩ, hành động độc lập, làm chủ được tình thế. Khi có vấn đề xảy ra trước hết họ nhìn nhận chính bản thân mình, tìm ra khó khăn để vượt qua.

Tính chủ động không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám nói và dám làm. Nếu bạn dám hành động, hành động có suy nghĩ, chủ động và kiên quyết thì mọi việc đều dẫn đến thành công.

Những người có tính chủ động là những người tự tin và biết mình cần làm gì trong cuộc sống. Họ theo đuổi đam mê bằng tất cả lòng nhiệt huyết và quyết tâm, không những thế họ còn thành công trên hầu hết mọi phương diện của cuộc sống, đặc biệt khi có cạnh tranh. Trong một xã hội đang ngày càng phát triển, bạn cần phải chủ động để không bị tụt lùi.

(Vân Anh – https://petrotimes.vn/hay-tu-.......-cua-chinh-minh-554998.html/)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt trong văn bản trên.

Câu 2. Theo tác giả, người chủ động khi có vấn đề xảy ra, họ sẽ làm gì?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Tính chủ động không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám nói và dám làm”.

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Trong một xã hội đang ngày càng phát triển, bạn cần phải chủ động để không bị tụt lùi” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ.Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá.Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy.Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bờ bên trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử.Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến.Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền.Chỉ còn vẳng tiếng reo hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa.Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó.Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được

(Người lái đò sông Đà - Ngữ văn lớp 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

Cảm nhận của anh /chị về vẻ đẹp hình tượng ông lái đò trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét quan niệm về con người của nhà văn Nguyễn Tuân.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. Đọc hiểu

Câu 1. 

Phương thức biểu đạt: nghị luận (0.5 điểm)

Câu 2. 

Theo tác giả, người chủ động khi có vấn đề xảy ra họ nhìn nhận chính bản thân mình, tìm ra khó khăn để vượt qua. (0.5 điểm)

Câu 3.

Có thể hiểu câu nói: chủ động không phải là tùy tiện, bạ đâu làm đó, mà họ đều có những dự tính. Người chủ động thường suy nghĩ chín chắn và hành động kiên quyết. (1 điểm)

Câu 4.

- Thí sinh thể hiện rõ quan điểm: có thể đồng tình/không đồng tình/ đồng tình một phần. (0.25 điểm)

- Thí sinh lí giải được quan điểm của mình một cách hợp lý. (0.75 điểm)

II. Làm văn

Câu 1. Viết đoạn văn về giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0.25 điểm)

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0.25 điểm)

Giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân.

c. Triển khai vấn đề nghị luận (1 điểm)

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân.

Có thể triển khai theo hướng:

- Xây dựng một kế hoạch công việc rõ ràng

- Tự tin trong mọi tình huống

- Không quay đầu lại trước khó khăn

- Quyết đoán trong suy nghĩ và hành động

- Có tinh thần cầu tiến và thái độ học hỏi….

d. Chính tả, ngữ pháp (0.25 điểm)

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo (0.25 điểm)

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2. Cảm nhận về vẻ đẹp hình tượng ông lái đò trong đoạn trích. Từ đó nhận xét quan niệm về con người của nhà văn Nguyễn Tuân.

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0.25 điểm)

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0.5 điểm)

Hình tượng ông lái đò và quan niệm về con người của nhà văn Nguyễn Tuân

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm “Người lái đò sông Đà” và vấn đề nghị luận. (0.5 điểm)

- Giới thiệu về ông lái đò

- Vẻ đẹp ông lái đò

+ Trí dũng: Để làm nổi bật vẻ đẹp trí dũng của ông lái đò, nhà văn đã sáng tạo một đoạn văn tràn đầy không khí trận mạc, đã tưởng tượng ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa người lái đò với “bầy thủy quái” sông Đà. Sông Đà dữ dội, hiểm độc với trùng trùng, lớp lớp dàn trận bủa vây, có sự hợp sức của nhiều thế lực: sóng, nước, đá…còn ông đò là một viên tướng dũng cảm tả xung hữu độttỉnh táo nhanh nhẹn, quyết đoán chỉ huy và điều khiển con thuyền qua nhiều vòng, nhiều cửa rất hiệu quả.

---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Có những thứ bạn tìm trên Google không thấy

Đối với nhiều người, cuộc cách mạng kĩ thuật số đã trao cho máy vi tính - máy tính bàn, máy tính xách tay và các thiết bị cầm tay - quyền kiểm soát. Con chíp silicon trở thành bá chủ, không phải vì các phương tiện truyền thông không buông tha ta mà vì chúng ta không thể dời xa nó. Tôi chẳng khác gì các bạn. Tôi cũng làm việc online. Tôi dùng trình duyệt để đặt chuyến bay, đặt phòng khách sạn, thanh toán hóa đơn, lên lịch cuộc hẹn, theo dõi chứng khoán và xem tin tức. Nhưng tôi không ngại chuyện phải ngắt liên kết. Điện thoại di động của tôi thường xuyên tắt. Ngoại trừ những chuyến công tác, bình thường tôi bỏ máy tính xách tay ở nhà. Thỉnh thoảng mấy ngày tôi mới kiểm tra e-mail một lần, đặc biệt vào cuối tuần. Đồng nghiệp nghĩ tôi là người cổ lỗ sĩ, nhưng tôi thấy vậy thật tuyệt.

Có hôm khi đang rảo bộ trong khuôn viên trường đại học Virginia, tôi vô cùng thích thú với tiết trời khô lạnh và những chiếc lá đang chuyển vàng, cam rồi sang đỏ. Nhưng tôi tự hỏi liệu các bạn sinh viên của trường có nhận thấy điều đó hay không. Mắt dán chặt vào màn hình, tay dính trên bàn phím, họ mê mẩn khám phá những chân trời vô hình, hoàn toàn quên lãng mọi thứ đang diễn ra xung quanh.

Tôi biết một số người có công việc hoặc hoàn cảnh đặc biệt buộc phải kết nối mạng 24/7. Nhưng với hàng triệu người khác thì không cần như vậy. Chúng ta có vẻ ngày càng lo lắng mỗi khi không kết nối được internet. Chúng ta sợ nếu không kiểm tra e-mail, không lướt web, không viết gì đó lên trang cá nhân thì bạn sẽ biến mất.

Những người bị ám ảnh bởi các thiết bị điện tử quên rằng họ có toàn quyền lựa chọn. Họ có thể dứt khỏi sự cám dỗ đó và tập trung vào sự vật/sự việc khác. Vậy bạn hãy làm một cuộc cách mạng quyết liệt đi. Tắt ti-vi. Tắt điện thoại. Và bước ra ngoài trời.

Các nghiên cứu tâm lí suốt hai mươi năm qua cho thấy nếu bạn đến những vùng thôn dã yên bình và gần gũi với thiên nhiên, bạn sẽ tập trung tốt hơn, nhớ lâu hơn và nhìn chung nâng cao khả năng nhận thức hơn. Tại sao ư? Tôi không biết. Có lẽ như vậy là bình thường… hoặc thư giãn, cũng có thể trong gen con người đã quy định thế. Rõ ràng khi được kết nối lại với mọi người và vạn vật quanh ta, cảm giác thật là tuyệt! Mách nhỏ nhé, bạn không thể tìm thấy điều này trên Google đâu.

(Trên cả giàu có - Julia Guth - Giám đốc điều hành The Oxford Club)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2: Trong đoạn trích, tác giả đã chỉ ra những lợi ích nào khi “bạn đến những vùng thôn dã yên bình và gần gũi với thiên nhiên”?

Câu 3: Anh (chị) có đồng tình với giải pháp của tác giả những người bị ám ảnh bởi thiết bị điện tử được nêu trong đoạn trích: “Bạn hãy làm một cuộc cách mạng quyết liệt đi. Tắt ti-vi. Tắt điện thoại. Và bước ra ngoài trời”.

Câu 4: Theo anh (chị) để trở thành người sử dụng kết nối mạng thông minh chúng ta cần phải làm gì?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm) 

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc con người phải biết kết nối với vạn vật và thế giới xung quanh.

Câu 2: (5.0 điểm)

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,

Áo bào thay chiếu anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

(Trích Tây Tiến - Quang Dũng, Ngữ văn 12 tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr. 69-70)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ trên. Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để nhận xét về vẻ đẹp của con người Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước mất chủ quyền.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. Đọc hiểu

Câu 1: Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2: Những lợi ích nào khi “bạn đến những vùng thôn dã yên bình và gần gũi với thiên nhiên”: tập trung tốt hơn, nhớ lâu hơn và nâng cao khả năng nhận thức hơn.

Câu 3: Các em có thể đưa ra ý kiến đồng tình hoặc không đồng tình với quan điểm của tác giả nhưng phải lí giải hợp lí, thuyết phục. Có thể lựa chọn quan điểm đồng tình với giải pháp của tác giả vì:

- Đó là giải pháp đúng đắn, cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với những người bị ám ảnh bởi thiết bị điện tử.

- Chúng ta luôn lệ thuộc và bị ám ảnh bởi thiết bị điện tử sẽ không cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống thực, dần dần sẽ trở nên vô cảm với thế giới xung quanh.

- Nghiêm trọng hơn nhiều người có thể mắc chứng bệnh tự kỉ, cuồng online…

Câu 4: Gợi ý tham khảo:

- Cần phải biết sử dụng kết nối mạng để phục vụ cho cuộc sống và công việc bởi vì kết nối mạng là công cụ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Bởi, kết nối mạng đem đến cho chúng ta những lợi ích không nhỏ. Như: tìm được những thông tin hữu ích cho công việc và cuộc sống; thư giãn, giải trí; giao lưu, kết nối bạn bè…

- Tuy nhiên, đừng để kết nối mạng ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, đừng quá chú tâm, lệ thuộc vào thế giới ảo, cần chú ý đến các mối quan hệ trong đời sống thực, cần có những trải nghiệm thực tế và biết quan tâm đến những người xung quanh.

II. Làm văn

Câu 1: Dàn ý tham khảo

- Mở đoạn: Xác định vấn đề cần nghị luận: Con người phải biết kết nối với vạn vật và thế giới xung quanh.

- Thân đoạn: Triển khai vấn đề nghị luận

+ Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ con người cần kết nối với thế giới xung quanh để thấy được sự phong phú và giàu có cho cuộc sống.

+ Xuất phát từ thực tế thế giới ảo đang lấn át cuộc sống của mỗi con người.

+ Nhiều người đã và đang lệ thuộc vào các thiết bị điện tử mà quên đi cuộc sống thực.

=> Dẫn đến, con người thiếu kiến thức và kỹ năng thực tế; tâm hồn trở nên chai cứng, vô cảm, thiếu sự chia sẻ, đồng cảm…

+ Chỉ khi biết kết nối với vạn vật và thế giới xung quanh thì con người mới tìm được ý nghĩa của cuộc sống đích thực; tâm hồn trở nên phong phú và giàu có; biết trân quý cuộc sống…

- Kết đoạn: Vì vậy, mỗi cá nhân cần ý thức được sự cần thiết của việc kết nối với thế giới xung quanh; cần có những việc làm cụ thể để kết nối với mọi người và vạn vật xung quanh.

Câu 2: Gợi ý làm bài

1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và đoạn thơ:

- Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Đặc điểm hồn thơ: phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn, tài hoa.

- Tây Tiến tiêu biểu cho đời thơ, cho phong cách thơ Quang Dũng; một trong số tác phẩm thành công nhất viết về người lính trong thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ được viết vào cuối năm 1948 tại Phù Lưu Chanh. Cảm hứng thơ bắt nguồn từ nỗi nhớ da diết về đơn vị cũ (Tây Tiến).

2. Cảm nhận về đoạn thơ:

2.1. Cảm nhận chung:

- Đoạn thơ tập trung khắc tạc bức tượng đài nghệ thuật về người lính Tây Tiến với vẻ đẹp lãng mạn và tinh thần bi tráng - một vẻ đẹp mang đặc trưng riêng của người lính trong thơ Quang Dũng.

- Tác giả không miêu tả một gương mặt cụ thể mà khái quát chân dung cả một đoàn binh.

2.2. Cảm nhận cụ thể:

- Dáng vẻ, ngoại hình: kì dị, độc đáo, khác thường (kết hợp bút pháp hiện thực với lãng mạn để khắc họa: thủ pháp tương phản, ẩn dụ, lối nói tếu táo, trẻ trung đậm chất lính...). Nhà thơ không hề né tránh hiện thực chiến đấu gian khổ của đoàn binh nhưng đã lãng mạn hóa hiện thực. Hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên ốm mà không yếu, tiều tụy nhưng vẫn toát  lên khí chất hùng dũng, oai phong lẫm liệt.

- Thế giới nội tâm: sử dụng bút pháp tương phản trong ngôn ngữ và hình 0.5 ảnh thơ... làm nổi bật vẻ đẹp hào hùng, hào hoa của người lính Tây Tiến: Những anh hùng mạnh mẽ, dữ dội trong giấc mộng diệt thù, lập công cũng là những chàng trai với tâm hồn lãng mạn, đầy mộng mơ trong nỗi nhớ về Hà Nội, về một dáng kiều thơm.

- Sự hy sinh cao cả, bi tráng: Bút pháp hiện thực kết hợp với cảm hứng 0.5 lãng mạn khi nói về sự hy sinh của những chiến binh Tây Tiến khiến cho hình ảnh thơ bi mà không hề lụy, bi mà vẫn hùng tráng:

+ Hiện thực khốc liệt: không ít người đã nằm xuống nơi biên cương (Rải rác ... xứ; Áo bào ... về đất) nhưng nhờ việc sử dụng những từ Hán Việt cổ kính, trang trọng; cách nói giảm, nói tránh; biện pháp nhân hóa (Sông Mã gầm lên...) khiến đoạn thơ mang âm hưởng bi tráng.

+ Đồng thời, vẻ đẹp của lý tưởng sống cao cả: sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước khiến cho cảm giác bi thương mờ đi nhường chỗ cho cảm hứng ngưỡng mộ, ngợi ca, tôn vinh những người lính Tây Tiến anh hùng.

→ Viết về sự hy sinh mà Quang Dũng vẫn đem đến vẻ đẹp lẫm liệt, hào hùng và sang trọng cho những người lính Tây Tiến.

2.3. Đánh giá:

- Âm hưởng cổ kính, trang trọng; hình ảnh thơ vừa lãng mạn vừa hùng tráng; những biện pháp nói giảm, nói tránh, nhân hóa; ngôn ngữ đậm chất họa, chất nhạc, chất thơ... đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến với vẻ đẹp lãng mạn và bi tráng

3. Liên hệ với hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Từ ấy của Tố Hữu:

- Khi được ánh sáng của Đảng chiếu rọi, người chiến sĩ cách mạng say mê, hân hoan, vui sướng.

- Tự nguyện đứng vào hàng ngũ của những người lao khổ, đoàn kết, đấu tranh giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Kim Thành. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

ADMICRO
NONE
OFF