Ý nghĩa tiếng sáo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài thể hiện quan niệm, tư tưởng của tác phẩm. Tiếng sáo gọi bạn trong đêm tình mùa xuân được miêu tả với nhiều cung bậc, sắc thái thẩm mĩ khác nhau, chi tiết không chỉ có tác dụng đánh thức niềm khao khát sống trong tâm hồn tưởng như đã chai sạn của Mị mà còn góp phần cho ta hình dung được phần nào những hiểu biết sâu sắc của tác giả. Mời các em cùng tham khảo bài văn mẫu chi tiết dưới đây nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Vợ chồng A Phủ.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Tô Hoài và Vợ Chồng A Phủ
- Dẫn dắt chi tiết tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân
b. Thân bài:
- Tiếng sáo xuất hiện lần thứ nhất ở ngoài đầu núi “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi”
-> Ý nghĩa: Tiếng sáo đã đánh thức tâm hồn cô Mị bởi tiếng sáo “thiết tha bổi hổi” và cô đã “nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”
- Lần thứ 2: Tiếng sáo văng vẳng ở đầu làng “tai Mị nghe tiếng sáo văng vẳng đầu làng”.
-> Ý nghĩa: Tâm hồn cô Mị như được hồi sinh. Mị nhớ lại ngày xưa “Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”.
- Lần thứ 3: Tiếng sáo gọi bạn yêu lửng lơ bay ngoài đường:
“Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi”.
-> Ý nghĩa: Tiếng sáo đã giục giã cô Mị hành động. Mị muốn đi chơi “Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng rồi vẫn đi chơi ngày Tết huống chi Mị và A Sử không có lòng với nhau và vẫn phải ở với nhau”.Và cô Mị sửa soạn đi chơi “Mị quấn lại tóc, Mị với lấy cái váy hoa vắt ở trong vách”.
+ Khi Mị bị trói, tiếng sáo vẫn vang vọng: “Em không yêu quả pao rơi rồi/ Em yêu người nào, em bắt pao nào”
-> Ý nghĩa: Tiếng sáo vẫn thôi thúc tâm hồn Mị “đưa Mị theo những cuộc chơi, những đám chơi”.
- Cuối cùng: “Tiếng sáo, tiếng chó sủa xa xa”.
-> Ý nghĩa: Tiếng sáo như cũng đang lặng dần với tâm trạng khổ đau của cô gái Mèo đầy bất hạnh.
- Nhận xét, so sánh:
+ Điểm giống nhau:
- Nội dung: Cùng nói về âm thanh, sắc điệu của tiếng sáo trong sự cảm nhận của Mị vào đêm tình mùa xuân từ đó thể hiện sức sống tiềm tàng đang trỗi dậy trong tâm hồn của cô Mị.
- Nghệ thuật: Miêu tả chi tiết giàu hình ảnh, giàu sức gợi, dùng chi tiết ấy để miêu tả diễn biến tâm lí rất tinh tế của nhân vật.
+ Điểm khác nhau:
- Mỗi chi tiết xuất hiện trong hoàn cảnh cụ thể khác nhau thể hiện cho những cung bậc cảm xúc trong tâm trạng của cô Mị.
- Thể hiện tài năng của nhà văn trong việc miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật.
c. Kết bài:
- Khái quát về ý nghĩa tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy nêu suy nghĩ của em về ý nghĩa tiếng sáo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài dưới dạng một bài văn ngắn.
GỢI Ý LÀM BÀI
3.1. Bài văn mẫu số 1
Tô Hoài là một trong những nhà văn hiện thực lớn nhất của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Ông đi nhiều, trải nghiệm nhiều, với cảm quan hiện thực đầy tinh tế về cuộc sống đời thường tăng vốn hiểu biết giàu có về phong tục và đời viết không ngừng nghỉ đưa nhà văn Tô Hoài lên vị trí không thể nhầm lẫn, khó có thể thay thế. Vợ chồng A Phủ, một trong ba truyện in trong tập Truyện Tây Bắc, có thể nói là một tác phẩm xuất sắc bậc nhất của nhà văn Tô Hoài. Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ Tô Hoài không chỉ thành công ở việc khắc họa chân dung các nhân vật mà nhà văn còn có biệt tài trong việc xây dựng các chi tiết truyện rất đặc sắc. Trong đó, chi tiết tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân mang nhiều ý nghĩa.
Hình tượng tiếng sáo được nhắc đến nhiều lần: “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi…”. “Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng…”. “Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lơ lửng bay ngoài đường…”. “Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi,…”.
Trước hết, hình tượng tiếng sáo biểu hiện cho vẻ đẹp của phong tục, nét đẹp văn hóa người dân miền núi. Tiếng sáo mở ra một không gian xa xôi của núi rừng tây bắc. Tiếng sáo gọi bạn, gọi người yêu là nét đẹp văn hoá của người dân miền núi. Đó là biểu tượng cho tiếng gọi cuộc sống, tình yêu; nó đã lay gọi, khơi gợi lòng yêu đời, yêu cuộc sống tự do trong Mĩ. Tiếng sáo đại diện cho tài năng của con người. “Mị thổi sáo giỏi”, “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm để thổi sáo đi theo Mị”.
Hình tượng tiếng sáo còn giàu sức gợi khi nó mang lại sự hồi sinh trong tâm hồn nhân vật Mị. Trong gian buồng tối, tiếng sáo văng vẳng gọi dậy giác quan của Mỵ sau bao ngày sống không bằng chết. Mắt cô không còn thấy cái mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay nắng, mà biết đón nhận sắc màu tươi sáng của những chiếc váy hoa. Tai không còn nghe tiếng chân ngựa đạp vách mỏi mòn mà đón nhận những thanh âm vui tươi: tiếng chó sủa, nói cười…Thân xác rạo rực hơi men rượu ngô. Tiếng sáo cũng đánh thức tiềm thức của Mỵ, khiến nàng chợt nhớ, nhẩm thầm lời ca năm nào:
“Mày có con trai, con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai, con gái
Ta đi tìm người yêu”
Bài hát một thời con gái đắm say đã ngủ sâu trong khao khát, nay tìm về. Âm vang tiếng sáo còn giúp Mỵ “sống” lại với những kỉ niệm cơ hồ không mảy may biết đến khổ đau hiện tại. Nhận thức của Mị cũng trở về vẹn nguyên, tuổi trẻ Mị “ còn trẻ, trẻ lắm”, quyền sống tự do “ A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”. Đó là sự trói buộc sức sống, kìm hãm tuổi trẻ của cô. Tiếng sáo gọi dậy khát vọng mạnh mẽ, dẫn nàng tới chuỗi hành động: xắn miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn, hành động sửa soạn ngắn, nhịp nhanh, một loạt động từ “ quấn, với tay, xắn” thổi sinh khí cho nhân vật. Mị vùng bước đi khi chân tay bị trói bởi sợi dây nghiệt ngã của A Sử, tuy con chim chưa thoát khỏi lồng chật nhưng khát vọng vươn tới cao xanh. Tiếng sáo dìu Mỵ tham gia cuộc chơi ngoài đường nhộn nhịp, thức tỉnh mọi tri giác của Mỵ.
Hình tượng tiếng sáo được xây dựng sống động bởi ngôn từ mang đậm hơi thở cuộc sống, hình ảnh giàu sức gợi, cách dẫn truyện tự nhiên, khiến chữ chữ đứng trên trang giấy. Hình tượng đậm tô vẻ đẹp của con người lao động trong cơ cực vẫn mang tâm hồn trong sáng, giàu khát vọng, đồng thời giúp ta cảm nhận nét phong phú của văn hóa vùng cao và kết tinh tài năng tả cảnh, khắc họa tâm lý nhân vật tài tình. Truyện ngắn “ Vợ chồng A Phủ” quả thực vượt lên sự băng hoại của thời gian bởi những ý nghĩa hình tượng tiếng sáo mang lại.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Những đêm tình mùa xuân đã tới…
Sau những dòng hiện thực, trĩu nặng lòng trắc ẩn trước kiếp người nô lệ, nhà văn Tô Hoài chuyển sang ngọn bút bằng câu văn lãng mạn, mộng mơ ấy để mở đầu những phút trỗi dậy của sức sống tuổi trẻ trong tâm hồn cô Mị - nhân vật chính trong truyện “ Vợ chồng A Phủ”. Từ đó, biết bao câu chữ, bao chi tiết, hình ảnh thẩm mỹ cứ nối nhau tuôn chảy, cứ gọi nhau ngân vang. Trong những hình ảnh, chi tiết ấy, có lẽ nhà văn dụng công nhiều nhất khi miêu tả hình ảnh “tiếng sáo đêm xuân”. Chỉ đọc hơn hai trang truyện, tôi đã đếm được mười ba lần Tô Hoài nói đến tiếng sáo. Trong đó, có sáu lần tiếng sáo được đặc tả với những sắc độ âm thanh, những ngữ nghĩa và hiệu quả thẩm mỹ thật là sống động, phong phú.
“ … Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.
Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta chưa có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu…
Đấy là mấy giai điệu mở đầu của tiếng sáo. Nó từ xa vọng lại, nhưng nó thiết tha bổi hổi, nghĩa là nó thật gần gũi, da diết, khẩn cầu, nóng ấm một khát vọng được yêu, có người để yêu thương. Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi (ca dao). Vì thế,vừa nghe tiếng sáo, Mị đã nhẩm thầm được lời bài tình ca, trong đó hiển hiện một nghịch cảnh của cô gái đang khao khát hạnh phúc lứa đôi: Mày có. Ta không. Mày đi làm nương. Ta đi tìm người yêu. Nói khác đi, tiếng sáo mở đầu trong những đêm tình mùa xuân ấy là tiếng gọi của bạn bè. Nó có hai sắc độ thiết tha và bổi hổi, đã đánh thức tâm hồn đang yên ngủ, an phận, nó nhóm lên khát vọng đang lụi tàn trong ý nghĩ và tình cảm của Mị, người đàn bà từng có một tuổi trẻ biết yêu, được yêu và tràn đầy hạnh phúc.
Trước hết, chi tiết Tiếng sáo đêm tình mùa xuân là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo nhằm khám phá, thể hiện vẻ đẹp nhân vật và chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Tiếng sáo mùa xuân vốn là linh hồn của đời sống tinh thần vùng Tây bắc. Nó rất quen thuộc, gần gũi, không có gì mới lạ, đã được tác giả sử dụng hiệu quả linh diệu như chiếc móng vuốt của thần Kim Quy, như câu thần chú Vừng ơi của Alibaba vậy. Nhờ chiếc lẫy thần ấy mà cung nỏ nhà vua bắn một phát chết hàng vạn tên xâm lược; nhờ tiếng sáo đêm tình mùa xuân đó mà nhà văn mở được cánh cửa tâm hồn nhân vật Mị đã im ỉm khóa suốt bao nhiêu năm trời. Cứ nhìn cái dáng "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa", nhìn cái cách kéo lê tấm thân của Mị từ mùa này sang mùa khác, từ năm này sang năm khác làm việc như một cái máy, cứ nhìn cái sự đêm đến "Mị chỉ còn biết thức với lửa", đêm nào cũng vậy, dù cho có bị A Sử ngứa tay đánh đập hay có người chết ngay ở đó (không có phản ứng gì thì người ta chỉ có thể nghĩ rằng cô sẽ mãi câm lặng như tảng đá cho đến ngày chết rũ xương ở đây thì thôi.
Vậy mà từ khi nghe đầu núi lấp ló có tiếng sáo rủ bạn đi chơi của ai đó, "Mị lại thiết tha bồi hồi". Tâm hồn Mị bắt gặp tiếng sáo, đã bắt đầu cựa quậy, đã bắt đầu biết cảm nhận, đã xúc động. Đã sống lại thật rồi! Tiếng sáo mùa xuân nhẹ nhàng, mỏng tang, vu vơ mà thần diệu tựa thuốc thánh Cam lộ. Tưới đến đâu thì hồi sinh sự sống, tình yêu đến đó. Kìa, Mị đang "nhẩm thầm bài hát của người thổi sáo". Mị đang hòa lòng mình vào không khí mùa xuân tuổi trẻ của những cuộc chơi đánh pao, đánh quay. Mị đang sống với tâm trạng yêu đương trong những bài hát. Dòng nước mắt hiếm hoi đã len lỏi vào tâm hồn đang khô hạn nứt nẻ của Mị rồi thì lẽ nào không mở lòng?! Tiếng sáo mùa xuân đến và đã neo đậu luôn trong lòng Mị, rồi ám ảnh không rời: "Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng". Rồi như một phản ứng dây chuyền, đồng loạt cả một quá khứ của tuổi trẻ hiện về, Mị lại được sống đắm chìm trong thời tuổi trẻ đầy say mê của mình: "Mị thổi lá cũng hay như thổi sáo bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị". Tiếng sáo dập dìu thiết tha gọi ai đầu làng mà đánh thức cả một miền hồi ức, kỷ niệm ùa về tươi rói. Rồi tiếng sáo ngày một gần, ngày một da diết hơn; ngồi một mình trong xó bếp nhưng Mị nhận rõ "Tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường. Mị thấy phơi phới trở lại...". Mùa xuân đã thực sự về, xốn xang trong lòng: "Mị vui sướng như những đêm xuân ngày trước. Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi...". Rồi theo phép biện chứng của tâm hồn, cái hiện thực đầy say mê của quá khứ và tiếng sáo gọi bạn yêu kia đã trở thành thái cực tương phản của cảnh sống thực tại. Mị so sánh đối chiếu, soi xét lại cái hiện thực mà cô đã và đang phải sống, thấy nó thật phi lý, không thể chấp nhận. Tâm lý Mị nảy sinh một sự phản ứng bất ngờ mà thống nhất: Nghĩ đến nắm lá ngón. Nhìn ở góc độ sự sống cho thể xác, đây là một bước lùi, tiêu cực. Nhưng nhìn ở góc độ đời sống tinh thần, đây là một dấu hiệu đáng mừng ở Mị. Bởi vì đó chính là sự thức tỉnh đầy tính nhân văn: Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, thà chết trong một sự khẳng định quyết liệt ý nghĩa đúng đắn cuộc sống của mình còn hơn phải sống kiếp trâu ngựa suốt cả một đời. Nhờ tiếng sáo mùa xuân mà Mị có được sự thức tỉnh đó.
Chi tiết tiếng sáo cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo nên hơi thở miền núi cho truyện ngắn. Cũng nhờ có sự xuất hiện của âm thanh này mà các trang văn mà Tô Hòa xây dựng đẫm chất thơ. Tiếng sáo ấy quả là âm thanh gây nhiều ấn tượng không chỉ đối với các nhân vật trong truyện mà còn gây ấn tượng, hút người đọc mạnh mẽ.
Và để khắc họa nổi bật chi tiết trên, tác giả sử dụng ngôn ngữ đầy sức gợi, nhất là những từ láy liên tục biến đổi, gợi tả các sắc thái khác nhau của tiếng sáo: lấp ló, văng vẳng, lửng lơ, rập rờn. Qua cách diễn đại này độc giả dường như không phải tốn quá nhiều công sức để mường tượng thứ âm thanh ấy mà nó hiện hữu khá rõ nét, không chỉ tác động vào thính giác mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ đến thị giác.
Có thể thấy rằng, chi tiết tiếng sáo mặc dù là chi tiết nhỏ trong tác phẩm thôi nhưng cũng có vai trò tạo nên sự thành công khi xây dựng truyện ngắn “Vợ chồng A phủ” của nhà văn Tô Hoài. Nếu thiếu đi âm thanh này, truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” có thể sẽ mất đi khá nhiều sức lôi cuốn và tư tưởng của tác phẩm cũng đôi phần kém sâu sắc hơn.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024208 - Xem thêm